Chương 7: Phương Nam

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng



Thành phố S nằm ở phía Nam Trung Quốc, kinh tế phát triển mạnh mẽ, mùa xuân cũng đến sớm hơn các thành phố khác. Cây cối bên đường đã nẩy ra mầm non, có lẽ là cây xoan hoặc là cây thanh thất, do thấp thoáng dưới ánh chiều tà hoàng hôn, xa xa nhìn lại, trông như một mảng vàng vẩn đục.

Ba ngày sửa đường mới, năm ngày xây cao ốc, có lẽ là đi đến đâu cũng thấy công trình thi công, Hứa Tô cảm thấy thành phố này đất bụi mù mịt, nồng độ bụi mịn trong không khí có cảm giác rất cao, không khí ô nhiễm rõ ràng.

Cậu ngồi trong chiếc Mercedes của Phó Vân Hiến, nghiêng người dựa vào cửa sổ, nhìn hàng hàng dãy dãy cây cối phố phường hai bên đường lướt nhanh về phía sau như mỹ nữ trăm hoa khoe sắc, chợt nhớ đến một câu nói.

Chắc là khoảng mười năm trước, vào năm thứ hai sau khi cha cậu Hứa Văn Quân bị xử bắn, Tô An Na đã nói với cậu một câu.

Nửa đời sau, mẹ con ta mắc nợ lẫn nhau đi.

Bức ảnh khi cha mẹ Hứa Tô kết hôn vẫn còn treo trên tường cũ nhà họ Hứa, một đôi vợ chồng khiến người hâm mộ, đặc biệt là Hứa Văn Quân trong ảnh tướng mạo cực kỳ anh tuấn, mũi cao mắt sâu, như con lai. Chút ưu điểm này của cha Hứa Tô lại chẳng thừa hưởng được, cậu thiên về thanh tú hơn, nhìn thế nào cũng là soái ca phương Đông.

Ký ức của Hứa Tô đối với cha mình rất mơ hồ, không thể nói rõ là yêu hay hận, lúc chưa vấy bẩn, Hứa Văn Quân cơ bản vẫn được tính là người cha tốt, cánh tay của ông mạnh mẽ vững vàng, thường nâng Hứa Tô lên cao khỏi đầu.

Đáng tiếc, những ngày tháng hắn vấy bẩn lại quá lâu quá dài.

Khi Tô An Na còn trẻ thon thả trắng nõn, mày thanh mi tú, ngày thường giọng nói nhỏ nhẹ mềm mỏng, rất có khí chất của khuê nữ phương Nam. Thực ra cha của bà là người phương Bắc chính gốc, Tô lão gia khi còn trẻ theo bộ đội xuống phương Nam, sau giải phóng liền trú đóng tại một thành phố nhỏ nào đó ở phía Nam, sau đó cứ như vậy mà trở thành quản đốc của một nhà máy quốc doanh nào đó. Tô An Na là con gái út trong nhà, trên con có ba người anh trai, cả gia đình sống trong căn biệt thự kiểu Nhật còn sót lại từ hồi quân Nhật xâm lược Trung Quốc, lúc ăn lúc ngủ đều có bảo mẫu chăm sóc. Theo lý Tô An Na vốn phải là tiểu thư được nuông chiều từ bé, nhưng có lẽ là do có gien từ trong xương máu kia quấy phá, hoặc là do đọc nhiều tiểu thuyết như "Quy nhạn nhập hồ thiên" và "Tương đăng thái hành tuyết mãn sơn", bà vẫn luôn ngóng trông về phương Bắc.

Chính cái lúc thiếu nữ Tô An Na đang tuổi hoài xuân cứ luôn trông về phương Bắc thì một tên đàn ông phương Bắc Hứa Văn Quân xông vào thế giới của bà.

Tô An Na cực kỳ mê mẩn vị soái ca phương Bắc này, nhưng Tô lão gia lại nhìn không lọt mắt người trẻ tuổi này, cho rằng hắn hết ăn lại nằm, trên người toàn là tật xấu.

Vì Tô lão gia cực lực phản đối chuyện hôn sự, lúc Tô An Na mang thai sáu tháng trong bụng, không thể không đoạn tuyệt qua lại với gia đình, bà khệ nệ bụng bầu bước lên xe lửa đi về phương Bắc, không quay đầu lại nữa.

Tô lão gia chống gậy chạy tới sân ga, chửi ầm lên với chuyến xe lửa đang rầm rập đi xa: Rồi sẽ có ngày mày khóc lọc bò trở về!

Trên xe lửa Tô An Na đã không nghe thấy. Nhưng bà đã dùng nửa đời cực khổ của mình để chứng minh, Tô lão gia nói đúng rồi.

Tuổi thơ của Hứa Tô tràn ngập những âm thanh nồi niêu chén bát bị quăng vỡ.

Hứa Văn Quân nhậu nhẹt bài bạc gái gú cái nào cũng giỏi, mà nuôi gia đình thì chỉ sống tạm qua ngày, chẳng làm được chuyện gì, sau khi trôi dạt về phương Bắc thì kết bè kết bạn với một đám chẳng ra gì, mượn danh nghệ thuật để làm chuyện xấu, suốt ngày ăn no chờ chết. Cách giải quyết của Tô An Na khá là đơn giản, lúc nào cũng giống nhau, khóc nháo là chính, thắt cổ là phụ, cách ứng phó của Hứa Văn Quân còn đơn giản hơn, không gây cũng không cãi, cứ mặc cho Tô An Na lăn lộn trên đất khóc la om sòm. Hắn thờ ơ chả buồn để ý.

Sau khi náo loạn xong, thường có thể tạm thời yên ổn được vài ngày, nhưng những ngày tháng yên ổn chẳng kéo được bao lâu, Hứa Văn Quân sẽ bệnh cũ tái phát, tiếp tục làm bừa.

Cuộc sống cứ như thế tuần hoàn lập lại, mãi cho đến lúc Hứa Tô học tiểu học, lần này, tật xấu của Hứa Văn Quân nghiêm trọng hơn tất cả những lần trước, hắn hút ma túy.

Đối với chuyện này Tô An Na hết cách, chỉ biết khóc, cuối cùng ông nội Hứa Tô từ phía Bắc của phương Bắc chạy tới, trói gô con trai mình nhốt vào nhà bếp, buộc hắn cai nghiện.

Lúc đầu khi Hứa Văn Quân tới cơn, không ngừng phát ra tiếng kêu la quái dị đau đớn, có khi còn chửi ầm lên, hết chửi bố đến chửi con, chẳng nhận bà con. Thậm chí có lần hắn còn nói ra một sự thật cực kỳ đáng sợ.

"Lúc ông còn trẻ chưa từng đánh bài sao? Chưa từng chơi gái sao? Không phải suýt nữa thì thua sạch gia sản, buộc mẹ tôi ra ngoài làm gái trả nợ cho ông sao?" Tiếng chửi của Hứa Văn Quân từ trong nhà bếp vọng ra, tràn đầy năng lượng, âm thanh cực kỳ có lực sát thương, "Rồng sinh rồng phượng sinh phượng, ông phải sống đến ngày sau để mà nhìn, con trai ông là tiện chủng, cháu trai của ông cũng sẽ là tiện chủng, đây là gien, là di truyền rồi, là thứ máu dơ bẩn chảy trong xương của người nhà họ Hứa ta rồi!"

Hứa Tô nghe thấy mà hoảng sợ hãi hùng, run tay một cái, bút chì đang làm bài tập gãy răng rắc.

Ông nội Hứa Tô sợ con trai quá ồn, lo lắng ảnh hưởng đến cháu trai học bài, liền đi vào nhà bếp, lấy khăn nhét kín miệng Hứa Văn Quân. Bắt đầu từ ngày đó, mỗi đêm Hứa Tô đều sẽ nghe thấy tiếng Hứa Văn Quân dùng đầu đập vào tường, dùng móng tay cào vào tường, âm thanh đó vừa nhỏ nhắt vừa bức bí, âm thanh đó vẫn luôn thấm vào từng lỗ chân lông cậu, mặc dù không quá ầm ĩ, nhưng càng nghe lại càng khiến người ta sởn cả tóc gáy.

Thậm chí nhiều năm sau khi Hứa Văn Quân chết rồi, trong giấc mơ Hứa Tô vẫn đột nhiên nghe thấy loại thanh âm này, sau đó cả người đổ mồ hôi lạnh mà giật mình thức tỉnh.

Hứa Tô tự xưng là da dày ba tấc, tim đen như mực, nhưng chỉ có một điểm yếu, chính là cậu sợ người khác chửi mình tiện chủng.

Sau này ông nội Hứa Tô bị tên nghiệt tử này chọc tức đến xuất huyết não, nằm hấp hối trên giường bệnh nửa tháng, rồi qua đời.

Ông nội Hứa Tô mất rồi, không còn ai có thể trị được Hứa Văn Quân, Hứa Văn Quân tiếp tục trải qua những ngày tháng sống mơ mơ màng màng, sau khi thua sạch gia sản, bị ăn đạn chết.

Tòa phán là giết người cưỡng dâm, Hứa Tô lại không tin . Cậu không phải quá tin tưởng vào nhân phẩm của cha mình, mà cho rằng hắn không cần thiết phải thế. Hứa Văn Quân có thứ hời nhất là tướng mạo, thường hay có đàn bà chẳng ra gì đi theo bên người, còn chịu cho không hắn, cho nên hắn cần gì phải vì chút khoái cảm dưới đũng quần mà để bị ăn đạn chứ.

Tô An Na cũng không tin, liều mạng muốn thay chồng mình giải oan.

Ham hắn cái gì đây? Ham hắn ăn nhậu gái gú cờ bạc, hay ham hắn trói gà không chặt, Hứa Tô nghĩ ngang nghĩ dọc, triệt để suy ngẫm, cũng không hiểu được tại sao mẹ mình lại phải chấp nhất đến thế. Cuối cùng cảm thấy có khả năng là bị sắc đẹp làm mù mắt, từ lúc đầu Tô An Na đã ham muốn dáng vẻ anh tuấn của Hứa Văn Quân, cũng giống như cậu ham muốn nụ cười ngọt ngào của cô bé họ Bạch sát vách, vì cô hái sao tìm trăng, chỉ cần nói một câu cho dù là nhảy vào nước sôi lửa bỏng thì cậu cũng làm.

Nói chung, tin Hứa Văn Quân bị xử bắn không khiến Hứa Tô cảm thấy thương cảm, mà hơn đó chính là khiến cậu thở phào nhẹ nhõm. Trong đầu cậu hiện lên một câu đã từng học qua trong sách giáo khoa, đất Bắc thê lương, y quan Nam thiên (1).

Cậu muốn trở về phương Nam , nhưng Tô An Na cố chấp không chịu trở về.

Tô An Na luôn là đại tiểu thư được nuông chiều từ nhỏ, dưới hoàn cảnh này, đưa con trai trở về nhờ vả bố mẹ hẳn là quyết định sáng suốt nhất. Nhưng bà lại không. Trên đời này có hai loại người sống khổ nhất, một là loại trí nhớ quá tốt, loại còn lại là quá sĩ diện, Tô An Na có lẽ là thuộc cả hai loại trên.

Từng có một ông chủ người Hong Kong "du lịch ngang qua đây" liếc mắt chọn trúng Tô An Na, muốn đưa bà trở về làm tiểu tình nhân. Nhưng thân phận tiểu tình nhân này vốn dĩ đã không được ra sáng, còn thêm một đứa con ghẻ nữa thì lại càng bất hợp lý. Ý ông chủ Hong Kong là muốn đưa Hứa Tô đi, chỉ còn hai người họ sống vui vẻ tự do thôi. Tô An Na thật ra cũng rất muốn đuổi Hứa Tô về nhà họ Hứa dưới quê, cha của Hứa Văn Quân đã bị đứa con chẳng ra gì của mình làm tức chết rồi, nhưng mẹ Hứa Văn Quân vẫn còn, bà mẹ già sồng một mình ở nông thôn trồng trọt, nuôi thêm một đứa cháu nữa cũng không thành vấn đề.

Nhưng sau đó không biết là do sơ sót hay là lương tâm trỗi dậy, bà lại không làm như vậy.

Lúc ông chủ Hong Kong bỏ đi, Tô An Na liền nói với Hứa Tô câu nói đó.

Đối với việc này, Hứa Tô nửa biết ơn, nửa nghi ngờ.

Từ đó về sau, Tô An Na thay đổi tính tình dịu dàng hiền thục của ngày xưa, vừa không có ý định tái giá, cũng không trông mong người cứu tế. Hứa Văn Quân chết rồi để lại một mớ hỗn độn, bà vì duy trì một gia đình mà đi sớm về trễ, từng mở sạp bán đồ, từng bán vé chợ đen, từng làm qua tất cả việc làm ăn hợp pháp hoặc bất hợp pháp, chớp mắt thanh xuân đã qua, nhan sắc nhạt nhoà. Có lần Hứa Tô nhìn thấy Tô An Na trong chợ mua đồ, chửi nhau với người bán vì cân thiếu một vài lạng gan heo, cậu hốt hoảng tựa như nhìn thấy Dương nhị tẩu dưới ngòi bút của Lỗ Tấn (2), xương má nhô cao, môi mỏng chua ngoa, hai tay đặt trên đùi, giống như chiếc compa hai chân gầy yếu trơ trọi.

Hứa Tô nhai lại câu nói ấy trong đầu, hình như, đúng thật là như vậy.

Đến lúc Tô An Na thực sự không chịu được nữa muốn trở về quê nhà, thì đã không về được nữa rồi. Anh trai chị dâu bà không biết làm thế nào mà dụ được ông già bán toàn bộ căn nhà lớn và sân vườn, nhân lúc không có em gái ở gần mà gạt ông tự ý chia nhau hết số tiền kia. Đợi đến khi hai mẹ con ngốc nghếch Tô An Na biết được chuyện này, Tô lão gia bệnh chết đã mấy năm rồi. Tô An Na tứ cố vô thân lại côi cút chịu khổ nhiều năm, từ lâu đã chẳng nhớ cái gì gọi là tình thân gia đình, bà làm tờ đơn kiện vợ chồng anh chị ra toà, kiện cáo kéo dài mấy năm, lúc đó lại bị luật sư bất lương lừa gạt mất không ít tiền, nhưng kết quả vẫn là thua kiện.

Lúc Toà án thẩm vấn đúng là loạn như gà bay chó chạy. Luật sư miệng lưỡi lưu loát vỗ ngực đảm bảo trước mặt mẹ cậu, nhưng vừa lên toà lại lắp ba lắp bắp, Tô An Na phải mất một lúc lâu mới nhận ra được, có lẽ mình đã bị một tên luật sư vừa vô năng vừa bất lương hãm hại. Luật sư trên toà không ra sức, Tô An Na không nhịn được tự mình ra trận, chỉ vào mũi anh hai mình chửi ầm lên, anh hai cũng chửi lại bà là đứa chẳng ra gì, từ nhỏ đã biết hại cha mình, lúc còn bé bà đã treo lá cờ Thanh Thiên Bạch Nhật ngay cửa sổ tầng hai, báo hại Tô lão gia suýt nữa thì bị Hồng Vệ binh bắt đi đấu tố (3)...

Quan toà phải nhờ đến cảnh sát toà án giải họ ra ngoài.

Thực ra vốn dĩ Hứa Tô cũng không phải khổ đến như vậy. Từ nhỏ cậu đã ngoan ngoãn đẹp trai, có ưu thế này trước sau cũng đã gặp được không ít cơ hội. Đầu tiên là đoàn đồng ca thiếu niên muốn chiêu mộ cậu, nói cậu hát hay hát dở gì cũng được, miễn sao đứng đầu hàng cười trước ống kính là tốt rồi, sau đó đội cầu lông thành phố chấm trúng cậu do tay dài chân dài linh hoạt, là một hạt giống chơi cầu tốt, dự định cho gia nhập đội rồi bồi dưỡng thêm. Tô An Na cảm thấy những chuyện đó cũng không tệ, ít ra giải quyết được một miệng cơm trong nhà. Nhưng Hứa Tô sống chết cũng không chịu.

Hứa Tô ngại vận động viên quá cực khổ, ngại làm nghệ thuật quá mù mịt, ngại làm tài chính láu cá, ngại làm văn nghệ thiếu thực tế... Ở trước mặt Tô An Na, Hứa Tô chà đạp qua một lần hết ba trăm sau mươi nghề, sau cùng phát hiện, hình như làm gì cũng không bằng sau này lớn lên làm luật sư, dù sao cũng chỉ dựa vào một cái miệng, cũng không cần phải quá trâu bò, chỉ cần làm một luật sư có chút danh tiếng là ổn, ăn không được no nhưng cũng chẳng lo chết đói, rất tốt.

Tô An Na lại không vui. Chồng thì chết rồi, nhà cửa lại chẳng có, bất hạnh của cả đời bà đều là do đám luật sư vô năng ban cho. Tô An Na nhận thấy cho Hứa Tô đi ca hát hoặc đi đánh cầu đều tốt hơn là đi học luật, con đường tiền đồ sau này chắc chắn tốt hơn là làm luật sư, cho nên vì để con trai hồi tâm chuyển ý, bà dùng thắt lưng đánh, khiêng băng ghế đập, dạy con mà xuống tay thật sự ác độc. Hứa Tô trước giờ gặp chuyện toàn bán manh xin tha, lần này lại khư khư cố chấp đáng sợ, thà rằng bị đánh đến đầy rẫy thương tích, sau lưng sau đùi toàn là vệt máu đến ngồi cũng ngồi không được. Trong một khoảng thời gian dài Hứa Tô phải nằm trên giường làm bài tập, ghi ghi chép chép, liền lưu lại một cái tên trên vở.

Phó Vân Hiến.

.

"Cậu truyền đạt ý của tôi, từ Canada về sớm một chút, trong tỉnh đã phát lệnh truy nã đỏ, tôi đảm bảo ông ta có thể được bảo lãnh chờ xét xử."

Hứa Tô bị một giọng nói đàn ông sâu trầm kéo về thực tại, quay đầu sang, hơi ngửa mặt, nhìn gò má Phó Vân Hiến.

Người ở đầu dây bên kia tên là Đinh Kỳ, là một luật sư có tiếng của Quân Hán, sau lưng cũng có chút gia thế quân đội, chuyện họ nói ít nhiều Hứa Tô cũng có thể nghe thấy: "Phó gia à, tôi cũng biết trốn ở nước ngoài cũng không phải chuyện gì lớn, có điều ngày tháng lén lén lút lút này thực sự cũng không dễ chịu gì, nhưng Hồ Thính không dám trở về, ba triệu tệ đã là số tiền mà Luật Hình sự quy định là "đặc biệt lớn", còn đây là hai tỷ đó, trở về nhất định bị xử bắn—— ".

(* Ở Trung Quốc tham nhũng từ ba triệu nhân dân tệ trở lên sẽ bị tử hình)

"Cậu thì biết cái gì." Đinh Kỳ cũng có chút danh tiếng trong giới hình biện, nhưng ở trước mặt Phó Vân Hiến, bị chửi cũng không có gì lạ, có lẽ là còn muốn cãi lại vài câu, nhưng Phó Vân Hiến rõ ràng đã thiếu kiên nhẫn rồi, dứt khoát dùng lời thô lỗ cắt ngang, "Tôi đã xem tài liệu rồi, hai tỷ toàn là sơ hở, chừng khoảng một triệu tệ là không còn cách nào khác, chạy không thoát thôi, cậu kêu ông ta trở về, nói Phó Vân Hiên tôi đã nói, ông ta nhất định không chết được."

Hứa Tô cũng nghe nói việc này. Trên tin thời sự cũng có đăng, Bí thư kiêm Giám đốc Sở đất đai và Tài nguyên tỉnh, tham ô hai tỷ bỏ trốn ra nước ngoài, Viện kiểm sát phát lệnh truy nã đỏ, đến nay vẫn không bắt được người, không phá được án, không lập được công, chỉ có thể nhờ người có giao tình sâu nặng với ông ta là luật sư Phó đây, khuyên người trở về.

Nói ra thì, đại luật sư Phó là một "pháp tào không quyền", rõ ràng là tồn tại để kìm hãm đối kháng với công quyền, nhưng thực ra quan hệ của hắn với công - kiểm - pháp lại khá mật thiết, cũng khó trách luôn có đồng nghiệp mắng sau lưng hắn là "khối u ác tính trong nghề", mắng hắn là "phái câu đoái" (4). Đặc biệt là mỗi một vụ án khiến người "không thể tưởng tượng nỗi" mà Phó Vân Hiến xử lý, trong giới đồng nghiệp càng loạn xị bát nháo, tràn ngập tiếng chửi.

*在野法曹: tại dã pháp tào. Tại dã là ngoài chính phủ, không nắm quyền; pháp tào là cách gọi quan lại ngày xưa, ngày nay cũng dùng từ giới pháp tào để chỉ luật sư.

Đây chính là ghen ăn tức ở, người trong nghề cố ý đề cập đến mấy từ của người ngoài nghề. Cái nghề nào mà không có chỗ "màu xám", lên được toà thì gọi là "giao dịch tụng - biện", không lên được toà thì lại bảo "phái câu đoái", kiểu luật sư như vậy nhiều vô cùng, người làm được như Phó Vân Hiến có mấy ai? Đã từng có một vị luật sư già giậm chân đùng đùng, chửi rửa dữ dội, bản thân Phó Vân Hiến cũng chẳng thèm để ý mấy chuyện này, sau khi Văn Quân nhìn thấy liền gọi điện thoại thẳng cho quản trị website, vị luật sư đó còn chưa kịp mắng mỏ toé nước gì đã bị khoá luôn tài khoản.

Hứa Tô theo chân Phó Vân Hiến đã gặp qua không ít người. Trong đó không thiếu người tuấn tú nổi tiếng, quan lớn cự phú. Có câu nói: "Thương gia Trung Quốc một nửa đang ở tù, nửa còn lại đang trên đường vào tù", làm quan càng giống như vậy, biết đâu chừng một ngày nào đó cũng vào, nên vẫn phải dựa vào Phó Vân Hiến để đảm bảo nửa đời tự do của mình, hoặc là vớt về một cái mạng. Cho nên bọn họ có người gọi Phó Vân Hiến là "đại luật sư Phó", có người trực tiếp gọi "Phó gia", cơ bản đều cung cung kính kính, khách khách khí khí.

Hứa Tô cũng được thơm lây. Người đời khách sáo với cậu, cậu càng nhìn người đời bằng nửa con mắt, như tiểu hồ ly ỷ vào oai vũ lẫm liệt mà giương nanh múa vuốt.

Khó coi chết đi được.

Dường như có thể cảm nhận được ánh mắt của người bên cạnh, một tay Phó Vân Hiến kẹp thuốc lá, một tay cầm di động, trong lúc nói chuyện cũng quay sang nhìn Hứa Tô một chút. Hắn đưa điếu thuốc đang kẹp giữa ngón tay đến trước môi Hứa Tô.

Bàn tay Phó Vân Hiến thật đẹp, da dẻ bóng mượt như sắp phát sáng đến nơi, khớp xương lại thon dài mạnh mẽ. Hứa Tô nâng mặt đến gần, ngậm lấy đầu lọc còn hơi ẩm ướt, hít một hơi thật sâu.

Dừng lại một lúc lâu, như nhận một nụ hôn.

Phó Vân Hiến rất hài lòng, liền dùng bàn tay kẹp thuốc ấy xoa xoa tóc Hứa Tô ——

Trước đây hắn cũng xoa đầu cậu như vậy.

Chừng mười năm trước, Hứa Tô và Phó Vân Hiến đi Bắc Kinh định ngày hẹn quan toà phúc thậm án tử hình của Toà án tối cao. Vì tiết kiệm tiền, hai người đầu đụng đầu chen chúc trong tiệm tạp hóa ăn mì, Phó Vân Hiến lừa cậu uống rượu đế, hắn nói xưa có Cam La mười hai tuổi làm thừa tướng nước Tần (5), Hứa Tô của hắn mười hai tuổi ít ra cũng phải biết uống chút rượu. Hứa Tô tiếp nhận "khiêu chiến" của hắn, nhấm một chút rượu ở miệng bình, cay đến ho sù sụ, Phó Vân Hiến liền cười lớn rồi xoa xoa tóc cậu.

Một hàm răng trắng đều đẹp đẽ, nụ cười ấy giống như biết phát sáng.

Khi đó Hứa Tô gọi Phó Vân Hiến là "đại ca", bây giờ lại gọi là "thúc thúc", xưng hô đã thay đổi, ngay cả chút tâm tình ăn ý với nhau lúc đó, dường như cũng đã thay đổi rồi.

Đinh Kỳ ở đầu dây bên kia nói tiếp: "Tôi có quen một ông chủ, là loại nhà giàu lớn lối mới nổi, gần đây muốn kinh doanh phòng xông hơi mát xa, cũng không định làm chính thống gì, muốn mạo hiểm liếm máu trên dao mà kiếm chút tiền tươi, nhờ tôi nghĩ cách giúp. Phó gia có ý kiến gì không?"

Nghe ý là biết muốn kinh doanh nghề nhạy cảm, Phó Vân Hiến hỏi hắn: "Chính sách mỗi nơi mỗi khác, ông ta là người ở đâu?"

Đinh Kỳ nói: "Bên Quảng Đông."

"Mại dâm gái gọi hiện tại đang bị xiết chặt rồi, nhưng "bắn máy bay*" thì còn được, loại án này bên toà án Quảng Đông, Trùng Khánh đều phán vô tội, cậu kêu hắn liệu mà làm đi." Điện thoại còn chưa ngắt, ngón tay Phó Vân Hiến đã trượt vào cổ áo Hứa Tô, nặn nặn cổ cậu. Động tác tay này cũng không tính là mờ ám, mà giống đang xoa đầu cún cưng hơn.

* Tiếng lóng bên Trung bắn máy bay nghĩa là tự an ủi, nhưng trong đoạn này nó có thể có nghĩa là kiểu mát xa kích dục, xoa xoa tới ra mà không làm tới chót.

Phó Vân Hiến rất thích vuốt ve Hứa Tô. Mái tóc vàng nhạt mềm mại, da dẻ trơn bóng như trẻ con, mùi thơm cơ thể lành lạnh dễ ngửi, đây là mùi vị của thiếu niên, xúc cảm của thiếu niên.

"Muốn làm giàu phải liều, không có gan thì về quê trồng trọt đi." Dường như Đinh Kỳ lại hỏi gì đó, Phó Vân Hiến không kiên nhẫn nữa, "Làm hợp đồng phụ, nhân viên, thuê chỗ, quản lý đều tách ra, tạo thêm mối quan hệ với công an địa phương, sẽ không xảy ra chuyện gì."

Nói xong mấy câu sau, Phó Vân Hiến cúp máy, cúi đầu nhìn Hứa Tô: "Đang nghĩ gì?"

"Không có gì." Hứa Tô nghiêng đầu ra khỏi bàn tay Phó Vân Hiến, chạy trốn cảm xúc thô ráp mà ấm áp khiến cậu mê luyến này. Cậu xoay mặt nhìn ra cửa sổ.

Đang nghĩ gì? Thỉnh thoảng cậu sẽ lập dị mà nghĩ, rốt cuộc là con người đang thay đổi hay là thế giới thay đổi, vấn đề này nhìn qua tưởng đơn giản, kì thực thiền phi thiền, đạo phi đạo, cực kỳ huyền diệu.

Hứa Tô tựa vào cửa sổ, khép mắt lại dưới ánh mặt trời chói chang của phương Nam, chẳng hiểu sao lại thấy uể oải mệt mỏi, cực kỳ ủ rũ, cậu nói: "Chỉ là nhớ đến một người bạn cách đây đã lâu, có thể sẽ không còn gặp lại được nữa."

Chiếc Mercedes của Phó Vân Hiến quá to, lái vào con hẻm nhỏ đi về nhà cũ của Hứa Tô thường sẽ va trái chạm phải, nhưng đại luật sư Phó cũng chẳng tiếc xe sang, nhưng Hứa Tô lại khó tránh đau lòng. Nhóm người nghèo nhất thành phố S đều ở nơi này, mấy chiếc ba bánh xe đẩy của người bán rong tuy phần lớn đều cũ nát nhưng cũng là thứ giúp họ kiếm ăn hàng ngày.

Mercedes lái vào ngõ hẻm, những nhà hàng rong tại khu này nhao nhao ra cửa, hò hét nhau dọn hàng.

Họ biết đại luật sư Phó đến.

Họ thấy rồng đến nhà tôm.

------------------------------------

* (1) 北地苍凉,衣冠南迁: Bắc địa thương lương, y quan Nam thiên.

Xuất phát của câu nói này là từ thời kỳ Ngũ Hồ loạn Hoa (năm dân tộc Hồ làm loạn Trung Hoa), hay gọi là Thập lục quốc, là một tập hợp gồm 16 quốc gia có thời gian tồn tại ngắn ở bên trong và tại các vùng lân cận Trung Quốc từ năm 304 đến 439 kéo theo sự rút lui của nhà Tấn về miền nam Trung Quốc đến khi Bắc triều thống nhất toàn bộ phương bắc, mở ra cục diện mới là Nam Bắc triều. Đây là thời kỳ đen tối của người Hán, bốn phía toàn là giết chóc, cướp bóc, hơn hai ngàn vạn người Hán chỉ còn lại hơn 400 vạn ở phía Nam, 300 vạn ở phía Bắc. Sử sách ghi lại: "Bắc địa thê lương, y quan nam thiên", đất Bắc thê lương, quan lại di chuyển về phía Nam.

* (2) Dương nhị tẩu là nhân vật trong truyện ngắn Cố Hương của Lỗ Tấn, viết năm 1921, đăng trong tập truyện ngắn Gào Thét (1923), Cố hương là câu chuyện về chuyến hành hương của nhân vật tôi sau hơn hai mươi năm xa quê chuyển đi nơi khác làm ăn sinh sống. Sau thời gian xa quê nay trở về, "tôi" nhận ra sự thay đổi theo chiều hướng xấu của đồng hương, của quê hương. Nhân vật "tôi" buồn bã rời khỏi quê với hi vọng có một tương lai tương sáng hơn cho nơi này. Từ những đổi thay đến đau lòng ấy, Lỗ Tấn đã nhìn thẳng vào sự mục ruỗng của xã hội phong kiến phân chia giai cấp ở Trung Hoa lúc bấy giờ, đồng thời đặt ra vấn đề con đường đi của nông dân và toàn xã hội.

Dáng đứng của nhân vật Dương nhị tẩu:


*(3) Cờ Thanh Thiên Bạch Nhật là cờ của Quốc dân đảng, mặt trời màu trắng trên nền cờ xanh dương đậm. Không tiện chèn ảnh.

Hồng vệ binh hay là Vệ binh đỏ là danh xưng dùng để chỉ các thanh thiếu niên được giáo dục tôn sùng và . Trong Cách mạng văn hóa ở Trung Quốc thập niên 1960, lực lượng này được coi là xung kích trong việc đấu tranh, phá bỏ những tập tục hủ lậu trong xã hội, nhưng dần dần lực lượng này đã trở nên quá khích, họ sử dụng bạo lực , phá hoại và cướp đoạt tài sản, nhà cửa, bức tử, giết hại những cán bộ, đảng viên, tướng lĩnh và người dân bị họ cho là thiếu tin tưởng hoặc với Mao Trạch Đông và . Nạn nhân của các Hồng vệ binh bao gồm cả các lãnh đạo cao cấp trong Đảng Cộng sản Trung Quốc và Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc. (source: wikipedia)

批斗: phê đấu hay còn gọi là đấu tố. Cùm từ phê đấu là từ ghép của hai từ: phê phán và đấu tranh, từ này sẽ dễ dàng tìm thấy khi người ta nói về Cách mạng văn hóa của Trung Quốc . Ai từng xem Bá Vương Biệt Cơ, xem đoạn Viên đại nhân rồi Trình Điệp Y bị đấu tố, thì sẽ biết sức mạnh của đấu tố, của đám đông nó dữ dội đến thế nào.

* (4) Lục lọi trên mạng một hồi thì nhận thấy, dư luận chia giới luật sư Trung làm vài loại, trong đó có "phái tử khái", "phái quảng trường" và "phái câu đoái".

"Phái tử khái" (死磕派, chữ 磕khái, có nghĩa là sứt, mẻ) là nhóm luật sư tích cực, tỉ mỉ cận thận, từ thực thể của tố tụng, trình tự của phán quyết, đến tình tiết của tòa án, cách sắp xếp câu từ của văn bản, không bỏ qua bất cứ sai sót gì, không buông tha bất cứ điều bất hợp pháp gì. Nhưng có khá ít luật sư đi theo trường phái này.

"Phái quảng trường" (广场派), phái này ngoài việc "biểu diễn khả năng biện hộ" lòe thiên hạ trên tòa mà không quan tâm đến được mất quyền lợi của đương sự, thì "chiến trường" của họ chủ yếu không phải trên tòa án, mà là ở trên "quảng trường" (ý chỉ nơi công cộng, hoặc các hội nghị công khai), trên không gian mạng, thậm chí là ở trước cửa lớn của Tòa án, Viện kiểm sát hoặc các cơ quan của Chính phủ, "vũ khí" quan trọng của họ lại không phải những câu từ, văn bản biện hộ, mà là những khẩu hiệu, băng rôn biểu ngữ... những hành vi này đã sớm thoát ra khỏi phạm vi của việc bào chữa tại tòa.

"Phái câu đoái" (勾兑派, từ câu nghĩa là cấu kết thông đồng, đoái nghĩa là đổi lấy), đây là trường phái trái ngược với "phái tử khái", phái này không những không "ồn ào", không "gây xích mích" mà còn duy trì một quan hệ bạn bè cực kỳ "thân mật", thậm chí là "nước sữa hòa hợp" cùng với một số quan tòa nào đó (một số ít Viện trưởng Viện kiểm sát, Hội đồng thẩm phán) —— họ không những không đối chọi với nhau trên tòa, mà còn thông đồng với nhau trong phòng kín. Người ta gọi họ là "thương gia luật pháp", "con buôn tố tụng", họ cũng chính là thành phần thay mặt đứng ra dàn xếp giá cả các vụ đút lót, chạy án.

* (5) Cam La sống vào thời kỳ Chiến Quốc, là cháu của Cam Mậu, một danh thần nổi tiếng nhà Tần. Cam La được mệnh danh là bậc thần đồng chính trị khi mới 12 tuổi. Cam La tư chất thông minh hơn người, ngay từ khi còn nhỏ đã làm môn hạ dưới chướng Lã Bất Vi, Thừa tướng nước Tần. Trong một lần Lã Bất Vi không thuyết phục được Trương Đường đi sứ nước Yên, Cam La đã thay Lã Bất Vi đi thuyết phục và thành công, sau đó bản thân mình cũng được cử đi sứ nước Triệu. Kết quả chuyến đi sứ, Cam La đã giúp Tần Vương không tốn một binh một sĩ mà có được năm thành trì tại Hà Giản. Tần Vương vô cùng khâm phục tài trí của Cam La, phong cậu làm Thượng khanh, đồng thời đem toàn bộ đất đai mà trước đây thu hồi của Cam Mậu trao trả lại cho cậu. Đương thời, Thượng khanh là chức quan tương đương với Thừa tướng.



Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro