Chương 3: Sự rời xa đột ngột

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Bố mẹ tới trễ. Thuận ngồi chờ đợi, nó lần lượt liếc nhìn đồng hồ, rồi lại ngó ra cửa lớp. Các bạn nó đang dần đi về với phụ huynh. Nó cũng không nói chuyện được với bạn nhiều vì hai đứa Minh và Nhi đều đã về rồi. Nó thở dài ngồi nhìn những tán lá bàng sũng nước,15 phút, rồi 30 phút, đến khi trong lớp chỉ còn mình nó và cô giáo.

Thấy bố mẹ Thuận đến trễ, cô giáo Hà bấm số gọi mẹ nó, nhưng sau mấy hồi chuông lại chẳng thấy bên kia bắt máy. Cô tiếp tục bấm số của bố nó, một lúc thì đầu dây bên kia cũng báo tút tút. Cô nhìn sang Thuận, thằng bé đang sốt ruột. Nó làm bài tập về nhà rồi, nó đứng lên ngồi xuống ở chỗ nó, rồi lại nhìn ra cửa lớp mấy lần, cô cũng thấy lòng thấp thỏm theo. Cô quyết định khoảng 10 phút nữa sẽ gọi lại thử, nếu không liên lạc được thì cô sẽ dẫn Thuận đi ăn rồi chở nó về, dù gì trời cũng đã tối rồi và cơn mưa cũng đang dần ngớt đi.

Mười phút trôi qua rồi, mưa cũng chỉ còn tí tách thôi, cô giáo định bấm số của mẹ Thuận thì điện thoại cô đổ chuông. Ô kìa, là mẹ Thuận đang gọi, cô vui mừng bắt máy ngay.

- A lô! Dạ chị ơi, bé Thuận đang ở lớp đợi anh chị ạ.

- Cô ơi, cô là người quen của số điện thoại này đúng không ạ?

Cô chợt giật mình, đó là giọng của một người đàn ông, lúc đầu cô nghĩ là bố Thuận, nhưng cách người đó nói chuyện và giọng nói đều không phải.

- Xin lỗi anh là ai thế?

Thuận cũng ngạc nhiên, nó quan sát cô giáo nói chuyện điện thoại. Cô đang nói chuyện với bố mẹ đúng không? Nhưng sao trông mặt cô hoảng hốt và xanh xao vậy? Nó bồn chồn, nghĩ đã có chuyện gì xảy ra.

- Vâng được rồi, cảm ơn anh đã báo tin.

Cô vội vàng cất điện thoại vào túi xách và hít thở thật sâu, rồi cô nhìn sang Thuận, mặt trang nghiêm.

- Thuận dọn đồ theo cô về nhé. Bố mẹ không dến được rồi. Cô sẽ chở con đi.

- Cô ơi, sao bố mẹ không đến đón con vậy?

Thuận vừa hỏi cô, vừa xách cặp bước theo.

- Lát cô nói với con sau nhé.

Cô giáo khóa cửa rồi dẫn Thuận đến bãi xe lấy xe. Cô chở nó phía sau, ghé hàng xôi trước cổng trường mua hai gói. Lúc mua xôi xong, cô quay ra phía sau nhìn nó, mắt đỏ hoe.

- Con bình tĩnh nghe cô nói nhé Thuận. Cô ngập ngừng, nuốt giọng.

- Bố mẹ con đang ở trong bệnh viện quận, giờ con với cô sẽ vào với bố mẹ.

- Cô ơi! Bố mẹ con bị bệnh gì sao? Sao bố mẹ lại vào viện? Thuận hốt hoảng, nó muốn lật nhào khỏi xe.

- Có người gọi báo bố mẹ con bị tai nạn xe máy, có thể do đường trơn trượt nên xe bị ngã. Bố mẹ đang cấp cứu ở bệnh viện.

Thuận thất thần, rồi bật khóc vì nó chợt nhớ ra điều gì. Cách đây hai hôm, xe của bố bị hư động cơ bên trong nên mấy nay phải đi cùng xe máy với mẹ nó. Bố còn bảo nó ráng chịu khó trùm áo mưa mấy ngày này, khi nào ô tô sửa xong thì mình sẽ không lo nắng mưa nữa. Có lẽ hôm nay xe đã sửa xong, vậy mà...

Nó sốc quá, cả đoạn đường đi ngồi im lặng, tay níu chặt lưng áo khoác của cô Hà, thỉnh thoảng lại rung rung. Cô giáo hiểu nội tâm Thuận lúc này, cô cũng im lặng, chốc chốc xoa xoa lên bàn tay bé nhỏ của nó, mắt cô có lúc nhòe đi vì ngấn lệ. Gần bảy giờ tối, hai cô trò đến khu cấp cứu bệnh viện. Gửi vội chiếc xe, hai người dắt díu nhanh chóng gặp y tá hỏi tình hình rồi hớt hải đến cửa phòng kính xanh. Trước cửa phòng là 1 chú công an giao thông đang ngồi nhìn vào. Khi thấy hai cô trò đến, chú cảnh sát đứng lên, nghiêm nghị giơ tay chào.

- Chị và cháu cho tôi biết đến đây thăm ai ạ?

- Có hai vợ chồng bị tai nạn xe máy, mới chuyển vào đây, tôi dẫn con của họ đến, tôi là giáo viên của cháu bé.

Cô Hà vừa thở dốc vừa trả lời. Thằng Thuận thấy vậy nức nở.

- Chú ơi, bố mẹ cháu trong đó, chú cho cháu vào gặp bố mẹ đi.

- Cháu chờ bác sĩ ra báo lại.

Chú công an vừa dứt câu thì một vị bác sĩ bước ra. Thuận ùa lại hỏi?

- Bác sĩ ơi, bố mẹ con có sao không ạ?

Cô Hà cũng hỏi lại. Bác sĩ nhìn một lượt cả ba người.

- Hai bệnh nhân bị thương nặng, tạm thời qua nguy kịch nhưng cần theo dõi thêm. Người nhà vào thăm xin đừng quá kích động.

Trước khi vào phòng cấp cứu, chú cảnh sát đã hỏi Thuận số điện thoại của người thân khác. Thuận nhớ số của dì Thơm, dì ruột của nó dưới Đồng Tháp. Chú công an đã gọi cho dì, nhưng cũng phải ít nhất ba tiếng thì dì mới đến thành phố vì dì phải bắt xe lên. Nó còn một người chú ruột còn ở nước ngoài, nếu nhận tin thì chú cũng không thể bay về đây được liền. Lúc này thì cô Hà đành tạm thời bên nó.

Nhìn thấy bố mẹ nằm ở hai giường cạnh nhau, cả người đều băng bó, đeo đủ loại máy móc và bầm dập khắp mặt. Họ nằm im thiêm thiếp.

- Bố ơi! Mẹ ơi!

Thuận kêu lớn, lòng như vỡ òa. Từ trước đến nay, hình ảnh bố mẹ hoạt bát, bận rộn tới lui đã quá quen với nó, thế mà giờ trước mắt nó, bố mẹ lại bất động và đau đớn đến vậy. Mẹ nó nghe tiếng thì khẽ động đậy mi mắt, bố vẫn nằm yên, thở khó nhọc. Mẹ nheo mắt, Thuận hiểu ý lại gần, nó cúi xuống để nghe được mẹ thều thào:

- Cố gắng ... con nhé. Hãy... sống tốt!

- Dạ... Mẹ cũng phải cố lên để về với con nhé.

Mẹ nó thiếp đi. Cô Hà dẫn nó ra ngoài, đưa gói xôi và dỗ nó ăn. Cô ở lại an ủi và nghe nó tâm sự. Trong suốt lúc ngồi ăn với cô, nó không nói gì nhiều, Thuận lầm lì, đôi lúc nó nhìn qua cô với đôi mắt đờ đẫn, ươn ướt.

***

Gần 9 giờ rưỡi thì dì Thơm đến bệnh viện. Dì cũng hay tới lui thành phố để bán nông sản, sẵn hay ghé thăm gia đình Thuận, bởi vậy bố mẹ cũng làm thêm cho dì một cái chìa khóa nhà để dì tiện vào nhà nghỉ ngơi khi mọi người chưa kịp về. Vừa lên tới thành phố, dì đi xe ôm tạt qua nhà nó để mang quần áo của nó, đồ dùng cá nhân của cả bố và mẹ rồi mới tới bệnh viện. Khi dì bước vào, tay dì khệ nệ xách bịch đồ, dáng dì từ xa nhìn không lớn nhưng rắn rỏi, tháo vát trong chiếc áo sơ mi bông xanh và chiếc quần tây đen giản dị. Vừa vào tới nơi, dì Thơm hơi ngạc nhiên rồi gọi tên Thuận. Thuận thấy dì, nó chạy lại chào, ôm chầm dì rồi với tay cầm phụ túi đồ. Cô Hà thấy dì cũng gật đầu chào và dì Thơm đáp lại.

- Cảm ơn cô giáo rất nhiều, cô cũng mệt rồi, nên cứ dzề nghỉ để mai còn đi dạy. Ở đây có tui lo cho cháu dzới ba má nó rồi.

- Dạ em chào chị, em xin phép về trước.

Trước lúc về, cô giáo cẩn thận trao đổi số điện thoại với dì Thơm. Cô cũng lo sự việc hôm nay làm Thuận rất sốc và kiệt sức, không biết liệu thằng bé có đi học được ngày mai không nên cô nhờ dì có việc gì thì báo cô. Dì gật đầu lia lịa, tiễn cô giáo ra sảnh bệnh viện rồi quay lại với Thuận.

Thuận đã tắm rửa và thay đồ rồi, nó với dì Thơm cùng ngồi trên cái băng ghế chờ trước phòng cấp cứu. Chốc chốc dì lại đứng lên, đi vào nắm nắm bàn tay của bố mẹ nó, Thuận cũng đi theo.

- Anh chị ráng bình phục nghen! Cho mọi người an tâm với lo cho thằng Thuận tới nơi tới chốn nữa. Má ở quê hay tin cũng sốt ruột lắm.

Dì nói xong thì tặc lưỡi, thở dài thườn thượt. Thuận hiểu được dì cũng thấy lòng như lửa đốt như nó lúc này. Thăm bố mẹ chút thì y tá cũng nhắc ra ngoài đợi, nên hai dì cháu lại lầm lũi tựa người trên băng ghế chờ. Dì bảo Thuận ngủ sớm đi, dì cũng gục đầu ra sau, nhắm mắt, còn Thuận nằm dài trên băng ghế, đầu gục lên đùi dì. Giấc ngủ của hai dì cháu mụ mị, có lúc Thuận mở mắt, thấy dì cũng đang ngước ngước nhìn vào cửa kính phòng cấp cứu.

Nửa đêm, chẳng biết là mấy giờ, Thuận đoán thế vì nó nghĩ trễ lắm rồi, nó nghe tiếng chân ngoài chạy huỳnh huỵch. Vị bác sĩ và y tá lúc chiều tối thăm khám cho bố mẹ, cùng một hai người mặt áo blouse trắng khác đẩy cửa nhanh vào phòng cấp cứu, rồi dì Thơm cũng đứng dậy, mặt hoảng hốt, căng thẳng. Biết có chuyện chẳng lành, nó bật dậy theo, lòng lo lắng nhưng nó không dám hỏi, cũng chẳng dám nghĩ, chỉ dõi theo những bóng lưng áo trắng đang hối hả, loay hoay làm gì đó với các thiết bị quanh giường bố mẹ nó.

Lát sau, cô y tá bước ra và dẫn hai dì cháu vào. Thuận thấy các y bác sĩ đứng lặng im và nghiêm trang bên cạnh bố và mẹ nó. Mạch của cả bố và mẹ đã ngừng đập. Thuận nhìn bác sĩ, ông ấy nhìn nó với vẻ mặt mệt mỏi, trầm ngâm rồi quay qua nhìn dì Thôm lắc đầu. Dì hiểu ra và bật khóc, tay ôm lấy mặt, nó cũng hiểu rồi nức nở, tiến đến nắm tay bố mẹ, hai bàn tay ấy trong lạnh lẽo và nhợt nhạt. Thuận nhìn gương mặt của bố mẹ một lúc trước khi các y bác sĩ kéo nó ra và đắp khan lên mặt hai người họ. Hai dì cháu ôm nhau khóc, vỗ về cho nhau nhì theo hai băng ca đi xa dần, lúc đó đã gần sáng rồi. Nó theo dì đến quầy thủ tục của bệnh viện để làm giấy báo tử cho bố mẹ.

***

Khi tang lễ bắt đầu tổ chức tại nhà quàng Bệnh viện, bà ngoại Thuận đã lên thành phố cùng chú Thành hàng xóm dưới quê. Có cả chú Đức, chú ruột của nó cũng mới về nước, cùng anh Quốc, con của chú, đáp chuyến bay xuống là hai bố con lập tức đón xe tới đây.Tất cả người lớn xúm nhau chuẩn bị tang lễ. Thuận ngồi lặng im, nó vẫn không tin được đây là lúc ra của hai người gẫn gũi và thân yêu nhất của nó. Sau khi các sư thầy và bên nhà quàng tới làm lễ, trước lúc đóng nắp quan, Thuận và mọi người lại nhìn mặt ba mẹ nó lần cuối. Có lẽ nó sẽ nhớ mãi giây phút này đến suốt đời. Thuận ráng nhồi vào tâm trí mình từng đường nét, ngũ quan lúc này của bố mẹ, trông họ lúc này, như chỉ đang ngủ một giấc yên bình, chứ không phải gương mặt đau đớn như lúc trong cấp cứu.

Đám tang như thế trong ba ngày hai đêm, Thuận thường ngồi thất thần trước hai quan tài, nghe tiếng kinh kệ, tiếng mõ. Nó đâu ngờ rằng một ngày nào đó bố mẹ lại đợt ngột rời xa nó. Khi thấy có khách đến viếng thì nó mới đứng dậy thắp nhang đưa cho họ rồi cúi lạy họ.

Rồi cũng đến ngày động quan và đưa bàn thờ bố mẹ về nhà. Thuận chưa bào giờ thấy nhớ thương bố mẹ nhiều như bây giờ. Căn nhà vẫn như cũ, nhưng giờ trông vắng, đìu hiu và có thêm di ảnh của bố mẹ kê giữa nhà. Mỗi ngày, nó và dì nhang khói, cúng cơm và dọn dẹp.

Dì Thơm ở lại với Thuận khoảng hơn hai tháng nữa, để lo cho thằng bé đến lúc nó thi xong học kỳ II và nghỉ hè, sau đó hai dì cháu sẽ chuyển về quê sống.

Trong suốt thời gian nghỉ học, Thằng Minh và con Nhi phụ nó chép bài, cô Hà cũng có lúc ghé nhà giảng bài cho nó nữa. Ba ngày xong tang lễ là lúc nó trở lại lớp, dù u buồn nhưng vì bận rộn củng cố lại kiến thức đã mất khi nghỉ, nên nó cũng đành tạm gác nỗi buồn và nhớ nhung đi. Nó vẫn nói chuyện hoạt hình với thằng Minh được, vẫn ra chơi bắn bi với tụi thằng Dũng, vẫn cố gắng nghe giảng trong lớp, nhưng nhiều lúc nó thấy trong nó trống trải, phảng phất những chuyện buồn đã qua. Ngày mai nó bắt đầu thi vẽ, nhưng những ngày biến cố qua nó không có thời gian nhớ tới vẽ. Nhưng cũng nhờ cô giáo, bạn bè và dì Thơm động viên, nó đã vẽ lại vào chiều tối trước cuộc thi. Giờ đây, Thuận có lo lắng, nhưng sự kỳ vọng, quyết tâm trong nó nhiều hơn bởi nó biết nó đang mang theo cả kỳ vọng của bố mẹ nữa.  

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro