8

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Sau khi gửi xe ở bãi đỗ cách đó khoảng vài mét, Đào Huân bắt đầu dẫn Đình Hoan ghé qua từng sạp đồ. Cũng vì bận tiếp vị khách-không-mời-mà-tới kia khiến sáng nay hai người chưa bỏ được chi vào bụng. Cậu cả nhịn ăn sáng thành thần, mà cậu thương Đình Hoan đói theo cậu mới dẫn anh vô quán bún ốc gần đấy, mùi ốc quyện với cái mùi nước dùng béo ngậy, thơm nức mũi. Ôi, cái cảm giác quen thuộc ai ai cũng đều nhận ra, quán này xưa giờ nổi nhất nhì Hà thành, bà con nào chả biết. Có điều đây là lần đầu tiên Đình Hoan nếm thử tay nghề vang danh một thời đó thôi. Chớ bình thường anh kiếm đâu ra tiền mờ dám ăn bún ốc?

Bình thường ý, anh chỉ dám đứng từ xa nhìn người ta ăn thôi, vì anh làm chi còn tiền, tới nơi lại bị bà chủ quán đuổi về thì khổ lắm. Cậu cả nay hào phóng bao anh ăn nhá, anh đường hoàng bước vô quán, khổ nỗi chẳng dám gọi tô lớn đâu, anh sợ cậu lãng phí tiền vì anh, nên chỉ xin tô rẻ nhất. Ai dè cậu gọi cho anh tô bún to quá chừng, phải gấp đôi tô người ta hay ăn cậu mới chịu, làm anh ngại đỏ mặt. Cậu cả đừng chiều anh như thế, anh nghĩ linh tinh thì mệt.

- Cứ ăn đi, nếu chưa no thì kêu cậu dẫn anh ăn sập chỗ này. Hồ lô ngào đường, bánh rán, xôi vò chè hoa cau. Thật ra cậu chả hay đi ăn mấy món đó, anh cho phép, cậu sẽ đi ăn cùng anh. Bún thang phải để dành Tết mới đúng vị. Cậu dù thời gian sống bên Can-na-đa còn nhiều hơn bên này, nhưng không có nghĩa là anh được khinh thường cậu chả biết chi về đặc sản Hà thành sất, anh nghen.

- Anh đâu dám chê cậu, cậu cả của anh giỏi nhất trần đời rồi.

Đình Hoan phì cười, nhưng hai từ của anh khiến Đào Huân phải suy nghĩ. Bỗng cậu cả lâng lâng thứ cảm xúc khó tả lắm, cậu thấy vui khi nghe Đình Hoan nói như vậy. Đời người gặp mấy lần kẻ cho ta thấy được sự chân thành? Cậu đi ngao du thiên hạ chơi đàn, viết nhạc cho người ta thưởng thức, đọng lại trong kí ức họ đơn giản chỉ là chàng nhạc sĩ trẻ tài ba, là con trưởng của một ông quản đốc giàu có. Đình Hoan ngây ngô, anh thậm chí cũng chỉ hay cậu cả siêu giàu, cậu cả giúp anh thoát khỏi kiếp nay vật vờ chỗ này, mai mò cua chỗ khác, ngay khi được cậu mời ăn cũng không lấy làm hãnh diện, kênh kiệu với mọi người.

- Từ giờ mỗi lần nói chi đấy đều thêm hai từ của anh trước từ cậu cả được không?

- Dạ được chớ, cậu cả của anh thì đúng là của anh mờ? Mà anh hỏi cậu xíu, Can-na-đa là nước nào vậy hở?

Đình Hoan tròn mắt hỏi, nghe cũng ra ra tiếng Anh, nhưng anh vốn không giỏi tiếng Anh, đúng hơn là anh chỉ biết mỗi Hê-lô xin chào, gút-bai tạm biệt. Nhưng anh hỏi thế thì khó cho cậu cả rồi, tại cậu đi đây đi đó, xài tiếng anh rất nhiều, nên cậu hiểu Can-na-đa là nước Can-na-đa chớ còn là nước mô tê chi nữa? Ấy vậy mờ cậu hên, cậu ngó nghiêng quanh, lại tình cờ thấy tờ áp phích cũ dán ở trên tường, chụp tấm ảnh đám người chơi khúc côn cầu trên băng, cậu chỉ tay, gật gù bảo Can-na-đa đấy

Rồi Đào Huân ngồi tả cho anh nghe xem chỗ đấy có những chi, nào con hải li đáng yêu, nào lá phong mỗi mùa thu giăng gập lối đi về, nào loại vải sọc đỏ tên khó nhớ lắm, nói chung cậu tả hết mấy thứ cậu thấy luôn. Và cậu còn hứa sẽ đưa anh sang tận Can-na-đa ngắm cảnh mới sợ. Đang kể lể dở về chuyến đi thăm thác nước Ni-a-ga-ra nổi tiếng đầu năm ngoái, từ đâu xuất hiện ông cụ hình như người trong Nam trở ra Bắc, ông nghe cậu cả thôi một hồi rồi lại gần, ông hỏi cậu là ai mà biết rõ về Gia Nã Đại thế. Đến đây, Đình Hoan lên, thì ra cậu cả kể về Gia Nã Đại, làm anh tưởng đâu nước nào to lớn lắm. Lúc này, Đào Huân mới hay Việt Nam cũng có nhiều tên gọi đa dạng, hơn cả tiếng Anh, đôi khi lại kỳ lạ nữa. Vầy cậu cả là người ngoại quốc ở đây rồi.



























Cuối cùng thì cả hai cũng ăn xong, Đào Huân đưa Đình Hoan tới cửa hàng quần áo bản thân hay ghé mua để nhờ anh lựa hộ. Sắp tới, cậu cả có buổi biểu diễn ở nhà hát lớn, nên phải chọn lấy mấy phục trang đẹp nhất, sang nhất mờ mặc rồi. Vì đợt này cũng xuất hiện thêm nhiều khách nước ngoài, nghe đâu người trong hoàng thành cũng ra, dĩ nhiên phải chuẩn bị quần áo thật tươm tất. Căn bản Đào Huân vốn muốn đưa Đình Hoan đến và mua đồ cho anh, cậu định mời anh tới tham dự buổi biểu diễn quan trọng này của mình. Bởi nếu được bên kia đánh giá cao, phải chăng cậu cả sẽ nhận được cơ hội qua trời Tây làm việc, tức là sống bên đó luôn.

Từ nhỏ, Đào Huân mong ngày nào ấy khi mình lớn lên có thể đi chu du vòng quanh quả đất, đơn giản chỉ bởi theo như lời cậu hai, cậu cả cần tìm nơi nào cậu thực sự coi là nhà. Ở Việt Nam, bà hai cay nghiệt Đào Huân dữ lắm, chỉ rình rình cậu cả về nhà để rầy la. Mà lâu rồi, con trưởng cũng chưa ngồi lại nói chuyện cùng với cha, hình như chuyện giữa cha con họ vẫn còn nhiều điều khó giãy bày tâm sự. Đào Huân không kín đáo, cơ chẳng phải túyp người thích kể lể đời tư của riêng mình cho mọi người nghe, nên bàn dân thiên hạ hay kêu cậu cả nhà này khó hiểu lắm. Hổng lầm lầm lì lì nhưng đâu ai dám lại gần.

- Anh thích bộ nào?

Cậu cả giơ hai bộ đồ lên cho anh coi, hai bộ đều rất đẹp, và cũng rất mắc tiền. Đình Hoan ngây người ra lúc lâu, anh đảo mắt nhìn quanh, ai mờ chọn được nhở, tại cậu cả cũng hay hỏi ác anh đó. Anh nghĩ thầm, hình như hai bộ này là một cặp, cho bạn thân hay chi đấy ý, bởi màu và mẫu mã chúng trông rất ư giống nhau, mỗi cái họa tiết trên cổ áo may chăng khác đôi chút. 

Đình Hoan ậm ừ, thôi thì chọn đại vầy, chứ cậu cả giàu mờ, anh cất công chọn xong đằng nào cậu chả mua hết. Rồi anh chỉ tay về phía cái áo bên phải. Nói thiệt, anh biết chi đâu mà lựa. Ở nhà mạnh miệng khoe vơi thằng Tí, mình nhìn đồ giỏi thế, chớ khi vô cửa hàng lại như ếch ngồi đáy giếng ngay. Vậy mờ cậu cả ưng bụng lắm, cậu mỉm cười, khen lấy khen để anh. Cậu tiện gọi chủ tiệm ra để gói vô cho cậu. Đến giờ Đình Hoan mới tá hỏa, trời đất ơi cậu cả đã tìm sẵn đồ trước rồi, cậu cả lừa anh đó.

- Tôi lấy cái này nhé.

Cậu đặt bộ bên trái lên trên bàn, bà chủ tiệm mỉm cười, cẩn thận xếp áo vào trong hộp. Cậu lớn Huân lúc nào cũng vậy, luôn chọn cái mắc nhất, hiếm nhất của tiệm. Nhưng Đình Hoan liếc qua cậu, anh bậm bực thầm mắng cậu, vì cậu bắt anh chọn, rồi tự lấy cái khác, vầy là cậu tính chọc điên anh hay chi? Cơ không phải như anh nghĩ, cậu đưa chiếc còn lại cho Đình Hoan, kêu anh mau mau thử đi mờ làm anh hoảng lắm, anh xua tay, lắc đầu miết thôi. Ai đời người ở đi bận mấy thứ kia vô người, sao phải phép tắc.

- Anh hổng mặc được.

- Anh mặc hay cậu đuổi anh?

- Nhưng anh...

- Về dọn đồ cho...

- Anh mặc, anh mặc, xin cậu đừng đuổi anh đi.

Hai bên tranh cãi một hồi, cuối cùng Đình Hoan đành phải cầm lấy đồ, anh bĩu môi đi vào trong phòng thay. Cậu cả lúc nào cũng chỉ cậy cậu có công mang anh về mà sơ hở đòi đuổi, dọa hổng thương. Cậu lớn Huân tánh chả giống ai sất. Được mười phút thì anh đi ra, anh bận đồ sang thấy khác hẳn, trông anh đẹp gấp mười lần mặc mấy thứ quần áo may từ vải đựng thóc. Tóc tai chải gọn gàng, cậu cả gật đầu khen, như này mới đúng là Đình Hoan của cậu.

Cơ nhé, bà chủ tiệm cứ nhìn anh chằm chằm, bà nhíu mày suy nghĩ chi khó hiểu lắm. Đào Huân nhận ra sự bất thường kia, cậu chợt cất giọng khen anh vài câu cho anh vui, và cũng để ra hiệu cảnh báo bà chủ đừng hành xử thiếu chừng mực như vậy. Nhưng phải công nhận rằng, anh mặc bộ áo xinh thiệt xinh, trông anh có nét quý tộc lắm, chớ khổ cái phận thân nhà hèn phải đi ở đợ cho người ta. Đào Huân gật đầu, mỉm cười nhìn anh, cậu cả nhá, cậu lỡ say vẻ đẹp đấy mất rồi.

Trả tiền xong thì họ ra quán bán đồ chơi bên lề đường, lúc này, bà chủ mới gọi con trai tới, tên cậu thanh niên ấy là Hoàng Khoa. Bà quay lưng tiến về phía kệ gỗ đặt khuất trong quán, trông mờ ám quá chừng. Bà nhíu mày, mở từng ngăn kéo tủ kiểm tra, rồi lấy ra cái khay đựng bánh quy bơ cũ đã rỉ sét, trỏng còn vài ba tấm ảnh đã sờn màu, bà lắc đầu, tặc lưỡi:

- Là nó hả? Con của dì Năm sao?

- Ý má là gì? Cậu ở đợ kia...

Hoàng Khoa mở to mắt, anh nhìn theo bóng chàng trai trẻ vừa rời đi mà không thôi nghĩ nhiều.  Chẳng phải má anh đã tìm kiếm cậu bé đó rất lâu, cỡ gần hai chục năm rồi. Khi dì năm mất, má anh phải ở lại Hà thành làm công chuyện, nên chưa về kịp để đón em ấy đi; tới hồi xuống quê thắp nén nhang cho dì, ai dè đâu hàng xóm bảo hổm có ông đốc tờ lạ mặt nào đấy vội cắp nó theo mất rồi. Má anh dằn vặt miết; vội chắp tay, quỳ xuống hứa với dì Năm sẽ chăm sóc nó thiệt tốt, ai ngờ bặt vô âm tín chục năm trời. Giờ gặp lại, trong cái cảnh con ở nhờ cho nhà cậu cả thế kia, sao mờ lòng yên tâm được. Vầy là hai má con họ tính đến chuyện sang nhà ông tổng đốc xin đón Đình Hoan về.

Mà coi chừng cậu cả quý nó quá, chả biết cậu cho phép không đây?































Trong khi đó, Đình Hoan lôi Đào Huân tới cửa hàng đồ chơi dành cho tụ con nít. Tưởng cậu cả thầm chê anh trẻ con, lớn hai mươi mấy tuổi đầu rồi vẫn còn mê ba thứ vô dụng này. Ai ngờ đâu anh kéo Đào Huân tới sạp bán tò he nhỏ của ông cụ cạnh đấy, trông xinh quá chừng xinh, biết bao nhiêu hình thù con rồng con rắn, gấu trúc của bên Tàu ông ấy còn nặn được. Đình Hoan nhìn chằm chằm vào chúng, trông đã hết cả mắt! Mấy thứ này làm từ gạo nếp gạo tẻ, tò he khiến anh nhớ về hồi anh còn bé xíu, hay vòi má mua cho mỗi khi má chuẩn bị đi chợ, lâu rồi mới thấy người ta rao bán ở Hà thành.

Đào Huân thấy anh đứng tần ngần hồi lâu, chắc khó lựa quá, cậu bèn hỏi ông cụ mỗi mẫu một chiếc này hết bao nhiêu tiền, ông ấy bảo một đồng một cây. Thế là chưa kịp để Đình Hoan ngăn lại, cậu cả đã chìa ra tờ mười đồng, cậu bảo lấy mỗi loại một cây vầy thì Đình Hoan sẽ hổng phải tiếc nữa. Cậu cả làm vầy, anh ngại lắm, tại anh sợ cậu tốn tiền, trên đường về cứ thầm trách cậu miết. Tỉnh trên tỉnh dưới, huyện to huyện nhỏ, ai ai cũng biết sõi cái danh cậu cả, xưa nay hay tiêu xài rất hoang, giờ mới thấy độ chịu chi của cậu. Đúng là mấy bà bán buôn ngoài chợ nói cấm có sai mờ.

- Cậu đừng làm vầy, anh...

- Anh thích là được. Tiền bạc cậu đâu thiếu đâu.

Cậu cả tỉnh bơ trả lời Đình Hoan, khiến anh tức muốn điên lên được. Anh gật đầu, coi như đồng ý qua loa. Cậu cả của anh nói chi cũng đúng. Dù sao thì lần này xem ra giúp lão nghèo. Đình Hoan sực nhớ chuyện anh nghe lỏm đâu bọn trẻ con chung quanh đấy, bảo nhau rủ thiệt nhiều người mua đỡ lão, tại đồ chơi từ bên Tây bên Tàu đang nhập về ồ ạt, tụi nhóc thành thị chả ai thích tò he nữa. Chúng nó còn kể khẽ việc ông ấy định bán nốt số tò he mấy ngày hội này thôi, rồi sẽ trở lên quê vì đám nhỏ chổ ấy thích tò he hơn.

Tò he mỗi cái một đồng

Cậu mua một cái cho người thương chơi.

Anh ấy đánh hỏng thì thôi

Cậu mua cái khác, mười cây mười đồng.

























Lượn quanh Hà thành được một hồi, Đào Huân dẫn Đình Hoan ghé tiệm vàng tiệm bạc lựa thêm mấy cái dây chuyền nữa. Anh thì chưa hiểu lí do cậu cả sao lại mua cho anh nhiều đồ tới vậy, cậu hổng có kể đâu, mỗi lần hỏi thì cậu im như hến ý, không thì cũng đánh lảng qua chuyện khác. Cơ mờ cậu cứ dọa, nếu anh từ chối nhận sẽ lại đuổi anh đi, làm anh chỉ muốn bảo cậu cho anh bỏ đi thiệt, nhưng anh chẳng dám nói. Anh mà đi là thôi cái kiếp nghèo kiếp hèn lại hay thời ghé tới. Vùi dập anh mãi không buông.

- Sao cậu mua cho anh lắm thế?

- Anh giở thói chất vấn cậu đấy hở? Thì do cậu muốn anh tới buổi biểu diễn của cậu. Anh tới thì cậu thấy có hứng đánh đàn.

Đào Huân vừa ngó qua ngó lại mấy chiếc vòng trong tủ kính, cậu vừa nói. Đình Hoan lên tiếng rõ to, anh bất ngờ vì cậu cả mời anh tới nhà hát lớn. Đời anh từ lúc cha sanh má đẻ đến giờ ngày ăn ba bữa no còn chả đủ, nay được vinh dự ngồi hàng ghế đầu dành cho khách quý hay sao? Anh mừng thầm trong bụng, nhưng rồi anh vẫn kiên quyết từ chối; bởi anh sợ bà hai hổng thấy anh đâu sẽ lại làm um sùm. Ấy vậy cậu cả xài chiêu cũ, cậu dọa đuổi anh đi làm anh xụ mặt xuống mà nghe lời theo cậu.

Thiệt ra, cậu lớn Huân cũng cần anh theo cậu qua bên trời Tây cơ đấy, vì qua đó anh sẽ không bị ai bắt nạt, rầy la, cũng sẽ chẳng bị đánh tới bán sống bán chết. Qua bển rồi, cậu nhất định mua cho anh căn nhà thật lớn, cho anh làm chủ nhà với cậu. Sau đấy, cậu dẫn anh đi chơi, cùng cậu học nhạc, dạy anh nói tiếng Anh và làm đủ thứ chuyện trên đời. Đào Huân nghĩ, cậu chẳng cần cưới vợ, chẳng cần con cần cháu. Điều cậu muốn là mỗi sáng thức dậy, đều sẽ thấy Đình Hoan vì anh mà thương bản thân mình hơn, vì thân anh mà sống thật hạnh phúc. 

Nhưng cậu ơi, lỡ anh bị bà chủ tiệm quần áo xin mang về nuôi, thì có chăng hết kiếp nào chạm tay đến mùa xuân ấy. Vả lại, cậu tính thưa chuyện với tiểu thơ Minh Hằng sao cho vừa lòng ba bề bốn bên, nói chung vẫn còn đầy rẫy khó khăn, đâu phải cứ muốn là được.

. . .

Trời trở mình sang chiều, chút nữa thôi hội Hà thành lại rộn vang tiếng trống tiếng hát. Đình Hoan vui lắm, anh đứng ngồi không yên, vì lâu lắm rồi mới thấy ai đó chịu dẫn anh đi hội. Đào Huân nay cười nhiều quá chừng, cậu cả khiến ai ngó qua đều tròn mắt lấy làm lạ. Cậu cả vốn ít cười mờ, chả hiểu sao nay cười mãi. Đúng là chuyện trên thế gian cái chi cũng có thể xảy ra.

Họ dẫn nhau dạo quanh từ đầu chí cuối chợ, mua bao nhiêu thứ đồ, chất thành chồng lên xe. Kỳ này cậu cả mạnh tay chi đống tiền cho Đình Hoan. Chỉ khổ nỗi lúc họ đang ghé qua cửa hàng bán vải vóc, bóng hình của họ đã lọt vào mắt cô tiểu thơ nào đấy, cũng vừa đứng kế quầy hoa quả định mua cho cậu cả ít đồ. Cô hỏi nhỏ cái Kèo xem nó nghĩ sao, thì nó nói trông họ như có gian tình ý, làm cô cũng bất ngờ theo. Cô bỗng lắc đầu, bảo nó nói linh tinh rồi tiếp tục lựa trái cây bỏ vô túi. Trong lòng cô nghĩ, chỉ mong sao điều ấy chẳng phải sự thật.

Anh như nút, em như khuy

Như mây với núi, biệt ly không đành

Chừng nào cho sóng bỏ gành

Cù lao bỏ biển, em mới đành bỏ anh.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro