Chương 8

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Nhiệt độ càng càng lúc càng cao, Thôi Tiếp nhìn quần áo ba người kia đã ướt sũng mồ hôi, nghe thấy cả tiếng thở dốc mệt mỏi, liền đặt túi nước xuống, đứng lên nói: "Mọi người nghỉ tay một lát đã, ta đi mua ít nước và đồ ăn, dù mấy người không muốn nghỉ cũng phải để ngựa ăn uống chứ."

Thôi Nguyên vội vàng cản cậu: "Làm sao để người đi mua đồ được, bảo Phụng Nghiễn đi!" Nháy mắt ra dấu với con trai, nói: "Ra cửa đi thẳng hướng đông, qua hai con đường sẽ đến nơi bán đồ ăn, còn có thể mua thêm rượu. Triệu đại ca đưa nhà ta cả đường cũng mệt mỏi rồi, con mua nhiều rượu thịt chút, mời Triệu đại ca ăn xong về Kinh."

Phụng Nghiễn nghe lời đứng dậy: "Cha yên tâm, con hay mua đồ ăn ở ngoài cho thiếu gia, đồ ăn nào ngon con chỉ liếc mắt là biết." Quay lại đè người Thôi Tiếp xuống, thành thực nói: " Trên người thiếu gia không có tiền, cũng không hay đi ra ngoài nên không biết đường sợ người lạc mất, thôi chờ tôi một lát. Tôi sang nhà hàng xóm xin ít nước cho người lau mặt, rửa tay."

Thằng bé vẫn còn khá dư sức, phóng thẳng ra cửa.

Cửa đối diện và hàng xóm nhà bên vẫn chú ý bọn họ, thấy Phụng Nghiễn trẻ con mặc quần áo người hầu đi ra, cũng không để ý "nam nữ thụ thụ bất thân" gì nữa, đều chạy đến lôi kéo bắt chuyện hỏi: "Chú em này, chủ nhân nhà cậu là ai thế, đến thuê nhà ở đây đi học hay muốn mở lớp dạy vỡ lòng như Vương tiên sinh?"

Phụng Nghiễn ưỡn ngực hóp bụng nói: "Thuê phòng làm cái gì, lão gia nhà tôi là chủ cái phủ này nhé, tôi là được phái về quê với đại công tử."

Một bà bác hỏi: "Là lão gia Thôi gia làm quan trong kinh á? Mà tôi nghe nói ngài ấy là quan ngũ phẩm cơ mà, sao lại để đại công tử về quê một mình?"

Phụng Nghiễn muốn giấu chuyện Thôi Tiếp bị phụ thân đuổi ra khỏi nhà, hời hợt nói: "Công tử muốn về quê chờ thi Đồng sinh, trong kinh ồn ào quá, không giúp tĩnh tâm đọc sách, cho nên dự định đưa chúng tôi về sớm một chút."

Mọi người cảm thán một lúc, một người phụ nữ độ ba mươi từ sau nhóm người hỏi vọng vào: "Công tử nhà cậu bao nhiêu tuổi? Đứa cả nhà tôi mười tám tuổi đã thi đỗ Đồng Sinh, chờ thi Đạo là có thể trúng Tú Tài, công tử học tập trong kinh chắc so với người nhà quê chúng tôi giỏi hơn đúng không?"

Người bên cạnh bĩu môi nói: "Vú Trương nói chuyện ấy trước mặt đám đàn bà bọn tôi cũng được, nhưng sao bà dám so con trai của quan gia với đứa con người làm thế hả. Người sống trên đoạn đường này đều là hạt giống đọc sách cả, ai mà không phải Tú tài, Đồng sinh trẻ tuổi chứ."

Phụng Nghiễn nghe đến đau đầu, ho nhẹ một tiếng nói: "Xin phép các cô các bác, công tử nhà tôi mới đến, nước giếng trong sân không sạch, nhà ai có lòng có thể cho tôi xin mấy thùng nước không?"

Những người kia lúc ấy mới thôi cãi cọ, tranh nhau nói: "Có mấy xô nước thôi mà, cậu cứ gọi người nhà đến sân chúng tôi xách, thích lấy bao nhiêu cũng được. Nếu nhà cậu muốn khơi lại giếng, đường phía bắc đều là nhà thợ, thuê người xây giếng chỉ mất bốn đồng một ngày, nếu còn tính sửa nhà thì ở đó cũng có người làm ngói, sửa cột, sửa tường, nếu thuê tất cả thì giá sẽ rẻ hơn đấy."

Phụng Nghiễn không thể tự quyết được, đành quay về sân hỏi cha cậu ta.

Thôi Nguyên nói: "Muốn sửa giếng nước cũng mất đến mấy ngày, con đi mua đồ ăn thì để ý xem có nhà ai bán vại, mình mua tạm cái lu chứa nước dùng hai ngày. Thợ thủ công cũng phải thuê nhưng giờ muộn nên ăn cơm trước, ăn cơm xong ta với con đi xem xem."

Phụng Nghiễn nghe lời chạy ra ngoài, rất nhanh có người gõ cổng lớn khiêng lu nước và thùng xách đến. Thôi Nguyên đang dọn dẹp ở trên tầng, không thể đi xách nước được, đành lấy chút tiền nhờ Triệu phu xe dẫn bọn họ đến nhà hàng xóm xách nước, thuận tiện mượn ít cỏ tươi và đậu về cho ngựa ăn.

Thôi Tiếp chính mắt thấy Triệu phu xe trực tiếp múc nước lã trong lu uống, cảm thấy không hợp vệ sinh, nhưng cậu cũng không biết cách chặt củi nhóm bếp, đành phải trèo lên tầng trên gọi Thôi Nguyên đi đun nước.

Thôi Nguyên nghĩ cậu khát, gấp lại chăn đệm đi đun nước. Thùng đựng chăn gối mở toang đang để trong góc phòng. Cậu tiện tay trải luôn đệm. Bốn góc giường còn có cột gỗ, nhìn hơi giống các kiểu giường bình thường, cậu thuận tay mắc rèm vải, còn treo thêm túi thơm lên góc giường. Trải xong chăn đệm thì sang bên kia phòng nhìn một chút, chỉ thấy giường nam bên cửa sổ vẫn trống trơn, liền xuống đại sảnh lật qua lật lại hòm đồ của cha con Thôi Nguyên, mang chăn đệm của hai người lên trải.

Đợi đến lúc Thôi Nguyên pha xong trà bê lên, nhìn thấy trong phòng chính đã trải xong đống chăn của cha con họ, sợ tới suýt đánh rơi bàn trà, liên thanh nói: "Không được không được, thiếu gia người không thể trải đệm của chúng tôi ở nhà chính được! Nào có người hầu ở chung phòng với chủ bao giờ, tôi phải chuyển chăn đệm ra ngoài, Phụng Nghiễn thì còn có thể cho trải tạm chăm ngủ ở ngoài cửa để buổi tối giúp người châm trà rót nước... Khụ, sao người có thể làm việc của kẻ hầu thế chứ!"

Ông đặt khay xuống đi thu chăn đệm. Thôi Tiếp cũng biết không thể thay đổi tư tưởng của ông, đơn giản đành nói về vấn đề tiền bạc: "Lúc trước ông chẳng phải nói là nhà ta chỉ còn hơn ba mươi lượng bạc à? Không biết sau này trong kinh còn gửi tiền tiêu vặt đến không, với chút bạc này mà muốn để ta đọc sách, chữa bệnh thì còn mấy lạng bạc để sửa nhà nữa? Nhà chính nhất định phải sửa lại, nếu hai người còn ở thêm gian khác nữa thì tiền sửa nhà lại nhiều thêm, không bằng chúng ta ở chung, tiết kiệm chút tiền phòng việc khác."

Thôi Nguyên vội vàng nói: "Nhưng mà..."

Thôi Tiếp giơ tay chỉ ra ngoài cửa sổ, ngắt lời ông: "Nhóm Triệu đại thúc còn đang ở ngoài đấy, cứ như thế đã, đừng để họ thấy mình cãi nhau."

Thôi Nguyên lúc ấy im lặng, trong lòng buồn buồn thở dài.

Chốc lát sau Phụng Nghiễn liền dẫn theo mấy người hầu bàn mang theo hai hộp thức ăn lớn và một vò rượu trở về: Một hộp đựng canh cá trắng, nước hầm gà, nấm xào và hoa quả cho Thôi Tiếp; một hộp đựng chim cút quay, chả cá, thịt hầm rượu, sườn xào chua ngọt cho Triệu phu xe và Thôi Nguyên nhắm rượu, còn thêm một tô cơm lớn, rượu là rượu đế chủ quán tự ủ.

Người hầu bàn bê hộp đến nhà trên, mở hộp rồi bày từng loại thức ăn được  lên, họ còn đưa thêm bát đũa và rót rượu, nói một tiếng: " Mời các vị dùng bữa, lát nữa mang trả bát và bình là được, chúng ta là hàng xóm láng giềng, mong rằng sau này tiểu công tử thường xuyên ghé qua bổn tiệm."

Hầu bàn đi rồi, Thôi Nguyên nhìn bàn đồ nhắm này chăc phải tốn năm, sáu đồng bạc, lại nghĩ tới lời Thôi Tiếp "lý sự" lúc nãy, không nhịn được lại thở dài.

Thôi Tiếp coi như không nghe thấy, gọi Phụng Nghiễn bưng đồ đến cạnh giường ăn với mình, để ông bồi Triệu phu xe uống rượu ở nhà chính. Triệu phu xe còn phải đánh xe cũng không dám uống quá nhiều rượu, chỉ ăn chút đồ uống mấy chén rồi ăn liền tù tì bốn, năm bát cơm, nghỉ ngơi một chút rồi từ biệt bọn họ, lấy tiền xe trở lại Thông Châu.

Thôi Nguyên thu dọn bát đũa, đem đồ để vào mâm mình rồi bê xuống nhà bếp, thì thầm với con trai : "Con sau này nhớ khuyên Đại thiếu gia, ngài là người nhà quan, không giống mấy tên thư sinh nghèo, làm gì có chuyện giúp đỡ hạ nhân làm việc! Làm thế là loạn, loạn hết đấy?"

Phụng Nghiễn nhớ lại lúc trước bị tặc nhân bắt thiếu gia liền đẩy mình ra trước, về đến nhà cũng không gia vẻ mình là chủ, trong lòng kỳ thực rất vui vẻ. Nhưng nghe lời cha nói, cũng cảm thấy như thế không hợp với phong thái danh gia, do dự một lúc mới nói: "Có lẽ là mấy ngày nay đại thiếu gia chỉ ở cùng hai cha con ta nên mới không so đo lễ tiết. Đợi ngài đến trường đọc sách mấy hôm, noi theo thánh nhân, lại như lúc xưa thôi."

Hai cha con vừa nói vừa thu dọn đồ ăn thừa, rửa sạch xong bát đĩa cất vào hộp đồ ăn, liền chuẩn bị ra ngoài mua đồ dùng sinh hoạt tiện thể mang hộp trả lại quán rượu.

Trước khi đi Thôi Nguyên còn lo thiếu gia ở nhà lại làm việc, lấy hòm sách mang từ nhà đến đặt cạnh giường, dặn dò Thôi Tiếp có chán quá thì đọc sách, tuyệt đối đừng làm việc.

Thôi Tiếp vui vẻ đáp ứng: "Ta chỉ nằm ở trong phòng thôi, cái gì cũng không động vào là được chứ gì? Nguyên thúc ông yên tâm đi, ta biết nặng nhẹ."

Bọn họ dàn xếp xong xuôi chuyện nhà rồi cũng nên suy nghĩ vấn đề tìm tiên sinh dạy học. Vài ngày trước đó ở quán trọ chỉ mải làm điệp viên, cậu căn bản không có thời gian đọc sách, nên nhân mấy ngày này rảnh mà phỏng nét chữ nguyên chủ, còn phải đọc lại toàn bộ sách nhập môn cơ sở—— tuy rằng xem qua có thể không hiểu nhưng may ra trong đầu vẫn có cái ổ cứng lưu được file PDF, nhỡ có người hỏi đến thì còn chiếu lên đọc vẹt được.

Thôi Nguyên không yên lòng nhìn cậu, đi ra ngoài cất xe.

Chỉ chốc lát sau đã có tiếng "cốc cốc cốc" vọng vào từ ngoài cổng chính, Thôi Tiếp không nghĩ là họ về sớm vậy, thò đầu ra ngoài cửa sổ nhìn xuống, không ngờ Thôi Nguyên lại từ ngoài cổng đi vào, đứng ở cửa lầu hô: "Tôi nhờ người nhà của Triệu viên ngoại ở sát vách giúp trông cửa hộ, đi đến tối mới về, thiếu gia cố gắng nghỉ ngơi, đừng đọc sách khuya quá."

Thôi Tiếp liên thanh bảo đảm sẽ không đi đâu cả, đàng hoàng rút đầu về phòng. Một lát sau cổng lớn bị người bên ngoài "Ầm" một tiếng đóng lại, nhà cửa lúc này mới được yên tĩnh.

Cậu lục trong hòm lôi ra sách từ nhỏ nguyên chủ sử dụng, ngồi khoanh chân trên giường kiểm tra, thế mà lại tìm được một tập giấy bản sao nguyên thân đã viết, làm cậu chú ý nhất là câu: "Nếu như muốn tu dưỡng phẩm chất, trước hết phải có tư tưởng đoan chính. Nếu như trong lòng phẫn uất thì không thể đoan chính được".* Cậu nhớ trong sách Đại Học có một câu "Muốn tu dưỡng tốt phẩm hạnh của bản thân trước hết phải tu sửa tâm niệm của mình cho đoan chính",*nếu thế thì tập giấy bản sao này đến chín mươi phần trăm là chép Đại Học.

Đọc nội dung cũng không hiểu lắm, cậu đành chú ý kiểu chữ một chút. Viết theo lối Nhan thể*, có khi là do nguên chủ tuổi còn nhỏ, chữ còn chưa viết ra được cái tinh thần, kiểu chữ đẫy đà, sắp xếp chỉnh tề chặt chẽ, nhìn rất tốt, cũng không khó phỏng.

Dưới đáy tập giấy này, cậu lại tìm ra được một bộ "Tứ thư chương cú tập chú" hơi cũ, một bộ nguyên văn Ngũ kinh còn khá mới, lục tiếp được mấy bản "Tam tự kinh", "Bách gia tính", "Thiên tự văn", "Thần đồng thi", "Thời cổ đối loại" khá cũ... Còn có một cuốn "Hiếu kinh" cực nát, bên cạnh chú giải lít nha lít nhít chữ nhỏ.

Xem ra công sức của đứa nhỏ này đều đổ cả vào "Hiếu kinh", chẳng trách tiến độ học tập bị Lưu sư gia khinh ra mặt. Thế nhưng nếu nguyên chủ thích học nó thì mình cũng phải in vào bộ nhớ một lần, nhỡ có người kiểm tra món này thì cũng có thể mở PDF gian lận.

Thôi Tiếp bặm môi, đem số sách còn lại dọn xong, mở ra "Hiếu kinh" nhìn từng chữ từng chữ.

Các trang cậu xem qua đều trở thành bản PDF trong đầu, từng tờ một lưu xuống, không giống lúc trước cậu tưởng tượng rằng mỗi tờ sẽ bị lưu thành một tập riêng. Mắt và não cậu giống như máy scan: Nếu nhìn tỉ mỉ thì văn bản lưu lại rõ ràng; nếu chỉ đọc lướt thì văn bản chỗ mờ chỗ tỏ, chỗ cậu không nghiêm túc đọc sẽ lòe, thiếu chữ, thậm chí có những chữ còn không nhìn được nữa. Nhưng chỉ cần nghiêm túc nhìn lại lần nữa, văn bản rõ ràng hơn sẽ thay cho văn bản mơ hồ kia.

Đem cả quyển sách lật xem đến cuối, bản văn liền tự động sửa tên là "hiếu kinh chính nghĩa", hóa thành hình PDF thu nhỏ, im lặng lưu vào ổ cứng.

Tờ phương pháp ủ rượu mà nhờ Phụng Nghiễn viết thay gửi tặng Tạ Thiên Hộ kia được xếp trước quyển sách này, cũng không được lưu tên mà chỉ lấy đại mấy chữ đầu văn bản làm tên.

Mấy bản thảo này có giống WORD không nhỉ? Có xóa được không đây? Đừng bảolúc nào xem sách cũng lưu thành một file chiếm bộ nhớ nhá!

Cậu không nỡ xóa cả quyển "Hiếu kinh" dài như vậy, đành thử bỏ tờ phương pháp, tập trung tinh thần kéo nó đến sát rìa ổ cứng, quả thực nó liền vỡ thành bụi phấn biến mất! Hơn nữa những văn bàn này được lưu theo quy tắc: Nếu đọc từ trang này qua trang khác, sẽ thành văn bản nhiều trang; nếu như nhìn một tờ hoặc một dòng chữ nào đó rồi nhắm mắt lại thì chúng sẽ thành một văn bản riêng, tự động lưu vào ổ cứng.

Ầy so với WIN10 cũng không kém lắm đâu. Cậu đắc chí nghĩ: Tuy lúc đọc sách sẽ tự lưu thành nhiều văn bản có vẻ bừa bộn, nhưng chỉ cần xóa đúng lúc là ổn. Sau này chậm rãi đem mấy hòm sách kia lưu vào ổ cứng, khi nào cần dùng thì tìm tên mở ra, có khi còn giả mạo được thành thiên tài đã đọc qua là không quên đấy chứ.

Hết chương 8

Nhị Miêu: Nóng nóng quá, Hà Nội nóng chết mất.

1.Nếu như muốn tu dưỡng phẩm chất, trước hết phải có tư tưởng đoan chính. Nếu như trong lòng phẫn uất thì không thể đoan chính được: Nguyên văn là 所谓修身在正其心者,身有所忿懥,则不得其正 - Sở vị tu thân tại chính kì tâm giả: thân hữu sở phẫn chí, tắc bất đắc kì chính. ( bản dịch Tứ Thư của Quốc Chung)

2.Muốn tu dưỡng tốt phẩm hạnh của bản thân trước hết phải tu sửa tâm niệm của mình cho đoan chính:Nguyên văn là 欲修其身者,先正其心  - Dục tu kì thân giả, tiên chính kì tâm. ( bản dịch Tứ Thư của Quốc Chung) 

3. Nhan Thể: là kiểu chữ thư pháp do Nhan Chân Khanh (709-785) tạo ra

Phong cách thư pháp "Nhan thể" của ông là phong cách giáo khoa mà nhiều người theo học môn thư pháp ngày nay học hỏi.

Tác phẩm thư pháp mà ông còn để lại nổi tiếng nhất là Tế điệt cảo, tức là bài tế cháu Nhan Quý Minh – con của Nhan Cảo Khanh, cùng chết với cha trong Loạn An Sử  bởi tay An Lộc Sơn . "Tế điệt cảo" được tôn xưng là "Thiên hạ đệ nhị hành thư" trong Tam đại hành thư thư pháp thiếp, và là một trong 10 danh thiếp truyền thế của Trung Quốc .


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro