3.1

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Ngày 30 tháng 4 năm 1975.

Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, Sài Gòn được giải phóng, ba miền Bắc - Trung - Nam thống nhất, chấm dứt 21 năm kháng chiến chống Mỹ.

Diệp Anh ngồi trên chiếc xe lam cũ kĩ, tựa đầu lên thùng xe, lắng nghe bản Tiến quân ca đầy hào hùng phát ra từ ra-đi-ô vô tuyến của người tài xế.

Cô rút cuốn sổ tay nhỏ bằng da từ trong túi áo, chật vật mở lấy xấp thư nhàu nhĩ kẹp ở phía sau, vài lá bị lửa cháy rụi mất đoạn kết, vài lá bám bụi đến đen cả một khoảng giấy vàng. Lật mở lá trên cùng, Diệp Anh dùng đầu ngón cái vuốt ve những con chữ nắn nót của Thùy Trang, trong phút chốc bỗng dưng không kiềm chế được mà rơi nước mắt.

Suốt hai năm trời (*) ở chiến khu nảy lửa, đây chính là lẽ sống, là tất cả của cô.

Là thứ duy nhất ngoài tấm hình trắng đen đã mờ đi quá nửa giữa cả hai có dấu vết của Thùy Trang, cho cô chút hơi ấm dịu dàng ít ỏi giữa chốn sa trường khốc liệt kia.

Đạn găm, bom nổ, dao xước. Chưa gì là Diệp Anh chưa từng trải qua. Đã bao lần đau đến tưởng chừng như chết đi sống lại, đã bao lần vấp với ở giữa cái lằn ranh sinh - tử ấy, nhưng nhờ những lá thư gửi vội từ nơi hậu phương xa xôi này nên mới có thể cố gượng được đến tận ngày hôm nay.

Mình về rồi, Trang ơi. Cuối cùng cũng đã trở về rồi.

Lệ chảy tuôn hai hàng, rơi xuống, ướt nhoè đi ngày chấp bút lá thư cuối cùng.

Thân thương của Diệp,
Trang.
26/03/75

Chiếc xe vừa dừng lại ở đầu làng, Diệp Anh đã nghe thấy tiếng ồn ào từ người dân. Cô chậm chạp bước xuống, giữa thanh âm xôn xao vỡ oà của những gia đình đón con cháu bình an quay về; giữa tiếng chim quyên ríu rít chuyền cành; giữa nền trời trong veo, biêng biếc một màu xanh thăm thẳm đang trải dài đến vô tận - như đang ôm lấy cái đất Việt Nam kiên cường bất khuất đã phải kinh qua ngàn vạn khổ đau mới có được hoà bình hiện tại.

Thứ Diệp Anh trải qua chỉ là hai năm đổ chút máu đỏ, mất chút thịt da. Nhưng Việt Nam đã phải đánh đổi hàng triệu anh hùng nằm xuống trong hơn hai thập niên ròng rã để giành lại độc lập dân tộc.

Diệp Anh được chào đón bằng cái ôm nồng ấm và nước mắt chứa chan của người nhà, bè bạn, phải mất độ nửa giờ đồng hồ để cô có thể đáp trả lại từng người một. Cô tách người khỏi Ngọc Huyền, mà cô chắc là người cuối cùng ở đây, đôi mắt dáo dác nhìn xung quanh hòng tìm kiếm một người nào đấy. Cô nhón chân, hy vọng sẽ nhìn thấy bóng hình của nàng đang đứng ở đâu đó. Nhưng nhìn mãi, tìm mãi, thế nào cũng chẳng tìm ra người mình thương nhớ nhất.

Lòng Diệp Anh thoáng chốc hụt hẫng.

Rõ là đã hứa sẽ đợi, sẽ đón cô. Thế mà giờ này người đang nơi đâu rồi?

Con bé Ngọc Huyền đứng cạnh như hiểu ra cô tìm ai, nó vỗ nhẹ bả vai cô.

"Chị, đi theo em. Em dẫn chị đến chỗ chị Trang."

Và nó nhanh chóng quay người rời đi, không kịp đợi Diệp Anh phản ứng lại.

Đến lúc cô nhận ra, Ngọc Huyền đã cách nơi cô đang đứng một khoảng tương đối xa. Diệp Anh tháo chiếc mũ cối cùng ba-lô đưa cho mẹ mình, qua loa nói tạm biệt rồi vội chạy theo dấu chân con bé.

"Huyền! Đi đâu vậy em?"

Ngọc Huyền không trả lời, nó vờ như không nghe thấy lời của cô, đôi chân cứ men theo con đường làng mà đi. Diệp Anh cũng thôi thắc mắc gì nữa, năm đầu ngón tay vì hồi hộp mà bấu víu lấy vạt áo quân phục màu ô-liu sờn chỉ, vò đi, nhả ra, rồi cứ xoắn xuýt mãi ở đấy.

Là Thuỳ Trang muốn cho cô một bất ngờ gì sao?

Diệp Anh không rõ, vì lá thư cuối cùng cô nhận được đã là từ độ cuối tháng 3, trong thư Thuỳ Trang chỉ đề cập đến sinh hoạt thường ngày của mình. Còn Ngọc Huyền lại càng chẳng nói chẳng rằng. Ba tiếng "đi theo em" và sự im lặng bí bách hiện tại đây là tất cả những gì cô được biết.

Nhưng nhìn con đường quen thuộc mà bản thân đã từng bước qua vô vạn lần, Diệp Anh không khỏi bồi hồi. Dẫu đã phải trải qua bao năm chìm trong khói bom, nó vẫn thế, vẫn hệt như những gì Diệp Anh còn nhớ: Một lối đi được bồi đắp lên bằng đất đỏ màu mỡ, dọc hai bên đường là cánh đồng lúa nước mà sẽ trở thành những áng mặt trời vàng óng vào mỗi cuối thu, và phía xa xa kia, chẳng đâu khác ngoài cây bằng lăng tím, đóng chiếm trọn trong ký ức của cô, vẫn đứng trụ sừng sững qua ngần ấy giông tố mịt mù.

Bất chợt, Ngọc Huyền dừng lại. Không lên tiếng, không một dấu hiệu. Làm mặt Diệp Anh xém chút nữa là đập lên lưng con bé.

"Gì thế Huyền?!" Cô không trách nó, thay vào đấy, Diệp Anh đưa mắt nhìn khung cảnh thân quen.

"Trang đâu? Huyền?" Diệp Anh lại hỏi, đặt tay lên vai nó. Cô thắc mắc. Ngọc Huyền bảo dắt cô đến gặp Trang, cơ mà đến tận đây rồi mãi không thấy nàng đâu cả.

Lần này rất may mắn là Ngọc Huyền đã trả lời. Nhưng rất không may mắn là Huyền lại trả lời bằng cái giọng mũi đặc quánh lạ thường của nó.

"Chị Trang..."

Diệp Anh vội vàng xoay người Ngọc Huyền lại đối mặt với mình. Đôi mắt nó đỏ hoe và gò má nó đã lấm tấm sương mặn từ bao giờ.

Trái tim Diệp Anh hẫng đi một nhịp.

Chuyện gì thế này?





(*): Diệp Anh ra trận vào khoảng cuối tháng 5 năm 1973, khi hoa bằng lăng đã bắt đầu nở và đương tàn đi, rụng rơi dưới chân. Cảnh phác thảo hoa sen ở chương 2 là vào tháng 6 (cũng là thời điểm sen nở rộ đẹp nhất) năm 1974.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro