Chương 1: Thiếu niên có vấn đề ở tầng dưới

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Thành phố Ninh độ tháng 8 đương lúc nóng nhất, thời tiết y hệt lò luyện đan của Thái Thượng Lão Quân. Ve sầu trên cây hoa mộc ngoài khung cửa sổ nửa sống nửa chết vì cái nóng, căng họng kêu cả một buổi chiều. Bàn của Tưởng Tự ngay cửa sổ, ve kêu đến mức cậu thấy hoa mắt chóng mặt. Chữ trên tờ báo tiếng Anh trước mặt trông như hạt mè, cuối cùng chẳng thể đọc vào đầu chữ nào sau hai tiếng ngồi đó, cậu ngẩng đầu gào to gọi mẹ.

"Mẹ — mẹ ơi —"

Tưởng Tự xướng, ve ngoài cửa sổ hoạ, chừng như sung sức hơn cả bầy ve.

Cô Hứa Đình Nhu đang ở trong phòng khách, vừa nhặt rau vừa xem bộ phim tiên hiệp nổi nhất mùa hè năm nay. Tưởng Tự xem cùng mẹ một chốc, tên nhân vật trong phim rất dài, cậu không nhớ nổi. Hứa Đình Nhu rất nhập tâm, con trai gọi làm cô thấy khó chịu lắm: "Trời nóng chảy mỡ mà gọi hồn mẹ làm gì!"

Tưởng Tự thò đầu ra khỏi cửa phòng mình, nhõng nhẽo ăn vạ với mẹ: "Khi nào ăn cơm vậy mẹ, con đói."

Hứa Đình Nhu xem giờ, thấy mới 4 giờ chiều là cô đã biết Tưởng Tự chỉ đang chán thôi. Cô thờ ơ trả lời: "Đợi ba con về rồi nói."

"Ba con đi đâu rồi?"

"Lên trường chứ đâu. Sắp khai giảng, trường học yêu cầu tất cả giáo viên đến trường sớm để họp."

Hứa Đình Nhu nói xong thì ngoảnh đầu quan sát Tưởng Tự: "Bạn Tưởng Tự, hết kỳ nghỉ hè là bạn lên lớp 11, một năm nữa là học lớp 12 rồi, bạn đã chuẩn bị xong chưa?"

Mẹ cậu kéo dòng thời gian đi xa quá, còn tận mười ngày nữa mới hết kỳ nghỉ hè. Tưởng Tự không lo xa như mẹ mình, cậu chỉ biết pha trò: "Lúc nào con cũng chuẩn bị, chỉ mong sao ngày mai thi Đại học ngày mốt có kết quả, rồi dán giấy báo kết quả trên mục tuyên truyền ở bệnh viện cộng đồng chỗ mẹ làm để mẹ nở mày nở mặt."

Mẹ ruột nhìn đứa con mười sáu tuổi của mình là thấy phiền, Hứa Đình Nhu liếc cậu: "Thôi, mẹ đã đủ mất mặt vì học kỳ trước năm lớp 10 con thi được hạng năm mươi rồi, đi giặt giày của con trước đi."

Học kỳ trước Tưởng Tự thi tệ thật, hễ nhắc đến việc này là cô Hứa khó chọc hẳn. Tưởng Tự ngoan ngoãn nhận lệnh, giặt đôi giày chơi bóng màu trắng cho sạch, dùng giấy vệ sinh quấn hết vòng này đến vòng khác rồi xách ra phơi ngoài ban công.

Nhánh hoa trà sum sê cản mặt trời chiều gay gắt, chỉ còn những vệt sáng với kích thước khác nhau rọi xuống ban công.

Nơi này vốn là khu nhà cũ của cơ quan Nhà nước nào đó, sau này cơ quan di dời thì được sửa thành khu dân cư. Ban công của khu chung cư cũ là kiểu bán mở, được bao quanh bởi một hàng rào thép bán rỗng, trên ban công có một mặt bàn rộng rãi. Đồng chí Tưởng Chính Hoa dắt theo con trai trồng một mớ hoa cỏ, nào cúc dại, hồng Trung Quốc, sen đá, dạ lan hương... nhưng chẳng còn được mấy cây sống sót. Trong đó gốc thường xuân mà Tưởng Tự tiện tay trồng lại phát triển tốt nhất. Tưởng Tự hết lòng chăm sóc như trân bảo, cành lá xum xuê, mới không để ý chút thôi là cây đã bò xuống tầng dưới, hại cậu phải đi xin lỗi.

Hộ gia đình ở tầng hai trước đây là một cặp vợ chồng già đã nghỉ hưu, không những không giận mà con khen Tưởng Tự chăm tốt, muốn xin cây con. Về sau cậu chưa kịp chiết cây con thì ông bà đã chuyển nhà, nói là con gái làm việc trên tỉnh rồi đón ba mẹ qua đó, căn phòng này luôn để đó cho thuê.

Tưởng Tự đặt giày kế bên giàn thường xuân. Trời quá nóng, cậu chỉ mặc áo thun màu trắng và quần năm tấc, vì mới giặt giày nên trên quần áo còn vương nước. Tưởng Tự lười thay, đứng phơi trên ban công cho khô, phơi được mấy phút thì nghe tiếng còi xe gần đó.

Tưởng Tự thò đầu nhìn, dưới bóng cây long não, một chiếc xe chở hàng cỡ nhỏ hãng Ngũ Linh đang từ xa lại gần, cuối cùng dừng lại dưới chung cư đơn nguyên[1].

Thùng hàng trên xe chất đầy nhóc, trông giống hành lý và một ít nội thất nhỏ. Sau khi xe dừng hẳn, cửa trước xe kêu hai tiếng "cạch cạch", một cậu trai nhảy xuống trước.

Đối phương mặc áo sơ mi tay ngắn màu xanh lam và quần jeans. Trông hắn rất gầy, cũng rất cao, chạc tuổi cậu. Mái tóc được cắt ở độ ngắn mà trưởng phòng giáo vụ nào cũng hài lòng. Nhưng hắn không ngẩng đầu, Tưởng Tự không thấy rõ mặt mũi, chỉ có thể loáng thoáng nhìn thấy đường nét góc nghiêng mượt mà.

Tưởng Tự nhìn hắn nhảy xuống xe rồi quay người, hơi giang rộng hai tay hướng về phía trên xe, đón lấy một cô bé chừng sáu bảy tuổi.

Trời oi bức, cô bé mặc một chiếc váy liền thân tay dài màu xanh da trời, cột tóc đuôi ngựa, ngoan ngoãn cho cậu trai ôm rồi đặt em trên bậc thềm chung cư đơn nguyên. Cùng lúc đó, một người phụ nữ bước xuống từ chỗ ngồi bên kia, trông có vẻ lớn hơn Hứa Đình Nhu mấy tuổi, rất gầy, mặc áo tay dài và quần dài. Cô dắt bé gái từ tay cậu trai, từ từ đi vào toà nhà, một lúc sau, Tưởng Tự loáng thoáng nghe thấy tiếng mở cửa dưới tầng hai.

Cậu trai không theo vào, hắn cởi áo sơ mi, tiện tay vắt lên cửa xe, chỉ mặc một chiếc áo ba lỗ màu trắng, bắt đầu nhanh nhẹn dỡ đồ đạc trên xe xuống chuyển vào tòa nhà.

Bốn năm chiếc túi vải bạt màu xanh trắng, thùng giấy lớn nhỏ khác nhau, chăn mền tủ gỗ hộp đựng đồ,... đều do mình hắn chuyển vào. Tài xế ngồi trên xe khoanh hai tay, có lẽ không thầu cả dịch vụ chuyển đồ. Giữa chừng người phụ nữ nọ có ra lấy những món đồ nhỏ mấy lần, cậu trai kia nói hai câu, giọng rất nhỏ, Tưởng Tự chỉ nghe thấy "mẹ trông con bé là được rồi."

Thế là người phụ nữ kia không ra nữa, tốc độ của cậu trai rất nhanh, Tưởng Tự vào bếp lấy một cái bánh sữa nho nhỏ rồi trở ra ban công đứng ăn. Đợi đến khi cậu ăn miếng cuối cùng, đối phương đã chuyển hết đồ, đứng trước cổng chung cư đơn nguyên trả tiền cho tài xế. Hắn còn cầm theo hai chai nước, đưa cho đối phương một chai.

Trông theo xe chở hàng rời khỏi khu dân cư, Tưởng Tự thấy người dưới lầu chưa vội về ngay mà vặn mở chai nước suối trong tay, khẽ ngẩng đầu uống nước.

Chắc hắn rất mệt, uống một hơi hết nửa chai. Lúc hắn giơ tay uống nước, Tưởng Tự mới nhận ra mặc dù đối phương gầy nhưng đường nét cơ bắp trên tay rất đẹp, trông rất bắt mắt.

Thứ bắt mắt hơn nữa là vết sẹo trên mặt bên tay phải của đối phương, vết sẹo thuôn dài, trông như bị dao cắt, mới vừa để lại sẹo, mướt lớp mồ hôi mỏng nên ửng đỏ, trông hơi đáng sợ. Bây giờ Tưởng Tự mới thấy.

Vãi, Tưởng Tự nghĩ, thiếu niên mới chuyển đến ở tầng dưới có vấn đề.

Cậu nhìn chằm chằm đối phương hơi lâu, người dưới lầu đưa chai nước trong tay xuống, từ tốn vặn nắp chai, ngước mắt nhìn Tưởng Tự ở trên lầu.

Tưởng Tự không kịp né nên va phải ánh mắt rét lạnh của đối phương và cũng thấy rõ toàn bộ diện mạo của đối phương.

Gương mặt ấy rung động lòng người, nhất là đôi mắt, đen láy, hờ hững, như nhìn thấu Tưởng Tự trong thoáng chốc.

Bỗng dưng Tưởng Tự cảm thấy dáng vẻ mình cầm que kem trông hơi đần độn, nhưng cậu cũng chỉ có thể căng da đầu mà gật đầu với người ta, chủ động chào hỏi đối phương.

"Hi, tôi sống ở tầng trên."

Chuyện này còn phải nói nữa à, cậu đứng trên ban công tầng ba cơ mà. Thông tin sờ sờ trước mắt khiến câu nói của cậu có vẻ hơi thừa thãi và văn vở. Tưởng Tự vẫn đang do dự có cần giới thiệu bản thân hay không thì đối phương đã thôi nhìn, chẳng nói chẳng rằng mà đi thẳng vào lối vào. Ngay sau đó, Tưởng Tự nghe thấy tiếng đóng cửa "rầm".

Tưởng Tự hoàn hồn, trợn to mắt tỏ vẻ không thể tin nổi — Gì vậy, cậu ta chảnh choẹ quái gì?

Tưởng Tự bĩu môi, quay người vào phòng khách. Một bộ phim truyền hình vừa kết thúc, Hứa Đình Nhu tranh thủ nhìn cậu một cái: "Con đứng ngoài ban công lâu thế làm gì?"

"Không làm gì hết ạ." Tưởng Tự vẫn canh cánh trong lòng thái độ vừa rồi, cậu ngã lên sô pha: "Có người chuyển vào tầng hai."

"Vậy à?" Hồi nãy Hứa Đình Nhu có nghe loáng thoáng tiếng xe, dẫu sao cũng là hàng xóm tầng dưới, cô tò mò hỏi thăm: "Ai thế, con thấy thế nào, có dễ ở chung không?"

Tưởng Tự định nói một câu chung chung như "cực kỳ kém" để trả lời hai câu hỏi "thấy thế nào" và "có dễ ở chung không". Nhưng chỉ mới nhìn bề ngoài thì không đưa ra bình luận như thế được, vậy nên cậu nhấn mạnh: "Trông cũng được, nhưng ý thức bình thường, rất bất lịch sự."

Một câu ngắn gọn cung cấp hai câu trả lời khác nhau một trời một vực đã khiến Hứa Đình Nhu thấy lạ. Kết quả buổi tối, hàng xóm lầu dưới nghe đâu rất bất lịch sự lại tìm đến.

6 giờ tối, một nhà ba người Tưởng Tự mới ăn cơm.

Cơm tối do Hứa Đình Nhu xuống bếp, vậy nên sau bữa ăn đồng chí Tưởng Chính Hoa lau nhà lau bàn, bạn học Tưởng Tự rửa chén, hai cha con mỗi người đeo một chiếc tạp dề năng nổ làm việc nhà dưới sự sắp xếp của cô Hứa Đình Nhu, vừa dọn dẹp xong thì có tiếng gõ cửa vang lên.

Khu chung cư kiểu cũ không lắp chuông cửa, tiếng gõ cửa vang lên ba lần, Tưởng Tự lau sạch tay rồi ra khỏi nhà bếp, khi ấy Hứa Đình Nhu vừa mở cửa ra.

Ngoài cửa là người phụ nữ vừa chuyển đến chiều nay, cô vẫn mặc quần dài áo tay dài nhạt màu, tóc được kẹp sau đầu bằng một chiếc kẹp màu đen, để lộ gương mặt gầy yếu sạch sẽ. Cô xách một túi táo bên tay phải, dắt một bé gái bên tay trái.

Cô cười với Hứa Đình Nhu, khoé mắt có ít nếp nhăn mờ mờ, trông cả người hơi mất tự nhiên, giọng khẽ và chậm.

"Chào chị, tôi mới chuyển vào tầng dưới."

Hứa Đình Nhu và Tưởng Chính Hoa lập tức nhiệt tình chào hỏi cô, niềm nở mời cô vào ngồi, Tưởng Chính Hoa còn ngoảnh đầu gọi Tưởng Tự: "Tưởng Tự, qua chào cô đi con."

Tưởng Tự bước qua nói "con chào cô." Cậu không kìm được liếc mắt nhìn lối vào, có hai người đến, không có cậu trai lúc chiều.

Trước sự thúc giục ngày càng niềm nở của hai vợ chồng nhà họ Tưởng, thậm chí người phụ nữ ngoài cửa gần như thoáng hoảng loạn: "Dạ thôi dạ thôi, tôi chỉ lên chào anh chị một tiếng. Chúng tôi vừa chuyển vào, có lẽ tiếng dọn dẹp đồ đạc hơi lớn, làm phiền anh chị rồi."

Nói rồi người phụ nữ đưa táo trên tay cho Hứa Đình Nhu, kiên quyết bảo cô nhận lấy.

Hứa Đình Nhu nói mấy câu từ chối, thấy thái độ đối phương vẫn kiên quyết, cô chỉ đành nhận lấy, thầm nói chẳng phải ý thức của người ta rất cao à, con mình biết bịa chuyện nói dối rồi. Cô mau miệng đáp lại: "Không sao, dù khu chung cư này cũ nhưng cách âm vẫn tốt, chúng tôi không nghe gì cả — Chị đã dọn đồ xong chưa, không thì để ông Tưởng nhà chúng tôi qua giúp nhé."

Đồng chí Tưởng Chính Hoa ở kế bên đã làm nghề giáo được gần hai mươi năm, có cảm giác thân thiết trời sinh với trẻ con. Thầy khom lưng hỏi: "Bé ơi, con tên gì?"

Trên mặt cô bé có sự căng thẳng do lần đầu gặp người lạ, em cúi chào hai người, trả lời: "Con chào cô chú, con tên Trì Nhuế Nhuế."

"Chào con, Trì Nhuế Nhuế."

Thầy Tưởng lập tức cười tươi như hoa mẫu đơn: "Năm nay con mấy tuổi?"

Trì Nhuế Nhuế trả lời rất mạch lạc: "Dạ sáu tuổi lẻ chín tháng, đến tháng mười hai là con bảy tuổi."

Tưởng Chính Hoa khen liền tù tì mấy câu "ngoan quá" rồi đứng dậy nói với người lớn những chuyện lông gà vỏ tỏi như tài sản điện nước trong khu dân cư. Tưởng Tự đứng một bên làm linh vật, vô tình đối diện với cô bé tên Trì Nhuế Nhuế.

Trên trán em có một lớp mồ hôi mỏng, tóc mái cũng ướt, không biết do căng thẳng hay do nóng — Có khả năng do nóng, thời tiết hơn ba mươi độ, tay áo của cô bé kéo đến tận cổ tay. Đôi mắt em còn đen và sáng hơn cả cậu trai lúc chiều, trông như thuỷ tinh và ngọc trai. Khi đối mắt với Tưởng Tự, em nở nụ cười rạng rỡ với cậu.

"Chào anh ạ, em tên Trì Nhuế Nhuế."

Chao ôi, lễ phép quá.

Tưởng Tự có qua có lại: "Chào em, anh là Tưởng Tự."

Nói xong cậu tiện tay sờ túi, có một gói kẹo sữa chưa mở — Cậu tiện tay lấy lúc mua coca ở siêu thị vào hôm qua.

Tưởng Tự ngồi xổm xuống cho ngang tầm mắt Trì Nhuế Nhuế, lắc gói kẹo hai lần trước mặt em rồi đưa cho em.

Sự tương tác bé nhỏ ấy không bị mấy người lớn đang một lòng trò chuyện phát hiện. Tưởng Tự đưa kẹo cho em và để dành một bên tai để nghe người lớn nói chuyện. Có lẽ người phụ nữ đối diện thấy ngại nên giọng cô rất khẽ.

"... Vừa mới chuyển tới, tôi sợ con bé chạy lung tung mà chẳng có ai quen biết nên đến đây làm quen... Trước khi chuyển tới vẫn chưa tìm được trường học..."

Thầy Tưởng luôn bận lòng việc giáo dục, vừa nghe vậy là sốt ruột hẳn: "Trời ơi, vậy chị phải tìm nhanh lên, sắp khai giảng rồi. Chị đã hỏi mấy trường tiểu học quanh khu dân cư chưa..."

Mấy người lớn thảo luận sôi nổi, không ai thấy động tác của một lớn một nhỏ ở kế bên. Cô bé do dự mấy giây rồi liếc nhìn mặt Tưởng Tự, có lẽ thấy cậu không giống người xấu nên cuối cùng em vẫn nhận kẹo, rồi ngẩng đầu nhìn Tưởng Tự, lịch sự thỏ thẻ một câu: "Cảm ơn anh."

Thật dễ thương, Tưởng Tự cười với em, thầm nói em đáng yêu hơn hẳn thiếu niên có vấn đề hồi chiều.

Một nhóm người đứng trước cửa trò chuyện mấy phút, người phụ nữ kiên quyết không vào nhà. Cô lắc đầu nói: "Trong nhà còn có người đang đợi cơm, tôi phải xuống thôi."

Khách sáo vài câu, một nhà ba người trông theo hai mẹ con rẽ vào khúc ngoặt hành lang rồi mới đóng cửa. Hứa Đình Nhu để táo lên bàn trà: "Hộ mới chuyển tới là một gia đình ba người, cô bé xinh xắn thật."

Cô nghĩ như thế vì nghe được câu "trong nhà có người đang đợi". Tưởng Tự nhìn táo trên bàn, năm sáu trái, không quá lớn nhưng vàng ươm. Cậu vô thức tiếp lời: "Không phải đâu mẹ, người còn lại là một tên nhóc chạc tuổi con."

Tưởng Chính Hoa nghe vậy còn hào hứng lắm: "Chà, vậy nghỉ hè con có bạn rồi, hẹn người ta ra ngoài chơi bóng đi bơi gì đi, tốt hơn nhiều."

Hứa Đình Nhu đằng hắng hai tiếng, liếc mắt nhìn Tưởng Chính Hoa: "Thầy Tưởng, thầy cứ khuyến khích con mình ra ngoài lông nhông đi, học kỳ sau nó lại thi được hạng năm mươi cho thầy coi."

Địa vị và quyền lên tiếng của cô Hứa trong gia đình này là thứ không thể dao động, lần này Tưởng Chính Hoa cũng không dám nói nữa, lén làm mặt xấu với Tưởng Tự rồi nhanh chóng chạy đi giặt cây lau nhà. Tưởng Tự nhủ thầm ba mẹ lo nghĩ thế không biết, người ta còn chẳng thèm nói chuyện với cậu kia kìa.

Nghĩ đến đây là Tưởng Tự không ngồi yên nổi nữa, cậu thong thả bước ra ban công nhìn bé cưng thường xuân của mình, rồi lại cầm lòng không đậu cúi đầu nhìn xuống tầng dưới.

Ban công tầng dưới sáng đèn, từng quầng sáng mờ ảo màu vàng tản ra, soi rọi một vùng nhỏ tối đen giữa không trung.

***

Chú thích:

[1] 单元楼 - Chung cư đơn nguyên: gồm các căn hộ đơn lẻ tập trung quanh một nút giao thông đứng gồm có thang bộ và thang máy. Mỗi đơn nguyên có thể có nhiều loại căn hộ khác nhau (1 phòng ngủ, 2 phòng ngủ... ). Thường mỗi đơn nguyên có từ 4 – 6 căn hộ là hợp lý. Từ những năm 1990, chung cư dạng đơn nguyên dần thay thế cho các dạng khác và trở thành dạng chung cư được xây dựng nhiều nhất hiện nay. Loại hình này có ưu điểm thuận lợi trong việc lấy gió, lấy sáng tự nhiên, các căn hộ có sự riêng tư cao, ít ảnh hưởng lẫn nhau, tuy nhiên lại có nhược điểm vốn đầu tư xây dựng, phí tổn đất đai, chi phí lắp đặt thang máy đều cao, số lượng căn hộ thấp, diện tích phụ lớn.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro