1. Mái ấm

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

" Các em đừng chạy nữa, trời sắp mưa rồi. " Nhìn mấy đứa nhóc loi choi loắt choắt chạy tung tăng ở sân mà lòng tôi vui đến lạ. Phải cho đến khi sơ Mai cầm chổi thì chúng nó mới chịu chạy vào trong mái ấm. Đứa nào đứa nấy hốt hoảng chạy thành đàn bước vào trong.

" Sơ ơi, ngoài cổng có xe ai đến kìa."

Tôi nhìn theo hướng tay con bé Đông nói, thì thấy có một đôi nam nữ đang che ô chuẩn bị bước vào. Chắc là cặp cha mẹ đến nhận nuôi con rồi.

" Hùng giúp sơ dẫn mấy đứa nhỏ vào nhà ăn đi nhé. "- Sơ vỗ vai tôi mỉm cười nói. Tôi nhìn theo bóng lưng sơ rồi dẫn bọn trẻ vào trong.

Ở mái ấm này việc hằng ngày có các cặp vợ chồng đến ngắm lũ trẻ để chọn con là rất đỗi bình thường. Có lúc họ đến vào tầm sáng sớm, chỉ vì lí do là muốn biết đứa trẻ họ chọn có quấy phá hay gào khóc ầm ĩ hay không. Vốn dĩ việc các em nhỏ ngái ngủ nên khóc nhè là một việc quá đỗi bình thường. Nhưng ở những trại trẻ mồ côi như ở đây thì khác.

Phải ngoan ngoãn thì mới có cơ hội được nhận nuôi.

Vì chúng ta không phải máu mủ của họ.

Cũng vì rằng không phải máu mủ nên chẳng ai muốn nhận nuôi một đứa trẻ hư không vâng lời cả.

" Anh Hùng, anh có nghĩ đợt này em sẽ được nhận không? Sơ hôm qua có nói rằng đa số các cặp vợ chồng thường muốn nhận nuôi con trai, vì chúng em có thể giúp đỡ họ công việc khi về già."- Tôi nhìn thằng bé, mắt nó sáng lấp lánh, giọng điệu rất hào hứng và tràn đầy mong đợi.

" Con gái cũng được nhận nhiều mà đâu phải mỗi con trai. My nghe đài bảo là các cặp vợ chồng giàu có hay nhận nuôi con gái về mà. "

Đúng là người giàu dạo này hay nhận nuôi con gái thật. Nhưng đa số không phải để thương yêu mà là để nâng cao danh tiếng. Nhất là mấy người đang tranh giành bầu cử, chỉ cần một tin gia đình ông A vừa nhận nuôi một đứa trẻ là bỗng lấy được sự tín nhiệm của người dân.

Mọi người nhận nuôi với những lý do khác nhau, do sức khỏe, do biến chứng...họ nhận nuôi đôi khi là muốn hưởng trọn niềm vui của đấng sinh dưỡng, cũng có thể là niềm mong mỏi một chỗ dựa vững chắc khi đầu bạc răng long.

Những người giàu, họ nhận nuôi con gái với suy nghĩ rằng chúng sẽ dễ bảo hơn đám con trai nghịch ngợm. Họ hoàn toàn có thể có hoặc không khi dựa dẫm vào người con gái ấy. Tất nhiên, tờ di chúc chẳng cần tốn thêm tí mực cho tên của một đứa con nuôi không cùng huyết thống.

" Mấy đứa đều rất đáng yêu nên kiểu gì cũng sẽ được nhìn trúng thôi." - Tôi xoa đầu hai đứa nhỏ rồi bảo chúng quay lại bàn ăn.

" Anh Hùng cũng thế, anh thân thiện thế này chắc chắn rồi sẽ có người nhận anh thôi."

Tôi nghe đến đây cũng chỉ biết cười trừ. Ít ai nhận nuôi những đứa trẻ tầm tuổi tôi lắm. Vì họ cho rằng chúng tôi lớn và đều có nhận thức cả rồi. Họ sợ nuôi sẽ sinh tật, khó bỏ những thói quen xấu, hay lớn lên chúng tôi sẽ phản bội họ. Con người thật là...

Theo trí nhớ của một đứa trẻ, tôi nhớ bản thân đã phải lang thang ở đầu đường xó chợ từ khi chưa có nhận thức cho đến khi được sơ Mai tìm thấy và dẫn về mái ấm.

Ở đây sơ Mai là người đứng đầu bao quát toàn việc, kế đến là các sơ nhỏ phụ trách những việc mà sơ Mai giao phó.

Tôi vẫn khắc ghi khoảnh khắc tôi đặt chân đến chốn này, trại trẻ mồ côi như vừa mới được xây lên. Nó thiếu vắng đi những tiếng cười, những viễn cảnh đông đúc quen thuộc như hiện tại. Sơ Mai đặt cho tôi cái tên Huỳnh Hoàng Hùng.

Huỳnh là họ của sơ.

Hoàng ở đây là có nghĩa là hoàng hôn, khoảnh khắc cuối của ngày khi mặt trời khuất sau đỉnh núi.

Hùng chỉ sự mạnh mẽ, can trường dũng cảm trước bão giông.

Theo lời sơ, Hoàng Hùng là một cái tên rất hợp với tôi. Vừa yên bình tỏa sáng như ánh chiều tà, lại vừa thông minh, mạnh mẽ. Tôi cũng là người duy nhất được sơ lấy họ mình để đặt cho, trong tất cả những đứa trẻ cả đến cả đi thì tôi cũng là đứa được sơ yêu quý nhất. Nhưng tôi biết, cái tên của tôi vốn thuộc về đứa bé chết yểu trong bụng của sơ.

Nếu nó còn sống, chắc cũng tầm tuổi như tôi bây giờ...

_____

Đợi các em ăn xong thì tôi dắt chúng đi lên từng phòng để vệ sinh đi ngủ. Bên cạnh phòng ngủ có một cái phòng trống hướng thẳng ra vườn, nơi có thể ngắm những khóm hoa đẹp mê mẩn dưới bầu trời đang nổi cơn giông.

Mọi người thường bảo tôi là một đứa trẻ không bình thường.

Có lẽ là do tôi hơi ít nói. Trong khi những người bạn đồng trang lứa vui đùa chạy nhảy, hò hét ầm ĩ bên ngoài, tôi lại chỉ thích nhốt mình trong phòng mà ngắm nhìn cảnh vật. Vì mỗi khi ngắm nhìn chúng, lòng tôi lại hân hoan muốn ca hát, muốn làm thơ hoặc vẽ tranh để lưu giữ những khoảnh khắc này vào sâu trong tâm trí.

Đâu phải mưa nào cũng buồn

Chỉ tại lòng ta mà nỡ lòng đổ lỗi cho cơn mưa

Tôi lặng đến cuối cơn mưa bất chợt

Lộng lẫy sau lưng của bảy sắc cầu vồng

Những giọt trong veo mở lòng mùa hạ

Gió thiên đường cuồng dại dưới môi cong


Cộc cộc

Tôi quay vào trong thì thấy Duy đang gõ một tay xuống mặt sàn, điệu bộ trông lúng túng như gà con của thằng bé khiến tôi bật cười. Duy tưởng tôi cười là do nó nên lúng túng sợ soạng khắp khuôn mặt.

Duy là một trong bốn đứa tôi được phân phải để ý, thằng bé bốn tuổi, cơ thể yếu ớt và không thể nói được. Cái thói quen gõ xuống sàn là do nó tự nghĩ ra qua mấy lần nó để ý đối phương bị giật mình do nó xuất hiện quá im lặng.

" Em không ngủ được à? "

"Em không dám ngủ.. em sợ nếu giờ mình nhắm mắt thì khi tỉnh dậy sẽ không thấy mọi người đâu nữa.."-Duy giơ bàn tay nhỏ bé lên mà làm những ký hiệu thủ ngữ.

Từ sau cái lần người bạn thân của Duy được nhận nuôi trong lúc thằng bé đang say giấc thì dần già nó không còn dám ngủ khi có khách đến nữa. Có lẽ sâu trong lòng Duy đã tự cho rằng em sẽ phải ở đây mãi vì không ai muốn một đứa trẻ câm làm con nuôi cả.

Tôi thấy thương cho em, thương cho đứa trẻ bị cha mẹ bỏ lại khi mới còn đỏ hỏn đến dây rốn còn chưa được cắt.

Nhìn em tôi mới thấy, có lẽ cuộc đời tôi vẫn còn tốt đẹp chán.

" Anh hát hay thật.. sau này nếu em có thể nói.. thì em muốn được cùng hát với anh."

Thằng bé nhìn tôi, ánh mắt nó long lanh đầy hào hứng. Tôi biết, được ca hát là một điều mà thằng bé luôn mong mỏi. Duy vốn dĩ không phải là câm bẩm sinh, sơ nói ngày tìm thấy em trước mái ấm, em vẫn có thể phát ra âm thanh yếu ớt. Sơ có cho Duy đi khám, bác sĩ nói rằng em là do sốt cao cộng thêm mới chào đời mà đã phải chịu lạnh nên dây thanh quản có vấn đề, tương lai em có thể nói được hay không thì còn phải tuỳ vào sự may mắn.

Duy chỉ ra ngoài, nơi mấy khóm hoa oải hương đang hứng trọn những giọt mưa mà ông trời ban tặng.

" Anh có nghĩ em sau này cũng sẽ giống chúng không? "

" Em đang nói mưa hay hoa? "

" Anh đoán thử xem, mưa trông u sầu ảo não nhưng nó đem đến lợi ích cho mọi người. Hoa thì được nhận những gì tinh túy nhất của mưa, nhưng nếu mưa cho đi nhiều quá thì hoa sẽ chóng tàn. "

" Vậy thì chắc là mưa rồi. "

" Sao anh lại đoán là mưa? "

" Vì em là một đứa trẻ rất đặc biệt. Tương lai anh chắc chắn em sẽ làm mọi người hạnh phúc như cách hoa được gặp mưa vậy. Tin anh đi, chẳng có đứa trẻ nào tầm tuổi em mà lại có thể thuộc hết quyển ngôn ngữ kí hiệu trong đúng một ngày đâu. "- Tôi vừa nói vừa xoa đầu thằng bé.

Tôi hiểu em mà, hạnh phúc tựa như những ngày trời đổ lệ, tuy rải rác khắp mọi nẻo đường nhưng đôi tay bé nhỏ của những người như ta lại chẳng thể khiến chúng lắng đọng lâu hơn một chút.

Duy thấy mình như cơn mưa vậy. Em trao đi những giọt mưa hạnh phúc, em đi khắp chốn trời mây mang theo tình yêu thương cho người với người, nhưng đến cuối cùng em lại tan biến, tan biến như cách giọt mưa ngấm ngầm vào mặt đất.

" Anh có từng nghĩ.. việc đôi tai ta còn có thể nghe thấy âm thanh...  mắt có thể nhìn rõ thế giới là một điều quá đỗi may mắn không? "- Duy gối đầu lên chân tôi, ánh mắt nhìn ra phía chân trời xa xăm hỏi.

" Anh có. Thật khó để tưởng tượng ra viễn cảnh khi ta sống mà không thể nghe thấy âm thanh hay ta sống mà không thể nhìn thấy. Viễn cảnh nào cũng thật đau đớn... "

Trước khi đi ngủ tôi luôn ước với những vì sao, rằng đừng lấy đi từ tôi thêm một điều gì nữa. Vì tôi yêu nghệ thuật, yêu những bài thơ lãng mạn và cả những bức tranh đầy tính nhân văn. Nếu một ngày nào đó, tôi không còn được phép thấy chúng nữa.. tôi nghĩ tôi sẽ không thể sống nổi.

" Ôi thật nhẹ nhõm khi ta được nói những điều ta muốn và không bị bảo rằng trẻ con chỉ nên thấy, không nên nghe. Tao bị nói như thế cả triệu lần mỗi khi mở miệng đấy."- Thằng Hiếu bước từ ngoài cửa vào, tay đang lấy cái khăn vò cái đầu ướt nhẹp.

Tôi và thằng Hiếu hiện tại đang là hai đứa lớn nhất ở đây. Khác với tôi, nó hay được các sơ phân chạy tới chạy lui bên ngoài để phụ việc vặt, trông thì mệt mỏi nhưng mà nó lại thích ác. Nó nói là thà mệt nhưng được ra ngoài kia ngắm nghía đất trời còn hơn là ru rú ở trong mái ấm chăm mấy đứa nhỏ như tôi.

" Mày lại vừa phải chạy đi đưa đồ à? "- Tôi nói, tay thì bế cái Duy vừa thiếp đi lên giường ngủ.

" Nay mưa nên tao không phải đi. "

" Thế sao người ướt nhẹp thế kia? Hay mày lại trốn đi chơi, hôm qua bị sơ mắng trước bốn đứa nhóc vẫn chưa chừa à? "

" Tao không có trốn đi chơi! Với cả giờ chỉ còn ba đứa thôi, cái My vừa được nhận nuôi rồi. Con bé này may phết, thấy nhà này có vẻ hiền với có điều kiện. "

" Vậy là đúng với mơ ước của My rồi...  được nhận vào một gia đình khá giả."- Tôi nhìn vào phía giường trống, nơi cách đây một tiếng vẫn còn một cô bé nằm ngoan say giấc. Mặc dù đã trải qua rất nhiều lần như này rồi, nhưng lòng tôi vẫn có chút hụt hẫng.

" À với cả mày lo mà giải quyết em trai cưng của mày đi. Chả hiểu ăn cái gì mà nghịch thế không biết. "- Hiếu nói, tay thì chỉ ra ngoài cửa, nơi đang có một thân ảnh đứng ngó nghiêng nhưng không dám vào.

Cái điệu bộ này tôi còn lạ gì nữa chứ.

" Dương, em bước vào đây cho anh. "

...

" Nếu em không vào thì anh sẽ không thương em nu- "

Còn chưa nói hết câu thì Dương đã hối hả chạy vào. Và đập vào mắt tôi là hình ảnh một đứa nhóc bị bầm tím mắt phải và phần áo như bị ai đó kéo làm nhão hết cả ra, người thì lấm lem bùn đất như vừa đi đánh trận về vậy.

" TRẦN ĐĂNG DƯƠNG! "

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro