Chương 22

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Đợi Kế chưởng quầy bàn giao xong công việc thì trời cũng sắp đến trưa, Thôi Tiếp bèn mời ông và Kế kế toán ở lại ở lại ăn bữa cơm đạm. Kế chưởng quầy tuy chỉ là người làm ở nhà cậu nhưng vẫn là lương dân lại lớn tuổi như vậy nên đã có thể ngồi cùng bàn uống rượu với chủ nhà, Kế kế toán thì ngồi ở phòng nhỏ do cha con Thôi Nguyên phụ trách chiêu đãi.

Bữa trưa do vú Trương nấu, rượu được phục vụ gồm một loại rượu trắng và một loại rượu đặc sản được chế từ nho, đồ nhắm rượu là mấy loại quả mới hái và các thứ đậu rang, măng ướp, hạt dẻ, hạch đào, cá hồng khô được chuyển từ kinh về.... Món chính vừa mới nấu gồm các món thịt băm, thịt xào xả, gà hầm củ sen bốn món mặn và các món rau xanh nấm tươi xào thịt, cuối cùng còn có một nồi canh cá chép trắng.

Thôi Tiếp mời Kế chưởng quầy uống rượu trắng lại tự rót một li rượu vang nhỏ cho mình, tiếp ông uống mấy chén nhưng chỉ nhấp chút một. Ở đây làm rượu nho không phải dùng cả quả lên men mà là cho vào một thứ ủ nữa, thành phẩm cũng có vị chua ngọt nhưng mùi không thơm như rượu cậu uống ở hiện đại —— ngay cả rượu tự chế mua trên mạng cũng không bằng nữa, rượu đã nhiều cặn mà hương vị cũng giống như đã trộn nhiều loại nước tạp nham khác tạo thành vị rất kỳ quái.

Kế chưởng quầy cũng không uống nhiều rượu.

Sự thực là từ lúc ông ngồi xuống bàn đã cảm thấy cực kì gò bó, Thôi Tiếp rót chén nào ông uống chén đấy, cậu gắp cho món gì thì ông mới dám ăn.

Ông cũng đã lớn tuổi như thế mà ăn bữa cơm lại giống chịu cực hình, ai nhìn cũng thấy tội. Thôi Tiếp cũng không thể bỏ đi để ông ăn một mình, đành vừa ăn vừa nói giảm bớt không khí xấu hổ này: "Ta không hiểu việc xuất bản sách có những điều gì cần chú ý, cũng không biết cần bao nhiêu bạc để khắc gỗ, đóng sách và in ấn, Kế chưởng quầy là lão làng trong nghề này có thể chỉ bảo thêm cho ta không?"

Kế chưởng quầy tiếp chuyện cậu còn thoải mái hơn cả lúc ăn cơm, ông vội vàng đặt đũa xuống cung kính trả lời: "Nếu bàn đến việc in sách thì lão đây cũng biết vài biện pháp dùng được. Đơn giản nhất là chúng ta thuê một con thuyền đi đường biển xuống Kiến Dương mua bản gỗ đã khắc sẵn. Đất Kiến Dương có nhiều hiệu sách, giá cũng rẻ, từ đời Tống đến nay chính là nơi giao thương buôn bán sách báo của cả nước. Chỉ là cách Thiên An ta quá xa, nếu đi lại nhiều lần để mua sách thì không ổn, tốt nhất là đi một chuyến mua tất cả bản khắc, chỉ cần ấn thêm con dấu nhận dạng của hiệu sách Trí Vinh ta thì sẽ thành đồ của cửa hàng mình rồi."

Lúc ông nói chuyện rất tập trung, nói đến đoạn cao trào còn dám cầm lên li rượu nhấp môi uống liền mấy chén.

Thôi Tiếp gắp cho ông một đũa thịt nguội, nhìn ông ăn xong lại nâng chén hỏi: "Bản khắc sẵn là in sách gì thế ạ, là loại triều đình trao quyền đúng không? Người viết sách cũng cho phép chúng ta mua lại bản khắc in lại hay sao ạ?"

Cậu muốn hỏi về vấn đề bản quyền mà lời ra đến miệng lại nhớ tới nhà Minh sẽ không có loại giấy tờ bản quyền này—— mãi đến những năm Dân quốc cũng vẫn chưa thấy xuất hiện —— không biết hỏi thế nào chỉ đành lái thành quan phủ và tác giả có cho phép không.

Kế chưởng quầy cười nói: "Viết sách là chuyện của viết sách, in sách là việc của in sách, chúng ta muốn in cái gì thì làm cái đó thôi làm gì có nhiều quy tắc như thế được. Bản khắc là lấy những bộ sách bán chạy in ra, chỉ cần không in ấn phẩm truyền giáo mê tín, yêu sách của dân chúng hoặc văn chương chứa lời lẽ phỉ báng hoàng triều thì chẳng ai quản lý đâu ạ. Tiểu thiếu gia yên tâm đi, tôi làm trong nghề này bao nhiêu năm rồi, đôi mắt lòa này chỉ cần vừa liếc qua là biết ngay sách có phạm lệnh cấm hay không!"

Chẳng lẽ lại vậy thật? Thế tại sao cậu đọc sách in ca từ của Vĩnh Thuận đường lại ghi nhỏ sau bìa cái gì mà "Sách hay tàng trữ, phiên bản ngàn dặm có một".

Thôi Tiếp còn có chút khó hiểu với vấn đề này nhưng thấy ông nói đến vui vẻ quên hết ngại ngùng, lại rót cho ông chén rượu gắp thêm đồ ăn để ông vừa ăn vừa nói.

Rượu trắng độ cồn cao nên người bình thường không hay uống lắm. Kế chưởng hăng hái uống mấy chén liền, bắt đầu ngà ngà say, lúc này mới quên hết tất cả, mồm năm miệng mười tám chuyện: "Lúc trước ấy à, tiệm ta có nhiều tiền, năm nào cũng đến phủ Thuận Thiên đặt quan hệ chép đề văn và bài giải của các sĩ tử, ở huyện nhỏ này thế mà cũng bán được hai ba trăm bản đấy nhé, lại còn cứ tái bản đi tái bản lại, rẻ chút là người ta ùa đến mua. Một quyển mỏng thế này mà có thể lấy những một lượng, chỉ làm một lần là tiền lời nửa năm đã thu vào túi rồi!"

Thôi Tiếp không khỏi nhớ đến chuyện Lưu sư gia tặng một hòm đầy sách đề luyện thi, trong lòng khó thở: Món lễ tặng này của Lưu sư gia thật đắt giá —— tuy là ông ấy chắc cũng kiếm không ít chỗ tốt từ chuyện này.

Hơn nữa Đại Minh không thu thuế xuất bản, chỉ cần cậu có khả năng in ra được, bán chạy hàng thì kiếm lời bao nhiêu quan phủ cũng chẳng để ý, so với việc bán buôn các loại vật phẩm khác vừa có danh vọng lại có tiền tài.

May mà cậu vừa xuyên về không lâu, đạo đức còn chưa bị nhân viên nhà xuất bản Đại Minh đồng hóa, không muốn đem những ấn bản đặc biệt người khác sưu tập tặng mang ra kiếm tiền.

Nhưng mà cũng không thể dựa mãi vào việc in mỗi bài thi được, Kế chưởng quầy nói: "Các loại tiểu thuyết bán cũng chạy lắm, "Tam quốc" cháy hàng, "Thủy Hử" nhưng lại bị cấm rồi nếu không thì càng chạy ấy chứ. Sách ảnh bán tốt hơn sách chữ. Lúc ấy tiệm ta mời họa sĩ tận phủ Vĩnh Bình, cứ ba đồng bạc một bức tranh, vẽ nào là cảnh 'Kết nghĩa vườn đào', 'Lữ Bố ghẹo Điêu Thuyền, 'Ba lần đến nhà tranh'...* Tiền vốn tuy nhiều mà hồi vốn cũng nhanh đáo để, bán liền bốn năm trăm bản, kể cả kẻ không biết chữ cũng bỏ tiền mua tranh xem!"

Ông lại tự rót mấy chém, mặt mũi đỏ bừng nhưng con ngươi lại lóe lên ánh sáng nhìn Thôi Tiếp, nói như muốn bàn bạc: "Công tử cũng là người đọc sách, chẳng lẽ không viết được tiểu thuyết hay thoại bản nào ư? Chúng ta tự viết tự in, bán sách đến nơi khác kiểu gì cũng có kẻ mua, ngài lại chẳng thành tài tử như Thi Nại Am, La Quán Trung hay sao?"

Thôi Tiếp gật đầu cầm bình rượu giấu đến cạnh người lại múc cho ông một chén canh cá điều hòa dạ dày, đứng dậy gọi với ra ngoài: "Phụng Nghiễn, đi dặn vú Trương nấu canh giải rượu đi, Kế chưởng quầy uống nhiều rồi."

Chẳng lẽ lúc cậu xuyên qua chưa xem tiểu thuyết Minh Thanh bao giờ à? Tiểu thuyết chương hồi đời Minh lúc mở đầu chương kiểu gì cũng phải viết mấy câu thơ! Cậu xem nhiều sách như thế chỉ có đúng một bài thơ mở đầu học thuộc được là "Lâm Giang Tiên" của Dương Thận*. Còn mấy quyển như "Tây Du ký" hay "Hồng lâu mộng" cậu cũng đọc qua mấy lần nhưng chưa từng để ý đến lời mở đầu bao giờ.

Đọc còn đọc chưa xong lại bảo cậu viết sách? Có thời gian rảnh cậu thà nghiên cứu âm luật còn tốt hơn.

Nhanh để Kế chưởng quầy tỉnh rượu đi ha.

Nhiệm vụ viết sách vẫn nên để dành cho tài tử Đại Minh đi, một kẻ "xuyên việt" như cậu lãng phí thời gian ở việc không đâu này mới là phí của ấy. Ưu thế bản thân cậu không nằm ở mấy chục bản tiểu thuyết truyện tranh trong ổ cứng, mà chính là tri thức trí tuệ vượt thời đại hàng trăm năm, phương pháp xuất bản sách đóng gói kèm tặng phẩm.

Đúng thế, đóng gói.

Văn hay không dễ viết nhưng bìa sách đẹp đẽ, chất liệu tuyệt hảo và nhiều tranh minh họa đặc sắc có thể biến một quyển văn dở thành thứ mọi người đều muốn cướp đến tay.

Lúc bé đã rất nhiều lần vì bìa in nhân vật hoạt hình đẹp đẽ mà cậu mua phải sách giáo khoa rởm, khi lớn cũng từng bị bìa sách thiết kế hoàn hảo, màu tranh hợp nhãn mà mua phải mấy quyển sách thiết kế không dùng được lại tốn quá trời tiền. Kế chưởng quầy cũng đã nói sách có tranh bán đắt hơn sách chỉ chuyên chữ, nói cách khác, sở thích độc giả từ xưa đến nay đều không đổi mới, hình ảnh càng hấp dẫn ánh mắt hơn chữ nhiều, càng khiến cho người ta quăng tiền vì nó.

Nếu ở đời Minh xuất bản nhiều tập truyện tranh nhỏ, có khi lại thành phong trào tranh cướp cũng không chừng.

Chép sách khó đến vậy, người có bàn tay vàng như cậu không nên làm những công việc mệt não như thế! Trong bản sách hóa học có ghi lại những phương pháp lên khuôn, in màu và in dập nổi* được phát triển vào thời Minh Mạt, cửa hàng có thuê nhiều thợ khắc như vậy thì cậu không nên lãng phí nhân tài nữa, phải tìm những bức tranh thật nhiều màu sắc không đặt nặng nội dung mời chào khách hàng chứ nhỉ?

Thôi Tiếp quyết định xong ý tưởng bèn quay lại bàn ngồi, tùy ý uống một hớp rượu vang vị kì kì, trong đầu hoạch định lại toàn bộ kế hoạch tương lai.

Không lâu sau vú Trương bê canh đến cho họ giải rượu, bà còn làm thêm một bát mì nóng hầm hập. Nước xuýt dùng gà hầm, sợi mì thì không biết cho thêm cái gì mà vừa thơm vừa ngậy, mới gắp một đũa mà hương vị tuyệt vời ấy đã bung tỏa trong khoang miệng.

Cảm giác say cồn cào gan ruột cũng bị vị thơm nồng đánh tan phân nửa, tinh thần chiến đấu được đẩy lên hai trăm phần trăm, tựa như một người sinh viên ra trường vừa kí được hợp đồng thì bị kẻ khác cướp mất, ý chí phản kháng càng thêm hăng hái sục sôi hơn.

Dùng xong bữa trưa, khi Kế chưởng quầy và Kế kế toán ngỏ ý muốn trở về thì cậu lại đi đến trước mặt họ cười bảo: "Chúng ta cùng đi thôi, ta đang muốn nhìn xem hiệu sách nhà ta như thế nào."

Kế kế toán mặt đanh lại sợ hãi liếc nhìn chưởng quầy. Kế chưởng quầy mặt mũi đã đỏ lừ lừ, vẫn chưa hết say, luôn mồm nói: "Đi đi đi, thiếu gia à tôi nói cho cậu biết, nhà sách chúng ta ở ngay sau cổng sau của huyện nha đấy, chính là chỗ đất tốt nhất ở thành tây, khà khà!"

Thôi Nguyên vội vã đánh xe, trở ba người họ đến hiệu sách Trí Vinh.

Lúc còn trẻ ông cũng chưa vào cửa hàng này bao giờ mà chỉ một lần đứng từ xa liếc qua, nhưng trong trí nhớ ông hiệu sách này sáng sủa chỉnh tề, sách vở từng chồng xếp đầy trên giá, biết bao nho sĩ hoặc đang đứng chọn lựa hoặc ngồi bàn chép sách. Vậy mà bây giờ nhìn lại, cửa hàng này đã nhuộm màu cũ kĩ, sách trên giá cũng thưa thớt vài bộ, chỉ thấy mấy quyển Tứ thư Ngũ kinh, sách đối vần, thơ cổ chọn lọc linh tinh. Trong cửa hàng trống trải chỉ còn hai, ba thư sinh đang ngồi chép sách.

Thôi Tiếp từ trước tới giờ chưa đến lần nào, nhìn thấy cửa hàng như vậy cũng cảm thấy khá tốt bèn nhấc chân đi tới.

Trong cửa hàng chỉ có một người hầu trông coi, vì không có khách hàng cũng chẳng lo mất cắp nên cậu ta tay ôm cây chổi lông mà ngủ gà ngủ gật. Kế kế toán chạy vào quát to, bắt cậu ta dậy đón ông chủ mới đến, tên kia thế mà lại chẳng thèm mở mắt, lười biếng nói: "Ôi chưởng quầy ơi, đến cơm chúng ta cũng chẳng đủ ăn còn có ông chủ này ông chủ nọ nào nữa hả. Ông lớn nhà kia chẳng... "

Kế kế toán mặt đỏ lừ, vội vã che miệng cậu ta lại, khe khẽ mắng: "Cậu muốn chết à, đây là cậu chủ mới của chúng ta, chính là vị nghĩa sĩ mới được phong thưởng ấy!"

Người hầu bây giờ mới giật mình tỉnh lại, cả người run cầm cập liếc mắt oán trách: "Sao mấy người lại mang cậu chủ đến bây giờ hả, mấy hôm trước thì tốt, hôm nay nhà kia đang làm loạn ra đấy, người ta cũng chẳng dễ động đâu, vừa đến nơi đã đập đồ phá của, túm tóc giật tai —— sắp lớn chuyện cả rồi!"

Hai người bọn họ thì thà thì thầm nên Thôi Tiếp cũng không nghe thấy, chẳng qua nhìn mặt mũi Kế chưởng quầy đỏ gay, mắt cũng díu cả lại thế là cậu hỏi ông ở phòng nào, tính dìu ông vào nghỉ.

Cửa hàng này có hai tầng lầu, phía sau còn có sân, bình thường thì người làm sẽ ở sân sau còn trưởng quầy lại sống trên tầng, Thôi Tiếp thấy hai người kia đang vội vàng nói chuyện đành gọi Phụng Nghiễn giúp mình đỡ ông lên lầu, tiến vào một phòng bên tay phải tầng hai.

Mới thả người xuống giường đã nghe qua cửa sổ tiếng đồ đạc rơi vỡ, từ dưới sân vọng lên một giọng the thé chói tai: "Tôi vốn là con gái nhà lành ở phủ Loan Châu, tên tặc nhân Vương Hạng Trinh đáng chém này lại cưỡng gian tôi, bắt tôi đến huyện đây, còn gọi thêm mấy tên khốn nạn và mấy bà hàng chợ đến canh không cho tôi chạy! Các vị hàng xóm có nghe được thì mau đi báo quan giúp tôi với, để huyện lão gia đánh chết tên kẻ cướp này đi!"

Hết chương 22

1. 'Kết nghĩa vườn đào', 'Lữ Bố ghẹo Điêu Thuyền, 'Ba lần đến nhà tranh'... : Đây là tranh vẽ ba trích đoạn khá nổi tiếng trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa ( 三國演義), nguyên tên là Tam quốc chí thông tục diễn nghĩa, là một tiểu thuyết lịch sử Trung Quốc được La Quán Trung viết vào thế kỷ 14 kể về thời kỳ hỗn loạn Tam Quốc (190-280) với khoảng 120 chương hồi, theo phương pháp bảy thực ba hư (bảy phần thực ba phần hư cấu). Tiểu thuyết này được xem là một trong bốn tác phẩm cổ điển hay nhất  của văn học Trung Quốc (Tứ đại danh tác四大名著 ). Ba cuốn tiểu thuyết còn lại là Thủy Hử của Thi Nại Am, Tây Du Kí của Ngô Thừa Ân và Hồng Lâu Mộng của Tào Tuyết Cần.

Kết nghĩa vườn đào桃园结义 

  Trong Tam Quốc Diễn Nghĩa  có ba anh em là Lưu Bị, Quan Vũ, Trương Phi kết nghĩa tại vườn đào với lời thề: Tuy không sinh cùng ngày cùng tháng nhưng nguyện chết cùng tháng cùng ngày. Tình cảm của ba vị anh em kết nghĩa này được miêu tả son sắt trong suốt tác phẩm  

Lữ Bố ghẹo Điêu Thuyền吕布戏貂蝉 

  Trong tiểu thuyết Tam Quốc diễn nghĩa, Điêu Thuyền là con nuôi trong nhà Tư đồ Vương Doãn, được Vương Doãn bày kế gả cho cả Đổng trác  và Lữ Bố để tùy cơ ly gián họ nhằm mục đích lật đổ Đổng Trác. Một mặt nàng tỏ vẻ yêu quí Đổng Trác, nhưng khi đến với Lữ Bố thì lại ra sức quyến rũ, khi đến cao trào thì Lữ Bố  chịu không nổi đả kích giết luôn Đổng Trác  vì muốn cướp lấy Điêu Thuyền từ tay Đổng Trác.  

Ba lần đến nhà tranh三顾草芦 

  Sau khi Từ Thứ đến với Tào Tháo, Lưu Bị tìm đến Long Trung để thỉnh cầu ông ra giúp nhưng hai lần đầu không gặp mãi đến lần thứ ba mới gặp được nên mới có câu "Lưu Bị tam cố thảo lư câu hiền"( Lưu Bị ba lần đến nhà tranh mời người tài). Lưu Bị được Lượng nói kế sách định quốc an bang vô cùng kính phục, muốn mời Gia Cát Lượng xuống núi mưu tính đại sự. Gia Cát Lượng thấy Lưu Bị thật lòng cầu xin nên ông chấp nhận làm quân sư cho Lưu Bị. Năm đó Gia Cát Lượng mới có 27 tuổi chính thức bước vào vũ đài chính trị.   

2. Lâm Giang Tiên của Hứa Thận

Dương Thận ( 楊慎 Yáng Shèn) ( 1448-1559 ) là nhân vật chính trị và nhà văn nổi tiếng của Trung  Quốc thời Minh.  Một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của Dương Thận là bài từ theo điệu Lâm giang tiên thuộc đoạn thứ ba của Thuyết Tần Hán khai trường từ trong Nhị thập nhất sử đàn từ(cũng chính là bài từ mở đầu của Tam Quốc diễn nghĩa ) 

臨江

 滾滾長江東逝水

浪花淘盡英雄

是非成敗轉頭空

青山依舊在

幾度夕陽紅。

白髮漁樵江渚上

慣看秋月春風

一壺濁酒喜相逢

古今多少事

都付笑談中。  


Phiên âm: Lâm giang tiên

Cổn cổn Trường Giang đông thệ thuỷ,
Lãng hoa đào tận anh hùng.
Thị phi thành bại chuyển đầu không.
Thanh sơn y cựu tại,
Kỷ độ tịch dương hồng.

Bạch phát ngư tiều giang chử thượng,
Quán khan thu nguyệt xuân phong.
Nhất hồ trọc tửu hỉ tương phùng.
Cổ kim đa thiểu sự,
Đô phó tiếu đàm trung.


Bản dịch của Hoàng Tâm

Lâm giang tiên

 Trường giang cuồn cuộn chảy về đông
Sóng trắng cuốn phăng mọi anh hùng
Đúng sai, thành bại, đều mây khói
Núi xanh lặng đón bóng dương hồng
Ngư tiều tóc bạc trên bến sông
Quen với trăng thu gió xuân nồng
Rượu đục tương phùng vui say bước
Cổ kim bao chuyện, tiếng cười trong  

3. Kĩ thuật lên khuôn, in màu và in dập nổi* : nguyên văn套版、饾版与拱花印刷技术 là ba kĩ thuật được sử dụng trong công nghiệp in tranh cổ đại, theo tìm hiểu (chưa xác thực) của mình thì là như sau:

- Kĩ thuật lên khuôn: kĩ thuật in tranh hai mặt, người ta sẽ dùng  hai bản gỗ chính phản để in cùng một bức tranh lên hai mặt của cùng một tờ giấy, đầu tiên là dùng mặt chính in giấy, sau đó lại áp mặt phụ lên in lần hai để tạo ra trang tranh hai mặt

-Kĩ thuật in màu: Với sự phát triển của xã hội dần dần người ta không thể thỏa mãn với tranh đen trắng, người Trung quốc đã nghĩ ra cách tạo mực in từ các loại cỏ cây và khoáng sản. Lưu ý rằng mực in và màu vẽ tranh là hai thứ hoàn toàn khác nhau.

-Kĩ thuật dập khuôn gần giống với việc đóng dấu hiện nay, nghĩa là người ta sẽ chế những khuôn cỏ cây hoa lá họa tiết ở ngoài rồi đóng thêm nên tranh để tạo hiệu ứng in nổi, hoặc đây cũng có thể là kĩ thuật in từng con chữ khởi nguyên của in ấn hiện đại.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro