Cu Con và những chiếc vại đội nón - Hải Miên

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Năm mười một tuổi, đã đứng cao hơn cây chổi quét nhà, tôi mắc một chứng bệnh kì quái: thích đái vào chum mắm vại cà của tất cả các nhà trong làng, không chừa cả nhà tôi. Nghe tiếng nước tiểu chảy tong tong rồi sôi lên lục bục, ngầu bọt trong các chum mắm đâm và mắm ruốc, hoặc đổ òa xuống những hòn đá đen sì, bốc mùi khai khai thum thủm đè nặng xuống đầu những quả cà pháo trắng nõn như răng mới nhú, tôi cảm thấy một niềm thích thú kỳ dị.

Bố mẹ tôi không hề biết, ông tôi cũng không hay. Chẳng hiểu điều gì xui thúc một đứa trẻ chim bé bằng quả ớt héo nửa đêm lò mò tuột xuống khỏi phản, nhấp nháy đôi mắt ngái ngủ xót như xát cát, băng ngõ tắt, lội ngõ đồng đến trước nhà người ta, giở nón, giở nắp chum vại, vạch quần đái tong tong vào đấy? Bóng đêm không sợ, ma không sợ, đêm nào cũng đi. Xong việc lại vùn vụt chạy về nhà, nhấc nhẹ cánh cửa liếp chui lên phản nằm cong như con tôm.

Lúc tôi đang nối tiếp giấc ngủ thì mặt trời lên, nắng đổ xòa xuống từng chỗ dột bé bằng hạt ngô trên nóc nhà, rơi lốm đốm xuống người tôi.

Luôn luôn như vậy, mỗi buổi sáng, ông tôi rút xoẹt cái chổi lông gà giắt trên mái tranh xuống, trỏ cán đập ba phát vào cái mông tròn ủm của tôi, bực bội: "Đã chịu dậy chưa hử, thằng cu Con?". Tiện tay ông gõ thêm một cái nữa vào mắt cá chân trồi lên bằng quả ổi già câng :" A, thằng Cu Con tối qua đi ngủ lại không rửa chân. Bùn dính khô trắng mốc lên cả mắt cá, chừa chưa?". Ông không hề biết đó là bùn của những ruộng dưa, ruộng cà... tôi mới lội qua lúc tờ mờ sáng. Ông cũng không biết tối nay tôi sẽ lại lẻn đi nữa. Tôi sẽ còn những chuyến du hành bí mật, chừng nào tất cả những vại cà, chum mắm... của cái làng nhỏ này chưa bị tôi thăm viếng và phá hỏng.

Hơn một trăm nóc nhà trong làng tôi, nhà nào ở trước sân cũng có một hàng ba đến bốn chum vại đội nón rách đứng trước sân, vào mùa mưa chúng khoác thêm tấm áo tơi lụp xụp như người ngồi xổm. Bốn cái vại ấy quanh năm không khi nào rỗng ruột, chúng được lưu cữu niên niên đời đời. Có những cái vại sành già cóc già cáy hơn cả ông nội tôi, mà chưa khi nào bị bỏ đói. Vì những người làng tôi luôn cần đến chúng, quanh năm, cả ba ngày Tết.

Làng tôi ở tít nông trang, vùng bán sơn địa, mỗi lần đi chợ hết một ngày trời và vơi đi vài thúng thóc trong chiếc bồ đứng khép nép trong góc nhà. Nên mỗi ngày thay bằng ra chợ mua thức ăn thì nhà nhà đều giống nhau, chỉ cần sai một đứa bé cầm hai cái bát và một chiếc đĩa tây ra góc sân. Một bát đựng mắm đâm, một bát mắm tôm và một đĩa vun cà pháo muối mặn chát. Với bọn trẻ chúng tôi, được ăn cơm với cá giống như người ta được ăn thịt rồng và ăn cà muối chấm mắm là chuyện hiển nhiên - không thể khác.

Mười một tuổi là mười một năm miệng tôi hôi mùi mắm. Ngay cả khi còn bú sữa mẹ, mẹ cũng cho tôi ăn dặm bằng cơm chan mắm nhai nhuyễn búng vào mồm. Tôi ghét màu mắm, tôi ghét mùi mắm và vị mặn chát hoi hoi của những quả cà. Tôi khinh ghét những cái vại đội nón và khoác áo tơi đứng xếp hàng như một đoàn quân lầm lì đứng trước cửa bếp, phơi mình ngoài sân....

Mặc dù đêm nào, mỗi khi mắc tiểu tôi cũng lẻn dậy và đái bằng được vào chum vại của nhà ai đó, nhưng kế hoạch đái cho hôi tất cả chum cà vại mắm của cả làng đã không thành.

Ông tôi ngồi trên ngạch cửa, luôn tay nhịp nhịp cây chổi lông gà xuống nền nhà đất, tôi ở trần, đứng khoanh tay trước mặt ông. Tôi nghe rõ cả tiếng xạt cánh của con ong đất bay vè vè trong nhà.

- Cu Con, sao cháu lại làm một việc dại dột như vậy?

- ....

- Cháu có biết bà con làng xóm phải đổi bao nhiêu lúa cũng là bao nhiêu mồ hôi nước mắt, mới được chứng ấy mắm hay không?

Đầu tôi cúi gằm.

- Cháu có biết cháu làm như vậy, là mấy mươi nóc nhà từ nay chỉ còn biết dọn cơm ra với muối trắng hay không?

Tôi chỉ kịp nấc lên một tiếng, rồi nước mắt kéo hàng rơi xuống đôi bàn chân đất giẫm liên hồi lên nhau. Ông vứt chiếc chổi, ôm tôi vào lòng. Tôi nghe tiếng ông cũng nghẹn ngào: 

- Tội cho cu Con của ông. Cháu tưởng cháu phá hỏng những chum mắm vại cà đi rồi thì từ nay, cả làng mình không có mắm, không có cà mà ăn nữa sẽ chuyển sang ăn cá, ăn thịt hay sao? Không đâu cháu ạ. Rồi ngay ngày mai ngày mốt đây thôi, chờ những chiếc chum, vại ấy được chùi rửa sạch sẽ, hong khô rồi, người ta lại phải xúc thóc ra, đổi mắm đổ vào. Đó là những nhà còn thóc để mà xúc. Chứ như nhà ta hay nhà cái Mén, cái Tâm... thì sống dở chết dở, không biết từ nay đến vụ mùa lấy gì mà lùa cơm đây?

Vỗ vỗ vào đầu tôi, ông xuýt xoa :

- Dại, dại quá! Đó không phải là cách làm cho làng mình hết khổ đâu. Còn nghèo thì còn khổ cháu ạ. Chỉ khi nào những đứa trẻ làng mình như cháu đây, học thật chăm thật giỏi, đi thật xa rồi mang những điều hay, điều tốt học được trong thiên hạ, trong sách vở, về những cách làm giàu trên đồng ruộng, từ bàn tay những người nông dân đem áp dụng ở làng mình thì người lớn, người già và trước tiên là những đứa trẻ như cháu, mới không phải ăn cà chấm mắm quanh năm nữa, cháu biết không?

Nước mắt vẫn chứa chan, tôi gật đầu.

Sau hôm bị ông tôi "điểm chỉ" vào mông và dạy dỗ cho đến nơi đến chốn, mỗi sáng đến giờ mót đái, tôi vẫn ngồi dậy, nhè nhẹ chuồi xuống phản, mò ra bụi chuối sau hè. Nhưng tôi không tìm đến những chum mắm, vại cà của các nhà hàng xóm nữa, mà tôi trở vô nhà trên, nhón chân bưng cây đèn dầu trên bàn thờ xuống, vặn to ngọn để trên bàn học của mình và mở sách vở ra....

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro