Chương 5 :

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Sáng hôm sau, công việc nhà cũng không có gì nhiều, bốn bạn trẻ lò dò lên gác xép và chui qua bên kia tấm gương. Họ thấy bốn chiếc áo dài được xếp ngay ngắn trên giường Sông Hương, còn cô chủ căn phòng thì mất dạng. Chắc Sông Hương xuống dưới nhà phụ với mẹ cô buôn bán.

Bốn bạn trẻ chỉ việc tròng thêm cái áo dài bên ngoài áo thun của họ. Phần dưới vẫn là ...quần Jeans. Nhìn họ thiệt... mắc cười hết sức. Áo dài kiểu xưa - cái màu cháo lòng, cái màu củ chuối, cái màu bã trầu, cái màu của gỗ cả bốn cái đều xấu ơi là xấu! đi cặp với quần Jean coi bộ hổng giống ai chút nào. Thùy mặc cái áo màu bã trầu của Sông Hương, Vân lấy cái màu gỗ, Châu xí cái áo màu củ chuối nên Phan đành chịu áo màu cháo lòng. Cả bốn nhìn nhau cười rũ rượi. Thùy chỉ vào Phan nói:

- Tô cháo lòng của anh thiếu tiêu. Nếu có chút tiêu sẽ đỡ hơn.

Nghe tiếng cười của những người bạn mới, Sông Hương vội vàng bước lên cầu thang để đón họ, vừa nhìn thấy bốn bạn trẻ, Sông Hương che miệng cười khúc khích ngay làm Phan và Châu sượng sùng cười theo... cười xong , cô vội vàng an ủi:

- Không can chi hết. Miễn giống thiên hạ là được rồi. Me tui đang ở ngoài sân cân gạo, các bạn cứ đi theo tui.

Sông Hương ra hiệu cho ba bạn trẻ im lặng rồi dẫn họ đi xuống cầu thang gỗ. Cô chỉ tay ra cánh cửa sau, biểu họ ra ngoài sau bằng lối đó để rồi bọc theo hông nhà mà vòng tới cửa trước. Cô sẽ đón học ở cửa trước.

Nơi sân trước, có hai người phu đồn điền đang bán gạo cho bà mẹ Sông Hương. Hai bàn tay bà cân gạo thoăn thoắt. Tay trái cầm lon sữa bò xúc gạo của họ, tay phải cầm thanh gỗ tròn gạc ngang miệng lon, đổ ụp vào rổ rá để bên chân, miệng lầm rầm đếm. Hai bàn tay bà như thôi miên cặp mắt của bốn bạn trẻ. họ chăm chú nhìn các thao tác đều đặn như một cỗ máy. Cuối cùng bà thả lon sữa bò và thanh gỗ tròn xuống rổ gạo, nói to:

Bốn mươi lon gạt. Chạy ra là mười ký đúng hỉ. Vô trong ni đứng cho mát, tui lấy tiền trả cho.


Quay người đi vô nhà, thấy bốn bạn trẻ, bà hỏi ngay:

- Mấy con mua chi?

Sông Hương đứng nơi cửa nãy giờ, chúm chím cười:

- Bạn của con đó me, me cho tụi con đi chơi một chút nha me?

Bà hơi dừng chân để quan sát ba bạn trẻ rồi hỏi Sông Hương:

- Chị Mừng đi chợ về chưa? không có chị Mừng, lấy ai phụ me bán hàng?

Sông Hương chỉ tay về dãy nhà nhỏ bên hông:

- Chị Mừng tề. Chị đi chợ về từ hồi nãy. Me cho tụi con đi chơi chút xíu thôi. Xíu xìu xiu thôi.

Bà mẹ quay đi giấu nụ cuời:

- Nhưng con phải về sớm, hỉ. Hôm nay thầy con không đi xa đâu.

Sông Hương "dạ" ngay một tiếng.

Bốn bạn trẻ nhìn nhau hội ý rồi đồng thanh nói:

- Cám ơn bác. Tụi con chào bác.

Khuất bóng người lớn, năm bạn trẻ phá ra cười và lần này Sông Hương không còn lấy tay che miệng nữa. Cô dẫn ba người bạn đi vòng vòng trong xóm chơi. Nhà cửa của một trăm năm trước cũng giống như những mái nhà tranh thời bây giờ, nhưng chắc chắn hơn, cầu kì hơn. Mỗi nhà có hàng trăm thanh tre gác lên nhau theo những kiểu cách nào đó, nhìn rất ... cổ. Con nít nhỏ thì ở truồng. Khoảng bảy tám tuổi trở lên thì mặc áo ngắn, quần đùi. Khoảng Phan và Châu thì mặc áo bà ba. Còn người lớn, có người mặc áo dài lượt thượt, có người mặc đồ bà ba rất gọn ghẽ.

Phan mở đầu buổi phỏng vấn:

- Cha bạn đi đâu mà hôm qua tới giờ mình không thấy?

Sông Hương nhẹ nhàng trả lời:

- Thầy tui đi săn. Nhưng săn thú chỉ là phụ, săn hổ phách mới là chính. Năm ngoái thầy tui bị lọt hố, trặc chân phải đi khập khểnh hàng tháng trời. Thầy tui nói khi mô tìm được cục hổ phách chúa, thầy tui mới giải nghệ.

Thùy thắc mắc:

- Hổ phách là gì?

Châu nhanh miệng "lấy le":

- Dzậy mà cũng hổng biết hả? Hổ phách là một loại nhựa cây trong suốt, chảy ra và đọng lại thành cục. Tùy theo hình dáng của cục hổ phách mà giá trị của nó rẻ tiền hay mắc tiền. Cục hổ phách có giá trị nhất là cục phách có cuốn theo một con côn trùng nào đó, như ong, bướm ,bò cạp ... chẳng hạn.

Sông Hương gật đầu:

-Đúng rồi. Thầy tui nói phải tìm cho ra cục hổ phách có ướp xác một con bướm bà màu đen, to bằng bàn tay người lớn. Người giàu dám trả một khối vàng cho cục hổ phách nớ.

Thùy quay sang nhìn Sông Hương:

- Tức là cục hổ phách chúa?

Sông Hương lại gật đầu.

Phan tiếp tục phỏng vấn:

- Người dân nơi đây sống bằng nghề gì?

Bốn bạn trẻ nhìn vào những ngôi nhà nho nhỏ chạy dọc theo lối đi. Trước nhà họ, bông bụp nở đỏ rực rung rinh trước gió. Một trăm năm sau, bông bụp vẫn không thay đổi, họa chăng là có thêm nhiều loài khác nhau mà thôi. Sau nhà họ trồng nhiều dừa. Khung cảnh phảng phất một vùng nông thôn thời nay, chứng tỏ cảnh thôn quê của nước ta không thay đổi nhiều lắm sau một thế kỉ dài .

Sông Hương nói:

- Đa số người dân sống quanh đây đều là phu đồn điền cao su. Bên tê đường lộ là những đồn đièn cao su rộng mênh mông. Đàn ông trồng cây,chăm sóc cây. Đàn bà cạo mủ. Chỉ có những người biết nghề mới được chủ Tây cho vô làm trong khu chế biến. Làm trong nớ thì tiền công cao hơn, đỡ vất vả hơn làm bên ngoài.

Thùy nối lời bằng hai câu ca dao:

- Cao su đi dễ khó về
Khi đi trai tráng, khi về bủng beo.

Sông Hương tròn mắt ngạc nhiên:

- Em cũng biết mấy câu ca dao nớ hả? Cuộc sống của phu đồn điền cao su cực lắm. Tiền lương không đủ sống, họ phải trồng trọt thêm. Bữa cơm của họ thường là chén muối ớt và dĩa cá khô. Con cái của họ không hề được học hành.

Tới căn nhà cuối cùng, Sông Hương đòi quay lại, cô nhìn bóng nắng và nói:

- Thôi trưa rồi. Thui phải về nhà phụ me tui dọn cơm. Thầy tui về mà không có cơm, thầy tui bực bội lắm.

Phan vén tay áo dài nhìn đồng hồ:

- Mười giờ rưỡi rồi. Chúng ta cũng về thôi.

Sông Hương tròn mắt nhìn Phan:

- Răng bạn đón giờ chính xác rứa?Nắng chiếu tới chỗ mô mà bạn biết là mười giờ rưỡi?

Châu và Thùy tủm tỉm cười. Đôi má Phan hồng lên:

- Mình không biết đón giờ bằng ánh nắng như bạn đâu . Mình coi đồng hồ.

Nói xong Phan chìa cái đồng hồ hiệu Casio của cậu cho Sông Hương coi.

- Đây là cái đồng hồ điện tử. Bạn thấy bên trái là số 10, tức 10 giờ. Bên phải là số 28, tức 28 phút. Nói chung là mười giờ rưỡi.

Sông Hương chạm nhẹ ngón tay lên mặt đồng hồ của Phan, giọng thì thầm:

- Hay quá. Văn minh quá.Các bạn còn văn minh hơn bọn Tây nữa kìa. Ô kìa, nó nhảy sang số 29 rồi. Tức là 10 giờ 29 phút. Khoan khoan, bạn cho tui coi thêm một phút nữa thôi, để tui coi nó nhảy sang số 30 hỉ.

Ba bạn trẻ dừng chân lại, im lặng. Họ cũng chăm chú theo dõi mặt đồng hồ điện tửtrên tay Phan. Riêng Phan, cậu nhìn khuôn mặt cô gái đứng gần bên cậu. Thật gần. Đôi lông mày cong cong và đen bóng. Hàng lông mi rung rinh nhè nhẹ như hàng trăm cánh bướm hắc mĩ nhân thiêm thiếp ngủ trong cơn gió thoảng. Đôi má bầu bầu cùng với làn da mịn màng trắng trẻo. Chợt Sông Hương ngước mặt lên:

- Phan. Nó nhảy qua số 30 rồi.Bắt gặp cái nhìn khang khác của Phan, Sông Hương giựt mình và lẽn bẽn:

- Đúng mười giờ rưỡi rồi đó.Thôi bọn mình đi về đi.

Thùy reo lên, phá tan không khí ngượng gập giữ hai người bằng câu hỏi:

- A, chị Sông Hương, làm sao chị biết đọc bằng chữ số vậy? Em tưởng chị chỉ biết đọc chữ Hán hoặc chữ Nôm thôi chớ.

Sông Hương giải thích:

- Người Pháp đã truyền bá chữ Quốc ngữ cho người Việt mình lâu rồi. Nhưng chỉ riêng những ai sống ở kinh thành, hoặc những ai có gia đình khá giả mới được học chữ Quốc ngữ. Vì học chữ Quốc ngữ tốn nhiều tiền lắm.

Châu ngạc nhiên:

- Nhưng bạn đâu có ở kinh thành đâu mà bạn biết chữ?

Sông Hương gật đầu, giải thích cặn kẽ hơn:

- Gia đình tui mới dọn về vùng ni ở hồi năm ngoái.

Trước tê, gia đình tui ở ngay thành nội. Ôn(*) ngoại tui là một vị quan nhỏ trong triều đình. Ôn nói tiếng Pháp hay ghê hồn. Tui được ôn dạy chữ Quốc ngữ nhiều lắm. Năm ngoái, ôn bị bệnh mất. Thầy me tui dời nhà ra ngoài kinh thành sống, rồi theo bạn bè thầy tui chuyển vô trong ni lập nghiệp luôn.

(*) Ông

Thùy có vẻ hài lòng, bèn lên tiếng với giọng khoe khoang thấy rõ:

- Chừng nào chị qua thời đại của em chơi?

- Chị sẽ thấy nhiều điều hay ho không thể tưởng tượng nổi. Nhà em có một cái máy nhỏ biết phát ra tiếng nói, tiếng nhạc. Một cái máy lớn hơn có người ca hát nhảy múa ở trỏng.

Sông Hương lắng nghe chăm chú:

- Thiệt như rứa? Ui chao! Thời đại của các bạn văn minh quá, nó làm tui... sợ lắm. Thôi, tui không dám qua bên nớđâu. Nếu rảnh rỗi thì các bạn cứ qua chỗ tui chơi, tui dẫn các bạn đi săn cục hổ phách hỉ.

- Đúng rồi đó. Thời đại tụi em , làm gì còn rừng mà người ta biết tới cục hổ phách? Tìm được cục nào, em sẽ mang đi triển lãm cục đó.

Phan và Châu cùng mỉm cười trước ý tưởng ngộ nghĩnh của Thùy.

- A!

Bỗng cái Vân reo lên :

- Em có hứa sẽ tặng quà cho chị mà đến giờ mới nhớ. Đây chị mở hộp ra xem thử đi.

Cô đưa cho Sông Hương một chiếc hộp nhỏ màu hồng phấn có mùi thơ dịu, được buộc lại bằ sợi dây ruy băng màu hồng đậm.

- Hộp quà gì mà đẹp quá rứa!

- Đẹp vậy sao tui dám mở.

- Chị cứ mở ra xem đi không sao đâu.

- Vậy để tui mở hỉ.

Bên trong chiếc hộp là năm chai tinh dầu thơm được xếp ngay ngắn.

- Cái nì là gì mà thơm quá mô.

- Cái này là tinh dầu thơm đó, chị có thể dùng để tắm, gội đầu hoặc bôi một chút vào cổ tay cho thơm cũng được.

- Vậy hả, cảm ơn em hỉ

- Vâng, thật vui vì chị thích nó.

Năm bạn trẻ dàn hàng ngang chiếm hết lối đi của con đường nhỏ. Nhưng giờ này, phu đồn điền chưa về. Chỉ có vài nhà lên khói nấu cơm trưa, còn những nhà khác vẫn nguội lạnh bếp núc.Cuộc sống của thời xa xưa vất vả và cực khổ quá. Hèn gì sau này nổ ra nhiều cuộc biểu tình phản đối của phu đồn điền cao su Phú Riềng, Lộc Ninh, Phước Long...

Sông Hương dắt bốn bạn trẻ đi vòng cửa sau để vào nhà trong. Cả bọn nhẹ chân lên cầu thang, bước vào phòng và bốn bạn trẻ cởi hết áo dài đưa ra cho Sông Hương. Cô đón lấy rồi xếp đôi mấy chiếc áo, để lên giường, miệng dặn:

- Chiều túi(*) các bạn rảnh thì qua chơi hỉ. Tui sẽ cho các bạn coi bộ sưu tập hổ phách của thầy tui. Nhiều cục đẹp lắm. Thầy tui sẽ kể chuyện đi săn tìm hổ phách cho các bạn nghe. Đừng quên hỉ.

(*) Chiều tối

Thùy nhoẻn miệng cười:

- Chị đừng lo. Bọn em không quên đâu.

Lần này Phan cố ý đứng sau để Thùy và Châu chui vào chiếc gương trước. Cậu nấn ná, đợi nghe tiếng Sông Hương gọi. Quả nhiên, cô cất giọng thật khẽ:

- Phan.

Cậu quay lại. Sông Hương nói thật nhỏ:

- Chiều túi nhớ qua chơi hỉ.

Phan gật đầu. Hỉ. Rứa. Xíu xìu xiu.. Sao lạ có thứ tiếng nói gì nghe thật lạ tai, cậu chưa từng nghe bao giờ, nhưng nó không khó hiểu một chút nào. Cái thứ tiếng Huế... con gái Huế... À, cậu nghe người ta nói con gái Huế lãng mạn lắm. Nhưng không biết con gái Huế của một trăm năm trước có lãng mạn hay không?  

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#đn