Chương 1

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

"La Tại Dân!"

Từng tiếng roi vụt quật thật mạnh vào sau lưng đang vang lên giữa khung cảnh yên bình giữa trưa hè oi ả. Cái nóng hầm hập bốc lên từ con đường gạch ngoài sân, tiếng chim sẻ buổi trưa xen lẫn với tiếng lá xào xạc cùng đón cơn gió mùa chẳng thể đếm được thứ bao nhiêu trong ngày càng khiến không khí trở nên bí bách. Mùi nắng cháy khét, mùi mồ hôi, tiếng mắng chửi cùng với mùi máu biến mọi thứ trở nên thật khó chịu và thê lương.

"Đây đã là lần thứ bao nhiêu ta nói với con về vấn đề học hành? Con nghĩ những thứ con đang có hiện tại là từ đâu mà ra ?"

Tiếng gằn giọng trầm đục vang lên, xen lẫn với tiếng roi vụt tới tấp.

Rồi chẳng còn giọng nói nào vang lên nữa, chỉ có tiếng roi ma sát mạnh với da thịt, cùng với những tiếng rên khẽ qua kẽ răng cắn chặt, cùng với phảng phất mùi máu trộn với nỗi xót xa.

"Đây sẽ là lần cuối ta nói với con về vấn đề này. Nếu lần sau vấn đề này tiếp tục xảy ra, chỗ con đứng sẽ không phải ở đây mà là gian phòng ở giữa vườn cùng với cánh cửa sẽ không bao giờ mở ra cho con. Con hiểu rõ chứ ?"

"Dạ."

"Con sẽ thay đổi chứ ?"

"Dạ."

"Đừng khiến ta thất vọng vì con thêm nữa."

Thế rồi La lão gia rời đi thật nhanh. Bóng lưng của lão gia tuy đã yếu nhưng vẫn còn cảm giác cương trực và cứng cáp của một người đàn ông từng làm mưa làm gió trên thương trường, vương vấn sự vững chãi của trụ cột trong gia đình, chèo chống cả một gia tộc để đi tới đỉnh vinh quang.

Chỉ để lại đằng sau một cây roi mây cũ kĩ cùng với những vết máu khô, và cùng với một chàng trai nằm thở hổn hển trên đất.

"Cậu La!"

"Đã bảo rồi mà, anh có thể gọi tôi bằng tên. Tôi đã nói rất nhi-"

"Cậu có sao không? Để tôi đỡ cậu dậy"

"Tôi không sao mà. Đâu có nhằm nhò gì cơ chứ" – La Tại Dân giọng nhẹ bẫng, nói qua kẽ răng vẫn cắn chặt vì đau – "Đây đâu phải lần đầu tiên anh thấy tôi thế này, sao lúc nào cũng cuống cuồng lên thế"

"Tôi thật lòng lo cho cậu mà. Vết thương cũ còn chưa lành hẳn nữa. Cậu La, để tôi đỡ cậu dậy, hay tôi cõng cậu nhé?"

"Thôi mà Đế Nỗ, có phải lần đầu đâu. Anh kéo tôi dậy đư – a, xót quá đi mất. Bố ra tay nặng thật"

Thế rồi chẳng nói rằng, Lý Đế Nỗ ôm lấy La Tại Dân, sau đó từ từ cõng y trên lưng. Động tác của cậu thuần thục và quen thuộc, chẳng có gì thay đổi, vẫn luôn nhẹ nhàng mà vững chãi tránh đi những chỗ có vết thương chồng chéo, yên bình và đáng tin tưởng, giống y hệt 12 năm trước đây vậy.

La Tại Dân thở dài. Rốt cuộc không hiểu từ khi nào mình lại thích cậu Đế Nỗ này tới vậy.

Từ những ngày còn là đứa trẻ ngây thơ nhưng phải giữ gìn mình trong lễ nghĩa và phong tục của gia tộc cho tới hiện tại, một đứa con mang nhiều hi vọng nhưng cũng chịu đầy sự trừng phạt của lão gia, trong cuộc đời La Tại Dân chưa có lúc nào thật sự vui vẻ.

Cho đến ngày y gặp Lý Đế Nỗ.

Y vẫn nhớ hôm đó là một ngày nắng hệt như bây giờ, những phiến lá xào xạc cất tiếng oi nồng xen lẫn với gió nồm, y đang quỳ gối trước bàn thờ gia tiên do lão gia phạt thì anh cả từ bên ngoài quay về, dẫn theo một đứa nhỏ.

Gầy nhẳng, lem luốc và nhút nhát.

Anh cả bảo với Tại Dân rằng anh tìm thấy Đế Nỗ khi cậu đang nhặt lại đồ ăn thừa của quán trà trên tỉnh, sau đó không biết xui khiến thế nào lại mang Đế Nỗ về. Anh cả còn bảo rằng Đế Nỗ từ giờ trở đi sẽ là người bên cạnh lo lắng bữa ăn giấc ngủ cũng như việc học hành của Tại Dân, sẽ ở bên Tại Dân cho tới khi Tại Dân không cần nữa.

Kể cũng lạ, duyên phận là một điều kì diệu.

Lúc đó thấy La Tại Dân quỳ xuống, Lý Đế Nỗ cũng khuỵu gối quỳ theo. Trong một ngàn những quang cảnh chớp nhoáng như cây đèn kéo quân chạy ngang qua trí nhớ, điều duy nhất lúc đó đọng lại trong La Tại Dân là giọng nói non nớt nhưng chân thành của Lý Đế Nỗ, rằng cậu ấy nói "Cậu ba là cậu chủ của con, cậu ba đi tới đâu con đi theo tới đó. Cậu ba bảo gì con cũng sẽ nghe theo, cậu ba phải chịu gì con sẽ nguyện khổ cùng. Cậu ba, con nguyện đi theo cậu cho tới khi con chỉ còn hơi thở cuối cùng, con sẽ trung thành với cậu ba. Xin cậu ba hãy đồng ý cho con theo."

Tới lúc đó, dường như mọi thứ ngưng đọng lại, chỉ còn trưa hè oi ả năm ấy, còn Lý Đế Nỗ cúi đầu lộ ra đỉnh tóc đen ngòm,

Cùng với La Tại Dân ngỡ ngàng và trái tim nóng hổi.

Mãi tới sau này y mới biết, ấy vậy đó lại là yêu.

Ngả đầu trên bờ vai của Lý Đế Nỗ, y hít một hơi thật sâu để bình ổn trái tim chẳng yên của mình. Đế Nỗ tuy là người hầu nhưng vẫn sạch sẽ và thơm mùi dễ chịu, chẳng có chút nào mùi hôi hám hay ám phải mùi làm lụng nhơ nhuốc. Cậu ướm mình hòa lẫn với mùi thơm của nắng, xen lẫn với một chút trong trẻo hiếm thấy của giữa hè oi bức, cùng với mùi thanh niên trai tráng riêng biệt của Đế Nỗ.

Tại Dân thở dài, mình thích hắn ta quá đi thôi.

Đế Nỗ đưa Tại Dân vào gian riêng của cậu ba, đặt nhẹ y lên giường một cách thuần thục và quen thuộc, sau đó quay ra tủ gỗ nạm cạnh cửa lấy ra thuốc sát trùng và thuốc kháng sinh. Đây không phải là lần đầu tiên Tại Dân bị nặng như thế này, từ bé y đã phải chịu quá nhiều đòn roi và đây chỉ là hình phạt khá nhẹ trong những hình phạt mà y từng trải qua, vậy mà Đế Nỗ vẫn luôn đau xót thay cho cậu chủ. Vết thương cũ của cậu chủ còn chưa đâu vào đâu vậy mà nay đã chồng thêm những vết thương mới.

Mà cậu chủ lại rất sợ đau.

Đế Nỗ vén lớp áo sơ mi mỏng sau lưng của Tại Dân lên, lớp áo đã không còn màu trắng thuần nữa mà rách lẻ tẻ vài chỗ, xen lẫn là vệt roi chưa mờ và vệt máu vẫn còn tanh. Tấm lưng trắng mịn của Tại Dân giờ đây lớp chồng lớp những vết thương chi chít, nặng nhẹ đủ cả, cái cũ cái mới chồng lên nhau, vết sẹo ngang dọc nổi bật trên nền da trắng. Cậu mở lọ thuốc bột bôi sẹo ra, mùi ngai ngái của thuốc hòa lẫn trong không khí, phảng phất quen thuộc trong căn phòng này, xen lẫn cùng mùi hương sạch sẽ thuộc về riêng La Tại Dân. Tại Dân và Đế Nỗ đã đều quá quen với mùi thuốc này, thậm chí đôi lúc Tại Dân nghĩ rằng mùi ngai ngái của thuốc kháng sinh là mùi của chính mình vậy. Y hay bảo với Đế Nỗ, rằng có khi nào cái mùi khó chịu này đang từ chính bản thân mình tỏa ra sau những trận đòn của bố chứ không phải là mùi của thuốc không, và lần nào Đế Nỗ cũng xót xa biết mấy.

Ánh nắng mùa hạ vẫn lấp lánh xen kẽ giữa những vòm lá, gió mùa hạ oi nồng xào xạc lay động những tán cây, nhưng chẳng gì có thể phá vỡ hình ảnh yên bình ở trong La phủ, khi mà ánh mắt ân cần của Đế Nỗ dành cho Tại Dân vẫn luôn ở đó, bao nhiêu năm rồi vẫn vậy.

Như là một điều hiển nhiên.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro