Chương I: Hai thế giới

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Hai thế giới hòa lẫn vào nhau ở đó;

ngày và đêm tiến đến từ hai đầu cực đối lập.

       Tôi sẽ bắt đầu câu chuyện của mình bằng một chuyện xảy ra khi tôi lên mười tuổi. Lúc đó, tôi đang theo học ở một trường Latin trong thị trấn nhỏ của chúng tôi.

       Mọi cảnh tượng và mùi hương như trỗi dậy trong lòng tôi, chạm vào khiến tôi vừa nhức nhối vừa rùng mình vui sướng - những con đường có tối tăm, có sáng sủa, nhà cửa và đài tháp, đồng hồ điểm chuông từng tiếng, khuôn mặt của mọi người, những căn phòng chật ních các tiện nghi ấm áp và dễ chịu, những gian buồng đầy ắp bí mật và nỗi sợ ma quỷ ghê gớm. Đấy là thứ hương thơm của không gian ấm cúng, của những chú thỏ và các cô hầu gái, của những viên thuốc gia dụng và hoa quả sấy khô. Hai thế giới hòa lẫn vào nhau ở đó; ngày và đêm tiến đến từ hai đầu cực đối lập.

       Một thế giới là ngôi nhà của bậc phụ huynh, nhưng thực tế nó còn nhỏ hẹp hơn nữa, chỉ bao gồm cha mẹ tôi. Tôi hiểu rõ toàn bộ thế giới này: tên của nó là Cha Và Mẹ, nó là tình yêu thương và những luật lệ nghiêm khắc, là giáo dục và những hành vi gương mẫu. Những thứ thuộc về thế giới này là ánh sáng lan tỏa dịu dàng, sự trong trẻo và sạch sẽ, những cuộc đối thoại lặng lẽ và thân thiện; những bàn tay đã rửa ráy, quần áo tươm tất, những hành vi chuẩn mực. Ở đây, sáng sớm người ta hát thánh ca, lề thói Giáng sinh được gìn giữ. Trong thế giới của những đường và lối thẳng tắp dẫn tới tương lai này có nghĩa vụ và phận sự, lương tâm xấu xí và những lời thú tội, sự tha thứ và những hướng đi tốt đẹp, tình yêu và lòng tôn trọng, trí tuệ và những câu ngạn ngữ Kinh thánh. Bạn phải bám theo thế giới này để cuộc đời bạn có thể được trong sạch và thuần khiết, đẹp đẽ và hài hòa.

       Trong khi ấy, thế giới còn lại cũng đang ở ngay đó, ngay giữa ngôi nhà của chúng tôi và hoàn toàn khác biệt: nó mang một mùi hương khác, cất tiếng theo một cung cách khác, hứa hẹn và đòi hỏi những thứ vô cùng khác biệt. Trong thế giới thứ hai này, có những cô hầu gái và những người làm công lang bạt, những câu chuyện ma quỷ và tai tiếng ồn ào, một tổ hợp màu mè những thứ gớm ghiếc, đầy cám dỗ, kinh hãi và bí ẩn như lò mổ, nhà tù, những tên bợm nhậu và các bà thím cãi cọ, bò đẻ con, ngựa què chân; cùng vô vàn câu chuyện trộm cắp, giết người, tự tử. Tất cả những thứ xấu xí, tồi tệ, hoang dại và tàn khốc này đều tồn tại ở mọi nơi - ở con phố kế bên, ở mái nhà sát vách. Cảnh sát và ăn mày chạy lông nhông, bọn say xỉn đánh vợ, hàng dài thiếu nữ ào ra khỏi các nhà máy sau giờ làm, mấy bà cô già có thể yểm bùa khiến bạn đổ bệnh, từng đám cướp sinh sống trong bìa rừng, những kẻ phóng hỏa bị cảnh sát địa phương bắt giữ - thế giới thứ hai hùng mạnh này tràn ra ở khắp mọi nơi, trừ những căn phòng trong nhà chúng tôi có sự hiện diện của Cha Và Mẹ. Và thế cũng tốt. Thật tuyệt vời làm sao, trong nhà chúng tôi có hòa bình, sự êm ả và trật tự, nghĩa vụ và lương tâm, lòng nhân từ và tình yêu - và tuyệt vời làm sao khi mọi thứ còn lại cũng tồn tại, tất thảy những thứ ồn ã và inh tai, tam tối và bạo lực, mà bạn hoàn toàn có thể thoát khỏi chúng chỉ bằng một bước chạy hướng về phía Mẹ.

       Điều kỳ lạ nhất là hai thế giới đó tiếp xúc với nhau, chúng gần gũi nhau đến thế! Ví như cô hầu gái Lina của chúng tôi, khi chị ta ngồi bắt đôi tay vừa rửa sạch sẽ lên chiếc tạp dề đã vuốt thẳng thớm trên đùi, cầu nguyện cạnh cửa phòng khách và góp giọng ca tươi trẻ vào bài hát của chúng tôi, chị ta hoàn toàn thuộc về Cha Và Mẹ, thuộc về chúng tôi khi đang sống trong thế giới của áng sáng và sự thật. Giây phút ngay sau đó, trong nhà bếp hay chuồng ngựa, khi chị ta kể cho tôi nghe về gã đàn ông nhỏ thó không đầu, hay những vụ đánh nhau với mấy ả hàng xóm ở quầy bán thịt, chị ta lại là một người khác và là một phần của thế giới kia, bị bao phủ trong màn bí ẩn. Tất cả mọi người đều như vậy, nhất là chính tôi. Dĩ nhiên tôi cũng là thành phần của thế giới sáng chói và thành thực - tôi là con của cha mẹ tôi - nhưng, mỗi khi tôi quay mắt nhìn hoặc vểnh tai nghe, thế giới kia vẫn luôn ở đó. Và, tôi cũng sống trong cả thế giới kia, dù tôi thường cảm giác mình không thuộc về nó, về vương quốc kinh hãi của nỗi sợ và tín ngưỡng. Đôi lúc tôi lại khoái thế giới cấm kia hơn, và khi quay về với ánh sáng, dù ánh sáng có tốt đẹp và cần thiết đi chăng nữa, tôi cảm thấy dường như mình quay lại với một thứ kém đẹp đẽ, kém hứng khởi, hoang vắng và ảm đạm hơn. Có lúc tôi biết rằng, mục tiêu trong đời của tôi là trở thành một người giống như cha và mẹ tôi: thật sáng láng và thuần khiết, thật giỏi giang và hòa thuận. Nhưng để đạt tới được mục tiêu đó thì phải đi qua một chặng đường rất dài, thay vì trong hành trình bạn phải ngồi im lặng trên ghế nhà trường, học tập, thi cử và đỗ đạt, bạn có thể chọn con đường chạy ngang qua thế giới tối tăm kia, thậm chí là xuyên hẳn qua, nhưng việc lưu luyến hay chìm đắm trong thế giới kia là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Đã có rất nhiều câu chuyện kể về những cậu bé lạc lối, những đứa con hoang đàng (2. Đứa con hoang đàng: Câu chuyện Jesus kể trong sách Phúc Âm Luke 15:11-32 - người con trai trở về nhà sau khi tiêu xài hoang phí toàn bộ tài sản của mình.), tôi đọc về chúng một cách khát khao. Sự trở về với người cha, với những điều tốt đẹp luôn là một sự giải phóng vĩ đại trong những câu chuyện đó - tôi hoàn toàn nhận thức được rằng đấy là kết quả đúng đắn, tốt đẹp và đáng mong đợi nhất; nhưng phần kể về những linh hồn lầm lạc và bị quỷ dữ xâm chiếm lại là phần thú vị nhất, và giá mà có thể thú nhận rằng, đôi khi thật đáng tiếc khi linh hồn lầm lạc bị tìm thấy và phải ăn năn. Nhưng bạn không thể nói ra điều ấy, thậm chí còn không được phép nghĩ về nó. Nó chỉ đơn giản là hiện diện ở đó, một linh cảm hoặc một khả năng được chôn vùi sâu thẳm dưới tầng tầng cảm xúc của bạn. Khi tôi tưởng tượng về ác quỷ, tôi có thể thấy hắn ta rõ mồn một trên đường phố dưới chân đồi, có thể đang đội lốt ngụy trang hoặc không, hoặc ở hội chợ, hoặc trong quán rượu - nhưng không bao giờ ở trong nhà chúng tôi.

       Các chị em gái của tôi cũng thuộc về thế giới sáng sủa. Tôi thường cảm thấy họ sinh ra đã giống Cha Và Mẹ hơn tôi - ngoan ngoãn hơn, hoàn hảo hơn, tốt đẹp hơn. Họ có khuyết điểm và các thói hư, nhưng tôi cảm giác đều là những điều vụn vặt. Không giống tôi, tôi dường như ở gần với thế giới bóng tối hơn, mỗi sự tiếp xúc với ác ma đều đớn đau và gian khổ. Các chị em, họ giống như cha mẹ, đều nhận được sự chăm sóc và tôn trọng, mỗi khi gây gổ với họ lương tâm của tôi đều mách bảo mình là kẻ xấu, là kẻ cần phải cầu xin sự tha thứ, vì làm phật lòng các chị em cũng là phật lòng cha mẹ, phật lòng những hình tượng quyền uy thánh thiện. Có những bí mật tôi thà chia sẻ với bọn lưu manh tệ hại nhất trên phố không chút do dự, còn hơn là phải kể với các chị em của tôi. Vào những ngày đẹp trời, khi không khí tươi sáng và lương tâm của tôi đang trong trẻo, tôi sẽ hân hoan chơi đùa cùng với chị em mình, sẽ hành xử ngoan ngoãn với họ và tự khiến mình hiện lên trong ánh sáng cao quý, tốt đẹp. Cuộc sống của một thiên thần chắc cũng chỉ vậy mà thôi! Đó là hình tượng cao nhất mà chúng tôi có thể hình dung, và chúng tôi đã nghĩ rằng nếu được làm thiên thần thì sẽ tuyệt vời và ngọt ngào biết chừng nào, được bao bọc bởi thứ âm thanh rạng rỡ, trong veo, tỏa mùi thơm như Giáng sinh và hạnh phúc. Nhưng những ngày tươi đẹp ngắn chẳng tày gang! Bao nhiêu lần, kể cả khi đang chơi một trò vô hại, được cho phép nào đó với các chị em, tôi lại chơi bằng quá nhiều đam mê và sức lực, dẫn tới các tai nạn, hoặc các trận đánh nhau. Khi sự giận dữ cùng phẫn nộ bủa vây lấy tôi, tôi trở thành một tên tồi tệ và thốt ra những lời mà tôi có thể cảm nhận một cách sâu sắc về độ rác rưởi của chúng, dù chính tôi là kẻ nói nên lời. Tiếp theo là hàng giờ đồng hồ nuối tiếc và ăn năn, kế tiếp là giây phút đau đớn khi tôi cầu xin sự tha thứ, và sau đó lại là một chùm sáng chói lọi - thứ hạnh phúc hiền hòa, khoan khoái và lặng lẽ tiếp tục thêm một vài tiếng, hoặc vài phút nữa. 

       Tôi đi học ở trường Latin, cùng lớp với con trai thị trưởng và con trai của ông trưởng ban kiểm lâm. Thi thoảng chúng cũng qua nhà tôi chơi; chúng là những cậu bé hoang dại, thế mà chúng lại thuộc về thế giới tốt đẹp, không bị ngăn cấm. Nhưng, tôi cũng chơi đùa với bọn con trai học trường công lập ở khu bên cạnh, những đứa nhóc mà vốn chúng tôi khinh thường. Câu chuyện của tôi bắt đầu cùng một kẻ trong đám nhóc ấy.

       Một buổi chiều nọ, khi chúng tôi được nghỉ học - tôi lúc đó hơn mười một tuổi một chút - tôi đang lang thang khám phá cùng hai đứa trẻ khu bên cạnh. Thế rồi, một đứa lớn hơn nhập bọn, hắn, ta là con trai của một gã thợ may, ồn ào và lực lưỡng, mười ba tuổi, học trường công lập. Cha hắn nghiện rượu, cả gia đình đó không có tiếng tốt gì. Tôi biết khá rõ về tên Franz Kromer này; tôi e sợ hắn, và tôi cũng chẳng lấy làm vui vẻ gì khi có hắn nhập bọn. Phong thái của hắn đã đượm vẻ người lớn, bắt chước cách thức đi lại và nói chuyện của đám công nhân nhà máy. Hắn dẫn đường cho chúng tôi theo, trèo xuống bờ sông cạnh cây cầu, trốn khỏi thế giới, ẩn dưới nhịp cầu đầu tiên. Dải rìa sông chật hẹp nằm giữa bức tường nhô ra của cây cầu và dòng nước chảy lờ đờ chẳng có gì ngoài rác rưởi, đá vụn và đồ tạp nham - những đống lộn xộn dây thép rỉ sét và tương tự như thế. Lâu lâu lại tìm thấy một thứ dùng được ở đây; Franz Kromer bảo chúng tôi kiếm cùng hắn và thấy gì thì phải chìa cho hắn xem. Rồi hắn sẽ bỏ vào túi áo hoặc lại vứt ra xa xuống sông. Hắn dặn chúng tôi để mắt tới bất kỳ thứ gì làm bằng chì, đồng hoặc thiếc, hắn sẽ luôn giữ chúng lại; hắn nhét túi cả một chiếc lược ngà cũ. Tôi cảm thấy khó chịu khi ở cùng hắn, không phải vì tôi biết cha mình sẽ ngăn cấm việc tôi đang làm, mà bởi tôi sợ hãi chính Franz. Nhưng tôi vẫn vui vì hắn chấp nhận và đối xử với tôi như những người khác. Hắn ra lệnh và chúng tôi chấp hành, cứ như đấy là những lề thói lâu năm, dù đây là lần đầu tiên tôi gặp gỡ hắn ta.

       Mãi sau, chúng tôi mới ngồi xuống bãi đất. Franz nhổ nước bọt vào dòng nước, trông như một thằng đàn ông; hắn nhổ nước bọt qua kẽ răng và có thể nhổ trúng bất cứ chỗ nào hắn muốn. Mọi người bắt đầu trò chuyện, bọn nhóc hào hứng khoe khoang và tự khen lẫn nhau về những trò anh hùng trường học, hay các vụ chơi khăm mà chúng đã bày ra. Tôi giữ im lặng, nhưng lại e sợ rằng chính vì thế mà tôi trở nên nổi bật và sẽ chọc giận Kromer. Hai nhóc đi cùng đã chuyển hẳn sang bên cạnh hắn ngay từ lúc đầu và cố tránh xa tôi, tôi là kẻ ngoài cuộc, tôi cảm giác quần áo mình, cung cách mình hành xử là một thách thức đối với bọn chúng. Franz sẽ chẳng bao giờ ưa tôi, một học trò trường Latin, con trai của một ông bố giàu có, và tôi dám chắc là hai thằng nhóc kia sẽ bỏ rơi tôi mà không cần đến một giây nghĩ ngợi, nếu chúng nhất định phải làm vậy.

       Cuối cùng, chỉ bởi vì sợ hãi, tôi cũng bắt đầu mở miệng. Tôi bịa ra một câu chuyện trộm cắp, trong đó chính tôi là anh hùng. Tôi kể rằng, một đêm nọ, ở vườn cây cạnh cối xay gió, tôi và một thằng bạn đã ăn trộm một bao táo, và chúng không phải là thứ táo tầm thường mà là loại tuyệt hảo nhất, táo Pipin Vua và táo Đỏ Golden(3. Reine des Reinette, Golden Pearmain: Giống táo ngon, chín vào mùa thu). Tôi tránh khỏi tình huống nguy hiểm của mình bằng cách bịa ra câu chuyện này; việc bịa chuyện và kể chuyện không biết từ bao giờ trở nên thật dễ dàng và tự nhiên đối với tôi. Thế rồi, để khỏi phải dừng lại quá sớm và có thể bị lâm vào một tình thế còn khó xử hơn, tôi đẩy mạnh tối đa thiên bẩm của mình: tôi kể rằng một trong chúng tôi phải canh chừng suốt buổi trong khi người còn lại ném táo từ cây xuống, và cuối cùng bao táo trở nên quá nặng nên chúng tôi phải bỏ lại một nửa số táo, nhưng nửa tiếng sau chúng tôi đã quay lại để lấy nốt.

       Khi kể xong, tôi hy vọng chúng sẽ tỏ vẻ tán thưởng. Tới cuối câu chuyện tôi bắt đầu thấy trơn tru và say sưa trong sự tưởng tượng của chính mình. Hai đứa nhóc nhỏ hơn không nói gì, chờ phản ứng của Franz Kromer, trong khi hắn ta nhìn tôi với con mắt nheo hẹp sắc lẹm và hỏi tôi bằng một giọng đe dọa: "Là thật sao?"

       "Dĩ nhiên." Tôi đáp.

       "Thật sự và chính xác?"

       "Đúng, thật sự và chính xác." Tôi khăng khăng chắc nịch, dù trong lòng ngập tràn nỗi sợ.

       "Mày dám thề không?"

       Tôi kinh hãi, nhưng ngay lập tức trả lời Có.

       Tôi thốt lên: "Thề có Chúa và các thánh thần".

       "Được rồi." Hắn nói và quay người đi.

       Tôi nghĩ mọi chuyện đã ổn thỏa, và tôi cũng mừng khi không lâu sau hắn đứng dậy và bắt đầu đi về. Khi chúng tôi ở trên cầu, tôi dè dặt bày tỏ rằng mình phải về nhà ngay lập tức.

       "Có gì phải vội chứ." Fritz vừa nói vừa cười: "Chúng ta đi cùng đường mà."

       Chúng tôi chậm rãi tản bộ, và tôi không dám chạy đi, nhưng Franz Kromer thực sự đi về phía nhà chúng tôi. Lúc tới nơi, khi tôi nhìn thấy cửa trước và nắm tay cầm bằng đồng dày dặn, thấy mặt trời qua khung cửa sổ và dải rèm trong phòng của mẹ, tôi thở phào một tiếng. Về nhà rồi! Ôi, sự trở về hạnh phúc, về với sự tươi sáng và hòa bình!

       Tôi nhanh chóng mở cửa và lách người vào trong, chuẩn bị sập cửa lại sau lưng mình thì Franz Kromer chen vào. Trong sảnh đường lát gạch lạnh lẽo và âm u, chỉ có một chút ánh sáng hắt vào từ sân nhà ấy, hắn đứng trước mặt tôi, tóm lấy tay tôi, và khẽ nói: "Nhóc, đừng đi nhanh thế!"

       Tôi kinh hoàng nhìn vào hắn. Tay hắn giữ chặt tay tôi như đá. Tôi cố tưởng tượng xem trong đầu hắn đang nghĩ gì, hắn có muốn làm hại tôi hay không. Tôi dợm nghĩ, nếu bây giờ tôi gào lên, gào thật to, thật mạnh, liệu có ai ở trên kia kịp xuống đây để cứu tôi không? Nhưng tôi chọn im lặng.

       "Gì vậy?" Tôi hỏi: "Anh muốn gì?"

       "Không có gì. Tao chỉ muốn hỏi mày vài chuyện. Không cần để bọn kia nghe thấy.

       "Vậy à? Anh muốn hỏi chuyện gì? Mà giờ tôi phải lên nhà rồi."

       "Mày biết vườn cây ăn quả cạnh cối xay gió là của ai mà, phải không?" Franz nói nhỏ nhẹ.

       "Không, tôi không biết. Chắc là của ông chủ cối xay gió."

       Sau đó, Franz quàng tay quanh vai tôi, hắn kéo tôi sát lại gần mặt để tôi phải nhìn vào hắn từ cự ly gần. Đôi mắt của hắn thâm độc, hắn nở một nụ cười kinh tởm, và khuôn mặt hắn mang đầy sự tàn ác cùng sức mạnh.

       "Chà, nhóc ạ, tao có thể nói cho mày biết chủ vườn cây là ai. Tao biết từ lâu rồi có kẻ ăn trộm táo của lão ta, và tao cũng biết rằng lão nói sẽ trả hai mark(4. Đơn vị tiền tệ cũ của Đức) cho ai chỉ điểm tên trộm."

       "Chúa ơi!" Tôi bật khóc: "Anh sẽ không nói với ông ta chứ?"

       Tôi biết việc khơi gợi lòng tự tôn của hắn chẳng có ích gì. Hắn ta đến từ thế giới kia: với hắn, sự phản bội không phải là tội ác. Tôi cảm nhận được điều ấy vô cùng rõ ràng. Trong những khía cạnh này, người đến từ thế giới "khác" không giống chúng tôi.

       "Không nói với ông ta?" Kromer cười lớn. "Mày nghĩ tao là ai, cậu bạn, là tên lừa đảo nào đó có thể tự chế ra một đồng hai mark cho mình sao? Tao nghèo lắm. Cha tao không giàu như cha mày. Nếu phải nói ra để kiếm hai mark, tao sẽ nói. Có khi ông ta còn cho tao nhiều hơn."

       Hắn bất ngờ buông tôi ra. Sảnh trước nhà chúng tôi không còn chứa đựng hòa bình và sự an toàn nữa - thế giới đang sụp đổ xung quanh tôi. Hắn sẽ tố cáo tôi, tôi là một tên tội phạm, họ sẽ nói với cha tôi, có khi cảnh sát sẽ ập tới. Tất cả những nỗi kinh hoàng của sự hỗn loạn đe dọa tôi; mọi thứ xấu xí và nguy hiểm đều được triệu hồi chống lại tôi. Sự thực rằng tôi chưa hề ăn trộm táo của ai không còn bất kỳ ý nghĩa nào cả - tôi đã thề thốt điều ngược lại. Chúa ơi, Chúa ơi!

       Nước mắt tôi trào ra. Tôi nghĩ mình phải kiếm đường thoát, và tôi tuyệt vọng lục túi quần, túi áo. Không có táo, không có dao bỏ túi, chẳng có gì cả. Thế rồi, tôi nghĩ đến chiếc đồng hồ của mình. Đó là một chiếc đồng hồ bạc cũ không còn chạy, tôi chỉ đeo lên vì thích thôi. Nó vốn thuộc về bà của tôi. Tôi nhanh chóng lôi nó ra khỏi túi áo. 

       "Kromer, nghe này." Tôi nói: "Anh không thể giao nộp tôi, như thế không đúng đâu. Tôi sẽ đưa anh chiếc đồng hồ này, nhìn nhé, xin lỗi nhưng tôi không có thứ gì khác. Anh cứ lấy đi, nó làm bằng bạc, phụ kiện tốt lắm, chỉ bị lỗi một chút thôi, đi sửa là được."

       Hắn mỉm cười và cầm chiếc đồng hồ trong bàn tay to lớn của mình. Tôi liếc qua bàn tay ấy, có thể cảm thấy nó trông man rợ và tỏ vẻ thù địch với tôi như thế nào, nó đang vươn ra đe dọa cuộc sống và sự bình yên của tôi.

       "Nó làm bằng bạc đấy..." Tôi lí nhí trình bày.

       "Tao phải quan tâm đến chiếc đồng hồ bạc cũ này của mày làm gì!" Hắn khinh khỉnh nói: "Mày tự đi mà sửa!"

       "Nhưng, Franz..." Tôi khóc và run rẩy với nỗi sợ hắn sẽ bỏ đi: "Chờ đã! Cầm lấy chiếc đồng hồ rồi đi. Nó làm bằng bạc đấy, thực sự chính xác. Mà, tôi không còn thứ gì nữa cả."

       Hắn bình tĩnh nhìn vào tôi với một vẻ khinh miệt.

       "Được rồi, vậy mày biết tao sẽ đi gặp ai rồi đấy. Bằng không tao sẽ kể cho cảnh sát, tao có quen ông trung sĩ."

       Thấy hắn quay người định bước đi, tôi vội nắm lấy ống tay áo của hắn. Không được đi! Tôi thà chết đi còn hơn là phải đối mặt với mọi thứ nếu hắn bỏ đi như vậy.

       "Franz!" Tôi cầu xin bằng giọng nói có chút khàn: "Đừng làm điều gì ngu ngốc! Anh chỉ đang đùa thôi đúng không?"

       "Hẳn rồi, tao chỉ đang chơi đùa, nhưng trò chơi này có thể hơi đắt giá đối với mày đấy."

       "Hãy nói xem tôi có thể làm gì. Franz! Tôi sẽ làm bất cứ điều gì!"

       Hắn ta lại dò xét tôi bằng cặp mắt ti hí và cười phá lên lần nữa.

       "Đừng ngu ngốc như thế!" Hắn nói bằng thứ giọng vui vẻ giả tạo. "Mày biết rõ mà. Chỉ điểm là tao được hai mark, và tao không giàu có gì, tao không thể cứ thế vứt hai mark đi. Mày thừa biết. Nhưng mày giàu, mày còn có cả đồng hồ. Chỉ cần đưa tao hai mark là mọi chuyện sẽ ổn thỏa."

       Tôi hiểu lý lẽ này, nhưng hai mark! Chừng đấy tiền đối với tôi là không thể có được, chẳng khác gì mười mark, trăm mark hay ngàn mark. Tôi không có tiền. Chỉ có một ống tiết kiệm mà mẹ tôi giữ, bên trong có vài đồng năm, mười xu khi các chú bác qua thăm cho. Ngoài ra, tôi chẳng có một cắc nào. Ở tuổi đó, tôi chưa được cho tiền tiêu vặt.

       "Tôi không có gì cả." Tôi rầu rĩ nói: "Không có một đồng nào. Tôi có thể cho anh bất kỳ thứ gì tôi có. Một quyển sách về cao bồi và người da đỏ, hoặc là chiến binh, hoặc là một cái la bàn - tôi sẽ đi lấy chúng."

       Cái miệng kênh kiệu và đồi bại của Kromer cười nhạo tôi, hắn nhổ toẹt nước bọt xuống sàn nhà.

       "Thôi lảm nhảm đi!" Hắn ra lệnh. "Mày cứ giữ mấy thứ rác rưởi của mày đi. Một cái la bàn! Đừng làm tao cáu, nghe chưa? Tao muốn có tiền!"

       "Nhưng tôi không có tiền. Tôi chẳng bao giờ được cho tiền. Tôi không làm được gì cả!"

       "Ngày mai mày phải đưa hai mark cho tao. Tao sẽ đợi mày ở chợ sau giờ tan học. Chấm hết. Nếu mày không mang tiền tới thì cứ chờ mà xem!"

       "Nhưng tôi lấy tiền đâu ra đây? Chúa ơi, tôi không có."

       "Đó là chuyện của mày. Trong nhà mày có tiền. Tóm lại là sau giờ tan học ngày mai. Nói cho mày biết, nếu không kiếm được tiền..." Hắn nhìn thẳng vào mắt tôi với một cái nhìn khủng khiếp, nhổ thêm một bãi nước bọt nữa, và lặn biến đi như một cơn gió.

...

       Tôi không thể đi lên nhà. Cuộc đời tôi thế là xong. Tôi nghĩ tới việc chạy trốn và không bao giờ quay lại, hoặc tự trẫm mình, nhưng chỉ dám nghĩ thoáng qua thôi. Tôi ngồi ở bậc thang dưới cùng trong bóng tối, tự thu mình lại để nỗi khốn khổ bao trùm lấy thân thể. Lina thấy tôi ngồi khóc ở đó khi chị ta cầm giỏ xuống lầu lấy củi.

       Tôi đã nhờ chị ta đừng nói gì với mọi người, và bước lên nhà. Trên chiếc giá bên cạnh cửa thủy tinh treo chiếc mũ của cha và cây dù của mẹ - sự dịu dàng của gia đình tỏa ra từ những thứ ấy và trái tim tôi đón nhận lấy chúng, nài xin và cảm kích, như đứa con hoang đàng khi lần đầu nhìn và ngửi thấy những căn phòng cũ ở nhà. Nhưng chẳng còn thứ gì là của tôi cả, đó là thế giới trong trẻo và tươi sáng Cha Và Mẹ, trong khi tôi đã chìm sâu đầy day dứt trong cơn lũ kia, bị quấn chặt trong tội lỗi và sự liều lĩnh, bị kẻ thù đe dọa mà chẳng có lấy một tia hi vọng nào, chỉ biết tới nguy hiểm, nỗi sợ và lòng hổ thẹn. Chiếc mũ và cây dù, sàn nhà đá sa thạch cũ kỹ thân thương, bức tranh lớn treo trên tủ đồ tiền sảnh, giọng chị gái tôi vang vọng từ gian phòng khách - chúng đều thân thương, trân quý và tinh tế hơn bao giờ hết, nhưng tôi không còn sở hữu bất kỳ sự an ủi hay an toàn nào, chỉ còn những lời cáo buộc và trách móc. Không còn gì là của tôi - tôi không còn thuộc về sự hân hoan lặng lẽ và tươi đẹp ấy nữa. Chân tôi đã nhúng bùn, thảm chùi không sạch; thứ bóng tối mà thế giới của ngôi nhà không hề hay biết đang bám lấy thân tôi. Tôi vốn đã có vô vàn bí mật, vốn đã luôn e sợ, nhưng so với những gì đồng hành với tôi về nhà hôm nay, những vấn đề của ngày trước chỉ như chơi đùa mà thôi. Bây giờ định mệnh đang đeo bám tôi; mẹ tôi không thể bảo vệ tôi khỏi những bàn tay đang lăm le nhắm tới, thậm chí bà cũng không thể biết đến chúng. Dù tội ác của tôi là ăn trộm hay dối trá (chẳng hay sao?) - thì cũng chẳng có gì khác biệt. Tội lỗi của tôi không phải là điều này hay điều kia cụ thể, tội lỗi của tôi là đã vươn tay ra chạm tới ác ma. Tại sao tôi lại đi cùng hắn? Tại sao tôi nghe lời Kromer răm rắp còn hơn cả nghe lời cha tôi? Tại sao tôi lại nói dối và bịa ra câu chuyện ăn trộm táo? Khoác lác về một tội ác cứ như thể nó là thành tựu gì lớn lao lắm vậy? Bây giờ tôi nằm gọn trong tay ác quỷ; bây giờ kẻ địch đã ở ngay sau lưng tôi.

       Trong một khoảnh khắc, tôi không e sợ vì chuyện sẽ xảy ra vào ngày mai, mà chủ yếu là vì sự thật tồi tệ hiển nhiên rằng con đường của tôi đang đi xa dần xa dần vào bóng tối. Tôi có thể cảm nhận một cách chắc chắn rằng sai phạm của mình nhất định sẽ dẫn tới những sai phạm mới, và việc chường mặt ra trước các chị em, việc ôm hôn cha mẹ, bây giờ sẽ trở thành những điều dối trá - tôi mang trong mình một định mệnh và một bí mật mà tôi phải giấu diếm.

       Khi nhìn thấy chiếc mũ của cha tôi, trong phút chốc tôi vỡ òa hi vọng và lòng tin tưởng. Tôi sẽ nói với ông tất cả, chấp nhận sự phán xét và trừng phạt của ông, xưng tội và cầu xin ông cứu rỗi. Sẽ lại là một lần tự phạt như bao lần trước kia - một tiếng đồng hồ khó khăn, cay đắng và một lần cầu xin sự tha thứ đầy nuối tiếc.

       Nghe mới ngọt ngào làm sao! Thật đẹp đẽ và lôi cuốn! Nhưng không có tác dụng gì. Tôi biết mình sẽ không làm vậy. Tôi biết bây giờ bản thân đang có một bí mật, một tội nghiệt mà tôi phải đền chuộc một mình. Có lẽ đây chính là khoảnh khắc tôi đứng ở ngã ba đường: có lẽ từ bây giờ tôi sẽ thuộc về bên con đường xấu xa, vĩnh viễn và mãi mãi, sẽ chia bí mật với những kẻ ác ma, phụ thuộc vào chúng, phục tùng chúng, trở thành một trong bọn chúng mà không có lựa chọn nào khác. Tôi đã giả bộ làm một người đàn ông và một người hùng, bây giờ tôi phải gánh chịu hậu quả.

       Tôi lấy làm mừng khi cha tôi tức giận vì tôi bước vào phòng với đôi giày ướt sũng. Đó là một sự đánh lạc hướng; ông ấy không để ý tới điều tồi tệ hơn, và thật dễ dàng để chấp nhận chỉ trích khi tôi đã lén lút chuyển nó sang những sự công kích khác. Bởi vậy, một cảm giác lạ lùng thoáng qua trỗi dậy trong tôi, tinh quái, ương ngạch và nhức nhối: tôi cảm thấy mình siêu việt hơn cha! Trong một khoảnh khắc, tôi lờ mờ cảm thấy khinh thường sự lơ là của ông ấy đối với sự thật, và những lời quở trách của ông với đôi giày ướt của tôi thật là nhỏ mọn. "Giá mà cha biết!" Tôi thầm nghĩ thế đấy, cảm giác giống như tôi là một tên tội phạm đang bị thẩm vấn về vụ ăn trộm một ổ bánh mì trong khi thực ra hắn ta đã phạm tội giết người vậy. Đó là một cảm giác xấu xí và kinh tởm, nhưng rất mạnh mẽ và mang hơi hướng vô cùng kích thích. Và, nó khiến cho chính tôi càng quện chặt vào bí mật tội lỗi của mình hơn bất kỳ điều gì khác. Có lẽ Kromer đã tới đồn cảnh sát tố cáo tôi, có lẽ bão giông đang tập hợp lại chực chờ trên đầu tôi, thế mà ở đây người ta vẫn đối xử với tôi như một đứa nhóc!

       Giây phút đó là giây phút quan trọng nhất tôi từng trải qua trong đời, cùng hậu quả kéo dài dai dẳng nhất. Lần đầu tiên sự bất khả xâm phạm thiêng liêng của cha tôi bị xé bỏ; nó là vết nứt đầu tiên trong giàn trụ chống đỡ cuộc đời thiếu niên của tôi, giàn trụ mà ai cũng phải kéo đổ trước khi trở thành chính mình. Con đường nội tâm thiết yếu trong vận mệnh của chúng ta có những trải nghiệm vô hình như vậy. Những vết nứt và dấu tích đổ vỡ ấy rồi cũng sẽ lành, chúng cùng nhau liền lại và sẽ bị lãng quên, nhưng sâu thẳm trong những ngóc ngách tư mật nhất của chúng ta, chúng vẫn hở toác và rỉ máu.

       Ngay lập tức tôi cảm thấy kinh sợ trước cảm giác mới này. Tôi muốn lao lại, quỳ xuống chân cha ngay và hôn lấy chúng, cầu khẩn sự xá tội của ông. Nhưng không có cách nào để xin lỗi về một vấn đề thực sự hiển nhiên, trẻ con cũng cảm nhận và thấu hiểu điều này sâu sắc trong nội tâm y như bất kỳ người lớn thông tuệ nào.

       Tôi nghĩ mình cần phải suy xét lại tình hình của bản thân và đề ra phương hướng hành động cho ngày tiếp theo. Nhưng, tôi không làm được. Cả buổi tối, tôi chỉ chậm chạp thích ứng với bầu không khí đã thay đổi của phòng khách. Đồng hồ treo trên tường, chiếc bàn, tập Kinh thánh và tấm gương, giá sách và những bức ảnh trên tường - chúng đều nói lời giã biệt với tôi; con tim dần lạnh lẽo trong lồng ngực khi tôi đứng nhìn thế giới của mình - cuộc sống thân thương, hạnh phúc của tôi - tự tách biệt khỏi chính tôi và trở thành quá khứ. Tôi không nhịn được mà cảm giác rằng, tôi vừa gieo những mầm rễ trên vùng đất bóng tối lạ lẫm ngoài kia, từ nay chúng sẽ kềm tôi thật chặt. Lần đầu tiên tôi được nếm trải cái chết, và cái chết thật đắng cay vì nó cũng là sự khởi sinh: nỗi bất an và kinh hãi khi phải đối mặt với sự đổi mới đáng sợ.

       Thật hạnh phúc xiết bao khi cuối cùng tôi cũng có thể thả người nằm xuống giường! Trước đó còn phải chuộc tội lần cuối bằng những lời cầu nguyện buổi tối, và khúc thánh ca đêm, một trong những bài ưa thích của tôi. Nhưng không, tôi không thể hát theo - từng nốt nhạc đều đắng cay và tủi nhục đối với tôi. Khi cha tôi nói lời ban phúc lành, tôi đã không cầu nguyện cùng những người khác, và lúc ông kết thúc bằng câu "...ở bên tất cả chúng con!", một cơn giật mạnh kéo tôi ra khỏi vòng tròn gia đình. Ơn huệ của Chúa luôn ở bên họ, nhưng không còn bên tôi nữa rồi. Tôi mệt mỏi cùng cực, lòng giá buốt rời khỏi căn phòng.

       Nằm trên giường, sau khi yên vị được một lúc, cuộn tròn trong hơi ấm và sự dễ chịu, trái tim tôi một lần nữa lạc vào nỗi sợ, run rẩy và bất an về chuyện vừa xảy ra. Mẹ tôi đã chúc ngủ ngon như thường lệ, tôi vẫn còn nghe thấy tiếng bước chân của bà vọng lại trong phòng, vầng sáng từ cây nến của bà còn tỏa rạng qua khe hở dưới chân cửa. Tôi chợt nghĩ, có khi nào mẹ tôi sẽ quay lại - bà ấy đã cảm nhận được điều gì đó, bà sẽ hôn tôi và hỏi về chuyện xảy ra ngày hôm nay, đầy tình thương yêu và lòng khoan dung. Và rồi, tôi sẽ có thể khóc, cục nghẹn trong họng sẽ tan đi, tôi sẽ ôm chầm lấy bà ấy và nói rằng mọi chuyện sẽ lại tốt đẹp thôi, chỉ cần vậy thôi là tôi đã được cứu rỗi rồi! Khi khe hở dưới chân cửa tối đen trở lại, tôi lắng tai nghe thêm một lúc lâu nữa và mong bà ấy quay lại, phải như vậy chứ.

       Nhưng, tôi trở về thực tại và đối mặt với kẻ thù của mình. Tôi có thể thấy rõ mồn một đôi mắt ti hí của hắn, khuôn miệng đang chế nhạo tôi với một nụ cười chát chúa, và khi tôi cứ nhìn chằm chằm vào hắn, định mệnh không thể nào chạy trốn đang giày vò lấy tôi, hắn ta trở nên to lớn hơn, xấu xí hơn, đôi mắt ma dại của hắn lóe lên hệt như mắt ác quỷ. Hắn như ở ngay bên cạnh tôi cho tới khi tôi chìm vào giấc ngủ, nhưng tôi không hề thấy hắn trong giấc mơ, hay thấy bất kỳ việc gì đã xảy ra vào ngày hôm ấy. Thay vào đó, tôi mơ thấy chúng tôi đang cưỡi trên một con thuyền, cha mẹ, các chị em gái và tôi lọt giữa sự yên bình và chói lóa của kỳ nghỉ. Tôi tỉnh giấc giữa đêm khuya và trong lòng vẫn lâng lâng cảm giác của niềm hạnh phúc ấy - vẫn còn thấy tà váy trắng của các chị em gái lấp lánh dưới vầng dương. Thế rồi, tôi lại ngã xuống khỏi thiên đường và về với thực tại, lại đứng trước mặt kẻ thù và đôi mắt ác ma của hắn.

       Sáng hôm sau, mẹ tôi lật đật bước vào phòng, bà hét lên rằng đã muộn lắm rồi mà sao tôi vẫn còn nằm trên giường. Lúc ấy nhìn thấy tôi thật ốm yếu, bà hỏi tôi có làm sao không, và tôi đã nôn một bãi.

       Cảm giác như đó là một loại chiến thắng. Tôi vẫn luôn khoái chí khi mình hơi đổ bệnh, và có thể nằm ườn trên giường cả buổi sáng với một tách trà hoa cúc và cam thảo, nghe mẹ xử lý công việc ở phòng bên cạnh và Lina nói chuyện với anh hàng thịt ở sảnh trước. Một buổi sáng nằm ở nhà không phải tới trường thật là kỳ diệu, như một câu chuyện thần tiên; ánh nắng tinh nghịch len lỏi vào căn phòng, khác hẳn thứ ánh nắng bị chặn lại bởi những tấm màu xanh lục trong lớp học. Nhưng hôm nay, thậm chí điều này cũng trở nên tẻ nhạt, cảm tưởng như có thứ gì đó không đúng.

       Đúng thế, giá mà tôi có thể chết! Nhưng tôi chỉ hơi bệnh một chút, cũng như bao lần trước kia. Chưa có vấn đề nào của tôi được giải quyết cả. Đổ bệnh chỉ giúp tôi trốn tránh trường học chứ không thể giúp tôi tránh được Kromer, kẻ sẽ đứng chờ tôi ở quảng trường khu chợ vào lúc mười một giờ. Lòng tốt bụng của mẹ không những không thể an ủi tôi hôm nay mà nó còn là một gánh nặng đau khổ. Tôi mau chóng giả vờ ngủ rồi suy nghĩ xem nên làm thế nào. Không có cách nào khác, tôi vẫn phải tới quảng trường khu chợ vào lúc mười một giờ. Thế nên, tôi lặng lẽ thức dậy vào mười giờ và bảo với mẹ là tôi đã khá hơn. Như thường lệ, mẹ nói, nếu tôi không quay lại giường thì buổi chiều sẽ phải đi học. Tôi trả lời rằng mình sẽ tới trường. Tôi đã vạch ra một kế hoạch.

       Tôi không thể gặp Kromer mà không có xu nào trong túi. Tôi cần phải lấy ống tiết kiệm của mình ra. Mặc dù trong đấy không có đủ tiền, nhưng ít ra cũng có thứ gì đó, mà tôi cảm giác rằng có còn hơn không. Tôi phải làm cho Kromer nguôi giận bằng mọi cách.

       Tôi thấy thật tồi tệ khi đeo tất rồi lén lút đi vào phòng của mẹ và lấy hộp tiền xuống khỏi bàn của bà, nhưng so với ngày hôm trước thì đỡ hơn một chút. Tiếng tim đập thình thịch khiến tôi tựa hồ muốn nôn thêm lần nữa, và càng tệ hơn khi xuống tới chân cầu thang tôi mới nhận ra chiếc hộp bị khóa. Rất dễ để phá nó ra thôi - chỉ cần bẽ gẫy một phiến thiếc mỏng - nhưng thật đau lòng nếu phá nó ra, như vậy thì tôi chẳng khác nào một tên trộm cả. Trước kia, tôi có từng chôm chỉa đồ ăn một vài lần, kẹo hoặc hoa quả, nhưng đây là ăn trộm, dù đó chính là tiền của tôi. Tôi cảm giác như mình đã tiến gần thêm một bước tới Kromer và thế giới của hắn ta, và thật nhanh chóng để sa ngã từng bước một. Đột nhiên, tôi muốn thách thức: cứ để ác quỷ chiếm lấy tôi đi! Không còn cách nào để quay đầu nữa. Tôi hồi hộp đếm số tiền - chiếc hộp khi lắc nghe có vẻ đầy đặn, nhưng bây giờ trong tay tôi, mớ tiền trông ít ỏi đến đáng ngại. Sáu mươi lăm xu. Tôi giấu chiếc hộp ở sảnh dưới nhà, nắm chặt số tiền trong tay và ra khỏi nhà. Mặc dù tôi đi ra từ cổng chính nhưng cảm giác khác với mọi lần trước đây. Nghe như có tiếng ai đó gọi tôi từ trên lầu, tôi bèn chạy ra xa.

       Vẫn còn nhiều thời gian. Tôi đi một quãng đường dài, vòng vèo ở nhiều nơi, lướt qua những con phố tôi chưa từng bắt gặp của một thành phố đang thay đổi diện mạo dưới những đụn mây, vượt qua những ngôi nhà đang chằm chằm nhìn tôi, đám người đang nghi ngờ tôi. Tôi chợt nhớ ra chuyện, có một người bạn học của tôi từng nhặt được một đồng ba mark ở chợ gia súc, tôi muốn cầu nguyện một phép màu từ Chúa mà sẽ giúp tôi tìm được một thứ tương tự, nhưng tôi biết bản thân mình không còn chút tư cách cầu nguyện nào nữa. Và, nếu tôi có nhặt được tiền thì chiếc hộp tiết kiệm cũng đã bị phá vỡ mất rồi.

       Franz Kromer trông thấy tôi từ xa nhưng hắn chỉ chậm rãi bước tới, tỏ vẻ không để ý gì tới tôi. Khi lại gần, hắn ra dấu bắt tôi đi theo. Hắn thong thả đi, không thèm quay đầu lại lần nào, đi xuống khi Strohgasse và vượt qua cây cầu tới một khu xây dựng ở mé ngoài thị trấn. Không thấy công nhân nào làm việc cả, các bức tường thì trơ trọi không có lấy một cánh cửa chính hay khung cửa sổ nào, Kromer nhìn quanh rồi giẫm qua một ô cửa trống hoác. Tôi lập tức đi theo hắn. Thế rồi, bất chợt hắn quẹo ra sau bức tường, vẫy tôi lại, rồi chìa tay ra.

       "Mày có tiền chưa?" Hắn hỏi với một ngữ điệu thoải mái.

       Tôi rút bàn tay đang nắm chạt ra khỏi túi áo, và thả tiền vào lòng bàn tay hắn. Dường như hắn đã đếm xong trước khi đồng năm xu cuối cùng kịp ngân tiếng.

       "Chừng này là sáu mươi lăm xu." Hắn nói, và nhìn vào tôi.

       "Phải..." Tôi dè dặt đáp lời: "Tôi chỉ có từng ấy. Tôi biết là ít, nhưng tất cả chỉ có vậy, tôi không còn đồng nào hơn."

       "Tao tưởng mày thông minh hơn nhiều chứ." Hắn nạt tôi tưởng chừng rất nhẹ nhàng: "Đàn ông có danh dự luôn biết cách xử lý mọi chuyện. Tao không nhượng bộ đâu, và mày cũng rõ đây không phải là số tiền đúng. Cầm lấy mấy đồng bạc này đi! Lão ta - mày biết tao đang nói tới ai rồi đấy - không kì kèo hạ giá đâu. Lão ta sẽ trả hết."

       "Nhưng, tôi không còn đồng nào cả! Hộp tiền của tôi chỉ có thế!"

       "Đó là chuyện của mày. Nhưng, tao không muốn mày buồn. Mày vẫn còn nợ tao một mark và ba mươi lăm xu. Bao giờ thì tao có tiền?"

       "Được rồi. Anh sẽ có chúng, Kromer, nhất định thế! Giờ tôi không chắc được, nhưng tôi sẽ kiếm ra sớm thôi. Có thể là mai hoặc ngày kia. Anh biết là tôi không thể nói với cha mình được."

       "Tao không quan tâm. Tao cũng không phải loại người muốn làm hại mày. Tao nghèo lắm, nếu muốn tao hoàn toàn có thể lấy được tiền trước bữa trưa. Mày có quần áo đẹp, đồ ăn trưa ngon hơn tao, nhưng tao sẽ không nói gì cả. Tao sẽ chờ thêm vậy. Ngày kia, khi tao huýt sáo gọi mày, vào buổi chiều, rồi mày tự xử lý đi. Mày biết tiếng huýt sáo của tao chứ?"

       "Vâng" tôi nói, "tôi biết."

       Sau đó, hắn bỏ đi cứ như thể chúng tôi không quen biết gì nhau. Giữa chúng tôi chỉ là quan hệ làm ăn, không hơn không kém.

       ...

       Tôi nghĩ rằng, nếu đột nhiên tôi lại nghe thấy tiếng huýt sáo của Kromer, ngay cả bây giờ, khi nhiều năm đã trôi qua, nó vẫn sẽ khiến tôi sợ hãi. Kể từ ngày hôm ấy, tôi nghe thấy nó thường xuyên, hầu như liên tục. Tiếng huýt sáo của hắn cướp đoạt sự tự do của tôi, thô lỗ hiện diện ở mọi nơi, mọi trò chơi, mọi nhiệm vụ, mọi ý nghĩ của tôi. Tiếng huýt sáo ấy như trở thành định mệnh của tôi. Rất nhiều lần, trong những buổi chiều thu êm đềm vào rực rỡ, tôi ở trong khu vườn hoa nhỏ nhắn ưa thích sau nhà, một sự thôi thúc kỳ lạ khiến tôi muốn chơi đùa như những năm tháng trước kia của cuộc đời, tôi giả bộ làm một cậu nhóc trẻ tuổi, tốt đẹp và tự do, được bao bọc và đầy ngây thơ. Thế mà tiếng huýt sáo của Kromer vang lên từ một nơi vô định nào đó, không hoàn toàn bất ngờ những vẫn luôn choáng váng tệ hại, cắt đứt mạch suy nghĩ và phá hủy trò chơi mà tôi đang tưởng tượng. Những năm tháng ấy, tôi phải đi theo kẻ khiến tôi đau khổ tới những nơi kinh tởm, xấu xí, báo cáo dài dòng với hắn, nghe hắn dọa dẫm tôi phải nhanh chóng xoay được tiền. Mọi sự diễn ra trong khoảng vài tuần, nhưng đối với tôi nhưng hàng năm, như vĩnh cửu. Tôi hầu như không có tiền để đưa cho hắn, nhiều nhất cũng chỉ là một đồng năm mười xu tôi ăn trộm được từ bàn bếp khi Lina bỏ quên tại đó. Mỗi lần như vậy, Kromer nhiếc mắng và chửi bới tôi, dành cho tôi vô số lời khinh bỉ: tôi là kẻ phản bội hắn, ngăn cách hắn với thứ thuộc sở hữu đích thực của hắn; tôi là kẻ đã ăn trộm của hắn, khiến hắn buồn rầu! Trong đời tôi hiếm có lần nào phải chịu đựng khổ sở như vậy, chưa bao giờ tôi cảm thấy tuyệt vọng cùng cực và bản thân yếu ớt đến thế.

       Tôi đã nhét đầy hộp tiền với những đồng xu đồ chơi, và để nó lại chỗ cũ. Thật may mắn khi không ai hỏi tới nó. Nhưng điều đó cũng chực ập xuống đầu tôi bất cứ lúc nào. Rất nhiều lần tôi e sợ tiếng bước chân nhẹ nhàng của mẹ hơn cả tiếng huýt sáo hung ác của Kromer - không phải bà ấy tới để hỏi về hộp tiền tiết kiệm đấy chứ?

       Khi có quá nhiều lần tôi xuất hiện mà không mang nổi một đồng tiền nào cho ác ma, hắn bắt đầu hành hạ và lợi dụng tôi theo những cách khác. Tôi phải làm việc cho hắn. Vì hắn thường xuyên phải chuyển đồ cho cha hắn, nên tôi phải thay hắn chuyển đồ. Hoặc là, hắn sẽ giao cho tôi một nhiệm vụ khó nhằn, như nhảy lò cò bằng một chân suốt mười phút, hay nhét một mẩu giấy vào túi áo người qua đường. Và, tôi lại tiếp tục tự khuếch đại sự hành hạ này trong những cơn ác mộng, sõng soài trong một biển mồ hôi lạnh.

       Qua một thời gian, chúng khiến tôi đổ bệnh. Tôi thường xuyên nôn mửa, ban ngày rùng mình, ban đêm thì toát mồ hôi và lên cơn sốt. Mẹ tôi biết có chuyện không ổn và chăm sóc tôi thật dịu dàng, nhưng chỉ khiến mọi chuyện tồi tệ hơn, vì tôi không thể tin tưởng và giãi bày với bà.

       Một đêm nọ, sau khi tôi đã lên giường, mẹ tôi đem đến một thanh sô-cô-la nhỏ. Điều này giống như nhiều năm trước, tôi thường được thưởng một phần quà khích lệ nhỏ vào ban đêm khi tôi ngoan ngoãn. Lần này, khi bà đứng đó và cầm thanh sô-cô-la trong tay, lòng tôi quá đỗi chua xót đến mức không thể làm gì khác ngoài lắc đầu. Bà hỏi tôi có chuyện gì, và vuốt ve tóc tôi. Nhưng, tôi chỉ có thể thốt lên rằng: "Không! Không! Con không muốn gì cả." Thế rồi, bà để thanh sô cô la xuống chiếc bàn đầu giường và rời đi. Ngày hôm sau, khi bà dò hỏi tôi về chuyện đã xảy ra, tôi vờ như không hiểu bà nói gì. Một dịp khác, bà đưa tôi đi gặp bác sĩ, ông ấy khám xét và đưa ra lời khuyên rằng hãy tắm nước lạnh vào mỗi buổi sáng.

       Căn bệnh của tôi trong quãng thời gian đó tựa hồ như một loại tình trạng mất trí. Giữa sự yên bình, hiền hòa và trật tự của gia đình, tôi sống thu mình lại và thống khổ như một bóng ma; tôi không góp mặt vào cuộc sống của những người khác và chẳng mấy khi có thể phớt lờ hoàn cảnh của mình dù chỉ là một giờ đồng hồ. Cha tôi thường xuyên khó chịu, mỗi lần phải đối chất với ông, tôi luôn tỏ ra lạnh lùng và dè dặt.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro