CON ĐƯỜNG MÒN TRONG RỪNG

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

CON ĐƯỜNG MÒN TRONG RỪNG:

CON ĐƯỜNG GIẢI PHÓNG DÂN TỘC VÀ GIẢI PHÓNG KHOA HỌC

Bấy giờ vào năm 1948, chúng tôi đang ở Chiêm Hóa tại làng Ải, cách huyện lỵ năm ki-lô-mét về phía Tây. Chiến khu Việt Bắc của chúng ta nằm trong dải rừng giữa Chiêm Hóa, Đầm Hồng, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Sơn Dương, Bình Ca và Tuyên Quang. Chúng tôi đã chạy bao nhiêu chỗ, mà chỗ nào quân Pháp cũng đánh phá và cuối cùng, chúng tôi quyết định cứ ở làng Ải, để cùng với cụ Di xây dựng trường Đại học Y khoa kháng chiến.

Ngay khi ở trong Hà Nội, chúng tôi đã xây dựng một tuyến mổ xẻ cho mặt trận Tây Nam Hà Nội do tôi phụ trách, với bác sĩ Nguyễn Hữu Trí (nay ở Pháp) và bác sĩ Hoàng Đình Cầu hiện nay là thứ trưởng Bộ Y tế. Cùng với chúng tôi còn có một số lớn sinh viên trường Y.

Tuyến mổ xẻ lúc đầu chạy dài từ Kim Lũ, Cự Đà, cho đến Vân Đình, theo bờ sông để chuyển thương binh dễ dàng bằng thuyền. Tuyến thứ hai gồm Vân Đình, Hòa Xá và Đốc Tín, theo sông Đáy. Tất cả dụng cụ thuốc men dự trữ để ở Đốc Tín. Từ tuyến này chúng tôi có thể rút về chùa Hương hoặc lên Việt Bắc. Tôi nhờ cụ Di phụ trách tuyến này.

Những nhân viên ở hai tuyến này là những nhân viên cũ của bệnh viện Phủ Doãn. Đây là hạt nhân để xây dựng các đoàn mổ xẻ lưu động và trường Đại học Y khoa kháng chiến. Tôi bắt đầu hiểu ngay là trong thời chiến, ngành y phải biết lưu động và chuyển thương nhanh chóng. Các anh em bộ đội hay tự vệ qua tôi mổ đều được bó bột kín theo phương pháp mà các chiến sĩ Et-xơ-pan đã dùng trong chiến tranh ác liệt chống Phơ-răng-cô. Nguyên tắc của nó là để hở các vết thương sau khi đã cắt lọc sạch sẽ; và mổ xong, dù có gãy xương hay không đều phải bó bột kín, bệnh nhân sau đó có thể dễ dàng di chuyển xa tuyến lửa. Độ một hay hai tháng sau, khi cắt bột, vết thương đã lên hạt và dễ liền. Phương pháp này có một nhược điểm là khi mủ chảy vào bột thối lắm, nhưng vết thương vẫn rất tốt. Gặp trường hợp thối quá, chúng tôi phải thay bột, và sau này lên Việt Bắc, chúng tôi bó bột kín và dùng thuốc mỡ có cơ-lô-rô-phin làm cho bớt thối. Phương pháp này là một phương pháp cứu sinh mạng trong chiến tranh du kích và tôi đã nghiên cứu nó trong lúc Hà Nội bị ném bom.(1)

(1) Hồi trước Cách mạng Tháng Tám.

Năm 1951, tôi qua thăm Triều Tiên, các bạn Triều Tiên muốn giới thiệu

phương pháp này với chúng tôi. Nhưng chúng tôi trả lời là chúng tôi đã áp


dụng phương pháp đó từ năm 1946; anh em Triều Tiên rất ngạc nhiên về sự tiến bộ của chúng ta.

Mặt trận Tây Nam Hà Nội tan vỡ, đoàn mổ xẻ của chúng tôi, bấy giờ lấy tên là "đoàn mổ xẻ lưu động Việt Bắc" rút về tuyến thứ hai. Không đầy hai tuần sau, quân Pháp từ Nam Định và Phủ Lý kém lên, tiến theo sông Đáy. Một hôm tôi đang ở Hòa Xá thì nghe tiếng súng liên thanh rất gần. Tôi cho liên lạc xuống Đốc Tín báo cho đoàn mổ xẻ của tôi tối hôm ấy phải rút ngay lên Việt Bắc. Với các thuyền đã chuẩn bị. Liên lạc đi được hai ki-lô-mét thì súng liên thanh Pháp bắn ngang sông chặn lại. Tôi bèn leo lên xe đạp, phóng ngay về Đốc Tín. Đến tầm liên thanh của địch bắn, tôi kéo chiếc xe đạp bò sau các bụi rậm; cho đến khi im tiếng súng, tôi lại nhảy lên xe đạp và đạp về Đốc Tín. Tôi ra lệnh cho đoàn phải rời ngay Đốc Tín bằng thuyền và lên Tuyên Quang đợi tôi ở đấy.

Lúc tôi trở về Hòa Xá, đang định sang sông thì xe tăng Pháp đã kéo vây Hòa Xá và nổ súng. Tôi bỏ chạy. Nhưng tiếc chiếc xe đạp nằm kềnh trên ruộng, tôi bò lại để kéo nó đi, thì bốn viên đạn 37 ly nổ xung quanh tôi và tôi tưởng thế là xong đời. Hết súng nổ, trời đã sẩm tối, tôi lấy lại chiếc xe đạp Pơ- giô mới mua rồi lẻn trốn ra khỏi vòng vây. Về sau chiếc xe này đã giúp tôi rất nhiều trong việc mổ xẻ.

Với một số sinh viên, chúng tôi đạp đến Ba Thá mà Tây cũng vừa bắn phá, chạy một mạch lên Đồng Mô rồi đến Sơn Tây, vào ngủ nhờ ở bác sĩ Ấu. Tôi vừa đi khỏi Sơn Tây là quân Pháp vào Sơn Tây và bắn ngay bác sĩ Ấu. Chúng tôi đến Phú Thọ, thì Phú Thọ vừa bị bom; đạp xe đến Phủ Đoan thì bị tàu bay Pháp đến bắn phá xung quanh chỗ chúng tôi ẩn nấp. Đến Tuyên Quang chưa được một ngày thì Pháp đến ném bom tan tành Tuyên Quang, chúng tôi phải rút ngay lên Chiêm Hóa. Tôi đã bắt đầu nếm mùi chiến tranh du kích lúc ẩn lúc hiện, khi đánh khi lui..., lấy sức chịu đựng bền bỉ dẻo dai của mình để chống quân thù hơn là bằng súng đạn. Hôm qua vẫn còn là anh thư sinh thích sách vở và phòng thí nghiệm, nay đã biết gối đất nằm sương với tinh thần lạc quan, không hề nao núng trước những thử thách mà mình chưa bao giờ nghĩ tới.

Ở Phú Thọ, tôi tiếp được một cái thiếp của Bác, chữ đánh máy màu tím

như sau:

"Bác sĩ Tùng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ trưởng Bộ Y tế báo cáo: chú làm việc rất hăng hái. Tôi rất vui lòng. Chú cứ gắng sức. Kháng chiến nhất định thắng lợi. Tổ quốc sẽ nhớ công con hiền cháu thảo. Thím và các cháu đều mạnh khỏe chứ? Tôi luôn luôn bình an. Gửi chú và thím lời chào thân ái và quyết thắng".


Mấy lời vắn tắt mà muôn vàn ân cần. Tôi nghĩ: với sự quan tâm của Bác, việc gì mà tôi lại không làm được?

Ở Chiêm Hóa, tại làng Ải, phong cảnh rất đẹp: có ngòi Quảng quanh co, nước xanh, bờ cát. Có nhiều đồi và đâu đâu cũng là rừng. Chúng tôi bắt đầu cất một cái nhà mổ và dần dần các nhà chữa bệnh. Có phòng thí nghiệm để thử máu, thử phân. Tre nứa rất sẵn, nhờ đồng bào dạy cho chúng tôi làm nhà, làm sàn rất nhanh.

Để tránh cho các anh chị em trẻ luyến tiếc Hà Nội và đồng bằng, chúng tôi bắt đầu chữa bệnh và mổ xẻ. Một ông bố chở một đứa bé độ mười tuổi trên một cái mảng từ làng Hét đến. Theo lời kể, đứa bé có một cái bệnh rất lạ như là ma làm: tự nhiên, nó lên cơn la hét, lăn lộn. gia đình đã mời nhiều thầy cúng đến mà không ăn thua gì, tuy gia tài đã tiêu gần hết. Đứa bé thì gầy xanh, có một cái lách vừa phải, nhưng nằm trong một tư thế lạ đời: gót chân trái quặp lại và luôn luôn tì vào tầng sinh môn, nghĩa là vùng giữa hậu môn và sinh dục. Tôi hỏi: "Bé đi đái, xong rồi có buốt không?". Đúng quá, bé lúc đó sợ quá vãi đái, và tay phải nắm ngay vào "chim", ở chỗ quy đầu, và la hét. Tôi giảng cho sinh viên: đây là triệu chứng của một hòn sỏi nằm trong bàng quang: đi đái xong mới buốt, cái đau như cư trú ở quy đầu, nên tay đứa bé nắm chặt ngay vùng ấy lúc đái xong, và cũng vì sợ đi đái đau, nên gót chân trái của nó đè lên trên niệu đạo để khỏi đi đái". Anh em hỏi: "Anh không cần X quang sao?". Tôi trả lời: "Không cần, chuẩn bị để tôi mổ sớm cho bé".

Vài ngày sau, nhà mổ vừa làm xong, đủ một gian rộng: trên một bàn gỗ, cụ Thu, y tá lâu đời trong nghề, gây mê cho em bé. Tôi mở bàng quang và lấy ra một hòn sỏi nặng gần 1 ki-lô-gam và to bằng một quả đấm. Trong khi mổ, dân chúng trong làng và các làng gần đó chạy đến vây quanh nhà mổ, có nhiều người trèo lên các cây to xung quang để xem trộm. Giữa lúc mổ, tôi nghe có tiếng nặng rơi xuống đất: đó là người xem mổ sợ quá và đã rơi từ trên cây xuống.

Mấy ngày sau lại một người Hoa kiều, bán phở cho chúng tôi, kêu đau bụng từ mấy hôm nay. Lúc khám, tôi thấy bụng có một chỗ cứng và đau, tuy các chỗ khác đều mềm. Gõ vào chỗ đó, tôi thấy tiếng trong như là hơi căng. Chú ta, tên là Tám, nói là đau dạ dày từ lâu, và cách đấy một tuần, đã đau dữ dội xong rồi có hơi đỡ. Tôi chẩn đoán là một áp xe dưới cơ hoàng, do dạ dày đã tự bít lại. Trong kho của tôi có hai lọ pê-ni-xi-lin, chỉ hai lọ thôi, nó quý hơn vàng. Chúng tôi lấy kim chọc dò, hút ra mủ thối, rồi tiêm một lọ kháng sinh ngay vào đấy. Độ vài ngày sau, chú Tám trở lại bán phở cho chúng tôi, và riêng với tôi, khi nào cũng có một bát "tặc piệt".


"Ma" là một tiếng súng dùng ở vùng ít người để chỉ tổ tiên, thần thánh, vừa phù hộ vừa quấy nhiễu. Ở làng Ải, người ta sợ nhất là "ma gà" vì nó là thần thông quảng đại, biến hóa muôn hình. Sau đó, là "ma Tùng", vì đồng bào ở đây coi tôi như một thầy phù thủy có nhiều phép lạ. Nhờ uy tín như vậy nên khi nhân dân tản cư, những đồ đạc mổ xẻ của chúng tôi không bị kẻ gian lấy cắp.

Muốn cho sinh viên thực tập, chúng tôi mua một số động vật để phẫu tích từ khỉ, hươu rừng, gấu, chồn, đến chó, mèo và chim lạ. Một hôm tôi mổ xác một con lợn rừng, bỗng nhiên chết trong chuồng, tôi tìm thấy một lỗ thủng ở dạ dày như chú Tám! Mười lăm năm sau, tôi mới biết là trên thực nghiệm người ta có thể gây ra loét dạ dày trên lợn bằng cách trói nó độ năm phút!

Cuối năm 1947, mồng 6 tháng 10, Pháp mở đầu cuộc tấn công ta bằng cách nhảy dù đột ngột xuống Bắc Cạn. Lúc đó, tôi đạp xe đạp một mạch qua đèo Khế, Bình Ca, Tuyên Quang, và chợ Bờ, đến làng Ải trong khi anh em rất hoang mang. Tôi cho phân tán các kho tàng vào trong các lán, dưới những bụi rậm ngay trên đường hành quân của quân Pháp. Rồi chúng tôi được tin chúng đi từ Bắc Cạn về khe Khao và Đầm Hồng. Như thế, chúng sắp đến Chiêm Hóa!

Chúng tôi biến thành chỉ huy quân sự, có đủ ba súng lục, mỗi súng độ bốn, năm viên, nhưng một nửa, sau mới biết là không nổ. Tôi với cụ Di rút vào làng Bình cách làng Ải hai ki-lô-mét. Ở đây gần rừng hơn, sáng sớm chúng tôi vào rừng và tối về ngủ.

Một hôm, sương muối đang còn dày đặc, vừa ăn sáng xong, chúng tôi nghe thấy tiếng tiểu liên nổ. Đây là tiểu liên tôm-xông của bọn Pháp đang lùng chúng tôi! Chúng tôi vừa mới xách ba-lô chui vào rừng thì đã thấy đạn bay vèo vèo trên đầu rồi. Một toán lính Pháp vào lùng ở làng Bình nhưng vì quá chú ý đến gà vịt nên không tìm được chúng tôi, mặc dù chúng tôi chỉ cách chúng chừng hai chục mét rừng thôi! Tối về, anh em dân quân cho biết: Pháp đã đốt bệnh viện, giết một bệnh nhân và đốt luôn nhà của tôi trọ ở làng Ải. Anh em còn nói là có nghe thấy chúng gọi loa mời chúng tôi ra hàng và theo chúng về Hà Nội. Trong thời gian chúng đóng ở Chiêm Hóa, chúng tôi làm một cái lán cho cụ Di và gia đình, còn chúng tôi vẫn ở làng Bình, sớm chuồn vào rừng, tối lại về ngủ ở nhà đồng bào bỏ không. Từ đó chúng tôi biết thêm chiến thuật du kích: địch đến, ta rút, địch rút, ta lại ra. Đất trời là của chúng ta, địch không bao giờ đủ quân để chiếm đóng tất cả dải đất của ta.

Trước khi rút, Pháp đốt hết cơ sở của chúng tôi, chúng tôi quyết định trở về trung du một thời gian. Chúng tôi về đóng ở Trung Giáp, xây dựng ở đó một bệnh viện tre lá rất sạch và đẹp. Nhân dân, bộ đội lại kéo nhau đến chữa bệnh. Quán hàng lại tập trung xung quanh bệnh viện! Cụ Di cũng bắt đầu dạy về sản khoa...


Thường bộ đội và du kích về hoạt động ở Việt Trì, Trung Hà và Sơn Tây. Chúng tôi đi theo mở và lập một tiền trạm ở Phú Hộ, cách Trung Giáp hai cây số.

Một buổi sáng đang rửa mặt, tôi thấy máy bay đến quần xung quanh một làng cách chúng tôi độ hai, ba cây số, và vài phút sau thấy dù thả xuống. Pháp lại tấn công, chúng tôi di chuyển! Chúng tôi rút rất nhanh. Chỉ trong giây lát, cả bệnh viện biến mất. Tôi lẩn vào một cái hầm trong rừng Phú Hộ. Sau đó, chúng tôi trở lại Chiêm Hóa.

Sau nhiều lần di chuyển, chúng tôi mới rút ra kinh nghiệm là một trường đại học và một bệnh viện không thể chuyển luôn như thế được, cho nên chúng tôi quyết tâm định cư ở làng Ải. Rút kinh nghiệm ở Trung Giáp, chúng tôi đổi cách thực hành. Vì sinh viên không khi nào được học ở trường quá một năm, chúng tôi chỉ dạy cấp cứu và xử lý các chấn thương rồi đem sinh viên đi làm việc ở các mặt trận khi nào có chiến dịch. Chiến dịch xong, chúng tôi trở lại trường và mổ lại các thương binh đã cùng theo chúng tôi, bằng đường sông Lô lên Chiêm Hóa.

Từ năm 1948, tôi được Bác chỉ định vào Chính phủ kháng chiến làm Thứ trưởng Bộ Y tế, và mỗi tháng tôi đi họp Hội đồng Chính phủ do Bác chủ tọa. Tôi không muốn làm việc ở Bộ Y tế lắm, không quen công tác lãnh đạo. Tôi thích làm ở một cơ sở sản xuất, như là ở một bệnh viện mà tôi đã quá quen rồi. Dù sao, mỗi tháng tôi vẫn phải đạp 200 cây số và sự việc này cũng giúp tôi đủ sức khỏe để sống trong rừng sâu. Và mỗi lần gặp Bác, là mỗi lần hăng hái thêm trong công việc.

Năm 1949, bác sĩ Đặng Văn Ngữ ở Tô-ki-ô về, qua đường Thái Lan, và lên ở cùng với chúng tôi ở Chiêm Hóa. Như thế, lúc đó, chúng tôi có bốn Giáo sư, kể cả anh Hoàng Tích Trí, Bộ trưởng, phụ trách khoa vi trùng. Anh Ngữ có đem về hai chủng nấm. Pê-ni-xi-lin nô-ta-tum và Strep-tô-mi-xin mà Quân y ta rất cần. Làm sao sản xuất được các kháng sinh? Anh Ngữ muốn làm ra bột, tôi không tán thành vì bột ấy không dùng để tiêm được và sản xuất bột trong điều kiện ở trong rừng thì rất khó khăn. Tôi khuyên anh Ngữ nên theo kinh nghiệm Pháp sau chiến tranh thứ hai và sản xuất các phin-tơ-ra (filtrat) bằng kháng sinh dễ sản xuất, và dùng ngay cho quân đội. Muốn có phin-tơ-ra, chỉ cần nuôi nấm trong dung dịch ngô, các kháng sinh sẽ bài tiết ra trong nước; đem lọc các môi trường ấy, chúng ta sẽ có phin-tơ-ra mà tác dụng trên vết thương không kém gì kháng sinh bột. Anh Ngữ đồng ý. Nhân danh là Thứ trưởng Bộ Y tế, tôi cho cất nhà, gây dựng kíp cho anh Ngữ và nhờ Quân y sản xuất các lọ đặc biệt để nuôi nấm.


Trong việc này, đã có lần tôi mất ăn mất ngủ vì tính chủ quan của một vài anh em. Hai chủng nấm Pê-ni-xi-lin nô-ta-tum và Strep-tô-mi-xét gri-sê-út để ở trong rừng dễ bị môi trường rừng làm ô nhiễm nên trước khi dùng cần phải cấy lại. Nhưng anh em cứ bảo tôi không can gì. Đến khi cần đem nấm ra dùng thì chao ôi: Pê-ni-xi-lin đang chết dở vì các nấm khác của rừng Việt Bắc đang ồ ạt tiến công! Chúng tôi phải mất một tháng trời để gây lại một chủng tinh khiết về Pê-ni-xi-lin. Thật là hú vía! Đánh giá thành công này, một hôm họp hội đồng Chính phủ, Bác nói với tôi rằng: "Bác cho phép chú lựa một huân chương nào mà chú muốn, chú tự bình bầu đi!". Vì anh Ngữ đã được huân chương kháng chiến hạng ba rồi nên tôi cũng xin như vậy. Vài hôm sau, trong một buổi tối, Bác mời Hội đồng Chính phủ đến dự một bữa cơm thịt gà để trao huân chương, Bác nói: "Chú Tùng là một xi-đờ-văn (cidevant, danh từ mà cách mạng Pháp 1789 dành cho các nhà quý tộc) mà nay được Chính phủ ta tặng huân chương. Chú phải cố gắng hơn nữa!". Đây là kỷ niệm đẹp nhất của đời tôi. Sau này về Hà Nội, Bộ Y tế đề nghị tôi đổi huân chương hạng ba này thành hạng nhất, tôi từ chối vì huân chương này, duy nhất trong năm huân chương mà tôi có, là do tay Bác và tay cụ Tôn trao cho trong rừng sâu Việt Bắc, một vinh dự mà ước mơ của tôi cũng không bao giờ nghĩ tới.

Từ đấy, mỗi chiến dịch, Quân y đưa ra tiền tuyến một tổ Pê-ni-xi-lin, để sản xuất kháng sinh dùng ngay trên mặt trận. Đây là một thành tích kỳ diệu mà từ xưa đến nay, trong các cuộc chiến tranh du kích chưa ai đã làm được như vậy với những dụng cụ thô sơ, trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Rõ ràng là chiến tranh cách mạng đã đem lại những phương pháp cách mạng cho các nhà khoa học.

Chúng tôi còn nghĩ ra nhiều sáng kiến độc đáo trong chiến tranh du kích của chúng ta. Thiếu chỉ khâu bụng, chúng tôi dùng dây dù lấy của Pháp. Nhờ chiếc xe đạp Pơ-giô của tôi, tôi đã có sáng kiến dùng đèn xe đạp để mổ. Mỗi lần mổ có một sinh viên lên đạp xe để phát điện cho đến khi chúng tôi cướp được bình ắc-quy của Pháp. Về sau, chúng tôi có cả đi-na-mô và cuối cùng bệnh viện Chiêm Hóa cũng chiếu được X quang.

Chúng tôi cũng không quên nghiên cứu khoa học. Chúng tôi dùng bãi cát hoang ở làng Bình nuôi dê để thực nghiệm về cơ chế của các viêm phúc mạc mật do thẩm thấu mà tôi đã nói trong phần I. Người ta biết rằng, ở dê, ống mật chủ và ống dẫn dịch đều đổ vào ống chung trước khi chảy vào tá tràng. Như vậy người ta có thể buộc ống chung ấy, để xem hiện tượng gì xảy ra, dây buộc có thể tác động như một con giun hay một hòn sỏi làm bít bóng Va-te ở tá tràng. Sau khi mổ dê và buộc ống chung ấy, con dê kém ăn, ít hoạt động và mắt nó vàng ra. Nhưng nó không chết. Lúc mổ bụng dê ra, ở trong bụng dê đầy cả


mật vàng, mà không có một chỗ thủng nào ở túi mật hay ở ống mật chủ. Như vậy, chúng tôi đã chứng minh một cách rõ ràng là giun hay sỏi làm tắc phần dưới ống mật chủ, và đoạn mà ống tụy chui vào tá tràng có thể sinh ra bệnh viêm phúc mạc do thẩm thấu mật mà không làm thủng các bộ phận về mật. Như thế không phải là ở trong rừng mà không làm được thực nghiệm, nếu biết thích ứng với hoàn cảnh thì ở đâu cũng có thể làm được công việc nghiên cứu khoa học.

Chúng tôi biết rằng mình có trách nhiệm trước bao nhiêu tính mạng của các chiến sĩ và đồng bào. Cái gì không có, chúng tôi phải làm ra. Thuốc men thiếu thốn, tôi dùng các dung dịch lá cây có kháng sinh thảo mộc. Tôi để ý trước hết về cây tỏi. Tôi đã chưng sôi củ tỏi, rồi lấy một phần ba nước còn lại đem dùng chữa các thứ ho của trẻ em, đặc biệt là ho gà. Lá cà chua có một tác dụng tốt đối với các nấm trên người. Gừng, nghệ cũng được đem dùng; kể cả ớt mà tôi chế ra làm cồn để chữa trĩ (có tên la tinh là cồn Cap-si-cum an-nu-um) ai cũng khen hay nhưng khi biết là ớt thì ít người muốn dùng.

Thuở ấy, tôi chưa biết dùng châm cứu, nhưng tôi có dùng một phương

pháp gần giống như vậy: đó là cách tiêm vào nội bì.

Tiêm Nô-vô-ca-in vào nội bì ở vùng lách, có thể làm co thắt lá lách. Sau khi tiêm Nô-vô-ca-in vào nội bì dưới sườn của hai bệnh nhân bị lách to vì sốt rét, tôi thấy hai lá lách số 3 trở lại bình thường.

Không phải chỉ có thuốc mua ở cửa hàng dược về mới có thể chữa được bệnh. Và ở trong rừng Việt Bắc không có cửa hàng dược! Tôi nói đến cách chữa loét dạ dày của chúng tôi ở Chiêm Hóa. Bệnh loét dạ dày là một bệnh đau theo chu kỳ của thời tiết. Trên cơ thể của người, có da bao bọc và bảo vệ toàn thân, như cái màng bọc tế bào bảo vệ tế bào. Đối với môi trường bên ngoài da, có rất nhiều điểm thần kinh để báo hiệu cho các nội tạng. Vậy có thể dùng da để làm giảm bớt đau. Sự chứng minh rõ rệt việc này là lúc lên cơn đau bụng ai cũng biết chườm chai nước nóng để cho khỏi đau. Nếu tiêm Nô-vô-ca-in vào nội bì, ta có thể làm giảm bớt cơn đau chăng? Đó là một giả thuyết mà có thể thực nghiệm một cách dễ dàng, vì phương pháp này không có nguy hiểm gì cả. Tiêm vào nội bì các bệnh nhân ở Chiêm Hóa, tôi thấy các cơn đau bị cắt đứt ngay và tôi cũng nhận thức thêm là làm sau gây cho họ lòng tin ở thầy thuốc, sự thông cảm giữa người bệnh và thầy thuốc là yếu tố quyết định của nghệ thuật điều trị. Các bệnh nhân ở Chiêm Hóa đều được tôi hỏi kỹ lưỡng, an ủi tinh thần và khuyên họ nên nằm nghỉ 8 giờ một ngày trên giường bệnh không đi lại, nếu cơn đau chưa hết. Có thuốc an thần nào bằng sự im lặng trong rừng sâu, làm cho bệnh nhân quên đi những kích thích hàng ngày của cuộc sống! Vì vậy tôi ít cắt dạ dày ở trong rừng, trừ trường hợp có những biến chứng tắc môn


vị hay chảy máu. Chữa bệnh đòi hỏi một sự hiểu biết rộng rãi về tâm lý con người, và ta chỉ nên dùng thuốc khi nào những phương pháp tự nhiên không có hiệu lực. Nhưng hiện nay nhiều bác sĩ và bệnh nhân lại chưa nghĩ thế! Người ta quá "mê tín" vào thuốc, vào máy móc đo lường của một nền văn minh càng ngày càng phức tạp và vấn đề chữa bệnh ngay ở các nước gọi là tiên tiến cũng đang gặp một khủng hoảng về lòng tin cũng như kinh tế.

Ở Chiêm Hóa, tôi hay nghĩ đến bác sĩ Sơ-vây-zer (Sehweizer), được giải thưởng Nô-ben năm 1952. Ông ta đã từ biệt châu Âu, đi đến ở trong một khu rừng Ga-bông tại châu Phi để chữa bệnh cho nhân dân ở đấy. Ông ta đã dùng tình yêu và lòng nhân đạo hơn là dùng thuốc men, uy tín của ông ta và bệnh viện nhà lá của ông từ đó đã vang dội đến tận châu Âu và châu Mỹ.

Chúng tôi ở Chiêm Hóa có ghi nhớ sự khác biệt về sức khỏe giữa anh em người Tày, định cư xung quanh các đồng ruộng trung du, và anh em người Dao, luôn luôn luân chuyển.

Người Dao ở đây, hầu hết đều có lách to, còn người Tày, thuở bé cũng có lách to nhưng dần dần nhỏ đi, và đến độ tuổi thanh niên, sờ vào thấy lách chỉ còn lấp ló ở dưới sườn thôi. Hình như tập quán luôn luôn di cư làm cho người Dao phải đối phó với nhiều loại kháng nguyên sốt mà chúng ta chưa biết rõ và có lẽ vì đó là nguyên do của sự khác biệt và thích ứng cơ thể người Dao và người Tày đối với bệnh sốt rét.

Còn tại sao anh em người Dao di cư luôn luôn mà không chịu định cư? Theo thăm dò của anh em sinh viên thì không phải vì đất hết màu. Nguyên nhân là do việc mê tín, dị đoan, có nhiều vấn đề mà chúng tôi chưa có thì giờ đi sâu vào, nhưng qua những điều tra sơ bộ, việc di cư là do các thầy cúng quyết định sau một giấc mơ nào đó, mà có thấy đổ máu, học súc vật chết, hoặc người chết v.v... Như thế, ở trong rừng sâu, chúng tôi vẫn giúp cho các anh em trẻ luôn luôn đặt những vấn đề mới để luyện trí "tưởng tượng" của họ. Tôi rất tiếc là trong sinh viên Y không mấy người hiểu về dược học, nên có biết bao nhiêu cây cối, bao nhiêu thực vật ở rừng mà chúng tôi không biết để khai thác.

Trong số sinh viên trường Y, có một anh trước học trường kiến trúc Hà Nội. Anh và tôi đã say sưa làm những kiểu nhà, những kiểu cửa, không méo, không xiêu, không mối ăn. Chúng tôi đã xây dựng những ngôi nhà bằng tre lá rất đẹp, rất sạch sẽ.

Chúng tôi thường xuyên đi tham gia các mặt trận để huấn luyện anh em sinh viên. Tôi bắt đầu làm quen với cách đánh du kích, chạy lui, chạy tới, chạy vòng theo các chiến sĩ ta ở mặt trận Phủ Đoan. Hay nhất là anh em nhiều khi rút nhanh mà không báo kịp cho tôi.


Năm 1951, đoàn chúng tôi được bố trí ở vùng dưới Thái Nguyên, ở Mỗ Chè và Ba Vân và bắt đầu mổ ở đấy. Ngày 13-11-1952, có một thư hỏa tốc đưa đến ban đêm, bảo tôi phải đi ngay đến Vĩnh Ninh, và như thế, đoàn chúng tôi phải đi vòng sau núi Tam Đảo, đi vào Thân Sơn, Quế Nham, Thọ Linh và cuối cùng Dốc Bùa ở ngay trước mặt núi Tam Đảo! Ở đây, chúng tôi mới thấy rằng về mặt tổ chức anh em chúng tôi và bên Quân y hãy còn quá non yếu. Cơ sở của chúng tôi ở Dốc bùa chỉ đủ phục vụ cho 100 thương binh. Đến đó hai ngày chưa thấy ai. Đến ngày 18, đột ngột những đoàn tải thương khiêng đến cho chúng tôi gần 1000 thương binh. Không đủ người nấu cơm và dọn cơm nên 7 giờ ăn sáng và phải đợi đến đêm, mới ăn được bữa trưa! Tôi mổ liên tiếp với các anh em khác suốt hai ngày đêm liền. Ngày 20, xe tăng Pháp đến gần, chúng tôi và thương binh rút về Thọ Linh, và ở đó, tôi mổ cho đến ngày 30-1; hai ngày sau, vì hết gạo, đoàn chúng tôi lại trở về Chiêm Hóa. Trong trận đánh này, tôi được tuyên dương toàn quân.

Như thế các bạn có thể hình dung cách làm việc và dạy học trong thời kì kháng chiến chống Pháp; chúng tôi rất cơ động, rất linh hoạt, nay ở chỗ này, mai ở chỗ khác, cái gì cũng thiếu thốn, và ngay cả gạo, chúng tôi chỉ đem đi được đủ năm ngày thôi. Năm ngày mà không lấy được đồn địch, hết gạo, là phải quay về! Chúng tôi cũng khổ vì Tây, nhưng chắc chắn là Tây cũng rất khổ vì chúng tôi, không biết đâu mà đánh, không biết đâu mà đỡ! Chúng tôi luôn đến quấy chúng, xong lại biến mất, rồi lại xuất hiện ở chỗ khác. Khi Đông, khi Nam, khi Bắc như ở mặt trận Vĩnh Phúc này!

Đời sống trong rừng, trái lại với dự đoán của mọi người, thật là vui vẻ, tuy là rất giản dị. Ai cũng cố gắng tự túc về rau và sắn. Riêng về phần tôi, tôi trồng được hơn 200 cây chuối, vì tôi nhớ lời mẹ tôi dặn: "Khi nào mày nghèo thì nên trồng chuối". Nhưng khi chuối có quả, mỗi ngày phải ăn vài chục quả chuối, đó thật là một thử thách quá lớn đối với tôi. Cho nên lúc về Hà Nội, tôi còn sợ chuối trong mấy năm trời.

Tôi cũng thử trồng ngô theo lý luận Lit-xanh-cô: tôi gieo rất dày, nhưng ngô lớn lên có bắp rất nhỏ, và hạt rất thưa. Thế mà dê, trâu, chim và chuột cũng vào ăn trộm, chưa kể các chú khỉ nữa! Tôi có cảm tưởng là ở các vùng ngược, đồng bào ta còn quen tập quán nuôi trâu thả hàng đàn như lúc ấy, thì không sao mà tăng gia được, tuy đất rất tốt. Một lần tôi trồng bốn cọc để làm giường, khi đi chiến dịch về thấy bốn cọc ấy đã có lá rồi! Về sau, tôi gặp một Giáo sư Pháp đã sống ở Tuy-ni-di, ông ta cũng nhận định như tôi về nuôi dê của người Ả Rập.

Ở vùng Chiêm Hóa có nhiều beo và có một đêm động rừng beo về gầm rống xung quanh nhà. Hôm đi họp đại hội anh hùng ở bến Chinh, đang đi ban


đêm gần đến chỗ họp, tôi nghe thấy rất nhiều tiếng beo. Có lẽ bấy giờ là vào thời kỳ tìm đực của chúng. Một buổi sáng, đi qua một lùm rừng, từ Khe Khao đến Đầm Hồng, tôi ngửi thấy một mùi hôi thối đặc biệt. Chú bé đưa đường người địa phương, mách cho tôi mùi của beo vừa đi qua đó và cậu ta chỉ cho tôi những vết xước trên một thân cây to mà một con beo vừa đến cọ vào để gãi ngứa; dấu chân của nó to bằng cái đĩa lớn còn in rất rõ trên đất bùn. Lúc về nhà, cháu Bách, con tôi, bấy giờ 5, 6 tuổi đi học ở trong một cái lán cất dưới rừng để tránh máy bay, nói là ở bên kia bờ suối gần trường nó, một con "mèo vàng rất lớn có nhiều vằn đen đang nằm ngủ bên bờ suối!" Từ đấy, tôi phải cấm trẻ con không được vào rừng chơi. Đêm ngủ, có khi thấy đồng bào đập vào máng tre và kêu "ủi ủi". Đó là beo đến rình gần nhà, và những con trâu ở dưới nhà sàn giẫm chân dữ dội để báo hiệu. Trâu đàn thả rông ít khi bị beo ăn. Tôi có xem nhiều lần đàn trâu ngủ ban đêm. Những con trâu đực đều nằm vòng tròn quay đầu và sừng ra ngoài bao quanh ở giữa những con trâu con và trâu mẹ.

Khi về Hà Nội, tôi có được đọc một quyển sách của một người Anh, Jim Cót-bét nói về những con hổ ăn người ở Ấn Độ. Đó là những con hổ về già hay là đã bị thương nên không thể đuổi theo hươu nai nữa và biến thành những con hổ rất tinh ma, không biết sợ, và hàng ngày đi bắt người. Đọc xong, tôi nghĩ đến Chiêm Hóa mà rợn gáy. Có lẽ các rừng của ta có những con hổ như thế, vì đồng bào bắn súng kíp không được chính xác lắm, làm bị thương hổ nhiều hơn là giết chết chúng. May mắn là ở rừng Việt Bắc, ít người đi săn, nên có nhiều hươu nai và ngoài ra, có nhiều dê thả rông. Tôi có nuôi một đàn dê Ấn Độ đến gần 30 con; nhưng dần dần beo ăn hết và sau chỉ còn một con dê đực Ấn Độ to tướng mà chúng tôi phải thịt gấp. Một đêm, tôi đang ngủ trên gác hai ngôi nhà tôi ở, dựng bên một khu rừng, tôi nghe tiếng beo kêu, và sau đó, ở bậc thang gỗ lên phòng ngủ của tôi, có tiếng bước nặng nề và một chốc, con chó Bô-bi, nằm trước cửa, rú lên một tiếng. Tôi vội cầm súng chạy ra thì con chó đã chết rồi và có một vết thương rất nhỏ ở cổ, như là bị một cái móng chân beo làm thủng!

*

* *

Năm 1951, tôi được cử đi trong đoàn anh Hoàng Quốc Việt sang thăm Trung Quốc và Triều Tiên. Đoàn chúng tôi là một đoàn của Mặt trận cho nên có nhiều thành phần: lão du kích, thanh niên, thiếu sinh quân, tri thức, nhà văn, quân đội. Chúng tôi đi bằng ô-tô từ Sơn Dương đến biên giới, và đến thành phố Nam Ninh bằng ca-mi-ông và xe gíp, từ Nam Ninh đến Bắc Kinh chúng tôi đi bằng tầu hỏa. Ngày 28 tháng 7 năm 1951, chúng tôi đến Bắc Kinh. Đoàn chúng tôi mới ở trong rừng ra có nhiều sáng kiến về ăn mặc. Đến Nam Ninh, sau cuộc


thảo luận sôi nổi, đoàn trưởng quyết định mặc áo ka-ki vàng, sơ mi cổ hở kiểu đăng tông và đầu đội mũ nồi! Đón tiếp ở sân bay có ông Quách Mạt Nhược cầm đầu và đọc diễn văn. Trung Quốc lúc đó mới được hoàn toàn giải phóng, và có kinh nghiệm nhiều mặt về ngành y.

Ở Bắc Kinh, vào năm 1951, ngành y, đặc biệt là ngành mổ thật là vững vàng. Lúc mới đến, chúng tôi đã có những hiểu lầm vì danh từ. Có một hôm, tôi xin gặp một số người mổ xẻ có tiếng ở Bắc Kinh. Hôm ấy, tại khách sạn Bắc Kinh, có mười hai người đến, mặt mày không phấn khởi lắm; đó là những Giáo sư giải phẫu, nghĩa là chuyên về mổ xẻ các xác chết! Chúng ta đã dùng nhầm chữ giải phẫu để chỉ việc mổ xẻ, mà Trung Quốc gọi là phẫu thuật (gọi như thế đúng hơn). Hai chữ giải phẫu dành cho khoa học về đại thể con người. Cuộc họp cũng kết thúc vui vẻ, nhưng ít sôi nổi, vì bàn luận về mổ những cái xác đã chết rồi, chúng tôi rất dễ dàng hòa hoãn với nhau!

Bệnh viện Hiệp Hòa (tên cũ là Viện Rốc-cơ-phen-lơ) trước kia rất nổi tiếng ở châu Á. Lần đầu tiên tôi xem mổ phổi và gây mê nội khí quản, một sự kiện mới đối với tôi. Người mổ là Giáo sư Vĩ Đình Khai, nay ở Viện mổ ngực Phú Ngoại và đã kết nghĩa anh em với tôi vào năm 1964. Ở bệnh viện Hiệp Hòa có một thư viện đầy đủ. Tôi xin vào đọc ở đấy luôn một tuần từ sáng đến chiều không muốn ăn cơm trưa nữa và nhờ đó, tôi đã lược lại kinh nghiệm mổ xẻ trong chiến tranh thứ hai.

Sau này, nhờ các tài liệu ấy, tôi mới biết giải quyết các vết thương sọ não cho thương binh ở Điện Biên Phủ. Ra nước ngoài mà không thể vào thăm các thư viện là một việc không thể tưởng tượng được.

Tôi có hỏi cách đào tạo Giáo sư về y. Năm 1951 Trung Quốc có 51 nghìn bác sĩ và 1400 Giáo sư và phó Giáo sư, thêm vào là 900 ngàn đến một triệu ông lang. Muốn lên Giáo sư phải làm trợ giáo (assistant derecherche) ba năm, xong lên giảng sư (maitredes conferences) phó giáo thụ (professeur associé) và giáo thụ.

Muốn được tuyển, phải trình bày những công trình khoa học của mình trước một hội đồng giáo thụ có nhiệm vụ đề đạt danh sách lên Bộ Y tế. Ông Bộ trưởng Bộ Y tế sẽ chọn Giáo sư trong danh sách đó.

Cách làm việc như vậy thật là gọn và tốt.

Sau khi đất nước giải phóng, Trung Quốc có đến 43 trường Đại học Y khoa.

Khi xuống Thượng Hải, tôi thấy ở đây đang xây dựng các nhà máy pê-ni- xi-lin. Tôi có học cách thu hồi pê-ni-xi-lin đã tiêm cho bệnh nhân; chỉ cần lấy


một lít nước giải của bệnh nhân, cho thêm hai trăm mi-li-lít ê-te và năm mi-li- lít a-xít sun-phu-ríc một phần mười, đổ vào phễu lớn, pê-ni-xi-lin kết tinh lại.

Chúng tôi lần lượt đi thăm Thượng Hải, Thiên Tân và Thẩm Dương. Ngày 10-8-1954, chúng tôi được mật báo phải đi An Đông ngay, để chuẩn bị qua Triều Tiên.

Vào khoảng 12 giờ trưa ngày 17-8, chúng tôi vượt sông Áp Lục. Sông rộng, có một cái cầu dài mà phần bên Triều Tiên đã bị bom, sập xuống nước.

Hai bên bờ sông, tôi thấy rất nhiều súng cao xạ. Ca-nô qua sông không có phi cơ đến quấy. Vào lúc 13 giờ, các bạn Triều Tiên mang hoa và máy ảnh, đang chờ chúng tôi ở Sin-i-zou, trước mặt An Đông.

Tối đến, chúng tôi lên đường đi Bình Nhưỡng. Quãng đường dài 200 cây số phải đi trong ba đêm liền.

Chúng tôi ngủ lại ở một huyện gọi là Bắc Xuyên. Qua sông Thanh Xuyên, rất rộng, phà bị mắc cạn, và hai bên bờ những ca-mi-ông chở đạn vẫn còn ứ lại đấy. Đoàn nghỉ lại ở An Châu; thị trấn này cũng bị phá hủy hoàn toàn. Sáng ngày 20-8, chúng tôi đến một chiêu đãi sở ở Ma Đăng.

Chúng tôi ở Ma Đăng trong ba tuần. Hàng ngày các đoàn đến thăm và họp mặt để trao đổi kinh nghiệm. Đến thăm chúng tôi còn có ông Lu-kít-tsun, Thứ trưởng Bộ Y tế Triều Tiên. Ở Bình Nhưỡng, tôi không được đi thăm một bệnh viện nào cả. Có một người ngoại quốc giới thiệu với tôi về hoạt động của một bệnh viện do Hung-ga-ri giúp đỡ, ở cách Bình Nhưỡng 10 cây số về phía Nam.

Nhờ nhà báo Ba Lan, Hăng-ri Cô-rô-tanh-xơ-ki, tôi biết được những tin tức như sau: bệnh viện có ba khu nhà lớn, bề ngoài như là bỏ không, để ngụy trang tránh máy bay, chỉ có nhà mổ và nhà điều trị sau khi mổ còn hoạt động, 24 giờ sau khi mổ, bệnh nhân được sơ tán vào các làng bên cạnh. Người ta chỉ mổ đêm. Bệnh viện có bảy bác sĩ, sáu phẫu thuật viên là người Hung, năm người Triều Tiên là trợ lý. Đó cũng là một trường dạy y. Ngày giải phóng, Triều Tiên chỉ còn lại một ý tá. Tất cả các bác sĩ toàn là người Nhật. Bệnh viện đã thay đổi địa điểm bốn lần rồi. Từ 1-8-1950, ngày thành lập bệnh viện, đến lúc đó bệnh viện đã có bốn nghìn người nằm, một nghìn bốn trăm ca mổ xẻ, một nghìn chín trăm ca bó bột; số máu truyền lên tới 270 lít (Ở bệnh viện Việt

- Đức, hàng năm có tới 15 ngàn trường hợp phẫu thuật lớn nhỏ và bó bột). Kinh nghiệm về phẫu thuật trong chiến tranh không có gì mới, vì bệnh nhân đưa đến chậm, và toàn là vết thương ở các chi. Qua đó chúng ta mới thấy các cuộc ném bom sau này của Mỹ ở miền Bắc nước ta ác liệt hơn nhiều.

Theo ông Lu-kit-tsun, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết thì sau ngày giải phóng, với sự giúp đỡ của Liên Xô, Triều Tiên đã xây dựng một trường Đại


học Y khoa ở Bình Nhưỡng. Trường đóng cửa lại từ lúc có chiến tranh và mở lại vào ngày 1-10 năm ấy. Lúc đó, Triều Tiên đã có trên 1500 bác sĩ. Cách đào tạo cũng theo nhu cầu chiến tranh. Học sinh là những thanh niên học hết trung học và đã tham gia bộ đội. Ông Lu-kít-tsun nhắc đến tên Giáo sư Liên Xô A- rô-ni-ăng, đã áp dụng phương pháp như ở Việt Nam là đưa học sinh ra tiền tuyến thực tập. Rồi đến ông Kim Trường Khuê (tên dịch qua tiếng Trung Quốc) Phó cục trưởng Cục Quân y giới thiệu với chúng tôi những kinh nghiệm của Quân y Triều Tiên. Các chiến thương toàn là do bom thường hay súng cối gây nên. Thương binh chết tại trận vào khoảng từ 10% đến 15%. Phải mổ ngay độ 4%, còn thì đưa về tuyến sau. Ở Triều Tiên cũng dùng phương pháp bó bột như ở bên ta, bó bột kín mà anh em cho là kỳ diệu. Vì nhân viên ngoại khoa thiếu, nên có nhiều đoàn nước ngoài như Liên Xô, Trung Quốc, Hung-ga-ri đến giúp. Anh em cho biết có những trường hợp vết thương bị giòi đã được chữa bằng ê-te.

Tuy ở Ma Đăng, nhưng chúng tôi chưa có dịp vào thăm Bình Nhưỡng. Ngày 22-8, anh Đạm, thư ký của đoàn, thúc chúng tôi dậy để đi thăm Bình Nhưỡng. Từ mấy hôm nay, Mỹ ném bom Bình Nhưỡng nhiều quá, nên các đồng chí phụ trách cũng lo ngại và quyết định chỉ cho những người nào khỏe đi thôi. Chúng tôi được chọn bảy người, có tôi trong đó. Buổi sớm ở Triều Tiên đẹp lắm: trời xanh biếc, hơi rét, hai bên đường có những cây bạch dương còn trắng sương mai. Đi khoảng một giờ là đến Bình Nhưỡng. Hai bên đường đi không còn một ngôi nhà nào nguyên vẹn. Vào thành phố phải qua những vọng gác. Thỉnh thoảng có một vài cửa hàng bán đồ lặt vặt như ở Việt Bắc trong những năm kháng chiến. Đến một ngã tư, có báo động. Dân chúng rất bình tĩnh (như nhân dân Hà Nội trong những ngày B.52 đánh phá). Hai máy bay phản lực Mỹ bay qua, để lại những vết trắng trên nền trời xanh. Các bạn Triều Tiên nhớ rất giỏi địa điểm các cơ quan. Cơ quan ở dưới những đống gạch mà anh em giới thiệu rất đúng không một chút lầm lẫn: đây là Bộ Ngoại giao, đây là nhà máy, đây là trường đại học Kim Nhật Thành... Bảy giờ sáng, chúng tôi trở lại Ma Đăng.

Ngày 18-9, trên đường trở về, chúng tôi vào thăm một đơn vị chí nguyện quân Trung Quốc, thuộc quân đoàn 38, ở trong núi đá, Mỹ ném bom suốt ngày đêm. Lúc ra về, xe díp phải mở đèn, vì đi trong núi; một máy bay Mỹ nhào xuống tặng cho đoàn xe chúng tôi bốn quả bom, may mà không trúng.

Ngày 21-9, chúng tôi trở lại Tân Nghĩa Châu vào lúc hai giờ sáng. Sáng ra, chúng tôi trở lại Trung Quốc. Lần này, ô-tô chạy thẳng qua An Đông, vì cầu đã chữa xong rồi. Đến An Đông, các bạn Trung Quốc bảo: "Chụp một pô ảnh đã, vì không thiếu ai!".


Chúng tôi ở lại Trung Quốc gần năm tháng. Mấy ngày đầu không sao nhưng dần dần tôi đâm ra nhớ nhà, nhớ màu lá rừng bị nắng cháy, nhớ những dòng sông xinh đẹp của Việt Nam, nhớ những mảnh ruộng nhỏ ở sườn đồi Việt Bắc. Tháng 11, chúng tôi trở lại Bằng Tường. Qua một sườn núi, xe ca-mi-ông của tôi lao xuống núi, độ 15 mét; may sao tôi vẫn không việc gì và lúc lộn vòng với xe, tay tôi vẫn giữ chắc xà cột, trong đó có tất cả các chủng về bệnh dại, bệnh thương hàn, bệnh dịch tả, bệnh đậu mùa mà Bộ Y tế nhờ tôi xin về.

Trước Nô-en, tôi đã trở lại Chiêm Hóa.

Bấy giờ Chính phủ đã thấy sự cần thiết phải có một trường Đại học Y khoa vững chắc. Triều Tiên chưa mở được trường Đại học Y khoa, ở ta, tuy vẫn mở nhưng chưa có hướng để xây dựng lại. Phủ Thủ tướng triệu tập một cuộc họp giữa Bộ Y tế và Cục Quân Y. Họp xong, trường được phép phát triển theo hướng đại học với một chương trình bốn năm.

Ngày 23-3-1954, tôi nhận được thư của anh Bảy cho biết: có chỉ thị cho tôi và cụ Vũ Đình Tụng lên tham gia công tác mổ xẻ cho thương binh ở Điện Biên Phủ.

25-3-1954, khi đeo ba-lô bước xuống thuyền nan vào một buổi chiều sắp tối, để kịp đi Tuyên Quang tôi rất cảm phục sự giản dị và hiệu lực tổ chức của ta trong thời chiến. Lúc sáng tôi chỉ nhận một lá thư, phải nói là một mảnh giấy thiếu sạch sẽ trong một phong bì lộn lại với mỗi hàng chữ nói phải đi ngay lên mặt trận Điện Biên Phủ và một chữ ký quen thuộc. Thế là chiều đến, đợi máy bay "đi ngủ", cùng với đoàn mổ xẻ riêng, chúng tôi đáp thuyền nan để xuôi ngay về Tuyên, theo dòng sông Lô chảy xiết, xuyên bao nhiêu rừng và thác để đến đúng giờ ở chỗ hẹn.

Chúng tôi biết rằng mặt trận Điện Biên Phủ sắp vào giai đoạn hai, sau khi chúng ta chiếm hai đồi Độc Lập và Him Lam. Đảng và Chính phủ đã đưa ra khẩu hiệu Quyết tâm tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Chúng tôi ai cũng áy náy sợ đến trễ. May sao đến Tuyên, ô-tô đã chờ sẵn, thế là chúng tôi đi ngay về chợ Hiên. Trong khi đi đường, khi mổ xẻ trong các hầm, các đội điều trị chúng tôi đã học được một bài học không bao giờ quên, một bài học về tin tưởng vào sức mạnh của dân tộc ta, bài học về tinh thần hy sinh của nhân dân ta, bài học về sự lãnh đạo cương quyết của Đảng và Chính phủ kháng chiến.

Để bạn đọc có thể hình dung lại không khí làm việc của chúng tôi lúc bấy giờ, chúng tôi xin trích ra đây một vài đoạn ghi chép của tôi. Tôi không quen viết văn, vắn tắt vài hàng ghi lại những kỷ niệm mà thôi, mong bạn đọc thứ lỗi cho tôi về những ghi chép chưa hoàn chỉnh này...


27-3-1954 (ở trạm Ba Khe). Tối hôm qua ngủ tại trạm. Trời mưa phùn. Rét. Đi mãi trong đêm tối để tìm nhà ngủ trong rừng. Sáng dậy, độ 9 giờ đã nghe tiếng máy bay. Chúng ta đi gần đến chiến trường.

Hôm qua, 9 giờ tối, vượt qua sông Hồng cùng anh em vận tải, hàng trăm xe đạp thồ hàng. Lớp dân công Phú Thọ đang trên đường về, dáng mệt mỏi nhưng vẫn vui đùa. Lúc thấy ô-tô, anh em reo lên mừng rỡ vì biết là ô-tô đang ra tiền tuyến. Xe thồ với cánh tay ngang, người dân công vận tải khoác áo ni- lông, trong đêm mưa phùn, vượt qua đèo, qua suối. Đó là một hình ảnh mới của cuộc chiến tranh của chúng ta. Lúc ở Triều Tiên, trên đường Tân Nghĩa Châu đi Bình Nhưỡng, một hình ảnh tương tự: hàng trăm xe cút kít mà chiến sĩ chí nguyện, quần áo bông trùm kín gáy, đi trong đêm khuya im lặng.

Nhà trạm ướt át, làm trong một rừng nứa, nhưng không ai ốm vì đủ thuốc sốt rét.

Tối nay, đường trơn xe khó đi, qua nhiều đèo.

28-3-1954 (trong một hang đá). Hôm qua, toàn là đèo và đèo. Đèo dài nhất là đèo Lũng Lô, cao như Tam Đảo, đường khó đi, quanh co hai bên không thấy gì hết.

Trên đèo, hàng nghìn dân công vận tải, gánh, cầm đuốc, quang cảnh rất đẹp. Qua đèo, gặp một toán tù binh người Âu, xanh, gầy, râu quai nón, nhìn buồn bã vào các xe Mô-lô-tô-va tiến ra tiền tuyến.

2-4-1954 (ở đội điều trị 1). Gặp các anh em Quân y trong một lán nhỏ gần suối.

Hôm qua, lúc trở về chỗ ở, phải ngồi đợi xe trên một cánh đồng bát ngát, cách Điện Biên Phủ độ mười cây số về phía Tây Nam; tiếng súng trường nổ không ngớt, nghe cả tiếng súng máy. Có lẽ đánh ở đồi A1, một cao điểm có tính chất quyết định chiến trường. Máy bay cứ vòng quanh Điện Biên Phủ, mỗi lần máy bay đến gần thì thấy pháo sáng bắn lên để báo hiệu.

Trong đêm tối như mực, hàng nghìn dân công tải gạo ra tiền tuyến, dòng dưới nối tiếp nhau, đi trong im lặng, nhưng chứa đựng bao nhiêu sức mạnh phi thường sắp tung vào mặt trận... chúng ta đang ở gần hỏa tuyến.

3-4-1954. Bắt đầu mổ cho các thương binh ở đội điều trị!...

Nhà ở trong một lán nhỏ xinh xắn, trên bờ suối, nước chảy xung quanh những tảng đá lô nhô, có chỗ như thác, tiếng chảy ào ào cả đêm. Suối này chảy ra sông Nậm Rốn, nước này chảy về Cửu Long nhắn với người ở bên kia dòng sông, từ Lào, Cam-pu-chia cho đến Nam Bộ yêu mến, rằng bao nhiêu chiến sĩ anh dũng đang bỏ mình để xây dựng một tương lai tươi đẹp. Chúng ta là những


người của thế hệ Hồ Chí Minh, chúng ta là những người mới, đã hủy bỏ một quá khứ đau khổ và xót xa, và quyết tâm cắt đứt những luyến tiếc phản lại quyền lợi dân tộc đối với những ngày sống xa dân tộc, xa lao động, xa thực tế...

Máy bay ném bom, rung cả giường. Đã lấy hết đồi A1 chưa?

Quang cảnh chỗ ở giống Bạch Mã. Các bạn xưa, nay đã xa rồi. Mà nhớ làm gì những ngày xưa! Hướng về tương lai.

5-4-1954 (đội điều trị 1) Sáng nay, chuẩn bị đi thăm trọng thương. Đêm qua mưa, nghĩ đến thương binh của tiền tuyến trong các giao thông hào, mà ứa nước mắt, nôn nao trong ruột như một cơn đau. Chưa bao giờ thấy rõ tình thương anh em bộ đội như hôm nay. Sáng nay, trời tạnh rồi. May sao cho anh em đang giao chiến.

9-4-1954 (đội điều trị 1) Tối hôm qua, mưa bão.

Tiếng sấm và tiếng súng hòa vào nhau. Một cây đổ đã chết hai y sĩ và một sinh viên.

10 giờ. Mổ luôn một đợt thanh toán hết các trường hợp ứ đọng. Máy bay ném bom chung quanh. Mổ xẻ vẫn mổ xẻ. Máy bay đang gầm rú trên đầu.

11 giờ 30. Mưa bão luôn luôn làm cho anh em mệt. Tôi bắt đầu thấy khó chịu. Ruồi vàng cắn mạnh, chân mọi người sưng vù. Nhớ đến ba khổ của Tây Bắc: ruồi vàng, bọ chó, gió Than Uyên (gió Lào).

19 giờ. Tối về, mổ xong, mệt quá, không ăn hết bát cơm. Mổ não mệt là vì luôn luôn tiêm thuốc tê, và phải luôn luôn cắt gân xương đầu, mỏi nhức cả mười ngón tay, đau hết cả các bắp thịt. Thương binh lên đến 700 mà chỉ có sáu y sĩ và 20 hộ sĩ, anh em phòng mổ ai nấy đều mệt bã người, không ai ăn được cơm.

Quang cảnh của Tây Bắc, theo con mắt tôi, qua chiến dịch này: đèo núi quanh co, núi rừng trùng điệp, một vài bản chơ vơ bị bom đốt cháy, trơ trụi vài cây cột nhà đen thui, những bóng đèn lửng lơ trên các đỉnh núi tối đêm. Đường không có bóng người, cây không có tiếng chim, ve sầu và ruồi đủ màu. Một vùng đất rộng, giàu mà tình trạng này! Đánh vỡ đầu đế quốc xâm lăng.

26-4-1954 (đội điều trị 1).

7 giờ. Hôm qua ăn cơm với anh em Quân y, chuyện trò vui vẻ. Đêm khuya, nghe tiếng súng đại bác ầm ầm từng đợt, tiếng máy bay ù ù.


Tin từ 23 cho biết, mâu thuẫn mạnh giữa Đờ-cát-tơ-ri với các tướng tá Pháp, và đế quốc Mỹ càng ngày càng đe dọa xâm lăng ta. Đế quốc Mỹ, một đế quốc hung hãn trắng trợn. Phải đánh bại ý chí xâm lược của nó ở bất cứ nơi nào ở châu Á.

15 giờ 30. Chiều, trời u buồn. Ve kêu. Một vài tiếng chim. Trời nóng, ít gió. Mùa hè ở Điện Biên Phủ sắp đến. Địch tuyên truyền đang làm mưa nhân tạo để phá đường chúng ta; nhưng mưa cũng chết cho chúng đang ở trong hầm, và pháo của ta cũng dễ ngụy trang.

Thưa tiếng máy bay, thưa tiếng súng. Địch bị vây đã 40 ngày nay.

0 giờ 45 (27-4-1954). Anh em gọi dây nói để mổ. Trong khi chuẩn bị, ngồi một mình trước lán mổ; cây đèn còn lung lay trước gió núi, triếng suối reo cùng tiếng dế kêu. Xa xa, đại bác của ta điểm cầm canh như đánh trống chầu. Trong mình thấy mệt mỏi vì thời tiết thay đổi nhanh chóng. Nhớ lời Bác: phải khắc phục khó khăn. Khó khăn sao mà nhiều vậy! Điện Biên Phủ, nơi thử thách con người.

28-4-1954 (trên con đường từ đội điều trị 5 về đội điều trị 1). Ngồi trong một bản bị cháy, cách đội điều trị 5 một cây số rưỡi, và hỏa tuyến mười cây số. Tiếng máy bay từ xa vọng lại, với tiếng súng ầm ì, khi giòn giã vang động núi rừng. Bản bị bom na-pan cháy gần hết; trừ hai cái nhà. Nhà sàn, hai đầu mái tròn, chứ không vuông như ở Việt Bắc, đây là nhà phìa, vì có hai miếng tre kỳ lạ treo trên mái nhà. Không có một bóng người, toàn dân địa phương bị thực dân bắt tập trung hay trốn vào rừng. Có hai con lợn lui tới và một đàn dê ngơ ngác dưới nhà sàn. Chung quanh, đồng ruộng mênh mông, bỏ hoang. Núi và núi vòng quanh, đống khung cho một cảnh điêu tàn, đau khổ! Một mình ngồi trên một ghế đổ. Chung quanh trơ ra những cột cháy đen, giữa những cây cam và cây quýt xanh tươi. Nghĩ đến tương lai có người sum họp, có bóng trẻ con, có tiếng cười phụ nữ, có cây ăn quả, có đồng lúa vàng bát ngát đến tận chân trời. Con đường gian khổ làm thay đổi con người thành phố. Bắt đầu thấy rõ gian khổ của nhân dân. Xa xa, tiếng chim rừng kêu. Xưa, ở Huế, ta gọi là chim "tre già, măng mọc", nay anh em dân công gọi nó là chim động viên "cố gắng, tích cực".

2-5-1954 (đội điều trị 1). Từ 9 giờ tối hôm qua, tiếng súng nổ ầm ầm chung quanh Điện Biên. Nhận được tin: hôm qua quân ta bắt đầu đợt ba.

Mổ để phổ biến cho các anh em ở tuyến trước: một cách khâu da lần thứ hai để góp trả lại thương binh nhẹ cho tiền tuyến, và một vết thương sọ não?

Người hôm nay thấy khỏe, hăng hái. Có lẽ vì đợt ba bắt đầu.


Hội nghị Giơ-ne-vơ cũng đã bắt đầu. Liệu có hòa bình không? Phải đặt hết lòng tin tưởng vào Đảng, vào Bác, vào các anh bộ đội là những người yêu nước nhất.

Máy bay bay mãi nhức cả đầu! 4-5-1954 (đội điều trị 1).

Độ ba giờ sáng, súng nổ vang và giòn: quân ta lại đánh. Trời mưa, mưa cả đêm, đến gần sáng, máy bay bay nhiều. Nóng ruột đợi tin tức mặt trận. Mỗi lần súng nổ lại thấy người khỏe ra, tuy đi lỵ mãi từ mấy hôm nay. Thấy trời mưa mãi, lo cho anh em thương binh trong chiến hào. Phải bảo vệ chân tay anh em, một quân đội anh dũng đã nêu cao cờ Việt Nam trên trường quốc tế.

Báo cáo lên Cục thành tích của tôi: đã hoàn toàn tiêu diệt "nạn giòi" trong các vết thương bằng dùng thuốc Ki-na-cơ-rin 1%.

8 giờ. Mưa. Mưa tầm tã. Bàn công việc cùng các anh em sắp đi ra tiền tuyến, gây một phong trào phấn khởi tin tưởng, xây dựng anh em cũng như xây dựng mình và tác phong của mình, chỉ có một ưu điểm rõ rệt: tích cực, hăng hái để khắc phục hoàn cảnh khó khăn.

Bỏ những buồn riêng để xây dựng vui chung, hạnh phúc chung... Chỉ có nhân dân là vĩ đại. Thấm nhuần lời dạy bảo của Bác.

Hòa bình còn ở trong ảo tưởng. Cần đề phòng ảo mộng hòa bình: người cách mạng đấu tranh cho hòa bình, dù bản thân không được ảnh hưởng của hòa bình.

5-5-1954 (đội điều trị 1). 5 giờ 15 sáng. Trời mưa cả đêm, mưa dầm liền bốn năm ngày. Máy bay địch bay qua bay lại, có khi lại thả pháo sáng, để kiểm soát đường.

Không dám nghĩ đến những ngày hòa bình. Chưa tưởng tượng có thể có những ngày không có máy bay, có những ngày có thể đi chơi tự do trên các đường phố vui vẻ đầy người đi lại, cười nói trong buổi sáng mát mẻ, có thể có những ngày sống ở trên đồng ruộng mênh mông, không phải ẩn nấp dưới các bụi cây. Còn đế quốc thì nhân dân ta, nhân dân các nước bị thống trị khó lòng mà có những ngày như vậy. Nếu muốn có những ngày tưng bừng hạnh phúc, phải chịu khổ, sống trong các giao thông hào như các anh em bộ đội, dưới trời mưa ác nghiệt, phải gối đất nằm sương! Như các anh chị em dân công ngày đêm gian khổ phục vụ chiến trường.

Mà thực dân Pháp ở Điện Biên Phủ cũng như ta: sợ lửa, sợ khói, đi mò đêm, gần suối mà không được uống nước suối. Trước kia, ở Việt Bắc, chúng đi


săn ta từng người. Nay bộ đội ta tỉa chúng như tỉa chim sẻ. Trong đời cũng có khi sung sướng được thấy cảnh đổi ngôi như vậy. Ai giàu ba họ, ai khó ba đời?

Bây giờ sống, một cuộc sống thật giản dị: mổ, thăm thương binh, lại mổ. Bao nhiêu vui sướng trong khi thành công, nhưng bao nhiêu đau khổ, dằn vặt đắng cay những khi thất bại!

Hôm qua, mổ một anh bộ đội, chưa đầy 20 tuổi. Anh, một người đồng hương, nói tiếng trọ trẹ: "Anh đừng làm đau tôi mà tội tôi!". Bụng anh thủng, ruột anh thối, cả bụng thối. Tiêm hết các thuốc, mổ cho đến cùng, nhưng đã cứu được anh chưa? Nếu không có cuộc kháng chiến vĩ đại này, có lẽ không bao giờ mình thấy rõ tinh thần anh dũng của nhân dân ta, một dân tộc anh hùng đã từng chống ngoại xâm. Dân tộc ta, một dân tộc tương lai. Mà có lẽ những dân tộc đang bị áp bức cũng như thế, chỉ vì họ chưa có Đảng lãnh đạo và giáo dục thôi. Một thời gian sẽ đến, các dân tộc bị áp bức sẽ giác ngộ vùng lên. Việt Nam thắng, là châu Á, châu Phi sẽ đứng dậy.

Kháng chiến, chiến trường đã thay đổi rất nhiều con người của mình, đã cách mạng rất mạnh mẽ tư tưởng và hành động của mình. Những con người mở tưởng cũ, có những phản ánh cũ, như truyền thống, đã được cải tạo một chừng mực nào chưa? Chỉ có thử thách mới biết được. Trong thử thách vừa qua, cũng phải nhận rằng cách mạng đã thấm vào tình cảm mình nhiều. Nhưng trải qua bao nhiêu đau khổ, kháng chiến nếu chỉ đánh Tây không thì dễ quá. Địch ở trong lòng ta mới là khó đánh. Nhưng có thừa các cơ hội để xây dựng một con người mới.

Càng đi càng thấy giáo dục của Đảng là đúng.

19 giờ. Trời vẫn mưa. Đi thăm thương binh, cáng thương binh, đi thay băng, lên dốc, xuống dốc, dốc 45 độ. Mưa cứ trút lên gáy và trên lưng. Vừa trơn, vừa trượt, chỉ có một cái máy; ruồi vàng đi đâu hết.

Địch trước đây lấy làm đắc chí rằng dù sao máy bay vận tải cho Điện Biên Phủ cũng nhanh chóng hơn hàng nghìn dân công.

Nay trời mưa như thế này, máy bay không thấy đường nhưng từng đoàn dân công cứ tuôi đi dưới mưa, đưa lương thực và đạn dược ra hỏa tuyến. Nhớ câu ghi ở Xta-lin-grát: "Ở đây, sắt và thép đều tan, chỉ có con người đi qua được!".

7-5-1954 (đội điều trị 1). Chiều hôm kia anh em cho biết: "Tổng tư lệnh sẽ đi thăm đội điều trị 2, đội điều trị 3 và một đơn vị đang chiến đấu". Chuẩn bị đi ra ô-tô.


Đợi ở một bản cháy gần cây số 64. Một đồng chí đi xe đạp qua nói: "Điện Biên Phủ đã giải phóng rồi". Cũng có thể, vì từ trưa đến chiều nay, lạ quá, không nghe thấy tiếng súng. Lúc ra đường cái khoảng 6 giờ 30, tôi thấy anh Ch. Chạy đến nói: "Anh Tùng, ta đã chiếm Điện Biên Phủ rồi!". Mình ôm lấy anh Ch., cụ T. mà hôn! Mình hét to: "Hoan hô, hoan hô" như thằng điên. Trong rừng xanh, tiếng dội lại: "Hoan hô, hoan hô!". Thôi chạy mau về báo cho đội. Chạy mau qua suối, qua đèo. Bước vào phân khu của đội, tôi hỏi một anh đang ở gần đấy:

- Anh biết tin gì chưa?

- Tin gì?

- Đờ Cát-tơ-ri hàng rồi.

Anh bổ ngửa người ra hét lên: "Thật không anh? Hoan hô! Hoan hô!...".

Các chị dân công chạy ra, hét vang: "Hoan hô! Hoan hô!".

17-5-1954 (trên đường về Sơn La). 18 giờ 30, anh em công binh báo cáo cho biết tình hình lúc lên đường: địch nó ném nhiều bom; trên con đường Na Sản, cách đây bốn cây số, có rất nhiều bom nổ chậm; ngay trên đường cái, còn ba quả độ từ 200 đến 500 cân chưa nổ, tuy đã quá 48 giờ rồi (thường chỉ độ 48 giờ là nổ).

Đến cây số 4, anh em gác cho biết: có một cách đi, là phải mở hết máy, cố chạy trong 300 thước, thì may không can gì. Tối hôm qua, một đoàn xe vận tải, qua đây cũng chạy liều như vậy. Chỉ có một quả bom trên đồi nổ thôi, xe hỏng, nhưng không ai chết.

Thảo luận với anh em trong đoàn: Nên liều mà đi. Chuẩn bị tinh thần. Trong người thấy có cái gì là lạ, như sắp chơi một trò chơi mới mẻ. Ra lệnh cho lái xe mở hết tốc độ máy. Đường lầy, quanh co, xe không chạy nhanh được. Một lá cờ đỏ cắm trên một ụ đất báo hiệu chỗ có bom nổ chậm. Chạy nhanh đi. Còn một quả nữa thôi: Nhanh lên, nhanh lên, nhanh lên, vì các anh bộ đội dặn: "Khi nào qua cây đa to mới hết nguy!".

Hoan hô, cây đa to đây rồi, hết nguy rồi! Trăng mười sáu nhô lên ở chân trời. Chưa bao giờ đẹp như thế này.

Chạy mau về tự do, về tương lai...

Vượt Nà Sản, xe đến Cổ Nòi. Ở đèo Cổ Nòi, máy bay ném bom, từng hố lớn, hình ảnh như trên mặt trăng. Đến Tạ Khoa nghỉ vì sáng rồi.

18-5-1954. Xe đứng lại trên một con đường ở sườn núi, bị bom phạt đi mất một đoạn. Phải đợi cho anh em thanh niên xung phong chữa xong đường. Ngồi viết những dòng này dưới ánh sáng của đèn pin lấy của tướng Đờ Cát-tơ-ri...


Quang cảnh của chiến tranh khốc liệt ở Triều Tiên đang diễn ra trước mắt. Kỹ thuật ta còn kém, kỹ thuật cần phải chỉnh đốn lại, nhưng tổ chức bắt đầu gọn ghẽ, tinh thần chịu đựng gian khổ của anh em thật là không có giới hạn: gối đất, nằm sương, thiếu ăn, thiếu thuốc, sống trong những hốc đá, trên che ni- lông, dưới lát nứa và giải vài manh chiếu!

12 giờ đêm. Đường xong rồi. Chạy một quãng gặp một con suối sâu và rộng, vì mới mưa lũ. Xe ra nửa suối, tắt máy, hai bên nước chảy ào ào; đồng chí lái xe tháo cua-roa xe ra, rồi mở máy. Xe rít lên, chạy, rồi vượt qua suối! Chạy qua đồng Quang Huy, trời bắt đầu sáng.

19-5-1954. 12 giờ trưa, đi ngay không đợi tối để kịp về Tuyên Quang. Đến đèo Lũng Lô, hai bên còn bom nổ chậm. Đèo Lũng Lô, đèo chữ chi, quanh co như chân vịt. Hết đèo đường tốt rộng rãi; đến suối Ba Khê sâu và khó đi, mất nửa giờ! Chạy một mạch đến Yên Bái và đúng 7 giờ sáng đến Tuyên Quang.

Ở mặt trận Điện Biên, tôi đã làm được hai việc: chỉ dẫn cho anh em Quân y mổ xẻ các vết thương sọ não và diệt sạch nạn giòi ở các vết thương sọ não, bằng một dung dịch thuốc Ki-na-crin 1%. Ngày 14-7-1954, tại Hội đồng Chính phủ, Bác tuyên bố đồng ý với đề nghị của Bộ Tổng tư lệnh tặng cho cụ Tụng và tôi Huân chương chiến sĩ hạng Nhất.

Ngày 21-7-1954, Hội nghị Giơ-ne-vơ kết thúc cuộc chiến tranh chống Pháp. Hai tháng sau đó, cụ Di được lệnh vào tiếp quản Hà Nội, còn chúng tôi ở ngoài này chờ ở địa điểm mới của trường tại cây số II trên Tuyên Quang.

Đây là những ghi chép của tôi vào những ngày cuối ở Việt Bắc.

28-8-1954. Từ hôm qua, trời đen mây, mưa to, có thể có lụt, nước sông ở Tuyên đã sát hai bên bờ. Gần sáng mưa ít, trời vẫn oi, khó chịu, làm nặng đầu óc.

Xung quanh mái nhà tranh, cất gần thửa ruộng, ở bên bờ suối, cỏ lại mọc um tùm, che lấp các con đường mòn. Cũng không ai nghĩ đến phát bớt cỏ; có lẽ hai tháng nữa thì về Hà Nội, còn ai nghĩ đến tăng gia phát rừng nữa!

Bây giờ phải đặt kế hoạch mổ tất cả bệnh nhân còn lại. Nhưng có chắc chắn được ở nhà luôn không, hay lại phải đi họp. Họp, họp rồi lại họp; biết bao vấn đề cần giải quyết mà vẫn không giải quyết được, có lẽ vì họp nhiều quá!

4-9-1954... Mưa tầm tã từ mấy tuần nay. Lụt ở Tuyên, lụt đi rồi lụt lại. Ở trên phố phải đi đò. Trưa hôm kia, khi đi về nhà, ở trạm 101, đón tiếp bệnh nhân có một anh bộ đội đang đưa vào nội, và đang hấp hối. Cháu Bách hỏi tôi: "Cha ơi, hòa bình rồi sao còn người chết?".


24-9-1954. Hôm nay Hà Nội hoàn toàn giải phóng. Trời đã tạnh, hửng nắng, nhức đầu, mệt mỏi. Hôm kia, lúc nước lũ lên to ngập các đồng ruộng, anh em gọi đến mổ đẻ cho chị Thư, vợ anh Tịnh. Phải cởi áo quần lội gần một cây số. Đến phòng mổ, các mái đã dỡ một nửa, mổ trên một bàn gỗ, trong quang cảnh tản cư. May sao, mẹ tròn con vuông!

Từ ngày 21-10-1954, chúng tôi rời bỏ cây số II và ra đợi ca-nô ở thị xã Tuyên Quang để về Hà Nội. Ngày 26, ca-nô đến đón, tất cả trường Y trèo lên ca-nô. Đi ngược lại những đường cũ trên sông Lô, qua Việt Trì và cầu Thăng Long. Cuộc hành quân bắt đầu ngày 18-12-1946 đã kết thúc ngày 27-10-1954. Đoàn mổ xẻ lưu động Việt Bắc trở lại bệnh viện Phủ Doãn, đem về tất cả dụng cụ đã mang đi ngày 18-12-1946, và niềm vinh quang của những người chiến thắng.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro