Mười: Tết

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Lưu ý: tất cả chi tiết về các nghi lễ ngày Tết trong chương này đều là hư cấu.

____________________

Thế là Tết đến.

Lý Oánh không ưa những nghi lễ rườm rà của ngày Tết, trước giờ vẫn vậy. Qua những trang trọng dài bất tận, điều duy nhất mà em nhớ là thấy mỏi chân. Vú San bảo em, Tết ở quê bà vui phải biết, các nhà đốt pháo, rộn cả một làng. Nếu có dịp, bà sẽ đưa em về quê, gặp các bé cùng tuổi, chơi nhiều trò hay ho lắm. Lý Oánh háo hức nghe vú kể suốt đêm, về một lời hứa sẽ chẳng bao giờ thành thực. Năm nay cha bệnh nặng, không tiện làm to, các nghi lễ giảm đáng kể. Dẫu em buồn vì không thể thấy bóng cha trên cao như năm trước, nhưng đâu đó, trong nỗi tâm sự trẻ con, em vẫn thấy vui vì được gặp những người ngày thường mình ít gặp. Ví như bà nội, người là mẹ của cha, là Thái hậu của Đại Việt phồn hoa rộng lớn. Khi trông thấy người, tim em đập rộn cả lên, bước đi của người thật lặng, bộ triều phục của người thật sang. Em cúi đầu hành lễ, người nhìn em, không đáp lại. Khi em ngước lên một lần nữa, người đã đi mất rồi. So với cha mẹ, bà nội càng xa cách em hơn. Từ ngày có nhận thức đến giờ, hình như người chưa từng cười hay nói với em những lời âu yếm. Có lẽ bà nội không ưng hoàng nữ. Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô, đây cũng lẽ thường tình cả. Em không tủi, em lo mẹ buồn, chắc mẹ cũng muốn sinh con trai lắm.

Giờ Hợi, trời tối đen. Không sao, trăng đã trốn. Một bầu cao cao đến vô tận, được soi sáng bởi muôn ngàn ngọn nến nơi cung cấm xa hoa. Chuông điểm giờ, hậu cung tề tựu. Trên cao, ghế thiếu vắng một người. Lý Oánh thấy mất mát, đó là chiếc ghế của cha, nơi cha hay mỉm cười gọi em vào cha bế. Bất giác, em siết chặt tay. Trống trải quá. Em đưa mắt nhìn Thiên Hinh đang ngồi ngoan bên cạnh, vuốt nhẹ chiếc má sữa, rồi bật cười khi thấy con bé giật mình quay sang.

- Chị!

Thiên Hinh nhoẻn miệng cười, khoe hàm răng non nhỏ nhắn, đôi mắt hấp háy đáng yêu. Nó đưa tay sang, rướn người vuốt nhẹ má em, đoạn rụt tay lại, cắn cắn môi như thể chờ mong điều gì đó. Chừng như hiểu ý, Lý Oánh lắc đầu. 

- Không được.

Muốn chị hôn nhưng chị không đồng ý, Thiên Hinh bèn ra chiều buồn bã quay đi. Lý Oánh vừa đưa tay dỗ em, vừa lắng nghe cuộc nói chuyện nhạt nhẽo của người lớn. Em không hiểu, có lẽ chỉ là mấy lời xã giao. Chúng gảy vào khoảng không vài điệu nhạc lạc lõng, rồi tắt hẳn. Hồi sau, chừng như thấy bí bách, Thái hậu đứng lên, chậm rãi bước ra ngoài. Thấy vậy, cung nhân không ai bảo cũng nối gót đi theo. Lý Oánh chẳng ham nghe chuyện nữa, em kéo Thiên Hinh nép sang một bên, im lặng.

Trời thăm thẳm tối.

Thái hậu lặng lẽ nhìn lên cao, đáy mắt phủ màu u buồn tịch mịch. Lòng bà đóng cặn, bất lực hoá bi thương. Vài năm trước, triều chính vẫn còn dưới quyền bà, vậy mà thiều quang mấy chốc, giờ nó đã nằm trong tay kẻ khác. Con trai bệnh, bị giam lỏng nơi tẩm điện âm u, đến ngày Tết cũng không được ra ngoài nửa bước. Bà thương con, nhưng chẳng bù được giận. Lũ họ Trần là quân phản trắc, năm xưa bà đã cản hết lời. Vậy mà con bà chấp mê bất ngộ, cứ kiên quyết bảo vệ ả Thị Dung, còn bỏ cung nương tựa Trần Tự Khánh. Sau cùng, đứa trẻ trong bụng ả không phải là con trai, nhưng chuyện đến nước này, là trai hay gái cũng đâu còn quan trọng nữa.

Mất hết, mất hết rồi.

Khoé môi Thái hậu nhếch lên một điệu cười chua chát. Bà hận ai được? Hận con, hận họ Trần, hận bản thân, hay hận trời không thương xót? Tiền trình* tối như đêm ba mươi, mò mẫm đi rồi rơi xuống vực sâu, hoảng hốt. Cao xanh* chẳng đưa tay cứu, mặc thân mọn vùng vẫy với thê lương, chán chường.

Bà chết rồi, chỉ là chưa được đi chôn.

Thái hậu quay người lại, nhìn thấy Hoàng hậu đương đứng đó, sóng gợn trong lòng lại chầm chậm lặng đi. Ván cờ này, bà thua trắng. Giờ bà lấy gì để đấu với ả ta? Thân bất do kỷ, có tự do hơn con trai bà là mấy?

- Hoàng hậu nghĩ xem, giờ Hoàng đế đang làm gì?

Câu hỏi đột ngột làm Trần Thị Dung hơi giật mình. Cố ngăn bản thân nhớ lại vẻ đau khổ của ngài, nàng vờ bình thản đáp:

- Bẩm, bệ hạ mang trọng bệnh, giờ chắc ngài đã dùng thuốc, nghỉ ngơi rồi ạ.

Thình lình, Thái hậu quay sang siết chặt vai của nàng. Mặt đối mặt, mắt dậy sóng ngầm. Bà cất tiếng lên, nghe nhẹ nhàng tựa gió:

- Bệ hạ sẽ khoẻ lại, đúng không?

Bóng Thị Dung trong mắt bà dần bị nuốt chửng. Nỗi đau thương dâng lên thành dòng. Chớp mắt bèn rơi xuống. Nàng dường như thấy mình trở về ngày xa lắm, cái ngày bị bà ban thuốc độc, ép nàng phải chết ngay. Khi ấy, mạng nàng tưởng tận lại được bệ hạ cứu về. Ngài thương nàng như thế, giữa đêm tối vội đưa nàng trốn đi. Giờ đây, thời thế xoay vần, mạng của ngài không ở trong tay ngài nữa. Những chén thuốc đó là cứu hay giết ngài, Trần Thị Dung và Thái hậu đều hiểu. Câu trả lời đã rõ, nhưng không một ai có can đảm nói ra. Nàng cố kiểm soát hơi thở đang dần mang tâm sự, nhỏ nhẹ trả lời:

- Bẩm, chúng ta nên đi làm lễ rồi ạ. Làm lễ, cầu bệ hạ bình an.

Thái hậu buông tay, nhìn lên cao như muốn trút nước mắt lại:

- Bình an...

Chuông điểm giờ, canh ba đã đến. 

Kiến Gia nghỉ ngơi trên long sàng, tựa mình nhìn chậu cây bên giường đang dần dần héo úa. Sắc vàng phủ lên màu lá xanh, dưới ánh nến lại càng thêm tiều tụy. Năm đầu tiên mà ngài không có Tết, sự náo nhiệt chẳng màng đến nơi đây. Tuy thất vọng, nhưng ít ra ngài vẫn còn có Nguyệt Sinh bên cạnh. Trông khuôn mặt nàng đầy ưu tư lo lắng, Kiến Gia cười:

- Trẫm bắt ngươi chịu khổ rồi.

Nguyệt Sinh vội cúi đầu:

- Bẩm, hầu hạ người là bổn phận của kẻ bề tôi. Người tin tưởng thần, thần vui còn không hết, huống chi là thấy khổ.

Nhưng Kiến Gia đâu đành lòng giam nàng trong nơi bủa vây toàn bệnh tật. Ngài đã có dự tính khác, chim ưng muốn bắt mồi phải thả cho nó bay xa hơn. Sống dưới con mắt của họ Trần, dẫu bức bối song cũng không hẳn là chết ngạt. Tống cựu nghênh tân*, đã đến lúc phủi bay muộn phiền năm cũ, nhường năm mới cho những tính suy của ngài. Đến bây giờ, trong tay ngài chỉ còn vài quân cờ ít ỏi. Ngài đặt cược vào chúng. Dù không thể lật cả thế cờ cũng phải khiến lũ ngoại thích kia một phen chao đảo. Đôi bàn tay gầy guộc của ngài đưa ra, khe khẽ nâng cằm Nguyệt Sinh đang quỳ dưới đất. Mắt rồng tựa như vừa sáng lên, rồi tựa như lại rơi vào bóng tối. Canh ba là giờ làm lễ, tiền triều hậu cung đều bận rộn, nếu không nói bây giờ, ngài sợ rằng cơ hội tốt nhất sẽ vụt qua.

- Đỡ trẫm dậy.

Tay nàng mềm mại bên tay ngài gầy yếu, một sự đối lập mỉa mai, bởi nàng thậm chí còn lớn tuổi hơn ngài. Kiến Gia vịn vào Nguyệt Sinh, chậm rãi bước đến trước chiếc tủ đôi trong tẩm điện, mở cửa, lục tìm trong đó một hồi lâu. Lát sau, ngài mang ra một chiếc nhẫn, kiểu dáng có phần thô sơ, viên ngọc trên đó trông cũng không được sáng. Ngài dùng sức nạy viên ngọc ra, đoạn đưa cho nàng, âm thầm dặn:

- Giữ thật kỹ, đừng để ai hay.

Nàng toan hỏi, ngài đã tiếp lời.

- Chuyện này trọng đại, sau đêm nay ngươi hãy về biệt viện, trở thành Nguyệt Sinh như trước, để con hầu của ngươi thế chỗ ngươi làm cung nữ ngự tiền.

Rồi ngài siết lấy vai nàng, ghé vào tai nàng nói nhỏ. Rằng năm mới, ngài sẽ "gả" nàng đi, nơi đó có một người mà ngài tin tưởng, nàng nhất định phải gặp hắn: Chu Đình Dự. Nàng là đôi mắt của Kiến Gia, trong cung ngài nhìn đã quen, giờ phải đưa nàng đi xa hơn nữa, thay ngài trông xem nước non Đại Việt. Từ giờ đến lúc đó, hẳn sẽ có nhiều chuyện xảy ra. Ngài đang cố hết sức, nàng cứ nương theo mà làm. Nói đoạn, ngài đẩy nàng ra, cúi người ho khan vài tiếng. Nàng toan đỡ, ngài lại vươn tay gạt đổ chậu vàng, ném vỡ thinh không bằng tiếng kêu vang rõ. Nguyệt Sinh hiểu ý, nàng bình tĩnh lại, quỳ xuống hành lễ với ngài, sau đó cầm chậu bước ra. Kiến Gia nhìn theo bóng nàng khuất lối, mỉm cười.

Một mũi tên đã âm thầm vụt bắn.

Sau này cho dù có ra sao, Kiến Gia cũng thấy lòng mình đỡ đi phần nào đau đớn. "Vận mệnh" chảy xiết, nhưng ít nhất ngài đã thử ngược dòng. Thở hắt, ngài vịn tay vào chiếc bàn bên cạnh, nặng nhọc đứng lên. Trải qua chuỗi tháng ngày bị giam lỏng, đầu độc, sức khỏe của ngài đã ở ngưỡng khó nói. Nhân lúc trí óc còn minh mẫn, ngài phải toan tính cho xong những suy nghĩ trong lòng. Số thuốc giải mà Nguyệt Sinh mang đến, ngài đã giấu kỹ từ lâu, chắc cũng đủ cầm hơi thêm một thời gian nữa. Kiến Gia run rẩy lê từng bước đến trước cánh cửa tẩm điện, đặt tay lên, dùng sức đẩy thử một lần. Hiển nhiên, nó vẫn đóng. Mỉa mai thay! Ngài ở ngôi cửu ngũ chí tôn, mà ngay cả cánh cửa vô tri vô giác cũng chẳng nghe lời ngài! Kiến Gia trượt xuống, buông thõng tay. Cửa không mở ra vì ngài nữa.

Ngài bần thần một lát, lại có tiếng chuông điểm canh tư. Canh ba dứt, lễ cũng xong rồi. Vậy là khắc giao thừa thiêng liêng đã hết. Ngài lắng nghe tiếng chuông từ xa xa vọng tới, lặng thầm nhớ đến hai đứa con thơ. Sang tuổi mới, Thiên Hinh cứng cáp hơn, còn Lý Oánh bắt đầu được học chữ. Trước kia, ngài chẳng đếm được bao lần nghĩ đến cảnh cầm tay con đi những nét ngang nét sổ, dạy con những đức tính tốt, những đạo lý hay ở đời. Giờ đây, mộng tưởng vẫn hoài là mộng tưởng. Sợ rằng, từ giờ đến lúc thân này nằm qua năm tấc đất, ngài cũng không thể ôm con, huống chi là dạy chữ. Kiến Gia thở dài, nhẹ giọng nói một câu: "Xin lỗi." Bởi những toan tính trong lòng ngài, phải hy sinh con là điều bắt buộc.

Nhưng không chỉ có ngài mới tính toan. 

Năm nay Hoàng đế bệnh, làm lễ xong cũng không còn tiệc nữa. Các quan tiền triều hiểu, ai nấy đều quay về phủ riêng. Trần Tự Khánh chỉnh lại vạt ống tay, đoạn quay sang nhìn con trai đi bên cạnh, ông không khỏi tấm tắc khen thầm. Trần Hải lớn nhanh, mặc bộ triều phục trang nghiêm lại càng ra vẻ đứng đắn. Dạo trước, con trai đi chùa đã kể ông nghe qua về thái độ Công chúa. Cô bé tỏ vẻ làm thân, còn "phong" cho Hải cái chức "bạn", nghe oai đáo để. Bạn? Thì có bạn đời! Trần Tự Khánh đắc ý trong lòng. Thời cơ đến, ông sẽ chọn ngày lành tháng tốt để dâng lễ cầu hôn. Lần trước đề cập, lệnh bà tìm cớ "chưa phải lúc", gạt đi. Giờ đã khác, dẫu Công chúa non trẻ không hiểu "vợ chồng" "tình yêu", song chỉ cần em thấy thân với Trần Hải là đã quá đủ rồi. Càng nghĩ càng thấy vui, Tự Khánh vỗ vai con trai, nói:

- Ra dáng quá, sắp thành gia lập thất rồi.

Trần Hải hiểu câu nói kia, hắn bất giác nhớ đến một thoáng hồ thu trong mắt em khi đó. Cưới Công chúa về, chắc cũng giống như có thêm một cô em gái mà thôi. Công chúa chỉ trạc tuổi em ruột hắn, có lẽ chơi với nhau sẽ rất hay, hẳn là so với trong cung thì còn vui vẻ chán. Hắn không cả nghĩ, mọi việc trong mắt hắn vừa phức tạp mà lại đơn giản biết bao. Gật đầu đáp "vâng" cho xong chuyện, Trần Hải than thầm:

- Con muốn ăn bánh chưng mẹ gói.

Một cơn gió vờn qua làm người ta thấy lạnh. Cơn gió trong lành đầu năm mới thổi từ cấm cung ra đến tít la thành, rồi còn vờn đi xa hơn nữa. Trong phủ, Trần Thừa nhúng bút qua nghiên, viết đôi câu đối hay bằng chữ thảo*. Lại Linh đứng bên cạnh, nhìn những nét mềm mại đi trên giấy, gật gù khen rất đẹp. Viết xong, Trần Thừa gác bút, bấy giờ mới quay sang hỏi Lại Linh:

- Cháu trai ta sắp lấy vợ rồi?

- Bẩm ông, vâng ạ. Tình cảm giữa Hiển Đạo Vương và Thuận Thiên Công Chúa khăng khít, tôi chắc đến tám chín phần.

Trần Thừa cười nhạt:

- Trưởng nữ của Hoàng đế! Thật là khéo chọn.

Ông nhấc cặp trấn chỉ hình chó săn, giơ tờ giấy lên ngắm nghía, suy tư. Tự Khánh quá ngạo mạn, hắn đang trải cho con trai mình một đường đi phủ đầy nhung và gấm. Từ giờ đến cuối đời, phỏng chắc Kiến Gia không thể sinh con nữa, huống gì là con trai. Sau này lập trữ quân, bất đắc dĩ phải cho con gái vậy. Mà đế vương các thời, chọn lập trưởng vẫn nhiều hơn lập thứ. Vậy là quá rõ, một màn kịch hay sắp khai màn. Luận địa vị, xét công danh, Trần Tự Khánh vẫn hơn ông nhiều lắm. Nhưng lòng ông đã liệu, Trần Thừa không phải kẻ thờ ơ với mọi sự diễn ra. Ông nhớ đến người em họ gần đây vẫn hay lui tới, ông nhìn ra cái tài còn chưa được trọng dụng kia. Tiền tài công danh ai không muốn, chỉ là "có cách nào?".

Có.

Năm này hẳn sẽ xảy ra nhiều điều thú vị.

_______________

*tiền trình: như "tiền đồ".

*cao xanh: ý chỉ trời, Thượng đế.

*tống cựu nghênh tân: tiễn cũ đón mới.

*chữ thảo: một kiểu viết chữ Hán, chữ Nôm, nét nọ liền nét kia và lược đi một số nét.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro