Chương một : BẢN CHẤT CỦA XÁC PHÀM

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chương một : BẢN CHẤT CỦA XÁC PHÀM

Hôm ấy vào đầu mùa xuân, ánh nắng dịu dàng phủ lên cỏ cây xanh mướt, vạn vật như bừng sống dậy sau những ngày tháng dài ngủ quên trong băng tuyết. Cõi trần gian bá tánh đang sống trong thanh bình an cư lạc nghiệp.

Cùng thời gian ấy, tại cõi Âm, Diêm Vương đang ngồi chễm chệ trên ngai vàng, tả hữu có vệ binh gươm giáo sáng ngời. Diêm Vương ra dấu hiệu tăng cường ánh sáng, vì cảnh lờ mờ, khó đối chiếu hình ảnh để nhận dạng tột phạm bị truy nã.

Từ góc phòng phía tây, một quan võ bước ra, tướng đi oai vệ, nét mặt nghiêm trang, bước đến chào Diêm Vương theo kiểu nhà binh rồi báo cáo :

– Thưa Diêm vương căn cứ vào sổ bộ tội phạm bị truy nã, tôi đã tìm được ba tên tội phạm mà Diêm Vương nhiều lần nhắc nhở là khi nó chết phải truy lùng cho ra. Ba tên này rất gian xảo, đã trà trộn vào nhóm tội phạm băng đảng cướp bóc, còn cải trang, thoáng nhìn qua tưởng homeless. Qua báo cáo của Thổ Thần địa phương là ba tên này đã chết, sao không đến trình diện, tôi bèn cho điều tra và lấy dấu tay, qua giảo nghiệm bằng máy vi tính tối tân của thế kỷ 21, ba tên đành nhận tội.

 Tội phạm thứ nhất : đã ra lệnh cho thuộc hạ, sử dụng máy bay ném bom bừa bãi trên địa cầu; vì trong việc tiêu thụ bom, y có ăn tiền cò, còn gọi là “cò bom”.          

Cô thư ký riêng của Diêm Vương đưa bàn tay búp măng che miệng cười, vì từ trước đến nay chỉ nghe cò đất, cò nhà, cò xe, giờ có thêm cò bom. 

 Tội phạm thứ nhì :  tên trùm khủng bố, tên giết người, trú ẩn trong hang động, trong bóng tối, y làm cho nhiều người lo âu đứng tim chết vì quá lo sợ. Tổ chức này không có lãnh thổ và một chính phủ để gọi cho êm tai, nhưng ở đâu cũng có nó. Nói cho có vẻ huyền bì là nó như ma quỉ, nó có thể xuất hiện bất cứ lúc nào và bất cứ nơi nào. Chính vì lẽ đó, nó đã làm cho bệnh tâm thần của loài người thêm trầm trọng; và chính nó cũng khùng điên nên nó bắt được ai là nó chặt đầu, đó là hành động rất dã man, không còn “nhân tính”. Ngoài ra nó còn lén lút cho cày đặt chất nổ lung tung, làm chết hàng vạn người.

 Tội phạm thứ ba : tên trùm sản xuất vũ khí tối tân “giết người” của  thế kỷ hai mươi mốt, qua máy vi tính báo cho biết trong tiền kiếp của y cách nay hơn bốn ngàn năm vào thời kỳ chiến tranh giữa Ai Cập, Hittites, Syria, Nubia, Ba Tư, Hy Lạp y đã sản xuất ra cây kiếm (sword) đạt tiêu chuẩn chém sắt như chém bùn, các nước vùng Trung Đông muốn  tiêu diệt đối phương, phải trang bị cho quận đội của họ loại kiếm siêu hạng ấy. Kết quả là các nước thi đua võ trang, nên y làm giàu một cách nhanh chóng. Mặc dù hơn bốn ngàn năm sống ở cõi Âm để y ăn năn đền tội, nhiều lần bắt y làm tờ tự kiểm và thành thật khai tội lỗi. Y có đưa tay ba lần chỉ lên Trời chứng kiến cho lời hứa là y không còn dám tái phạm và cố gắng làm người lương thiện. Vậy mà khi lên cõi trần gian, vì bị đồng tiền che lấp cái nhân tính, nên y quên lời hứa. Do đó y vẫn tiếp tục sản xuất vũ khí giết người.   

Đây là hồ sơ của ba tên tội phạm.

Diêm Vương lật qua lật lại hồ sơ, thong thả : 

– Ta đã nói nhiều lần trong những vụ án : Không có tội nào lớn hơn tội sản xuất vũ khí giết người, nói theo ngôn ngữ “nhị nguyên” phân chia thiện ác, xấu tốt thì chỉ có bọn người : tán tận lương tâm, lòng cọp dạ sư tử, mới cầu mong có chiến tranh để làm giàu trong vấn đề tiêu thụ vũ khí. Những người nông dân thật thà chất phát, đối với họ, những người có hành động như : đâm con heo xâm nhập vườn, hoặc cho thuốc độc vào thức ăn cho con chó nó chết. Những người nào có hành động ấy gọi là loại người “đâm heo thuốc chó”, họ cũng bị mọi người xa lánh. Vậy mà cái bọn ác ôn côn đồ này, nó sản xuất vũ khí giết người hàng loạt, ta không hiểu tại sao nó vẫn được các triều đình cõi trần tục công nhận. Thật ra, nó nhờ số tiền lợi nhuận của vũ khí mà nó xỏ mũi cái mà ta gọi “con buôn chính tri”, giới kinh doanh gọi là “bọn buôn xác người”, những người thật thà chất phát  thấy sao nói vậy gọi gọi là “bọn lòng cọp dạ chó sói”, đức Khổng Tử gọi là bọn người mất nhân tính, đó là cò bom, cò vũ khí  chạy theo liếm mồi danh bả lợi, cái hình ảnh bám theo tên trùm vũ khí, giống như tên bạo chúa dẫn chó dạo mát bên xác người.

 Thế giới chiến tranh thứ hai chấm dứt, nhân loại vui mừng tưởng rằng sẽ được thanh bình. Nào ngờ đâu, bọn tài phiệt vũ khí muốn tiêu thụ cho hết số vũ khí còn sót lại của thế chiến thứ hai, nó bèn bật đèn xanh cho “bọn con buôn chính trị” tạo ra chiến tranh. Kết quả là oan hồn tử khí ngập trời ào ào kéo xuống đây. Vì quá nhiều không chỗ chứa, đành phải che lều cho họ ngồi chờ bọn tài phiệt vũ khí và bọn tạo ra chiến tranh, bắt bọn này phải đền mạng cho họ. Bất cứ cuộc chiến tranh nào, chỉ có người dân và quân đội là đương đầu với cái chết. Ta cầm lòng không được khi thấy họ cụt tay, cụt chân, mất đầu, thịt xương từng mảnh vì bị bom đạn. Diêm Vương thở dài, buồn bã nhìn lên đồng hồ rồi ra lệnh :

 – Căn cứ vào thứ tự, hãy áp giải tội phạm hồ sơ thứ nhứt ra xử trước, còn hai tội phạm kia, vệ binh phải canh phòng nghiêm nghặt.

 Vệ binh âm phủ tức tốc áp giải tội phạm từ trại giam nằm dưới chân đồi “Nhiều-dục-vọng” phía tây nam cách tòa án “Định-luật-của-vũ-trụ” chừng hai dậm. Trại giam này cờ xí ngợp trời, đó là cờ của mỗi quốc gia ở cõi trần, âm hồn của quốc gia nào thì bị giam ngay phòng có lá cờ của quốc gia đó. Riêng tội phạm quốc tế thì có lá cờ hình quả địa cầu. Trên đường đi, vệ binh âm phủ nhắc nhở tội phạm phải thật cẩn thận khi đi ngang qua “cầu tre lắc lẻo gập ghềnh”. Vì  ở dước có rất nhiều rắn dữ, loài rắn có chứa rất nhiều mãnh lực vật chất xấu xa, hắc ám, trọng trược. Nếu âm hồn có cùng một chất khí như thế thì rắn dữ tưởng “gặp bạn”; vì cùng chất khí nên chúng chồm lên làm cho âm hồn dễ bị mất bình tĩnh. Nếu âm hồn không may rớt xuống thì bị rắn chích nọc độc hôn mê nhiều ngàn năm. Còn về phía tây là khu rừng già, có rất nhiều cọp, beo, sư tử. Chúng nó là sức mạnh của thiên nhiên, chúng sẵn sàng nhào đến cào xé thịt xương cho tan ra từng mảnh như bị trúng bom; nếu nó phát hiện ra tội phạm có những hành động như : tán tận lương tâm, lấy sự chết chóc của nhân loại làm lợi lộc cá nhân.

Tội phạm tự nhủ : “nhớ ngày nào, khi nghe cơ quan tối cao tấn phong ta lên ngôi Thiên Tử tức Con trời, vậy mà cái đám dốt chữ nho dịch là trời con, nghe nó chướng tai. Thôi cũng không sao, ba cái từ ngữ chữ nghĩa mà ăn nhầm gì. Chỉ cần có tiền là có tất cả, đó là một quan niệm sống của thời đại con người chạy theo mồi danh bả lợi và để vật chất trên bàn thờ. Có lần ta đi ngang qua cái quán ăn, chữ ăn mà lòng dạ nào nó viết có G : ăng, vậy mà quán vẫn đông thực khách. Từ đó ta suy ra chữ nghĩa không ảnh hưởng gì đến cái bao tử.

Khi biết ta sắp dự lễ đăng quang lên ngôi Thiên Tử, ta bèn tra cứu cho ra cái ý nghĩa của nó : “đó là một vị Minh Quân, một vì vua sáng suốt trong tất cả mọi quyết định của công việc trị an trăm họ, một vì vua đặt quyền lợi của quốc gia, dân tộc lên trên tất cả. Trong vấn đề cai trị, vị Minh Quân phải tìm kiếm người : có tài phải có đức, có phẩm hạnh, tư cách, và phải đích thân vị Minh Quân đến mời họ ra giúp nước. Thông thường, người có tài có đức mới biết được người có tài có đức. Nếu vị vua đó thật sự là vị Minh Quân, thì sẽ có người tài đức ra giúp sức.

Còn nếu vị vua không phải là Minh Quân, theo cái bảng treo trước cổng triều đình có hàng chữ : “mã tầm mã, ngưu tầm ngưu” thì chỉ có loại người ác ôn côn đồ, bọn mua quan bán chức, bọn con buôn chính trị, bình dân gọi là bọn người xôi thịt, nghe động dao, động thớt bèn chạy đến kiếm mồi danh bả lợi. Bọn này rất nhiều, thường mang cái mặc nạ đạo đức giả, có tài mà không có đức, chỉ sử dụng bộ óc gian xảo để lừa bịp thiên hạ. Trong thời buổi chạy theo vật chất và để vật chất trên bàn thờ, sách vở Thánh Hiền được bọn này cho là hủ lậu, thì cái chuyện tranh giành nhau một khúc xương bò, bọn này xem rất bình thường. Nếu một vị vua mà sử dụng loại người : “nghe động dao động thớt bèn chạy đến”, là vị vua sẽ đưa đất nước vào cảnh lầm than, u tối, khốn khổ”. 

Ta chỉ đọc có vài dòng về định nghĩa Minh Quân là ta chóng mặt như bị cảm nặng, mấy anh da vàng gọi là trúng gió. Thôi dẹp ba cái thứ Minh Quân qua một bên, sách vở lâu ngày nhiều khi tam sao thất bổn, hơi đâu mà tin. Hơn nữa thời buổi này, nếu ta có đem cái định nghĩa Minh Quân ra để tìm kiếm hiền thần giống như cầu hiền thần Tiết Nhơn Quý thì có kẻ nói ta tiêm nhiễm truyện Tàu, phim Hồng Kông, còn cái đám tham mưu kiêm cố vấn trí khôn, nó nói ta khùng, tửng, mad, tâm thần nặng.

(Toàn bộ nhân vật trong sách này hoàn toàn hư cấu, tác giả không ám chỉ bất cứ môt một tổ chức chính trị, tôn giáo và một cá nhân nào trên địa cầu này. Đó là những cái xác phàm, nó hành động theo bản chất ham lợi lộc của nó. Nó muốn gom tất cả của cải của “bá tánh” làm của riêng, đối với cái xác phàm thì càng có nhiều càng tốt. Tất cả những hành động xấu xa bỉ ổi là do cái xác phàm. Người nào mà linh hồn chưa tiến hóa thì còn bị cái xác phàm chỉ huy; mặc dù người đó có tước hiệu đầy mình như vua, quan, giai cấp quí tộc, lãnh đạo các tổ chức chính trị và tôn giáo, nhà tư bản, những cái đó là cái vỏ vật chất  được cái xác phàm khoát ngoài cho có danh xưng, nó không dính dấp gì đến sự tiến hóa của linh hồn).

Trong thời gian thành lập “ban bệ” để trình diện quốc dân, ta mất ngủ vì bị cái đám từng sống chết và trung thành với ta trong cuộc tranh giành ngôi báo. Tối ngày bọn này rì rầm bên tai, không cần biết tài đức và khả năng của mình, mà cứ trông vào lợi lộc của chức vụ. Chẳng hạn như cái thằng chuyên buôn bán xăng dầu, kèm theo một ít tạp hóa, kẹo bánh, số độc đắc, số cạo, thuốc đau bụng, thuốc cảm thời tiết. Vậy mà nó vẫn rù rì bên tai, khẩn thiết lạy lục van xin ta, “làm ơn ban phước” cho nó giữ chức thống lĩnh đại hùng binh, lý do là cái chức vụ đó nếu có chiến tranh thì rất có ăn. Nó dùng chữ rất có ăn ta nghe mà chạnh lòng. Nó ăn cái gì, chắc là ăn xác chết của những người dân bị bom đạn làm thịt. Nó nhăn mặt phân trần :

– Bệ hạ hiểu lầm rồi ; cái đó, chó nó còn không thèm ăn. Ăn ở đây là ăn mấy hợp đồng vũ khí. Ba cái thứ bom đạn này, làm sao mà kiểm tra trong cuộc chiến khói lửa ngập trơi muốn báo cáo nhu cầu bao nhiêu mà không được. 

Cái thằng này gian xảo hay thật, nếu tiên sinh Nguyễn Du đội mồ sống dậy cũng còn khen “rằng hay thì thật là hay” rồi Ngài lại ngậm ngùi chảy nước mắt “nghe ra ngậm đắng nuốt ... cay thấu trời” : buôn bán thì trốn thuế, làm chính trị thì kiếm chức vụ nào có ăn. Cho nên với cái vỏ vật chất khoát ngoài làm kiểu cách anh chị bự, nó vẫn được những người tôn thờ vật chất bái phục. Tội nghiệp cho những người ấy, họ đâu biết rằng nó giống như một trái chín, nhìn bề ngoài tươi tốt; có ai ngờ rằng khi cắt ra thì trong ruột toàn là dòi, sâu bọ.

 Nhớ đến đây tội phạm không còn muốn bước tới, và tự hỏi “không biết ta có chết thật hay bị ba cái phim giả tưởng nó ám ảnh. Vì mới ngày nào ta còn xưng trẫm với bá quan trăm họ. Cái đám quan lại thì lúc nào cũng giữ đúng lễ bộ, lễ bái “muôn tâu bệ hạ”, rồi chờ đó cho đến khi nào ta O. K, hoặc ra dấu hiệu thì mới được nói. Cái hình thức  đó, nó oai nghi lẫm liệt như một bản hùng ca. Vậy mà ngài Lão Tử trách Khổng Tử  “Ông làm phiền thiên hạ, ông bày ra lễ bái, rồi có kẻ không biết, ông cho là họ dốt”.

Riêng với các cung phi mỹ nữ thì chữ “bệ hạ”, nó xuống cái giọng trầm... kéo dài rất lâu, ta nghĩ trên thế gian này không có ca sĩ nào bì kịp. Cái âm thanh đó, được phụ thêm nhạc lễ, tiếng sắt, tiếng đồng, nó đưa hồn ta về thế giới ta bà cực lạc. Cái giọng trầm đó, nghe nó êm ái, nó nhẹ nhàng, mà ngôn ngữ trần tục muốn diễn tả chỉ còn biết ú ớ. (Vì tư tưởng có bốn chiều đo mà trên trang giấy chỉ có hai chiều, thôi cũng đành nói không bút mực nào tả xiết).

 Ta cũng bị tấn công bởi lụa là nhung gấm, bởi mặt hoa da phấn, bởi những đường nét như có bùa thư ếm. Cái vỏ khoát ngoài đó, nó thu hút con người phàm tục của ta, đến nỗi ta không còn biết tuổi của ta là con gì. Ta nhìn mặt tiền : Cái váy, nó phất phơ như mây trên đỉnh núi. Cái lưng chừng “ngực” : nó lấp lánh như bầu trời đầy sao, như ánh trăng rằm tỏa rạng trên đỉnh nhị sơn, và thấp thoáng giòng suối chảy mờ dần qua khe hai chân núi. Còn mái tóc, nó mượt mà óng ả cạnh đôi mắt long lanh như hạt sương mai ngủ quên trên lá sen mùa hạ.

Ta vẫn còn bị tấn công khi nàng quay lưng. Trời ! ta lẹ tay che miệng để không phát ra âm thanh. Chỉ có một cọng vải phất phơ thì làm sao che hết làn da của câu đối “da trắng vỗ bì bạch”.

 Ta cũng không biết chiến thuật gia nào bày ra thế trận : tấn công hai mặt, nhà binh gọi là hai mặt giáp công. Nó biết ta là người phàm tục, không có luyện phép chui xuống đất hoặc nhảy vọt lên chín từng mây, thì làm sao mà chạy thoát cho được. Vậy mà cái đám quan nịnh, lúc nào nó cũng chúc ta sống trường thọ, và còn đính kèm ba cái này, để ta chết sớm cho nó giành ngôi thì có.

Đêm hôm ấy, ta dìu nàng lên vọng nguyệt lầu, bầu trời đầy sao, vầng trăng có nửa mảnh treo lưng chừng phía tây ngọn đồi Ô-sa-ma-bê-ta, nhìn xa xa giòng sông Mi-si-mê-đố-là như tấm lụa lấp lánh mờ dần ra biển. Qua một tuần trà ướp sen, Ta bèn hỏi :

– Ái khanh làm sao mà được tuyển vào cung ?  

Nàng mỉm cười, đưa tay để lên ngực ta, cúi mặt trong vòng tay rồi líu lo cái giọng oanh vàng : 

– Thần thiếp trúng tuyển cuộc thi “hoa hậu thời tiền sử” do triều đình tổ chức. Trong cuộc thi này, không có biểu diễn thời trang, mà thần thiếp thì không biết nên mua ba cái đồ hiệu, toàn là kéo thẻ, coi như là nợ lút đầu. Ban giám khảo cho biết thí sinh phải hóa trang giống như thời Tiền Sử, cái thời mà nhân loại chưa có làm ra vải để mặc. Căn cứ vào bốn mùa xuân, hạ, thu, đông; thí sinh phải hóa trang cho đúng với cái mùa của nó. Chẳng hạn như mùa xuân có hoa Anh Đào, có đàn bướm vàng bay là đà bên cụm lan rừng phía đông nam động Thiên Thai, thí sinh phải  cài hoa, bướm lên mái tóc và một vòng hoa quanh eo bụng. Chỉ tượng trưng vài hoa mà thôi, ban giám khảo nói : “hoa nhiều quá làm tối mắt chấm điểm không được”. Còn mùa hè thì có hoa phượng và con ve sầu kêu rỉ rả trong bụi tre già, làm thần thiếp nhớ cái thời bị đám thanh niên cái mặt búng ra sữa, nó bám theo bén gót. Ban giám khảo nói màu hoa phượng và tiếng ve sầu là một cái gì nó thơ mộng như tuổi học trò, một ngàn năm sau, nếu con người còn đi học là nó còn thơ mộng. Rồi đến mùa thu thì có lá vàng rơi theo chiều gió, nên thí sinh phải có vài lá trên mái tóc và rải rác quanh mình, tạo cái nhẹ nhàng êm ái như “con nai vàng ngơ ngác, đạp trên lá vàng khô”. Cuối cùng là mùa đông, ban giám khảo cho biết đất nước thuộc vùng Ôn Đới, mùa đông thì không còn một chiếc lá trên cành. Cho nên thí sinh phải thoát y đúng một trăm phần trăm, rồi đi một vòng leo trèo qua các ghềnh đá cheo leo. Và cuối cùng thí sinh tạo dáng ngây ngất “người hẹn cùng ta nằm bên bờ suối”. Tất cả chỉ là cảnh giả, thí sinh nào không theo qui định thì bị loại ngay vòng sơ kết. 

Bệ hạ ơi ! thần thiếp mắc cỡ thấy mồ, mấy tên giám khảo, mấy tên quan nịnh tiền tài và sắc đẹp, hội đồng cố vấn sự sáng suốt có con mắt nhìn rõ da thịt, chỉ đạo tối cao cuộc thi, mấy tên đó nhìn thần thiếp như bị trời tròng, như Từ Hải chết đứng giữa trận tiền.

Nàng gục đầu thổn thức trên tim ta, trái tim chỉ có biết rung động với người dưng khác họ.Ta chợt mất vui vì bị mấy thằng quan nịnh nó qua mặt. Nó tự bày đặt ra ba cái giải tầm bậy tầm bạ, không có gì gọi là truyền thống của ông bà. Ta chợt nhớ ra bèn hỏi :

– Ai dạy ái khanh chiến thuật hai mặt giáp công ?

 Nàng sửa lại tư thế ngồi, vuốt mái tóc che phủ bời vai dưới ánh trăng huyền ảo, nhìn mây bay như mơ màng một kỷ niệm rồi thủ thỉ tâm sự :

 – Thần thiếp bị ba cái thẻ nợ nó bao vây, làm chỉ đủ cơm ngày hai bữa, và đóng tiền lời. Bệ hạ ơi ! Bệ hạ sống trong cung son điện ngọc, nhà cửa, máy bay, xe cộ được phi. Còn thần thiếp hàng tháng bill nó gởi đến tới tấp dập diều như ruồi bu cục đường, cho nên làm hoài mà không có dư. Nhiều khi thần thiếp muốn vô chùa đi tu cho rồi, nhưng còn tiếc cái đầu hai lai cạo trọc uổng quá nên thần thiếp gắng gượng làm vui sống cùng người phàm tục.

 Một hôm thần thiếp bị layoff, ăn tiền thất nghiệp sáu tháng, ăn ba cái đồng tiền này chỉ đủ sống nằm ở nhà. Buồn quá, thần thiếp lục trong đống sách xưa của ông cố để lại có cuốn Binh Thư bèn mang ra đọc. Không biết tại sao thần thiếp đọc Binh Thư một cách say mê, đọc đi, đọc lại trong sáu tháng, cuối cùng thì thần thiếp chỉ biết như sau :

“Trần gian này là cõi nhị nguyên nên cái gì cũng phải hội đủ hai yếu tố thì hành động mới có kết quả. Tỷ như muốn giữ một vật gì cho nó chắc ăn thì ta phải giữ hai tay, ngược lại cũng như thế, muốn tấn công để tiêu diệt đối phương thì phải hai mặt giáp công”. 

Từ tư tưởng đó thần thiếp bắt đầu suy luận ra, và kiểm tra lại con người của mình bị kẻ địch nó tấn công như thế nào mà làm hoài vẫn còn cái nợ nó cứ rượt theo. Có lẽ thần thiếp phải chạy như một cái xác biết di chuyển, một cái xác không hồn: xác sống thì có nhà có xe nhưng nhà băng đứng chủ quyền, còn xác chết thì nằm chèo queo dưới lớp cỏ xanh có vòng hoa ni long made in China phất phơ một cách oanh liệt hiên ngang dưới ánh nắng như thiêu đốt thịt da của mùa hạ và bèo nhèo ủ rũ suốt mùa đông dưới lớp băng tuyết. Và ba cái thẻ nợ lúc nào cũng đầy nhóc trên tấm thân ngọc ngà của thần thiếp có thoa lớp kem chóng nắng; nhưng đặc biệt nó không chống lại bàn tay êm ái của bạch và hắc công tử, trong truyện miền tây lúa gạo trắng tinh. Có lẽ nhờ vậy mà cái chân của thần thiếp được dài ra ai cũng khen. Một gã si tình đầu Việt, mình Hán nó gọi “cô bé trường túc bất chi lao kia ơi ! Đồ cái thứ ba xạo, nó biết gì mà nói thần thiếp không mệt. Với cái trường túc đó, thần thiếp phải chạy đến khi nào tắt thở, đến khi đó thì chỉ còn cát bụi trở về cát bụi, và ba cái thẻ nợ của thần thiếp mới được clear, giống như đốt giấy tiền vàng bạc trên ngôi mộ Đạm Tiên, cho sạch bụi trần.

Trước hết thần thiếp đem hai thằng “có hiệu” và “không hiệu” ra để suy luận. Cha mẹ ơi ! Ông Trời ngó xuống mà coi ... Hai thằng chóp bu có hiệu và không hiệu mới đích thực là bọn lưu manh, là bọn lừa đảo : không hiệu thì chém thẳng tay, còn có hiệu cũng chém luôn.

 Chẳng hạn như thuốc tây không hiệu thì muốn bán giá bao nhiêu cũng được mà không có luật pháp nào can thiệp. Cũng như trị bệnh thì không có bảng giá tức là “không hiệu” nên tính tiền “vô giá”. Còn quần áo thì bày ra cái hiệu, cho một cái giá thật cao, chỉ có người giàu mới mua nổi. Phàm là con người, cho nên không muốn ai hơn mình, chẳng lẽ mặc đồ không hiệu, nên cũng đành kéo thẻ nợ mà mua. 

Còn cái thằng kinh doanh sức khỏe, cái thằng này là đại ma đầu : chỉ có một thằng mà nó cũng bày ra hai phần để có hai mặt giáp công, đó là nó tạo ra hai phần riêng biệt : *1- bán bảo hiểm sức khỏe. *2- bệnh viện. 

Vấn đề giá cả trị bệnh nó muốn tính tiền bao nhiêu cũng được, luật pháp trần gian không có can thiệp. Thông thường thì nó qui định bệnh nhân phải trả hai chục phần trăm còn bao nhiêu thì bảo hiểm trả. Thay vì tính tiền trị bệnh cho đúng theo giá quốc tế là hai trăm đồng, nó tính một ngàn đồng (như đã nói nó muốn tính tiền bao nhiêu cũng được), căn cứ vào hai mươi phần trăm thì bệnh nhân có bảo hiểm chỉ trả có hai trăm đồng. Như vậy thì cái số tiền mua bảo hiểm sức khỏe không có tác dụng gì cả, vì bị hai mặt giáp công trong chiến thuật một biến thành hai để kẻ địch bị đánh lừa thì mới tiêu diệt được. 

Đó là chiến thuật hai mặt giáp công, một biến thành hai để kẻ địch bị đánh lừa thì mới tiêu diệt được của cái bọn kinh doanh sức khỏe bị Binh Thư lột mặt nạ, trườn ra lộ nguyên hình biến thành bọn lưu manh, bọn lừa đảo, được luật pháp triều đình công nhận.Còn thần thiếp đối với bệ hạ cũng hai mặt giáp công nhưng đầy tình người, có lợi cả hai.

Ta thầm nghĩ, làm Thiên Tử cũng sướng, thế gian này không còn cái nào sướng hơn, nên trong dân gian đem ta ra so sánh “sướng như vua”. Quả đúng như vậy, thức ăn thì trăm món, cung phi mỹ nữ thì cũng một trăm, báo cáo thiếu thì có các nước nhược tiểu, chậm tiến đem triều cống.

Thần dân thì trăm họ, nhắc đến trăm họ sao ta phát mệt. Ta đã nhiều lần ra dấu hiệu trước trăm họ : “Hai bàn tay ta giữ yên trên ngực ngay quả tim, mắt đắm đuối nhìn thần dân mà không nói một lờ”. Đó là ta muốn nói với những người nông dân, công nhân thật thà chất phát; ánh trăng đối với họ chỉ là tiết kiệm được vài  đồng bạc điện, thời tiết mát mẻ và chiếc lá vàng của mùa thu chỉ là khỏi sử dụng máy nóng, máy lạnh. Với cái tâm hồn đơn giản ấy thì họ phải hiểu cái “tạo dáng” của ta có ý nghĩa là “hồn ai nấy giữ”. Vậy mà cái đám quan nịnh nó giải nghĩa : “vua thương dân như chính bản thân ngài”.

Có nhiều khi, vì bị thời tiết xấu nên hàng ngoại quốc nhập vào không đúng hẹn, nhưng không bể hợp đồng, ta nói đó là vấn đề bao tử của ta, ta đã ký rồi thì không có vấn đề bể. Do không đủ đồ để chế biến cho đủ một trăm món, nó bèn lấy rắn mối, rắn lục, bộ phận đặc biệt của ngựa, dê, công với vài vị thuốc Tàu. Nó đặt cho một cái tên hồi đời Trụ Vương say mê Đắc Kỷ, rất là khó đọc. Ta uốn lưỡi, rồi để vị trí lưỡi gần kề môi trên hai ba lần mới đọc được, nó khó khăn như một môn đồ mới vào trường E.S.L. Nó lễ phép :

– Bệ hạ đọc tên thì khó nhưng mà ăn thì bệ hạ sống trường thọ. Bệ hạ chỉ cần Thọ mà thôi, Phước và Lộc bệ hạ đã có rồi, nó vững như bàn cây gòn, dù có rơi xuống nước nhưng nó vẫn nổi, nó nổi như bệ hạ hưởng nhàn lênh đênh trên sóng nước ao cá miền tây. Ngày nào còn homeless, còn người ngủ dưới gầm cầu xe cán hoài mà không chết, và còn người đứng lao xao nơi đèn xanh đèn đỏ nhận của bố thí thì bệ hạ còn làm vua. Hạ thần bảo đảm như thế, bởi vì, nếu đem họ ra so sánh với bệ hạ thì tạo ra cái thế lưỡng cực. Chỉ khi nào bệ hạ sử dụng chữ Phước và Lộc không còn manh giáp, thì kiếp sau bệ hạ đành phải ra thế vị trí của họ mà thôi; điều này hạ thần nói lỡ lời bệ hạ hơi buồn. Hạ thần thiết nghĩ bệ hạ không buồn; vì bệ hạ không tin cái mà ông bà già xưa gọi là có kiếp sau. Cái sinh mạng con người đối vớ bệ hạ là chuyện nhỏ, chuyện lớn là phải có thật nhiều của cải chìm và nổi. Đối với bệ hạ thì người tình nguyện đi quân đội  là chấp nhận cái chết, mà trước sau gì một đời người chỉ có một lần duy nhất là cái chết. Cùng chết với bọn ôm bom tự sát là một vinh dự ? Một đặc ân ? Có một không hai của người quân nhân văn võ song toàn bốn năm miệt mài trong trường võ bị ! 

Chuyện Hàn Tín ngày xưa, cái hành động đầu tiên trên đường tìm công danh sự nghiệp, đã chém chết một lão tiều phu, lý do là ông này chỉ đường cho y ; vì y sợ tông tích bị lộ. Khi Hàn Tín được sắc phong nguyên soái, trong buổi lễ xuất quân, y còn chém tướng để ra uy. Như vậy Hàn Tín đã hành động : chỉ cần đạt cho được mục đích mà bất kể phương tiện dù cái đó có chết hàng vạn người cũng không sao.

Họ quên rằng “người nào mưu toan hãm hại và tiêu diệt kẻ đồng loại thì họ tự chuốt lấy tai họa tương tự vào thân”. Nói một cách khoa học là “mỗi động lực đều đem lại cái phản động lực; động lực và phản động lực không thể chia ly được”. Kết quả: Hàn Tín phải ôm trọn vẹn cái phản động lực là bị một người đàn bà tay yếu chân mềm ra lệnh chém đầu Hàn Tín. 

Trong vấn đề chiến thuật Hàn Tín bố trí quân : tiền quân là địch, hậu quân là dòng sông mênh mông nước, như vậy người lính chỉ có : một là còn mạng, hai là mất mạng; kết quả trận ấy Hàn Tín thắng.

 Từ ngày ấy đến nay, hàng ngàn năm rồi, không có tướng lãnh nào sử dụng chiến thuật vô nhân đạo ấy, vì nó coi sinh mạng người lính như bèo. Làm lính cực khổ trăm bề, bệ hạ chưa từng sống một ngày của người lính xông pha trận mạc trong bom đạn; vì bệ hạ có một thời làm lính kiểng nên bệ hạ không biết. Bệ hạ chưa có sống trong vùng mà người dân bị bom đạn cày nát. Đối với bệ hạ thì hình ảnh khói lửa ngập trời, nhà cửa đổ nát, thịt xương từng mảnh cũng giống như xác pháo ngày bệ hạ đăng quang thiên tử mà thôi. Vì trái tim của bệ hạ giống như một cục máu chết, một vũng máu khô bên cạnh tử thi do lệnh của bệ ha biến cái khu vực đó trở lại cái thời hoang dã chỉ có thú rừng. Bệ hạ đừng kinh lý qua đó, thấy bóng dáng lao xao người ta tưởng thứ rừng.

Với chiến thuật tiền địch hậu chỉ có chết của Hàn Tín, nếu âm hồn của Hàn Tín đem cái đầu cho dính liền với cái xác mà sống giậy bèn tôn bệ hạ là đại sư phụ. Vì bệ hạ sửa cái hậu chỉ có chết đổi ra cái hậu bị chặt đầu cho nó thêm rùng rợn, nó thích hợp với các phim bạo lực, cái đất nước mà phim bạo lực được best sale của thế giới . Bệ hạ hãy coi chừng cái đám sản xuất phim bạo lực nó “Xu” bệ hạ; vì hình ảnh thời sự rùng rợn hơn phim bạo lực. Và trùm đạo diễn phim bạo lực lúc nào cũng ca tụng bệ hạ là bậc thiên tài, có cái óc sáng tạo cực mạnh như tia sáng của sấm sét. Còn các tài tử, bảo nó thủ vai bị chặt đầu, có cho vàng chất ngang đầu nó cũng không dám. 

 Bệ hạ chỉ tin với số tiền kiếm được trong việc tạo ra chiến tranh, thân nhân của bệ hạ sẽ mướn người cầu nguyện một cách quyết liệt, một cách hăng hái, một cách sốt sắng. Trong sự mướn người cầu nguyện đó, bất kể thời tiết, sương mù, mưa giông, động đất, bão lụt, núi lửa phun tối đen bầu trời. Nhưng nhờ sự cầu nguyện không mệt mỏi, cho xứng đáng với số tiền, tiền nào của nấy, thì bệ hạ đương nhiên nhảy vọt lên Thiên Đàng, nơi đó bệ hạ hưởng hạnh phúc tràn bản họng, có lẽ phải hơn hai ba ngàn tỉ năm. Và bệ hạ hãy mở to đôi mắt mà hưởng cái ngây ngất, cái ngất ngây không biết mệt mỏi của hạnh phúc, và cố gắng không bỏ sót một phút giây nào chứ đừng nói một ngày, một giờ là phí phạm số tiền đã bỏ ra nhiều lắm đó.

Cho đến khi nào bệ hạ không thích nữa thì bệ hạ lội bộ xuống địa ngục nói chuyện tào lao để thay đổi cái vui hàng tỷ năm rồi mà vẫn còn vui, không biết vui ở đâu tràn đến như nước vỡ bờ. Bệ hạ phải đi cho biết địa ngục với người ta, nếu không biết địa ngục thì bệ hạ bị ba cái thằng xạo ke, nó lếu láo bịa đặt để hù dọa làm bệ hạ đứng tim mà chết một lần nữa. Cho đến khi nào bệ hạ không thích nói chuyện tào lao ở địa ngục thì bệ hạ cuốc bộ về thiên đàng. Vì địa chỉ của bệ hạ là thiên đàng, bệ hạ nhớ giữ giấy tờ địa chỉ thiên đàng, nếu bị mấy anh chị bự ở địa ngục móc túi, khi bệ hạ trở lại thì vệ binh gát cổng thiên đàng không cho bệ hạ vào mà nó còn nghi ngờ bệ hạ là homeless thì phiền lắm.

Theo giáo lý mà bệ hạ hấp thụ được thì con người khi chết chỉ có hai lối đi : Thiên  đàng và địa ngục, cái nào cũng đời đời hàng mấy trăm ngàn triệu tỷ năm. 

Với số tiền mà bệ hạ chơm chĩa được nhờ tạo ra chiến tranh, bệ hạ phải trang bị cho lễ cầu nguyện vô cùng hiện đại. Chẳng hạn như hệ thống khuếch đại âm thanh phải vô cùng tối tân, làm cho người điếc có thể nghe được còn người không điếc thì cho điếc luôn. Khi lễ cầu nguyện xong, họ giống như người cõi thiên đàng, người cõi trên : lơ lửng, không hồn, không phách. Theo giáo lý mà bệ hạ biết được thì bệ hạ là người sung sướng nhất và mai mắn nhất trong sáu tỉ con người chen lấn nhau trên quả địa cầu chật hẹp này.

Hạ thần nói mai mắn là vì : với giáo lý mà bệ hạ biết thì con người chỉ có một kiếp, bệ hạ lại đươc làm thiên tử còn người kia thì làm homeless. Khi bệ hạ chết thì bệ hạ có đô la mướn người đọc kinh đưa bệ hạ nhảy vọt lên thiên đàng; còn homeless thì khi chết, không một người nào biết nó đi về đâu. So sánh ra thì bệ hạ cách nó một trời một vực. Đối với bệ hạ thì địa ngục chỉ dành cho homeless, còn bệ hạ có đô la mướn người cầu nguyện thì cái Thiên Đàng là chắc ăn như kẹo đồng. Chắc ăn như chân gà nằm trên cái lưỡi, chắc ăn như hạ thần mua nhà, dù có hàng chục cái nô mà vẫn thông qua. Vấn đề trả góp thời gian vô cùng ngắn ngủi chỉ có ba chục năm; nếu so sánh với một kiếp người kéo dài lê thê, phải uống rượu mới giết hết thì giờ. Trùm cơ sở “Loan” nói với khách hàng : “Nếu so sánh từ ngày địa cầu nóng như cục than hồng và nguội dần cho đến khi loài người  bước đi đầu tiên cách nay hàng tỷ năm thì cái “ba chục năm trả góp” như bóng ngựa lướt qua cửa sổ, là ta hiên ngang có chủ quyền cái nhà, từ dưới thấp nhìn lên trông oai lắm”.

Xin lỗi bệ hạ, hạ thần nói chuyện riêng, nhiều khi bệ hạ không muốn nghe và cũng không tin. Hạ thần trộm nghĩ là bệ hạ chỉ tin những gì phải thấy bằng con mắt trần tục được cấu tạo bằng thịt, máu và một ít chất nhờn để liếc qua liếc lại xem có ai chôm chĩa những gì mà bệ hạ yêu quí. 

  Đất nước mang tiếng là hiền hòa, giống như hoa thạch thảo mà nhà nào cũng phải có súng để làm bùa hộ mạng. Bệ hạ yêu chuộng hòa bình không bút mực nào tả xiết, nghe đến tên bệ hạ là họ nổi da gà. Tiếng chuông hòa bình gióng lên như trời long đất lở. Bệ hạ phải dập tắt tiếng chuông hòa bình không hợp với cái lỗ tai, nó còn giết chết cái lòng tham lam của cái xác phàm mà bệ hạ xem nó là vật quí nhất trên đời. Bệ hạ muốn dẹp tiếng chuông hòa bình, chỉ có cách tốt nhất là xua quân ăn cướp vài nước  rồi dựng lên chính quyền dõm thì bá tánh trăm họ sẽ hết hồn, hết vía bèn gọi bệ hạ là thiên tử. Bệ hạ phải có tước hiệu thiên tử cho nó oai, gọi là vua đôi khi trùng với vua các nước nghèo mạt, bệ hạ không thể ngang hàng với các vua nghèo đó được.

 Bệ hạ phải ăn để làm thiên tử, còn nói thì quà   dễ; vì bệ hạ có người viết sẵn chỉ cần cái xác phàm của bệ hạ có đủ sức đọc mà thôi. Cái quan trọng là bệ hạ phải nói ngắn gọn cho người dân nhớ đời đời và lưu trữ trong “kho văn hóa”.

Thông thường thì cái xác phàm của bệ hạ, nếu đứng từ xa nhìn vào nó thì nó lộ nguyên hình như sau :

Cái xác phàm : bản chất của nó là ham lợi lộc, nó chỉ muốn thu vào mà không hề cho ra; dù cho nó có mang cái tước hiệu đầy mình như vua, quan, lãnh đạo các tổ chức chính trị hay tôn giáo. Cái đó là cái vỏ khoát ngoài, cái xác phàm nó không cần biết đến, mà nó chỉ nghĩ đến cái gì có lợi cho cái xác của nó mà thôi.

Cái xác phàm phát biểu như sau :

“Trẫm mở miệng là có thần đô la chứng giám, trẫm có gian dối xin thần vàng, thần kim cương ở núi Cù-Lu-Cù-La sử dụng vàng và kim cương đốt phủ lên trẫm nhưng đừng chết để trẫm sống mà đưa đất nước này lên đỉnh cực lạc. Đất nước rất cần có trẫm để chỉ đường cho người mù đi và người điếc cũng cần cái giọng la hét của trẫm như tiếng nổ phá núi.

Xin thần đô la cho trẫm được trường thọ để vui hưởng hạnh phúc cực lạc trên địa cầu, chỗ nào có hạnh phúc xin thần đô la mách bảo thì trẫm vọt đến ngay. Vì trẫm có sứ mệnh là đại diện cho nhân dân, dù có khổ sở cở nào trẫm cũng phải đến để thay mặt bá tánh trăm họ mà hưởng hạnh phúc.

Trẫm lấy trái tim mà hứa với ruột non, ruột già, trước mặt là thần đô la, bên tả là thần kim cương, bên hữu là thần vàng chứng kiến lời hứa của trẫm như cây đinh đóng cọng lục bình rằng : Trẫm rất thương dân thương nước, thương một cách quyết liệt. Mặc dù cái xác phàm của trẫm chỉ có biết chơm chĩa, nhưng cũng phải thu hết can đảm xin dâng hiến cho đất nước. Trẫm luôn luôn thương yêu đồng bào và đất nuớc còn hơn mối tình trong các hợp đêm”.

 Cách nói theo giọng điệu gian dối lừa đảo này rất dễ. Bất cứ cái xác phàm nào mà linh hồn chưa làm chủ được nó đều nói được cái giọng điệu  giả dối gian xảo như trên. Bệ hạ khỏi cần gọi đơn đặt hàng để có được cái nói, rồi mang ra chỉ có cái xác phàm cắm đầu, cắm cổ say mê đọc, bá tánh chán đến bản họng.

Hết nói rồi lại cho cái xác phàm ăn tiếp; bệ hạ ăn một cách trầm tĩnh, không cần nghe dự báo thời tiết bão lụt, động đất, thiên tai và ba cái tin tào lao của máy vi tính dự đoán kinh tế thế giới năm ba ngàn. 

Bệ hạ phải ăn như một kẻ quên thế gian còn nhiều người đói khổ. Bệ hạ phải ăn một cách oanh liệt như người lính đem cái xác phàm ra bảo vệ tổ quốc thiêng liêng. Bệ hạ phải ăn như loài nhai lại, loài gậm nhấm. Với cái hàm răng sắc bén của xác phàm thì ba cái thực phẩm của thế giới bệ hạ quyết chí không bỏ sót mộ thứ nào. Vì cái xác phàm của bệ hạ cần phải ăn cho nhiều thì đương nhiên cái thọ của bệ hạ nó tiến song song như hai đường thẳng song song.

Tóm lại, bệ hạ chỉ nhớ một cái là được, cái này bệ hạ không cần hỏi cố vấn trí khôn, đó là bệ hạ phải ăn mà không cần nhớ đến ai hết, và chỉ sống để tận hưởng lạc thú trần gian. Đó là một quan niệm sống “vô cùng tối tân và hiện đại trong thời đại vi tính” của những người chỉ tin vào cái thấy qua đôi mắt long lanh của mình và để vật chất trên tất cả mọi sự. Với cái tâm thức của một người chỉ biết có vật chất, nó giống như một cái xác sống đem nhốt trong phòng kín, nếu có mùi gì thì nó chỉ biết mùi đó mà thôi. Và cái tri thức uyên bác, cái kiến thức đầy mình của họ nếu chỉ biết có cái xác phàm tục thì dĩ nhiên họ phải “sống chết vì cái xác phàm”. Đối với họ thì ngoài cái xác ra, họ cũng không còn gì nữa cả. Thật tội nghiệp cho họ, vì họ chỉ có biết một cái xác phàm mà dám can đảm sống trong muôn nghìn hiện tượng của cuộc đời còn gọi là thế tục.

 Ta thấy làm vua quả là vui sướng và no đủ. Chỉ có người nghèo đói thì cần đủ no là quí, còn ta no đủ có thêm phủ phê tràn họng, tràn hầu, và lạc thú trần gian ta ôm trọn gói. Nói theo con số bách phân của “hàn lâm viện” chuyên nghiên cứu số cử tri ủng hộ ứng cử viên và số người ăn chơi nghêu ngao ngoài đường phố thì ta đạt một trăm phần trăm. Vậy mà thầy giáo già, dạy môn hóa học cũng bày đặt kèm theo môn luân lý, truyền thống tổ tiên, giải nghĩa như sau : 

“Những nguyên tố hóa học tự phản ứng với nhau rõ ràng và chúng nó thường bị tan rã khi có một nguyên tố thứ ba xen vào. Tỷ như hai nguyên tố khác nhau, hóa hợp rất khắn khít, làm thành chất Ngân Diêm. Nếu ta chế vào đó chất thứ ba là chất Lục Thủy Toan thì cái gia đình đầm ấm ấy sẽ bị tan rã; hai nguyên tố sẽ bị phân ly lập tức : chất Ngân sẽ hóa hợp với chất Lục tố mà nó thích để lập cái gia đình khác là Lục Tố Ngân, nó để lại chất Khinh Khí bơ vơ ... Đi về đâu ? Túng thế Khinh Khí phải hóa hợp với chất còn dư lại để lập cái gia đình thứ hai. Đó là một bài học đơn giản về hạnh phúc gia đình, nếu có một người thứ ba chen vào thì cũng giống như các phản ứng hóa học trên”. 

Ta là vua thì đâu có dính dấp gì với cái chất hóa học, chỉ có người phàm mới sợ thêm người thứ ba. Còn ta, nếu có thêm một trăm người là việc được triều đình công nhận. Hơn nữa, đâu phải chỉ riêng ta, lịch sử của ta chỉ có vài trăm năm, còn của Ai Cập hơn mười ngàn năm cũng là như thế. Nói cho đúng bài bản là cái xác phàm chỉ hành động theo bản chất của cái xác phàm mà thôi.

Nhớ ngày đầu tiên ta ngồi trên chiếc ngai vàng thì có quan thuộc bộ nghi lễ đến làm phiền ta. Nó nói và ra điệu bộ lăng xăng, chỉ ta cách thức : ngồi, đi, đứng. Nó làm như ta là em bé mới biết đi, ta nổi quạo, nhưng nó khuyên ta nên bình tĩnh, nó lễ phép : 

– Hôm nay bệ hạ là thiên tử thì cách ngồi, đi, đứng phải khác với người không có tước hiệu gì để gọi cho oai. Chẳng hạn như ngồi, bệ hạ không thể ngồi như em bé coi bò, giữ trâu; ngồi trên mình trâu nghêu ngao thổi sáo mà bệ hạ phải ngồi trong tư thế : trụ xương sống phải thẳng đứng, nếu để xương sống uốn cong thì không còn khí thế để hù dọa thiên ha. Hai con mắt phải đứng tròng, không được liếc ngang, liếc dọc. Nếu bệ hạ đảo con mắt nhiều quá, theo sách tướng thì đó là lọai ngưòi gian xảo, các nước không dám quan hệ với bệ hạ.

Cách đi : Bệ hạ không thể đi như vịt xiêm : cà bẹp ... cà bẹp, hoặc như bê đê : hai cái tay quơ như vẽ bùa, cái mình uốn như con rắn bò và cầm cái quạt phe phẩy như hát bộ. Bệ hạ cũng không được đi cà nhún, cà nhẩy cái mông như quả lắc đồng hồ. Bệ hạ đi, phải cho cái gót xuống trước, hai cái chân và tay phải kéo thẳng ra, xuống cái gót cho thật mạnh để tạo cái dáng hiên ngang như nhà binh. Trụ cổ và đường xương sống phải là một đường thẳng, thẳng góc với mặt đường, cái mặt hướng theo đúng hướng đi, không được ngó dáo dác. Nếu bệ hạ ngó dáo dác người ta lầm lẫn bệ hạ là mấy em khuân xác bến xe đò “ai kêu tôi đó”. Khi đưa tay vẫy chào bá tánh, bệ hạ phải xòe ra cho đủ năm ngón, nếu thiếu một vài ngón, tùy theo địa phương có thể là ý nghĩa tục tĩu, họ nói bệ hạ có kiến thức quá bèo.

Cách đứng : Bệ hạ không thể đứng dựa nghiêng, dựa ngửa giống như người say rượu, hoặc hai tay vịn vô cạnh bàn, hơi thở cà hù … cà hù giống như phê sì ke ma túy, còn nói thì cái đầu cà gục … cà gặt như lên đồng, lên bóng. Bệ hạ phải đứng thẳng người, giống như đứng chào cờ. Khi bắt tay, bệ hạ cũng phải thẳng người ra, đừng có khom xuống, họ tưởng bệ hạ xin của bố thí thì kẹt lắm. 

Ta khoát tay ra dấu hiệu “không muốn nghe nữa”. Ta gắt giọng :

– Ôi ! Ba cái Hình Thức này sao ta mệt quá. 

Nó ngập ngừng hồi lâu, rồi lại tiếp :

– Thưa bệ hạ, thời đại này là thời đại Hình Thức, mà bệ hạ cũng là người sống theo Hình Thức. Thời đại Hình Thức, người ta chỉ nhìn cái vỏ bên ngoài, đôi khi người ta cũng không cần phân biệt giữa người và của, giữa cái chức sắc và con người thật; mà chỉ có cái nhãn hiệu vật chất, nó đại diện cho con người. Ngày xưa cái phẩm hạnh, tư cách và đạo đức, nó đại diện cho con người. Trong cuộc biển dâu, cái trí não của con người được thay bằng cái máy vi tính, cho nên con người chỉ còn căn cứ vào cái máy, máy bảo sao nghe vậy. Chính vì lẽ đó con người không còn sống thật với chính mình, con người tự lừa dối với chính mình thì với người khác nó phải tăng sự lừa dối lên, đó là nó tăng theo văn minh vật chất.

Chỉ có loài động vật thuộc dạng Hồn Khóm, nó sống theo Bản Năng, nghĩa là cùng một loài thì nó “sinh hoạt giống nhau”. Nhưng con người không thể sống theo cái Hình Thức “sinh hoạt giống nhau”; vì Đấng Tạo Hóa đã ban cho con người có một Linh Hồn và có Cá Tánh riêng biệt với một Ý Chí hoàn toàn tự do. Chính nhờ có Cá Tánh riêng biệt và Ý Chí hoàn toàn tư do mà con người có tư cách và phẩm hạnh khác nhau, nên mỗi người trong cách sinh hoạt có sự khác nhau. Nếu con người không sống thật với chính mình mà cứ nhìn vào người khác, rồi bắt chước cái Hình Thức giống y như vậy;  đó là tự mình chối bỏ cái Cá Tánh riêng biệt và Ý Chí tự do để trở về cái lối sống “sinh hoạt giống nhau”. 

 Ta nhìn lại cái đám quan lại thì ta không còn hưng thú để mà xuất hiện trước thần dân trăm họ. Cái đám nịnh thần thì thôi khỏi nói, ta nghĩ chắc ngàn năm nữa cũng vậy thôi. Vì phàm là con người thì thích được ai nói cái gì theo ý mình, theo sở thích của mình, trái ý là nghịch tặc, phản thần, đem chém đầu, chu di tam tộc. Cái lý tưởng của một quan thanh liêm bị cái đám này cho vào các hợp đêm, và nó tan rã theo tiếng nhạc quay cuồng trong men rượu.

Ta nhiều lần cảnh cáo là không được tham nhũng, kiếm lợi lộc riêng tư trong các hợp đồng, bấm tay chia tứ lục, nhị bát với bọn sản xuất vũ khí giết người hàng loạt hoặc chơi bời, rượu, gái. Nó nói :  “Bệ hạ là vua chớ đâu phải giáo sự dạy môn đạo đức. Hạ thần nhớ, có lần hạ thần gặp nhà đạo đức, họ nói đại ý như sau : 

– Cái vấn đề chơi bời, rượu, gái là một chiêu tuyệt vời ngoại giao của thời đại, khi mà tiếng nói của lương tâm và đạo đức cùng sách vở Thánh Hiền không còn ai quan tâm, mà còn cho là hủ lậu. Như vậy thì dù bệ hạ có ngăn cấm, chẳng khác nào như đưa tay cản nuớc vỡ bờ hoặc trườn mặt ra che gió trong cơn bão, rồi bệ hạ cũng bị trúng gió mà băng hà. Cái vấn đề chính yếu, đâu phải là việc bệ hạ ra lệnh dẹp mấy cái quán. Cái đó chỉ nhứt thời, giống như  nước tràn vô nhà, chỉ biết lau chùi mà không dập tắt nguồn nước. Cái quan trọng là phải có một nền giáo dục, làm sao cho người ta nhìn thấy cái đó là một việc xấu xa hạ cấp. Nghĩa là phải có sự kính trọng người có tài, có đức và nhân hậu, những vị quan thanh liêm có phẩm hạnh và đạo đức, những người nghèo khổ nhưng họ biết gìn giữ lễ giáo của tổ tiên. Cái quan trọng là phải giáo dục thế hệ trẻ, bằng mọi cách, có được một tư tưởng : “khinh miệt những của cải phi nghĩa, gọi là đồng tiền không lương thiện”. Nếu một xã hội mà mọi người lấy giá trị vật chất lên trên hết, và con người chỉ nhìn nhau qua cái vỏ vật chất, cái hình thức khoát ngoài, thì không thể có được về nhân cách, đạo đức và kêu gọi con người phải có lương tâm.

Lâu rồi, hạ thần không còn gặp nhà đạo đức ấy. Hơn nữa, với việc làm của hạ thần trong hiện tại, thì lời nói đó như nước chảy qua cầu mà thôi.

Vấn đề chia nhị bát, tứ lục là của bọn tập đoàn vũ khí nó tự đặt ra, không ăn cũng không được. Bọn này là loại ác ôn côn đồ dữ lắm, lơ mơ là toi mạng với chúng nó. Nó kinh doanh trên xương máu của nhân loại, thì với cái xác phàm của hạ thần mà ăn thua gì, chỉ cần một cái búng tay của nó, là hạ thần hết còn thấy bệ hạ. Nếu bệ hạ còn thương hạ thần, thì nói lem nhem là đươc rồi. Vì cái từ lem nhem này, nó mơ hồ, hư hư, thực thực, đâu có trong tự điển tư pháp và bộ án hình sự, thì  hạ thần kể như vô tội.

Nó nói xong, liếc mắt nhìn ta để dò xét. Ta gượng gạo nói : 

– Ta thấy đất nước này có một nền giáo dục : Chỉ đào tạo con người để mở mang kiến thức về khoa học, tức là lý luận cụ thể của sự vật trần gian phải thông qua con mắt, cái gì thấy mới tin. Đó là tin vào sức mạnh của vật chất, và để vật chất trên bàn thờ. Có lần nhà đạo đức nói với ta rằng : “Với một nền giáo dục nặng mùi vật chất thì tìm đâu cho ra một người có tư cách, phẩm hạnh, đạo đức và lương tâm, mà chỉ có bọn người đạo đức giả”.

 Nếu ta có phát biểu tư tưởng ấy trong triều đình, thì sẽ có nhiều người che miệng cười, họ nói rằng ta muốn sống lại thời vua Nghiêu, vua Thuấn. 

Thôi bỏ qua đi, nghe tiếng Đạo Đức sao ta sợ quá, nếu ta bàn đến thì có kẻ mang ta ra để đối chiếu thì ta như bị trời tròng. Vì ta nhớ có lần ta giận cái đám quan nịnh, nó có những hành động vô liêm sĩ, tham ô, người phàm gọi là không đạo đức. Đúng như câu nói giận quá mất khôn; ta tuyên bố với báo chí là phải đưa môn đạo đức vào học đường. Ngày hôm sau báo chí thế giới, nó mỉa mai, xiên xỏ, chưởi xéo; nó nói rằng từ ngày lập quốc đến nay, học trò của quí quốc không học môn đạo đức thì tìm đâu cho ra con người có đạo đức.

Ta thích nói về ta. Như ta là chủ một trang trại ngựa và cung cấp ngựa đua cá độ cho thế giới. Ta là chủ một trang trại ngựa, có rất nhiều công nhân, vậy mà có kẻ nói ta giữ ngựa, nghĩ cũng lạ. Họ chẳng biết gì về ta; ta là người có thế lực từ bao nhiêu đời. Với cái nhìn thời phong kiến, ta thuộc giai cấp quí tộc. Mặc dù cuộc cách mạng 1789 ở trời Âu gọi là Nhân Quyền, đã đùa cái đám quí tộc trôi theo “giòng sông xanh” ra biển, nhưng mà ta thích gọi ta là giai cấp quí tộc. Một hôm ta hỏi quan nịnh chép sử.

– Nhà ngươi sẽ chép vào lịch sử “tài và đức” của ta như thế nào ? 

– Muôn tâu bệ hạ : cái đức của bê hạ lớn như núi.

Ta lạnh lùng lên tiếng : 

– So sánh như cái núi không được. Có kẻ suốt đời chưa bước chân ra khỏi tiếng trống của đình làng thì đâu có biết núi nào là lớn nhất. Phải so sánh lớn như bầu trời thì mọi người mới không tưởng tượng nổi, mà chỉ thấy nó mênh mông bát ngát như giòng nước trường giang, như biển Thái Bình, hình ảnh qua các bài thi ca của dân gian.

Ta hỏi tiếp về tài, nó ngập ngừng hồi lâu.

– Muôn tâu bệ hạ : cái tài của bệ hạ bao trùm cả nước.

Ta gắt giọng :

– So sánh như vậy cũng không được. Có kẻ mà cái nhìn không vượt khỏi biên giới quốc gia, cái kiến thức theo một mô thức rập khuôn, mở miệng là như học trò đọc cửu chương, cái hiểu biết giống như người mù rờ voi thì nó tưởng nó hơn ta. Nếu ta chỉ hơn có một nước, còn các nước khác, nó tưởng ta thua tài của nó, nó bèn mang quân qua chinh phạt thì bá tánh sẽ đau khổ vì chiến tranh. Phải chép rằng : cái tài của ta bao trùm các nước, nghĩa là ta có tài hơn tất cả con người trong địa cầu này, thì không một nước nào dám mang quân qua cướp phá, vì nó sợ cái tài của ta.

Hôm ấy hình như nó có uống thuốc của thầy dạy võ nên nó dám cãi lý với ta.

– Muôn tâu bệ hạ, nói như vậy không được, các nước nó cho là mình không khiêm tốn, Thánh Kinh gọi là kiêu ngạo, hơn nữa kiêu ngạo là một tội trọng.

Ta mỉm cười nhìn nó đang sợ sệt, vì lần đâu tiên nó dám cãi với ta, ta nói một cách nhẹ nhàng :

– Ta đồng ý kiêu ngạo là một tội trọng, ta nhớ lời của một vị tu sĩ trên dãy tuyết sơn : 

“Con người từ lúc chế ra một vài dụng cụ vượt được bức tường của Âm Thanh, tiếp theo là vượt khỏi sức hút của địa cầu, đạt đến tốc độ : cấp một, cấp hai, cấp ba của vũ trụ rồi trở về  địa cầu bình yên vộ sự. Thay vì cảm nhận Thiêng Liêng với cái bao la của vũ trụ thì con người tự cho mình đã chinh phục được thiên nhiên, đã nắm quyền chủ động trong các định luật cua vũ trụ. Chính vì lẽ đó mà con người sinh ra kiêu ngạo, và chỉ tin có mãnh lực của vật chất mà thôi”.

 Đó là tư tưởng của tu sĩ trên dãy tuyết sơn, đâu có tác dụng gì trong cái cõi mà con người để vật chất trên bàn thờ. Đúng là “Của báo ngươi ở đâu thì lòng ngươi ở đó”. Ngay cái từ kiêu ngạo, người ta ít sử dụng mà chuyển sang thành chuyện vui cười, đó là NỔ. Cho nên, từ khi con người lên được cung trăng thì thiên hạ tha hồ nổ: nói trời, nói đất, càng phóng đại thì càng tỏ ra là hiểu biết nhiều, ai ngóng cổ nghe, trúng miểng ráng chụi.

 Tội phạm cố gắng lê bước theo sự hối thúc của vệ binh, và không biết đi về đâu trong lớp sương mù của âm cảnh nên than thở : 

“Dù sao ta cũng là tai to mặt bự ở dương gian, một lời nói ra làm thay đổi sự thịnh suy của một quốc gia. Còn về sự tàn phá thì thôi khỏi nói, chỉ cần một lệnh của ta ban ra là biết bao sinh mạng, thành phố làng mạc bị chôn vùi trong biển lửa. Thiên Lôi mà ăn nhầm gì so với một lệnh của ta; vậy mà cái đám tiểu ôn vệ binh này hổn láo dám gọi ta là “cò bom”, phải chi nó gọi là “cò luật”, “cò án” thì còn có vẻ trí thức. Vệ binh thoáng nghe tội phạm lầm bầm nên vội hỏi :

– “Cò bom”, nhà ngươi vừa nói cò luật, cò án là thành phần nào ở trần gian, ta nghe lạ quá.

Nghe gọi “cò bom” là tội phạm nổi quạo, nhưng mà ở vào hoàn cảnh “trong tay người” nên cũng đành đổi giận làm vui, y nói một cách nhẹ nhàng :

– “Ngài” vệ binh âm phủ ơi ! Tôi nói mà nghe đau lòng : từ ngày tôi bỏ cái xác phàm tục, thân nhân đem chôn vào lòng đất lạnh đến nay hơn nửa tháng rồi. Nếu tôi nhớ không lầm, tôi có ăn uống gì đâu mà tôi vẫn sống. Cõi âm này cũng lạ thật, không cần ăn uống. Ở cõi trần : loài thực vật cần phải có phân và nước hoặc trong môi trường thích hợp. Loài động vật cho đến loài người nếu không có thực phẩm là kể như toi mạng.

Tôi nhớ vào một buổi trưa hè, tôi và thân phụ tôi ngồi uống trà dưới bóng mát cây cổ thụ, hai con chó đang quấn quít đùa giỡn với nhau thì con của tôi ném cho chúng nó một khúc xương bò. Hai con vật mới vừa quấn quít bên nhau bỗng đổi thái độ ngay tức khắc nghĩa là chúng giành nhau, hơn thua với nhau quyết liệt cũng chỉ vì khúc xương. Trong cuộc ấu đả cào xé nhau, thịt xương của “bạn nó” mà nó cứ tưởng là xương bò, nên không buông tha, kết quả là hai con máu me đầy mình. Trước cảnh tượng ấy thân phụ tôi trầm ngâm hồi lâu rồi khẽ khàng :

– Loài người là một sinh vật cao quí, vì con người có lương tâm, đạo đức và sống theo cái đạo làm người nên khác với loài vật ở cái cảnh mà con vừa thấy. Trong một kiếp người, nếu không khéo hướng dẫn cuộc đời mình, nghĩa là không nghe theo tiếng gọi của lương tâm, của lẽ phải, của những gì thánh thiện để làm một điểm sáng mà tiến bước thì rất dễ rơi vào hố sâu tội lỗi. Khoảng cách giữa người đức hạnh và kẻ tội lỗi chỉ là một bước ngắn như từ gốc cây, chỗ của hai con chó âu yếm nhau kéo dài ra đến khúc xương bò, chỉ có ngắn như vậy mà thôi. 

Từ ngày thân phụ tôi qua đời, tôi lao vào cuộc sống, cũng vì miếng ăn và cái vỏ vật chất khoát ngoài như công hầu khanh tướng, đôi khi phải nói xấu lẫn nhau, trong giới giang hồ gọi là táp nhau qua ngôn từ, họ dùng chữ táp nhau tôi nghe mà chạnh lòng, giống như giành khúc xương bò. Và chính tôi đã làm mất đi cái bản tính chân thật của con người, đó là khi tôi hứa diều hứa quạ với trăm họ để họ sống trong ảo tưởng. Tất cả cũng chỉ vì đời sống tiện nghi, để được sung sướng cho cái thể xác mà vợ con tôi vừa đem nó chôn sâu vào lòng đất lạnh. Nhớ lại cái xác nằm trong lòng đất, nó là một vật mà hiện giờ giá trị của nó còn thua một khúc củi, vậy mà tôi đã bỏ ra một kiếp người để chìêu chuộng nó đủ thứ, rồi đến cõi này còn bị gọi là cò này cò nọ.

Tội phạm thẫn thờ lê bước, quá mệt mỏi vì không quen đi bộ, tự than thở cho riêng mình : “thật tình thì ta quá dại dột, trong vấn đề tiêu thụ bom, ta chỉ được chia có nhị bát, không thấm vào đâu so với những hợp  đồng : máy bay chiến đấu, tàu chiến và xe tăng, mấy thứ đó ăn mới ngon. Chỉ cần ta tạo ra được chiến tranh, là có bọn con buôn vũ khí , bọn tài phiệt kỹ nghệ vũ khí giết người hàng loạt, chúng nó đến ngồi chầu trực như chó chờ xương, chỉ cần ta lên tiếng là chúng nó tràn vào. Vấn đề chia nhị bát trong việc tiêu thụ bom chỉ có mình ta và tên trùm bom đạn biết, bọn trùm tình báo còn không biết mà sao cõi âm này vệ binh lại biết, nghĩ cũng lạ thật”.

Vệ binh âm phủ lên tiếng : 

– Tôi muốn biết nghĩa : cò luật, có án, nhưng thôi “cò bom” đừng nhắc thêm chuyện riêng tư, ở đây Diêm Vương có cái máy rất tối tân, chạy đúng với sự vận hàmh của vũ trụ, “cò bom” khỏi cần phân bua chi hết. Sự thật thì lúc nào cũng sáng tỏ như ban ngày, chỉ có sự gỉa dối mới biện luận quanh co để cầu mong một sự thông cảm.

Tội phạm cố nén cơn xúc động vì chợt nhớ đến vợ con, và vẫn còn luyến tiếc những gì đã bỏ lại trần gian nên buồn bã nói :

– “Ngài” vệ binh vừa nói vấn đề “Sự Thật”, riêng đối với cõi trần mà tôi vừa sống qua một kiếp người thì khó mà tìm ra “sự thật”. Có một lần tôi gặp nhà tu sĩ trên dãy Tuyết Sơn, người ấy nói rằng : “Sự Thật là Chân Lý thuộc về Nhất Nguyên cho nên khó mà tìm thấy trong cõi Nhị Nguyên, vốn là cõi phân chia xấu tốt, thiện ác, nói theo Kinh Dịch là nó bị biến hóa khôn lường”. Nhà tu sĩ nói khó mà tìm thấy chớ không phải là không có. Chính vì lẽ đó mới có thêm một thành phần có danh hiệu là cò luật, có án. Vì cõi âm không cần ăn uống mà vẫn sống, cho nên các vệ binh ở đây khỏe ru. Giả sử, có một mãnh lực nào đó ném các ông lên cõi trần. Khi đó, các ông bị cái bao tử kêu gọi, và nhắc nhở hàng ngày là phải có cái gì tống vô cho nó. Rồi các ông sẽ thấy cái xác phàm : nó điêu đứng, nó gào thét lên, nếu không có một cái gì để thỏa mãn cho nó. Cũng chính vì miếng cơm manh áo mà cán cân công lý bị lệch đi, cái đó chỉ dành riêng cho vị nào không còn nghe tiếng nói của lương tâm, tiếng nói của công bằng lẽ phải, đó là những luật sư và quan tòa đã cấu kết, bấm tay, ra dấu hiệu riêng để chia nhau lợi lộc trong các vụ án thì mới gọi là cò luật, cò án mà thôi.

Vệ binh áp giải tội phạm đến nơi, Diêm Vương nhìn lên đồng hồ, có vẻ không hài lòng vì cái lối làm việc  lề mề, được dịp tiếp xúc với người lạ là mãi mê nhiều chuyện.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro