Quyển 1 - Chương 2: Siết lấy từng tấc một

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Dịch: Duẩn Duẩn

Quay trở về thời điểm hiện tại. Cái oi bức, ngột ngạt của miền nhiệt đới như đang mơn trớn, thiêu đốt các tòa nhà có kiến trúc kiểu Pháp nằm trơ gan, hiên ngang ở trên phố. Những chiếc xe gắn máy ồ ạt nhả khói băng qua lằn răng dưới đường nhựa, trông quanh cảnh lúc này mới nhộn nhịp làm sao.

Sài Gòn bấy giờ chìm trong ánh hoàng hôn.

Chiếc áo may ô của người lái xe ba bánh ướt nhễ nhãi mồ hôi, thi thoảng còn chảy ròng ròng cả vào mắt làm mờ đi tầm nhìn. Anh ta dõi trông về con đường phía trước, lắm lúc cũng lơ đãng ngó ngang bóng lưng người phụ nữ đang ngồi ở ghế sau, rồi chẳng mấy chốc lại đạp mạnh chân ga để xua đi những mộng tưởng viển vông đang vẩn vơ trong lòng.

Vầng trán Bùi Tân Di cũng rịn đầy mồ hôi. Cô buộc phải tháo phắt cái mũ mềm, đồng thời cởi nốt chiếc áo khoác dài tay màu đen đang cột dở bên eo rồi đặt xuống tay cầm của chiếc vali da đang dựa vào càng xe, lúc này mới vơi bớt được cơn nực nội đang hừng hực trong người. Ống tay áo của chiếc đầm vừa quét qua đầu vai mảnh khảnh của cô. Cổ áo tròn lẳn rũ xuống trước ngực tạo thành những nếp gấp. Giày cao gót mũi nhọn sơn mài sáng bóng cũng thuần một màu đen. Từ trên xuống dưới nguyên dạng một cây đen, nom hết sức trang nghiêm và đứng đắn, hiển nhiên người phụ nữ này sắp sửa tham dự tang lễ của ai đó.

Xe ba bánh màu vàng dừng lại trước bến tàu, Bùi Tân Di vắt áo khoác lên cánh tay rồi xách vali xuống. Đế giày cọ xát với những mảnh đá vụn li ti dưới mặt đường phát ra tiếng nghiền ép xào xạo. Sau khi trao đổi với tài xế một lúc, cô bèn gửi lại mấy tờ tiền giấy cho anh ta.

Có tiếng người gọi vọng lại từ đằng xa: "Chúng tôi ở đây, thưa Cô!"

Bùi Tân Di quay qua, trông thấy hai cô gái chít vành khăn xô trắng ở trước trán, bận chiếc áo sơ mi dạng ngắn tay cổ tròn đang hớt hải chạy tới. Nghĩ là người giúp việc của nhà họ Nguyễn đến đón mình, cô thả bộ bước qua trên một vùng nhuộm nắng.

Hai cô gái lao nhanh về phía trước, một người trong số đó phát âm tiếng Phổ thông(*) khá trọ trẹ: "Cô Bùi?" Rồi lanh lẹ tự giới thiệu tên mình.

(*) Tiếng Phổ thông hay còn gọi là Madarin, tiếng tiêu chuẩn của người Trung Quốc

Cô gái biết nói tiếng Phổ thông tên Mai, mặt mũi rất hài hòa cân đối, có thể xem là một tiểu mỹ nhân. Còn cô gái còn lại tên Huệ, trông hãy còn ngây thơ.

"Hai cô nhận ra tôi?" Bùi Tân Di hỏi thế không phải vì tò mò mà chỉ để cảnh giác.

Mai vừa cười vừa giải thích bằng tiếng Phổ thông: "Ở bến tàu Sài Gòn này, ngoại trừ phu nhân nhà tôi ra thì chưa từng thấy ai đẹp đến thế này cả."

Bùi Tân Di không có biểu cảm gì, nghe thế chỉ khẽ giục: "Lên thuyền thôi."

Bên bến tàu không ít đò neo đậu, phần lớn là những chiếc xuồng cần phải có tay chèo. Trong đó có một chiếc du thuyền nhỏ màu trắng trông bắt mắt nhất. Hai cô gái rất tháo vát, nhanh nhẹn nhảy lên thuyền trước rồi cùng chìa tay ra.

Bùi Tân Di đưa va li cho họ, đoạn xốc gấu váy nhẹ nhàng nhảy lên thuyền. Mai khuyên cô nên vào trong khoang ngồi, sau rốt bị cô từ chối thì đành coi như chưa có gì xảy ra, vội vàng giục người cầm lái trong buồng lái khởi động.

Động cơ nổ ầm ầm, du thuyền rẽ ngang trên mặt nước, những con sóng cuồn cuộn nảy bọt trắng xóa hướng về phía Vũng Tàu.

Bán đảo Vũng Tàu nằm ở miền Nam của Việt Nam, đi đường thủy ra vào Sài Gòn ắt phải ghé ngang qua ngõ này. Trước kia, nơi đây vốn chỉ là một làng chài nhỏ, vào thời kỳ Pháp thuộc thì được khai thác làm thành khu nghỉ dưỡng. Non xanh nước biếc, phong cảnh hữu tình. Lãnh thổ nhà họ Nguyễn ở miền Bắc Việt Nam, chính là thung lũng nghèo nhưng tuyệt đẹp - Lai Châu. Chân Nguyễn Nhẫn Đông có tật, cơ thể mỗi ngày một yếu đi, vậy nên anh ta đành phải Nam tiến trú ngụ lâu dài để dưỡng bệnh.

Bất kể ở nơi nào, việc hai anh em rồng tranh hổ đấu cũng là câu chuyện để người đời bàn tán. Vở kịch mười năm đã đến hồi hạ màn, người thừa kế qua đời, đứa con ngoài giá thú chính thức lên chức 'kẻ nắm đầu' Lai Châu, làng xóm thì vô vàn tiếc nuối vì mất đi một đề tài bàn tán. Khi ấy đã xuất hiện một câu nói phổ biến, thậm chí cả mấy đứa trẻ kiếm sống lai rai bên bến tàu cũng đọc thuộc làu làu - "Lai Châu có Phật Đao, Sài Gòn có thằng bệnh."

Nếu như Bùi Tân Di học được câu này, nhất định sẽ thuật lại cho thiếu gia nghe mọi chuyện sau khi hoàn thành xong tất việc. Dẫu sao thì ngoại trừ cha ra, người mà Bùi An Tư kính nể nhất chính là Nguyễn Nhẫn Đông - người anh rể luôn luôn thu xếp mọi việc vì anh ta.

Cái chết của Nguyễn Nhẫn Đông có ý nghĩa giải trừ mối quan hệ thông gia giữa hai nhà Nguyễn - Bùi, chuẩn xác mà nói là quan hệ thông gia giữa con trưởng nhà họ Nguyễn và chi thứ hai nhà họ Bùi. Việc làm ăn của hai nhà có lẽ sẽ không chấm dứt, nhưng người phụ trách là Bùi An Tư áng chừng có thể bị thay đổi, thế nên mấy hôm nay anh ta mới sốt ruột như kiến trong chảo lửa. Có điều Nguyễn Nhẫn Đông ra đi quá đột ngột, không khỏi khiến người ta nghi ngờ là do cuộc tranh đấu trong nội bộ mà ra, e rằng anh ta cũng không tránh khỏi bị liên lụy.

Bùi Hoài Vinh tính toán như thần, công việc làm ăn thì giao cho con trai xử lý, còn việc thăm dò thật hư, gặp gỡ Phật Đao, đánh hạ đàn ông, lại tự nhiên rơi vào tay "đứa con gái được yêu thương nhất trong nhà của chính thất".

Bùi Tân Di chưa từng nói sai một điều gì. Người thu dọn cục diện rối rắm là cô, người nhảy vào vũng nước đục cũng là cô. Cha vốn chỉ coi cô như một quân tốt thí, bỏ đi thì thấy tiếc.

***

Ráng chiều nhè nhẹ phủ xuống mặt biển xanh thăm thẳm, dưới nước phản chiếu ánh tà dương trong vắt. Lan can chắn được sơn màu ghi bạc bị phơi nắng cả buổi chiều trên boong tàu vẫn còn đang rất nóng. Bùi Tân Di vừa chạm vào liền rụt tay lại ngay, sau đó lại chán nản khoanh tay, trông điệu bộ có vẻ nặng nề đầy tâm sự.

Hai cô gái giúp việc không thể tự ý ra vào khoang bên trong nên đành đứng ngóng trên boong tàu, thư thái dựa vào thành lan can. Dầu gì cũng chỉ mới mười sáu, mười bảy cái xuân xanh, hai đứa phải tuân thủ quy củ nghiêm khắc ở trong nhà, khó có lúc được tự do ra ngoài để hít thở không khí thành thử chẳng mấy chốc đã bồn chồn buồn miệng, kiềm lòng không đặng mà buôn chuyện rôm rả.

"Phật gia không đến thật hả Huệ?"

"Phu nhân bảo làm gì có chuyện 'kẻ đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh' bao giờ."

"Nhưng dù gì cũng là con ruột mà... Nghe nói vị ở Lai Châu kia không phải là con ruột."

Huệ khẽ rít một tiếng, vội giương mắt nhìn Bùi Tân Di, thấy cô không có biểu hiện gì mới yên bụng căn vặn: "Mười tám tuổi đã vào nhà chính rồi, bái cả từ đường, sao mà không phải con ruột được?"

"Mày cứ nói đỡ cho vị kia, không sợ chuốc lấy phiền phức hả?" Mai bưng miệng cười khúc khích: "Hay là mày..."

"Bậy bạ! Đó là Cậu Hai đấy, nào phải người tao được phép mơ tới."

"Biết vậy thì tốt."

"Nhưng mà vị kia đáng thương quá! Quỳ ròng rã suốt cả hai ngày liền. Đến cả ngài Khương đi theo Cậu Cả từng ấy năm cũng chẳng quỳ lâu thế."

"Anh Khương bận lo trước tính sau, đương nhiên không thể quỳ lâu được. Vi kia có gì mà đáng thương? Phu nhân mới là đáng thương kìa. Tuổi vừa tròn ba mốt, ở cái tuổi đẹp ấy lại phải làm góa bụa, sau này làm sao sống nổi trong nhà họ Nguyễn chứ. Haiz, người đẹp nhường ấy, gả cho Cậu Cả đã vất vả biết mấy, lại còn chẳng có con cái lo hương hỏa hay vỗ về tuổi già."

Ánh mắt Huệ chợt lóe, nó hạ giọng thì thầm: "Tao chỉ nói với mày thôi đấy. Tao thấy vị kia vốn chẳng bạc tình bạc nghĩa như người ta hay đồn, trái lại còn hết mực dịu dàng và điềm đạm."

Mai nghe vậy phì cười: "Mày không rung động rồi đấy chứ? Vị kia là Phật Đao đấy, mày quên rồi à."

"Tao biết, nhưng mà..."

"Tao khuyên mày thật lòng, đừng ôm ảo tưởng gì với người ta nữa. Dạo trước, mấy cửa hàng ở Sài Gòn của Cậu Cả xảy ra chuyện, chết bao nhiêu mạng người, anh Khương suýt chút nữa cũng mất toi cái mạng. Mày tưởng bang Sài Gòn đối đầu được với Cậu Cả à? Riêng cái danh "Họ Nguyễn Lai Châu", "Đại công tử của Phật gia" khét tiếng thôi cũng đủ dọa người ta sợ mất mật."

"Ý mày là... Vị kia làm? Nhưng dù gì cũng là anh em ruột, một giọt máu đào hơn ao nước lã mày ạ."

"Khó nói lắm. Có là anh em thì cũng chả ăn ai. Phu nhân kia kìa, cũng là người vợ kết tóc se duyên đó, vậy mà Cậu Cả đánh Mợ ấy bầm dập hết mình mẩy... Thôi chết, tao vạ miệng quá. Tao không được phép nói với mày chuyện này, anh Khương mà biết lại nắn xương tao chết."

Yên tĩnh trong chốc lát, Huệ lại lo lắng hỏi: "Làm đám tang xong, bọn mình sẽ thế nào?"

Mai lắc đầu, thở dài: "Bọn mình làm gì còn nơi nào nữa đâu."

Trời sập tối, chiếc thuyền đi vào vùng nước hẹp. Hai bên bờ, cây cối mọc sum xuê, cành lá rậm rạp xếp chồng chồng lên nhau, thi thoảng lại có con chim tước đột ngột phóng ra từ bụi rậm, trông quang cảnh càng thêm vẻ quỷ dị.

Bùi Tân Di xoay người, lên tiếng hỏi: "Còn khoảng bao lâu nữa?"

Mai nhanh nhảu đáp lại bằng tiếng phổ thông: "Qua con sông này ạ."

Bùi Tân Di gật đầu, lại nhìn về phía xa xa.

Huệ nhỏ giọng than thầm: "Làm tao giật cả mình, còn tưởng cô Bùi hiểu những gì mình nói."

"Không đâu. Phu nhân bảo cô Bùi được cử đến chỗ mình không biết nói tiếng Việt."

Ngược lại là đằng khác, Bùi Tân Di rất giỏi tiếng Việt, không những thế còn thạo vài thứ tiếng khác nữa. Ngay cả chữ quốc ngữ mới học được mấy tháng cô cũng có thể nói được vanh vách như chim hót. Dù sao cũng là bà chủ "tiệm đồ cổ", ngôn ngữ là một phương tiện không thể thiếu với cô. Những gì hai cô này vừa nói, cô hiểu hết từng chữ, thậm chí còn biết tỏng cả "bí mật" của Mai.

Tiếng Việt đặc biệt ở chỗ cách xưng hô, "bạn, tôi, anh ta" thường được gọi bằng các đại từ nhân xưng khác nhau, vậy nên trong một cuộc đối thoại ta có thể đánh giá mối quan hệ của hai bên qua cách xưng hô ấy. Ví như ngài Khương mà hai cô gái này nhắc đến, tên đầy đủ là Lương Khương, là cánh tay phải của Nguyễn Nhẫn Đông. Người Việt Nam có thói quen gọi tên tục để tỏ sự thân thiết và thường đi kèm với danh xưng, như cô gái biết tiếng phổ thông kia cứ luôn miệng gọi "anh Khương" "anh Khương" chẳng hạn, mà "tôi" lúc này chính là đại từ chỉ "em Mai", chứng tỏ mối quan hệ giữa hai người này là cực kỳ thân thiết.

Bất kể ở độ tuổi nào thì trong một mối quan hệ yêu đương, người đàn ông sẽ luôn xưng là Anh, còn người phụ nữ sẽ luôn xưng là Em.

Ngữ điệu miên man, dập dìu lên xuống cùng với cách xưng hô mập mờ, tình tứ ấy, cô chưa từng được gọi.

Hoặc có lẽ, đã từng.

***

Xa xa có thể nhìn thấy một bến tàu đơn sơ, trên cột trúc treo một bóng đèn mờ, dưới mặt nước mù tối, có một con đò đang lênh đênh trôi dạt, mũi thuyền chốc chốc lại đụng phải cây cầu ngắn được dựng tạm bằng một tấm ván gỗ. Bóng cây um tùm tỏa lấp hết cả con đường mòn, thấp thoáng một ngọn đèn cứ lắc lư qua lại.

Con thuyền còn chưa kịp dừng hẳn, Huệ đã háo hức nhảy lên cầu, hồ hởi chạy về trước hai bước rồi vui vẻ quay đầu nói: "Là vị kia!" Sau đó hình như nhận ra mình thất thố, nó bèn sửa miệng ngay tức thì: "Cậu Hai!"

Bùi Tân Di giương mắt nhìn, chỉ thấy mấy cái bóng đen thui, phiến lá nằm trên mai con rùa cũng không quá chân thật.

"Cô Bùi, Cậu Hai tự tới đón cô này." Mai vừa nói tiếng Phổ thông, vừa xách va li lên.

Bùi Tân Di đang đội mũ, thấy vậy chợt sựng lại: "Để tôi cầm được rồi." Đoạn mặc tiếp áo khoác, một tay xách va li, một tay kéo váy, nhún chân bước lên bờ.

Có hai người đàn ông lững thững đến đón họ, trong tay cầm một ngọn đèn dầu. Người đi trước quanh đầu chít vành khăn xô trắng, người đi sau đội một cái mũ mào, bận chiếc áo xô gai nom không vừa với người, hiển nhiên là thân bằng quyến thuộc của người quá cố.

Bùi Tân Di nghĩ thầm, người này đội khăn tang, bận áo gai mà trông vẫn cao lớn và đĩnh đạc nhường ấy, khó trách khỏi làm con gái si mê, thì bất thình lình thấy rõ mặt anh ta.

Gió thổi vào tận miệng bầu đèn, ánh lửa khẽ lắc lư run rẩy. Giày cô như biến thành quả cân, khiến cô chẳng thể nhúc nhích nổi một bước.

Vành mũ rộng che khuất nửa trán người đàn ông, một sợi tóc xõa nghiêng dưới mí mắt, từ xương gò má đến khóe môi kéo một đường thẳng tắp, phảng phất như nét vẽ được kí họa lại bằng lớp thạch cao. Trên mép còn lún phún vài sợi ria nhàn nhạt, càng lùi xuống phía cằm râu càng tủa nhiều hơn, hai bên tóc mai rất gọn gàng, chỉnh tề, nhìn là biết râu ria bình thường được tỉa tót cẩn thận.

Và cô cũng nhận ra, đây là người mà cô từng quen biết. Dù đã bao năm trôi qua, đường nét mềm mại của thiếu niên ngày nào đã trở nên cứng cáp, màu da cũng trở nên sậm hơn, nhưng cô sẽ không bao giờ quên được.

Tầm mắt hai người giao nhau, dưới mặt băng nước chảy róc rách.

Mai lên tiếng gọi cô: "Cô Bùi?"

Bùi Tân Di rũ mắt, buộc cổ họng khô khốc phải phát ra âm thanh: "Nghe danh đã lâu, tôi là Bùi Tân Di."

Nguyễn Quyết Minh siết chặt vòng đèn dầu, giơ tay còn lại lên.

Bùi Tân Di bước về trước một bước, bắt lấy bàn tay anh, xù xì, thô ráp nhưng ấm áp, khô ráo, gan bàn tay cùng với lòng bàn tay lổn ngổn đầy vết chai. Cô chầm chậm siết lại từng tấc một.

"Nghe danh đã lâu?" Nguyễn Quyết Minh lặp lại từng từ ấy một cách hời hợt, nhưng đầu ngón tay trắng bệch đã bán đứng tâm trạng của anh.

Tựa như vò hai bàn tay lại với nhau, Bùi Tân Di nhịn đau, bình tĩnh thưa: "Nếu như tôi nhận lầm, xin anh hãy tự giới thiệu mình."

Anh buông lỏng tay, lạnh nhạt bảo: "Nguyễn Quyết Minh." Lời còn chưa dứt đã cả quyết túm chặt cổ tay cô kéo đến trước mặt mình.

Cô ngước mắt lên, vội vàng lẩn tránh anh nhưng anh dễ dàng ôm lấy cô hệt như Phật Tổ Như Lai giam cầm Tôn Ngộ Không. Cô ngã ngửa về sau, giày cao gót đụng phải viên sỏi lớn làm trặc mắt cá chân.

Anh dịu dàng vén mấy sợi tóc dài của cô ra sau tai, đoạn áp má vào má cô, khóe môi khẽ chạm vào cằm dưới, hơi thở làm tan chảy lỗ tai cô, rồi nhẹ giọng thầm thì: "Tiếng Việt gọi là 'Minh'."

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro