Chương 3

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tôi ra sức học tập, nhưng tật xấu đánh nhau khó chừa.

Tôi từng nghĩ đánh nhau chỉ là một cách để giải quyết vấn đề, nó không phải là cách duy nhất nhưng chắc chắn là cách dễ dàng đạt được khoái cảm nhất. Lớn lên rồi tôi mới hiểu, bạo lực khiến người ta sung sướng chủ yếu là vì nó trực tiếp, đơn giản, không dựa vào kỹ xảo, dùng tay chân đánh thắng một người sẽ đạt được kết quả trực quan nhất, vì thế mà mọi người một mặt thì ngăn chặn bạo lực, mặt khác lại hưởng thụ cảm giác khuây khoả tuyệt vời mà nó vô tình gây ra.

Thành thật mà nói, con phố tôi sống cũng không mấy an ninh, đây được xem là nơi tập trung của tập thể những người ở tầng đáy xã hội, là môi trường thích hợp cho tất cả sự nhiệt tình rẻ rúng và cái xấu xa hèn mọn sinh sôi. Trừ những người bình thường ngày ngày tất bật kiếm sống ra, đương nhiên cũng có đầy rẫy những thủ đoạn trong góc khuất tối tăm. Từ nhỏ đã sinh tồn trong hoàn cảnh như vậy, tôi cũng chẳng có tư cách để thương hại hay thù hận ai.

Người đàn ông sống ở lầu dưới là một con ma men thứ thiệt.

Căn gác xép mẹ con tôi thuê dùng chung phòng khách với gã, gian chứa đồ chật hẹp và phòng khách bừa bãi là nơi tôi phải đi qua mỗi ngày, có khi thì thấy gã ngồi thất thần trên ghế sô pha, bên cạnh chồng chất quần áo cũ và cơm hộp, bộ đồ gã mặc đã là từ mấy hôm trước, nó bốc mùi chua loét, gã nửa tỉnh nửa mơ với đôi mắt trũng sâu nhuốm đầy hơi rượu ướt át.

Lúc nhìn chòng chọc người khác, đôi con mắt tròng trắng át tròng đen của hắn đong đầy thù hận. Mỗi ngày đi học rồi tan trường, tôi hiếm có cơ hội nào đụng mặt gã, lượn vòng trước mặt gã chẳng khác nào như bước vào vùng ôn dịch.

Thực tế thì "sợ hãi" và "căm ghét" trong lòng tôi đối với gã là vô cùng tận, vì lần duy nhất hai chúng tôi xảy ra xung đột trực diện là lúc tôi đi học về, trong giây phút mở cửa ra thì thấy gã có ý đồ cưỡng bức Hạ Giai.

Tư thế thân thể quấn lấy nhau vượt quá tầm hiểu biết của tôi lúc bấy giờ, đầu óc tôi trống rỗng, trống rỗng là không thể hình dung được ấy, nên ngay cả suy nghĩ theo bản năng tôi cũng không làm được.

Lúc phản ứng lại tôi đã nhào tới kéo tay áo gã, chộp lấy con dao gọt trái cây dính nhớp trên bàn đâm vào lòng bàn tay gã, cảm giác lưỡi dao sắc bén xiên vào da thịt khiến tôi không rét mà run, nhưng từ đầu đến cuối vẫn một mực không buông tay.

Mũi dao ghim lên bàn trà, máu dọc theo chân bàn chảy xuống, lúc này gã mới thả Hạ Giai quay qua đạp tôi một phát.

Tôi ngã nhào ra đất rồi lại lật mình bò dậy, dìu mẹ đứng sang một bên, bất ngờ thay nhịp tim tôi vẫn đập chậm rãi, tôi nhìn mẹ chỉnh trang lại quần áo xộc xệch, môi bị dập vào răng nứt toác, phì một ngụm nước bọt lẫn cả máu xuống đất.

Tôi há miệng thở hồng hộc. Mẹ bật cười, một tay ôm chặt lấy tôi: "Chủ nhà tới ngay ấy mà, cái thằng hư đốn này."

Gã đàn ông không rõ tên tuổi kia rút con dao dính máu ném xuống đất, tôi không chạy đi nhặt vì lúc này bên ngoài cửa mở ra.

Vốn dĩ ánh sáng sẽ lan tỏa vào phòng nhưng lại bị một đám người ngăn trở, tôi nhìn thấy ở đó xuất hiện chàng trai trẻ với mái tóc ngắn xõa tung nhuộm lẫn một ít màu vàng nhạt, tóc loà xòa che trước trán, mặc đồng phục màu đen cao cổ, hai tay đút túi quần làm tôi nhớ tới mấy bộ phim truyền hình Nhật Bản có ấn tượng không mấy hay ho.

Anh ưỡn lưng, ăn một cây kẹo mút, hai má hóp lại, đầu nghiêng về một bên.

"Họ Triệu hả?"

Anh hỏi gã đàn ông tay vẫn đang chảy máu kia. Gân xanh hai bên thái dương của gã đàn ông co giật, lần đầu tiên thấy mặt mày gã có dấu hiệu tỉnh táo: "Ơ..."

Gã lại quay sang nhìn tôi và Hạ Giai, ánh mắt không hề chủ quan, Hạ Giai vỗ vỗ tôi kêu tôi lên gác trước. Đang nhặt sách vở bút thước văng tứ tung trên sàn thì đột nhiên một đám người xông vào ấn giữ gã họ Triệu làm tôi sợ rụt cả tay, tôi rút cuốn sách bài tập dưới đôi giày da của người nào đó, bìa tập bị đạp hằn nửa dấu giày, lúc này người ấy cũng ngồi xổm xuống, xách cặp sách màu xám của tôi, một bên dây đeo rủ xuống lắc qua lắc lại.

Ánh mắt của anh không để tôi đi.

"Em mấy tuổi rồi?". Anh cười hỏi tôi, cánh tay vắt ngang đầu gối, hơi hé môi cười.

"Mười tuổi." Tôi nói.

"Tuổi nhỏ mà biết bảo vệ mẹ, có triển vọng." Anh đứng dậy, một tay anh đặt lên đầu tôi, tôi phát hiện cách người lớn xoa đầu tôi ai nấy đều giống nhau như đúc, lòng bàn tay anh rất nóng, ấm áp dịu dàng hệt như giọng nói của anh vậy.

Sau đó anh nói với người ngoài cửa bằng giọng nói điềm đạm mà cất cao: "Nhét gã vào cốp xe, đừng để gã kêu."

Đám người kia cũng đáp lại bằng chất giọng nhanh nhẹn mà khiêm tốn: "Vâng thưa anh Diệp."

Tôi đoán anh họ Diệp. (Do Diệp và Dạ đồng âm nên ẻm nghe nhầm, chưa biết cụ thể tên anh là gì.)

Nhưng tôi đã lầm.

Trong một khoảng thời gian khá dài tôi không cách nào gọi chính xác tên của người ấy được, anh không ghé lại đây nữa, mà tôi cũng chưa thấy ai mặc đồng phục đen không ăn nhập gì với khu này bao giờ. Mẹ gọi anh là cậu chủ nhà, hơn thế có lẽ anh còn có thân phận khác mà tôi không thể hiểu, thoạt nhìn anh trẻ hơn mẹ vài tuổi, thật không hợp với cái danh xưng toát lên mùi địa vị này.

Tôi biết thế giới rộng lớn như vậy, chẳng ai có thể sống công bằng tuyệt đối cả đâu. Tôi khoác lên mình bộ đồng phục không mấy vừa vặn chạy đến trường học, chiều tối đá hòn đá về nhà, cố nhịn không đòi Hạ Giai mua cho tôi món đồ chơi ngoài tầm với, cho dù tôi thật sự ước ao. Tôi đã từng thấy hai vợ chồng người công nhân vệ sinh đi sớm về khuya, thấy người phụ nữ một thân một mình chăm sóc người chồng tàn tật và đứa con thơ, thấy ông chủ quán mặt đơ làm lụng quanh năm không ngơi nghỉ lấy một ngày. Bọn họ làm đủ loại công việc chẳng mấy vẻ vang, oằn mình ở con phố cũ bẩn thỉu này dốc sức tiến về phía trước, có lúc họ dừng lại, gọi tên tôi qua quầy hàng cao cao, tôi sẽ dừng bút làm bài tập, đạp lên băng ghế nhỏ rướn người ra chào hỏi họ, nhận lấy những đồng tiền có thể gọi là xa xỉ từ những bàn tay thô ráp nứt nẻ ấy, đưa cho họ một bình sữa chua, một quả táo, hay một phần thức ăn nhanh khó nuốt. Khi họ nở nụ cười vì niềm hạnh phúc nhỏ nhoi này, thì đó là niềm vui đang hết mình bộc lộ và là hương thơm ngào ngạt toả ra chan chứa nỗi đắng cay.

Nhưng bọn họ hay cười lắm, ít khi nào khóc than.

Bởi vì dùng tư thái khó coi nhất để sinh tồn, chúng ta sẽ quên đi đau khổ, quên đi kiêu ngạo, quên đi nhục nhã tủi hờn.

Và quên đi rằng trên cõi đời này thực ra có một thiên đường mà chúng ta không chạm tới được.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro