Chương 2. Ông và cháu

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Muốn đuổi Diệp Trì đi sao?

Diệp Quốc Thịnh nhìn Diệp Trì, không nhịn được lại nhớ đến đứa con trai nhỏ của mình, cũng chính là ba của Diệp Trì – Diệp Hoành Đào.

Diệp Hoành Đào từ nhỏ đã có khuôn mặt đẹp trai lại còn thông minh. Nhưng cũng chính cái sự thông minh này đã khiến hắn ta khi lên cấp 2 ngay lập tức sa sút. Tuổi nhỏ đi học xa nhà, lại bị bạn bè xấu rủ rê lôi kéo, hắn ghét bỏ chê nhà mình nghèo lại còn nghĩ mọi cách để lừa lấy tiền trong nhà.

Đến lúc lừa không nổi, hắn ta liền bắt đầu học cách trộm tiền, từ trộm mấy đồng bạc lẻ cho đến trộm một số tiền vô cùng lớn, sau này còn trộm tiền thuốc men chữa trị của mẹ mình khiến mẹ hắn tức đến chết. Đến cả tang lễ của mẹ mình mà hắn ta cũng không thèm quay về. Mãi một tháng sau khi mẹ mất, hắn ta mới quay trở về, đã thế không có liêm sỉ đến mức lại tiếp tục đòi tiền trong nhà, còn nói mình đã có con rồi, cần phải có tiền để kết hôn nuôi con. Cuối cùng còn đánh nhau với Diệp Hoành Vĩ một trận tơi bời, làm lớn chuyện đến mức cả trấn Cảnh Sơn đều biết, đều vây lại hóng chuyện bàn tán về Diệp gia. Đánh xong hắn lại hùng hùng hổ hổ rời đi, mà một lần này đi là đi ngần ấy năm không thèm quay về nữa.

Người dân trấn Cảnh Sơn đều lôi Diệp Hoành Đào ra như một tấm gương xấu để giáo dục cho con cái nhà mình, nếu không phải mẹ Diệp Trì mang Diệp Trì lại đây, Diệp Quốc Thịnh còn nghĩ rằng Diệp Hoành Đào đã chết luôn ở bên ngoài rồi. Nghe mẹ Diệp Trì kể thì cô ta cũng bị Diệp Hoành Đào lừa, Diệp Trì lớn bằng này rồi cũng chưa gặp qua Diệp Hoành Đào được mấy lần, vô cùng đáng thương.

Có điều khi nhìn đến gương mặt giống Diệp Hoành Đào đến vài phần kia của Diệp Trì, Diệp Quốc Thịnh liền thích không nổi, cũng không muốn trả lời câu hỏi của Diệp Trì. Ông lại cầm tẩu thuốc lên hút một điếu nữa, chậm rãi thở ra khói, lại đập cái nõ điếu* lên đá vài lần. Sau vài lần gõ, ông lão hất xỉ thuốc lá ra rồi nhét bọc thuốc vào trong túi áo. Sau đó, ông ho khan hai tiếng rồi cầm tẩu thuốc đứng dậy.

*Nõ điếu là nơi tra thuốc lào vào để hút, thường được làm bằng gỗ hoặc kim loại có khoan lỗ để tra thuốc, và là bộ phận quan trọng nhất, tạo nên tiếng kêu giòn giã khi người ta hút thuốc. 

Diệp Trì cất tiếng nói: "Ông ơi, hút thuốc không tốt cho sức khỏe đâu."

Diệp Quốc Thịnh liếc mắt nhìn Diệp Trì một cái, không nói gì cả, đem cái tẩu thuốc treo lên bên hông, quay người bước vào gian phòng cỏ. Trong phòng để đầy rơm là rơm, ông lão lấy một ít ra, lại bước vào căn phòng mà Diệp Trì mới ngủ lúc nãy, mang rơm ném cho con bò vàng trước mặt. Con bò ấy lập tức đứng dậy kêu một tiếng rồi cúi đầu bắt đầu ăn.

Diệp Trì nhìn một lúc, lại tò mò hỏi: " Ông nội ơi, bò ăn cỏ có phải không ạ? Thế thứ nó đang ăn lại là cái gì vậy ông? Là cỏ ạ? Cỏ màu vàng ạ? Cỏ vàng với cỏ xanh là anh em ạ? Ông ơi, con bò to như thế này, ông chỉ cho nó ăn một xíu xiu như này nó có thể ăn no được không? Nếu ăn không no thì làm sao bây giờ?"

Diệp Quốc Thịnh quen một người yên tĩnh đã nhiều năm, đột nhiên bên người xuất hiện một đứa trẻ ríu rít liên tục, ông lão cảm thấy không quen, lại quay người ra khỏi phòng.

Diệp Trì ngay lập tức chạy theo.

Diệp Quốc Thịnh ngẩng đầu lên nhìn trời, mặt trời sắp xuống núi rồi, vừa qua năm mới, băng tuyết cũng mới tan, ngày vẫn ngắn hơn đêm, vì thế mặt trời vừa xuống núi trời liền tối ngay.

Ông lão tuổi tác đã lớn, mắt kèm nhèm,trời tối nhìn mọi thứ sẽ không rõ lắm nên phải tranh thủ trời chưa tối hẳn nhanh chóng nấu cho xong bữa cơm. Vì vậy, ông bước vào phòng bếp.

Phòng bếp nhìn qua khá là sạch sẽ, nổi bất nhất trong gian phòng này chính là cái nồi đất cùng bệ bếp. Đầu năm nay rất nhiều nơi đã chuyển sang nấu bếp ga hoặc bếp từ thì Diệp Quốc Thịnh vẫn duy trì thói quen sinh hoạt từ nhiều năm trước. Cứ đến thời điểm sang thu hàng năm ông sẽ đến dưới chân núi của trấn Cảnh Sơn để gom lá khô cùng củi, rồi dùng xe bò chở về làm vật liệu thổi lửa nấu cơm. Đồ ăn nấu bằng cách ấy so với đồ ăn nấu từ bếp ga bếp từ càng có hương vị khói bếp.

Có điều Diệp Trì không hiểu những thứ này, bé vẫn luôn sống trong thành phố cùng với mẹ, đây là lần đầu tiên vào một vùng thị trấn nhỏ như này, cái gì cũng thấy mới lạ nên bé đi vòng quanh trong bếp để nhìn cái nồi và kệ bếp rồi hỏi: "Ông ơi, đây là cái gì vậy ạ? Cái này dùng như thế nào? Dùng để làm gì ạ?"

Tai Diệp Quốc Thịnh có vẻ hơi nghễnh ngãng, nghe không được lời Diệp Trì hỏi.

Diệp Trì liếc nhìn ông nội bận bịu có vẻ không để ý tới mình, bé liền kiềm chế bản thân không hỏi nữa, đứng tại chỗ nhìn Diệp Quốc Thịnh rửa tay, lại nhìn Diệp Quốc Thịnh nhặt rau cải, rửa rau cải, hành cùng với gừng. Sau đó bé lại thấy ông lấy dao ra thái hành với gừng. Tiếp đó ông lấy từ trong ngăn tủ bếp ra một cái túi rồi lấy từ trong túi đó ra một ít sợi mỳ khô. Lấy xong ông lại tiếp tục ngồi xuống nhóm bếp rồi lại đứng lên xào rau.

Một bên vừa nhóm lửa vừa đứng dậy xào rau, lá khô trong hốc bếp dường như sắp rơi ra ngoài rồi. Diệp Trì bỗng nhớ tới lời bà lão hàng xóm trước kia từng nói với bé rằng lửa rất nguy hiểm, có thể đốt cháy rụi cả căn phòng. Vì vậy, bé ngay lập tức tiến lên, học theo Diệp Quốc Thịnh, nhét những chiếc lá cây sắp rơi ra ngoài quay trở lại vào trong hốc bếp. Vừa không để ý một cái, ngón tay liền bị bỏng, bé kêu lên một tiếng, cúi đầu nhìn ngón tay mình một cái, đỏ lên rồi, đau quá! Bé tự lấy tay ấn ấn vào áo, lại quay lại nhìn thấy lá cây trong hốc bếp đã cháy gần như hết rồi.

Bé muốn học theo ông nội mình dùng kẹp gắp than kẹp lá cây nhét lại vào trong hốc bếp, có điều bé không biết dùng kẹp gắp than nên chỉ có thể dùng tay, có điều lần này sợ sẽ bị bỏng tiếp nên bé để nắm lá cây đặt trước hốc bếp rồi dùng gậy gỗ đẩy cả vào.

Trong màn hơi nước bốc lên trắng xóa, Diệp Quốc Thịnh thả mì sợi vào đậy nắp lại, liền nhìn thấy một bóng dáng bé nhỏ đang ngồi trước bệ bếp, cậu bé ấy đang rất nghiêm túc nhóm lửa, ánh lửa chiếu lên làm khuôn mặt bé nhỏ hồng hồng.

Có thể do ngồi trước bếp khá nóng mà thân nhiệt trẻ con vốn dĩ đã cao hơn so với người lớn nên trên trán tiểu Diệp Trì đổ rất nhiều mồ hôi, Diệp Quốc Thịnh vừa mới mềm lòng được một chút, lại nhìn thấy bóng dáng Diệp Hoành Đào từ trên mặt Diệp Trì, ông lão lại không vui nổi.

"Đứng dậy đi, để ông nhóm bếp cho." Diệp Quốc Thịnh đi tới trước bệ bếp.

Diệp Trì ngẩng đầu nhìn Diệp Quốc Thịnh một cái, thấy mặt ông không có biểu cảm gì, bé buông gậy gỗ trong tay ra, đứng dậy bước tới bên cạnh nhìn Diệp Quốc Thịnh nhóm lửa, mãi cho đến khi mì sợi được nấu chín.

Diệp Quốc Thịnh gắp ra một bát nhỏ đưa cho Diệp Trì, bên ngoài trời lạnh, Diệp Quốc Thịnh cũng không muốn ra bàn cơm ăn mà quyết định ngồi luôn ở phòng bếp ăn. Diệp Trì theo ông cũng ngồi ăn luôn. Từ trước đến nay bé chưa được ăn bát mì nào ngon như vậy, đã thế còn đang nóng hôi hổi. Bình thường đi theo mẹ thường xuyên ăn cơm hộp hoặc tự bé sẽ pha mỳ tôm ăn. Có điều một bát nhỏ như vậy bé ăn không no, mà bé cũng không dám mở miệng xin thêm một bát nữa, đắn đo một hồi, liền cầm bát đũa mang tới bồn nước định rửa.

Diệp Quốc Thịnh mở miệng nói: " Để đó đi, để ông rửa."

Diệp Trì quay lại nhìn Diệp Quốc Thịnh một cái, buông bát đũa đứng bên cạnh nhìn Diệp Quốc Thịnh rửa bát, bé cứ luôn nhìn và đi theo ông nội mình như vậy.

Diệp Quốc Thịnh đi vào gian phòng cỏ, bé liền đi theo vào phòng cỏ.

Diệp Quốc Thịnh cho gà ăn, bé cũng đi theo nhìn ông cho gà ăn.

Diệp Quốc Thịnh quay lại phòng bếp, bé lại đi theo về phòng bếp.

Diệp Quốc Thịnh nấu nước ấm rửa mặt rửa chân, bé liền đứng bên cạnh nhìn.

Diệp Quốc Thịnh hỏi: "Cháu có muốn rửa không?"

Diệp Trì nhanh chóng gật đầu: " Có ạ."

Diệp Quốc Thịnh múc nước cho Diệp Trì để bé tự rửa tay chân, bé còn tự mình giặt sạch đôi tất của mình nữa. Có điều dáng người thấp bé nên làm thế nào cũng không treo tất lên giá phơi quần áo được, chỉ còn cách cố hết sức đem móc đôi tất vào phần rìa của cái giá phơi quần áo rồi sau đó lảo đảo xách chậu nước rửa chân mang đi đổ.

Nhìn thấy Diệp Quốc Thịnh bước vào phòng có con bò lúc nãy, bé cũng chạy theo vào, bé nghĩ rằng cuối cùng ông nội cũng chịu nói chuyện với mình, vô cùng phấn khởi hỏi ông: "Ông ơi, sao ông lại ngủ cùng phòng với bò hả ông? Phân bò không thối sao?"

Diệp Quốc Thịnh thở dài một tiếng, nói: "Ngủ đi"

Diệp Quốc Thịnh cởi cái quần bông mình đang mặc, ngồi lên giường, nâng chăn lên dịch người một chút rồi đặt mình vào trong chăn. Căn phòng trong nháy mắt liền yên tĩnh hẳn. Một lúc sau lại nghe được âm thanh con bò trong góc phòng nhai cỏ, âm thanh phảng phất đem theo sự thỏa mãn vì được ăn no uống say.

Diệp Trì đứng cạnh mép giường, nhìn chiếc điện thoại đang đặt đầu giường, chiếc điện thoại mãi mà không kêu, một lúc bé lại ngửa mặt lên nhìn cái bóng đèn đang tỏa ra thứ ánh sáng mờ nhạt trên nóc nhà, trong lòng có chút buồn bã. Ngoài phòng chợt có một cơn gió lạnh thổi qua đập vào cửa sổ, bé bỗng nhiên thấy sợ, vội cởi giày với quần áo ngoài, chui vào trong chăn, nằm cạnh bên chân Diệp Quốc Thịnh.

Mới vừa nằm xuống, bóng đèn trong phòng "Bụp" một tiếng rồi tắt hẳn, cả căn phòng tối đen khiến thính giác của Diệp Trì càng thêm nhạy bén, bé nghe được tiếng gió đang gào thét ngoài cửa sổ, cảm nhận được cái lạnh ngay cả khi nằm dưới một lớp chăn vừa dày vừa nặng, bé mở to hai mắt nhìn ra phía ngoài cửa sổ, nhìn qua khe cửa hẹp thấy những cành cây lay động trong gió, càng thêm phần heo hút, cảm giác mùa đông lại càng thêm lạnh.

Bé cũng thấy chính mình cũng vô cùng lạnh, lạnh đến mức khiến bé nhớ mẹ vô cùng. Tuy mẹ bé thường xuyên bận rộn, mỗi ngày không phải là để bé một mình ở nhà thì là đưa sang nhà hàng xóm nhưng dù gì đó vẫn là mẹ của bé. Bé còn được bà lão hàng xóm dạy cho học cách ghép vần. Rồi một lần đọc một quyển sách thiếu nhi, trong sách có nói "Mẹ" chính là từ đẹp nhất trên thế giới này.

Mẹ ơi!

Diệp Trì rất nhớ mẹ mình. Trong bóng đêm bé im lặng không nói một lời nào, chỉ chằm chằm nhìn về phương hướng điện thoại, một mực nhìn vào đó. Mà người đang nằm bên cạnh chiếc điện thoại, ông lão Diệp Quốc Thịnh cũng chưa ngủ.

Mấy năm trở lại đây, tuy rằng một nhà thằng con cả Diệp Hoành Vĩ luôn muốn kiếm chút lợi lộc từ trên người ông lão. Nhưng tiền của ông lão đã từ lâu trợ cấp hết cho bọn nhỏ rồi, cũng không còn tiền. Có lẽ vì thế nên ngày tháng còn có vẻ yên bình. Mấy năm nay ông tự nghĩ chính mình từ trồng trọt bán rau linh tinh để tự mình tích cóp tiền mua cho mình một bộ quan tài. Dù gì cũng sắp đến lúc xuống dưới tìm người bạn già của mình rồi, cũng không dám trông mong vào mấy đứa nhỏ được cái gì.

Suy cho cùng, người già rồi, dễ gây phiền phức cho người khác.

Bọn nhỏ trưởng thành rồi, chính mình cũng phải gánh vác gia đình nhỏ của mình. Chỉ là không ngờ tới một ông lão đến tuổi gần đất xa trời như mình lại đụng phải đứa bé Diệp Trì này, giờ không biết nên làm gì mới tốt đây?

Ông lão tự biết mình già rồi, sống không biết được thêm mấy năm nữa. Từ câu chuyện của Diệp Hoành Đào, lòng ông lão cũng đã lạnh rồi, cũng không còn niềm tin gì với thứ gọi là nuôi con để trông cậy lúc về già nữa.

Lúc còn trẻ, ông lão bận rộn coi nhẹ việc giáo dục quan tâm con mình, luôn tự cảm thấy con của mình mà, dù gì thì cũng sẽ luôn đối xử tốt với mình tốt thôi. Còn chính mình cho dù bận rộn cũng là vì muốn lo cho con mình được cải thiện cuộc sống, được nhận sự giáo dục tốt hơn, con cái lớn rồi ắt sẽ tự hiểu ra những điều này.

Chỉ là không thể ngờ tới.....Ông lão tự cảm thấy mình giáo dục con cái vô cùng thất bại, cũng không đảm đương nổi trọng trách dưỡng dục Diệp Trì. Nếu thế thì để cho đứa con cả đưa Diệp Trì đi thôi, đi đâu cũng được.

Haizzzzz!

Diệp Quốc Thịnh thở dài trong lòng một tiếng vô cùng nặng nề. Cử động một chút lật người nằm nghiêng. Chính trong lúc này dường như ông nghe thấy tiếng khóc thút thít. Ông nghĩ mình ù tai rồi, không để ý nữa nhắm mắt lại, bắt đầu hơi buồn ngủ. Được một lúc lại nghe thấy một tiếng khóc yếu ớt, nhỏ như tiếng mèo kêu vậy.

Có chuyện gì vậy?

Diệp Quốc Thịnh nín thở, cẩn thận lắng tai nghe, quả nhiên ngoài tiếng bò đang nhai lại cỏ, ông thực sự nghe thấy tiếng khóc, đó là tiếng khóc của một đứa trẻ, tiếng khóc vô cùng thương tâm. Ông từ từ ngồi dậy, cẩn thận xác định phương hướng của tiếng khóc. Trong phòng tối, chậm rãi dời tầm mắt xuống dưới chân mình,ông lão chắc chắn khẳng định tiếng khóc là từ dưới chân mình phát ra.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#dammei