Chương 1 - Gặp

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Và tôi đã gặp nó trong hoàn cảnh như thế đấy.

Con phố náo nhiệt mùa Tết trung thu tới, trẻ con chạy nhau khoe đèn lồng, đứa thì hình cá ông, đứa thì hình chú bướm, còn có cả ngôi sao, xanh, đỏ, vàng nhòe hết cả mắt. Tôi cứ thế, lướt qua con phố này đã bao năm, luôn đón những ngày lễ một mình với dăm ba loại mứt cho có vị chỉ để đỡ buồn chán.

-Năm nay trung thu náo nhiệt quá cậu Phúc nhỉ? - giọng một người đàn bà từ đâu nói lại.

Đấy, bà ta đã nói tên tôi rồi đấy! Phúc, cái tên mà bu tôi đặt chủ ý mang lại nhiều niềm vui đến với cuộc đời của tôi. Nhưng có nghĩa lý gì nữa, ai đời lại đi đặt cái tên đó cho con mình trong thời kì chiến tranh loạn lạc như thế này bao giờ, vô nghĩa lắm. Tôi thương bu, nhưng lại chả biết ơn cái tên mà bu đã đặt cho.

-Dạ vâng - Hoàng Phúc trả lời bà Sáu bằng giọng nhạt như chẳng quan tâm.

Thôn Trà Linh, xã Quế Tân, một trong số những nơi tập trung đều là trẻ con, phụ nữ và người già là chủ yếu, bởi bác Đinh Nhất (1) người đã ra lệnh cho người dân rằng hãy ưu tiên bảo vệ cho trẻ em, măng non của Tổ Quốc, còn phụ nữ và người già, hãy bảo vệ và dạy lại những kiến thức tốt đẹp đã học được cho chúng.

Hừm, này thì đã thấm gì tôi của ngày trước. Năm 1945, khi nạn đói đã làm chết đi 2 triệu người, tôi khi ấy chỉ là một đứa nhóc 9 tuổi còn phải ra phụ giúp mẹ băng bó vết thương cho các chiến sĩ tại quân khu. Vậy mà bọn nhóc ngày nay vẫn còn đứng đây chơi được đèn lồng làm tôi cũng có chút ganh tị, kèm theo một chút khó chịu vì chúng chả hiểu được nổi khổ của các chiến sĩ ngoài kia.

Tôi, là một thằng đàn ông đã 32 tuổi, thay vì tôi phải ra Bắc cùng các anh em đánh Mỹ thì lại ngồi ở đây như một cách bất đắc dĩ. Nói đúng ra thì trong lần chống Mỹ năm 1965, tôi đã bị bom đánh thương ở tay và chân, nó không nặng đến mức què quặc, nhưng nó thường nhói lên rất đau mỗi khi trời chuyển lạnh và dường như không đi hay chạy được gì vào những ngày ấy. Thế là tôi phải sống ẩn dật, hàng tháng dựa vào số tiền lái xe cho đội vận tải. Cuộc sống cứ thế trôi qua cho đến đêm trung thu như bây giờ, tôi tình cờ gặp được nó, "đứa con trai" của tôi.

Gương mặt nó lắm lem bùn đất với chiếc áo rách nát, quần cũng như thế chả khác là bao, nó cố nhướng người nhìn lấy những đứa trẻ đang cầm đèn lồng, đôi mắt mở to đầy ngây thơ và trong sáng như ao ước được cầm lấy mà chơi. Tôi chưa từng thấy nó ở đây bao giờ, tôi chắc thế, sống ở đây đã 3 năm, sao tôi không rành từng con phố ngỏ hẻm và mặt từng người cho được.

Tôi vốn yêu trẻ con, nhưng do thân hình quá mức kịch cộm nên đám trẻ ở đây thường gọi tôi là quái vật dù tôi chả làm gì chúng cả.

Bước lại gần đứa trẻ ấy, tôi sợ nó sẽ hoảng lên và bỏ chạy nhưng nó không làm vậy, nó còn cố nhìn tôi với đôi mắt đó, tôi cho dù có ý muốn bắt cóc cũng chả thể làm gì được. Nó không lên tiếng, tôi cứ thế ngồi xuống bắt chuyện.

- Cháu không sợ chú à? - Tôi hỏi vì sợ nó sẽ như những đứa nhóc khác trong làng.

-Tại sao cháu phải sợ chú ạ? - Nó hỏi.

Tôi cười xòa rồi xoa đầu nó. Chợt trong đầu nhớ tới thứ mình đã xách trên tay nãy giờ, các loại mứt vừa nhiều màu lại đủ vị. Nào là mứt dừa, mứt tắc, mứt cóc, mứt gừng, hằng năm tôi mua chỉ để tượng trưng chứ tôi cũng chả bao giờ ăn hết.

Trong các loại, có một loại mà tôi vẫn chưa kể tên đó là mứt bưởi, nó cũng chính là loại mà tôi thích nhất. Cách làm khá đơn giản, nhưng vì tôi thường xuyên sáng đi sớm, chiều về muộn nên cũng chả có thời gian làm. Chưa kể đến, chỗ tôi thường mua cũng làm khá ngon và có chút tiếng tăm nên càng làm tôi sinh ra suy nghĩ "lười biếng" và sợ lâu quá làm lại thì sẽ không hoàn hảo, thế là tôi cứ vậy chấp nhận số phận.

Nhớ lại lần đầu tôi nghe mẹ (*) chỉ cách làm, cảm giác lúc đó của tôi hào hứng vô cùng. Đợt mùa bưởi chín năm ấy, dì tôi cho mẹ tận 10 quả, quả nào quả nấy cũng to và tươi ngọt. Mẹ gọt lấy phần trong để ra một cái rổ lớn, còn vỏ tách ra để riêng. Lớp vỏ bưởi được phân ra hai phần, vỏ quả bưởi và vỏ hạt bưởi bên trong, mẹ lấy vỏ quả bưởi làm mứt, còn vỏ hạt bưởi là lớp trắng mềm bên trong mẹ lại dùng làm chè, toàn bộ quả đều có thể ăn được.

Mứt bưởi ban đầu bạn lấy vỏ cắt miếng cho vừa ăn. Lúc nghe mẹ nói tới đoạn này, tôi đã hiểu nhầm một cách ngớ ngẩn là cắt vỏ xong rồi cứ thế bỏ vào mồm mà nhai, mẹ chưa kịp ngăn lại thì tay tôi đã nhanh hơn não bóc lấy một miếng cắn lấy cắn để, thế là cả ngày hôm đó tôi được một trận nhớ đời hiểu được chữ "đắng" viết như thế nào.

Quay lại câu chuyện làm mứt, sau khi vỏ đã được gọt, lấy nó ngâm nước muối từ hai mươi đến đến ba mươi phút. Sau dùng tay bóp mạnh để chất the trong vỏ theo nước ra ngoài, lại rửa qua nhiều lần làm sạch và ngâm nước muối thêm một lần. Cứ thế làm đi lại ba lần, vắt để ráo rồi trộn với đường, kiên nhẫn chờ khoảng hai giờ đồng hồ, bắt bếp lên và sên đều tay. Ban đầu để lửa lớn, thấy tay cứng thì hạ lửa, cứ thế hạ dần cho đến khi mứt khô hẳn và trưng ra đĩa thưởng thức.

Mẹ và tôi chia đều ra các đĩa rồi bưng ra cho các chú chiến sĩ cùng ăn, Ngày hôm đó, nhớ lại thật nhiều kỉ niệm vui vẻ, mọi người tập trung hết vào lều họp, tranh thủ thời gian nghỉ ngơi, quây quần bên nhau nếm vị mứt, chè bưởi. Nhìn xung quang toàn là "bưởi" thế này có vẻ sẽ chán, nhưng khi cảm nhận hơi ấm đồng đội, bạn lại cảm thấy hạnh phúc, trân trọng khoảng khắc lúc đó đến nhường nào.

Nghĩ tới thôi mà đã làm tôi thấy thèm đến muốn lấy ra mà ăn ngay ấy. Thế cớ nào ông trời trêu ngươi, lại sắp đặt số phận cho tôi lấy nhầm hộp mứt tôi thích ấy đưa cho cậu nhóc. Chính là phải đau lòng nhưng tại sao cứ nhìn tới gương mặt bé con kia, tôi lại xiêu đi mà quên hết.

- Đây là gì ạ? - Cậu bé hỏi.

- Đây là mứt bưởi, là loại mà chú thích nhất, nó được làm từ vỏ bưởi đấy.

- Vỏ cũng ăn được ạ? - Cậu lại tiếp tục hỏi.

- Được chứ.

- Thế sao chú không ăn?

- Vì chú còn rất nhiều, ở đây này - Phúc giơ chiếc túi chứa đầy các hộp mứt lên cho cậu nhóc xem như để chứng minh cho câu hỏi khi nãy.

- Con cảm ơn chú - Nhóc ấy gật đầu lia lịa rồi cảm ơn Phúc không ngớt. "Một bé con lém lỉnh ngây thơ", Phúc thầm nghĩ.

Ngày hôm sau, lái xe ngang khu phố này, tôi lại bắt gặp nó ngồi đó với vẻ vô cùng thảnh thơi, tay cầm hộp mứt đã được cho với đôi chân lúc lắc và bộ đồ không thay đổi mà vui vẻ thưởng thức món quà. Ngày tiếp theo, cũng như thế, vẫn dáng vẻ và bộ đồ ấy. Trong lòng tôi chợt nổi lên một lòng hiếu kì vô đối.

Cả ngày hôm đó, thân lái xe giao hàng mà tâm anh lại không ngừng nghĩ về cậu nhóc, bất chợt anh suy luận: "Nếu nó có nhà thì nó đã không ở đây lang thang. Nếu nó có ba mẹ, nó đã không ăn bận bộ đồ rách ươm như thế". Anh đã suy xét một cậu nhóc chỉ mới vừa gặp mấy ngày theo như ý muốn bản thân.

Hoàng Phúc thật sự muốn biết câu trả lời. Chiều ấy, còn một chuyến giao cuối, nhưng anh lại nhờ đồng nghiệp giao thay rồi cứ thế bỏ qua mọi công việc, chạy nhanh tới nơi mà cậu nhóc vẫn thường hay ngồi.

Thấy được bóng dáng cậu, anh cố lấy hết sức chạy tới.

- Hay quá! Chú cho con hộp mứt bưởi ngày hôm kia - Cậu gọi Phúc bằng một cái tên khá dài.

Tôi có chút mệt nhưng lại không thể nhịn cười vì cái tên ngộ nghĩnh mà nó gọi mình. Thế là tôi được một trận cười sảng khoái sau một cuộc chạy gần một cây số.

- Thế con phải gọi chú bằng gì ạ? - Thấy Phúc cười vì câu nói của mình, cậu nhóc hiểu ra ngay mà đặt câu hỏi.

Phúc cứ ngồi ngơ ra như thế mấy phút, tận cho tới khi anh phát hiện một gương mặt ngốc nghếch trơ ra nhìn mình từ phía đối diện, anh mới choàng tỉnh.

- Con tên gì? Bố và bu con đâu mà lại để con ở đây? - Cậu quên cả câu hỏi khi nãy của mình mà đặt lại một câu không liên quan bằng âm điệu ôn nhu.

- Bọn chúng hay gọi con là Trish. Còn lại con chả biết gì nữa, con chỉ biết hằng ngày nếu con làm tốt, con sẽ được ăn, không tốt thì bị đánh và bỏ đói, bị đánh rất đau, còn chảy máu nữa.

- Bọn chúng? - Phúc ngờ ngợ.

-Là bọn da trắng mắt màu xanh đó chú, nhưng chúng nói tiếng của chúng, con không hiểu gì cả, trong số chúng có vài tên nói được tiếng Việt nên con hay nghe theo bọn chúng.

Phúc bỗng ái ngại vì câu chuyện như đang xé nát tâm can của anh. Suy luận mà anh đoán trước đó càng đúng, càng làm trái tim của anh từng lớp đau lòng chồng chất lên mà rơi nước mắt.

Nhưng dường như anh đã cố nén lại để không cho cậu nhóc kia thấy dáng vẻ yếu đuối của mình.

Anh cứ thế ôm cậu bé như vậy, một cái ôm khá lâu, đủ để cậu bé đang bất ngờ kia cảm nhận được cái đồng cảm mà anh đang muốn truyền đạt. Những dòng nước mắt cứ thế bò xuống hai má anh, anh buông cậu ra.

Nhìn thấy được đôi mắt trông chờ, dáng vẻ anh như đang đấu tranh với lí trí, cảm xúc bản thân và nó cứ thế đưa đẩy làm đầu anh đau nhứt. Rồi anh đưa ra một quyết định táo bạo...

"Sau này... Hãy gọi chú là "bố" ".

"Bố?"

------------------------------------------------------------------------------------------------------------

(1) Tháng 5, 1964, Bác Hồ đi Côn Minh đã dùng bí danh này. Khi gửi thư cho Chu Ân Lai và Đặng Dĩnh Siêu ngày 25 tháng 5 năm 1968, bác cũng dùng bí danh Đinh Nhất. Năm 1968 cũng là khoảng thời gian chiến dịch Tết Mậu Thân đang diễn ra.

(*) Khúc từ "mẹ" này tính theo vùng miền mà mình đang viết thì đáng lẽ gọi "bu" sẽ đúng hơn, nên từ các đoạn sau trở đi mình thường đổi cách xưng hô để tiện cho mọi người thân thuộc, ai muốn đổi cho đúng thì nói mình nha...

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro