Chương 1: Paris

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chẳng ai gọi Paris là "chàng". Tôi từng đọc hàng trăm, thậm chí hàng nghìn bài viết về kinh đô ánh sáng của nước Pháp, tất cả đều chọn cho mình một người phụ nữ để nói về Paris. Là cô tiểu thư trong sáng và lộng lẫy, là nàng thơ ngây ngất và diễm lệ, thậm chí là nàng vũ công đầy nhục cảm và đam mê. Tất cả đều là phụ nữ. Thế nên những gì viết về Paris cũng là những gì nhân loại thường viết về phụ nữ: vẻ đẹp và tình yêu.

Tôi là Kim Doyeon, một người con của Hàn Quốc. Tôi sống một mình trong căn hộ nằm ngay thủ đô nước Đức. Em, một cô gái rất đỗi xinh đẹp và dịu dàng, em ở Seoul cách châu Âu hơn nghìn dặm chim bay. Những ngày yêu nhau, tôi và em có hẹn gặp nhau dưới mây trời Paris vào mùa Giáng sinh năm ấy. Bỏ ngoài tai những lời cảnh báo ví tiền có thể không cánh mà bay khi chen chân ở bảo tàng Louvre, bỏ qua những ánh mắt dè dặt khi nói về sự bất ổn của quận 13 với rất nhiều người nhập cư, tôi và em tự nhắn nhủ lòng mình và nhắn với nhau lời hẹn, bằng niềm tin của những đứa trẻ không màng về thế sự, nghĩ đến thành phố cũng chỉ bằng vẻ đẹp và cả tình yêu.
Chúng ta chia tay nhau khi cuộc hẹn ấy còn chưa kịp bắt đầu. Còn Paris, sau đêm chủ nhật tuần rồi người ta ( trong đó cũng có tôi ) đang thắc mắc đến thành phố cho một cảm thức hoàn toàn khác biệt cảm xúc của sự vỡ tan. Cuộc tấn công vào thứ 6 ngày 13 hôm ấy sẽ được ghi vào lịch sử như là một trong những ngày mùa đông đáng quên nhất của Kinh đô ánh sáng...
Những ngày sau tiếng nổ, khắp các nẻo đường Paris trở nên thưa thớt và im ắng đến vô chừng. Đại lộ Champs-Élysées vốn luôn tráng lệ và sầm uất nay chỉ như vệt nước mắt lăn dài trên đôi má của trời đêm. Quán vắng, mưa bụi, phố đông người. Một mùi u uất rất nhẹ lan tỏa khắp thành phố trên những ngọn đèn vàng. Tháp Eiffel, nàng "vedette" của thành phố, cũng cô đơn ngẩn ngơ nhìn Paris không buổi diễn, không đèn nháy, không còn cả tiếng phong cầm mềm mại vang vọng dưới bậc tam cấp Notre Dame. Paris lúc này thu mình trong chiếc vỏ chai, nguyện cầu sự bình yên, lặng lẽ chờ thời gian nối liền những vết thương đang rỉ máu.
Với tôi, Paris đã không còn vẹn nguyên kể từ khi chuyện tình chúng ta kết thúc. Em vẫn ở Seoul. Tôi vẫn đang ở Đức. Paris thì vẫn là thủ đô nước Pháp, vẫn là nơi khởi đầu và kết thúc của những bức thư tình. Khi không còn là gì của nhau, khoảng cách của không gian lẫn thời gian bỗng trở nên quá dài. Những bức thư bất chợt hóa vô nghĩa và mông lung. Kinh đô ánh sáng trong tôi chẳng còn gì ngoài biểu trưng cho một giấc mơ dang dở.
Bằng tất cả sự thành thật, tôi chấp nhận rằng Paris và mình nhất thời không thuộc về nhau. Dù vậy, cho đến bây giờ, tôi vẫn rất yêu cái cách người Paris gọi nhau và gọi bản thân mình là Parisian như lời nói tỏ tình lãng mạn dành cho thành phố. Thẳng thắn, say mê và rất mực tự hào, sự nhạy cảm của Parisian khiến tôi nhớ về những câu chuyện tình bi kịch kiểu Pháp, rất tuyệt vọng nhưng vẫn tràn đầy lòng kiêu hãnh. Tiếc thay những ngày này, cùng với sự im lặng của thành phố, niềm tin đó cũng đang ít nhiều bị lung lay, một chút đó cũng nghe chừng như rạn nứt.

Anh bạn đồng nghiệp người Pháp xuất hiện trong buổi sáng thứ 2 đầu tuần với vẻ mặt có đủ các cảm xúc chán chường, mệt mỏi và lo âu. Tin tức lan nhanh, ngày thứ 7 anh đã đặt vé tàu về Paris, nơi bố mẹ anh đang sống nhưng lệnh khóa cửa biên giới khiến anh trở lại nước Đức. Anh bảo với tôi hai người vẫn bình an, nhưng cảm giác lo lắng và bất an thì vẫn không thể nào xóa bỏ.

Kim Sejeong, cô bạn thân thuở nhỏ 4 năm qua du học tại Paris, nức nở với tôi trên điện thoại đường dài kể về giây phút tim như rơi ra khỏi lồng ngực khi nghe tiếng nổ cách nhà cô chỉ khoảng vài cây số, tiếng la hét vội vã, tiếng xe cảnh sát và cứu thương ồn ã ngược xuôi trên đường suốt cả đêm. Cô kể về việc nỗi sợ đã hạ gục cả cơn đói trong cả ngày hôm sau, giữ chân cô không dám bước ra khỏi phòng mình dù chỉ để mua thức ăn. Hàng quán lẫn siêu thị đều nhất loạt đóng cửa im lìm. Cô kể về việc cảm thấy mình may mắn như thế nào khi vẫn còn thấy mặt trời lên, vẫn còn có thể trả lời hàng chục tin nhắn hỏi thăm, có thể gọi về Hàn chỉ để nói là "con vẫn ổn".

Không còn nụ cười lịch sự và thân thiện của người Pháp mà những quyển sách du lịch thường nhắc đến. Parisian theo lời kể của bạn tôi đang dè chừng và rất mực hoài nghi, người ta đi vội hơn, ăn nhanh hơn ngại mở lời và cố lảng tránh ánh mắt không quen biết. Con người luôn có xu hướng giấu mình trong chiếc vỏ ốc khi cảm nhận được sự hiểm nguy. Người Paris cũng thế hiểu rằng những tháng ngày bình yên ấm áp đã thật sự qua đi.

- Nhưng chắc là tớ vẫn sẽ ở lại đây Doyeon ạ

- Tại sao ?

- Vì tớ vẫn còn yêu nơi này.

Cô bạn, giọng còn run run nhưng nghe chừng rất cương quyết, kết thúc câu chuyện khi tôi và rất nhiều người khác đã gợi ý việc trở về hoặc chuyển sang một thành phố khác sau khi học xong. Tương tự câu trả lời của anh bạn đồng nghiệp tôi: "Tôi nghĩ chắc bố mẹ sẽ không muốn chuyển đi đâu, vì họ thật sự thuộc về Paris, dù thế nào đi nữa".

Tôi đặt trên điện thoại xuống bàn, bất giác nghĩ về những lựa chọn của con người khi đứng trước giông bão. Có người bình tĩnh, có người nóng nảy, có người chỉ muốn quên hết tất cả đi. Những ngày này, trên mạng xã hội, hàng triệu người ồ ạt đổi ảnh đại diện với nền là ba màu quốc kỳ Pháp. Trên khắp thế giới, những địa điểm du lịch, những công trình nổi tiếng cũng đồng loạt rọi đèn 3 màu xanh - trắng - đỏ để thông cảm, sẻ chia. Trong lúc ấy, những người Paris mà tôi quen chọn cách im lặng và tiếp tục bước đi, không ồn ã hay phô trương, họ tự do trầm mặc với vết thương của thành phố, cố nâng niu chút niềm tin còn nguyên vẹn vào con người, vào một Paris lãng mạn, một Paris vẫn rất đẹp và rất đáng để yêu, để gào lên "loài người yêu đi để mai tiếc đã không yêu cho thật lâu" như chúng ta vẫn luôn tìm đến.

Có thể là vô tình hoặc huyễn hoặc, nhưng tôi vẫn tin rằng sự im lặng ấy là cách tốt nhất để những ai đã và đang đi qua vụn vỡ hàn gắn vết thương của lòng mình, và cả những vết thương trong nhau.

Này em...
Rồi một ngày chúng ta sẽ phải đối diện với việc những êm đềm giả tạo trong cuộc đời mình bỗng nhiên biến mất, nhường chỗ cho những khúc quanh trắc trở, nỗi sợ và cả tuyệt vọng trong nỗi cô đơn. Một ngày, chúng ta nhận ra mình không thể mãi là những đứa trẻ cần quan tâm chi ngoài câu chuyện của chính ta. Một ngày, chúng ta phải đối mặt với những va vấp của cuộc đời, với sự đối lập giữa thực tế và niềm tin, thậm chí là thách thức đến những điều tưởng như chân lý nhất như nhân loại, như tình yêu chẳng hạn.

Đó cũng là lúc chúng ta phải lựa chọn, hoặc dừng lại và chấp nhận đổ vỡ, hoặc gom góp những mảnh vụn và tiếp tục bước đi.

Biên giới đến giờ vẫn đang đóng cửa, nhà xe gửi thư thông báo vé có thể hủy cũng như hướng dẫn các thủ tục hoàn tiền. Bên tách cà phê uống dở, tiếng chuông điện thoại bất chợt vang lên. Từ hơn mười nghìn dặm, em gửi cho tôi một tin nhỏ: "Chị vẫn muốn đi Paris à ?".

Chắc chắn rồi em ạ. Cô nàng Paris sau cơn chếnh choáng điên cuồng rồi sẽ trở lại với vẻ lộng lẫy vốn có. Nhân loại sẽ muộn phiền tan vỡ để lại yêu như chưa từng yêu. Tôi thì vẫn là gom góp chiếc ba lô của những niềm riêng, cùng với một trái tim cần để lấp đầy. Thế nên, tôi tin rằng chúng ta vẫn có hẹn ở Paris, với nhau, hoặc với một ai đó trong cuộc đời này...
...vỗ về nhau qua những thương đau.

_____________________________________________
- Chuyển ver từ: Tựa Lưng Vào Nỗi Nhớ - tác giả Nguyễn Hồng Phúc

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro