Chương 1. Mưu phản

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Vũ quốc. Năm Thịnh Thế thứ mười hai.

Kim quốc mặt ngoài cúi đầu thần phục bên trong âm thầm chuẩn bị lực lượng đã lăm le ở biên giới giáp Vũ quốc có ý đồ gây chiến. Chủ tướng được chỉ định lần này liên tục cho quân cướp bóc giết người, đặc biệt chỉ làm vào đêm khuya để dân chúng không kịp đề phòng mà tử thương vô số.

Tin tức từ biên giới phía Bắc truyền về đã làm triều đình trên dưới vô cùng phẫn nộ, các quan văn võ đều chủ trương đồng thanh hô "Chiến". Việc quan trọng lúc này là chọn ra một chủ tướng thích hợp. Dưới ý kiến của một số quần thần, Ngũ hoàng tử Cố Vĩnh Hạo vừa thành niên lại chưa có công trạng, chẳng bằng nhân dịp này thử sức để chứng tỏ bản thân. Có người đề cử thì có người phản đối, cho rằng Ngũ hoàng tử chưa từng có hứng thú với binh đao mà chỉ lo an dân trị quốc, một khi thất bại trên chiến trường thì chỉ làm mất mặt hoàng gia. Ngược lại Tam hoàng tử Cố Vĩnh Hy từng tham gia nhiều trận chiến lớn nhỏ, dù chỉ đi theo quân quan sát nhưng chịu khó học tập không kiêu ngạo không siểm nịnh, đây là lúc thích hợp để vì quốc gia và hoàng đế phân ưu.

Sau nhiều buổi thiết triều kết thúc trong tranh cãi đầy trời, Thịnh đế đã quyết định chọn Tam hoàng tử Cố Vĩnh Hy làm chủ tướng, nhận 5 vạn quân đi trước đóng ở huyện Xương Lộc gần biên giới nước Kim. Phó tướng là Triệu Ân và Tống Chiêu hai tuần sau dẫn tiếp tục 7 vạn quân đi tiếp ứng cho Tam hoàng tử.

Vài tháng sau đó tin chiến thắng liên tục vang về.

Vũ quốc. Mùa thu năm Thịnh Thế thứ mười ba.

Tam hoàng tử Cố Vĩnh Hy không phụ sự kì vọng, không những đánh tan tác 10 vạn quân Kim mà còn đem về văn kiện hòa bình có ấn mộc của hoàng đế Kim quốc, cam kết từ nay về sau mãi mãi thần phục dưới chân Vũ quốc.

Tin vui đi thành đôi, long nhan vui mừng. Thịnh đế ban chỉ phong Tam hoàng tử là Nam Cung Vương, cho phép rời cung kiến công lập phủ, thưởng ngàn mẫu ruộng, vạn rương châu báu, nhất thời phong quang vô hạn. Thế nhưng điều không ai ngờ tới nhất là Hoàng thượng thế mà lại tứ hôn gả thứ tử phủ Ngô An Hầu Từ Khiết cho tân Vương gia. Mặc dù Vũ quốc trước giờ vẫn chuộng nam phong, hoàng tử có thể thú nam thê nhưng chưa từng có nam hậu trong lịch sử. Một đạo thánh chỉ giáng xuống đã gián tiếp cắt đứt con đường bước lên đế vị sau này của Nam Cung Vương. Đương nhiên đương sự là Vương gia chẳng vui vẻ gì, nhưng thánh chỉ một khi ban ra thì vô pháp thu hồi.

Biết tin, dân chúng ở kinh thành đều âm thầm tiếc hận thay Từ Khiết. Họ đều nghĩ thân nam tử phải gả cho người khác đã đủ nhục nhã, cho dù có là Vương gia thì cũng chẳng vinh quang gì. Bởi nếu Tam Vương gia còn có tâm tranh giành thì sớm muộn cũng phải hưu "thê". Từ Khiết lại không nghĩ vậy, y ôm trong mình một tia hy vọng nhỏ, một tia mong chờ nhỏ về cuộc sống sau này của mình.

Sự thật vẫn là sự thật, Vương gia không vừa ý Từ Khiết, đêm tân hôn bỏ đi đến phòng Trắc Vương phi ở suốt đêm. Tình huống thờ ơ lạnh nhạt giữa hai người kéo dài rất nhiều năm, khiến y như trở thành người vô hình trong Vương phủ, nhưng Từ Khiết chưa từng một lần phản kháng, chưa từng nổi giận với hạ nhân hay các tiểu thiếp, cũng chưa từng chất vấn Vương gia.

Vũ Quốc. Năm Thịnh Thế thứ mười sáu.

Dực Thành Vương Cố Vĩnh Thiện dâng lên chiết tự buộc tội Nam Cung Vương âm thầm nuôi dưỡng tư quân, ý đồ mưu phản, nhân chứng vật chứng rõ rành rành không thể chối cãi. Hoàng đế nổi giận lập tức ra lệnh giam Cố Vĩnh Hy vào ngục chờ ngày xử tội, đồng thời tước bỏ chức vị Vương gia.

Hoàng thượng vì việc này mà đổ bệnh nghiêm trọng, đã lâm vào hôn mê nhiều ngày. Thái y liên tục thay đổi phương thuốc nhưng chuyển biến cũng chẳng khá hơn.

Trong lúc này, tại ngục giam.

Thái tử Cố Vĩnh Ký vội vã chạy đến nơi giam giữ Tam hoàng tử Cố Vĩnh Hy. Nhìn thấy thảm trạng Tam đệ của mình trong khóe mắt hắn lóe lên vẻ thỏa mãn, nhưng chỉ trong khoảnh khắc đã biến mất. Sau khi cho lui hết binh lính canh gác, hắn mới cất lời "Tam hoàng đệ, ta biết oan uổng đệ rồi. Bây giờ hãy mau rời khỏi đây, đi về phía Tây sẽ có người của ta tiếp ứng, chuyện ở đây để ta. Đệ hãy thu thập chứng cứ tự vệ rồi về bẩm với phụ hoàng sau, người đã ngã bệnh nhất thời chưa thể tỉnh dậy được đâu" rồi đưa một bộ đồ của binh lính canh ngục cho y.

Cố Vĩnh Hy nhìn chăm chăm vào đôi mắt Thái tử, như thể cố gắng nhìn xem câu nào của hắn là thật, câu nào là giả. Thái tử thấy vẻ do dự của hoàng đệ mình liền bồi thêm "Đệ có thể không tin ta, nhưng bây giờ đệ ra khỏi đây đã, rồi suy nghĩ lời của ta cũng chưa muộn".

Phải, ra khỏi cái nơi chết tiệt này trước rồi tính tiếp. Mặc xong bộ đồ được Thái tử đem đến, nhìn hắn vẫn đứng trân trân nơi đó một lần rồi Cố Vĩnh Hy chạy vụt ra ngoài, leo lên lưng ngựa chạy một mạch về Nam Cung Vương phủ.

Thái tử vẫn đứng đó trầm ngâm một lúc, tay xoay tròn chủy thủ lấy ra từ tay áo.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro