Chương 3. Rừng thiêng, suối độc

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Ngày 27 tháng 2 năm 1947, Trung đoàn 52 được thành lập tại Mai Châu, Hoà Bình. Vậy nhưng lũ lính tráng chúng tôi vẫn thích được gọi là binh đoàn Tây Tiến, và bà con trong huyện cũng vậy. Cái tên Tây Tiến với tôi mang nặng cảm xúc hơn là một con số đơn thuần. Tây Tiến, chính là tiến về phía Tây, giống như một lời thề quyết ý không quay đầu, quyết ý đi đến nơi mặt trời ngủ quên.

Sau buổi đọc diễn văn, chúng tôi cùng nhau ăn bữa cuối cùng ở Mai Châu trước khi lên đường. Bà con dúi cho mỗi người một nắm xôi nếp nằm gọn trong lòng bàn tay chúng tôi. Kể ra thì chừng đấy chẳng trụ được bao lâu, nhưng vẫn quý vô cùng. Quý ở chỗ đấy là cơm của đồng bào, ở chỗ đồng bào nuôi chiến sĩ. Bởi thế mà lính tráng anh nào anh nấy đều rưng rưng ăn sạch từng hạt nếp còn dính trên tay mình. Tôi cũng chẳng khác. Nhưng cái tính nghệ sĩ chảy trong huyết quản không cho phép tôi ăn vồ vập như các đồng chí của mình. Tôi kề nắm xôi lên sát mũi, hít hà cho thoả mùi xôi thơm ngọt ngào rồi mới chậm rãi ăn bằng sạch. Cái nếp dẻo bùi khiến lòng tôi vui sướng lạ thường, và tôi bỗng nhớ u. Mùa Tết năm nào u cũng làm một nồi xôi nho nhỏ để trên bàn thờ ông bà tổ tiên. Nhớ ngày còn bé, tôi thường xuyên trộm một ít xôi trong nồi ăn vụng, bị u quở trách suốt. Ôi, tôi nhớ u quá! Ắt hẳn lúc đọc thư tôi, u đã khóc đỏ cả hai mắt. Nghĩ tới mà tôi thấy xót xa, nhưng nhìn nắm xôi của đồng bào trên tay, lòng tôi đằm lại. Tôi ra đi, là vì u, vì thầy, vì Sa, vì những người thương yêu, vì đồng bào. Tôi ra đi, để nắm xôi này còn ngọt mãi về sau.

Tôi thở sâu, nhìn Mai Châu lần cuối, rồi đứng vào hàng ngũ.

Từ Mai Châu, chúng tôi sẽ lên đường đến Mường Hịch và dừng chân ở Mường Lát (1). Đường hành quân của chúng tôi chẳng còn suôn sẻ như mấy ngày đi từ Hà Nội ra Hoà Bình. Chúng tôi không đi đường mòn nữa mà phải vào trong rừng sâu. Lũ trai Hà Nội như tôi trước giờ đã quen mùi thành đô, thành ra chúng tôi vô cùng vụng về trong lần đầu tiên đi đường dài giữa cây cối um tùm rậm rạp. Càng đi sâu vào rừng, ánh sáng càng trở nên hi hữu, ban ngày mà cứ ngỡ đã là sập tối. Mắt tôi chưa quen nhìn trong bóng tối, cứ đâm phải những chiếc lá bản to hoặc những cành cây mọc ngang lưng chừng. Vậy còn đỡ. Nghe đâu hôm qua có anh nào vừa đi vừa buồn ngủ, đâm sầm vào một thân cây mạnh đến mức rách cả trán.

Anh Tuấn dẫn đầu tiểu đội, anh Kỳ ở giữa, còn anh Thạc áp cuối. Ban đầu chúng tôi còn thì thầm vài chuyện cho quên mệt, được một buổi sáng thì ai nấy đều tắt đài. Một là anh Tuấn bảo phải im lặng, hai là bọn lính mới chúng tôi đều nhận ra nói chuyện với nhau chẳng những không quên mệt nổi mà lại còn mệt thêm. Vậy là đường đi im ắng vô cùng, chỉ nghe được tiếng gió đẩy lá cây xào xạc, tiếng côn trùng kêu rả rích và tiếng bước chân đoàn quân giẫm nhẹ trên mặt đất trải đầy cành lá khô.

Những con đường dần dựng đứng, dốc đến độ đã vài người bị trượt ngã. Chúng tôi phải bám vào đất, đá, rễ cây để trụ vững. Bầu trời không thấy, các nẻo đường đã đi qua lại trở thành một chốn quá đỗi xa xôi. Chỉ có thể tiếp tục tiến bước, không thể rơi lại phía sau. Tôi vừa trèo vừa thở hồng hộc như con bò mộng, ba lô trên vai trong ngày xa nhà vốn nhẹ như bông nay lại trở thành đá tảng, không ngừng kéo đôi vai tôi xuống. Giờ mới hiểu những lời cằn nhằn của anh Thạc và cái lắc đầu của anh Kỳ. Nhưng sự cũng đã rồi, tôi không thể quay ngược thời gian, cũng không nỡ để những quyển sách quý báu của mình lại chốn rừng rú, chỉ có thể tiếp tục mang gánh nặng ấy tiến về trước. Mỗi một bước chân như nặng thêm một cân. Đã không còn nghĩ được tới chiến trường Mường Lát hay Sầm Nứa, đã không còn mơ mộng đến doanh trại sắp được dựng lên bên bờ sông Mã, tôi lúc này chỉ biết kêu gào trong lòng rằng thêm một chút, thêm một chút nữa, sắp đến đỉnh núi rồi.

Những khẩu súng đeo trên vai đoàn lính chúng tôi dựng cao, chĩa về nền trời xanh thẳm, trông từ đằng sau như nghìn trùng cánh tay khô khốc hướng thiên thanh câm lặng thét gào.

Lúc gần đến Mường Hịch, chúng tôi nghỉ ngơi ở chân một ngọn núi, ai nấy đều mang lương khô ra cắn. Ba thằng nhỏ nhất tiểu đội ăn ngấu nghiến thứ thức ăn vừa khô vừa dai, ăn hết lại chọp chẹp miệng thòm thèm. Chắc anh Trân trông ba người tôi, anh Mẫn, anh Hưởng thấy thương quá, bèn xé miếng lương khô của mình chia cho chúng tôi. Tôi muốn nhận, nhưng nghĩ đến anh cũng giống như mình, cũng đói và mệt lả sau hàng dặm đường hành quân, vậy là tiếc nuối lắc đầu.

Anh Tuấn cũng nói với anh Trân: "Anh ăn đi, rồi mới có sức trèo tiếp."

Anh Trân không đáp, nhưng cũng không ăn nữa. Anh cất miếng lương đã xé nhỏ lại, rồi bỗng dưng nhìn anh Hưởng mà hỏi: "Sao tóc mày thưa thế? Thấy cả da đầu rồi."

Anh Hưởng sờ sờ tóc mình, mặt ngơ ngác. Tôi và anh Mẫn cũng xúm xít lại xem, thấy phần tóc gáy của anh chỉ lưa thưa vài sợi. Chúng tôi chưa kịp xuýt xoa, anh Tuấn đã cười bảo: "Chắc là do bữa giờ mày đi gội đầu ở mấy con suối chứ gì?"

"Em có tranh thủ mấy lúc nghỉ chân, đi gội cho đầu bớt ngứa."

"Nước suối trên này chẳng có lành như suối quê mày đâu." Tiểu đội trưởng Tuấn lắc đầu. "Độc lắm! Mày gội nhiều lần, rụng là phải."

Tôi nghe xong, tóc sau gáy cũng dựng lên. Thảo nào mà hôm qua gội đầu ở suối cùng anh Hưởng, tôi vớt được cả một mớ tóc rụng. Vốn nghĩ là do lâu ngày không tắm, ai ngờ lại còn có chuyện nước suối độc. Tôi hỏi: "Cùng là nước suối, làm sao ở trên này lại độc hả anh?"

"Tây Bắc mà, chẳng ai biết được." Người lên tiếng lần này là anh Kỳ. Anh thuận tay xoa mạnh tóc tôi, giọng nói vẫn thờ ơ. "Thằng đệ anh nó lên Tây Bắc năm ngoái, lúc về thăm anh em thì đầu trụi lủi. Nó bảo, nước Tây Bắc độc như lòng bọn Tây."

Thế rồi chúng tôi không nói nữa, vì sắp phải lên đường rồi.

Chúng tôi đến Mường Hịch vào tối muộn. Thật ra tôi còn không biết là đã đến nơi, cho đến khi bên tai vang vọng tiếng gầm của loài dã thú thì mới giật mình. Anh Thạc thấy vậy, bèn nói nhỏ với tôi: "Tới rồi. Nghe cọp gầm, là đã tới Mường Hịch."

"Ở Mường Hịch nuôi cọp hả anh?"

Anh Thạc nghe vậy phụt cười. Anh vỗ đầu tôi, trêu: "Đọc sách lắm vào, sao giờ lại hỏi anh câu này? Ở đây toàn dân bản chỉ biết làm nông, ai mà nuôi nổi cái của nợ đó!"

"Làm sao em biết được...!" Tôi bĩu môi. "Làm gì có sách nào dạy rằng Mường Hịch không nuôi cọp!"

"Dân Mường Hịch không nuôi cọp, nhưng cọp thì vồ người ăn thịt. Mày nhìn phía xa kìa," anh Thạc chỉ tay về trước. "Tối nên khó thấy, nhưng sáng mai vào bản, mày sẽ thấy nhà trong bản xây cao lắm! Đồng bào mình tránh cọp đấy."

"Tối nay mình không vào bản hả anh?"

"Không. Thằng Tuấn nói, đóng quân trong rừng cho an toàn, giặc có đánh tới cũng đỡ ảnh hưởng dân bản. Sáng mai mình vào bản thăm đồng bào một lát thì phải đi tiếp."

Đêm ấy chúng tôi ngủ trong tiếng cọp gầm. Tôi trằn trọc hồi lâu cũng không thể dỗ mình thiếp đi. Mỗi lần tiếng gầm gừ của loài dã thú ấy vang lên, tôi lại có cảm giác như chúng nó đang tiến lại gần mình hơn. Tôi sợ, và nhiều hơn là lo lắng. Tôi lo rằng khi ngủ sẽ không phản ứng kịp trước hiểm nguy, sẽ dễ dàng trở thành miếng mồi dưới vuốt cọp.

Không ngủ nổi, tôi mò dậy, lục lọi ba lô muốn tìm một thứ gì đó để trấn an chính mình. Có lẽ vì tiếng động tôi tạo ra giữa đêm khuya thanh vắng quá mức rõ ràng, anh Kỳ đã đi lại gần nhăn mặt nhìn tôi. Hôm nay anh gác đêm, khẩu AK-47 dựng đứng trên vai anh như một pháo đài câm lặng. Anh rít lên khe khẽ: "Sao còn chưa ngủ?"

Tôi gãi đầu, do dự nói: "Em ngủ không được."

Anh muốn nói gì đó, rồi lại thôi, trở về vị trí đứng gác của mình. Tôi sợ ảnh hưởng các anh đang ngủ, vậy là cũng mò đến chỗ anh Kỳ.

Anh Kỳ vốn nhỏ con, vậy mà bóng lưng trông từ đằng sau lại vững chãi lạ kì. Giống như là chỉ cần nhìn thấy thôi cũng có thể khiến người ta an tâm. Đôi mắt hẹp sắc lạnh của anh giống như một lưỡi dao, có khả năng quét tới đâu là nơi ấy im phăng phắc. Anh không thường dùng sự bén nhọn của mình để nhìn chúng tôi, nhưng những khi anh làm thế thì mấy đứa út luôn tự khắc biết đường mà ngậm miệng lại. Lúc này, anh đang dùng đôi mắt ấy dõi ra phía xa, ra núi rừng hoang vắng chìm trong đêm tối mịt mùng. Tôi tự hỏi anh có sợ hay không khi phải gác đêm ở cái nơi vọng tiếng cọp gầm này. Vậy là tôi buộc miệng thốt lên: "Anh Kỳ không sợ sao?"

Anh liếc mắt nhìn tôi, hỏi lại: "Sợ cái gì?"

Vừa lúc ấy, một tiếng gầm gừ nữa lại vang lên. Tôi rùng mình, nói nhỏ: "Đó."

Anh Kỳ không đáp ngay. Anh nhìn về nơi vừa phát ra tiếng gầm, cảnh giác. Cây súng trên vai từ lúc nào đã nằm gọn trong tay anh, mũi súng chĩa về nơi ấy. Một lúc sau, khi đã chắc chắn không có con cọp nào xuất hiện, anh mới lắc đầu cười nhạt.

"Sao phải sợ cái thứ đó?"

Rồi anh tháo khẩu súng đưa cho tôi. Tôi còn chưa hiểu gì, đã thấy anh cởi áo ra, đưa lưng về phía tôi.

Trên lưng anh, có một con cọp.

Đêm tối đen, tôi chỉ có thể nhìn ra mơ hồ, nhưng vẫn thấy được một con cọp. Con cọp lông vàng vằn vện những đường mực đen, giương ra hàm răng nhọn hoắt mà rú gầm. Trên trán nó, chữ "vương" nằm chễm chệ như một lời tuyên bố ngạo nghễ của kẻ chúa sơn lâm. Hình xăm phủ kín cả tấm lưng anh Kỳ, và dường như vuốt cọp còn nằm trên đầu vai anh nữa. Tối quá, tôi thấy không rõ, chỉ nghĩ rằng hình xăm này ắt hẳn là đẹp lắm.

Anh Kỳ chậm rãi nói: "Anh mày cũng là cọp đây, sao phải sợ thứ dã chủng ngoài kia?"

Tôi chợt nhớ ra, anh Kỳ xuất thân là một tay anh chị ở Hải Phòng, nằm trong băng đảng tương đối nổi tiếng. Hình như địa vị của anh khá cao. Nhưng chẳng phải, những tay anh chị thường thích xăm rồng hơn sao?

Vậy là tôi lại hỏi: "Sao anh Kỳ xăm cọp mà không xăm rồng?"

"Rồng làm gì có thật!" Anh Kỳ hừ mũi, vừa mặc lại áo vừa nói. "Lũ chó Tây đâu có sợ rồng. Chúng nó có biết con rồng là con gì đâu! Chúng nó chỉ sợ cọp." Rồi anh lấy khẩu súng ra khỏi tay tôi và vác nó lên vai, hất cằm về nơi mấy anh em trải chiếu nằm ngủ. "Mau đi về ngủ, mai còn lên bản."

Tôi không dám cãi anh, bèn quay trở về.

Từ nơi tôi nằm vẫn có thể nhìn thấy bóng lưng anh Kỳ. Bóng lưng chẳng to lớn như tiểu đội trưởng Tuấn nhưng lại vô cùng rắn rỏi, vững chãi như vách sắt thành đồng. Dường như từ đấy tôi có thể nhìn ra được con cọp gầm gừ trên tấm lưng anh. Con cọp dũng mãnh phi thường, gầm một tiếng là có thể át đi mọi loài mãnh thú khác nơi rừng sâu u tối này. Con cọp ấy sẽ không vồ lấy chúng tôi như vồ mồi. Con cọp ấy đang bảo vệ chúng tôi. Con cọp có đôi mắt sắc bén nói rằng chúng tôi có thể an tâm đánh giấc để chuẩn bị cho ngày dài phía sau.

Đêm ấy, tôi nằm mộng thấy con cọp nước Nam.
















Buổi sáng sau khi thăm dân bản và được đón tiếp nồng hậu bởi những con người miền núi chất phác, chúng tôi lại chuẩn bị lên đường hành quân. Bốn tiểu đội đóng quân ở Mường Hịch, còn lại đều tiếp tục tiến đến Sài Khao theo lộ trình.

Nắng ban trưa chói chang đổ xuống những chiếc nón tai bèo xanh thẫm. Núi dựng đứng như vách thành, con đường vừa dốc vừa khúc khuỷu. Tay tôi mấy hôm nay phải bám đá, bám cây mà đi đến độ rách toạc cả da, máu rướm ra lẫn vào bùn đất. Tôi không dám than đau, nghiến răng tiếp tục đi, vừa đi vừa thở. Cái mệt, cái đói, cái đau và cái nóng rát bỏng trở thành một tổ hợp khủng khiếp hơn bao giờ hết, vậy nhưng tôi buộc bản thân không được đầu hàng. Khói lửa chiến trường còn chưa nếm, những cái khổ ấy có là gì đâu? Tôi không thể bị chúng khuất phục, khi mà anh em xung quanh tôi đều chống lại được chúng mà tiến bước! Thế nhưng cơ thể tôi lại liên tục phát ra tín hiệu báo động, từ cẳng chân nhức nhối cho đến cánh tay đã tê đi vì phải gồng lên quá lâu. Mọi thớ cơ trên người tôi dần rệu rã và hoá nặng nề. Ban đầu tôi đi trước anh Kỳ, lát sau bắt đầu mệt, cước bộ tôi liền chậm lại. Nhìn sang, tôi thấy mình đã tụt về cạnh anh Trân vốn đi áp chót.

Sắp lên tới đỉnh núi, phía trước bỗng vang lên mấy tiếng kêu hoảng hốt. Có cái gì đó trượt mạnh xuống và dừng lại ngay chỗ tôi. Tôi định thần lại, phát hiện đó là anh lính Hoàng Phi của tiểu đoàn đi trước bị ngã lăn xuống. Mấy người đồng đội của anh chạy lại, vừa chạy vừa than: "Thằng Phi tối qua gác đêm, cứ vừa đi vừa gật lên gật xuống! Giờ thì hay rồi, ngủ luôn trên đường!"

Đúng là tối qua anh Phi gác đêm thật. Lúc tôi ra ngồi với anh Kỳ còn thấy anh ta vốc ít nước mưa đọng lại ở chỗ trũng để rửa mặt cho tỉnh kia mà. Tôi nhìn nét mặt anh lính Phi, thấy anh ta quả thật là thiếu sức sống, bèn chủ động lấy nước lấy lương ra muốn mớm cho anh đôi chút. Vậy mà đồng đội lay mãi anh ta cũng không chịu dậy, mắt vẫn nhắm nghiền.

Anh Trân bên cạnh tôi cũng gọi, nhưng anh Phi vẫn nằm im.

Tôi và anh Trân liếc nhau, cảm thấy có gì đó không đúng. Những người đồng đội của anh Phi dường như cũng đã nhận ra. Họ do dự nhìn nhau, rồi một người đưa ngón tay lên mũi anh Phi, tai thì áp xuống ngực trái người con trai đang nằm. Lát sau, anh ta ngồi dậy nhìn mọi người, vẻ mặt ngơ ngẩn.

"Sao vậy anh?" Tôi hỏi.

"Thằng Phi..." Anh ta ngập ngừng. "Không có thở."

Tôi mở to mắt. Trong một khắc ấy, tôi cảm giác như tim mình đã ngừng đập. Làm sao lại không thở? Hồi sáng anh Phi vẫn còn tỉnh táo, còn cười với tiểu đoàn chúng tôi một cái trước khi ăn vội miếng cơm nắm của dân bản kia mà! Không một viên đạn, không một con dao, không vết thương mưng mủ, không bệnh tật, làm sao lại...

Tiểu đội trưởng của anh Phi và tiểu đội trưởng Tuấn của tôi cùng tới xem xét. Mặt anh Tuấn đượm buồn, người kia thì tái mét.

"Cậu này chết vì kiệt lực rồi." Tôi nghe anh Tuấn nói như vậy với người tiểu đội trưởng còn lại. Và tôi sửng sốt. Tôi nhìn người lính gục trên khẩu súng trường của anh, nhìn khuôn mặt gầy hóp mà thản nhiên như chỉ đang rơi vào một cõi mộng say sưa. Anh Tuấn có nhầm không? Nhưng nếu là thực, thì hoá ra cái mệt, cái đói, cái đau và cái nóng rát bỏng có thể tước đi sinh mệnh của một người ư? Những cái khổ ấy tôi vốn dặn lòng không được đặt vào mắt, cho rằng chúng chẳng đáng gì với cái khổ bom đạn khói lửa. Hoá ra, chúng lại là thứ đầu tiên có thể đoạt mệnh người lính ư?

Tôi không dám nghĩ nữa, vì người ta đã cuốn anh Phi vào tấm chiếu mỏng.

Anh Tuấn nói: "Hay là chôn ở góc cây kia đi?"

Một người trong tiểu đoàn anh Phi lắc đầu: "Chúng mình chắc là mang theo. Làm sao- Làm sao để thằng Phi tạm bợ ở đó được? Cái chỗ này chỉ có cọp..."

"Mang theo rất vất vả. Tự mình đi đã mệt vậy rồi, nếu còn mang theo-"

"Không sao." Người tiểu đội trưởng của Phi cắt ngang lời anh Tuấn. "Anh em đã muốn mang Phi theo, thì mang. Giờ đã tới đỉnh, đường xuống núi sẽ đỡ mệt hơn. Bọn anh làm được, cậu Tuấn đừng lo."

Anh Tuấn không nói nữa, chỉ lẳng lặng gật đầu và ra hiệu cho tiểu đội chúng tôi chỉnh đốn lại hàng ngũ. Anh nhường cho tiểu đoàn của anh Phi đi trước, chúng tôi thì áp sau chót, bắt đầu con đường xuống dốc để đuổi kịp binh đoàn. Tôi vẫn còn chưa hoàn hồn, lúc đi suýt nữa đã vấp ngã, may sau có anh Thạc đỡ lại.

"Cẩn thận chứ thằng này!"

Tôi ậm ừ, hít sâu. Trong đầu tôi, hình ảnh khuôn mặt anh Phi thản nhiên khép mắt gối trên khẩu súng vẫn còn đó. Nếu đó là một bức tranh và đặt tôi vào vị trí một gã tri thức đi thưởng tranh, ắt hẳn tôi sẽ xuýt xoa trước vẻ đẹp của giấc ngủ bình an gối lên một thứ biểu tượng giết chóc. Tiếc thay, tôi lại đang là một kẻ tòng quân, là người trực tiếp chứng kiến sự thật phía sau sự thản nhiên ấy. Chẳng phải nằm mộng, càng chẳng có bình an. Đó là cái chết đột ngột vì kiệt sức, vì bị tra tấn bởi cái mệt, cái đói, cái đau và cái nóng rát bỏng. Là cái chết vì con đường hành quân khắc khổ, vì núi rừng Tây Bắc khắc nghiệt.

Đêm xuống, hai tiểu đội chúng tôi đã đuổi kịp đoàn quân. Tiểu đội trưởng của đôi bên bị cấp trên quở trách vì đã hành động thiếu suy nghĩ khi quyết định mang theo xác anh Phi. Dẫu thế, tôi nghĩ rằng nếu được làm lại, cả hai vẫn sẽ không thay đổi quyết định của mình. Và nếu tôi là đồng đội của Phi, ắt hẳn tôi sẽ mang xác anh theo bằng mọi giá để chôn cất được ở một nơi đàng hoàng. Tôi sẽ không bỏ lại đồng đội của mình ở giữa rừng hoang đầy beo cọp như thế.

Chúng tôi đặt xác anh Phi bên bờ sông Xia (2). Đồng đội của anh người dùng tay không, người dùng báng súng để đào một cái huyệt tạm bợ. Anh Phi được quấn trong chiếu và đặt xuống huyệt. Đồ trong ba lô anh, những thứ còn dùng được như lương khô và băng cứu thương thì được lấy ra để anh em tiếp tục dùng, còn lại đều chôn theo. Tôi nhặt được một tấm hình rơi ra, cầm lên xem thì chỉ thấy trong hình là một gia đình ba người. Có anh Phi, có một người phụ nữ trẻ măng, có một đứa bé sơ sinh được anh bồng trong tay. Nét cười trên môi anh Phi sáng rỡ cả tấm hình.

Lặng lẽ, tôi đặt nó lên ngực anh. Đồng đội của anh lấp đất lại, và bóng hình anh khuất dần, khuất dần sau tầng tầng đất đỏ. Chúng tôi đứng nhìn thật lâu, đến lúc anh Tuấn thúc giục mới chịu quay về.

Cái chết đầu tiên tôi phải đối diện không hề có xác một kẻ địch nào. Không thằng Pháp, cũng chẳng có bọn Việt gian, Mường gian. Chỉ có một người lính, một người đồng chí, cũng là một người đồng bào. Chỉ có một người con trai trẻ tuổi, ra đi vì kiệt lực trước cả khi anh kịp đối mặt với khói lửa chiến trường.

Cái chết ấy, với tôi, bi thiết vô cùng.








Chú thích

(1) Các đa danh gn lin vi đường hành quân cũng như đi chiến đu ca lính Tây Tiến.

- Mai Châu (Hoà Bình) là mt trong các căn c đim trng yếu bc nht ca lính Tây Tiến.

- Mường Hch, còn gi là Mai Hch, là mt xã nm phía Tây Nam huyn Mai Châu. Người dân ch yếu là người Thái, người Mường. Trong nhng năm chiến tranh, đây là vùng đt có rng rm nguyên sinh, đa hình him yếu, nhiu cp beo, dân cư thì thưa tht.

- Mường Lát là huyn biên gii phía tây Thanh Hoá, có đa hình him tr, khí hu khc nghit, mnh danh là vùng "ma thiêng nước đc".

(2) Mt con sông Mường Hch, nước đ vào sông Mã.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro