Tám: Chùa

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Nhưng thời gian không phải thứ có tình, dẫu cho người ta có đau đớn, khổ sở đến đâu thì nó vẫn trôi đi mà không cần nhìn lại. Thoắt cái, năm mới đã sắp đến, chốn uy nghiêm lạnh lẽo cuối cùng cũng được thổi chút hơi ấm cuối năm. Lý Oánh lặng lẽ trông đám người hầu tất bật dọn dẹp tẩm cung trống vắng, uể oải ngáp dài. Vú San nhẹ nhàng lấy khăn ấm lau mặt cho em, nhỏ giọng:

- Công chúa, như vậy không được nhã nhặn.

Lý Oánh bĩu môi:

- Ta không muốn nhã nhặn.

Vú San lắc đầu đứng dậy, bà lấy cây lược từ con hầu bên cạnh, nhẹ nhàng chải tóc cho em. Người trong hoàng gia thường búi cao, tóc Công chúa vừa dày vừa đen bóng, cài thêm trang sức lại càng thêm nổi bật. Dạo gần đây em cứ buồn suốt, Chiêu Thánh Công chúa cũng dần ít sang chơi. Hoạ chăng chỉ có vài lần Thuận Thiên ra hồ sen gặp Hiển Đạo Vương, hai người ngồi dưới tán cây chơi trò gì đó. Khi thì vẽ tranh, khi thì tập viết, hoặc có khi là cắt dán đồ chơi. Vú San chẳng rõ vì sao em đột nhiên không còn ghét Hiển Đạo Vương nữa, chỉ có điều Công chúa thân thiết với người kia không phải chuyện bà mong muốn.

- Hôm nay Công chúa mặc y phục màu hồng phấn hay...

- Lấy cho ta màu tím thẫm kia đi.

Nhìn Công chúa, vú San không khỏi buồn lòng. Rõ ràng trẻ nhỏ thường ưa sắc sáng trong, vậy mà em gần đây chỉ chọn màu u tối. Đành rằng lòng Công chúa không vui, nhưng tâm trạng em như thế khiến cho bà cứ lo lắng mãi. Vú San quỳ xuống trước mặt em, đoạn vuốt nhẹ cặp má phinh phính hồng, dỗ ngọt:

- Công chúa, năm mới sắp tới rồi, hay là người mặc màu đào đi ạ?

Lý Oánh nhìn chiếc áo gấm thêu hoa trước mặt, hơi nhíu mày:

- Chói quá.

- Bẩm, da Công chúa trắng như vậy, mặc màu này sẽ đẹp lắm ạ.

Em vẫn lắc đầu quầy quậy:

- Ta không thích, lấy cái kia đi.

Nói đoạn, Lý Oánh dứt khoát cầm lấy chiếc áo màu tím thẫm dúi vào tay vú San. Thấy dỗ em không được, bà đành xuôi. Mặc xong, bà lấy thêm chuỗi ngọc từ con hầu bên cạnh đeo lên cổ em. Ngắm trong gương, sắc trầm già dặn dường như chẳng lấy làm hợp với khuôn mặt non nớt của Công chúa. Đôi mắt kia dù lặng trong như nước nơi đáy hồ, song vẫn phảng phất một nỗi buồn rất trẻ con. Đáng lẽ tình yêu phải nuôi dưỡng niềm vui trong đôi mắt ấy, chỉ tiếc thay...

Khô cằn.

- Hôm nay Công chúa có muốn đi dạo không ạ?

- Không.

Em đáp, nhát gừng. Có lẽ ấn tượng từ buổi "đi dạo" lần trước vẫn chưa hề nhạt phai trong tâm trí. Lý Oánh tụt khỏi ghế, chạy ra sân. Đám con hầu nội thị dạt sang cả hai bên, chúng len lén nhìn em, thể như sợ làm em giận dữ. Dẫu mang tiếng ở cùng Công chúa từ thuở em còn là đứa hài nhi, nhưng thực tình em chỉ gắn bó với mỗi bà vú nuôi tên là San ấy. Chuyện ở ngự uyển lần trước... dù đám hầu đó đã được Thái uý lệnh tha, nhưng chúng chưa bao giờ thấy Công chúa tức giận đến thế. Tâm trạng em bức bối mấy tuần trăng, không khí của tẩm cung cũng chẳng lấy làm vui vẻ. Chúng sợ em nổi cáu, lại phạt chúng chẳng hay, tốt nhất là cứ tránh xa em một chút.

Vú San nhìn em, suy nghĩ rất nhiều nhưng cuối cùng chỉ nén tiếng thở dài trong cuống họng. Hăm ba tháng Chạp, cách đây rất nhiều năm về trước, khi bà vẫn chưa vào cung làm vú nuôi, giờ này ở quê rất rộn ràng. Người ta chuẩn bị thịt gạo để làm mâm cúng gia tiên, chẳng có gì hơn, mà muốn hơn cũng không kiếm ra được. Vào cung rồi, bà thấy Tết trong cung thực khác lắm. Có lẽ là bởi chúng được làm xa hoa hơn, cũng có lẽ là bởi không khí ấm cúng mà bà từng trải qua đã không thể theo bà bước qua ba lớp tường thành nữa. Năm xưa, đám trẻ con ở quê bà bằng tuổi Công chúa bây giờ vẫn còn mặc yếm cởi truồng, đuổi nhau chạy quanh đường làng thơm mùi đất. Còn Công chúa, mặc áo gấm là thế, nhưng tâm trạng lại chẳng lấy làm vui tươi. Ước gì, bà có thể đưa em ra khỏi cung, dù chỉ một ngày thôi, để em được chạy quanh con đường chân lấm bụi. Ước gì...

Ra khỏi cung?

Đôi mắt vú San sáng lên, nét mặt bà giãn ra, đôi môi lại cong cong nụ cười. Sao bà không nghĩ tới điều này sớm hơn? Muốn ra khỏi cung, thực ra cũng đâu quá khó. Chỉ có điều, nếu muốn đưa Công chúa đi, bà vẫn phải thông qua ý Hoàng hậu trước đã. Vú San rảo bước về phía Công chúa đang thơ thẩn ngoài sân, quỳ xuống siết nhẹ vai em, hỏi nhỏ:

- Công chúa có muốn xuất cung một ngày không?

*

- Xuất cung?

Trần Thị Dung hơi nhướn mày hỏi lại, khói từ tách trà trên tay nàng bốc lên, tỏa ra một mùi hương nhè nhẹ.

- Bẩm bà, vâng ạ. Con muốn đưa Công chúa xuất cung một ngày, không quá La thành*, chẳng đi xa đâu ạ.

Trần Thị Dung im lặng, nàng đặt tách trà xuống, trên mặt lộ vẻ suy tư.

- Chùa Hoè ở Thăng Long vẫn được người dân ca ngợi lắm, con muốn đưa Công chúa đến đó, dẫu sao năm cũ cũng sắp qua rồi.

Nàng cười, đôi mắt mông lung vô định. Phải, năm cũ sắp qua rồi.

*

Lý Oánh gác cằm lên thành kiệu, dường như đang bận tâm điều gì đó ngoài ô cửa be bé kia. Đột nhiên, kiệu xóc nảy một cái, cằm em bị va mạnh, đau điếng người. Vú San ngồi bên cạnh vội vàng đỡ em quay lại, Công chúa nhìn bà, chỉ tay vào cằm như đang mách tội. San vừa buồn cười vừa thương, rút trong chiếc túi bên hông một lọ cao bôi lên cằm cô bé. Hoàng hậu đã cho phép hai người ra ngoài với điều kiện về đi trong ngày, bà cũng phải suy tính trước việc Công chúa sẽ bị thương. Nói "hai người", nhưng thực ra là cả một đoàn người với đủ con hầu, nội thị, thị vệ đi theo. Đi chùa dâng hương vốn không nên gióng trống khua chiêng, nhưng Hoàng hậu lo cho Công chúa, thôi thì ra khỏi Long thành rồi đi bộ, dù sao ra khỏi Long thành mới có thể nhìn thấy bách tính lê dân. Thở dài, vú San vuốt lưng Công chúa như dỗ dành, cũng như âu yếm:

- May mà thần đã xin phép lệnh bà châm chước cho ngồi hầu trên kiệu với Công chúa, người ít ngồi kiệu, thần phải cẩn thận hơn.

Lý Oánh đã thôi khóc, chỉ có đáy mắt hãy còn ngân ngấn nước. Em dụi đầu vào vai vú nuôi, im lặng. Lúc bà hỏi em có muốn xuất cung không, lòng em dâng lên một thứ cảm giác chẳng rõ là vui buồn hay nhẹ nhõm. Phải chăng sự tồn tại của nó bắt nguồn từ việc pha trộn tất cả những cảm xúc kia, và em phải đặt tên cho nó? Nghe có vẻ thú vị, em sẽ gọi nó là "nhẹ vui", "vui nhõm", "nhẹ buồn", hay "buồn nhõm"? Nghe chẳng hay gì cả, Lý Oánh bĩu môi. Trần Hải bảo rằng năm sau em sẽ được dạy chữ, có lẽ đến khi đó em sẽ đặt được một cái tên hay hơn chăng? Trần Hải... lâu lắm rồi em không gặp hắn ở hồ sen nữa, chẳng biết bây giờ hắn đang làm gì nhỉ? Phủ của Thái úy ở kinh thành, có khi em lại gặp hắn cũng nên. Nghĩ đoạn, Lý Oánh nhổm dậy, vén tấm vải che cửa nhìn ra ngoài. Kiệu đã rời khỏi Cấm thành từ lâu, bước qua một lớp tường thành, hình như bầu trời đã thoáng đãng hơn nhiều lắm. Em hít một hơi sâu, cười rạng rỡ:

- Thích quá!

Có tiếng khinh khích sau lưng em, Lý Oánh quay lại, là vú San.

- Vú cười gì thế?

Bà nhìn em, đôi mắt hiền từ âu yếm:

- Bẩm, không có gì ạ, lâu lắm mới được xuất cung, thần vui quá.

Trẻ con. Vú San nghĩ thầm. Dù sao Công chúa vẫn còn bé, bị ảnh hưởng bởi không khí trong cung, cứ mãi ủ dột cũng là điều dễ hiểu. Ra khỏi Cấm thành, gió lộng trời cao, mây trôi nắng ấm, đứng từ dưới trông lên không còn bị chắn bởi lớp lớp những tường vàng ngói đỏ trong cung nữa. Chẳng rõ Công chúa có thích những thứ ấy không, nhưng bà chắc là em đang thấy thư thái lắm. Hình như đôi má em đã hồng hào hơn, cặp mắt kia cũng thêm phần lanh lợi, nụ cười tươi để lộ răng trắng mướt. San thấy lòng vui sướng, bởi giờ đây Công chúa trông như hoa nở đầu xuân, dồi dào nhựa sống. Bà thương em biết bao, qua mấy tuần trăng, cuối cùng bà cũng có thể trông thấy em hạnh phúc.

Thực ra, cái buồn của trẻ thơ không sâu sắc như nỗi đau của người lớn. Ví như Công chúa, tâm trạng rầu rĩ của em chủ yếu đến từ sự đau ốm liên miên của cha, hay ánh nhìn thờ ơ của mẹ. Dẫu dai dẳng, nhưng chỉ mới xuất cung, em lại có vẻ đã quên sạch những thứ ấy. Tất nhiên, vú biết em không quên. Nhưng biết đâu thư giãn một ngày, cảm xúc của em sẽ ổn định hơn lúc trước? Bà muốn xoa đầu Công chúa, nhưng phận tôi đòi không cho phép bà làm như vậy. Chần chừ mãi, bà chỉ dám khe khẽ xoa xoa đôi tay búp măng của em, âu yếm tràn qua khoé mắt.

- Tay ta có bị đau đâu, vú?

- Vâng ạ, tay Công chúa nhìn rất đẹp đó ạ.

Lý Oánh không để ý đến câu trả lời hình như chẳng ăn nhập gì với câu hỏi lắm kia. Im lặng một lúc, em lên tiếng:

- Ra khỏi Long thành, ta có gặp được Hải không?

Khuôn mặt của vú San hơi cứng lại:

- Bẩm, ý người là Hiển Đạo Vương ấy ạ?

Thấy Công chúa gật đầu, bà đắn đo một lúc rồi đáp:

- Bẩm, phủ Thái úy ở kinh thành, nếu có duyên thì Công chúa sẽ gặp Hiển Đạo Vương. Có điều chùa Hòe cũng chẳng cách cửa Bắc quá xa, thần e là người sẽ khó mà gặp được ngài ấy.

Lý Oánh ậm ừ, em ngả người về phía sau, đôi mắt lại nhìn về hướng cửa kiệu như mong chờ điều gì đó.

__________________________

*La thành, Long thành, Cấm thành: Kinh thành Thăng Long được xây dựng theo cấu trúc "tam trùng thành quách". Vòng ngoài là La thành, vòng giữa là Long thành (hay Phượng thành), cuối cùng là Cấm thành. Mọi người có thể lên mạng để tìm hiểu chi tiết hơn.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro