2

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Diệp Anh cẩn mẩn phác thảo hình ảnh hoa sen bằng mảnh than chì vụn lên giấy.

Mùa đã vào hạ, tiếng dế mèn kêu ra rả đinh tai nhức óc, gió mậu dịch đem theo cái tiết hanh hao quét qua vùng trời Việt Nam.

Nắng nóng gay gắt, thời tiết khô ráo, hầu như chẳng có cơn mưa phùn nào ghé lại, nhưng sen trong cái hồ nhỏ nằm sau căn cứ vẫn cứ nở rộ, lần lượt từng đoá, từng đoá. Sáng hôm trước Diệp Anh đếm chỉ mới mười hai, hôm nay nhìn lại đã thấy nở những mười lăm! Thế mới hay làm sao. Đấy là cái hay xiết bao của tự nhiên, của hoa sen. Đối chọi với nghịch cảnh mà vươn lên, vững vàng trước mọi bão giông hay hạn hán, nhìn mong manh nhưng thực chất lại mang sức sống vô cùng mãnh liệt.

Việt Nam, cũng như những đoá sen này, chẳng khác nhau là bao.

Làm Diệp Anh lại vẩn vơ nhớ đến một câu thơ.

Liên phát lô trung thấp vị can. (*)

Khi biết có hồ sen cách căn cứ vài trăm mét, Diệp Anh không ngại ngần cuốc bộ mỗi lần nghỉ trưa để được ngắm nhìn chúng dù cho chỉ là đôi ba phút. Và nếu có đủ nhiều thời gian, cô sẽ đem theo cuốn sổ tay của mình, lựa một góc trú nắng, chăm chú vẽ lại, đôi khi sẽ xé ra rồi kẹp kèm trong thư gửi Thuỳ Trang ở quê nhà.

Hoàn thành xong nét cuối, cô thở phào, ký vội ở một góc rồi đóng sổ lại. Diệp Anh ngẩng đầu, nắng đã gắt hơn khi nãy, làm cô phải hơi nheo mắt mới có thể nhìn rõ những đoá sen thắm hồng đang dần bung ra.

Lá sen to, xanh mướt, gân lá toả quanh những hình tròn vằn vện, như chiếc khiên lớn bao bọc lấy phần hoa mềm mại. Cánh hoa sen nhiều và xếp thành từng lớp, đan xen lấy nhau, những cánh hoa thường trông thướt tha, mềm mại. Và sen khi nở rộ sẽ đưa hương hoa thơm lừng, ngào ngạt đầy trong không khí, có khả năng làm rỗng tâm trí rối bời của người thưởng ngoạn cảnh sắc trong giây chốc.

Bởi thế nên Diệp Anh mới yêu hoa sen nhiều như vậy.

Những khi bối rối, những khi nỗi nhớ khôn nguôi, cô đều chọn sen là liều thuốc an thần của mình, vì ngắm và ngửi thứ hương ngọt lựng kia cũng tạm đủ để đưa đầu óc cô về miền an yên.

;

Tiểu đoàn của Diệp Anh trực thuộc 1 trong 3 tiểu đoàn vô tuyến điện được huy động để phục vụ cho chiến dịch Hồ Chí Minh. Cô, cùng một cô gái gốc Sài Gòn tên Lan Ngọc, là báo vụ viên có nhiệm vụ sử dụng máy vô tuyến điện sóng cực ngắn để nhận mệnh lệnh từ Bộ Quốc phòng, báo cáo lại cho trung tá hoặc truyền thông tin tác chiến đến các trung đoàn và tiểu đội bộ binh khác. (**)

Công việc tính ra là không quá khó nhờ vào sự dạy bảo và giúp đỡ của Tuấn Khôi cùng các đồng chí khác trong chiến khu, cái khó chủ yếu là Diệp Anh và Lan Ngọc phải làm sao để đảm bảo thông tin được thông suốt, liên tục; phải chuyển và nhận kịp thời chỉ thị từ cấp trên đưa xuống cho mặt trận. Vậy nên cả hai đã thống nhất rằng Lan Ngọc sẽ đảm nhận việc đấy từ sáng sớm, khi tiếng gà gáy hồi đầu tiên đến buổi trưa chiều, còn Diệp Anh sẽ là vào nửa cuối ngày còn lại. Và cũng đã gần đến giờ chuyển ca nên cô chỉ ngồi thêm một lúc, rồi cũng nhanh chóng sửa soạn về lại căn cứ.

Vừa bước vào phòng liên lạc, Lan Ngọc đã nhanh nhảu gọi cô lại.

"Chị Diệp Anh! Chị có thư á, em để trên giường rồi."

Cô gật đầu, khẽ cười cười cảm ơn cô bé, "Chị biết rồi, cảm ơn em nhiều nhé."

"Mà thôi em đi nghỉ mau đi," Diệp Anh nhìn đồng hồ treo tường, xua tay đuổi người, "Hơn hai giờ rưỡi rồi."

Lan Ngọc bĩu môi, chỉ tay về phía chiếc giường tầng, "Chị đi đọc thư trước đi, chị Trang gởi đó. Đọc xong rồi em chuyền ca cho."

Diệp Anh hết nói nổi với cô em gái này. Chuyện cô và Thuỳ Trang đương nhiên cô không nói cho Lan Ngọc biết, chỉ nói hai người là hàng xóm nối khố nên hay liên lạc thư từ với nhau như thế. Mà không hiểu bằng cách nào cô nàng lại biết được cô và Trang có mối quan hệ hơn cả hàng xóm, thế là cứ hở ra là Diệp Anh lại bị cô nàng chọc ghẹo. Nhưng Diệp Anh lại thấy biết ơn Lan Ngọc vô cùng, vì nhờ cô nàng mà cô mới có dư dả thời gian đề thư gửi cho Thuỳ Trang, không viết là sẽ bị giục viết ngay.

Cô tiến đến bên giường, khom người ngồi xuống rồi cầm phong thư vàng quen thuộc kia lên.

Diệp thương,

Trang mong rằng Diệp nơi căn cứ vẫn khoẻ mạnh và bình an, giống như Trang vẫn đang sống tốt ở vùng quê này.

Những ngày qua tình hình chiến khu ra sao rồi? Công việc của bạn có nhọc lắm không?

Cây bằng lăng của chúng mình lại đơm hoa rực rỡ, ở chỗ Diệp chắc là vào mùa sen nhỉ? Vì thư trước và trước nữa Diệp có kèm dăm bức kí hoạ sen nên mình đoán thế. Đẹp lắm, Trang và thầy mẹ đã đóng khung treo ở phòng khách cho dễ bề nhìn ngắm. Trong phong thư mình có cho thêm vài đoá bằng lăng ép khô, màu không đẹp như những gì mình thường thấy, dẫu gì cũng chưa phải là thời điểm chín muồi để hoa nở rộ, nhưng mong là nó sẽ giúp bạn nguôi ngoai phần nào nỗi nhớ nhà.

Dạo đây Trang có nhận làm cô giáo dạy chữ cho bọn trẻ trong xóm. Cực, nhưng vui bạn ạ. Nhìn bọn trẻ nắn nót đồ theo từng từ mà Trang viết, cảnh đấy mới đẹp làm sao! Ước chi mình có thể san sẻ trực tiếp được nỗi vui sướng hân hoan này cùng với Diệp. Nhưng sao khó quá!

Thôi thì Trang xin chia sẻ tạm niềm vui con con đến bạn ở cách nơi đây vài trăm cây số, qua những con chữ này vậy.

Nên là, Diệp cứ an tâm mà bảo vệ đất nước, việc bảo vệ tương lai của đất nước đã có mình lo rồi.

Mà chắc là đến đây thôi, hẹn bạn một dịp khác mình sẽ viết dài hơn, do đêm cũng đã khuya và chuyện cũng đã cạn.

Diệp nhớ kể cho mình nghe những ngày qua của bạn trong lần biên thư tới nhé, vì thư cũ thì cần người bầu bạn và Trang thì cần Diệp kề cạnh sớm hôm.

Mình đợi thư bạn.

Thân thương của Diệp,
Trang.
26/03/75.

Tái bút: Trang có thỉnh cho Diệp một lá bùa cầu an, bên trong có bỏ hoa khô cho thơm thảo, bạn nhớ đeo trong người! Thương và nhớ Diệp.

Diệp Anh cầm tấm bùa bình an đỏ rực trên tay, khoé môi kéo lên nụ cười rạng rỡ. Cô nhét vội nó vào ngực áo trái, xếp thư cẩn thận, cất xuống dưới gối nằm rồi ra thay ca với Lan Ngọc.

Chiếc bàn đặt máy vô tuyến điện nằm ngay cửa sổ, phóng tầm mắt ra là thấy được lá cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam. Nửa đỏ, nửa xanh, xen giữa là ngôi sao vàng tươi sáng. Diệp Anh chụp tai nghe, vặn chỉnh lại hiệu số một chút, trong lòng càng được tiếp thêm niềm tin về ngày độc lập không xa sau lá thư của Thuỳ Trang.

Đợi mình về nhé, Trang ơi!






(*): Liên phát lô trung thấp vị can là một câu trích từ kệ Thị tịch, tức di chúc trước khi nhập Niết bàn, của thiền sư Ngộ Ấn. Nguyên văn như sau:

Diệu tính hư vô bất khả phan,
Hư vô tâm ngộ đắc hà nan.
Ngọc phần sơn thượng sắc thường nhuận
Liên phát lô trung thấp vị can.

Bản dịch thơ của mình:

Diệu tính rỗng thì khó lòng thấu được,
Nhưng khi lòng rỗng sẽ dễ vô cùng
Ngọc đốt trên núi mãi màu xanh mướt
Lò nung sen nở vẫn tươi lạ lùng.

(Diệu tính có thể hiểu nôm na là một chân lý, chân tính diệu kỳ.)

Đại ý câu thơ cuối là hoa sen dù có nở trong lò lửa, lò nung hàng trăm độ thì vẫn tươi rói. Mình so sánh hoa sen với Việt Nam cũng vì như vậy - kiên cường và không khuất phục.

(**): Các thông tin được lấy từ bài báo điện tử "Kinh nghiệm bảo đảm thông tin liên lạc vô tuyến điện trong Chiến dịch Hồ Chí Minh" của báo Quân đội nhân dân.

;

Idea: #CNN501 của Nhà sản xuất thử thách viết lách

Day 2: Sen trong hồ - Quốc kỳ - Gió.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro