#22: Markson_ Dậy đi em (1)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tranh thủ lúc trời còn chưa sáng, khi những nụ hôn còn chưa vụn dại, và khi tình ta còn nồng say.
.
.
.

Đoàn Nghi Ân đem lòng thương Vương Gia Nhĩ khi cả hai gặp nhau trong lớp học buổi sáng năm ba cấp hai nọ. Mà quay lại năm những năm 1980, thời máy tính điện thoại còn chưa phổ biến, thương nhau thì đành viết thư tình trao tay, chịu đại mấy trận cười của đám bạn thôi, chứ biết mần sao giờ?

Nhà nghèo, loay hoay mãi đến năm 8 tuổi, gia đình Đoàn mới lo cho thằng con trưởng đi học được, thành ra anh bị chậm lại hai năm so với bạn đồng trang lứa. Năm Nghi Ân lên năm ba cấp hai thì vừa vặn gặp được Vương Gia Nhĩ. Hồi đó dưới thôn quê, sáng nào cũng đi chăn trâu, đến trưa trời trưa trậc mới lật đật đến lớp, nên thành ra đứa nào đứa nấy đen nhẻm, cớ sao Nghi Ân vẫn bị Gia Nhĩ thu hút.

Vương Gia Nhĩ có hoàn cảnh gia đình khá giả hơn anh một chút, do đó cũng đã được đi học sớm hơn anh. Nói là khá giả nhưng cũng chẳng thuộc dạng giàu sang gì cho cam. Nếu nói nhà Nghi Ân ra đồng gặt lúa đem bán thì nhà Gia Nhĩ đi đốn củi tuốt trên ngọn núi phía Bắc, thêm dăm ba lạng quế má thu hoạch được, nên thành ra thu nhập cũng kha khá, đủ để cho đứa con một đi học.

Đoàn Nghi Ân hôm nào cũng ráng lùa trâu về chuồng sớm, rồi xách bịch vải có mấy tờ giấy dùng làm tập mà vác chân lên chạy, cốt cũng để dành được chỗ ngồi kế Gia Nhĩ. Thương thầm người ta mà cứ ngại ngại, chưa dám thổ lộ cho người ta biết. Thi thoảng tặng Gia Nhĩ trái mận mới hái, lâu lâu tặng cây bút chì anh dành dụm mãi mới mua được, nhẹ nhàng gửi gắm những tình cảm vào trong đấy.

Mà khổ nỗi, không nói ra nên ai kia đâu hay. Vương Gia Nhĩ cũng như bọn con trai khác, cũng biết tương tư mơ mộng về một bạn nữ xinh đẹp đáng yêu, thương ai đó đến nỗi quên cả tiếng trống thông báo giờ về. Nghi Ân gặng hỏi mãi mới biết được, cậu thầm thích chị năm nhất học ca sớm. Hôm nào hai người cũng viết thư hỏi thăm nhau, đôi lúc có gặp nhau trên đường về. Vương Gia Nhĩ hay ngại ngùng kể về chị Diễm đứng trong nắng cười xinh ra sao, về mái tóc nâu cháy nắng hay được thắt lên của chị thơm mùi hoa táo như thế nào. Ánh mắt si tình của thanh niên tuổi mới lớn đều được Nghi Ân đem ghi nhớ lại, cất giữ hết trong tim.

Thôn Sa đầu nắm 1993, kinh tế bùng nổ, thu nhập tốt hẳn lên, cộng với gói bảo trợ của nhà nước nên gia đình nào cũng háo hức gửi con lên thành phố học. Hai nhà Đoàn với Vương cũng bàn bạc tới lui, vay mược thêm mấy đồng tiền, rồi cho Nghi Ân và Gia Nhĩ lên thành phố, mong con mình thành tài quay về báo hiếu.

Ngày đi, Nghi Ân xoa nhẹ tay Gia Nhĩ, hỏi sao cứ đứng mãi nơi cửa bến mà không chịu vô. Gia Nhĩ không đáp lại, chỉ trông ngóng phía xa xa, nơi chị Diễm hay cùng anh hai chị đứng trông tiệm tạp hóa giùm má. Chờ mãi vẫn không thấy dáng chị đến, đành lủi thủi nắm vạt áo sơ mi của anh kéo kéo nhẹ, hối anh vào nhanh, kẻo trễ chuyến. Đoàn Nghi Ân nhìn dáng người nhỏ con của Vương Gia Nhĩ, tự dưng thấy cay cay khóe mắt. Ngót ngát cũng đi được với nhau năm tuổi thanh xuân, đoạn tình cảm cứ thế lớn dần, giờ bảo hết thương cậu cũng không được. Anh cười cười xoa đầu Gia Nhĩ, rồi vác hai cái ba lô sờn cũ lên vai, tay cầm hai vé tàu hạng thường mà sánh vai với cậu đi vào.

Lên thành phố Hoa, cảnh vật khác chốn quê, làm cả hai bỡ ngỡ. Tìm mãi mới được cái ký túc xá giả rẻ gần trường. Tiền phòng cũng khá cao, nên cả hai tiết kiệm, ráng chen chúc trong một cái phòng. May mắn được cái giường cũng rộng, mà tướng tá anh lẫn cậu thì như cây củi, nên không ngại chật, chưa đầy nửa ngày bàn bạc đã nộp tiền đặt cọc, vui vẻ dọn đồ vô.

Đại học D được đứng thứ hạng khá cao, nên hệ thống dạy học cũng tiên tiến hơn. Vương Gia Nhĩ đăng ký khoa kinh tế, còn Đoàn Nghi Ân theo ngành nông nghiệp. Học lĩnh vực khác nhau nên thời gian gặp mặt cũng thưa thớt, thế nên tối về lại ôm lấy nhau kể chuyện trên lớp. Anh xót Gia Nhĩ bị suy dinh dưỡng, nên sáng nào cũng ráng dậy sớm ra chợ mua trứng, thịt, rau về làm đồ ăn. Hồi đó dưới quê cũng hay được má dạy nấu vài món, nên giờ ít nhiều cũng có thể bồi bổ cho cậu ngày đủ ba bữa. Vương Gia Nhĩ thương anh vất vả, tối thức khuya hoàn thành việc nhà giúp anh, rồi mới leo lên giường gỗ ngủ.

Thành phố Hoa ở khu vực phía Bắc, xa xích đạo hơn thôn Sa, nên lúc trời chuyển đông đã xuống mười mấy độ. Hai người làm việc thêm mãi mới mua thêm được hai cái áo khoác giữ ấm. Cơ mà Nghi Ân xót Gia Nhĩ, lúc nào cũng nhường cậu hết hai cái áo, còn mình thì tròng thêm mấy lớp áo thun vào, cứ thế đến lớp. Vương Gia Nhĩ thấy anh vất vả, thương anh lắm, cằn nhằn anh miết.

"Anh nói thật, không lạnh. Có em mới là người cần lo cho ấy. Coi kìa, lên phố công nghiệp tiện nghi, đầy đủ thịt cá mà tướng cứ ròm riết, gió thổi một cái, để coi lúc đó ai than lạnh"

Vương Gia Nhĩ bị anh nói, cũng trề môi ra giận hờn. Nhưng Nghi Ân nói không ngoa, từ hồi lên thành phố, anh hay đi khuân vác thuê, nên dáng người cũng to lớn rám nắng, chả bù với Gia Nhĩ hay bưng bê thức uống, người nhỏ con trắng trắng, nhưng được cái nhanh nhẹn. Vương Gia Nhĩ có mấy lúc rờ rờ cơ bắp mới nổi của Đoàn Nghi Ân, hỏi anh sao có được hay thế. Mỗi lần như thế, Nghi Ân lại có dịp chọc Gia Nhĩ, bảo em ăn nhiều ớt chuông vô là được liền.

Ai mà chả biết Vương Gia Nhĩ ghét cái mùi của ớt chuông như thế nào.

Qua được năm nhất đại học, Đoàn Nghi Ân càng được nhiều nữ sinh biết đến với dáng người đẹp, học giỏi. Lễ Tình nhân không biết bao nhiều người gửi gắm thư tình, bánh kẹo, mong được là người của anh. Ấy thế, tính Nghi Ân cứ hiền lành, không tinh ý như Gia Nhĩ, nên chả biết tâm ý của người ta, mấy lần nhận quà rồi rủ người ta đi ăn trả ơn, khiến cô gái nào cũng mộng tưởng. Vương Gia Nhĩ thấy không ổn, lúc nào cũng bảo anh cẩn thận hành động lời nói, còn có hay đi lon ton theo anh chỉ dẫn, mà vẫn không giúp được gì nhiều. Người thích Đoàn Nghi Ân càng nhiều, dẫu cho có bao lần thất vọng.

Vương Gia Nhĩ tính hơi hướng nội, vòng bạn bè ngoài anh ra chỉ biết thêm Kim Hữu Khiêm - nam thần khoa kinh tế. Tính Gia Nhĩ khép kín nhưng lại rất tinh tế nhanh nhẹn, nên đa số các bạn học đều có thiện cảm với cậu, dăm ba lần rủ cậu đi hội họp nhóm. Mấy khi đó là y như rằng, Đoàn Nghi Ân từ đâu chạy tới, kéo cậu về, bảo cơm nhà đang đợi, khiến Gia Nhĩ đỏ mặt chào mọi người rồi chạy theo anh.

Hai người đi đâu cũng như hình với bóng. Kim Hữu Khiêm đôi lúc chọc Gia Nhĩ, bảo cậu với Nghi Ân còn thắm thiết hơn mấy bộ phim tình cảm khung mười giờ mẹ y hay xem. Gia Nhĩ đẩy kính mắt, không nói không rằng vơ tay lấy lại hộp bánh mới nướng lúc sáng, để một Hữu Khiêm kéo kéo ống tay áo mè nheo đòi lại. Mãi đến khi giáo sư vào cả hai mới ngồi ngay ngắn, bỏ qua vành tai đang nóng lên của cậu.

Vào dịp nghỉ cuối năm, Vương Gia Nhĩ cùng Đoàn Nghi Ân dọn đồ, đón chuyến tàu về lại dưới thôn Sa. Một năm không gặp phụ mẫu, hai nhà nước mắt rưng rưng đón con mình về. Hỏi han tình hình trên thành thị mới hay Đoàn Nghi Ân là trưởng nhóm đội bóng rổ đại diện của trường, trong khi Vương Gia Nhĩ đã thành công ứng cử chức hội trưởng hội học sinh. Nhà Đoàn với nhà Vương mừng khôn nguôi, thiếu điều chạy ra đầu thôn đi khoe từng nhà. Vương Gia Nhĩ xấu hổ, bảo mẹ đừng như thế, khiến hai nhà cùng Nghi Ân cười trước hành động đáng yêu của cậu.

Chiều đêm ba mươi mốt, Vương Gia Nhĩ đạp xe ra bờ hồ đứng ngó sang bên kia cậu, nơi tiệm tạp hóa của chị Diễm còn sáng đèn. Mẹ cậu nói ba chị Diễm, tức là chú Tí, bị ung thư não giai đoạn đầu. Chữa thì được, mà khổ nỗi phí mắc quá. Mẹ chị với chị lo không nổi, đành phải dựa vào anh trai cả đang ở thành phố Lệ - một thành thị khác nổi tiếng về công nghiệp xuất khẩu. Vương Gia Nhĩ đã gặp chị Diễm lúc trưa. Chị giờ đã lên hăm mốt. Lúc trước, chị cao hơn cậu hai phân, ấy vậy mà giờ chị thấp hơn cậu hẳn một cái đầu. Người chị ốm hơn lúc cậu đi, hai gò má cao năm xưa cậu luôn yêu thích giờ đã hóp lại. Mái tóc nâu cháy nắng hay được thắt lên gọn gàng giờ thay bằng mái tóc ngắn, để lộ chân mày lưỡi kiếm kiên định. Chị hỏi thăm Gia Nhĩ dăm ba câu rồi lại hối hả chạy ra bến xe lấy hàng bán.

Vương Gia Nhĩ đứng bên ni cầu, nhìn mặt hồ sáng ánh trăng, chợt nhận ra tình cảm mình dành cho chị đã sớm phai nhòa, để lại tình chị em thân thiết. Vương Gia Nhĩ bây giờ vẫn còn bị rung động trước sắc đẹp diễm lệ mà lại kiên cường của chị, nhưng không phải loại rung động thuở ban đầu. Nghe bảo chị với con bác thợ hồ cuối thôn đang say tình nhau, mà nhà đang lận đận nên không thể cưới xin, làm phiền lòng đôi bên.

Vương Gia Nhĩ bỗng dưng thấy thương xóm mình quá, tự dưng muốn mở công ty, hằng năm sẽ về làm công tác cải tạo thôn, giúp công việc nhà ở ổn định hơn. Mặt hồ gợn sóng, vang lại tiếng anh gọi cậu, cùng với tiếng lá xào xạc, vang cả một góc.

"Tiểu Nhĩ, về nhà gói bánh kìa em."

Cậu cười hiền nhìn anh, kì kèo muốn anh đèo về nhà. Đoàn Nghi Ân trước giờ dung túng có mỗi Gia Nhĩ, đương nhiên không hề từ chối.

"Anh ơi, sau này hai đứa mình mở công ty đi anh ha? Mở công ty rồi xuống dưới này phụ mấy cô mấy chú làm việc, chứ em thấy mọi người khổ quá, em xót lắm anh ơi"

Đoàn Nghi Ân im lặng cảm nhận cái ôm của cậu vòng qua eo mình, rồi tự dưng thấy lưng áo bị ướt một mảnh, liền luống cuống chả biết làm sao.

"Anh góp vốn cho, chứ em mình ên sao lo nổi? Em học kinh tế xong ra mở công ty cổ phần, anh chuyên nông nghiệp, có gì sang giúp em."

Đêm cuối năm, sao sáng, ghi lại tấm chân tình tuổi đôi mươi gửi gắm những ước mơ.

Về tới nhà, má Vương hối con ra giếng múc nước đổ vô nồi để luộc thịt trước khi nêm. Nghi Ân với Gia Nhĩ hì hục bưng bốn xô nước đầy vô trong bếp mà mồ hôi nhễ nhại, khiến ai cũng cười xòa. Mẹ anh bảo hai người phải mạnh mẽ mới có cô nào thương, làm Gia Nhĩ nhớ tới mấy bức thư tình ở giảng đường.

"Cô ơi, cô lo chi cho xa. Giảng đường có anh Ân là hotboy đó cô"

Dứt lời, cô em gái mười bảy tuổi đang ngồi đung đưa chân trên phảng chạy vào, hối Gia Nhĩ kể đầu đuôi câu chuyện. Ba Vương khoác vai anh, cười tươi, bảo anh phải biết giữ bản lãnh. Con trai quan trọng nhất là chữ nghĩa với khí chất. Chỉ cần có hai chữ đó là cô nào cũng mê lên mê xuống. Đoàn Nghi Ân cười ngại, quay qua dọa Gia Nhĩ, không cho cậu kể tiếp. Cả căn bếp cứ thế đã mau chóng hòa vào không khí đoàn viên cuối năm.

Đòn bánh tét cuối cùng cũng được bỏ vô nồi. Má Vương thấy hai đứa mí mắt muốn sụp xuống liền hối vào trong buồng mà nằm, bỏ qua sự nài nỉ ngồi canh bánh của hai người.

"Mấy đứa nghe má nói. Cả ngày từ thành phố xuống mệt lắm rồi. Vô thay cái áo cái quần rồi ngủ, lát bảy giờ sớm má kêu dậy xuống bếp phụ nấu cơm"

Đoàn Nghi Ân với Vương Gia Nhĩ cũng không muốn cãi lại lời, đành lủi thủi vô nhà vệ sinh thay đồ. Khổ nỗi, Đoàn Nghi Ân lớn nhanh, mấy bộ hồi trước căn bản không còn vừa, phải mặc tạm cái quần sọoc, còn thân trên thì để trần. Cơ thịt rắn chắc lộ ra khiến Gia Nhĩ ghen tị không thôi. Nhìn lại cái tướng nhỏ con của mình, cậu hận không thể cạp cái thân to đùng trước mặt.

"Ai cho anh to hơn em?"

Đoàn Nghi Ân nghe tiếng Gia Nhĩ càu nhàu cũng chỉ biết cười hiền, rồi giục cậu đánh răng lẹ lên giường ngủ.

Nghe tiếng ếch kêu ngoài mương, cùng với tiếng quạt điện cọc kẹt, Vương Gia Nhĩ cứ thế nhíp mắt lại, chìm vào mộng dài. Nghi Ân nghe tiếng thở đều của cậu, liền xoa lưng lại nhìn. Vương Gia Nhĩ càng lớn càng trắng đẹp hẳn ra. Mái đầu đen tuyền được cậu cắt dạng mái ngố, nom rất đáng yêu . Dáng Gia Nhĩ chui rúc vào chăn vì lạnh khiến Nghi Ân không thể nào ngừng thương cậu nổi, đành nhẹ nhàng kéo người thương vào lòng. Nhịp tim anh đập nhanh, tâm trí rối như tơ vò. Thương cậu chiều cậu thì có, mà Gia Nhĩ có nhận ra không? Nhỡ không rồi lại bỏ anh, đi thích người khác, đến cuối vẫn là anh khổ, có đáng không? Đoàn Nghi Ân nhìn cái xoáy nhỏ trên đầu Gia Nhĩ, tự dưng thấy lo lo. Anh sợ mình thổ lộ sớm sẽ dọa Gia Nhĩ, dù gì cậu cũng nhỏ hơn anh hai tuổi, sự đời chưa mấy hiểu rõ. Cứ cho như được may mắn đồng ý đi, thì ba má có vui nổi không? Năm nay phụ mẫu hai nhà đều lên năm mươi, ai cũng mong mỏi có đứa cháu bồng bế nên đều giục anh với cậu kiếm lẹ một cô bạn gái để yên thân. Tự dưng vợ để sanh con cháu còn chẳng có, mà lại đi dẫn một nam nhân về, có gọi là bất hiếu không?

Đoàn Nghi Ân vòng tay ôm Gia Nhĩ chặt hơn, tự vỗ mình vào giấc ngủ, hy vọng sớm mai thức dậy sẽ là một năm mới hoàn toàn khác.

Mùng một năm 1994, má Vương nấu cả một nồi thịt kho tàu thơm phứt, cùng với canh khổ qua nhồi chả cá cậu yêu thích. Ba Đoàn cùng ba đứa em trai Nghi Ân ra ruộng gặt lúa, để dành ba ký để nấu cơm cho mấy dịp năm mới. Gạo tự trồng nên nhìn thích mắt hơn mấy hạt anh mua trên chợ thành phố. Hạt thon dài lại trắng ngà, ăn có vị hơi ngọt, lại vừa hay có thêm vị đặc trưng của quê nhà. Hai người ở thành phố cũng bận rộn, nói là ngày ba bữa nhưng cũng khá qua loa, giờ đây dược ngồi với ba má canh cơm đầy đủ, khiến lòng con cũng bịn rịn.

Đoàn Nghi Ân ăn xong, rủ Vương Gia Nhĩ lượn lờ qua nhà của mấy thằng bạn năm xưa, tiện thể ghé qua hàng ăn vặt của ông Tư mua mấy gói kẹo một năm chưa được ăn.

Nhà cu Thắng vẫn như lúc trước, vẫn là giàn hoa thiên lý xanh mơn mớn thu hút ánh nhìn của người qua đường. Ba má cu Thắng ly dị từ hồi nó mới lên năm, nên nhà to sân rộng như lại thiếu vắng hơi người. Nay Đoàn Nghi Ân với Vương Gia Nhĩ ghé thăm, làm nhộn nhạo cả lên.

"Uầy, hai chú vẫn dính nhau như sam, thế này sao em gái nào dám lại làm quen?"

Giọng cu Thắng sau vườn vọng ra. Hắn năm nay lên mười chín, dáng người lớn bổng, trông còn vạm vỡ hơn Nghi Ân. Ngũ quan cũng rõ hơn: sống mũi cao cùng với mắt sắc bén đều được hưởng từ mẹ, cùng với lông mày hình cánh cung nghe nói là truyền từ đời ông nội. Hắn bảo hắn đang qua lại với con gái phú ông. Đoàn Nghi Ân biết tướng hắn khổ từ nhỏ, nghe vậy liền động viên hắn rước dâu về nhà, có được nhà sui phụ trợ tiền bạc. Cu Thắng cười lớn, tay cầm xẻng quơ qua quơ lại.

"Mày vẫn là thằng Ân lo thân trước tính nợ sau nhỉ? Tao rước ẻm về thì tao phải lo ẻm ăn sống sung túc, có thể ẻm với tao mới hạnh phúc. Chứ cứ me me mượn tiền nhà sui, ai vui cho nổi mà ơi?"

Đoàn Nghi Ân thương bạn vất vả nên mới đánh liều một câu như thế cho nó vui, ai ngờ nó nói lại như vậy, làm anh tỉnh cả ra.

Phải rồi, thanh niên trai trắng cả rồi, đâu còn ham chơi vô tư như xưa được nữa.

Cu Thắng lắc đầu từ chối khi nghe Đoàn Nghi Ân với Vương Gia Nhĩ rủ qua nhà Tiến Cận, bảo phải bón phân cho rau để có cái làm cháo cho má húp. Má cu Thắng bị bệnh bao tử bẩm sinh, giờ tuổi lớn nên bệnh tình trở nặng, không thể tiêu hóa bất cứ thứ gì ngoài cháo với canh. Gia Nhĩ im lặng nãy giờ, chạy lại dúi vào tay thằng bạn mấy trăm đồng. Dưới quê, với mấy chục đồng có thể đủ cho hai má con cu Thắng sống sung túc được một tháng hơn. Hắn một mực không lấy, làm Gia Nhĩ cũng không còn cách nào khác. Cậu thì thầm nói hắn cứ nhận, mai mốt lên được thành phố thì vào công ty cậu làm, lúc đó cậu sẽ dùng tiền lương để giúp hắn trả món nợ. Cu Thắng nghe vậy mới yên tâm.

Nghi Ân cùng Gia Nhĩ đạp hai con xe cũ kỹ qua nhà Tiến Cận. Ba má nó làm nghề thầy thuốc, cả thôn ai cũng biết đến với tên gia đình Đông Y. Từ căn nhà một buồng giờ có thêm cái buồng thứ hai cùng sân vườn nhỏ. Hỏi ra mới biết chị gái lên thủ đô làm việc thành tài, tình cờ quen được một anh người Pháp. Hai người yêu nhau hơn bốn năm rồi cưới, chuyển hộ khẩu qua Pháp quốc ở, hằng tháng gửi tiền đều đặn về cho nhà.

"Ân với Nhĩ đấy à con? Vào nhà chơi, đứng ngoài nắng nôi chi cho cực?"

Má Tiến Cận năm nay đã trở sáu mươi, trong khi ba nó vẫn còn ở cái tuổi năm tư. Hồi đó khi ra mắt gia đình, hai bên đều phản đối. Thật ra tâm tình phụ mẫu đều muốn con mình cưới vợ nhỏ tuổi hiền lành, gả cho chồng lớn tuổi điềm đạm, có thế mới ấm no. Ba má Tiến Cận mặc lời phản đối, cứ ngang nhiên dắt nhau đi phiêu lưu chốn rừng núi sông hồ, chiều chiều về lại dẫn nhau ra cánh đồng lúa trổ, cùng nhau hát mấy bản tình ca mơ mộng. Bỗng hôm nọ má Tiến Cận trổ bệnh sốt xuất huyết, khiến cả nhà lo sốt vía chẳng biết làm sao. May ra có ba nó làm nghề thầy thuốc được tám năm bên cạnh chăm sóc cổ vũ. Sáng nào ba nó cũng dậy sớm ra rừng hái mấy nhánh thảo dược, rồi chạy về nhà dầm thuốc nấu cháo. Quần quật được một tháng trời thì má nó cũng khỏi bệnh. Hai nhà thấy cảnh con trai con gái mình thương nhau quá, cũng đành xua tay bảo cưới lẹ cho xong, cho vui nhà vui cửa.

Tiến Cận nghe tiếng má nói, liền chạy ra. Một năm hơn mới gặp lại được hai thằng bạn thân chí cốt khiến Tiến Cận suýt chút nữa là khóc, may sao nó bình tĩnh lại kịp. Tiến Cận bị cụt một tay, cũng bởi tai nạn xe cộ khi nó chở thuốc trên tỉnh về. Nó biết nó sẽ khổ vì tướng tá gầy guộc cụt một tay nên ráng học giỏi. Trong khi bạn bè nó ra sông tắm, leo cây hái mận ngọt ăn thì nó nhốt mình trong nhà, ngày đêm mài đèn sách, thành ra cũng phải đeo cái kính cận dày cộm. Giờ nó vẫn gầy, nhưng được cái cao hơn. Vương Gia Nhĩ gặp thằng bạn thân thì mừng đến nỗi cười toe toét, trông vừa khờ vừa đáng yêu.

Ba đứa, Gia Nhĩ đèo Tiến Cận, Nghi Ân đeo cặp sách toàn bánh kẹo của nó, hướng trường mà đạp. Trường Mỹ Trung là ngôi trường lớn nhì trong thôn, lớn nhất là trường tư nhà phú ông tự mở. Mỹ Trung chỉ có một dãy lầu, với mười lăm lớp học, so đại học D thì trường còn nhỏ hơn nhiều. Nói nhỏ hơn chứ vẫn là cảm giác thân thương ngày ấy. Cây bồ đề đứng giữa sân, vẫn to lớn như xưa. Vạn vật đều không đổi, đều mang lại ấm áp ngây dại tuổi học trò. Vương Gia Nhĩ biết tin cô giáo năm cấp ba đã qua đời do tai nạn, nên cũng không đành lòng ghé thăm lớp. Đoàn Nghi Ân biết thế, cũng không ép gì cậu thêm, chỉ lặng lặng khoác vai cậu.

"Chúng mày có định tháng năm về họp lớp nữa không?"

Tiến Cận dùng cánh tay còn lại của nó chỉnh kính mắt. Đã hơn ba năm anh và cậu lần cuối tụ họp với lớp. Khi đó tập thể còn đầy đủ người, giờ người còn kẻ mất, người đi kẻ tiễn, làm Vương Gia Nhĩ cũng không buồn ghé sang ăn nhậu cùng lũ bạn.

"Tùy mày ạ. Nhỡ tụi tao phải làm ba cái dự án thuyết trình này nọ thì chắc phải khất thêm một năm nữa quá."

Nó nghe Nghi Ân nói thế, cũng không hỏi gì thêm. Bác bảo vệ thấy ba người đứng ngẩn ngơ ngoài cổng, cười hiền rủ vào nhà bác chơi. Bác Lân bảo vệ năm nay tóc đã ngả màu bạc, chả bù với hồi bốn mươi khỏe mạnh. Nhà bác từng nuôi năm con chó, hai đen hai vàng một đốm. Bác thương lũ chó như con ruột. Ngày nào cũng cho nó ăn đầy đủ đúng cử còn bác bữa được bữa không. Có mấy người học sinh hỏi bác hà cớ gì phải thế, mai mốt cũng phải bán chúng đi để xẻ thịt làm đám. Bác lúc ấy tức giận đỏ mặt, la chúng nó nuôi động vật để kiếm tiền thì nuôi làm gì, ra lò mổ mua về mấy con chơi cho xong.

"Chúng nó chết hết rồi, già quá mà"

Bác cười, lộ ra hàm răng ngả vàng, trông gẫn gũi lại thân thương. Giờ bác Lân ở một mình, không vợ không con, hiếm lắm mới có người nói chuyện, liền muốn giữ ba người ở lại ăn bữa cơm. Anh và cậu cũng không nỡ nhìn bác lủi thủi một mình, đành nhờ Tiến Cận nhắn lại ba má, rồi vào bếp phụ bác vò cơm.

Nhà bác khá nhỏ, giống như phòng ngủ xây kế trường hơn. Cái bếp đi dã ngoại được bác đặt lên bàn gỗ hướng ra cửa sổ, cùng với hai ba lọ gia vị. Ngay góc nhà là cái tủ lạnh mini mấy đứa học trò thành tài khác tặng, nóc tủ được tận dụng làm chỗ để nồi với chén đũa. Bác có một cái tủ kéo nhựa ba ngăn, mua từ hồi anh và cậu họp lớp lần cuối, tới giờ vẫn còn mới. Chiếc giường được đặt kế bên tử nhựa, quay mặt về phía cửa ra vào. Vật quý nhất trong nhà là cái tivi hình chiếc hộp từng thịnh hằng mười năm trước, được kê lên chiếc tủ nhựa. Nhà không ai chăm sóc nên bác phải tự học nấu cơm. Trứng hầm thịt bằm cùng với tô canh bầu, thêm dĩa cá chiên và dĩa rau muống luộc chấm nước tương, đều do bác một tay làm, anh và cậu chẳng biết phải phụ sao cho phải. Bác Lân cứ bảo hai đứa nghỉ ngơi, mình bác làm là được.

Ba người ngồi giữa nhà, vừa ăn vừa kể về thôn mình thay đổi ra sao, thành phố Hoa lớn như thế nào, chóng đã tới tám giờ. Gia Nhĩ kéo tay áo Nghi Ân, hối anh về, kẻo lát đèn đường tắt hết chả biết đường đâu mà lần.

"Hai đứa cầm hũ củ kiệu về ăn dần. Hiếm lắm mới có người ghé sang chơi, cảm ơn hai đứa nhiều nghen!"

Bác Lân cầm hũ đồ chua bác tự làm đưa cho anh và cậu, còn dặn dò mấy câu rồi mới tiễn hai người đi. Dáng bác gầy gầy, khác hẳn với tướng tá hùng dũng năm xưa, làm hai đứa vừa xót vừa thương bác.

Một năm hơn quay về, cảnh quê thay đổi nhiều quá, khiến lòng người vừa bỡ ngỡ, vừa thân thương.

Ở chơi thêm một tuần nữa, anh và cậu đều luống cuống dọn đồ lên lại thành phố. Ba má hai nhà gói cho Đoàn Nghi Ân với Vương Gia Nhĩ mấy đòn bánh tét, hai hộp canh khổ qua cùng một gà mên thịt lớn, còn dặn lên đó nhớ san sẻ bạn bè, tiện thể thân thêm vào người, hoạn nạn còn nhờ người ta giúp đỡ.

Đoàn Nghi Ân và Vương Gia Nhĩ ngồi trên chiếc xe tải đã cũ của ba Vương, từ từ ra lại ga tàu. Cậu tay cầm bông hoa dại mới hái, vừa mân mê vừa thấy lòng buồn rười rượi. Về quê ăn Tết được một tuần hơn mà sao vẫn thấy chưa đủ. Má Vương năm nay bị bệnh ho lao, uống vài liều thảo dược của má Tiến Cận không biết có đủ không. Chị Diễm lo tối mặt tối mày, không biết có đủ thời gian đi chơi với con bác thợ hồ không. Cu Thắng đã lên mười bảy mà má vẫn bệnh, không biết số sau này có khổ không.

Đoàn Nghi Ân nhìn Gia Nhĩ không nói, chỉ truyền tay cậu ổ bánh mì, bảo cậu ăn lấy sức, rồi lại im lặng cũ.

Ga tàu vẫn như xưa, không có nhiều thay đổi, nếu có khác thì chỉ khác giọng phát thanh viên. Năm đó có chị Lan đôi mươi, giọng thanh mà rõ, giờ đã chuyển sang giọng con bác thợ Hồ, ồm ồm nhưng lại mang cho người ta một cảm giác chắc chắn, an tâm.

Ba Vương nhét ba bốn đòn bánh tét vào ba lô của cả hai, rồi giục anh với cậu lên tàu kẻo trễ. Vương Gia Nhĩ ôm ba hồi lâu, thì thầm vào tai ba Vương điều gì đó mà Nghi Ân không nghe được, rồi cùng anh vào toa số chín. Tàu dần dần chuyển bánh, chốn thôn quê đã sớm trở thành chốn thành thị sa hoa, bỏ lại yên bình giản dị và thay vào một hiện đại bận rộn.

Lúc cả hai về lại phòng cũng đã năm giờ chiều. Đoàn Nghi Ân chạy vội ra ngoài mua giúp cả hai tô cháo bà Bảy đầu phố, để lại Gia Nhĩ ở nhà dọn dẹp nghỉ ngơi.

Vương Gia Nhĩ tắm xong, bước ra đã là bảy giờ bốn mươi. Đã hơn một tiếng từ lúc Nghi Ân ra ngoài và điều này không hề tốt. Tháng mười, trời tối mau hơn. Mặt trời đã lặn lúc sáu rưỡi. Đèn đường đều được bật, nhưng đường vẫn không sáng hơn được bao nhiêu.

Vương Gia Nhĩ tự trấn an bản thân, rằng anh sẽ không sao. Ngồi vào bàn, trước khi cậu kịp lật quyển đề cương sờn cũ, chuông điện thoại đã sớm cắt đứt hành động của cậu.

"Alo?"

"Người nhà cậu gặp tai nạn, tôi đã chở đến bệnh viện Trúc Xuân. Phiền cậu tới gấp!"

______________________________________________

Cắt cắt cắt cắt :))

5050 từ :)))) Tự hào lắm luôn :)) Thật ra vẫn muốn quất một cú dài thiệt dài nhưng mà thôi :v Viết nữa là còn lâu lắm mới hết :v Dự định sẽ có phần hai và có thể lê thê sang tận phần ba, nhưng chưa ai biết được cả :Đ

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro