1945 - 1953

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

"Anh chỉ có một tình yêu thứ nhất
Anh cho em kèm với một lá thư
Em không lấy...
và tình anh đã mất
Tình đã cho, ai lấy lại bao giờ...."

Tôi tạm dừng bút, ngước lên nhìn cậu cả. Gương mặt cậu vẫn bình thản, nhưng ánh sáng của ngọn đèn lấp loáng trên tròng kiếng khiến cậu có vẻ như đang cười, một nụ cười thê lương.

Tôi vẫn nhớ lần đầu tiên gặp cậu, trong cái buổi đêm nghèo khổ vạ vật của làng quê, ánh sáng của ngọn đèn dầu cũng che mờ đôi mắt cậu, phản chiếu ánh sáng của mình lên những mảnh thủy tinh. Hôm ấy, cậu cũng cười.

"Em đã xé lòng non cùng giấy mới,

Mây đầy trời hôm ấy phủ sơn khê"

"Coi kìa, em viết sai rồi. Khê chứ không phải kê, đây thiếu một chữ cái."

Cậu đột ngột hạ thấp xuống, ghé sát vào tôi. Ngón tay mảnh khảnh nhẹ gõ lên trang giấy, và làn hơn mong manh phà vào tai tôi nóng như một ngọn lửa.

"Thơ ... thơ ai mà hay vậy cậu?"

"Là của anh Xuân Diệu.... nhưng mà là ngày trước, giờ thì chỉ còn xác thù là xác nhồi phân ruộng, máu thù là máu rửa quân nhu mà thôi."

Cậu cả nhấp một ngụm trà rồi cười, ánh mắt của cậu loang loáng sau cặp kiếng, qua ánh đèn tôi trông không rõ. Nhưng tôi đoán cậu buồn, như cái ngày cậu nghe tin vị Châu công tử nọ qua đời, ở một con sông tên Thu Bồn nào đấy.

Cậu nhận được tin đó vào một ngày đầu cuối năm Bính Tuất. Cậu không nói gì, chỉ lẳng lặng đi ra sau vườn lặng yên nhìn những bông hoa lựu.

Người mang tin tới là cậu Thông, anh họ con bác con chú của cậu cả. Tôi nghe có tiếng ông hỏi

"Tại sao lại xảy ra cớ sự vậy?"

"Tường Anh lúc sinh thời rất thân thiết với gia đình Nguyễn Tường, mà chú biết đó, họ là...Quốc Dân Đảng."

Rồi tôi nghe thấy giọng ông chợt nhỏ lại, cứ như thể ông đang rì rầm.

"Có tin nói ông Nhất Linh đã đào nhiệm và biển thủ công quỹ. Vụ ở phố Ôn Như Hầu (1) là thật?"

Cậu Thông hồi lâu sau mới lên tiếng.

"Có những việc chúng ta chỉ có thể trông chờ ở thời gian."

Mỗi khi nhớ lại buổi hôm ấy, tôi lại chợt nghĩ, có thể cậu đã tận dụng khoảng lặng kia để cố sắp xếp một câu trả lời thật cẩn thận. Và trong cái giai đoạn đầy rối reng và cũng đầy mất mát lẫn đau đớn ấy, cậu cả chỉ mới mười một tuổi.

Cậu cả là một người rất kiệm lời. Nhưng cậu hiền và hay cười. Đôi khi nụ cười của cậu trông mờ mịt và xa xôi kỳ lạ. Lắm lúc tôi nghĩ, cậu không phải ở trong cái tuổi của cậu, rằng sâu trong nội tâm cậu là một người đã trưởng thành từ rất xa xưa.

Làng của tôi gọi là làng Giãn Thông, ở phủ Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Tôi nhớ lúc nhỏ bu tôi đã dạy đi dạy lại tôi như vậy, hẳn là bu sợ có lúc tôi sẽ đi lạc mất. Nhưng mà bu không biết rằng người đi lạc khỏi làng mãi không về lại là bu.

Tôi không biết cái đói đến từ lúc nào, tôi chỉ nhớ loáng thoáng vào một hôm, thầy tôi đi thăm đồng về rồi cứ ngồi thừ ở cạnh cái giếng mà rít thuốc, bu tôi tới ngồi bên thầy. Tôi chạy ào ôm bu thì thấy tay bu lạnh toát và cái nỗi kinh hoảng ẩn ẩn hiện lên trên vành môi cười gượng của bà.

Mùa vụ năm Giáp Thân (2) ấy, lúa trên tất cả các cánh đồng đều trắng phau phau và không có lấy một hạt nẩy mầm.

Cái đói chầm chậm vươn đôi tay gầy khẳng khiu, hôi thối và rét mướt lên mái nhà của chúng tôi. Ban đầu là gạo trong các bữa bớt đi. Thầy bu tôi và các anh chị, mỗi người chỉ được khoảng lưng bát. Tôi còn nhớ có lần đùa nghịch làm đổ bát cơm ra nhà, bu giận lắm, bu tóm lấy tôi rồi cứ thế mà đét vào mông. Bàn tay của bu như có lửa, tôi càng gào khóc, bu càng mạnh tay hơn. Thế mà, trong lúc nước mắt nước mũi tôi đang kèm nhem, bu bất chợt ôm chặt lấy tôi. Chặt đến độ tôi có thể cảm thấy những khớp xương gầy gầy của đôi bàn tay bu chạm trên da thịt mình. Bu khóc.Cái đói chầm chậm vươn đôi tay gầy khẳng khiu, hôi thối và rét mướt lên mái nhà của chúng tôi. Ban đầu là gạo trong các bữa bớt đi. Thầy bu tôi và các anh chị, mỗi người chỉ được khoảng lưng bát. Tôi còn nhớ có lần đùa nghịch làm đổ bát cơm ra nhà, bu giận lắm, bu tóm lấy tôi rồi cứ thế mà đét vào mông. Bàn tay của bu như có lửa, tôi càng gào khóc, bu càng mạnh tay hơn. Thế mà, trong lúc nước mắt nước mũi tôi đang kèm nhem, bu bất chợt ôm chặt lấy tôi. Chặt đến độ tôi có thể cảm thấy những khớp xương gầy gầy của đôi bàn tay bu chạm trên da thịt mình. Bu khóc.

Tiếp đó, những bữa ăn cũng bị cắt mất. Anh cả tôi lúc ấy đã mười sáu tuổi. Mỗi ngày, trước khi anh dẫn trâu ra đồng, bu đều gói cho anh một nắm thóc rang. Có lần tôi hỏi anh, thóc đó ăn làm sao. "Thì cứ bỏ vào mồm mà nhai thôi." Anh cả tôi khi ấy, do phải làm việc ngoài đồng nên anh có một thân thể rắn chắc với làn da bánh mật nâu giòn. Người làng tôi luôn bảo anh trông vạm vỡ hơn rất nhiều thanh niên ở tuổi anh. Ấy vậy mà khi chết, anh cả chỉ còn là một cái thân xác lõa lồ với lớp da như dính chặt vào xương. Anh chết bên bờ ruộng. Gương mặt phù thủng đến độ che lấp hết cả đôi lúm đồng tiền. Và quần áo anh, mớ vải cũ sờn vá chằng vá đụp đã bị ai đó lấy đi mất. Hẳn là để đổi lấy một cái bánh đúc.

Đồ đạc trong nhà rồi cũng lần lượt ra đi. Bắt đầu là nồi đồng, mâm, ấm, lư hương, bình hoa, ... và cuối cùng là bộ bát đĩa cổ mà bu tôi quý nhất. Tôi nhớ buổi hôm đó, bu tôi lần lượt đem từng cái bát ra lau chầm chậm, rồi bu bỏ tất cả vào một cái thúng, nhìn chằm chằm hồi lâu rồi đội cái thúng đi ra khỏi nhà. Bu tôi đem bộ bát đĩa bán cho nhà ông Lý trưởng, đổi được năm cân thóc. Thầy tôi sau rốt cũng phải bấm bụng đem cầm con trâu, vay được thêm hai yến. Bu tôi bỏ tất cả vào một cái bì rồi chất gỗ đá, cối xay lên để che lại.

Tuy mỗi bữa, bu chỉ lấy ra một ít, nhưng cái đói kéo dằng dặt từ ngày này qua ngày khác như một con sông rộng mênh mông, và số thóc kia chẳng qua chỉ là một nhúm muối. Thầy và anh cả tôi bắt đầu giết lợn, giết gà, thậm chí cả bầy chó mới đẻ cũng bị giết nốt. Chị ba của tôi về sau kể lại rằng, tôi khi ấy còn bé đã ôm lấy ổ chó con khóc lóc mãi không cho thầy tôi bắt đi. "Nhưng biết làm sao được, khi đó nuôi thân còn không xong, sao mà nuôi được bọn nó"

Vì đói quá, anh cả tôi bắt đầu nghĩ đến những con chuột đồng. Anh tôi khi ấy bắt về được cả một xâu. Con thì bu tôi nướng giả cầy, con thì nướng lá chanh, con lại hấp để chấm muối.... Thậm chí, bu còn làm cả mấy nồi chuột nấu đông để ăn dần.

Sau chuột hiếm, cả nhà tôi ăn tất cả những thứ gì có thể kiếm được. Bu tôi trộn cả trấu, cả mùn cưa vào cháo. Nguyên mấy cây chuối trước sân nhà tôi, từ  qủa chuối, củ chuối, bắp chuối đều bị ăn sạch sành sanh đến độ không còn lấy một mống.

Rồi khi mà cây chuối ngoài ruộng, dây khoai lang trong vườn và cả lũ chuột đồng không còn nữa thì cũng là lúc có người chết.

Họ chết âm thầm và lặng lẽ. Hoặc giả có thể khi ấy còn bé quá nên tôi đã nhìn nhận cái chết của họ như vậy.

Nhưng rồi cái chết đã xé toang tấm màn mảnh tang giữa nó và tôi. Tôi nhớ đó là một đêm mùa thu. Trời đã bắt đầu nổi gió. Bu tôi ôm lấy tôi và đứa em út nằm co rút trong ổ rơm, dưới tấm chăn rách nát và chúng tôi đã nghe tiếng của chị ấy, người chị họ gọi bu tôi bằng dì.

Chồng của chị ấy đã chết mấy hôm trước, và khi bu tôi trông thấy chị cứ miết miết gói bánh dầu trên tay, bu đã bảo "mày mà ăn cái này thì mày chết ấy." Chị ấy không nói gì, chỉ lắc lắc đầu.

Tôi ngờ rằng cả làng đều đã nghe thấy tiếng chị, tiếng rú hét đến rợn người. Tiếng rú hét kỳ dị như tiếng tru của một con thú, như thể nó vang lên từ một chốn không thuộc về cõi người. Tiếng rú hét vang lên như kiểu của tiếng còi tàu nhưng bất thình lình hơn, đặc biệt là giữa một xóm làng đìu hiu không một ánh đèn.

Tiếng rú hét, như một tiếng sấm, bổ đùng vào đêm rồi ngưng bặt.

Chị ấy ngã vật trước sân nhà. Trên mẩu da lỏng lẻo trước ngực, nơi từng là bầu vú căng tròn, vẫn còn đeo một đứa trẻ sơ sinh.

Cái chết đã bước vào cuộc đời tôi như vậy, và khởi đầu cho hàng loạt những cái chết khác.

Thầy tôi là người đầu tiên. Đêm đó, trong cơn đói quờ quạng rã rời, tôi đã bị đánh thức bởi tiếng khóc. Tiếng khóc khô khản rồi nhỏ dần, nhỏ dần, chỉ còn lại thút thít, thút thít. Thầy tôi đã chết cứng trong ổ rơm.

Tiếp đến là em út của tôi. Nó chỉ mới hai tuổi. Nó nằm bất động nguyên cả sáng. Tôi vạch mí mắt nó lên. Đôi con ngươi vốn dĩ phải trong trẻo, tinh anh, lấp lánh như hai hòn bi ve, nay cứ dại ra. Nó lờ đờ nhìn tôi rồi nhắm lại. Đến đêm thì chết. Lần này bu tôi không khóc, bu cứ ôm chặt nó. Hẳn nước mắt của bu cũng đã cạn.

Sau đó rồi đến chị tư, rồi đến anh thứ. Những cái chết đến trong đêm. Sau này, thỉnh thoảng tôi vẫn còn nghĩ về chuyện đó. Tôi đã nghĩ rằng chính màn đêm, chứ không phải cơn đói, đã mang cái chết đến nhà tôi, và rằng mỗi khi tôi ngủ thì khi tỉnh dậy sẽ có người chết.  Có người thân qua đời vào thời điểm đó cũng là một điều quá đỗi lạ lùng. Cái bụng đói cồn cào đã khiến chúng tôi trở nên ráo hoảnh, và cái chết là một điều nhập nhằng mờ mịt. Nó bị phủ lấp bởi một thứ quan trọng hơn: cái ăn.

Bu tôi rời nhà vào một buổi sáng. Bu bảo bu sẽ thử lên trấn trên xem có kiếm được gì để ăn không, hay biết đâu một nhà giàu đó lại đang cần người đi ở. Và bu mãi không trở về nữa.

Cuối cùng chỉ còn lại tôi và chị ba. Chị thất thểu dắt tôi đi trên đường làng, những xác người nằm chết vạ vật trở thành mồi ngon cho lũ chuột. Những con chuột béo ú, mà chúng tôi thì cũng không còn đủ sức để bắt. Chúng tôi thấy anh cả, đã chết. Không ai trong hai đứa lên tiếng, chúng tôi đứng như vậy hồi lâu, ngón tay bấu sâu vào lòng bàn tay nhau.

Chúng tôi đi mãi đi mãi, rồi có ai đó nói nhà cụ Phạm Ngọc đang phát cháo. Ấy là lúc tôi gặp cậu cả.

Hôm đó, chúng tôi đã không xin được cháo. Chị ba và tôi đến được cổng nhà cụ cũng là lúc bầu trời đã chếnh choáng ngả về chiều. Chúng tôi, không ai bảo ai, cùng nhìn xuống đất xem thử có chút cháo nào rơi vãi. Bỗng nhiên, cánh cửa kêu kẹt một tiếng rồi nhẹ nhàng hé ra.

Cho đến tận bây giờ, tôi không nhớ mình đã từng trông thấy cảnh gì chói lóa hơn thế, cũng không biết đã từng trông thấy một đứa trẻ nào rực rỡ hơn vậy. Sau này, có lần tôi đã nghe bà nói, khi sinh cậu ra, bà đã sợ cậu không thể sống lâu, bởi vì cậu "đẹp chao ôi là đẹp", cặp má cậu đỏ au như hai quả táo, đôi môi cắn chỉ mọng như những hạt lựu, và nhất là cái chấm đỏ giữa trán cậu lại càng làm cho cậu có một vẻ cách xa với cõi thực. "Em đã luôn sợ ông bà sẽ bắt cháu đi." Bà đã nói như vậy, trong giọng nói còn pha chút kiêu hãnh. Cậu cả mặc một bộ áo trắng muốt, óng ả. Cậu đứng lặng nhìn chúng tôi. Dưới ánh đèn dầu loang loáng vàng và sự phản chiếu từ dãy những xâu tiền đồng sáng giới được cẩn dọc hai bên cổng, cậu cả trông như một tiên đồng vừa bước qua cánh cổng của cõi trời. 

"Cháo hết rồi. Thôi, vào đây." Cậu bảo.

Từ buổi ấy, tôi theo cậu, còn chị ba tôi theo cô hai. Vừa năm ngoái, cụ ông đã gả chị cho một nhà cũng khá giả trong làng.

"An! An!"

"Vâng thưa cậu"

"Giữa ban ngày lại mơ gì đấy?" Cậu cả nhìn tôi, đôi con ngươi cong cong trông như hai mảnh trăng lưỡi liềm, rồi đột nhiên, cậu đổi giọng "Hay là đang nghĩ đến cô nào?"

"Thưa không. Chỉ là... con nhớ đến những chuyện của ngày bé."

"Chuyện của ngày bé? À tôi nhớ lần đầu gặp em, em gầy như thanh cời lửa. Nhớ chị Hương hay rủ rê chúng ta chơi trò đám cưới không. Tôi còn bảo chị, có cô dâu nào lại vầy, vừa xấu, vừa đen lại vừa gầy." Cậu cả cười cười trong khi những ngón tay khẽ bẹo lên chóp mũi tôi.

"Anh vẫn tưởng chuyện đùa khi tuổi nhỏ

Ai có ngờ lòng đã vỡ bao giờ!"

Bỗng, cậu hôn tôi.

Nụ hôn dồn dập. Nụ hôn quyết tuyệt. Và những ngón tay mảnh khảnh bấu chặt vào cổ như những cành cây giữa những ngày chớm đông, buốt đến cay nghiệt.

Rồi tôi bị ôm chặt lấy, trên gò má tôi mát lạnh thứ tơ lụa mềm mịn quý giá, bên tai tôi nghe thấy tiếng cậu thì thầm.

"Đã nghìn lần anh bắt được anh mơ

Đôi mắt sợ chẳng bao giờ dám ngắm

Đôi tay yêu không được nắm bao giờ"

Tâm trí tôi dẫn dắt đến một hôm nào đó giữa tháng giêng.  Trời mưa. Những giọt mưa xuân rỉ rả âm thầm làm ẩm ướt những cánh hoa xoan rụng trước hiên nhà. Cậu cả bước vào cổng, giẫm lên những mảng hoa tim tím nhàn nhạt ấy, bờ vai và mái tóc cậu phủ một lớp li ti bàng bạc.

"Em đang làm gì đấy?"

"Thưa cậu, không có gì ạ."

"Thầy me tôi vừa đi nghỉ à?"

"Thưa cậu, phải ạ."

"...."

"...."

"Em có gì muốn nói với tôi à?"

"Thưa cậu, hôm nay có hội chèo về làng mình ..."

Cậu nhìn tôi, đôi mắt cậu cong cong như mảnh trăng lưỡi liềm. Cậu tủm tỉm cười như chừng đã hiểu vì sao tôi lại loanh quanh đây đợi cậu về.

"Thưa cậu...con muốn xin cậu cho con tối nay đi xem hát."

"Ban nãy, tôi có nghe, là hội chèo làng Khuốc ấy nhỉ. Để chốc tôi nói với cậu mợ tôi. Nhà mình cũng đã lâu rồi không đi nghe hát."

Nhưng ông bà không đi, nghe cậu cả bảo là do ông bà lớn tuổi nên không thích những nơi náo nhiệt. Các chị trong nhà, ai xin đi xem hát thì sau khi lo xong công việc, đã đi từ sớm. Cuối cùng, chỉ còn cậu cả và tôi lững thững đi trên con đường đê trong cơn mưa mùa xuân phơi phới. Cậu cả đi phía trước tôi. Tôi lẳng lặng quan sát cậu, mới vài năm, cậu đã cao hơn tôi một cái đầu, bờ vai cũng đã rộng hơn. Tôi lẳng lặng nhìn gáy của cậu, nhìn vành tai có một nốt ruồi nhỏ nhỏ, nhìn những sợi tóc của cậu bay lòa xòa trong gió. Bỗng, tôi thấy vui. Nỗi vui vô cớ xâm chiếm. Một nỗi niềm mịn màng như nhung, tựa như đóa hoa, lẳng lặng nở. Tôi nhớ có một đêm, khi chúng tôi còn nhỏ, tôi theo cậu cả đợi hoa quỳnh. Lúc ấy, tôi buồn ngủ quá, cứ gật gà gật gù, chợt có bàn tay lay tôi "Nở rồi, nở rồi kìa!" Cậu cả cười rất rạng rỡ. Nhưng rồi niềm vui của tôi cũng giống như hoa quỳnh kia, trong thoáng chốc, đã tàn. Nỗi buồn bừng dậy. Nỗi buồn như thể hàng chục, hàng nghìn con kiến cứ dọc ngang bò trong từng thớ ruột. Tôi nhìn bộ âu phục của cậu, rồi lại nhìn chiếc áo bông của mình, chúng tôi đã xa xôi rất nhiều.

Khi cậu cả và tôi đến, ở đình đã đông người. Chúng tôi chọn một chỗ ngồi xuống, đầu gối của cậu chạm vào đầu gối tôi, khủy tay của cậu chạm vào khủy tay tôi. Trong tiết trời se se lạnh vậy, bỗng dưng tôi thấy mặt mình nóng bừng, ngay khi tiếng trống chèo đầu tiên giục giã vang lên, một bàn tay đã khẽ khàng nắm lấy tay tôi. Bàn tay với những ngón tay dài, mảnh, lành lạnh.

"Đôi ta duyên phận phải chiều

Tơ hồng vấn vít chỉ điều se săn

Cầm tay giao mặt dặn rằng

Chỉ thề nước biếc đạo hằng chớ quên

Rủ nhau lên núi xuống đền..."

Giữa chiếu chèo, tiếng ca cứ như được bọc trong những đám mây, chúng trôi nổi bồng bềnh, xa xăm. Tôi không biết đã đến bao lâu. Chỉ đến khi đêm đã xuống thật sâu, buồi hát đã vãng, mọi người lục tục ra về, tôi nghe thấy tiếng cậu cả "Mình về thôi em." Lúc này, cậu đã buông tay tôi ra. Trong một thoáng, tôi tưởng rằng từ đầu buổi hát, tôi đã nằm mơ. Tôi đi sau cậu cả, nhưng cậu không vội, cậu đi thật chậm, thật chậm đến độ hầu như không còn ai xung quanh chúng tôi. Tôi nghe thấy mùi sương đang xuống, tôi nghe thấy mùi cỏ dậy lên, tôi nghe thấy mùi hương ngọt ngào của một loài hoa không tên nào đấy. Chợt, tôi bị kéo giật đi. Cậu cả ôm tôi nép vào sau cây hoa gạo trên đường về thôn. Chúng tôi đứng im lìm trong bóng tối. Cậu cúi đầu vào hõm vai của tôi, siết thật chặt. Tôi thấy cây hoa gạo. Trên nền trời lãng đãng những tầng sương, cây hoa gạo cao chót vót, trơ ra những cành khẳng khiu, đen kịt như những đôi tay đang chực chờ tóm lấy chúng tôi, chực chờ xé toạc chúng tôi. Nhưng tôi không muốn nghĩ nữa. Những gì tôi có thể cảm nhận là tiếng tim của cậu cả đập rộn ràng, là tiếng hít thở nhè nhẹ của cậu, là độ ấm của lồng ngực, và tôi chầm chậm ôm lại cậu.

Chúng tôi se sẽ trở về, chúng tôi giẫm lên những đóa hoa xoan mà hẳn là đã sớm nhàu nát, chúng tôi mặc kệ sương và mưa đã phủ lạnh người, chúng tôi náu mình vào bóng tối. Để bóng tối thành kẻ đồng lõa, để bàn tay thành đôi mắt, chúng tôi lần mò hình dáng nhau. Cậu cả vội vã cởi áo vest và áo len, rồi cậu cầm lấy tay tôi, để tôi sờ lên lớp vải chemise mềm mại, chạm vào lồng ngực của cậu, cảm nhận tiếng tim đang gõ những tiếng thình thịch. Cậu cả im lặng, cậu cầm ngón tay của tôi đặt lên khuy áo. Tôi run run chầm chậm cởi từng chiếc khuy nhỏ nhỏ tròn tròn. Tôi chạm vào chiếc áo lót của cậu, cuống quýt giúp cậu thoát nó ra khỏi đầu. Tôi khẽ khàng chạm lên gương mặt cậu, chạm lên mắt, lên hàng mi dày, lên đôi môi, lên cổ, lên xương đòn gánh, lên ngực, lên cơ bụng. Chợt, cậu cả bế lấy tôi, đưa tôi vào giường "Tôi là của em." Cậu hơi dừng chút, rồi lại nói "Em cũng là của tôi." Cậu miết nụ hôn lên ngón tay tôi, kéo đến cẳng tay, lên ngực, xuống bụng, hơi dừng lại vì tôi khẽ rùng mình, rồi cậu hôn xuống đùi. Da thịt chúng tôi áp vào nhau. Hơi thở chúng tôi quyện vào nhau. Những ngón tay của chúng tôi vấn vít đan vào nhau. Chúng tôi, hai thiếu niên vụng dại, đã ghi nhớ cơ thể nhau bằng một thứ bản năng hoang sơ nhất của loài người.

.......... 

"Em lại ngẩn người đấy à." Tiếng của cậu một lần nữa kéo tôi về thực tại. "Chốc nữa tôi sẽ đi thăm giáo sư của tôi. Em cầm ít tiền đi mua ít hoa quả nhé." Nói rồi cậu đến bên lồng chim, huýt huýt sáo cùng nó. Con chim thấy cậu đến chơi cùng thì vui lắm, hót liếng thoắng cả lên. Còn tôi, tôi chạy vội ra sân sau, lấy nước vốc lên mặt mình. Nước giếng lạnh toát khiến tôi tỉnh táo đôi chút.

Tôi không rõ mọi chuyện bắt đầu từ độ nào, cậu vẫn hay bảo tôi, người ta không thể biết được lúc chuyện sắp sửa xảy ra, người ta chỉ biết được khi mà đã xảy ra rồi. Hẳn thật là vậy. Vào một đêm năm kia, nghe được mọi người trong nhà bảo nhau ông bà sẽ gửi cậu cả lên Hà Nội học, trường Albert Sarraut (3) hẳn hòi nhé, và không biết liệu có ai được theo cậu không. "Hẳn là ông bà sẽ thuê người trên ấy thôi, người nhà quê không rõ phố xá, kiểu cách thị thành thì chỉ tổ làm xấu mặt."

Tôi không biết mình đã cảm thấy gì, chỉ biết là móng của những ngón tay đã găm chặt vào thớ thịt.

Đêm đó, tôi trằn trọc mãi. Tôi suy nghĩ lung lắm mà chẳng cái nào ra cái nào. Tất cả đều lộn xộn cả lên. Giống như có cả trăm sự việc cứ đồng loạt nổ tung trong đầu tôi, hết cái này tới cái nọ đến độ có người vào phòng mà tôi cũng không hề hay biết.

Người đó đến ngồi lên tấm phản mà tôi dùng để ngủ khiến nó run lên nhè nhẹ. Trong bóng đêm mờ ảo, tôi trông rõ đó là cậu cả.

"Có việc gì thế hở cậu?"

"Không có gì. Em cứ nằm xuống."

"Cậu mau vào màn đi, để muỗi đốt."

"Tôi nằm ngoài này là được, em cứ nằm xuống trước đã."

Tôi hơi ngập ngừng nhưng cũng nghe theo lời cậu, bỗng một bàn tay vói vào trong màn. Những ngón tay lành lạnh sương đêm.Những ngón tay, hồn nhiên, lần tìm kẽ tay. Những ngón tay, thản nhiên, đan ngón tay. Những ngón tay, điềm nhiên, siết chặt vào nhau.

"Hẳn là em nghe rồi."

"..."

"Đi theo tôi đi."

"...."

"Đi theo tôi đi."

"..."

"Đi theo tôi đi..."

"..."

"...nghe em"

Tiếng nói dần nhỏ lại, nghe như tiếng thì thầm. Tiếng nói lẫn vào tiếng kêu rin rít của những con dế ngoài bờ giậu. Tiếng nói vương vít như những sợi bông. Tiếng nói run rẩy như những sợi tơ. Đụng vào sẽ tan. Chạm vào sẽ vỡ.

Chúng tôi nằm thinh lặng bên nhau.

Trong một thoáng chốc, tôi mừng rỡ. Tôi muốn nói gì đó. Nhưng nói gì? Có gì để nói? Bỗng nhiên, cổ họng như có ngàn mũi gai đâm. Tiếng ai đó rít gào"Câm miệng"Ở bên đầu bên kia dường như là đêm vô cùng, như những đêm tối chỉ có cái chết và xác người trong ký ức của tôi kia. Sơ sẩy một chút, chúng tôi, sẽ bị nuốt chửng lấy.

Tôi sợ.

Tôi đưa mắt nhìn cậu. Trong đêm tối đen kìn kịt, ánh mắt kia sâu thẳm đến độ không thấy đáy. Ánh mắt chìm vào đêm rồi lại tỏa ra một thứ ánh sáng nhỏ nhoi lấp lánh dị kỳ: là vệt sáng của một nỗi hân hoan rạng ngời đã lụi tàn và thay bởi niềm u uất.

"Em nói gì đi hay đọc thơ cũng được."

"Đọc gì thưa cậu?"

"Gì cũng được."

Tôi suy nghĩ một chút thì lại nhớ ra bài Lính Thú Đời Xưa mà cậu đã từng dạy cho tôi.

"Ngang lưng thì thắt bao vàng

Đầu đội nón dấu vai mang súng dài

Một tay thì cấp hỏa mai

Một tay cấp giáo, quan sai xuống thuyền

Thùng thùng trống đánh ngũ liên

Bước chân xuống thuyền nước mắt như mưa"

Vừa nghe tôi đọc xong thì cậu lại cười.

"Tôi sắp đi rồi mà em lại đọc bài này.Bước chân xuống thuyền nước mắt như mưa. Bước chân xuống thuyền nước mắt như mưa.  Hẳn là vậy nhỉ"

"..."

Và cậu chồm qua, cách một tấm màn, hôn lấy tôi. Nụ hôn nhẹ như một làn gió, chỉ vụt lướt qua rồi tắt ngấm, nhưng bàn tay thì siết chặt lại đến cuồng loạn, đến đớn đau. Về sau, tôi vẫn nghĩ, chúng tôi đã không hôn nhau bằng đôi môi, chúng tôi đã hôn nhau bằng những ngón tay của mình.

Những ngón tay miết lấy những ngón tay, lòng bàn tay áp chặt lòng bàn tay. Những ngón tay cuống quít, những ngón tay vân vê, những ngón tay lưu luyến.

"Sao người anh quý anh yêu thế

Mà chẳng cùng anh ở suốt đời?"

Rồi cậu đi ra khỏi phòng, khép cửa lại. Và tôi nằm lại, cuộn sâu vào đêm thăm thẳm của mình.

Ba ngày sau, cậu cả đi. Đó là một buổi sáng cuối hạ, nhưng trong không khí đã sớm thấm  những cơn gió dịu nhẹ của mùa thu. Sáng ấy, tôi trông cái gì cũng khác. Ánh trời nhòa nhòa, mảnh trăng non vắt vẻo trên đầu ngọn tre đục đục như màu vôi, gió cũng dị thường, và những hàng cây trong sân đều nghiêng ngửa. Cậu đi sớm, cả nhà đều ùa ra tiễn. Tôi nấp trong chỗ khuất ngắm cậu. Bóng lưng của cậu trong bộ tây trang bỗng nhiên trở nên xa lạ khác thường. Bỗng nhiên, tôi hốt hoảng nghĩ rằng, cậu sẽ không bao giờ lại trở về. Bỗng nhiên, trong lòng tôi muốn cậu ngoảnh lại nhìn lần nữa. Bỗng nhiên, trăm thứ gào thét câm lặng dậy trào.

Đột ngột, cậu quay lại. Cậu đứng lặng thật lâu nhìn ngắm căn nhà lần nữa, và như lơ đễnh, ánh mắt của cậu nhìn vào tôi. Ánh mắt như sao, ánh mắt như một lưỡi dao chọc thẳng vào, trong một tích tắc của thời gian. Rồi thì chiếc xe con cũng chở cậu đi khuất sau những hàng tre ngoài cổng làng.

Tôi chạy mãi, chạy mãi, chạy thật sâu vào núi. Tôi không rõ mình đã chạy bao lâu, cho đến khi trèo lên đến đỉnh của một ngọn núi đá con con, chiếc xe màu đen giờ chỉ trông như một con kiến, chầm chậm bò trên đường đê. Rồi đến khi không còn có thể trông thấy gì nữa, tôi ngã quỵ, qua kẽ răng rít lên tên của một người mà tôi không bao giờ dám gọi.

.............

Cậu cả đi khoảng một tháng thì có thơ gởi về nhà. Trong thơ, cậu cả kể chuyện trường, chuyện lớp, về những người bạn mới, về những giáo sư.

"An, con biết cuốn tập thơ màu xanh của cậu cả để trên bàn viết chứ?"

"Thưa bà, con biết ạ."

"Cậu cả có gởi một bài thơ. Cậu bảo bà nhờ con chép vào tập thơ ấy giúp cậu."

"Vâng thưa bà."

"Đây, con mau mau cầm đi chép. Để quên thì cậu lại trách."

"Vâng thưa bà."

Tôi đi vào phòng cậu. Từ hồi cậu đi, bà vẫn vào phòng cậu luôn. Tự tay bà dọn dẹp, quét tước, rồi lắm lúc, tôi thấy bà ngồi ghé vào giường của cậu thở dài rồi khẽ chậm nước mắt. Tôi ngồi vào bàn, mở tờ giấy được xếp làm tư gọn ghẽ. Nét chữ dứt khoát mỏng mảnh nghiêng nghiêng, tựa như một buổi chiều kia, khi những đóa hoa sưa bay lả tả, cậu ngoảnh lại nhìn tôi và cười. Gương mặt nhìn nghiêng sáng lên một vệt rực rỡ của ánh chiều.

Vạn Lý Tình

Huy Cận

Người ở bên trời, ta ở đây;

Chờ mong phương nọ, ngóng phương nầy

Tương tư đôi chốn, tình ngàn dặm,

Vạn lý sầu lên núi tiếp mây.

Nắng đã xế về bên xứ bạn;

Chiều mưa trên bãi nước sông đầy

Trông vời bốn phía không nguôi nhớ,

Dơi động hoàng hôn thấp thoáng bay.

Cơn gió hiu hiu buồn tiễn biệt

Xa nhau chỉ biết nhớ vơi ngày

Chiếu chăn không ấm người nằm một

Thương bạn chiều hôm, sầu gối tay.

Tôi áp sát bài thơ vào ngực mình, để cho một niềm hoan hỉ lâng lâng chảy.

.............

"An ơi, em đi đâu đấy?" Chị Hoa gọi với theo khi tôi vừa ra tới cổng.

"Cậu cả muốn đi thăm giáo sư nên sai em đi mua ít hoa quả chị ạ."

"Ôi, thế may quá. Tiền đây, em giúp chị đi mua thêm ít sấu. Cậu Thông vừa về tới. Cậu là thích món ngan om sấu lắm đấy." Gương mặt chị Hoa tràn đầy phấn khởi. Niềm hân hoa rạng rỡ trên đôi gò má hồng hồng.

"Cậu Thông về lúc nào vậy chị?"

"Mới tức thì ấy chứ. Cậu vừa ra đằng sau rửa mặt rồi. Thôi, em mau đi đi. Để chị lên bẩm bà."

"Vâng thưa chị."

Khi vừa về đến, đi ngang qua phòng khách, tôi nghe thấy tiếng ông thất thanh.

"Cái gì? Bà Năm..." rồi đột ngột, ông hạ giọng "chính xác là thế chứ?"

Rồi có tiếng cậu Thông cũng đáp lại khe khẽ "Chính xác mười mươi. Chú xem, có cả một bài đăng trên báo Nhân Dân đây này."

"Vậy còn hai cậu?"

"Không biết. Chú cũng mau thu xếp đi thôi, không thì e là..."

Cả hai người đều im lặng, dường như họ đang đeo đuổi theo những suy nghĩ riêng của mình.

Tôi ra giếng rửa tay sạch sẽ, thay bộ áo mới rồi mới vào phòng cậu. Cậu lúc này đã mặc một chiếc áo sơ mi trắng cùng một chiếc quần âu màu kem và mái tóc cậu đã được vuốt sáp gọn gàng. Trông cậu toát ra một vẻ thanh xuân rạng ngời.

"Em đi đâu lâu thế?"

"Thưa, cậu Thông vừa về tới nên con đi mua thêm ít đồ ăn."

" Để tôi qua thưa cậu mợ, với chào anh một tiếng rồi mình đi."

Khi chúng tôi tới phòng khách thì bà, ông, cậu Thông và cô hai đều có mặt. Cô hai còn đang níu lấy tay cậu Thông vòi cậu kể chuyện về những nơi đã đi qua.

" Thưa cậu, thưa mợ, chào anh Thông"

Nói rồi, cậu đến ngồi bên cạnh bà

"Thưa mợ, con có nghe thấy tiếng mợ ho đêm qua. Có phải mợ thấy chỗ nào không khỏe?"

"Ôi dào, chỉ là bệnh người già mà thôi." Bà cầm lấy tay cậu miết miết, đôi con ngươi của bà long lanh lên khi nhìn cậu. "Mà con đang định đi đâu đấy?"

"Thưa cậu, thưa mợ, con tính qua xin cậu mợ cho phép con đi thăm giáo sư cũ của con ở làng bên"

"Vậy con mau đi đi rồi về sớm. Hôm nay có em Ngọc qua đấy."

Trong một khoảnh khắc, nụ cười trên gương mặt cậu trở nên lạnh lẽo rồi lại nhanh chóng trở về như cũ.

Cô Ngọc, vốn tên thật là Ngát, của nhà cụ Phạm Bá là người con gái đẹp nhất làng tôi. Trong làng tôi có hai họ lớn, là họ Phạm Ngọc nhà ông cụ chúng tôi và họ Phạm Bá. Người của hai họ này ít nhiều đều có chức sắc ở trong làng, có người còn làm đốc tờ, làm ông phán trên Hà Nội. Người của hai họ này thường lấy nhau, chính bà nhà tôi cũng là thuộc một chi trong họ Phạm Bá. Cô Ngọc là con gái lớn của bà hai ông trưởng họ. Cả làng tôi đều biết ông cụ thân sinh ra cô có hai người vợ, năm người con, ba trai hai gái, nhưng chẳng hiểu do nguyên cớ gì ông lại thương yêu cô vô cùng. Người làm trong nhà truyền tai nhau rằng, vào mỗi bữa ăn, ông đều cho cô ngồi mâm trên, ngay cạnh ông, và nếu có miếng gì ngon, ông đều gắp cho cô trước. Cô Ngọc từng được chọn để đi tế nữ quan. Cô vận áo lụa màu mỡ gà, tóc giắt đầy hoa, tay cũng cầm hoa, cùng dăm cô gái khác bước đi trên đường làng. Đoàn người tế nữ quan đi thành một hàng dài, các cô gái trẻ cầm hoa đi đầu, những tà áo lụa chờn vờn trong gió tạo thành một dải phấp phới, trông thanh cao thánh khiết như tiên nga.

Cô Ngọc đi trước hết thảy, khi ấy cô còn nhỏ nhưng đã sớm toát ra vẻ đẹp rạng ngời của một nụ hoa hàm tiếu. Làn da cô trắng như ngọc như ngà, còn đôi má thì căng mọng như một quả đào vừa chín tới. Từ đó, cả làng tôi, không ai bảo ai, đều gọi cô là cô Ngọc, và cái tên Ngát hẳn chỉ có ông bà thân sinh ra cô là còn nhớ.

Bà nhà tôi vốn ngắm cô Ngọc cho cậu cả. Có một dịp đầu xuân, cô Ngọc cùng bà, cậu cả và cô hai đi viếng chùa. Hôm đó, cô vận một chiếc áo dài màu xanh cốm nhạt, quần lụa mỡ gà, mái tóc đen nhánh của cô được tết thành một bím thật dài. Trông giản dị nhưng lại thanh tao như một đóa hoa huệ. Bà xem chiều rất ưng ý, vội bảo cậu đỡ cô xuống thuyền. Giữa dòng nước xanh biêng biếc của một ngày rạng ánh nắng dịu dàng, cậu cả và cô Ngọc trông hệt như một đôi ngọc nữ tiên đồng.

Và tôi bỗng thấy mắt mình cay xè. Cái hình ảnh diễm lệ kia tựa hồ là một cái gai.

Chúng tôi đi một chốc thì đã đến nhà của giáo sư. Đó là một căn nhà đơn sơ với một khoảnh sân nho nhỏ. Cậu cả tôi bước vào cổng cất tiếng chào lớn thì thấy có một người đàn ông nhỏ bé tập tễnh bước ra. Người đàn ông này trông khá gầy gò, đường nét gương mặt trông nhờ nhạt.  Nếu chỉ nhìn lướt qua thì xem có vẻ trẻ trung, nhưng trông kỹ lại khóe mắt khóe môi thì mới chợt nhận ra ông ta đã bước vào tuổi trung niên. Khi ông ta mỉm cười nhìn chúng tôi, cái lúm đồng tiền hai bên lại càng khiến cho gương mặt ông toát ra một vẻ khờ dại, thanh thuần.

"Xin hỏi cậu tìm ai?"

"Thưa, giáo sư có nhà không ạ?"

"Ông nhà tôi đang ở trong thư phòng. Xin hỏi cậu là..."

"Tôi là học trò cũ của giáo sư."

"Xin cậu chờ giây lát, để tôi đi mời ngay ông tôi."

Người đàn ông vừa nói vừa cố lê chân thật nhanh vào trong. Dăm ba phút sau, ông ta trở ra, phía trước có thêm một người.

Người đi phía trước này, dáng người cao ngất, trông gần như người Pháp trước kia tôi từng thấy. Mắt sâu, mũi thẳng, môi mỏng, ông cũng trông khá trẻ nhưng vẻ mặt cương nghị, nghiêm khắc của ông là gương mặt của một người đã ngoài tam tuần.  Mắt ông có một màu nâu nhạt và tóc của ông cũng vậy, tôi hồ nghi ông ta không phải là dân nước nam.

Người đàn ông nhướng mày nhìn cậu cả.

"Anh là ...Phạm Ngọc Minh? " Giọng của ông nghe như tiếng của chuông đồng.

"Thưa vâng. Không ngờ thầy còn nhớ con."

"Sao tôi quên được. Trong bài lịch sử của anh khi viết về Cách Mạng Pháp 1789, anh đã viết rằng cuộc Cách Mạng này tuy đã lật đổ chế độ xã hội cũ bằng một chế độ xã hội mới, là khuôn mẫu cho các phong trào cách mạng khác, nhưng lại cũng là nguyên nhân khiến Pháp mất đi vị thế của mình. Không ngờ là anhlại đến thăm tôi" Nói rồi, ông đưa tay ra bắt lấy tay cậu tôi.

"Vâng thưa thầy, nghe tin thầy về ở quê nhà nên con mạo muội tới thăm thầy."

"Mau vào nhà ngồi."

Giáo sư thoăn thoắt bước mau, nhưng dường như nhớ ra chuyện gì, ông quay lại dặn dò người đàn ông nọ.

"Cứ đi từ từ thôi. Khéo ngã." Rồi ông cũng thủng thẳng đi vào.

Gian nhà chính của giáo sư trông cũng mộc mạc. Kiểu cách có chút không giống như nhà chúng tôi hay những ngôi nhà khác với rường cột chạm trổ cầu kỳ mà lại có cảm giác khoan khoái, nhẹ nhàng hơn.

"Thưa thầy, đây có ít hoa quả biếu thầy ăn lấy thảo."

Người đàn ông nọ nhanh nhẹn đón lấy, rồi chỉ một chốc sau, ông ta đã bày biện trái cây đã cắt gọt sạch sẽ cùng một ấm chè.

"Mời ông, mời cậu xơi nước. Thưa ông, còn cần gì nữa không ạ?"

"Thôi, không có việc gì nữa, em cứ đi làm việc của em đi" Giáo sư nói với người đàn ông nọ. Giọng ông lúc này lại không nghe như tiếng chuông đồng mà lại mềm nhẹ hơn nhiều.

Thấy thế, tôi cũng vội lạy chào hai người, rảo bước vội theo người đàn ông kia.

"Nhà mình đang làm gì thế hở anh, để em giúp một tay" Tôi đánh tiếng hỏi.

"Cũng chẳng có gì. Chỉ là hôm nay tôi định nấu cháo hạt sen. Thôi thì cậu giúp tôi ngồi bóc vỏ lụa vậy."

Người đàn ông đưa ra một sang hạt sen. Cả hai chúng tôi đều ngồi sụp xuống, cùng nhau bóc vỏ.

"Xem ra cậu em theo cậu nhà lâu rồi nhỉ?" Người đàn ông hỏi

"Vâng thưa anh, em theo cậu nhà em từ năm Ất Dậu (4)"

"Vậy cũng giống tôi. Tôi cũng theo ông nhà tôi từ thủa bé."

"Giáo sư... trông không giống người mình anh ạ."

"À phải, bà cụ nhà tôi là người Âu đấy. Ông cụ và bà cụ nhà tôi gặp nhau tận bên Pháp cơ."

"Nhà mình còn ai nữa không anh?"

"Không, chỉ có tôi và ông nhà thôi. Ông nhà tôi ưa yên tĩnh. Còn ông bà cụ đều ở Pháp cả"

Chúng tôi trò chuyện một hồi thì tôi nhác thấy bóng cậu cả nên vội từ biệt, ra về. Người đàn ông kia cũng theo giáo sư ra tận cổng tiễn chúng tôi.

Nhưng khi đã đi được một đoạn rồi, không rõ vì sao, tôi lại ngoái đầu nhìn lại. Giữa một buổi đầu thu tươi mát, khi mà những cánh hoa dầu bị những cơn gió nhẹ vờn cứ xoay mãi, xoay mãi rồi rơi trên tóc người đàn ông nọ, ông giáo cúi xuống, lấy đi đóa hoa kia, gương mặt toát ra một vẻ dịu dàng kỳ lạ.

Chúng tôi về tới nhà thì đã thấy cô Ngọc ở đó. Đôi mắt cô Ngọc có đuôi, chị Hoa thường bảo bất cứ người con trai nào nhìn vào mắt cô đều say cả. Cô Ngọc, dường như không như có, nhìn lướt qua tôi rồi lại đon đả tươi cười với cậu cả. Tôi không biết người khác nhìn vào mắt cô như thế nào, nhưng tôi lại thấy mắt cô như một mảnh gương soi thấu tất cả.

Tôi nhớ, dăm ba tháng trước, có một độ, cậu gửi thơ về. Cô Ngọc khi ấy đang qua thăm ông và bà. Bà vừa bảo tôi đi chép thơ cho cậu cả thì cô đã lên tiếng.

"Thơ gì thế bác? Cho phép cháu nhìn qua chút được không ạ?"

"Mấy bài thơ anh Minh anh ấy sưu tầm ấy mà." Vừa nói bà vừa đưa bài thơ cho cô Ngọc xem. Cô đón lấy, chầm chậm đọc, khoảnh khắc đó, tôi cứ tưởng là sẽ kéo dài mãi mãi như kéo dài ra mãi mãi.

"Là một bài thơ của thi sĩ Xuân Diệu ạ"

"Vậy à? Bình thường anh Minh gởi về nhờ chép thì bác biết vậy, chứ cũng chả giở ra xem bao giờ. Thơ ông Xuân Diệu thì hay phải biết. Cháu đọc lên xem"

"Dạ, vậy cháu xin phép đọc ạ.

Tương Tư Chiều

Bữa nay lạnh, mặt trời đi ngủ sớm;

Anh nhớ em, em hỡi! Anh nhớ em.

Không gì buồn bằng những buổi chiều êm.

Mà ánh sáng đều hòa cùng bóng tối.

Gió lướt thướt kéo mình qua cỏ rối;

Vài miếng đêm u ất lẩn trong cành;

Mây theo chim về dãy núi xa xanh

Từng đoàn lớp nhịp nhàng và lặng lẽ

Không gian xám tưởng sắp tan thành lệ.

Thôi hết rồi! Còn chi nữa đâu em!

Thôi hết rồi, gió gác với trăng thềm.

Với sương lá rụng trên đầu gần gũi.

Thôi đã hết hờn ghen và giận tủi

(Được giận hờn nhau! Sung sướng bao nhiêu!)

Anh một mình nghe tất cả buổi chiều

Và chầm chậm ở trong hồn hiu quạnh

Anh nhớ tiếng. Anh nhớ hình. Anh nhớ ảnh.

Anh nhớ em, anh nhớ lắm! Em ơi!

Anh nhớ anh của ngày tháng xa khơi,

Nhớ đôi môi đang cười ở phương trời.

Nhớ đôi mắt đang nhìn anh đăm đắm!

Em! Xích lại! Và đưa tay anh nắm!"

"Chao ôi!" Có tiếng cô hai thốt lên " Giả như có chàng nào gửi cho con những lời thơ thế này, hẳn con sẽ thương nhớ chàng suốt đời ấy chứ."

"Im. Mợ cấm. Để ai nghe thấy được thì có mà cười cho thối mặt đấy."

"Mợ cứ hỏi chị Ngọc xem, nếu chị ấy nhận được bài thơ này, có phải chị ấy sẽ không rung động không."

"Thôi đi. Đừng có mà lôi chị Ngọc vào. Chị ấy không giống cô. Cô Âu hóa quá rồi nên quên mất cả lễ giáo gia phong. Mấy bài thơ này không được đọc nữa. Hẳn anh cô cũng lường trước rồi đấy, chẳng trách anh ấy dặn đi dặn lại mợ là cứ đưa thẳng cho thằng An."

"Bác dạy phải, thơ có hay nhưng thật sỗ sang quá. Làm con ngượng chín cả mặt"

Cô Ngọc cười cười rồi đưa trả bài thơ cho tôi. Con ngươi sau nụ cười bỗng sáng quắc như mắt của một con mèo trong đêm tối.

..................

Cậu cả về nghỉ hè được non hai tháng, thì đã có những lời bàn tán râm ran về về lễ nạp thái của cậu cả và cô Ngọc, rằng bà đang sai người đi tìm một cặp nhạn thật xinh đẹp và khỏe mạnh.

Tôi không biết trong lòng mình nghĩ gì, hoặc giả là tôi không dám biết. Tôi cảm thấy tôi không phải là tôi. Sau đêm tháng giêng đó, cậu cả thỉnh thoảng  nắm tay tôi. Những cái nắm tay rất vội, rồi buông ra. Khi tôi lén nhìn lại, thấy mắt cậu cong cong như lưỡi liềm. Sau đó, cậu trở về trường. Tôi làm theo cho cậu rất nhiều bánh gai, thứ bánh mà cậu thích.

Vào mấy ngày trước trước đó, tôi đã đi hái lá gai. Tôi đã tước gân từng chiếc lá, rồi xé nhỏ, cho vào nồi nước đun, rồi lại vớt ra rổ, cho róc nước rồi vắt kiệt nước. Tôi làm từng chút, từng chút một, có công đoạn giã nhỏ lá thành bột, thì phải nhờ đến chị Hoa ngồi giúp tôi đảo lá.

Khi chuẩn bị xong xuôi hết cả, tôi lấy bột gạo và bột lá gai trộn lại với nhau, vê thành hình tròn, cán dẹp, đặt nhân bánh vào giữa, bọc kín đều, rồi lại vê tròn. Xong, tôi lăn viên bánh ướt qua khay vừng xay chín đã được lột vỏ, rồi mới lấy lá chuối khô gói từng chiếc bánh.

"Em gói gì mà tỉ mỉ thế. Khéo đến tối mới xong mất thôi." Chị Hoa trêu tôi.

"Xong ngay đây. Chị giúp em xếp vào chõ đất với."

Lúc đấy, trong khi ngồi đợi bánh được đồ chín, nhìn thấy những cụm khói mờ nhạt bốc lên, nghĩ đến việc những chiếc bánh gai này sẽ theo cậu lên Hà Nội, lòng tôi bỗng nhiên ngọt ngào như nếm phải mật.

Nhưng giờ đây, tôi chỉ toàn nỗi chua xót không thôi.

Tôi nằm lặng trên phản, không tài nào ngủ được. Trong đêm đen thăm thẳm, tôi  thấy mình lạc lõng và trôi dạt. Rồi bỗng có một bàn tay ôm lấy tôi.

Bàn tay nhẹ nhàng vuốt ve lưng tôi rồi một nụ hôn chạm vào gò má.

"Em khóc?" Một chút sửng sốt rồi cậu cười buồn "Phải, hẳn là em đã nghe rồi. Thôi, không ngủ nữa, đêm hôm nay sáng trăng, chúng ta đi đón chút gió."

Nói rồi, cậu nắm lấy tay tôi bước ra cửa. Ánh trăng xanh xanh phủ đầy cả khoảng sân, phủ lên mái tóc cậu một màu phơi phới, phủ lên nụ cười của cậu thật dịu dàng. Chúng tôi đi nhè nhẹ, chúng tôi đi im lìm, len lỏi qua những hàng cây, lặng lẽ qua khỏi cổng nhà. Chúng tôi nín thở. Chúng tôi chẳng dám nói năng gì.

Chúng tôi dắt tay nhau lên đồi, dựa vào một gốc cây to rồi ngồi xuống. Dưới chân chúng tôi, những ngọn cỏ múa ngả nghiêng,và trên trời, ánh trăng to tròn như một chiếc dĩa.

"Hôm nay, tôi đã hỏi thầy tôi. Phần lớn các trí thức đã tập kết vào chiến khu, còn tôi, vẫn ở đây, thụ hưởng nền giáo dục của người Pháp, như vậy là đúng hay sai?"

"..."

"Thầy tôi không trả lời. Ông chỉ bảo, cụ Phan Châu Trinh cho rằng sở dĩ chúng ta thua Pháp, mất nước là bởi vì chúng ta thua họ một thời đại."

"...."

"Năm sau... hẳn là sẽ có những chuyển biến lớn.... Em...đi cùng tôi nhé."

"..."

"Chỉ hai chúng ta thôi, rời khỏi nhà, rời khỏi làng...."

Tôi trân trân nhìn cậu. Tôi nhớ có một năm kia, nghe nói có một người đã bỏ làng theo kép của một đoàn hát chèo. Trong những câu chuyện vãn, người ta vẫn nhắc về anh. Người ta cười cợt, người ta chọc ghẹo nhau bằng câu chuyện của anh. Tôi đã thấy người mẹ già của anh trong một phiên họp chợ, lưng cụ như gù hơn rất nhiều. Tôi nhớ mấy hôm trước bệnh của bà trở nặng, ông thậm chí còn cho xe lên Hà Nội rước về một ông đốc tờ. Tôi nhớ khi mình bưng trà lên, thấy ánh mắt của ông rất nghiêm trọng. Tôi nhớ những câu chuyện phiếm nghe được từ chỗ cậu Thông, cậu bảo cậu cả rất thông minh, mấy năm nữa, ông nên cho cậu sang Pháp học.

Nỗi nghèn nghẹn, cay cay chặn giữa sống mũi tôi. Một người tốt đẹp nhường này... Tương lai rực rỡ nhường này.,..

"Cậu không thể đi được. Cậu biết mà. Ông bà chỉ có mình cậu..."

"..."

"..."

Cậu cả cười nhẹ, nụ cười phảng phất nỗi tiếc nuối, buồn bã. Đôi mắt cậu phản chiếu ánh sáng của mặt trăng có một màu xám trong leo lẻo.

"Vậy...em đi đi."

"Tôi đã chuẩn bị một ít tiền cho em."

"...."

"Rồi em sẽ lấy vợ, sẽ sinh con. Chỉ mấy năm nữa..."

"..."

"Và em, thôi thì sẽ quên tôi."

Tôi cảm thấy tim mình đang nứt. Những lời nói là những con dao. Con thái, con sắc, con lát. Ngực tôi đau. Đau quá. Đau đến độ không thể nói thành lời. Những mảnh tim bị xé vụn, rơi toang toác. Tôi bỏ chạy. Gió thổi thốc qua mặt tôi khiến cái mũi nhưng nhức, cay xè. Cậu cả níu tôi lại, chúng tôi vùng vằng, chúng tôi giằng co. Cỏ non ẩm sương đêm phơn phớt ôm lấy chân tôi thơm đầy mùi của nỗi u sầu. Chúng tôi ôm chặt lấy nhau té lăn cù. Khi định thần lại, tôi thấy mình đang nằm dưới chân đồi, ngay sát gần ruộng ngô nhà ai, nhưng chẳng thấy cậu cả đâu. Tôi gào gọi. Thứ âm thanh vút lên đầy tuyệt vọng như tiếng rú gào của người chị họ tôi trong nạn đói. Tôi nghe mùi hương ngai ngái của những cây ngô bốc lên, mùi hương  như một thứ ma mị của quỷ dữ. Bỗng một bàn tay nắm lấy tay tôi, kéo tuột vào ruộng ngô.

Cậu cả ôm tôi vào lòng, để những cây ngô cao vút che khuất chúng tôi. Qua lớp vải, tôi còn có thể nghe được tiếng tim cậu.

"Cậu cả, tôi..."

"Tôi không thể chịu được, em biết không, để em thấy tôi lấy một người khác, tôi không thể chịu được."

"Cậu cả..."

"Gọi anh là anh"

Cậu cả, không, anh cúi xuống hôn lấy từng đốt ngón tay tôi, rồi nắm lấy chúng. Những nụ hôn như mưa rơi trên mặt, trên môi, trên cổ. Dưới ánh trăng sáng, chúng tôi thoát bỏ đi lớp da thân phận của mình, và phô ra trần truồng những nỗi đau, sứt sẹo. Những mảnh trăng nằm lại trên thân thể chúng tôi. Những mảnh trăng nằm lại trên tóc, những mảnh trăng nằm lại trên lồng ngực, những mảnh trăng nằm lại trên bắp bùi. Những mảnh trăng nhấp nhô chuyển động. Giữa ruộng ngô mông mênh, chúng tôi níu lấy nhau, chúng tôi ôm ghì nhau, chúng tôi tưới tắm nhau bằng nỗi đau của riêng mình.

Những cây ngô choáng váng, những mảnh trăng chao đảo rồi run lên.

Chúng tôi ngã khụy vào nhau.

Anh chỉ có một tình yêu thứ nhất,

Anh cho em, nên anh đã mất rồi!

Khi tiếng gà gáy đầu tiên vang lên, tôi ra đi, chạy vào đêm đen thăm thẳm, bỏ lại sau lưng một làng quê sớm nữa thôi sẽ không còn yên tĩnh, và bỏ lại đôi mắt đăm đắm của một người.

.................................................

"Thầy Giác Tuệ! Thầy Giác Tuệ"

"Ơ"

Tôi choàng tỉnh dậy thì đã thấy gương mặt của chú Thọ đang nhìn tôi cười lém lỉnh, "Ngủ trưa mà cũng mớ hả thầy"

"Có chuyện gì không chú Thọ?" Tôi cười cười, cố che đi nỗi ngượng ngùng của mình

"Sư ông bảo con lên mời thầy xuống gặp khách. Xem vẻ thì chắc nhờ thầy đi tụng đám. Mà con cũng thấy lạ, trước giờ thầy có đi tụng đám khi nào đâu"

"Sư ông đã gọi thì hẳn có ý của sư ông. Nhờ chú đi xuống trước. tôi rửa mặt xong sẽ ra sau."

"À thầy ơi, khi nãy thầy nằm mớ thấy chuyện gì vậy?"

"..."

"..."

"..."

"Chà, tôi cũng không nhớ nữa"

"Chắc hẳn là trong mơ thầy buồn lắm"

"Phải không?" Tôi phì cười vì điệu bộ cụ non của chú.

"Phải mà. Con thấy mặt thầy khi ấy buồn rười rượi, tưởng khóc nữa cơ. Chắc chắn là do thầy đã xem phải chuyện buồn rồi ngủ quên nên nó mới theo thầy vào giấc mơ đây. Hôm nay thầy có thư nhà gửi lên. Phải ở nhà có chuyện gì không ạ?"

"Không. Chỉ là thư của một người bạn cũ mà thôi."

Tôi xếp lá thơ trên bàn lại. Trên nền giấy ngai ngái, đã ố vàng, nét chữ quen nghiêng nghiêng như những gì tươi đẹp nhất của một thủa thanh xuân đang chực chờ gãy đổ.

(Còn tiếp)

*Ghi chú:

(1) Vụ án ở phố Ôn Như Hầu: là vụ án xảy ra tại Hà Nội năm 1946. Sở Công an Bắc Bộ điều tra và thu thập được nhiều chứng cứ chứng tỏ Việt Nam Quốc dân Đảng âm mưu đảo chính nhằm lật đổ chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, từ đó đã lập Chuyên án số 7 phố Ôn Như Hầu phá vỡ âm mưu này.

(2) Năm Giáp Thân: tức năm 1944

(3) Trường Albert Sarraut: một trong các trường nổi tiếng nhất ở Đông Dương, thành lập ở Hà Nội năm 1919, giải thể năm 1965. Nay là trường Trần Phú

(3) Năm Ất Dậu: tức năm 1945

* Các bài thơ được sử dụng theo trình tự: Tình Thứ Nhất của Xuân Diệu (Gửi Hương Cho Gió-1945), Cứ Phải Là Em của Xuân Diệu, Lính Thú Đời Xưa (sáng tác bởi các tác giả của Quốc Văn Giáo Khoa Thư), Vạn Lý Tình của Huy Cận (Lửa Thiêng), Tương Tư Chiều của Xuân Diệu.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro