Đêm thứ 1: NGÔI NHÀ CÓ CON CHÓ MA

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Chạng vạng rằm tháng bảy năm ấy, trên con đường vắng vẻ, có một người đàn ông bước đi chậm chạp. Đã mấy ngày hôm nay, trời lúc nào đổ mưa tầm tã, cơn gió mùa đông bắc xuất hiện bất thường giữa mùa hè tựa hồ muốn xé toạc da thịt của người ta rồi thổi vào đó hơi lạnh đến thấu xương. Người đàn ông khẽ co mình trong tấm áo mỏng manh, hai tay ôm một bịch thịt vịt nướng còn nóng hổi, đương bốc mùi thơm phức. Nghĩ đến người ở nhà, bước chân của ông ta càng lúc càng đi nhanh hơn.
Căn nhà mái ngói màu đỏ nổi bật lên trong lùm cây xanh rì rậm rạp. Người đàn ông đẩy cửa bước vào, định bụng cất tiếng gọi nhưng bên trong im ắng không một tiếng động nào phát ra. Ngay cả tiếng đài radio thường ngày cũng không còn nữa. Linh tính có chuyện chẳng lành, ông rảo bước thật nhanh. Một cảnh tượng kinh hoàng bày ra trước mắt. Vợ của ông ta đã treo cổ chết trong nhà từ bao giờ. Thi hài của cô đung đưa trong cảnh tranh sáng tranh tối, giữa tiếng gió luồn qua khe cửa tao thành những âm thanh như người đang oán khóc. Người đàn ông đờ đẫn nhìn cái xác một lúc, rồi như sực nhớ ra, ông ta lập tức chạy ào ra ngoài tri hô. Tiếng kêu thất thanh làm cho vài người hàng xóm chú ý. Một nhà mở cửa, rồi hai nhà, ba nhà... chẳng mấy chốc mọi người đã đứng chật kín trong nhà ngoài ngõ. Việc vợ lão Bách treo cổ tự vẫn giữa nhà bỗng chốc trở thành sự kiện thu hút mọi sự chú ý của người trong thôn. Người ta kháo nhau rằng, cô vợ vì không sinh được con, nên suốt ngày ủ dột, cuối cùng nghĩ quẩn mà tự tử trong nhà. Vài người già trong thôn khuyên ông ta không nên làm tang sự to tát làm gì, chỉ khâm liệm, đặt trong quan tài rồi đem đi chôn là đủ.

Ban đầu lão Bách không đồng ý, nhưng rồi cũng nghe theo. Người ta đứng ngóng chuyện nhà lão, rồi lại xì xầm to nhỏ với nhau. Họ bảo rằng, căn nguyên của sự việc ngày hôm nay, âu cũng là bắt nguồn từ thời của ông nội lão Bách. Người trong thôn ai cũng biết, căn nhà mà lão đang ở dưới nền đất có chôn thi hài một con chó già rất khôn. Con chó ấy đã từng lên cơn dại rồi chết, đấy là ông nội của lão Bách nói thế. Ông nội của lão Bách  thương con chó già gắn bó mười mấy năm, cho nên không nỡ đem nó đi hỏa thiêu. Nhưng có người lén nhìn trộm thì thấy con chó bụng căng phồng, miệng chẳng hề chảy dớt dãi như những con chó mắc bệnh dại. Rồi không biết người khác nói chôn chó đen trong nhà để trấn yểm, từ đó mà ma quỷ không dám lại gần. Thế là ông cụ đào một cái huyệt dưới nền nhà rồi trám lại bằng xi măng như cũ. Điều kỳ lạ vẫn chưa dừng ở đó. Sau khi chết, con chó già năm nào thường xuất hiện rồi lảng vảng quanh nhà vào những đêm trăng sáng. Cũng vì thế mà không ai dám bén mảng lại gần.
Trẻ con hàng xóm đá banh ở bãi đất trống bên cạnh, rủi trái banh có rơi vào sân, cũng không dám chạy vào sân để lấy lại, chúng sẽ vội vàng bỏ đi ngay lập tức. Có vài người họ hàng nhà lão Bách tới chơi, khi ngủ lại thì đều gặp ác mộng. Trong mơ họ thấy bóng dáng một con chó đi đi lại lại, hai chân trước của nó chống vào cây gậy, đứng bằng hai chân sau như người, đầu đội cái nón đã rách nát tả tơi. Khi người ta chưa kịp phản ứng ,con chó sẽ bất thình lình nhảy phốc lên người, thè cái lưỡi đỏ hỏn đầy dớt dãi dí sát gần mặt, ngửi ngửi rồi gầm gừ.

Ông nội lão Bách linh tính có chuyện chẳng lành, cho nên thuê người đến để đào đất tìm lại hài cốt con chó. Ấy thế mà, hai người thợ loay hoay cả buổi sáng cũng không thấy thi hài con vật ấy đâu. Rõ ràng chỉ mới chôn có vài tháng, dù cho thịt phân hủy hết vào trong đất thì cũng phải còn xương. Đằng này, tìm tới tìm lui chẳng thấy gì, cứ như thể ông cụ kia chưa từng táng con chó. Câu chuyện kì lạ này khiến cho ông nội lão lo lắng lắm, bèn đi khắp nơi để tìm câu trả lời, nhưng chẳng ai biết cả. Người trong thôn đặt cho nhà ông cụ một cái biệt danh rất quái dị - nhà có con chó ma.
Rằm tháng bảy năm ấy, ông cụ đột ngột qua đời. Vào cái đêm ông mất, người trong thôn còn có nghe thấy từ trong nhà phát ra một tràng chó sủa rất vang, phải hơn mười phút sau mới hết. Ai cũng bảo rằng, cái chết của con chó năm xưa có vấn đề, cho nên nó mới trở thành ma để ám người chủ đến vậy. Người ta kháo nhau vậy thôi, chứ chẳng thể biết được vào cái đêm rằm tháng bảy ấy đã xảy ra chuyện gì quái dị. Bàn tán suốt mấy ngày, cuối cùng người trong thôn cũng cảm thấy chán. Thời gian trôi đi, bốn mùa xuân hạ thu đông vẫn luôn luân chuyển, tuần hoàn. Mưa đổ, sương rơi, hoa tàn, lá rụng trên mái nhà cũ kỹ. Chẳng còn ai nhớ đến ông cụ già cả cùng con chó ma thường xuyên xuất hiện trong sân vào những đêm trời không trăng nữa. Cho đến một ngày nọ...

Một ngày đầu tháng bảy trời mưa tầm tã, gia đình người con trai độc nhất của ông cụ quay trở về. Người con trai tên là Phạm Văn Bằng vốn làm nghề thầy lang, sống cùng vợ và con trong một căn nhà nhỏ ở thị trấn cách thôn không xa. Không biết vì lý do gì, mà cả gia đình lại trở về căn nhà xưa cũ đã bỏ không rất nhiều năm. Hai vợ chồng đã luống tuổi, còn cậu con trai thì mới học cấp hai, đó cũng chính là lão Bách sau này. Cả gia đình chẳng giao du qua lại với ai, thỉnh thoảng người ta vẫn thấy ông bố vác ba lô chứa đầy thuốc đi ra bên ngoài mấy hôm, ai hỏi thăm ông ta cũng chỉ nói rằng ấy là thuốc chữa bệnh đau răng, người quen nhờ bốc cho một phòng mạch. Nghe ông bố nói vậy, cũng chẳng ai hỏi thêm gì nữa. Thực ra, điều mà người trong thôn ngóng nhất, ấy chính là rằm tháng bảy năm ấy con chó ma có xuất hiện hay không. Tâm trạng ấy khiến người ta thấp thỏm, đợi chờ.
Đêm hôm ấy trăng sáng lắm, mấy người đàn ông trong thôn ngồi trên chõng tre để uống rượu, thỉnh thoảng lại nhìn sang bên nhà ông Bằng để nghe ngóng. Chờ đến hơn mười giờ đêm, nhà ông Bằng đã tắt đèn đi ngủ mà vẫn chẳng thấy gì, cả đám tiu nghỉu đành giải tán cuộc vui, ai về nhà nấy. Ấy vậy mà chưa ngủ được bao lâu, vào lúc nửa đêm, trời bỗng dưng đổ một trận mưa to như trút nước. Người trong thôn nghe thấy từ nhà của ông Bằng có tiếng hét ầm ĩ, rồi tiếng chó sủa inh ỏi, hòa vào làn mưa tầm tã. Bà Mệ vốn sống một thân một mình bên cạnh nhà ông Bằng, nghe thấy tiếng chó sủa khiến bà giật mình tỉnh giấc. Bà luống cuống ngồi dậy, từ trong màn nhìn ra ngoài cửa sổ nghe ngóng. Nhà ông Bằng bây giờ đèn đóm sáng choang, bên trong có tiếng trẻ con khóc, cùng tiếng người nói lao xao. Cơn tò mò dâng lên cực điểm, bà Mệ vén màn bước ra bên ngoài ngóng sang nhà hàng xóm. Nhờ ánh đèn từ bên trong nhà hắt ra, bà Mệ nhìn thấy bà vợ lão Bằng đang ôm đứa con khóc ngằn ngặt trên tay, riêng ông chồng của bà ta thì cầm bó nhang bốc cháy nghi ngút đi đi lại lại, tiếng chó vẫn vang lên không dứt.

Trong lòng bà Mệ dấy lên một dự cảm bất an, bà run rẩy bước trở lại bên trong nhà, chui vào trong chăn nằm im không dám cựa quậy. Không khí quỷ dị đêm nay khiến cho bà nhớ đến một chuyện hồi còn nhỏ. Bà Mệ vốn sinh ra tại một làng chài nghèo xơ nghèo xác. Một ngày nọ, có người họ hàng ở sát vách nhà bà được một ông thầy bói mách cho một cách làm bùa cầu được ước thấy. Ban đầu người họ hàng kia tỏ ý không tin, nhưng sau đó một thời gian, gia đình người này bỗng giàu lên trông thấy. Không những bắt được tôm cá nhiều hơn hẳn người bình thường, mà khách mua cũng chấp nhận trả giá cao hơn nhiều lần. Người họ hàng kia phát giá bán thế nào, khách mua đều gật đồng đầu ý mà chẳng hề thắc mắc. Cũng nhờ thế mà người họ hàng kia giàu lên mấy chốc. Những người trong phường chài lưới lấy làm lạ về điều này lắm. Ví như người kia chủ động hạ giá thấp để lôi khéo khách thì ngư phường sẽ phạt vạ, nhưng đằng này ông ta nâng giá cao vô tội vạ mà khách vẫn kéo về nườm nượp, chỉ mua hàng của ông ta thì quả là kỳ lạ. Một đồn mười, mười đồn trăm, cả làng chài đều nói rằng họ hàng của bà Mệ có bùa ngải chiêu tài, tiếp lộc. Thế là họ cũng kéo nhau đi cúng bái, thậm chí có người còn đến nhà để hỏi thăm về thứ bùa ngải kỳ lạ ấy. Họ hàng nhà bà Mệ chẳng nói gì, chỉ cười cười rồi lảng sang chuyện khác.

Vài năm sau, người họ hàng qua đời. Trước khi chết, người này sùi bọt mép, hai tay hai chân chống xuống đất miệng chảy dớt dãi giống hệt như con chó lúc mắc bệnh dại. Vợ con người kia khóc lóc tìm đủ mọi cách chạy chữa nhưng chẳng hề thuyên giảm. Vào đúng tiết vu lan, người họ hàng đột ngột qua đời, trước khi chết mấy ngày, ông ta bị cấm khẩu, chẳng thể nói, cũng chẳng ăn được thứ gì, chỉ lấy lưỡi liếm nước giống như chó. Chính mắt bà Mệ đã nhìn thấy, ông ta ngồi chồm hỗm, nhìn ánh trăng rằm sáng vằng vặc, rùng mình một cái rồi lăn ra chết, lưỡi vắt sang một bên, cái miệng thâm tím lại méo xệch. Mẹ của bà Mệ sợ con bị nhiễm tử khí, vội vàng kéo bà vào trong buồng, cấm tiệt không cho ra ngoài lúc người họ hàng kia chưa nhập quan. Cả làng chài nghèo ai cũng rùng mình về cái chết kỳ lạ ấy. Ai cũng cho rằng, con ma chó đã nhập vào người kia, bắt ăn uống như một con chó, sống như một con chó, rồi chết cũng giống như... một con chó. Có lẽ cũng vì tin điều ấy mà vợ con người kia sau đó cũng bỏ đi biệt xứ.

Những năm sau này, cứ hễ đến rằm tháng bảy là người ta lại nghe thấy tiếng chó sủa vang lên ở căn nhà đã bỏ hoang của người họ hàng kia, điều ấy trở thành nỗi ám ảnh của bà Mệ suốt thời thơ ấu. Thế nên, bà có nằm mơ cũng không thể tin được, khi bước vào cái tuổi xế chiều, bà lại sống bên cạnh ngôi nhà có tiếng chó ma sủa thâu đêm như thế.

Sáng hôm sau, người trong thôn tụ tập đến nhà lão Bằng rất đông. Ngoài mặt thì gọi là hỏi thăm, nhưng kỳ thực chỉ là để nghe ngóng cho thỏa mãn sự hiếu kỳ. Nhưng trời chẳng chiều ý người, nhà ông Bằng đã rời đi lúc nào. Một người đi trực ban đêm về kể lại, rạng sáng người ta thấy ông Bằng mặc áo mưa, chạy chiếc xe máy, chở theo sau vợ con, phóng đi vội vã dưới mưa. Người trong thôn chưng hửng, dù không thể tận mắt chứng kiến điều gì, nhưng họ đều biết rằng... đêm qua con chó ma lại trở về.
________________________________
Phải tới một tuần sau, ông Bằng quay trở lại nhà chất đồ đạc lên xe rời đi trong vội vã. Trước khi đi còn không quên treo một tấm bảng ghi dòng chữ “cho thuê nhà” ở trước cánh cửa sắt đã cũ mèm. Bà Mệ nhìn tấm bảng rồi thở dài, trong lòng thầm đoán rằng chẳng có người khách nào thuê căn nhà ma quái này. Chẳng biết tiên đoán của bà Mệ có đúng hay không, nhưng tấm bảng cứ treo chơ vơ ở cửa, mặc kệ nắng mưa, cứ như thể nó đang chờ đợi một người nào đó.

Cuối tháng sáu âm lịch năm sau, tức là gần tròn một năm kể từ ngày nhà lão Bằng rời đi trong đêm cô hồn mưa gió, bà Mệ thấy lão trở về cùng với một đôi vợ chồng còn rất trẻ. Lão Bằng đã già đi trông thấy, người gầy rộc đi như kẻ bị bệnh nằm liệt giường lâu ngày. Khi lão đang nói chuyện với đôi vợ chồng kia, chợt nhìn thấy bà, lão gật đầu thay cho lời chào hỏi. Người trong thôn tò mò kiếm cớ đi ngang qua rồi ngó vào xem. Lão Bằng cho đôi vợ chồng kia thuê với giá rất rẻ, đoạn đường trước cửa nhà lão lại vừa mới sửa sang lại nên trông diện mạo cũng sáng sủa hơn hẳn bình thường. Đôi vợ chồng lập tức đồng ý ngay, họ nhanh chóng ký giấy tờ cho thuê rồi giao tiền, nhận chìa khóa cửa, hẹn ngày chuyển đến.

Phải đến giữa tháng sau, tức là gần đến ngày rằm tháng bảy, người trong thôn mới thấy đôi vợ chồng kia lái xe ô tô đi tới. Họ dọn dẹp mất mấy ngày, khi dọn vào nhà cũng là đúng đêm vu lan. Ai cũng bảo họ gan quá, vì chẳng ai lại chuyển nhà vào tháng âm hồn thế này. Anh chồng tên Minh thì gạt đi, bảo rằng mình không tin chuyện quỷ thần. Cô vợ tên Phương Anh thì chỉ im lặng mà chẳng nói gì thêm. Về nhà mới, hai vợ chồng cũng bày biện lễ cúng rồi mời ở đâu một vị thầy chùa đến cúng nhập trạch. Nào ngờ, sư thầy vừa đến đã vội vã ngồi xuống niệm Phật. Hai vợ chồng chú Minh chẳng hiểu gì, nhưng cũng không dám hỏi han. Niệm Phật xong xuôi, sư thầy mới cất giọng ôn tồn:

“Cô chú thuê căn nhà này e rằng không ổn. Nơi này âm khí rất nặng, ở nhà này có vong chó đã thành tinh. Nó bị chết oan, khi chết trong bụng lại đang mang thai nên oán khí càng nặng. Người nào ở trong ngôi nhà này, nhẹ thì bị trêu chọc, trẻ con khóc ngằn ngặt, nặng thì...Tôi khuyên vợ chồng chú không nên ở căn nhà này. Chuyển nhà đi là hơn.”

Sư thầy bỏ dở câu nói, điều này khiến vợ chồng chú Minh nhìn nhau ngần ngại. Cả hai dù không tin chuyện quỷ thần đến đâu, cũng không thể nào bỏ ngoài tai lời của vị sư già, thế nên đành ở tạm ít hôm rồi chờ tìm một căn nhà khác, chấp nhận mất đi tiền đặt cọc. Việc tìm nhà mới còn chưa kịp tiến hành, nào ngờ ngay đêm hôm ấy cô Phương Anh bị vong nhập. Hai chân hai tay chống xuống đất, lồm cồm bò trên sàn nhà, miệng chảy đầy dãi. Bà Mệ nghe tin như thế, vội vàng chạy sang giúp đỡ. Bà cầm một cành dâu, tẩm nước tiểu của thằng bé con nhà hàng xóm rồi vụt lấy vụt để vào người phụ nữ đang dớt dãi đầm đìa. Khi hàng xóm nghe tiếng động kéo đến thì đã thấy cô Phương Anh nằm gục giữa nhà, mê man, bất tỉnh. Hai hôm sau, vợ chồng chú Minh sang cảm ơn bà Mệ rồi vội vàng rời đi, trả lại căn nhà cho lão Bằng. Căn nhà lại càng trở nên hiu quạnh hơn trước.
__________________________________
Mãi về sau này, trong một lần về thăm quê, gặp lại đứa con của người họ hàng năm xưa, bà Mệ mới biết nguyên nhân cái chết quỷ dị liên quan tới ma chó. Thì ra năm ấy, gia đình người họ hàng vì không chịu nổi cảnh nghèo, quanh năm lênh đênh trên biển mà chẳng đủ ăn, nên mới đi tìm một người chuyên làm bùa ngải để nhờ giúp đỡ. Không biết người làm bùa ngải ấy thân thế như thế nào, chỉ biết rằng, người họ hàng kia gặp thầy bùa ngải khi đang lững thững đi trên bờ biển. Ông thầy vừa nhìn đã biết người này muộn phiền về tiền bạc, liền nói bâng quơ nếu muốn thoát nghèo thì đến gặp ông ta ở cánh rừng thông trồng để chắn sóng. Người họ hàng nhà bà Mệ bán tín bán nghi, ban đầu chỉ coi ông thầy là phường lừa đảo, nhưng khi về nhà thấy chủ nợ đến xiết đồ đạc trong nhà mình, bèn tức tốc đi tìm gặp người kia như chỉ dẫn.

Vào những lúc cuối đời, người họ hàng mới nói cho con trai của mình. Lão thầy bùa ngải kia chỉ dẫn một cách để chiêu tài tiếp lộc rất quái dị. Ấy là phải hiến con vật nuôi mình yêu thích nhất, nếu không có thì phải tìm cách ăn trộm một con chó, hoặc con mèo để mổ bụng, moi lục phủ ngũ tạng rồi nhét vào bên trong bụng nó chỉ ngũ sắc, một tấm vải thấm máu của mình. Sau đó chôn xuống dưới nền nhà, hoặc góc sân. Điều quan trọng cần phải nhớ là: Tuyệt đối không được để cho ai nhìn thấy, nếu không thì sẽ bị bùa phản phé. Người họ hàng kia đi bắt trộm một con chó về, đập thật mạnh vào đầu cho nó chết, rồi tiến hành làm theo như những gì hướng dẫn. Sự việc sau đó thì người trong làng chài ai nấy cũng đều biết cả. Gia đình người này trở giàu có, nhưng cũng từ đó mà lụn bại, chung quy cũng chỉ vì con chó đã thành tinh. Lần này con trai của người kia về lại căn nhà cũ để tìm kiếm tung tích lão thầy bùa năm xưa, dù biết rằng hy vọng rất mong manh.

Bà Mệ nghe đến đâu thì lạnh người đến đó. Vì nếu theo những gì mà con trai người kia nói, thì rất có thể cha ruột của lão Bằng đã gặp thầy bùa ngải kia, và cũng đã từng giết chó. Bà đi đi lại lại trong nhà, lòng suy nghĩ rất mông lung. Vì mọi thứ, dẫu sao cũng chỉ là phỏng đoán của bà. Nhưng nếu biết mà không nói, để cho người ta chết trước mặt mình thì bà lại không đành lòng. Cuối cùng, bà Mệ quyết định sẽ nói hết những gì mình đã biết với lão Bằng, còn giải quyết như thế nào là do lão.

Mấy ngày sau, bà từ quê trở về nhà, vừa hay gặp lão Bằng đang lúi húi dọn dẹp ngoài cửa. Sau vài câu xã giao, bà Mệ mới ngó nghiêng xung quanh để xem có ai nghe lén hay không, rồi mới thì thào nói với lão những điều mình biết. Tưởng đâu ông Bằng sẽ để tâm, nào ngờ ông ta chỉ nói:

“Đúng là ông cụ nhà em có chôn một con chó dưới đất. Nhưng việc ông cụ có làm bùa ngải hay không, cái này không thể kiểm chứng được nữa. Bác nói thế này.... thật khó cho em quá.”

Bà Mệ lắc đầu:

“Tiếng chó sủa inh ỏi suốt đêm. Bóng dáng nó xuất hiện vào những đêm rằm tháng bảy, đứng bằng hai chân, chống gậy đội nón, chú không thấy biểu hiện quá rõ ràng hay sao? Nếu không giải quyết dứt điểm chuyện này, chú không thể cho thuê căn nhà này, mà chưa biết chừng trong nhà cũng gặp chuyện không may. Chú nghĩ xem có phải không?”
Thấy lão không nói gì, bà lại tiếp tục:

“Việc làm bùa vốn dĩ phải hết sức bí mật. Người trong thôn này có thể biết ông cụ nhà chú giết con chó già nuôi nhiều năm. Điều đó có nghĩa là việc làm bùa đã bị lộ. Ông cụ chết là do bùa ngải... Chú ơi! Chú phải liệu đấy!” Những lời cuối cùng bà Mệ nói bằng giọng tha thiết, tựa hồ bà đã dốc hết lòng cho người hàng xóm tối lửa tắt đèn. Nào ngờ, lão Bằng lắc đầu rồi nói vài câu vô thưởng vô phạt, cuối cùng bước vào bên trong nhà. Ý của lão ta đã rất rõ, ông không muốn nghe bà Mệ thêm nữa.

                           ___________________
Mấy năm sau, bà Mệ già nua bệnh tật rồi cũng nhắm mắt xuôi tay. Lão Bằng cũng qua đời vào năm 62 tuổi. Người ta bảo, đến tuổi đó là đại hạn lớn nhất cuộc đời, ai không qua nổi thì đều vong mạng. Ngày lão Bằng chết, con trai lão cũng vừa tốt nghiệp đại học. Đêm trước ngày đưa lão Bằng đi hỏa thiêu, những người trong đám ma ai cũng thấy tiếng chó sủa inh tai trên mái nhà dội vào đến nhức óc.

Sau tang lễ, vợ con lão Bằng cũng rời đi nơi khác, thỉnh thoảng mới về để cúng cô hồn vào đêm rằm tháng bảy, hoặc cúng tất niên vào dịp cuối năm.
Mấy mươi năm sau, con lão Bằng là lão Bách, vì làm ăn thua lỗ nên đành phải về căn nhà có con chó ma. Đi cùng lão là người vợ kém lão gần mười tuổi. Cả hai người sống với nhau nhiều năm mà không có con. Cho đến khi người ta khám nghiệm thi hài mới phát hiện rằng bà vợ lão Bách lúc ấy đang mang thai, không có cớ gì lại tự vẫn như thế cả. Điều kinh hoàng hơn nữa, trên mặt đất chỗ vợ lão treo cổ, xuất hiện toàn chân chó. Lúc biết tin cái thai trong bụng vợ, lão Bách quỳ trước sân mà khóc.
                             ___________________
Căn nhà có con chó ma cho đến giờ vẫn còn, nằm sâu trong một huyện nhỏ của tỉnh Cao Bằng. Cứ vào đêm rằm tháng bảy, người trong làng lại bật đèn sáng chưng trước cửa nhà, không ai dám bước chân ra ngoài đường, tất cả đều nằm im chờ trời sáng. Tiếng chó sủa sẽ bắt đầu vang lên từ lúc nửa đêm, đến hơn ba giờ sáng thì dừng. Bí mật về gã đàn ông chỉ dẫn làm bùa từ việc giết chó, mãi sau này mới có người khám phá được.
                            .....................................
                             Hết đêm thứ nhất.
Đêm thứ hai: Ngôi mộ màu xanh lam

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro