Mười một: Ưng

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Kinh Trập, ít nhiều trời cũng ấm lên, cây cối đâm chồi nảy lộc, sâu bọ rắn rết bắt đầu từ góc nào chui ra chẳng biết. Sớm, sương che khuất trời, Nguyệt Sinh thức dậy ra vườn lấy ít sả làm túi thơm, sả dễ trồng, lại có tác dụng phòng tránh côn trùng rất tốt. Kinh Trập năm nào cũng vậy, nàng cho sả vào cối đập nát ra, bọc vào mấy mảnh vải thưa rồi để ở những nơi ẩm thấp trong phòng. Tranh tối tranh sáng, căn phòng vì vậy cũng thấy âm u, nàng thở dài, dập tắt nến rồi lặng lẽ nhìn về phía bầu trời hẵng còn đang uể oải. 

Thật vắng vẻ.

Nguyệt Sinh tựa đầu bên cửa, sự im ắng này khiến lòng nàng thấy chơi vơi; tựa như một cái sân phủ đầy lá, giờ bị quét sạch đi, để lộ nền gạch đã phai màu: Rất sạch, nhưng nhiều hơn là trống trải. Tháng trước, nàng tuân lời bệ hạ quay trở về biệt viện, chờ đợi thời cơ sắp chín muồi. Thế nhưng ở ngự tiền không thể đột nhiên thiếu đi một cung nữ, vậy nên lúc đó ngài dặn phải đưa con hầu của nàng lên thay. Chỉ là về sau nàng nghĩ lại, như vậy thì mạo hiểm quá. Năm xưa nàng len lỏi vào được đến ngự tiền là do gặp đợt con hầu mới tiến cung, thêm hầu vua thường phải cúi và đeo khăn bịt mặt nên lạ nhau cũng không ai nói gì. Bẵng đi, quen nhau cả rồi, giờ con hầu của nàng không khéo là bị phát hiện ngay. Vả lại so với Nguyệt Sinh, thị còn thơ ngây và vô tư nhiều lắm. Để thị thế nàng, lợi bù không nổi hại. Có lẽ bệ hạ cũng nhận ra điều đó, thế là cái án tử bất đắc dĩ được đưa ra, giáng xuống đầu con hầu bất hạnh. Ban chết một cung nữ, họ Trần kia hơi đâu để ý gì, mọi thứ chỉ tựa như sương sớm mùa xuân, gặp nắng lên là chầm chậm tan biến. Kể từ khi ấy, hôm nào Nguyệt Sinh cũng nhìn lên trời khấn nguyện. Rằng hy sinh vì đại sự, mong vong linh của ngươi thông cảm cho ta. Rằng sau này có dịp, ta nhất định sẽ sai người hương khói ngươi cho tử tế.

- Bẩm Công chúa.

Nguyệt Sinh giật mình, cứ ngỡ như vừa mới trở về những tháng ngày yên bình trước đây. Mộng mị dai dẳng chưa tan, nàng ngẩng lên, gọi tên của con hầu:

- Bẩm Công chúa, thần phụng ý chỉ của bệ hạ...

Lần này thì Nguyệt Sinh tỉnh hẳn, nàng vội vàng ra trước sân, hành đại lễ, cúi đầu, quỳ xuống. Có rất nhiều suy nghĩ vụt qua đầu nàng lúc ấy, muôn vàn khuôn mặt chồng chéo hiện ra, cuối cùng chúng chụm lại, xoáy thật sâu, hợp lại thành khuôn mặt ưu tư của bệ hạ.

Bệ hạ có chỉ, nhân mùa xuân đến, chia trong nước làm hai mươi tư lộ, các lộ chia cho công chúa ở. Nguyệt Sinh được ban lộ Ngọt Nhì* làm ấp thang mộc, lấy các hoành nô thuộc lệ và quân nhân bản lộ, chia nhau làm giáp*. Tiếng truyền chỉ vừa dứt, tấm chỉ dụ trên tay được nâng lên quá đầu, bên tai nàng lại dường như có tiếng gì vừa mới vụt qua.

Nàng hiểu, mũi tên trong tay bệ hạ, đã bắn rồi.

Đợi cho tên thái giám rời gót, Nguyệt Sinh mới từ từ mở chỉ dụ ra, những nét hoa văn ánh vàng uy nghi khắc sâu vào tận đáy mắt nàng một lời khẳng định: Nàng là Công chúa, Công chúa của Đại Việt, của Lý triều. Nếu không phải nàng, thì sẽ không là ai cả. Vả, bên vai bệ hạ giờ đây còn được mấy người thân cận chăng? Nhìn nét chữ đã kém phần chỉn chu, Nguyệt Sinh đau lòng nhận ra thời gian của ngài chẳng còn bao nhiêu nữa. Nàng nhíu mày, nhưng đôi mắt lại ráo hoảnh. Lòng thì đau đấy, nhưng giờ không phải lúc mà khóc than, bước đi trên con đường được vẽ bằng máu, tâm không vững thì sẽ bị chôn vùi.

Nắng lên, chỉ dụ trong tay hứng nắng lại càng thêm chói mắt. Nguyệt Sinh đứng dậy, trở vào trong, để chỉ dụ ở một nơi thật cao và sạch sẽ. Trông nét chữ mà ra lòng người, nàng hiểu lòng bệ hạ biết bao nhiêu. Kể từ lần cuối diện kiến thánh nhan, nàng vẫn nhớ như in khuôn mặt khắc khổ và đôi mắt đã trũng sâu nơi ngài, ngài mới bao nhiêu tuổi? Đáng lẽ ở cãi ngưỡng chưa đến tam tuần, đương độ tráng niên, ngài phải thật khỏe mạnh, làm gì nên nỗi viết chữ còn run run?

Một nỗi căm hờn từ tận cùng trái tim dâng lên nơi khóe mắt, Nguyệt Sinh lặng nhìn căn biệt viện đơn sơ, trống hoác, vốn không còn gì giá trị của mình, lẩm bẩm câu chào tạm biệt. Chuyến này đi, có thể không còn cơ hội trở về, nàng muốn tranh thủ khắc ghi những tháng ngày nơi đây vào kí ức. Cái cây, cái ghế, cái bàn. Đôi chén bát, chiếc tràng kỉ, còn có những mảnh áo váy lành lặn hiếm hoi được tay con hầu khi xưa tỉ mỉ giữ gìn. Bần thần một lát, Nguyệt Sinh chỉ chọn mang đi một chiếc vòng vải bạc màu. Mẹ đã kết cái vòng này cho nàng từ khi nàng còn bé tí. Sau này không còn mẹ nữa, chỉ còn nó thay mẹ cùng nàng ở lại thế gian, chứng kiến ngày mưa nắng, chứng kiến người đổi thay, chứng kiến những tranh đấu rối ren nơi hoàng triều. Giờ, cũng chính nó, chứng kiến từng bước chân của nàng khi rời gót ngọc khỏi chốn đây. Bỏ ngày nắng lại đằng sau, nàng đã sẵn sàng đợi ngày mưa đang tới.

Theo lệ, được ban đất thì phải tạ ân vua. Nguyệt Sinh chậm rãi đếm từng bước đi đến chính điện, nơi bệ hạ "dưỡng bệnh" còn đang đợi nàng. Nàng ngẩng đầu, tường vàng ngói đỏ, so với hồi nàng còn nhỏ lại chẳng thấp đi tí nào. Cao, vô cùng cao, tưởng như cả đời cũng không thể thoát ra, không chỉ nàng, mà ai cũng vậy.

Giờ nàng bay đi, còn "ai", lại chẳng được như thế.

Nguyệt Sinh hít vào một hơi thật sâu, một năm nữa, hai năm nữa, năm năm nữa, mười năm nữa, hoàng cung có còn như thế này nữa chăng? Rồi lại thở ra một hơi thật dài, người ngồi trên ngai rồng... liệu có còn mang họ Lý nữa chăng?

Chợt, tiếng trẻ con ríu rít cắt ngang mạch suy nghĩ của Nguyệt Sinh, nàng nhìn phía trước, Thuận Thiên và Chiêu Thánh đang vui đùa với nhau, tựa như bông hoa sai mùa nở trong mưa tuyết. Bé nhỏ, diễm lệ, nhưng chẳng được lâu. Nàng dừng bước, hoa đẹp tàn nhanh như thế, ngắm nhìn thêm một lát cũng đâu hề gì. Hai đứa trẻ chạy đuổi bắt đến gần nàng thì im lặng, hẳn chúng thấy nàng lạ lắm, ở trong cung chẳng gặp bao giờ, vả lại thấy chúng mà không cúi đầu hành lễ. Nguyệt Sinh mỉm cười, chìa tay ra, vẻ như muốn xoa đầu chúng, dịu dàng giới thiệu:

- Chào các con, ta là Lý Nguyệt Sinh, theo vai vế các con phải gọi ta là bác, hẳn các con chưa gặp ta bao giờ nhỉ?

Chiêu Thánh bạo gan hơn, nghe vậy thì định tiến lên phía trước, nhưng Thuận Thiên cẩn trọng vội đứng chắn trước mặt em, vẻ mặt nghiêm nghị nói:

- Ta chưa gặp bác bao giờ.

Ra dáng Trưởng Công chúa quá, nàng thầm nghĩ, nụ cười dịu dàng trên môi lại pha lẫn một niềm kiêu hãnh không thể gọi tên:

- Bấy lâu nay ta lui về sống ở Huyền Linh biệt viện, các con không biết ta cũng hợp tình. Tiếc là ta không thể ở bên các con lâu hơn được nữa, mấy hôm nữa ta phải rời đi rồi. Hôm nay ta đến đây cũng là để tạ ân bệ hạ đấy.

Nhắc đến phụ hoàng, dường như vẻ cẩn thận đầy non nớt trên mặt Thuận Thiên đã vợi đi, chỉ còn lại một nỗi buồn vô hạn nằm nơi đáy mắt. Nguyệt Sinh ngồi xuống, để mặt mình ngang tầm mắt em, hình như nàng muốn nhìn rõ em hơn một chút, cũng hình như muốn em ghi nhớ khuôn mặt xa lạ của nàng thêm một chút. Thuận Thiên xinh xắn, nhiều nét giống phụ hoàng, có lẽ vì em là con cả, người ta hay nói con cả giống cha. Đoạn, Nguyệt Sinh lại nhìn sang Chiêu Thánh, tuy nàng không rõ mặt vị Hoàng hậu đang hợp sức cùng nhà mẹ đẻ tiếm quyền kia, nhưng nàng đồ rằng con bé lại giống mẹ hơn hết. Một nét đẹp mà sau này lớn lên, hẳn sẽ mang vẻ rất đáng yêu và lanh lợi. 

- Phụ hoàng... dạo này có khỏe không? - Đột nhiên, Thuận Thiên e dè hỏi.

- Ta không biết, đây cũng là lần đầu tiên ta diện kiến thánh nhan. - Nguyệt Sinh đáp, đáy lòng hơi gợn sóng.

Nghe câu trả lời, Thuận Thiên chừng như hơi thất vọng. Nhưng chỉ thoáng chốc, mặt con bé lại sáng hẳn lên. Em lại gần Nguyệt Sinh thêm một bước, sau đó nhỏ giọng thì thầm.

- Bác sắp được đi thăm phụ hoàng, đúng không? Liệu bác có thể hỏi thăm phụ hoàng cho ta không?

Nguyệt Sinh đưa mắt nhìn hai người vú và một đám người hầu đang đứng phía sau, đoạn gật đầu, ghé tai nghe từng lời Thuận Thiên sắp nói. Mừng rơn, con bé vội kể thật nhiều chuyện, giọng nghẹn ngào thể như đang trông thấy phụ hoàng ngay trước mặt. Rằng mẹ, rằng em, rằng hoa bưởi đang nở, rằng hoa sen đã tàn. Hầu hết đều là chuyện lông gà vỏ tỏi, dường như chẳng đáng bận tâm. Nhưng bệ hạ ở trong phòng lâu như thế, lại không thể chứng kiến những việc chỉ như lông gà vỏ tỏi này. Thuận Thiên kể xong, cúi đầu cảm ơn một cái rồi lùi lại, niềm vui tràn qua khóe mắt. Nguyệt Sinh im lặng đứng lên, dằn xuống một nụ cười buồn rồi đi mất.

Chẳng biết đã qua bao lâu, nàng cuối cùng cũng đến được cái chính điện vốn đã vô cùng quen thuộc. Chỉ khác, lần này nàng là Nguyệt Sinh - hoàn toàn - không còn là con hầu lén lút như xưa nữa. 

Những tên nội thị có vẻ bất ngờ khi trông thấy tờ chỉ dụ, chúng không biết đến sự tồn tại của nàng. Năm xưa Thái hậu ra tay tàn độc, "tam thi tích vi nhất"*, bọn chúng còn tưởng những đứa con của tiên đế ngoại trừ hoàng đế đương triều ra đều thành nấm mồ xanh thảy rồi. Ngờ đâu, nơi biệt viện còn có một vị Công chúa đang nép mình. Vả, có khi bởi nàng là Công chúa, nên mới không bị hạ sát cũng nên. Nhìn cách điểm trang của nàng, có thể khẳng định rằng nàng sống cũng không hề sung sướng. Bọn chúng nhìn nhau, đoạn cùng lui ra để nhường bước cho nàng. Nguyệt Sinh bịt mặt, giống như trước đây, chỉ duy một điều đã khác.

- Thần Lý Nguyệt Sinh, xin bái kiến bệ hạ. 

Kiến Gia vốn đang nằm trên giường đã cố gượng dậy từ khi nghe tiếng nàng ngoài cửa. Ngài tựa lưng vào gối, khuôn mặt vẫn hốc hác như xưa, nhưng đôi mắt đã có phần sáng hơn nhiều so với lúc trước. Ngài vẫy tay, tỏ ý muốn nàng lại gần thêm một chút, nàng thuận theo, nhưng vẫn quỳ gối, chắp tay, cúi đầu.

- Lâu lắm rồi không gặp, trẫm cũng suýt quên là mình còn một người chị gái.

- Bẩm, bấy lâu nay thần không màng thế sự, chỉ giấu mình ở biệt viện xa xôi, không được ở bên hầu hạ người, là thần tắc trách. Cúi mong bệ hạ trách phạt.

Kiến Gia đưa tay chạm nhẹ lên đầu nàng, mắt ngài không rời khỏi cây trâm đơn giản mà nàng gài trên tóc. Trên đó chỉ nạm một viên ngọc đơn giản, cũng không còn sáng nữa.

- Không cần câu nệ, Công chúa dù sao cũng là chị của trẫm, nay rời hoàng cung lấy lộ Ngọt Nhì làm ấp thang mộc, trẫm cũng không nỡ để Công chúa thiệt thòi.

Nói xong, ngài liền dùng tay nâng cằm Nguyệt Sinh lên, thấy trong mắt nàng là đôi ngọn lửa đang rực cháy.

- Ngồi đi, lâu không gặp, trẫm muốn cùng Công chúa tâm sự đôi điều.

Câu này không phải diễn.

Vậy là Nguyệt Sinh ngồi bên giường bệ hạ, trên một chiếc ghế đẩu thấp trong phòng. Nàng thủ thỉ cho ngài nghe mấy điều vặt vãnh mà khi xưa không dịp nào được kể. Bên cạnh những câu hàn huyên, nàng còn tâu cả vài lời hỏi thăm của Thuận Thiên Công chúa. Rằng mẹ, rằng em, rằng hoa bưởi đang nở, rằng hoa sen đã tàn, rằng...

- Rằng Công chúa dạo này quen được bạn mới, là Hiển Đạo Vương. Chơi với Vương rất vui, Công chúa quý Vương lắm.

Nghe đến đây, Kiến Gia không nói gì nữa.

Ngài quay đi, nhìn về phía chậu cây trong phòng, cái cây lâu ngày không được uống nắng, lá đã thành vàng vọt thảm thương. Hơn nữa, bao nhiêu thuốc thang mà họ Trần mang đến, ngài đều tìm cách nôn ra đấy cả. Thành ra, cái cây phải chịu thay cho ngài. Kiến Gia siết chặt tay, ngài thấy vô cùng bất lực. Giữa hàng vạn tính toan ngày một khắc đậm sâu trong đầu, hình ảnh những đứa con luôn làm ngài thấy nặng lòng hơn tất thảy, bởi ngài biết mình không bảo vệ được chúng. Kiến Gia đã là một vị vua tồi, lại càng không phải là một người cha tốt. Hình như đến cuối cùng, ngài chẳng gánh vác nổi bất cứ điều gì vốn đã trên vai.

Nuốt nước mắt vào trong, ngài đưa mắt nhìn Nguyệt Sinh chăm chú.

Nàng là quân cờ cuối cùng mà ngài đặt cược, là mũi tên duy nhất, là con chim ưng độc nhất của ngài. Chim ưng thì phải bay xa mới thấy mồi, ngài không nỡ nhưng cũng chẳng thể để nàng ở lại lâu hơn. Nhìn chiếc trâm ngọc cài trên mái tóc búi cao đen nhánh, ngài mỉm cười, nàng hiểu lòng ngài hơn ngài nghĩ.

- Trẫm mệt rồi, Công chúa lui đi.

Nguyệt Sinh quỳ gối, cúi đầu, chắp tay hành đại lễ. Nàng dù bịn rịn cũng biết mình phải đi nhanh, tránh cho họ Trần vốn đa nghi lại cho rằng nàng mang riêng toan tính. Lúc đứng lên, đầu nàng thoảng qua một ý nghĩ. Nàng tháo chiếc vòng vải trên tay ra, đặt nó vào tay của bệ hạ.

- Chiếc vòng này là của mẹ thần năm xưa để lại, nó đã bảo vệ thần khỏi bao điều uế tạp xấu xa. Nay thần kính cẩn dâng nó lên cho bệ hạ, chúc cho bệ hạ phúc thọ dài lâu, sống hơn trăm tuổi, mãi mãi là mặt trời sáng soi cho con dân Đại Việt. Thần không thể ở lại lâu, thần xin lui trước.

Nguyệt Sinh rời đi, mang theo cả chút ánh sáng hiếm hoi đi mất. Kiến Gia cười buồn, mi mắt trĩu nặng, sụp xuống, lại chìm vào mộng mị, thiếp đi.

Nàng mới trở ra, ở góc khuất đã thấy Thuận Thiên dắt tay Chiêu Thánh thấp thỏm chờ ở đó. Nàng biết hai chị em chúng đang mong đợi những gì, bèn đi nhanh đến, thủ thỉ vào tai chúng vài câu. Bệ hạ hơi yếu nhưng hãy còn minh mẫn, ngài cũng uống thuốc đều đặn để sớm ngày khỏe lên. Dặn hai chị em không cần phải lo lắng, bệ hạ hết bệnh sẽ ngay lập tức đến gặp liền. Hai đứa trẻ nghe vậy thì vui lắm, chúng cảm ơn Nguyệt Sinh rối rít rồi dắt díu nhau đi mất.

Chỉ còn lại một mình, Nguyệt Sinh không nhìn lên tường vàng ngói đỏ đã quen thuộc nữa. Nàng nhìn cao xanh, thì thầm.

Con chim ưng của bệ hạ, sắp bay đi rồi.

______________________

*lộ Ngọt Nhì: nay thuộc tỉnh Bắc Ninh.

*ấp thang mộc: hiểu nôm na là đất được ban làm tài sản riêng cho hoàng thất hoặc người có công lớn. Câu văn trên được trích nguyên văn từ sách Đại Việt Sử Kí Toàn Thư.

*"Tam thi tích vi nhất", nguyên văn là: 

"Cao Tông táng vị tất, 
Tam thi tích vi nhất". 

Dịch nghĩa: 

"Cao Tông mất chữa táng, 
Ba thây một đống nằm". 

Theo Đại Việt Sử Lược, đây là hai câu đồng dao nói về sự kiện Đàm Thái hậu "sai bắt Nhân Quốc Vương và hai Vương Tử là người con trai thứ sáu, người con trai thứ bảy (của vua Cao Tông), cả ba đều bị đem dìm xuống cái giếng trong khu nhà của vua, để vùi lấp cái manh mối của việc cải lập. Xong rồi sai khiêng những cái thây ấy để ở ngoài cửa cung Lâm Quang."

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro