Chương 4. Mấy câu ca tình

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Mường Hịch ngày càng khuất xa khỏi tầm mắt. Chúng tôi vẫn hành quân ngày đêm hướng về đích đến Mường Lát, như thể chưa từng xuất hiện cái chết của một người lính nào. Có lẽ bằng chứng cho sự ra đi của anh Phi là việc mọi người trở nên trầm lặng đi đôi chút, nhất là ba đứa út ít khi chứng kiến tử vong. Có lẽ vì chúng tôi đều sợ. Chúng tôi sợ rằng ngay giây kế tiếp thôi, sẽ lại có một người ngã xuống vì kiệt lực và những anh em còn lại thì chẳng thể làm gì ngoài hạ táng tạm bợ đồng đội của mình. Chúng tôi còn sợ rằng trong giây phút ấy, là bản thân chúng tôi ngã xuống, bỏ lại gia đình, tuổi trẻ, bỏ lại lí tưởng dang dở chưa kịp thực hiện của mình.

Anh Thạc thấy chúng tôi có vẻ căng thẳng quá, vậy là thỉnh thoảng lại trêu chọc để tăng không khí. Nhưng chuyện của anh Phi giống như một mảnh dằm vậy. Nó ghim vào tâm trí tôi, lặng lẽ nhắc nhở tôi về cái chết. Tôi có đáp lại câu bông đùa của anh Thạc, nhưng tôi nghĩ anh vẫn nhìn thấu được tâm sự của tôi.

Dẫu anh Thạc chẳng nói gì, tôi vẫn phát hiện ra anh săn sóc tôi hơn trước một chút. Anh còn bảo tôi đổi vị trí với anh Trân để tôi đứng áp chót, còn anh thì đi ngay phía sau. Mấy lần tôi muốn nói với anh rằng tôi không yếu ớt như vậy, song lại thôi. Không thể không thừa nhận, anh Phi khiến tôi nhận ra bản thân cũng biết sợ cái chết.

Vào một đêm chúng tôi dừng lại nghỉ chân trong rừng sâu, cả bảy anh em ngồi lại với nhau. Dân bản biết bộ đội hành quân ngang làng, lúc chiều muộn đã kêu vài thiếu niên trẻ tuổi lặng lẽ đưa cho anh em mấy con gà rừng nướng sẵn. Vậy là cả đoàn bắt đầu chia nhau ăn, mỗi người một ít, dẫu chẳng thấm vào đâu nhưng vẫn xem như là có cơn mưa rào giữa ngày nắng hạn. Tôi không nỡ ăn ngấu nghiến miếng thịt gà ít ỏi, cũng không nỡ nuốt xuống, cứ nhai chầm chậm trong miệng. Đến lúc miếng thịt đã vào bụng, tôi vẫn còn tiếc rẻ không thôi. Đã rất rồi tôi mới được ăn thịt gà, ngay cả khi còn ở với thầy u cũng hiếm khi thấy món ấy trên bàn cơm đạm bạc. Thời buổi loạn lạc, lại thêm nạn đói chỉ vừa kết thúc, có cháo loãng ăn đã là rất quý rồi. Còn nói chi đến con gà, con lợn?

"Thêm miếng nữa thì tốt biết mấy!" Anh Hưởng nói hộ lòng của nhiều người, tiếc rẻ mút lấy ngón tay còn bóng mỡ thịt. Anh Tuấn nghe vậy thì vỗ vỗ đầu anh Hưởng, còn tôi thì gật đầu đồng tình.

Anh Trân lại trêu: "Mày cứ tìm một cô trong bản mà yêu, không chừng người ta mang cho mày ngay một con gà!"

"Anh Trân toàn chọc em!" Hai má anh Hưởng đỏ ửng. Anh Mẫn ngồi bên cạnh thấy vậy liền cười đầy vẻ trêu chọc, còn đẩy đẩy vai anh Hưởng. Anh Hưởng bèn trừng mắt lên: "Cái thằng này!"

"Nói đi chứ!" Anh Mẫn nháy nháy mắt. "Không dám thì để tao. Thằng Hưởng này dưới quê có người yêu rồi các anh ạ, chẳng có cô nào lọt nổi mắt nó đâu!"

Cả lũ chúng tôi nghe xong, khoái chí huýt sáo ầm lên. Vậy là hai má anh Hưởng lại càng đỏ. Anh đấm vai anh Mẫn, tay kia thì ngượng ngùng gãi mái đầu đã thưa tóc hẳn đi so với ngày đầu chúng tôi gặp mặt.

"Kể nghe nào kể nghe nào!" Anh Trân giục giã. "Thằng Hưởng này trông ngố thế mà còn có người yêu đấy! Hưởng, mau kể đi em, kể cho anh em nghe mà học hỏi!"

"Nhìn cái kiểu này là không kể được rồi." Anh Tuấn lắc đầu. "Mẫn, kể hộ nó đi!"

"Người yêu thằng Hưởng là nàng đẹp nhất làng chúng em, các anh ạ. Tên giống anh Kỳ tiểu đội ta đấy, Sáp Kỳ! Cổ lớn lên trong lứa chúng em, chơi với chúng em từ lúc còn bé tí."

Anh Thạc xen vào: "Để anh đoán, thằng Hưởng mê nàng từ bé phải không?"

"Ôi chao, sao anh Thạc biết! Năm mười tuổi nó đã biết hái hoa mỗi sáng để trước bậu cửa sổ phòng người đẹp rồ-- Úi cha, sao mày đánh tao!"

Thật là một quang cảnh hài hoà. Mặt anh Hưởng đỏ còn hơn cả trái gấc chín, nhào tới bịt chặt miệng anh Mẫn không cho nói. Anh Mẫn thì la oai oái cố giằng ra. Mọi người còn lại đều cười vui vẻ nhìn hai người đẩy tới đẩy lui.

Dường như không cam lòng trở thành người duy nhất bị vạch trần, anh Hưởng - sau khi buông anh Mẫn ra - đã chỉ về phía đội trưởng Tuấn mà nói to: "Anh Tuấn cũng thế thôi! Hôm trước em còn thấy anh ấy cùng người ta nhân lúc nghỉ ngơi mà ra nơi vắng người thì thầm!"

Toàn bộ im lặng ba giây, rồi đồng loạt bùng nổ.

"Cái gì?!"

"Anh có nghe nhầm không?"

"Thằng gỗ mục Nam Tuấn nhà mình mà cũng có người yêu cơ á?"

"Ơ hay, thế vì sao đến bây giờ em vẫn chưa có ai? Anh Tuấn mà còn có người chịu, như em đây phải ít nhất ba nàng ưng chứ!"

"Bớt ảo tưởng hộ cái ông ơi!" Tôi không nghe nổi nữa, đánh mạnh lên vai anh Mẫn một cái. "Đội trưởng của bọn mình vừa đàn giỏi vừa biết làm thơ, sao lại không ưng? Có mỗi cái mã như anh thì không làm ăn gì được đâu!"

Anh Mẫn không phục, cãi lại: "Anh mày làm sao mà chỉ có mỗi cái mã? Vẻ đẹp bên trong của anh xuất sắc lắm, tinh mắt mới nhìn ra!"

"Thôi thôi!" Anh Trân ngăn lại những tiếng xì xào. "Lũ chúng mày không phân biệt được cái nào là trọng điểm à, toàn để ý mấy cái vớ vẩn! Thằng Tuấn, khai mau, bông hoa nhài nào chịu cắm vào bãi mày?"

Anh Trân vừa dứt lời, chúng tôi cùng quay sang nhìn anh Tuấn. Lúc này, tôi mới phát hiện nhân vật chính đã đỏ mặt tía tai từ bao giờ, da mặt có xu hướng còn sặc sỡ hơn cả anh Hưởng ban nãy.

"Là..." Anh Tuấn gãi đầu, ngượng ngùng lắp bắp. "L-Là Thái Anh."

Anh Thạc ngạc nhiên lặp lại: "Thái Anh?"

"Cô Anh quân y ư?"

"Có phải cô quân y hoạ mi không?"

"Cổ đó!" Anh Hưởng xác nhận. "Em thấy hai người ngồi trên mỏm đá, dựa sát, sát thế này này," anh ấy làm ra một khoảng bé tí bằng hai ngón trỏ, "thì thà thì thầm!"

"Cổ hát hay lắm!" Anh Thạc thở dài nhớ lại. "Lần đó ăn liên hoan chia tay một bản, cô Thái Anh đại diện hát tặng dân bản một bài. Anh em nghe mà ai cũng dại ra, chả hiểu làm sao trong quân lại có cô ca sĩ hát hay thế, giọng phải gọi là ngọt hơn cả đường phèn!"

"Ôi, thế thì đúng một cặp với Tuấn Tài Tử nhà mình rồi còn gì!"

"Tiếc quá." Anh Trân tặc lưỡi ngậm ngùi. "Trời phú cho Tuấn tài nhớ nhạc, chẳng chịu phú cái tài hát, nếu không thì đoàn ta mỗi lúc liên hoan sẽ có thêm vài ba bản song ca nam ra nam nữ ra nữ, đỡ cho anh phải nghe hai cái giọng đực rực anh anh em em với nhau! Tuấn này, lúc ngồi bên suối với người ta mày có hát không đấy? Đừng nhé! Chớ dại em ạ. Vất vả lắm mới có cô người yêu, đừng có hứng chí cất cái giọng vịt đực của mày ra doạ người ta chạy mất!"

Tôi vừa lúc đệm vào mấy câu hát: "Suối ơi! Ôi nguồn yêu mến, còn ghi khi bóng ai tìm đến. Đàn ai nắn buông lưu luyến, suối hát theo đôi chim quyên." (1)

Vậy là cả lũ cười ầm.

Anh Tuấn chắc là ngượng quá, đâm ra muốn kéo người khác xuống cùng. Vậy là anh chỉ vào ông bạn đồng niên của mình: "Cứ nói tôi, thằng Thạc cũng có người yêu kìa! Còn là có từ bé, không thua gì thằng Hưởng!"

Anh Thạc - sau vài giây ngớ ra - gãi đầu thẳng thắn thừa nhận: "Có thì có. Tao đây từ năm sáu tuổi đã biết cầm cưa rồi!"

Tôi giơ tay lên: "Cái này có em làm chứng nhé! Ảnh cưa chị gái xóm bên từ năm sáu tuổi, đến năm mười sáu tuổi người ta mới chịu gật đầu!"

Anh Kỳ nghe vậy bèn giễu: "Mười năm? Bày vẻ huênh hoang cho ai coi hả Thạc?"

"Kệ em chứ, ít nhất người ta còn gật đầu." Anh Thạc mặt dày đáp. "Còn là người đẹp trứ danh đấy! Thằng Hưởng, người yêu mày cũng là mỹ nhân đúng không? Mau lấy ảnh ra anh so thử xem nào!"

Anh Hưởng nghe vậy liền cãi: "So làm chi? Dĩ nhiên là người yêu em đẹp hơn!"

"Bậy! Cái Tú nhà anh chắc chắn đẹp hơn!"

"Người yêu em!"

"Người yêu anh!"

"Ôi thôi thôi, tao lạy hai đứa chúng mày!" Anh Trân bịt tai. "Khoe thì khoe vừa vừa phải phải thôi nhé, để yên cho ông già cô đơn này sống!"

"Ôi chao, Phan An (2) tiểu đội chúng ta vẫn còn ế đấy ư?"

"Anh Trân bao nhiêu tuổi nhỉ? Hai mươi ba? Thế là ế hết hai mươi ba năm rồi?"

"Thế có nghĩa là," anh Thạc nháy mắt với anh Tuấn và anh Hưởng, "càng xí trai như chúng mình thì càng có người theo các ông nhé!"

"Chưa chắc!" Anh Mẫn phản bác. Tôi còn đang cười, chợt nhận ra ngón tay anh đang chỉ vào tôi. "Thằng Út Quốc nhà mình kìa, đẹp trai thế mà có người yêu rồi đấy! Mới mười sáu tuổi!"

Tôi ngẩn người, hỏi lại: "Sao anh Mẫn biết?"

"Hôm trước mày làm rơi thư tình, anh nhặt lên cất vào hộ mày chứ ai!"

Vậy là tới lượt tôi trở thành mục tiêu trêu chọc của các anh.

Sau một hồi vừa bị cưỡng ép vừa bị dụ dỗ nói ra tình sử, tôi mới được các anh thả cho đi. Tôi chạy vọt tới chỗ để ba lô của mình, cảm giác hai gò má vẫn còn nóng hổi. Mấy cái ông anh này có hơn tôi bao tuổi đâu, vậy mà còn bày đặt lên mặt dạy dỗ chuyện yêu đương!

Tôi vừa lục lọi ba lô vừa rủa thầm các anh trong bụng, rồi cũng chẳng biết mình lục ba lô để làm gì. Có lẽ là để hai bên má thôi nóng rực đi. Lục thế nào, lại đánh rơi cả quyển sách, khiến cho vài mảnh giấy lọt ra ngoài.

Tôi nhặt lên, nhận ra đó là mấy lá thư. Có thư nhà, có thư tôi. Có cả thư em.

Anh Mẫn nhắc mấy lá thư làm tôi không cầm lòng được, len lén giở ra đọc lại. Từ trước tới nay Sa viết cho tôi áng chừng mười lăm bức thư, tôi sợ mang đi sẽ làm hỏng nên để lại gần hết, chỉ kẹp theo hai lá tôi thương nhất. Một lá em viết vào năm ngoái, tâm tình mấy chuyện nhân tình thế thái; lá thứ hai em đưa tôi vào trước ngày lên đường Tây tiến, dặn dò rất nhiều việc, đến gần cuối mới có đôi câu tỏ ý mong nhớ - chỉ vậy thôi cũng đủ khiến tôi vui đến quên cả mệt mỏi.

Tiếc là thời gian quá gấp, tôi chẳng kịp để lại lá thư cuối cho em. Chỉ có thể mang theo những con chữ chưa thành này trên đường hành quân, khi rảnh rỗi lại viết xuống đôi dòng cho vơi nhớ nhung. Tôi cũng cẩn thận lắm, chẳng bao giờ viết trước mặt các anh. Mà lỡ như các anh có thấy thì tôi cũng sẽ bảo là chép lại lời bài hát anh Tuấn vừa dạy. Tôi sợ rằng các anh biết tôi đi lính mà còn tình trường nhi nữ (3) thế này thì sẽ bảo tôi yếu đuối.

Quá chú tâm nên tôi chẳng để ý động tĩnh phía sau lưng mình. Đến khi có một bàn tay đặt lên vai tôi, tôi mới giật mình, theo bản năng giấu đi mấy lá thư.

Người tới là anh Thạc.

Tôi thở phào, rồi lại bất mãn nói: "Anh Thạc làm gì đó?"

"Định kêu mày đi ngủ sớm. Khuya nay phải dậy hành quân mà." Anh liếc ba lô tôi, trêu: "Nhớ con bé Sa à?"

Tôi ngại không nói, anh lại tiếp lời: "Nhớ thì nhớ thôi, có sao đâu mà mày giấu."

"Đàn ông con trai, đi lính mà còn tình trường nhi nữ..."

Anh Thạc cười nhạo: "Mày ít mấy cái lí lẽ đó hộ anh! Đi lính thì sao? Bộ đi lính không phải con người chắc? Là con người thì ai mà chẳng có tình cảm, ai mà chẳng biết yêu? Biết yêu thì tự khắc biết nhớ. Bọn mình chẳng phải anh hùng cứu thế, bọn mình là con người em ạ!"

Tôi nghe hết, ngẫm nghĩ một chút, lòng cũng thoải mái hơn. Tôi hỏi anh Thạc: "Vậy là anh cũng nhớ chị Tú?"

"Nhớ chứ." Anh Thạc thẳng thắn gật đầu. "Anh nhớ cái Tú lắm. Vì nhớ nên lại càng quyết tâm đánh giặc để còn gặp lại."

"Vậy ư?" Tôi ứng thanh, ngập ngừng hồi lâu mới nhỏ giọng thừa nhận. "E- Em cũng nhớ cái Sa."

"Nhớ là tốt rồi." Anh vỗ vỗ đầu tôi, ý cười trên khuôn mặt như có thể át cả nắng trời. "Đi, đi ngủ! Không ngủ thì không có sức hành quân đâu. Mình chỉ có vài giờ thôi."

Dẫu vậy, tối đó tôi vẫn không ngủ được. Tôi nhớ Sa, nhớ Sa quá. Chẳng phải lần đầu tiên tôi nhớ em, nhưng những lần trước đều bị tôi vội vã gạt đi vì sợ rằng mình như vậy là biểu hiện của yếu đuối. Lời anh Thạc nói đã khiến những tâm sự của tôi như được mở khoá mà tuôn ra, cho tôi thoả lòng nghĩ ngợi, cho tôi thoả lòng mong nhớ. Và vậy là cả đêm ấy, tôi nhớ Sa.

Tôi nhớ đôi mắt, hàng mày, bờ môi. Tôi nhớ suối tóc đen mướt, đổ dài xuôi theo tấm lưng em và khe khẽ đong đưa theo mỗi chuyển động. Tôi nhớ cả nụ cười động lòng người của em mỗi khi tôi cất cao giọng gọi tên em từ dưới cửa sổ. Mấy lần ấy, em sẽ nghiêng người nhìn ra ngoài khiến suối tóc hững hờ đổ trên thành khung gỗ mục, miệng chê tôi ồn mà mắt lại sáng hơn cả sao. Có lần ông anh lớn của em về nhà phát hiện ra tôi, vậy là tôi bị ông ấy rượt chạy cả buổi trời, còn bị mắng là dám dụ dỗ em gái quý giá của ông ấy. Mỗi lần tôi đem chuyện này ra hờn, Sa sẽ khẽ cười, và nghiêng người thơm nhẹ lên má tôi như một món quà đền bù đủ để khiến tôi quên đi hết mọi thứ xung quanh.

Cái Sa của tôi không được gọi là mỹ nhân như chị Tú xóm bên, nhưng em trong mắt tôi thì lại chẳng ai bì được. Nếu chị Tú đẹp dịu dàng thì vẻ đẹp của em là anh khí, vừa mạnh mẽ lại vừa đài các. Tôi đã nghĩ mình có thể làm cả một bài thơ dài vì vẻ đẹp ấy, nhưng đến lúc cầm bút rồi thì tắt tịt, nhận ra chẳng có ngôn từ nào xứng đáng với em cả. Sa của tôi, em của tôi. Giá như có một đôi cánh, tôi sẽ chẳng ngại ngần gì mà bay về trong đêm tối chỉ để nhìn thấy em thêm một lần cuối trước buổi hành quân. Chỉ một lần thôi.

Nhưng tôi biết rõ, sẽ chẳng có đôi cánh nào cả.

Hiện thực giống như một con dao, cắt vào tay mới nhận ra nó tàn nhẫn thế nào, mới tỉnh khỏi những mơ mộng hư ảo. Tôi không thể trở về. Đây là con đường tôi đã chọn, con đường có mồ hôi, có máu đỏ, có súng bom và vô số những thứ chết người khác. Tôi không còn lựa chọn nào ngoài tiếp tục đi về phía trước, về nơi Mặt Trời đã trót ngủ quên và bỏ lại tổ quốc cùng những người tôi yêu thương trong bóng tối.

Nặng nề, tôi chìm vào giấc ngủ. Trong mơ, tôi thấy bản thân khi còn ở Hà Nội, vẫn chưa cao như năm mười sáu tuổi. Lúc ấy, cái Sa còn nhỉnh hơn tôi một chút. Đôi mắt em vẫn sáng trong như mặt nước hồ thu, tựa hồ có thể phản chiếu cả khuôn mặt non nớt của tôi. Chúng tôi đều còn nhỏ, nhỏ lắm. Chúng tôi khi ấy chẳng biết gì về chiến tranh.

Chúng tôi chỉ biết đôi chút cái đói, cái khổ. Chúng tôi càng biết nhiều hơn về những trưa hè gay gắt, khi tôi dắt tay em chạy băng băng qua những cánh đồng trơ trọi mặc cho mồ hôi túa ra ướt cả áo. Chúng tôi biết cả niềm vui mỗi lần đến lớp học giản dị của ông Hai Đồ, Sa luôn lặng lẽ để lại chỗ trống bên cạnh em cho tôi. Chúng tôi biết những ngày cuối tháng Chạp lạnh lẽo, bốn bàn tay trẻ con hơ trên đống khoai nướng nóng hôi hổi, và những lớp vỏ khoai Sa bóc ra bao giờ cũng mỏng và đẹp như cánh ve.

Thời thơ ấu ấy, không xa, cũng chẳng gần.

Và giá như tôi ngủ sớm hơn một chút. Biết đâu, chính mình sẽ mộng thấy Sa lâu hơn chút nào?

















Chú thích

(1) Bài hát "Sui Mơ" ca nhc sĩ Phm Duy.

(2) Phan An là mt m nam người Trung Quc thi xưa. Có câu thành ngp như Phan An".

(3) Trích t "Nhi n tình trường, anh hùng khí đon" - nói lên vic tình yêu quyến luyến vi người con gái d dàng khiến cho ý chí ca người anh hùng st gim.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro