1960-1991

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

"Sao Tua chín cái nằm kề
Thương em từ thuở mẹ về với cha
Sao Vua sáu cái nằm xa
Thương em từ thuở người ra người vào"

Khi con nai của thiếu tướng Là cuống cuồng chạy băng băng qua cửa, tôi đang ngồi chơi đồ hàng. Chị lấy nắp phén đè lên mấy chiếc lá cho chúng chảy ra mủ trắng, và chúng tôi vờ rằng đó là bột để đổ bánh xèo.

"Con nai! Con nai!" Chị la lên. Mợ tôi nghe thế, vội chạy ra xem; con nai phóng rất nhanh, những gì mà tôi có thể thấy là cặp gạc của nó nhấp nhô rồi từ từ khuất sau những bụi cây. Mợ tặc lưỡi "Đảo chánh rồi."

Không nói không rằng, mợ lập tức đi vào nhà trong, mở ngăn tủ, lấy ra khẩu súng ngắn của cậu. Mợ lấy nào là bịch bóng, nào là vải,... gói nó lại thật kỹ, tôi thấy mợ đã quấn rất nhiều vòng, rồi mợ đi ra phía sau, thả nó vào hồ nước.

Xong, mợ trở về bếp, lấy cà-mên, xếp cơm và đồ ăn vào, rồi mợ bảo tôi "Đi con, mình đi đưa cơm cho cậu." Nói đoạn mợ quay sang chị tôi "Con đi gọi mấy anh về nhé."

Chị tôi nghe thế dùng dằng "Con biết mấy anh chơi ở đâu mà đi kiếm. Con muốn đi với mợ cơ."
Mợ nghiêm giọng "Qua nhà bác Độ, bác Hùng mà kiếm. Nghe lời!"

Rồi mợ dắt tay tôi đi. Đôi guốc gỗ của mợ nện những tiếng lộc cộc vội vã trên lòng đường. Tôi không thấy được nét mặt của mợ, chỉ thấy được gò má xương xương lấp ló sau chiếc khăn đội đầu. Bàn tay mợ nắm chặt tay tôi, lạnh toát. Tôi nhìn xuống chiếc bóng của mợ trải dài trên nền đường nóng bỏng. Chiếc bóng của mợ dường như lớn hơn bóng của tôi rất nhiều, chiếc bóng liêu xiêu, nghiêng ngả, đôi khi phủ cả một phần vào bóng tôi. Trong những buổi chuyện trò sau này với cậu, tôi có kể lại chuyện này, cậu cười mà rằng "mợ con là vợ lính."

Đi được một chốc, mợ dừng lại trước một cây điệp, chỉ về phía trước rồi bảo "Cậu con đang trong đó đấy. Con mang cho cậu đi."

"Mợ không đi với con ạ?"

"Không, mợ đứng đây thôi. Con đi đi."

Tôi nghe lời, đi về phía mợ nói. Phía bên kia của hàng rào kẽm gai có rất nhiều người. Họ, đều mặc quân phục, đang đứng hoặc đang ngồi thành từng tụm, cậu tôi cũng đang đứng nói chuyện với bác Lâm dưới một tán cây. Tôi bèn gọi "Cậu ơi! Cậu ơi!" Cậu tôi nghe thấy thì đi ra, cậu ngồi xổm xuống, ngang với tôi, hỏi "Sao con lại đến đây?"

"Mợ bảo con đưa cơm cho cậu."

"Mợ con đâu?"

Tôi khẽ đảo tròng mắt, nói: "Mợ ở nhà."

Cậu đứng lên, vói người lấy cà-mên từ tay tôi, rồi bảo: "Con về đi. Mấy hôm nữa cậu về. Nói mợ là không cần đưa cơm cho cậu đâu."

Đó là ngày 1 tháng 11 năm 1963, nền đệ nhất Cộng Hòa sụp đổ.

Gia đình tôi sống trong Tổng Nha Cảnh Sát Quốc Gia. Trong Tổng Nha có một cái chợ, một bệnh viện, một trường học, một nhà thờ, một nhà chùa và một cột cờ. Vào thời điểm đàn áp Phật giáo, khi đi lên cột cờ, có thể thấy cả trăm tăng lữ bị bắt ngồi ở đó, những chiếc đầu cạo trọc sáng bóng dưới cái nắng của Sài Gòn.

Tôi đã mơ hồ cảm nhận được có chuyện gì đó đang xảy ra. Một chuyện gì đó đã ngấm ngầm bắt đầu. Ban đầu, chỉ là một cơn gió nhẹ, nhưng dần dần, nó biến thành một cơn lốc cuốn phăng tất cả.

Tôi đã luôn nghĩ rằng, bên trong bức tường của Tổng Nha, mọi thứ sẽ đều được an toàn. Cái khuôn viên ba mặt giáp Võ Tánh, Nguyễn Trãi, Cộng Hòa này như một toàn thành kiên cố mà mọi thứ xấu xa sẽ dừng ở lại bên ngoài, nhưng không. Sáng nọ, giữa buổi pháp thoại, có một người đàn ông đã bước vào và hỏi vị giảng sư "Chín phương trời, mười phương phật, vậy phương nào để xây cầu tiêu?" Mọi người đều im lặng nhìn về phía anh ta, đó là một người đàn ông còn trẻ, gương mặt hơi nâng lên, thấy rõ một chiếc cằm mỏng, xương hàm sắt lẹm. Giảng sư nhìn anh ta trong chốc lát, và ngay lúc anh ta khoái trá, chuẩn bị quay đi, ông trả lời "Xây ở phương nào có lửa mà không có khói.(1)"

Tối hôm đó, tôi nghe thấy cậu tôi nói với mợ "Tôi vừa nhận được sự vụ lệnh (2)" cậu dừng một chút rồi tiếp "thuyên chuyển về Châu Đốc."

"..."

"Mợ và mấy đứa ở lại đây. Vài năm nữa, tôi về."

Nói rồi, cậu lấy cây sáo, ra ngồi cạnh cây đa trước cửa nhà tôi rồi bắt đầu thổi. Cậu thổi bài Lòng Mẹ. Tiếng sáo da diết, tiếng sáo réo rắt như nỗi buồn đã nhấm nháp cậu tôi trong một thời gian dài, đã hơn mười năm cậu rời xa quê hương của mình. Trong một đêm tối trời, cậu tôi đã rời làng quê của mình, ngôi làng ở gần một con sông Đuống nào đấy tận miền Bắc xa xôi, trong hành trang của mình, cậu chẳng mang gì, ngoài nỗi cô độc đã bám lấy cậu từ đó cho đến suốt những năm tháng sau này.

Tôi bắt chiếc ghế bố ra ngồi cạnh cậu. Trời nổi gió hiu hiu. Những sợi râu lưa thưa từ trên cành đa rũ xuống chốc chốc khẽ đung đưa theo chiều gió Tôi ngước nhìn lên, thấy mảnh trăng tròn, trắng nhờ chầm chậm trôi qua tán cây xù xì. Trăng trôi thật chậm, thỉnh thoảng, lại có những đám mây mỏng tang tựa như những chiếc khăn quàng vắt ngang trăng, rồi lại lướt đi. Trời trở về tối se se lạnh, nền trời có một màu xanh xám mênh mang, và trên cái dĩa trắng to tròn ở đầu ngọn đa kia, tôi thấy những vết nhờ nhờ tạo thành một khối um tùm. Tôi nhìn mãi, tự hỏi ở cạnh cây đa trên cung trăng kia, chú Cuội có phải cũng đang đau đáu ngóng trông về quê cũ.

"Em ơi buồn làm chi
Anh đưa em về sông Đuống
Ngày xưa cát trắng phẳng lì..." (3)

Thi thoảng tôi lại nghe cậu đọc thơ. Khi ấy, cậu thường ngồi hút thuốc một mình gần gốc đa. Trên chiếc ghế đẩu, chân gác chữ ngũ, dáng lưng hơi khom, cậu chầm chậm đọc những bài thơ mà cậu nhớ, mấy lần còn suýt làm bỏng ngón tay vì điếu thuốc đã cháy hết mà cậu không biết. Cậu thường kể tôi nghe những chuyện thời thơ ấu như chuyện cậu đi theo bác cả của tôi đi chọi chim, đi buôn cá... Cậu bảo cậu hát đối dở quá, không cưới được vợ, "Mà thế lại may ấy nhỉ!" Cậu cười, chạm khẽ vào chóp mũi tôi, lúm đồng tiền hai bên má cậu sâu sâu, ánh mắt to dưới cặp chân mày kiếm rậm bình thường vẫn sắc lên cái nhìn oai nghiêm, ngay thẳng ngay lúc ấy lại trở nên mềm dịu. Rồi bỗng dưng, cậu lại nhìn xa xăm "Không biết khi nào mới có thể gặp lại bà và bác cả của con. Bác cả thương cậu lắm, cũng sẽ thương các con."

Sau này, tôi đã thực sự gặp được bác cả. Khi đất nước vừa thống nhất, bác cả tôi, không dúng dắng dùng dằng, vội vàng khăn gói đi thẳng vào Nam. "Ban đầu không đi được, phải ở nhà, không có giấy tờ." Chị Rớt, con bác cả bảo. Sau, không biết bác tôi làm sao, vào một đêm không trăng, bác tôi cùng một người cùng làng đã dắt theo chị, khi ấy mới chỉ mười tuổi, ra ngoài đầu đê, theo một chiếc xe ca đi vào Ninh Bình, qua Thanh Hóa, Huế, Đà Nẵng, Bình Định, Hố Nai, Biên Hòa rồi tới Sài Gòn. Cứ mỗi một trạm sẽ có người xét giấy tờ, không có thì bị bắt về, nên tối đến, ba người trốn vào ruộng, có những đêm ngủ trên mương nước, lẩn khuất khỏi tầm nhìn của những trạm gác, tiếp tục bắt xe vào Nam. "Nhọc lắm! Nhọc lắm!" Chị Rớt nói. Tôi đưa mắt nhìn bác cả đang đứng nói chuyện với cậu tôi, cảm thấy không biết những lúc ấy, bác đã nghĩ gì. Ông tôi mất sớm, nhà nội tôi đơn chiếc, chỉ có mỗi hai người con là bác cả và cậu tôi. Trái ngược với cậu tôi vào nam ra bắc, đi đông đi tây, bác cả lại là một người lành tính. Bác đã chọn ở lại quê cày ruộng và chăm nom mẹ già. Ngay hôm sau khi bác vào, cậu đưa bác lên chùa thăm tôi, bác mặc một bộ áo nâu, tay xách nách mang quà quê, gương mặt hiền lành, chân chất, trông giống cậu tôi tám chín phần, bừng lên vẻ tươi tắn, rắn chắc.

"Bác cả đúng là rất thương cậu." Tôi nói khi về thăm nhà.

"Sao anh biết?" Em út tôi hỏi.

"Anh biết vì anh nhìn mắt của bác."

Trong buổi hôm đó, tôi thường bắt gặp ánh mắt bác cả nhìn cậu tôi mỗi khi cậu nói chuyện. Đôi con ngươi màu nâu đậm của bác sáng bừng và đôi má của bác như toả ra thứ cảm xúc hừng hực. Đôi con ngươi chăm chăm vào cậu tôi, dường như chỉ cần sơ ý một chút, sẽ bỏ lỡ một khoảnh khắc quan trọng nào đó.

"Chú về đi, anh có để phần đất cho chú." Bác cả bảo.
Nhưng cậu tôi từ chối. Hơn hai mươi năm xa xứ, rễ của cậu đã sớm bám chặt vào mảnh đất Sài Gòn. Bác cả nghe thế thì không nói gì nữa, ánh mắt nâu cũng chóng nhuộm thành đen. Khi ấy, bỗng dưng tôi nghĩ về quãng đường của bác cả, từ Bắc Ninh vào tới Sài Gòn, qua thôn quê, qua bình địa, qua phố thị, đích đến chỉ là một điểm mơ hồ nghe ngóng được từ những người cùng quê, cùng họ, có lẽ khi ấy, bác cả đã không thấy những nỗi vất vả, bác chỉ thấy gương mặt người em trai đã xa cách hơn hai mươi năm của mình. Và, thương.

Sau hôm 1 tháng 11, khi đại tá Thiệu đưa quân tiến vào Tổng Nha, cả nhà chúng tôi mang theo xoong nồi, gạo và rau, cùng nhau chui hàng rào, qua Ủy Hội Quốc Tế. Khi chúng tôi đến dãy nhà tôn, đã thấy nhiều gia đình túm tụm ngồi thành từng cụm nhỏ. Tôi có thể nhận ra vài nhà, như nhà bác Quỳnh kế bên nhà tôi, nhà bác Độ, nhà bác Tiến, nhà bác Vi... Chúng tôi ở đó chừng dăm hôm, đến khi mọi chuyện đã êm xuôi, lại lục tục dắt nhau về, tiếp đến thì cậu được thả.

Chiều hôm đó, bác Tử Hạ đến nhà, đi cùng với bác là anh Yến Minh.

Anh Yến Minh hơn tôi hai tuổi, là con út của bác Tử Hạ. Nghe mợ tôi bảo, anh Yến Minh từ nhỏ đã thông minh, yên tĩnh, hai bác yêu anh nhiều. Thế nên, mỗi khi anh Yến Minh tới, mợ đều dặn các anh tôi dẫn anh đi chơi thì phải để ý, không được đánh nhau, không được trèo cây, không được leo nóc nhà, không được qua nhà thiếu tướng Là hái trộm mận... Các anh tôi ghét ghê lắm, thường hay lừa lúc không ai để ý, bỏ mặc anh. Anh cũng chẳng lấy làm phiền. Những lúc ấy, anh quay lại nhà tôi, ngồi trước hàng hiên xem tôi chơi đồ hàng. Anh thường không nói gì, chỉ lẳng lặng nhìn như vậy.

Chị tôi không thích anh, chị bảo tôi anh là đồ cậu ấm, nên thường hay trừng mắt, ra bộ hung dữ với anh. Tôi ngờ là do chị ngượng, mấy người bạn quanh nhà hay ghép đôi chị và anh, mỗi khi họ nhác thấy bóng anh sẽ cười phá lên "Hoàng tử Minh và công chúa Mén" nên mỗi khi anh sang, chị tôi lại chạy tót sang nhà bác Quỳnh hay bác Vi kiếm mấy chị chơi cùng.

Nhưng tôi thì khác, tôi ưa ở cạnh anh vì anh hiền, anh lại hay cho tôi quà vặt, quả táo đỏ đầu tiên mà tôi ăn cũng là anh cho. Tôi nhớ năm ấy, bác Tử Hạ không biết vì chuyện gì mà bị bắt vào nhà giam trong Tổng Nha. Bác gái mang theo một giỏ đồ ăn qua, nhờ chị tôi mang vào thăm bác trai, theo như mợ tôi nói, thì vì chị là con gái, lại còn nhỏ, dễ đi lại hơn. Trong khi đợi chị về, người lớn ngồi nói chuyện với nhau trong nhà, anh Yến Minh ra sau vườn, bắt gặp tôi đang ngồi vuốt mèo, anh bảo "em muốn ăn táo không?"

Tôi nhìn nhìn anh, không thấy bịch táo nào.

"Không phải táo dai đâu. Là trái này" Anh lôi một trái màu đỏ thẫm, to bằng nắm tay mợ tôi từ trong túi quần ra, đưa đến trước mặt tôi. Tôi nhìn làn da đỏ căng bóng, mát mịn, rụt rè gật đầu.

"Vậy ạ anh đi." Anh cười cười.

"Ạ anh." Tôi đáp.

"Thêm lần nữa. To lên"

" Ạ anh!"

"Đây, cho em." Anh cười tươi, để lộ ra chiếc răng khểnh, rồi đưa cho tôi quả táo. Tôi cầm lấy nó bằng hai tay, hít hít lấy hương thơm ngào ngạt đang lan tỏa, đó là một mùa hương vừa chua chua lại vừa ngòn ngọt, vừa nồng nàn lại vừa dìu dịu.

"Em ăn đi." Anh bảo, thế là tôi há miệng thật to cắn vào quả táo đỏ thẫm, thịt quả giòn giòn, sạn sạn có hương vị ngon ngọt. Thứ hương thơm mơn man kia cũng mau chóng tràn ngập khoang miệng tôi.

"Ngon không?" Anh hỏi.

Tôi gật gật đầu.

"Cho anh một miếng nhé?"

Nghe thế, tôi bèn đưa quả táo sang cho anh. Anh cắn một ít rồi bảo "ngọt thật."

Sau khi bác Tử Hạ được cho về, bác có ý ngỏ lời nhận chị tôi làm con gái đỡ đầu, nhưng chị tôi nhất định không chịu gọi bác ấy là bố. Bác Tử Hạ cười to, bảo " Thế thôi. Không làm con đỡ đầu thì sau này làm con dâu bác vậy." Vậy là chuyện đính ước giữa anh Yến Minh và chị tôi cứ nửa đùa nửa thật mà thành, nên mới có chuyện sau này, mỗi khi thấy anh Yến Minh tới, mấy chị quanh nhà lại hùa nhau qua nhà tôi, muốn rủ anh chị chơi trò cô dâu chú rể.
Buổi chiều, khi bác Tử Hạ qua nhà tôi, anh Yến Minh cũng nhìn tôi chơi đồ hàng một lát rồi bảo: "Em biết đọc chưa?"

"Em biết ráp vần rồi"

"Giỏi quá nhỉ. Em có thuộc bài đọc nào không?"

"Dạ có."

"Đọc anh nghe thử."

Tôi nghe thế, đứng dậy, làm tư thế nghiêm, dõng dạc đọc to:

"Hỡi các cậu bé con!
Đang lúc tuổi còn non,
Các cậu phải chăm học.
Có học mới nên khôn."

"Giỏi" Anh vỗ tay, rồi hỏi tôi "Mấy hôm trước, anh nghe chị anh hát một bài ca hay lắm. Em muốn học không?"

"Không học đâu. Em hát dở." Tôi đáp.

"Không sao, bài này giống như ca dao vậy. Không hát thì có thể đọc."

"Dạ, vậy được."

"Anh đọc một câu rồi em lặp lại theo anh nhé."
"Dạ"

Rồi anh bắt đầu đọc:

"Sao Tua chín cái nằm kề"
Thương em từ thuở mẹ về với cha
Sao Vua sáu cái nằm xa
Thương em từ thuở người ra người vào..."

Giọng nói non nớt, trong veo của anh vang lên giữa buổi chiều đầy gió. Mỗi câu anh đều dừng lại, để tôi đọc theo. Chúng tôi như đôi chim non đang thống thiết gọi nhau, muốn hai lời nói hòa vào làm một, nhưng không biết rằng, rồi lời của chúng tôi cũng sớm bị những cơn gió kéo hút vào những khoảng không mịt mù, thăm thẳm.

"Sao Mơ sáu cái nằm chầu
Sao khuê mấy cái nằm đâu"

Tôi khẽ đọc lại những câu thơ. Bây giờ đã là tám giờ tối, chùa ở ngoại ô, không gian yên, vắng như đã vào khuya. Xa xa có thể nghe thấy tiếng dế kêu. Tiếng rin rít đều đều hồ như đang giục giã. Tôi ngước lên nhìn trăng. Hôm nay là mười sáu. Trăng tròn, to. Ban đầu, ánh trăng lấp ló sau những rặng cây, có màu cam rực, trông rất gần, nhìn thoáng qua sẽ tưởng đó là một chiếc đèn tròn, là một loại đèn đường nào đấy. Rồi ánh trăng từ từ đi lên, màu cam cũng nhạt dần. Khi trời vào đêm sâu hơn, ánh trăng đã ở trên đỉnh đầu tôi, ánh trăng như một chiếc dĩa bạc, tỏa ra quầng sáng vàng nhàn nhạt. Ánh trăng lẳng lặng trôi giữa những tán cây bạch đàn xum xuê lá. Ánh trăng có một vẻ xa cách, mơ hồ.
Tôi lấy cây đàn guitar rảo vài nốt.

"Biết lấy ai
Nhắn gởi đôi lời
Bồi hồi
Đứng ngồi
Không an dạ..."(4)

Câu hát này tôi nghe được từ một người đàn ông ở khu nhà tạm trú khi cả gia đình tôi chuyển về quận tư. Buổi chiều, ông ấy thường ôm một cây đàn kìm, gảy từng nốt. Tiếng đàn tưng-tưng réo rắt, da diết buồn.

Sau, ông ấy mất, người ta bảo là bị kiết lỵ. Cây đàn kìm kia không biết là đã được chôn theo hay đã lưu lạc chốn nào.

Bỗng nhiên, dường như tôi nghe thấy tiếng ai gọi mình. Tiếng gọi khẽ như nương theo gió mà tới, rồi im bặt.

Tối đó, tôi nằm mơ. Tôi mơ thấy khu cư xá nhưng phía trước không phải dãy nhà tạm trú, mà lại là một ngọn đồi. Trong mơ, có lúc tôi là đứa trẻ, có lúc lại là tôi của bấy giờ. Tôi chậm rãi bước lên đỉnh đồi. Trên đồi có một cái cây rất to. Vì cây mọc thấp hơn vị trí tôi đứng, nên tán cây xòe xuống rất gần, tôi có thể trông rõ những bông hoa vàng li ti tua tủa mọc ở trên cành. Cái cây cũng có quả, những quả có lớp vỏ gai sừng, nâu trông như quả thông, nhưng trong tiềm thức, tôi biết rằng đây không phải là quả thông.
Chiều đang kéo về qua những cành lá. Ở phía chân trời kia, vẫn còn ánh lên màu nắng vàng nhạt, trộn với màu xanh của nền trời, tạo thành một màu cỏ úa u buồn. Tôi có thể thấy những đám mây, những đám mây như những tảng bông trắng bị người ta xé rời rạc đang gấp gấp về cùng chiều.

Bỗng dưng, tôi nghe thấy một tiếng hô.

"Mimosa đẹp lắm người yêu ơi!"

Phía bên kia ngọn đồi, là anh đang đứng, ánh vàng mềm mại cuối ngày đọng lại trên mặt anh. Anh nhìn tôi, cười, nét rạng rỡ như hồi còn thơ.
............
Năm 17 tuổi, anh vào trường Võ Bị Quốc Gia.
Lúc nghe tin đó, tôi không biết là mình có cảm nhận như thế nào. Dường như có một cơn đau quặn từ ruột dâng lên đến tim, rồi chết lặng ở đó. Tôi thấy mọi thứ trôi nổi bồng bềnh, rồi mọi thứ đều như giả, cảnh vật xung quanh là giả, những tiếng nói cười là giả, bản thân tôi cũng là giả. Im ắng. Những gì tôi có thể cảm nhận là một sự im ắng ngạt thở.

Như thể có cái gì đó đang mất đi, có cái gì đó đã thay đổi, có cái gì đó đã phá vỡ.

Anh tìm thấy tôi đang nằm ẩn mình trong những ngọn cỏ lau. Anh không nói gì, lặng lẽ ngồi cạnh. Đôi chúng tôi đều im lặng. Những ngọn cỏ lau đung đưa, đung đưa. Những ngọn cỏ lau có màu nhạt như những sợi tơ bao lấy vòm trời. Bầu trời hôm ấy xanh một cách kỳ lạ, xanh đến chói mắt, và những đám mây thật to đang lững thững trôi. Tôi nhớ một hôm sau khi nhà tôi vừa chuyển lên khu cư xá, cậu đã bị điều đi, bác gái và anh có lên thăm. Chiều hôm ấy, hai chúng tôi ngồi trước cửa, nhìn ráng chiều cam rực dần hạ xuống sau những hàng dừa vun vút cao.

"Em xem đám mây kia có hình gì?" Anh hỏi.

"Em không biết."

"Em có thấy giống một con cá voi không?"

"..."

"..."

"Anh..."

"..."

"Anh... em nhớ cậu lắm."
Tôi giấu mặt vào tay áo của anh. Sợi vải bị nước mắt thấm đẫm làm dậy nên một mùi mộc mạc nồng nồng.

"Em đang nghĩ gì thế?" Anh hỏi.

"Không có gì. Nhớ một vài chuyện thôi."

"Mai sang Pétrus Ký nhé. Bọn anh hát ở đấy."

"Chắc em không đi được."

Anh nhìn tôi, vạt nắng chiều ôm lấy sườn mặt khiến một bên con ngươi phát sáng , trông như hổ phách, và tôi có thể thấy đồng tử màu nâu cùng những tia mắt tím thẫm tỏa ra như những vết rạn. Rồi anh thở ra, nhẹ giọng:
"Hẳn là lần cuối."

Tôi quay mặt đi, cắn chặt môi mình, tự dưng lại muốn khóc.

Tôi đã thấy ánh mắt của chị, những năm gần đây. Chị tôi đã không còn là một cô nhóc nhỏ ngang ngạnh với mái tóc loe hoe, cháy nắng như râu bắp. Chị đã để tóc dài, và mỗi khi đi chợ cùng mợ, thỉnh thoảng chị sẽ giấu một phần gương mặt mình dưới những chiếc khăn hoa. Hẳn là chị đã biết rằng, những chiếc khăn hoa đậm màu ấy sẽ góp phần tôn lên làn da trắng sứ, đôi môi đầy đặn, khuôn mắt trong trẻo, to tròn như mắt loài hưu sao của chị. Và cũng thỉnh thoảng, dưới những lớp khăn mỏng ấy, chị giấu ánh nhìn của mình – một ánh nhìn tươi sáng, mềm mại như nắng sau những ngày mưa gió dầm dề.

Khi tôi cùng anh đi về, chiều đã đổ xuống. Bỗng dưng, tôi ngoái đầu lại, nhìn về phía sau. Trên nền trời rạng lên sắc hồng cam, những hàng cỏ lau nhạt màu lay động mạnh mẽ tạo thành một cảnh tượng thật kỳ dị. Những cành mảnh mai bị gió quăng quật, những sợi cỏ mảnh khảnh như cố vươn về phía tôi. Tôi có một ảo giác kỳ lạ là dường như không gian xung quanh tôi đã đứng lại. Không còn một âm thanh nào, không còn một cảnh vật nào, không còn người nào, chỉ còn có tôi và đám cỏ lau kia.

Những bông cỏ lau đang khóc – Tôi đã nghĩ vậy.

Cuối cùng thì tôi cũng cùng anh chị của mình đến xem anh hát. Tối đó, anh mặc một chiếc áo chemise trắng đóng thùng quần bò xanh, để hở hai nút, khoe ra làn da khỏe khoắn màu bánh mật. Khi anh ra đón chúng tôi ở cổng, chị tôi thoáng đỏ bừng mặt. Sau lớp vải áo, tôi có thể lờ mờ trông thấy cơ bắp của anh, chúng hơi vồng lên, khi anh đứng chống nạnh nói đùa với các anh tôi, từ yết hầu nhấp nhô kéo xuống cổ tay, không biết tại sao lại tỏa ra một mùi phơi phới như gió biển. Một hơi thở rắn rỏi, mạnh mẽ. Và dưới ánh đèn, mái tóc anh xoăn nhẹ ánh màu vàng đồng, lúc bất chợt cười rộ lên sẽ khoe ra một chiếc lúm đồng tiền bên má phải, trông nửa hoang dại, chừng ngây thơ.

Vào lúc anh đưa tay vuốt tóc, tôi nhìn thấy một dải mây nhạt lững lờ trôi qua trên bầu trời.

Anh đưa tay vuốt tóc, mây bay
Em sẽ ví tóc anh là mây,
Để ngày mai, hai đứa mình xa cách
Em vẫn được nhìn mây trắng bay (5)

Tôi cụp mắt xuống, cố giấu đi tâm tình của mình. Khi định thần lại, anh đã ở trên sân khấu mà vốn cũng chỉ là một khoảng sân nằm tách biệt ra khỏi khán giả. Anh ôm guitar, bắt đầu so dây. Trời nổi gió lồng lộng.

"Ngày nào cho tôi biết,
Biết yêu em rồi, tôi biết tương tư
Ngày nào biết mong chờ
Biết rộn rã buồn vui đợi em dưới mưa" (6)

Trong khoảnh khắc, không gian im thinh, tiếng hát trầm ấm, ma quái nương theo sức gió mà lan tỏa. Tiếng hát như chất chứa một nỗi niềm kiềm nén đã từ lâu. Tiếng hát đau rấm rứt. Tiếng hát mệt nhoài.

"Tình yêu đã trở lại
Đôi mắt đêm ngày vơi hết đọa đày
Tà áo em phơi bày,
Ngón tay em dài, tiếng yêu không lời"

Rồi hốt nhiên, tiếng hát trở vui. Như có một niềm hy vọng bé mọn, một nỗi vui vô cớ bỗng dưng dâng lên giữa muôn vàn đau đớn, rồi lại bị nhấn chìm giữa lớp lớp tầng tầng. Tôi giấu mình trong đám người, tham lam ngắm nhìn anh. Tôi ngắm những lọn tóc xoăn đang chờn vờn ôm lấy gương mặt, ngắm cặp chân mày sắc bén dưới vầng trán thanh tú, ngắm chiếc cổ căng tràn như chất chứa một ngọn lửa nhỏ, tất cả đều bừng lên một sức sống mãnh liệt.

"Ngày nào...cánh thiên đường đã mở hé
Tình yêu là trái táo thơm..."

Trong một khắc, như có một luồng điện chạy dọc từ sống lưng lên gáy. Vừa lúc ấy, một cơn gió thổi rối tóc của anh, khiến đôi mắt bị che khuất, nhưng không hiểu sao, tôi bỗng cảm thấy, sau lớp tóc, ánh mắt anh sắc đang ghim chặt vào tôi.

"Tôi... ghé răng cắn vào
Miếng môi ngọt đắng
Tình yêu cuối đường
Là trối trăn cuối cùng
Giấc mơ não nùng
Vội tan..."

Giữa hàng hàng người, ánh mắt chúng tôi tìm thấy nhau.

Sau buổi diễn, chúng tôi rủ nhau đi ăn chè ở chợ gần nhà tôi rồi các anh đưa chị tôi về trước. Anh dắt xe đạp cùng tôi đi chầm chậm, bâng quơ hát.

"Thương nụ cười
Và mái tóc buông lơi
Mùa thu úa trên môi
Từng đêm qua ngõ tối
Bàn chân âm thầm nói
Lặng nghe gió đêm nay
Ngại ai vuốt đôi vai
Bờ vai như giấy mới..." (7)

Hát đoạn, anh nhìn sang tôi. Ánh mắt của anh hấp háy một tia nhìn tinh nghịch, rồi từ từ, anh hát tiếp.

"...Sợ nghiêng hết tình tôi"

Anh tủm tỉm. Nụ cười ngọt ngào như kẹo bông gòn.

"Anh nhìn gì em đấy?"

"Không có gì. Chỉ thấy vui thôi. Hết giận anh rồi nhớ."

Tôi không đáp lại anh, chỉ nhìn lên trời. Nơi ngọn đèn đầu ngõ, những con thiêu thân chấp chới đập cánh, những con thiêu thân không ngừng lao vào vệt vàng mềm mại đang tỏa theo hình một chiếc loa. Những con thiêu thân thì không biết buồn. Chúng tôi lại lẳng lặng bước bên nhau. Trong bóng đêm, tôi có thể ngửi thấy hương thơm của những bông hoa nguyệt quế. Mùi hương dường như ẩn mình trong những giọt sương đêm, thoáng chốc lặng đi, rồi lại thoáng chốc nồng nàn, vương vít. Tôi hơi lùi về phía sau, nhìn bóng áo trắng của anh được ánh đèn rọi đến, dát một lớp vàng mỏng, trông lung linh, và ở đằng trước anh, là một bóng đen thăm thẳm, sâu hun hút.

Anh quay lại nhìn tôi, dáng người thẳng tắp. Trong đôi mắt ngưng đọng một điều gì mà tôi không rõ.
Tôi bước tới phía anh. Khi đi qua ngã rẽ, anh kéo tôi vào một góc khuất, bàn tay phủ lên đôi mắt tôi. Tôi khẽ chớp mắt. Hàng lông mi rung động, chạm vào lòng bày tay anh.

Tôi nhớ năm 68-69, khi mà chiến sự đang diễn ra ác liệt, tôi đã thấy rất nhiều những xác chết được kéo vào sân của Bót Hàng Keo. Đó là những gương mặt trẻ trung, khờ dại, xanh rớt.

"Đừng nhìn"

Anh nói, đôi bàn tay che khuất tầm mắt tôi.
Tối đó, cậu nghe đài. Trên đài là một giọng nữ miền Bắc chầm chậm, rầu rầu.

"Những đứa con của mẹ... sinh Bắc ... tử Nam"

Sau này, khi nhớ về hôm ấy, trong lòng tôi vẫn dâng lên một niềm đau đớn.
Không phe nào, đều là người. Không miền nào, đều là Việt Nam.
——————————————————
Chúng tôi đứng trong thinh lặng. Giữa bóng tối trùng trùng, tôi nghe thấy tiếng tim anh, từng tiếng, từng tiếng đập nhịp nhàng. Giữa bóng tối trùng trùng, tôi ngửi thấy mùi nước hoa của anh. Mùi nước hoa như những sợi tơ, luẩn quẩn và vương vít, trói chặt người tôi.

Một luồng hơi nhè nhẹ áp sát vào môi, chừng như ngập ngừng, rồi những phiến môi chạm vào nhau, rất khẽ khàng. Những phiến môi e ngại, những phiến môi mân mê, những phiến môi quấn quýt, những phiến môi ghì chặt lấy nhau, những phiến môi tiếc nuối chia rời.

Tôi bấu vào tấm áo chemise của anh, áp mặt vào hõm vai anh, rồi bỗng dưng, tôi buồn quá đỗi. Nỗi buồn cứ cuồn cuộn trào lên, như một cơn sóng dữ bất thình lình đánh ập vào người tôi rồi vỡ òa thành những giọt nước mắt.

Chúng tôi ôm chặt lấy nhau .

"Hãy nói mình yêu nhau
Bằng tiếng loài người...." (8)

Giữa đêm tối lạnh ướt, câu hát không biết từ nhà ai vang lên, nghe thống thiết pha lẫn một niềm hân hoan thầm kín, rồi rơi vỡ và mất hút.

Trời thôi mưa
Mình đành xa nhau... xa nhau...

Anh vẫn thường viết thư gửi về. Trong thư anh hỏi thăm sức khỏe cậu mợ tôi, rồi anh kể những chuyện ở trường, kể về một cậu bạn bỏ quên tăm trong túi áo. Thế là cậu ấy bị phạt chạy vòng sân trường, vừa chạy vừa hô to "Túi áo tôi không phải là thùng rác."

Một bữa, tôi lại nhận được thư anh. Trong thư, còn có thêm một nhành hoa được ép dẹp, nhưng những đóa hoa vẫn còn giữ được màu vàng và những chiếc lá vẫn còn đượm màu xanh bạc. Anh bảo đó là hoa mimosa.

"Gần nhà ăn có một cây mimosa. Mùa này, hoa đang nở rộ, những cành lá bạc sà xuống thật gần. Cả đám bọn anh rủ nhau ra ngắt hoa. Chẳng ngờ bọn anh vừa ngắt hoa xong, cất trong túi áo thì có đợt kiểm tra. Cả bọn bị phạt chạy theo đường alpha vòng quanh sân trường. Ôi chao, em không thể hình dung được con đường đó dài đến vô tận như thế nào đâu. Trong lúc chạy, còn phải hô vang khẩu hiệu "Mimosa đẹp lắm người yêu ơi!" Em còn nhớ cậu bạn để quên tăm không? Cậu ấy tên là Vinh. Vinh không hái hoa, cậu ấy chỉ giúp một người bạn cất hộ một cành hoa, vì cậu này đang tán tỉnh những hai cô gái. Thế là Vinh cũng bị phạt. Thật là một cậu chàng xui xẻo."

Tôi khép lại bức thư, rồi đi hỏi mượn chị sách dạy thêu và kim chỉ. Chị nhìn tôi một lát rồi bảo "Đợi chị chút." Từ hồi anh vào trường, chị tôi có vẻ trở nên trầm lặng hơn. Dạo trước, thi thoảng, tôi bắt gặp ánh mắt chị nhìn tôi chất chứa tâm sự, như muốn nói gì đó rồi lại thôi. Thi thoảng, chị nổi giận. Chị cáu với tôi không biết vì lý do gì. Có một hôm, chị đang ngồi đọc sách, rồi bỗng nhiên chị quăng quyển sách vào người tôi. Trong lúc tôi còn đang ngạc nhiên thì chị lại òa khóc tức tưởi. Tôi lẳng lặng cầm quyển sách lên, ngồi bên cạnh chị. Chiều đó, khi đã nguôi ngoai, chị mua cho tôi và chị, mỗi người một que kem rồi nhẹ nhàng bảo "chị xin lỗi nhé." Dần dà, những cơn nóng giận vô cớ của chị không còn nữa, chị bỗng như đã trở thành một dòng sông, dịu nhẹ và lơ đãng. Một dòng sông đã ôm hết tất cả những bí mật, những tâm tư, những nỗi buồn vào muôn trùng sóng nước.

"Đây. Nếu có gì không hiểu thì hỏi chị." Chị bảo, ánh mắt trong sáng như một vầng trăng.

Tôi tập thêu những đóa hoa mimosa bằng mũi se hạt và những chiếc lá bằng mũi đâm xô trên chiếc áo của mình. Thành phẩm ban đầu thật vụng dại. Những bông hoa trông như một mớ bùi nhùi và những chiếc lá với cái mũi thêu loạn lên hết cả. Có đôi khi, dùng lực quá mạnh, tôi kéo kim làm rách cả sợi vải. Sau, với sự giúp đỡ của chị, chúng dần dần trở nên mướt hơn. Khi đã khá thành thạo, tôi đi tìm mua một chiếc khăn tay đơn giản, thêu một đóa hoa bé xíu ngay ở góc, gửi lên cho anh.

Rồi thì năm mới cũng sắp đến. Đầu năm nay, mợ tôi bắt đầu bán câu lạc bộ ở ty Gia Định(9), giờ là thời khắc cuối năm, công việc buôn bán của mợ bận rộn nhiều. Chị tôi, ngoài giờ học, thỉnh thoảng cũng ra phụ mợ, các anh tôi đều đã trúng tuyển vào không quân, đợt tết này, các anh ấy không về. Và lại thêm một cái tết nữa, anh Yến Minh không ăn tết ở nhà. Trong thư, anh bảo sau mùa đông quân sự, anh sẽ có hai tuần nghỉ phép, nhưng đến tận giữa tháng ba. Lúc ấy thì tết cũng đã qua lâu rồi.

Tan học, tôi cùng Phù Lạc, cậu bạn thân, đạp xe dạo vòng quanh Sài Gòn, dự định sẽ ra Hồng Thập Tự (10) xuôi xuống Thống Nhất (11) về đường Tự Do (12). Có một đợt gió lạnh se se đang tràn ngập trong không khí Sài Gòn. Tôi nhìn lên những vòm lá xanh mát ở tít trên cao, bầu trời có một màu trăng trắng bàng bạc. Thỉnh thoảng, có một tia nắng mỏng nhẹ lóe lên, viền quanh những phiến lá xanh, rồi nhanh chóng vụt tắt. Khi chúng tôi chạy một vòng quanh Vương Cung Thánh Đường, những chú chim bồ câu bị đánh động, tung những chiếc cánh trắng muốt, chấp chới bay lên. Không biết trong số đó, tôi tự hỏi, có chú chim nào ngậm cành oliu hay không?

Tôi nhớ khi anh Yến Minh còn ở nhà, anh cũng thường chở tôi đi qua những con đường này, hứng lấy những cơn gió mát nhẹ của tháng mười, đắm mình trong không khí rộng ràng chuẩn bị lễ Giáng Sinh, hoặc bị ướt dầm trong những cơn mưa tầm tã. Một lần, chúng tôi trú mưa bên vệ đường, anh khoác vai tôi hỏi "Lạnh không?" Mái tóc anh đã ướt sẫm, sườn mặt cũng đọng một tầng hơi nước lạnh. Dưới ánh đèn vàng, lúm đồng tiền bên má phải của anh trở nên sâu hun hút.

Bất chợt, tôi nhớ đến quyển sách vừa đọc hồi hôm, quyển Hoàng Tử Bé của Antoine de Saint-Exupéry. Tôi nhớ đến đoạn khi con cáo bảo với Hoàng Tử Bé rằng cậu đã thuần hóa được nó, rằng mỗi khi nó nhìn thấy màu vàng của lúa mì sẽ nhớ đến cậu. Thế thì cậu chẳng được gì hết, Hoàng Tử Bé nói và con cáo đã trả lời– Tớ được chứ, bởi cái màu lúa mì ấy.
Tôi bỗng muốn khóc rồi lại muốn cười.

Một nỗi niềm ngọt ngào xen lẫn chua xót cứ thế lấp đầy rồi nghẹn ứ nơi sống mũi.

Anh về phép vào một ngày giữa tháng ba. Đó cũng là một ngày cũng như bao ngày của tháng ba khác, trời vẫn chưa kịp oi bức, anh nhẹ nhàng bước vào nhà tôi; da anh đã trở nên rám nắng, mái tóc bồng bềnh đã được tém ngắn, và sau lớp vải áo chemise, những cơ bắp chắc nịt nổi rõ, toát ra một mùi nam tính. Anh cười: "Anh về rồi đây." Nụ sáng bừng, ngọt lịm như mật ong. Sau khi hỏi thăm và hàn huyên đôi chuyện với cậu mợ, anh xin phép đưa tôi đi chơi. Chúng tôi mua kem, rồi mỗi đứa một que, cùng nhau thả bộ chầm chậm. Hai bên đường, hàng cây điệp vàng đã trổ hoa rực rỡ. Thi thoảng, khi có một đợt gió kéo qua, những cánh hoa điệp rơi lả tả, phủ đầy đường. Bấy giờ đã là bốn giờ rưỡi chiều, ánh mặt trời giẫy lên đợt sáng cuối cùng của ngày, chiếu xuống những tàn hoa như những cánh bướm khiến chúng tỏa ra ánh hào quang chói lọi trong phút ngắn ngủi trước khi hoàn toàn lịm tắt. Trong niềm hạnh phúc ấy, chúng tôi đã dẫm lên những cánh bướm ấy mà chẳng chút xót thương.

Đêm ấy, anh ngủ lại nhà tôi. Có bóng đêm đồng lõa, có tấm chăn che chở, chúng tôi nhè nhẹ ôm siết nhau, chúng tôi khe khẽ trao cho nhau những nụ hôn. Dưới lớp chăn mỏng, trong đêm đen kịt không thấy ngón tay, tôi lần tìm bờ môi anh. Chúng tôi mơn trớn. Chúng tôi dây dưa. Chúng tôi đùa nghịch. Những ngón tay của anh chạm vào tôi. Những ngón tay mảnh và lạnh chạm vào làn da sau lớp áo. Tôi cũng chạm vào anh. Chúng tôi khắc họa hình dáng nhau bằng những ngón tay, bằng những nụ môi, bằng những cẳng chân quấn quýt. Lưỡi của chúng tôi rụt rè kiếm tìm nhau trên từng chiếc răng, rồi lại mạnh mẽ sục sạo trong từng ngóc ngách của khoáng miệng. Anh chầm chậm kéo tôi áp sát vào anh, miết những nụ hôn lên tai tôi rồi trượt xuống yết hầu. Rồi không biết tại sao, tôi bỗng có cảm giác rằng, trong bóng đêm ấy, ánh mắt của chúng tôi vẫn chạm đến nhau. Anh vòng tay qua vai tôi, không ai bảo ai, chúng tôi rúc vào nhau, khúc khích cười.
----------------------------------------------------------
"Sao Đôi hai cái nằm chồng
Thương em từ thuở mẹ bồng mát tay
Sao Hoa ba cái nằm xoay
Thương em từ thuở được vay nụ cười"

Chị tìm thấy lá thư này trên kệ sách. Hẳn là lúc em dọn đi đã để sót lại, nên chị gửi lên chùa cho em.

Đi kèm với lá thư là lời nhắn của chị, ngắn gọn. Chị đã lấy chồng, chồng chị ở rể, hẳn là chị lo cho cậu mợ. Anh cả của chúng tôi đã mất, anh hai thì mấy năm trước dắt về một chị người Tiều, rồi hai người dắt díu nhau đi Nam Vang làm ăn, đã lâu không thấy báo tin gì, giờ nhà chỉ còn cậu mợ, vợ chồng chị và em út. Mấy năm nay, chị cũng không nói chuyện nhiều với tôi, hẳn là chị vẫn còn khúc mắc trong lòng.
Tôi lấy ra một tờ giấy, ghi vài chữ cho chị.

Em mừng lắm. Cảm ơn chị.

Đó là lá thư cuối anh gửi cho tôi, chép bài hát của chúng tôi khi bé. Khi ấy chẳng nghĩ ngợi gì, bây giờ thì lại tự hỏi sao thơ ca Việt Nam buồn đến thế.
Tối trước hôm anh lên lại trường, anh lại chở tôi đi vòng quanh phố xá. Tôi im lặng, anh cũng im lặng. "Có nói trăm điều cũng chẳng ích gì." Tôi đã nghĩ như vậy. Cho đến khi đêm đã trở nên tối hơn, Sài Gòn chỉ còn tiếng nữa là vào giờ giới nghiêm, người trên đường cũng thưa nhiều, anh chở tôi về. Tôi thấy những cơn gió đêm thổi vào mình thật rát. vòng tay ôm lấy eo anh, áp mặt vào lưng áo anh, và một nỗi niềm xúc động dâng lên. Tôi cứ để nước mắt lẳng lặng chảy, thấm đấm áo anh.

Lúc vừa quẹo vào con hẻm, lựa một góc khuất, anh dừng xe, đạp chân trống. Anh quay lại nhìn tôi cười khổ, rồi anh đưa tay lau nước mắt trên mặt và hôn lên mí mắt tôi. Rồi anh ôm lấy tôi, siết chặt tôi vào lồng ngực, như thể muốn nói "anh ở đây".

Tôi vùng ra, nức nở ôm lấy mặt anh, hôn lên môi anh, gặm cắn cằm anh với một nỗi thương yêu não nề.

Thời gian cứ như quay ngược lại một năm trước đó. Và những nụ hôn chẳng bao giờ là đủ.

Tối ấy, tôi viết một bài thơ cho anh.

"Rồi người về ngả ấy
Rồi tôi qua lối này
Sau mỗi lần chia tay
Lòng tôi mềm lá cỏ
Tôi yêu người từ đó
Tôi hy vọng từ đây
Tôi bắt đầu nỗi nhớ
Trên bàn tay gân xanh
Đường chỉ này định mệnh
Và tình này mong manh" (5)

Chúng tôi đã sống trong những niềm yêu êm ái như vậy, hoặc có thể là do tôi đã quá ngây thơ, đã quên mất rằng bản thân chúng tôi vẫn là những người đi giữa chiến tranh. Dần dà, tin tức về những cuộc chiến ở một vùng quê hương xa lạ đã chiếm trang đầu của các tờ báo, tên của những địa danh lạ lẫm vang lên từ đài phát thanh và mỗi khi đi ngang một quán nước, lại có thể nghe thấy vọng ra bài hát

Chiều Trên Phá Tam Giang của Nhật Trường.
"Giờ này có thể trời đang nắng
Em rời thư viện đi rong chơi..."

Tôi đã sống những ngày hồn nhiên như vậy, tựa như cô gái trong bài hát. Mỗi ngày đến trường, về nhà, ghé tiệm sách, ra câu lạc bộ phụ mợ, đi xi nê, chẳng hề lo nghĩ rằng một cơn sóng lớn sẽ kéo đến, đánh ụp lấy chúng tôi.
----------------
"Thầy Giác Tuệ, khuya rồi sao thầy chưa ngủ?"
"Bỗng dưng hôm nay tôi không ngủ được chứ Thọ ạ. Thôi chú mau đi ngủ đi, buổi công phu sáng mai mà lại dậy trễ, sư ông sẽ phiền đấy."
"Dạ vậy thưa thầy, con đi ngủ trước đây ạ."
Tôi thẫn người nhìn lên bầu trời. Bầu trời đêm nay có gió, những cơn gió không biết từ đâu, thổi thốc lên. Như một luồng hơi là là sát mặt đất, rồi bỗng nhiên dùng hết sức lực, hướng về phía nền trời có màu hồng sẫm.

Luồng không khí xung quanh như đặc quánh.
Tôi nhớ những ngày đó, không khí cũng tựa từa thế này. Trời tháng tư đã bắt đầu oi nồng. Có một thứ gì đó mơ hồ đã lan tràn. Chúng tràn vào trong lớp học, chúng tràn vào các khu chợ, chúng tràn vào những hàng quán, chúng tràn ở khắp các con đường. Mọi thứ dường như bị đè nén trong khí trời bức bối đó, người ta không nói lớn, người ta thì thào. Những câu chuyện, những tin tức được truyền tai nhau; rấm rí, rậm rịt như thể họ sợ, nếu nói lớn ra, sẽ có một chuyện bất trắc xảy đến.

Đã có những gia đình rời đi. Trong đêm tối, họ đi âm thầm lặng lẽ. Các cặp vợ chồng và những đứa con, mỗi người mang một túi nhỏ, từ từ di chuyển về phía cảng. Có tiếng ai đó gọi với "Đi đâu vậy?" Lại có tiếng trả lời "Xuống tàu." Tiếp theo có tiếp đáp "Sắp hòa bình rồi. Đừng có đi. Sắp hòa bình rồi."

Trong các đêm tiếp theo, từng quầng sáng như những mặt trời chốc chốc bừng lên. Và chúng tôi có thể nghe thấy, từ phía xa xa kia vọng về những tiếng súng rền.

Cậu tôi còn ở trong Tổng Nha, các anh cũng mãi chưa thấy về. Nhà chỉ còn mợ, chị, đứa em út mới tròn ba tuổi và tôi. Chúng tôi trao nhau những cái nhìn.

Bỗng dưng, có bóng một người thình lình đứng trước cửa nhà tôi. Đó là anh.

Anh xộc vào nhà, áo chemise thấm đẫm mồ hôi, anh bảo "Mau đi thôi. Không sẽ không kịp nữa."

"Sao anh lại ở đây?"

Anh nhìn sững tôi một lúc rồi lặng lẽ lắc đầu. "Mau đi thôi. Cậu mợ và các anh chị em của anh đã lên tàu rồi."

Tôi nhìn anh khó xử "Cậu em chưa về."

Trong một lúc, ánh mắt anh lóe lên một tia sáng tuyệt vọng. Đôi mắt sáng tựa sao, dưới riềm mi dày, như chất chứa trăm điều. Tôi bảo anh ra ngoài trước để tôi bàn lại chuyện này với mợ.

Đợi đến khi bóng anh đã khuất sau cửa rồi, mợ tôi, người từ nãy đến giờ vẫn im lặng, buông một tiếng quyết liệt "Mợ không đi. Mợ phải đợi cậu con." Đôi môi mỏng của mợ mím lại thành một đường chỉ.

Tôi lại đưa mắt nhìn sang chị. Mồ hôi, không biết từ bao giờ, đã rịn đầy trán chị làm ướt mèm những sợi tóc con. Chị kéo giật tay tôi ra phòng ngoài.

"Chị xin em, nhà này chỉ còn lại mỗi em là thanh niên. Các anh và cậu... Chị xin em. Chị biết em và anh Minh... Chị biết. Đêm hôm đó, chị đã thấy rồi. Nhưng chị xin em..." Từng câu chữ như được nghiến thật chặt rồi mới thối ra qua bờ môi của chị.
Tôi nhìn chị, đã rất lâu rồi, tôi mới thấy chị khóc, nhưng đây là lần đầu tiên, tôi thấy chị như vậy. Không có nước mắt, chỉ có ánh mắt đỏ bừng, nước mũi tèm lem và giọng chị nghẹn ngào, đứt quãng. Chị đã cố ngăn không cho bản thân khóc. Chị nắm chặt lấy tay tôi, như thể chị sợ, chỉ cần chị lơi tay, tôi sẽ chạy biến mất.

Tôi thở dài, rồi trả lời "Em biết rồi."

Chị nhìn tôi ngần ngại.

"Chị buông em ra đi để em nói với anh ấy."
Xong, tôi xỏ dép, bước ra ngoài cửa, anh Minh đang chống tay vào lan can, nhìn xuống con hẻm. Dưới con hẻm thật bình yên, tựa hồ chẳng có chút dấu hiệu gì về sự biến chuyển này.

Anh quay lại, nhìn tôi bảo:
"Đi theo anh đi."

Tôi lắc đầu.

"Đi theo anh đi."

Tôi im lặng nhìn anh.

"Đi theo anh đi nghen."

Giọng nói của anh trở nên nghèn nghẹn.

"Anh biết là em không thể mà."

Anh im lặng một thoáng. Cái nhìn vốn điềm tĩnh của anh, trong một chốc, như căng lên như một cánh buồm, rồi anh bảo.

"Vậy anh ở lại cùng em."

Anh ôm tôi vào lòng.

Bây giờ, khi nghĩ về hôm đó, một cơn đau quặn ruột vẫn nhói lên, và sâu trong tim tôi, vẫn như có một mũi kim đột ngột chích vào.

Tôi vuốt ve nét chữ của anh, khe khẽ hát:
"Sao Vân muôn cái ối a mịt mùng
Thương em từ thuở nghìn trùng nghìn trùng cách chia
Sao Quanh theo gót ối a người đi
Thương em chỉ có trời khuya ối a nhìn về..."

Anh Yến Minh đã chết. Anh chết trên đường ra chợ. Khởi nguồn chỉ là từ những cuộc cãi vã trẻ con và lòng ganh ghét được nuôi nấng không biết tự bao giờ. Trong cảnh tranh tối tranh sáng, người ta đã hạ sát anh bằng một viên đạn. Có một anh bộ đội nhìn thấy cảnh anh gục ngã, anh ấy vội chạy ra băng bó tạm cho anh, rồi nhờ người về báo cho gia đình tôi. Lúc tôi đến, anh Yến Minh đang nằm trên đường, máu từ ổ bụng của anh đã tràn ra thấm đẫm áo chemise, môi anh trắng bệch. Tôi những tưởng như tất cả đều đã biến thành một mảng trắng. Tôi muốn khóc, lại muốn gào. Anh Yến Minh của tôi! Anh Yến Minh của tôi! Nhưng tôi đã không làm gì cả, tôi khụy xuống bên cạnh anh, run run cầm lấy tay anh.

"Em ở đây! Em ở đây!"

Anh chậm rãi nhoẻn miệng cười, rồi đầu anh gục xuống, như đã rũ bỏ tất cả những âu lo lại thế gian này.

Lúc đó, tôi đã nghĩ rằng suốt đời này, mình sẽ không bao giờ quên, nhưng năm tháng lại sớm bào mòn, nỗi đau hận cũng sớm phai nhạt.

Tôi từng mơ về đêm trong con hẻm nhỏ, về những buổi chiều ngồi cạnh nhau ở khu cư xá, về những con đường chúng tôi cùng đi qua. Tôi từng mơ về một buổi trưa, tôi và anh nằm châu đầu nhau trên một tấm phảng, nghe tiếng nhạc vọng ra từ tường nhà hàng xóm. Những lọn tóc xoăn của anh chạm vào môi tôi, bồng bềnh. Chúng tôi nằm im, lắng nghe thời gian dừng lại.

Ngay cả khi tỉnh giấc, dư vị của hạnh phúc vẫn còn nhẩn nha vương vấn trên khoé môi, rồi chỉ trong một khoảnh khắc, nỗi đau đớn lại xâm chiếm toàn thân.

Tôi từng mơ thấy mình bước về con đường ở chợ. Xung quanh toàn người xa lạ. Họ bước đi, vội vã, ngược xuôi. Chỉ có tôi là đứng lại. Tôi nhìn chằm chặp vào nền đường. Chẳng còn gì cả. Chẳng để lại một dấu nằm.

Rồi tôi nghĩ, tại sao tôi lại nhìn nền đường. Anh không ở đây. Anh vẫn còn. Tôi đưa mắt nhìn xung quanh. Màn sương ở đâu bỗng xâm chiếm tất cả, phủ lên tới gối. Dòng người vẫn ồ ạt đi, ồ ạt tới.

Xung quanh toàn người xa lạ.

Chẳng thấy anh.

Những lúc đầu, tôi đau khổ, căm ghét nhận ra trong mộng,mình chẳng còn có thể khắc hoạ rõ nét gương mặt anh, nhưng dần dần, mọi thứ trầm xuống. Khi nhìn lại, anh đã trở thành một vết sẹo được phủ kín ở trong lòng.

Tôi nằm xuống thảm cỏ. Trời về đêm, sương xuống, đã xua bớt luồng không khí hầm hập. Chỉ chừng dăm hôm nữa thôi, những cơn mưa đầu mùa sẽ đến, và sau đó, thời tiết sẽ càng trở nên càng nóng hơn nữa. Đợt mùa khô sẽ kết thúc với sự bắt đầu của những trận mưa to nối tiếp lần lần, dẫn dắt mọi thứ tiến vào mùa mưa. Dưới làn gió nhè nhẹ ve vuốt, mí mắt tôi dần dần trĩu nặng. Một giọng nói không biết từ đâu vọng lại - nghe mềm mại như những cơn gió - khe khẽ gọi tên tôi.
-------
Khi tôi mở mắt ra, thứ đầu tiên mà tôi nhìn thấy là cánh quạt của chiếc quạt trần đang rì rì quay, tiếp đó là gương mặt của Minh Như.

"Sư ông, sư ông tỉnh rồi ạ."

"Đây là đâu vậy con?" Tôi hỏi.

"Đây là bệnh viện thưa sư ông. Sư ông đã hôn mê ba ngày rồi. Sư ông nằm đợi con chút, để con đi gọi bác sĩ."

Nói rồi, Minh Như vội rời đi. Tôi khẽ nhắm mắt lại, rồi lại nhìn trần nhà, lòng thầm nghĩ "Thật là giấc mộng dài." Rồi lại bật cười "Không phải chính cuộc đời này cũng là một huyễn mộng sao?"

Sau khi bác sĩ vào kiểm tra, ông ấy bảo tôi không có vấn đề gì, chỉ cần nghỉ ngơi là có thể sớm ra viện.

Tôi nhìn ánh mắt của ông ấy sau cặp kính, lòng thầm nhủ hẳn là bác sĩ đã sớm quen với những câu nói kiểu này. Tôi mỉm cười rồi nói "cảm ơn bác sĩ."

Minh Như mang cho tôi một bát cháo trắng mua từ căn-tin bệnh viện.

"Xin lỗi sư ông, con không biết khi nào sư ông tỉnh. Sư ông ăn tạm vậy."

"Vậy là được rồi. Cảm ơn con mấy hôm nay đã chăm nom thầy."

"Dạ không có, bọn con thay phiên nhau. Con mới vừa lên đây để thay ca cho sư huynh Minh Nghĩa."

Tôi gật gật đầu, làm nghi thức cử bát (13) rồi yên tĩnh ăn cháo. Ăn xong, sau khi Minh Như dọn dẹp rồi, tôi nhờ thầy ấy mang đến một cái chậu và khăn ướt để lau mặt, rồi nhờ thầy ấy dìu tôi xuống sân bệnh viện.

"Nhưng sư ông vừa tỉnh ..."

"Nằm mãi rồi cũng nên vận động. Vả lại, thầy cũng muốn hít thở không khí một chút."

Minh Như dường như muốn phản bác, nhưng sau cùng, thầy ấy cũng chiều theo ý muốn của tôi. Thầy ấy bảo "Vậy để con bóp chân cho sư ông. Sư ông nằm suốt rồi, chân cũng yếu. Bóp xong con sẽ đưa sư ông xuống."

Khi hai thầy trò xuống đến sân, tôi nhìn về phía cây ngọc lan, đã có một người đang đứng sẵn.

"Con đưa thầy qua kia đi, rồi con lên phòng, chừng một tiếng nữa hãy xuống. Thầy muốn ngồi một mình."

"Nhưng thưa sư ông..."

"Con yên tâm đi. Sức khỏe của thầy thầy biết?"

"Con không thể ngồi cạnh sư ông sao? Con sẽ giữ yên lặng" Minh Như đáp.

"Không con ạ. Thầy cần gặp một cố nhân."

"Cố nhân?"

"Ừ, con cứ lên phòng đi. Thầy sẽ không sao đâu. Từ ban công, con vẫn có thể thấy thầy."

Nghe tôi nói vậy, Minh Như ngập ngừng đồng ý rồi rời đi. Bước chân của thầy ấy thật chậm, chốc chốc thầy ấy ngoái lại nhìn.

Buổi chiều tối ở bệnh viện thật tịch mịch. Phía xa xa, nền trời xanh tối dần dần bị xâm chiếm bởi một sắc độ đậm hơn rồi mất hẳn. Tôi có thể nghe thấy tiếng ve kêu rì rầm trên những cành cây, và hương hoa ngọc lan phảng phất trong không gian.

Tôi quay qua nhìn người nọ, thấy một đôi mắt đẹp, sáng như sao.
"Tôi đã nằm mơ một giấc mộng thật dài." Tôi bảo.

Người nọ không đáp, duy chỉ có đôi con ngươi dưới làn mi hơi cụp xuống, ẩn ẩn một nỗi chua xót.

"Mà hẳn là giấc mộng này đã bắt đầu từ rất lâu rồi. Để xem, chắc là vào năm Giáp Thân đời Nguyên Hoà.(14)"
(Còn tiếp)
Đường
*Chú thích:
1) Nơi có lửa mà không có khói: Ám chỉ nhà thờ, do nhà thờ chỉ đốt đèn cầy, không thắp nhang.
2)Sự vụ lệnh: giấy thuyên chuyển công tác
9) Ty Gia Định: Tên gọi tắt của ty cảnh sát quốc gia Gia Định
10) Đường Hồng Thập Tự: nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai
11) Đường Thống Nhất: nay là đường Lê Duẫn
12) Đường Tự Do: nay là đường Đồng Khởi
13) Cử bát: nghi thức dùng bữa của các tăng lữ. Hai tay bưng bát đưa lên ngang trán rồi đọc bài cúng dường
14) Năm Giáp Thân đời Nguyên Hoà tức năm 1544, triều Lê Trung Hưng, vua Lê Trang Tông (1515-1548), thuỵ hiệu Dụ Hoàng Đế.
Các bài hát, bài thơ lần lượt được sử dụng trong truyện như sau:
Bài ca chủ đạo xuyên suốt chương truyện là Bài Ca Sao (Cao dao được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc)
3) Bên Kia Sông Đuống (Hoàng Cầm – 1948)
4)Trường Tương Tư (Một điệu nhạc trong cải lương)
6) Bao Giờ Biết Tương Tư (Ngọc Chánh - Phạm Duy- 1972)
7) Thương Mội Người (Trịnh Công Sơn)
8) Tình Khúc Tháng Sáu (Ngô Thụy Miên – 1969)
Riêng hai bài thơ số (5) là thơ của mẹ mình, bút danh Cao Du Ca Dao. Mình có hỏi xin mẹ rồi.
Đôi lời: Mình viết cái này cực kỳ vất vả. Cũng không hiểu sao lại chọn mấy cái bối cảnh khó nhằn thế này ;___; Cuối cùng thì cũng đã tới giai đoạn mình sợ nhất, nên trong thời gian tới, mình sẽ tập trung kiếm tư liệu cho chương tiếp theo này.
Chương này mình đã đọc qua một lần, nhưng có thể là có sai sót (hôm nay vui vui đọc lại chương 1, thấy quá trời lỗi) nên nếu mọi người thấy ra lỗi gì thì chỉ giúp mình nhé. Cảm ơn mọi người.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro