NHÀ KHOA HỌC VÀ SỰ NGHIỆP XÂY DỰNG CƠ SỞ VẬT CHẤT CỦA CHỦ NGHĨA XÃ HỘI

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tôi trở lại làm Giám đốc bệnh viện Phủ Doãn, kiêm Thứ trưởng Bộ Y tế (đến năm 1962). Hai vấn đề đặt ra cho tôi: nên làm công tác quản lý hay trở lại chuyên môn mổ xẻ nghề cũ của tôi. Lúc này, miền Bắc ta mới được hoàn toàn giải phóng. Trong dân y, chúng ta vẻn vẹn chỉ có được một bác sĩ cho 200.000 dân, một con số quá xấu hổ cho ngành y. Còn mổ xẻ cho dân, chỉ có Hà Nội mới mổ được thôi. Như vậy, tổ chức cũng cần và chuyên môn cũng cần, nhất là ngành mổ xẻ của thực dân để lại, lạ hoàn toàn lạc hậu. Về vấn đề tổ chức, vào lúc ấy, có nhiều cán bộ có khả năng qua kinh nghiệm làm việc trong thời kháng chiến chống Pháp. Nhưng về chuyên môn, ta còn thiếu cán bộ, còn lạc hậu. Các bệnh viện của Pháp để lại hoàn toàn ở trong tình trạng quá sơ cấp!

Tôi vào kiểm tra cơ sở Phủ Doãn: có 5 bác sĩ mổ xẻ cho hơn 300 bệnh nhân, điện quang còn chạy được; nhà mổ không có máy gây mê nội khí quản, chỉ có những máy lỗi thời kiểu Om-brê-đan. Phải làm gì bây giờ?

Trước hết, tôi dựa vào lực lượng trẻ đã đi theo kháng chiến, mặt khác, phải sử dụng và khai thác khả năng chuyên môn của anh em ở lại, nhất là đội ngũ y tá và chuyên viên kỹ thuật. Khâu phải làm ngay bây giờ là xây dựng lại khoa gây mê hồi sức.

Chúng ta nên hiểu rằng: trong công việc xây dựng một ngành phải nhận định cho đúng khâu nào là chính, khâu nào phải giải quyết trước. Phải biết mối nào cần gỡ trước, nếu gỡ không đúng nút, sẽ càng rối thêm. Trong vấn đề mổ xẻ, chúng tôi biết rằng: Y học đã có một tiến bộ lớn trong công việc gây mê, và mổ xẻ vẫn an toàn, tuy có khi kéo đến 5-6 giờ đồng hồ và nhờ gây mê tốt, người ta đã có thể mổ tim, mổ phổi và mổ thực quản được. Trong vấn đề gây mê, có hai trường phái lúc bấy giờ: một số anh em mổ xẻ có xu hướng muốn dùng triệt để gây tê tại chỗ, để thống nhất kinh nghiệm với những đường lối chung của phe ta đã có kinh nghiệm về vấn đề này; một số khác thì muốn dùng những thành tựu mới có của ngành gây mê sau chiến tranh thứ hai và dùng máy để gây mê qua ống để vào khí quản. Tôi chủ trương đi con đường thứ hai, bởi vì phương pháp gây mê nội khí quản cho phép chúng tôi mổ dễ dàng vào lồng ngực trong khi chúng ta chưa có một tí kinh nghiệm gì về vấn đề này.

Nhưng bệnh viện không có máy, không có ai dạy, thì làm sao; một mặt chúng tôi cho người đi qua nước bạn học; một mặt, lắp lại một máy cũ của Pháp bỏ lại, tìm ra được ống vào khí quản, và làm thí nghiệm trên chó. Lúc đầu


rất lúng túng vì những lý do sau: muốn cho vào khí quản một cái ống, phải dùng thuốc giãn cơ, nhưng nếu không cho vào được ngay ống khí quản vì thuốc giãn cơ làm ngừng thở, vỏ não bệnh nhân sẽ thiếu ô-xy. Nếu tiêm ngay thuốc mê không cho ống khí quản có thể bị co thắt, mà người gây mê không cho ống khí quản vào được. Dần dần chúng tôi phát hiện ra có thể tiêm thuốc mê vào mạch cùng một lần với thuốc giãn cơ thì có thể đặt ống khí quản một cách dễ dàng. Nhờ thực tập trên chó, các nữ y tá phòng mổ của khoa chúng tôi đều biết đặt ống vào khí quản, khiến cho Giáo sư Liên Xô, Li-bốp, bạn của tôi, qua giúp tôi về mổ tim, và cũng lấy làm lạ về khả năng gây mê của các y tá trong khi chưa có bác sĩ trưởng khoa. Nhờ đi học kinh nghiệm ở ngoài, nhờ các bạn quốc tế đến giúp như Giáo sư Thưởng người Trung Quốc, Giáo sư Huy- gơ-na người Pháp, chúng tôi đã xây dựng được khoa gây mê hồi sức hiện đại và có hiệu lực, do bác sĩ trẻ Tôn Đức Lang phụ trách. Và nếu hiện nay, chúng tôi có thể mổ xẻ tốt từ não, đến tim, gan, phổi, là vì đã xây dựng tốt khoa gây mê hồi sức của bộ môn ngoại trường Đại học Y khoa Hà Nội (tại bệnh viện Phủ Doãn cũ) có đủ phương tiện, đủ nhân viên, và đủ khả năng phục vụ hàng năm 15 nghìn trường hợp ngoại cần gây mê hồi sức.

Song song với việc xây dựng khoa gây mê hồi sức, tôi bắt đầu tổ chức lại các phòng bệnh để hình thành các phụ khoa chuyên môn về ngoại, như mổ não, mổ phổi, mổ tim, mổ trẻ em mà thời Pháp thuộc không đếm xỉa đến. Cách làm của chúng tôi là trước hết, tự mình xây dựng ở trong nước, sau nhờ chuyên gia bạn giúp và cuối cùng cho các trợ lý trẻ tuổi đi ra nước ngoài học sâu thêm để trở thành những chuyên viên và Giáo sư tương lai.

Muốn như thế, anh em chúng ta, từ thầy đến trò, phải học hỏi không ngừng, vừa làm vừa đọc sách báo, đọc tham khảo tài liệu. Bản thân tôi mổ ba buổi sáng mỗi tuần, thường đến 1 giờ chiều mới xong. Các ngày khác, đi thăm bệnh nhân; chiều đi dạy và đọc tài liệu. Tôi cũng tham gia mổ xẻ cấp cứu, nếu có ca nào quá khó, nghĩa là làm với cường độ lao động 12 giờ một ngày trong 10 năm liền như thế. Từ sọ não đến các chi, từ ngực đến bụng, cái gì khó, tôi phải làm trước, cùng làm với anh em, và dần dần lúc họ đã quen, để anh em tự lực. Thêm nữa, chúng tôi còn học lại toán cao cấp, vật lý, hóa, sinh vật, nghĩa là chúng tôi vừa phải làm trò vừa phải làm thầy trong 10 năm liền, kể từ ngày giải phóng Hà Nội.

Chúng tôi dần dần xây dựng các trợ lý có khả năng trở thành chủ nhiệm các khoa trong bộ môn ngoại mà tôi lãnh đạo. Sau 10 năm, các khoa trưởng thành, có thể làm việc một cách độc lập. Đến năm 1962, chúng tôi đã có các khoa như sau: nhi, lồng ngực và mạch máu, não và thần kinh, xương, tiết niệu, bụng và cấp cứu. Bộ môn của chúng tôi được xây dựng theo kiểu Liên Xô mà


tôi đã tham quan học tập ở bệnh viện Xkli-pho-xôp-xki (Sklifovsovsky) tại thành phố Mát-xcơ-va và do bác sĩ Yu-din lãnh đạo đầu tiên. Tên tuổi Yu-din, một nhà mổ xẻ Liên Xô được thế giới biết tiếng và rất nhiều người đã đến thăm bệnh viện này, tuy nó được xây cất từ thời Na-pô-lê-ông đệ nhất! Theo cách làm của Yu-din sau Cách mạng tháng Mười, tôi đã dùng cơ sở cấp cứu làm mô hình để phát triển bộ môn: mổ các ca cấp cứu, sửa chữa lại các biến chứng sau khi mổ; mổ các bệnh thông thường rồi mổ đến những trường hợp khó chưa giải quyết được. Đến 1964, chúng tôi đã đuổi kịp nước ngoài, các chuyên viên của bộ môn đều đạt trình độ quốc tế, và có những điểm đã vượt nước ngoài.

Thời gian đầu, chúng tôi dựa vào nỗ lực của bản thân và nhiệt tình của anh em trẻ tuổi. Đến năm 1958, chúng tôi nhờ các chuyên gia nước ngoài. Về tim, có Giáo sư Li-bôp; về phổi, Giáo sư Krát-xa-vi-tốp (Liên Xô); về xương, Giáo sư Du-brôp (Liên Xô); về não và thần kinh, bác sĩ Kơ-ma-rô-mư (Hung); về niệu, Giáo sư Rô-đri-guê-dơ (Cu Ba); về X quang, Giáo sư Hen-đơ (CHDC Đức); về gây mê hồi sức, Giáo sư Thưởng (Trung Quốc) và Giáo sư Huy-gơ-na (Pháp).

Trong quá trình xây dựng bộ môn, cũng như các anh em trẻ, tôi cũng trưởng thành nhanh chóng và nhờ đó, có đủ kinh nghiệm và khả năng để lãnh đạo bộ môn vào cỡ lớn nhất của các trường đại học với 350 giường bệnh và trên 60 trợ lý mà một số có trình độ Giáo sư, theo tiêu chuẩn quốc tế. Bộ môn có cả một số phòng xét nghiệm và nghiên cứu.

Hình thức bộ môn ngoại của chúng tôi là một hình thức độc đáo, gần giống giữa hình thức viện của Liên Xô, và tổ chức bộ môn của các trường đại học Pháp. Bộ môn gồm tất cả các khoa chủ yếu của ngành ngoại; nhờ thế, các trợ lý dần dần đi vào chuyên khoa, vừa nắm cơ bản của phẫu thuật chung. Một chuyên gia ở Việt - Đức có thể mổ tim, mổ não hay mổ bụng trong cấp cứu. Sự việc đó đã làm cho một số đồng nghiệp Pháp đến thăm chúng tôi phải ngạc nhiên.

Để các bạn có một ý niệm về công việc của chúng tôi, tôi xin kể lại một vài mẩu chuyện. Vào khoảng 1956, nước Cộng hòa Dân chủ Đức bắt đầu trang bị cho bệnh viện Phủ Doãn, và từ đó đã đổi tên là Bệnh viện hữu nghị Việt - Đức. Các bạn Đức gửi đến bệnh viện Việt - Đức một phái đoàn khá đông để giúp đỡ chúng tôi về chuyên môn cũng như tổ chức. Giáo sư Ri-sa-kiết-sơ làm trưởng đoàn. Lúc ấy, chiến tranh chống Pháp vừa kết thúc, cơ sở vật chất kỹ thuật của ta còn nghèo. Các bạn tuy rất mến chúng ta, song còn nghi ngờ về kỹ thuật mổ xẻ của ta. Dần dần, qua việc làm, đoàn Kiết-sơ bắt đầu đánh giá khả năng chuyên môn của ta, và Kiết-sơ từ đấy đã có một cảm tình vô hạn đối với nước ta, đối với chúng tôi. Đến năm 1968, bị ung thư. Kiết-sơ biết mình không


còn sống lâu nữa, mới tha thiết nhờ Bộ Y tế Đức mời hai vợ chồng tôi qua thăm nước Cộng hòa Dân chủ Đức. Lúc đi chơi, Kiết-sơ cầm tay tôi, ứa nước mắt nói với tôi rằng: "Đây là cuộc gặp gỡ cuối cùng giữa hai chúng ta". Kiết-sơ nhắc lại những kỷ niệm đẹp đẽ ở Việt Nam và cho tôi biết là ông đang cố gắng làm sao, trước khi chết, vận động nhân dân Đức giúp đỡ Việt Nam để tôi có một cơ sở tốt để làm việc.

Trong khi thăm núi rừng thơ mộng chung quanh Dret-xơ-đen, Kiết-sơ và tôi đã cởi mở tấm lòng với nhau. Kiết-sơ nhắc lại sự thay đổi của con người mình, sau cuộc đi thăm Việt Nam. Kiết-sơ nói: "Anh mổ sao mà nhanh thế, làm cho tôi rất lúng túng khi nào mổ trước mặt anh!". Tôi trả lời: "Vì tôi đã rút được nhiều kinh nghiệm quý sau những lần làm việc và mổ với bạn". Kiết-sơ đã tự lái xe hơi đi đêm trên 300 cây số, để sáng sớm hôm sau có mặt ở sân bay Xon-xơ-phi-en tiễn chúng tôi.

Sáu tháng sau, tôi được tin Kiết sơ mất, và trước khi mất Kiết-sơ còn cố gắng viết thư cho tôi, với những nét chữ run run để vĩnh biệt tôi! Cho nên, bây giờ, lòng tôi rất bùi ngùi, khi nghe bài hát Đức: "Tôi có một đồng chí đã mất...".

Các bạn thấy như thế là những người mổ xẻ không phải là không có tình cảm, và tình bạn lưu dương có thể nở hoa trong những phòng mổ xẻ. Phải nói rằng người Việt Nam chúng ta rất dễ cảm hóa người nước ngoài với tác phong cởi mở và tình cảm chân thành, trong sáng của mình.

Năm 1964, mười năm, sau ngày giải phóng Hà Nội, chúng tôi đã hoàn thành kế hoạch hiện đại hóa các khoa của bộ môn. Nhưng chúng tôi còn một việc chưa làm được và làm chúng tôi luôn luôn băn khoăn đó là việc chúng tôi chưa mổ được tim bằng máy "tim - phổi nhân tạo".

Năm 1958, chúng tôi đã bắt đầu mổ tim theo phương pháp kín, nghĩa là không mổ tim ra, mà "đi" vào tim qua một lỗ tự nhiên của nó, cụ thể qua tiểu tâm nhĩ trái. Năm 1963, chúng tôi đã dung phương pháp hạ nhiệt độ của cơ thể xuống 30 độ C để kẹp các mạch máu của tim, rồi mở rộng nhĩ phải. Phương pháp này chỉ cho phép làm việc trong tim không quá năm phút. Vì vậy các anh em trẻ và chúng tôi đều ao ước làm sao được mổ với "tim - phổi nhân tạo". Máy này cho phép mổ tất cả các buồng tim trong hàng tiếng đồng hồ. Mặt khác, quả thật là chúng tôi không "hài lòng" khi các bạn đồng nghiệp nước ngoài đặt câu hỏi: "Các anh đã sử dụng "tim - phổi nhân tạo" để mổ chưa?".

Khó khăn lúc đầu trong việc dùng "tim - phổi nhân tạo" trong kỹ thuật mổ tim không phải là vấn đề vật chất, mà lại chính là vấn đề tư tưởng. Nói chung, ít người tán thành việc này, với những lý do nghe ra cũng có vẻ chính đáng: vì


ta đang có chiến tranh, vì ta chưa đủ máy móc, vì đây là một vấn đề quá phức tạp so với trình độ của ta, vì kỹ thuật này cũng đã chậm rồi...

Thật ra, mỗi vấn đề khi đặt ra đều khuấy động hai luồng tư tưởng: một tư tưởng nặng về bảo thủ, sợ cái mới, sợ cái khó, và một tư tưởng muốn có sự thay đổi tốt đẹp. Anh chị em y tá, bác sĩ trẻ ở bệnh viện chúng tôi thuộc vào luồng thứ hai, trong khi một số đồng chí khác thì nặng về chờ đợi.

Nếu xét kỹ lại những lý do trên thì thấy quả là không chính đáng. Giả sử vì chiến tranh, ta càng phải cố gắng phát minh và phát triển kỹ thuật mới thì mới chiến thắng được. Nếu chưa đủ máy móc, ít nhất cũng có thể mua cái chính, sáng tạo ra cái phụ. Còn nếu quá khó thì ta lại càng phải cố gắng để thử thách khả năng, nâng cao trình độ của tập thể chúng ta, để bằng người ta... Cho nên, những người làm khoa học phải coi trọng hành động hơn là lời nói.

"Tim - phổi nhân tạo" có nhiệm vụ thay thế tim và phổi của người bệnh trong khi mổ. Nhờ đó bác sĩ có thể làm tim ngừng đập và kẹp các mạch máu chính của tim để có thể giải quyết các thương tổn trong tim.

Tim và phổi hoạt động ăn khớp nhau; đưa dưỡng khí vào máu, rồi truyền vào cơ thể. Người ta thay tim bằng những cái bơm đặc biệt và phổi bằng một cái bình đầy dưỡng khí có những đĩa thép xếp với nhau. Khi máu từ tĩnh mạch chủ được đưa vào bình này, các đĩa thép quay đều đặn, máu bám trên các đĩa ấy thành một lớp mỏng, cho phép dưỡng khí thấm vào máu. Lúc ở bình ra, máu đen đã trở thành đỏ tươi, rồi qua một cái bơm được đưa vào động mạch chủ của người bệnh để đi nuôi cơ thể. Như vậy, tuy tim phổi người bệnh đều ngừng hoạt động, nhưng sự tuần hoàn của máu trong cơ thể vẫn được đảm bảo và bác sĩ có thể cắt bỏ, khâu trong tim mà không một nguy hiểm nào cho người bệnh.

Khi mổ tim, tất cả các chẩn đoán phải chính xác, do đó phải có hàng loạt những "kíp" làm việc phối hợp chặt chẽ với nhau. Kíp thông tim đánh giá các thương tổn trong tim, kíp hóa học theo dõi sự thay đổi của máu, dưỡng khí và và huyết sắc tố, kíp theo dõi đông máu, kíp hồi sức theo dõi người bệnh liên tục ít nhất 48 giờ sau khi mổ, kíp chuẩn bị và điều khiển tim – phổi nhân tạo, kíp theo dõi điện tâm đồ và xử trí tức khắc những biến chứng về tim... Mổ với "tim – phổi nhân tạo" là phải làm việc như "dây chuyền sản xuất", biến phòng mổ thành một "xưởng" dày đặc những dây điện ống chất dẻo, thiết bị điện tử...

Để có thể tiến hành mổ trên người, chúng tôi đã phải trải qua một thời gian mổ thí nghiệm trên chó khá vất vả. Nếu mổ 10 con chó và chúng sống được 48 giờ là một dấu hiệu cho biết đã làm chủ được máy móc. Lúc đầu thật là chán nản, chó cứ theo nhau mà chết, vì giống chó bé quá, không chịu đựng được. Về


sau mổ trên chó béc-giê, chúng tôi mới thành công. Ở đây phải nói đến sự đóng

góp tích cực của bác sĩ Tôn Đức Lang phụ trách gây mê hồi sức.

Ngày 5-5-1965, mừng ngày sinh của Bác, chúng tôi đã mổ nữ bệnh nhân có một lỗ thông lớn giữa hai tâm nhĩ. Đó là chị Bảo, 18 tuổi, một thanh niên rất can đảm. Trước đó, chúng tôi có ý định mổ cho chị bằng phương pháp hạ nhiệt độ, nhưng qua thông tim chúng tôi biết là lỗ thông quá to, sợ không thể khâu được trong năm phút. Lần mổ đầu tiên với "tim – phổi nhân tạo" đã thành công! Sau năm năm, kiểm tra lại, chị Bảo vẫn khỏe mạnh.

Chúng ta sử dụng "tim – phổi nhân tạo" như vậy liệu có chậm không? Không đâu! Tuy chúng ta sử dụng loại máy này sau Liên Xô 9 năm, Trung Quốc 5 năm... Sau này tôi mới biết là ở miền Nam, anh em bác sĩ ở vùng mới giải phóng chưa sử dụng phương pháp này, mặc dù các bác sĩ Mỹ và Nhật có đến "biểu diễn" ở Sài Gòn.

Năm 1974, khi tôi qua An-giê-ri, được biết các bạn ở đây đã cử một kíp đi học Mỹ, nhưng sau nhiều cố gắng, họ đã phải ngừng hoạt động. Và tới năm 1974, An-giê-ri mới đặt lại vấn đề sử dụng "tim – phổi nhân tạo".

Có được những thành công này, trước hết phải kể đến sự giúp đỡ vô tư của các nước xã hội chủ nghĩa anh em, Liên Xô, Cộng hòa Dân chủ Đức, Hung-ga- ri... đã giúp chúng tôi những kinh nghiệm quý báu của họ. Một số nhà khoa học tiến bộ Mỹ, qua tổ chức Quây-cơ, đã giúp chúng ta những máy móc và trang bị hiện đại để mổ tim bằng máy. Nhờ những phương tiện hiện đại đó mà khoa mổ tim của bệnh viện Việt-Đức do bác sĩ trẻ Đặng Hanh Đệ phụ trách, hiện nay có thể mổ tim tất cả các trường hợp thông thường, kể cả kỹ thuật thay van tim.

Sau nữa, và đây là yếu tố quyết định, chúng tôi có được một tập thể y tá, kỹ thuật viên và bác sĩ trẻ hăng hái, sáng tạo, biết làm việc ngày đêm và đã thúc giục chúng tôi tiến hành thành công một kỹ thuật rất phức tạp trong thời gian chưa đầy bốn tháng. Đó là những phẩm chất tốt đẹp của người cán bộ y tế xã hội chủ nghĩa hết lòng phục vụ nhân dân.

Chắc chắn bạn cũng thấy rõ trách nhiệm to lớn của một Giáo sư được Đảng giao nhiệm vụ xây dựng một bộ môn sao cho xứng đáng với sự nghiệp cách mạng của dân tộc: làm sao, đi đôi với việc hiện đại hóa về kỹ thuật, phải xây dựng được một lề lối làm việc và một tác phong phù hợp với sự tiến bộ về kỹ thuật đó. Kỹ thuật dù có tiến bộ mấy đi nữa mà con người không chuyển biến về mặt tư tưởng và không làm chủ được khoa học kỹ thuật cũng thành vô dụng. Chúng tôi bắt đầu trong các ca mổ xẻ cấp cứu, đặt nguyên tắc phát hiện sớm đi đôi với việc mổ sớm. Người mổ xẻ có một tác phong khẩn trương đặc


biệt, kết hợp với lời nói. Đã nói là viêm ruột thừa, thì phải mổ ngay một giờ sau, và nếu như tôi nghe vào buổi sáng báo cáo những chẩn đoán cấp cứu, thì bên cạnh đã có giờ mổ chứng minh tính chính xác giữa lời nói và việc làm. Giáo sư bộ môn lâm sàng không phải chỉ để ý vào kỹ thuật mà còn phải chú ý đến tác phong làm việc, và hai mặt này khi nào cũng đi đôi với nhau.

Mổ xẻ phải có kỹ thuật. Kỹ thuật, một khi đã được áp dụng, phải đi thẳng một đường không lệch lạc. Đó là sự đảm bảo an toàn cho bệnh nhân. Người xưa có nói: không bao giờ đổi ngựa lúc sang đông. Kỹ thuật mổ xẻ cũng vậy, không được thay đổi luôn. Đường dao, đường kim, mũi chỉ, khi nào cũng phải giống nhau. Vì vậy, mổ xẻ phải biết chẩn đoán đúng, phải biết đánh giá trước những thay đổi có thể xảy ra để có được quyết định phù hợp với tình huống mới, và tất nhiên, những động tác kỹ thuật không được thay đổi. Nhờ thế, người mổ xẻ giỏi không bao giờ hốt hoảng, lúng túng hay nao núng. Đó là thái độ trong việc thực hiện một kỹ thuật. Nó khác hẳn với thái độ của một người nghiên cứu tìm tòi để đi đến một phát minh. Con đường ở đây, không phải là thằng nữa, mà lại quanh co, đòi hỏi một sự bền bỉ mẫu mực trong thời gian. Như thế, ta thấy ngay hai tác phong khác nhau, trong khoa học: thực hiện một kỹ thuật và nghiên cứu một vấn đề. Tác phong đầu là nhanh nhẹn, đi thẳng vào mục tiêu sớm, lấy thời gian làm tiêu chuẩn; tác phong thứ hai là bền bỉ, mầy mò không kể thời gian, phải biết chờ đợi thời cơ, và phải biết nắm lấy thời cơ. Nếu muốn cụ thể hai hành động này, tôi có thể lấy ví dụ: thực hiện kỹ thuật thì giống như Trương Phi đánh giặc; thực hiện quá trình nghiên cứu, phải giống như Khổng Minh. Ít người trong Tam Quốc lại vừa làm tướng giỏi vừa là quân sư giỏi. Trong ngành phẫu thuật cũng vậy, mổ giỏi và nghiên cứu giỏi ít khi đi đôi với nhau. Đây là tôi nói kinh nghiệm mà tôi học ở các thầy tôi. Có Giáo sư, lúc nào cũng tò mò nghiên cứu, cho nên, trong mổ xẻ, rất là vụng về vì không có một kỹ thuật vững chắc, rõ rệt, khi thay động tác này, lúc đổi động tác kia. Có Giáo sư có kỹ thuật làm giỏi nhưng lúc nào cũng làm như thế, không biết hoàn cảnh bệnh tật, không biết thay đổi sách lược. Chỉ biết mổ giỏi thôi thì không bao giờ có một phát minh quan trọng. Phải biết rõ như vậy để đào tạo các nhân tài tương lai: có người chỉ có thể là những kỹ thuật viên giỏi thôi, nhưng cũng có người tuy vụng tay nhưng lại biết tìm tòi phát minh để thay đổi hoàn toàn bộ máy khoa học, đem lại tiến bộ cho ngành. Vừa biết mổ giỏi, vừa biết nghiên cứu là một sự may mắn ít khi thấy.

Cho nên, bước đầu, sau khi giải phóng Thủ đô, vì kỹ thuật chúng ta còn non, chúng tôi phải xây dựng kỹ thuật, đào tạo những kỹ thuật viên không thua kém các nước ngoài. Khi chúng tôi kiểm tra lại khoảng cách giữa Mỹ và chúng ta: ta mổ tim kín chậm 10 năm so với người mổ đầu tiên ở Mỹ, và lúc ta thành công trong việc sử dụng máy "tim – phổi nhân tạo", cũng phải chậm 10 năm so


với Mỹ. Nhưng chúng ta đã vượt lên để đuổi kịp các nước có trình độ tiên tiến về kỹ thuật.

Tôi đã xây dựng các kỹ thuật chuyên khoa cho ngành mổ xẻ nước ta. Bây giờ đến lúc phải đặt vấn đề nghiên cứu khoa học. Nghiên cứu khoa học nhất thiết không phải đòi hỏi những kỹ thuật cao xa. Nghiên cứu khoa học có nhiệm vụ phát hiện những vấn đề trong công việc. Thí dụ, sau khi nắm kỹ thuật cắt dạ dày, phải xem lại kết quả việc cắt dạ dày của mình đã đem lại gì cho bệnh nhân, cho đất nước; vì các vấn đề khoa học không thể thoát ly khỏi vấn đề kinh tế. Nếu cắt dạ dày cho một công nhân chẳng hạn, mà sau đó họ phải bỏ nghề hay nghỉ việc, thì phải đặt lại vấn đề kỹ thuật cắt dạ dày có cần không, hay là nên thay thế bằng kỹ thuật khác như cắt hai thần kinh mười, một phương pháp có thể áp dụng để chữa loét dạ dày. Dựa vào các kỹ thuật đã làm, xem lại ảnh hưởng của kỹ thuật đối với đời sống con người, đối với tương lai đất nước, đó là nhiệm vụ chính của việc nghiên cứu khoa học, và vai trò quyết định trong xã hội của nó, nhất là trong xã hội xã hội chủ nghĩa.

Nhân đây, tôi phát hiện một nhược điểm khá quan trọng của nhiều cán bộ trẻ chúng ta: làm kỹ thuật vì kỹ thuật, say mê kỹ thuật thuần túy, mà không đếm xỉa đến vấn đề nghiên cứu khoa học tức là nghiên cứu trước hết ảnh hưởng của kỹ thuật vào đời sống con người, đời sống xã hội. Nghiên cứu khoa học trong ngành y sẽ trở thành vô cùng phong phú, nếu chúng ta theo hướng này, vì nó sẽ chứng minh tính chất ưu việt của chế độ nước ta.

Trong thời gian xây dựng kỹ thuật mổ xẻ, chúng tôi tự đặt ra vấn đề là làm sao tìm được những phát minh hay, những công trình có thể làm nổi bật quan hệ đẹp đẽ giữa khoa học và chế độ chính trị, làm sao cho thế giới biết được rằng một nước, vừa ra khỏi một tình trạng áp bức và lạc hậu như nước ta, cũng có thể đóng góp một cách xứng đáng phần mình vào kho tàng kinh nghiệm y học thế giới?

Tôi nghĩ ngay đến các công trình nghiên cứu của tôi về gan. Bây giờ mổ gan của thế giới ra sao? Năm 1952, tại Cô-pen-ha-vơ, thủ đô Đan Mạch, trong một cuộc họp hàng năm của Hội phẫu thuật quốc tế, một hội lớn gồm nhiều nước tham gia, Giáo sư người Pháp, Lót-ta Ja-cốp lần đầu tiên trình bày một phương pháp cắt gan gọi là "có kế hoạch", dựa trên những nguyên tắc kinh điển: tìm các tĩnh mạch, động mạch và ống mật trước khi mổ rồi cắt bỏ một phần gan đi. Phương pháp này đẩy ngay ra rìa các phương pháp cắt gan vu vơ mà người ta biết từ 1872, nghĩa là cắt gan theo diện của u rồi buộc túm những chỗ chảy máu. Phương pháp của Lót-ta Ja-cốp rõ ràng là tiến bộ hơn nhiều được các nhà mổ xẻ công nhận ngay, và từ đấy, chỉ nói đến phương pháp cắt gan có kế hoạch thôi. Trong thực tế, Lót-ta Ja-cốp có tường thuật lại một


trường hợp duy nhât cắt toàn bộ gan phải vì một cái u. Một năm sau, một người Pháp khác, Giáo sư Xê-néc (Sénequa) ở Pa-ri, công bố thêm một trường hợp cắt gan trái, theo những tiêu chuẩn đã định tại hội nghị quốc tế Cô-pen-ha-vơ năm 1952.

Bây giờ, tôi kiểm tra lại phương pháp của tôi đã làm và đã trình bày, năm 1939, tại Pa-ri. Nguyên tắc của tôi đưa ra lúc đó, trong bản báo cáo chung của tôi và thầy tôi, May-ét-me, và trong luận án của tôi (được thưởng Huân chương Bạc của trường Đại học Pa-ri), tôi cũng có nêu những đặc điểm như thế để phân biệt cách tôi làm và cách của các tác giả trước tôi đã làm. Phương pháp của tôi khác phương pháp của Lót-ta Ja-cốp ở chỗ là tôi tìm trong gan qua tổ chức gan bị bóp vỡ, những mạch và ống mật mà Giáo sư Pháp đã tìm ở ngoài gan, đoạn mà người ta gọi là cuống gan.

Nhưng với phương pháp của tôi, năm 1939, tôi chỉ làm được bên trái thôi: bây giờ phải cố gắng làm bên phải. Ngay với phương pháp Lót-ta Ja-cốp, mổ bên phải cũng là rất khó, vì cuống gan phải dài không quá l cm, trong khi cuống bên trái dài đến 4-5 cm.

Qua những công trình của Giáo sư Yoc-sơ-rơ (Hjots-jo), tôi biết có thể mở gan để đi vào trong, qua một rãnh giữa, chạy từ tĩnh mạch chủ dưói đến túi mật. Điểm đặc biệt này là không có một mạch lớn nào đi ngang qua. Cắt ngang rãnh giữa, tôi có thể tìm ngay trong gan, một cách nhanh chóng, cuống phải và cuống trái. Đi ra đường sau nữa, theo bờ phải của tĩnh mạch chủ dưới, tôi có thể tìm và buộc tĩnh mạch gan phải.

Đường dao đã rõ rồi, bây giờ làm sao mổ đừng cho chảy máu. Các công trình của Giáo sư Li-páo-hoa (Trung Quốc) (1960) cho biết nếu chúng ta giảm nhiệt độ bệnh nhân xuống 30°, chúng ta có thể cặp toàn bộ cuống gan ít nhất là 20-30 phút và như vậy mổ sẽ không chảy máu nhiều. Mổ lần đầu tiên, lúc tôi chưa có kinh nghiệm cắt gan phải, tôi đã dùng phương pháp hạ nhiệt độ cơ thể để kẹp cuống gan lâu dài và tránh chảy máu. Mấy năm sau, tôi bỏ phương pháp giảm nhiệt thể nhiệt, vì không bao giờ tôi cặp cuống gan quá 10 phút.

Ngày 7-1-1961, đưa vào bộ môn tôi một bệnh nhân 39 tuổi, tính tình rất vui vẻ, tên là Hải, với chẩn đoán: ung thư xơ phát gan. Anh Hải tha thiết được mổ và động viên tôi mổ vì anh đau nhiều và u nặng quá đè vào dạ dày làm cho anh không ăn không ngủ được.

Ngày 20-9-1961, tôi nhờ bác sĩ Tôn Đức Lang hạ thể nhiệt anh ta xuống gần 30°C, bằng cách cho ngâm vào trong một thùng tắm rồi dần dần bỏ đá vào. Đưa lên bàn mổ, nhiệt độ xuống 32°. Lần đầu tiêu chúng tôi mổ một gan phải với phương pháp của tôi: qua tổ chức gan, sau khi cặp cuống gan, chúng tôi đã


cắt nửa gan phải hết sức dễ dàng, từ 9 giờ 30 đến 9 giờ 36, nghĩa là chỉ trong 6 phút! vết mổ của bệnh nhân chóng liền và 16-10-1961, ra viện. Tôi đã thành công và đã dự đoán trước là phương pháp của tôi sẽ nhanh hơn những phương pháp khác. Và sau đó, chỉ trong một năm tôi đã cắt gan trên 50 trường hợp và đã vượt kỷ lục của Lót-ta Ja-cốp gấp 10 lần.

Bây giờ là đến lúc phải công bố trên các báo chí nước ngoài.

Tôi đăng một bài nói về phương pháp mới của tôi trong báo "Tạp chí mổ xẻ" (Zentrablattfur Chirurgie) của Đức. Bên ta cũng như phương Tây ít ai để ý. Lúc đó, tôi có quen một bà dạy tiếng Anh ở Hà Nội, người Tân-tây-lan. Bà Cúc (Cook) bào tôi: "Anh đưa cho tôi một bài khác để tôi đem qua Luân-đôn nhờ người ta đăng cho". Tôi viết lại một bài khác, vì nguyên tắc thông thường là không được gửi một bài cho nhiều tạp chí khác nhau, và phải gửi những bài khác nhau về nội dung cũng như về hình thức. Ở bài này, với đầu đề "Một phương pháp cắt gan mới", tôi so sánh phương pháp của tôi và phương pháp của Pháp và tôi đưa ra nhận xét là có thể cắt gan có kế hoạch chỉ trong 10 phút. Ba tháng sau, báo "Dao bầu" (The Lancet), một báo hàng tuần thuộc loại nổi tiếng nhất thế giới với số xuất bản hơn một triệu tờ mỗi lần, đăng bài của tôi. Sang tháng sau, có đến một trăm tác giả từ Mỹ đến Úc viết thư xin tôi tài liệu. Báo nổi tiếng của Mỹ: "Báo của Hội y học Mỹ" (The Journal of Americanmedical Association) viết thư cho tôi xin phép được dịch tóm tắt lại, trong khi không quân Mỹ đang ném bom chúng ta.

Báo "Y học báo chí" (Presse médicale) của Pháp gửi thư xin bài. Tôi biết ngay rằng thành công của chúng tôi đã làm chấn động dư luận giới y học thế giới.

Năm 1964, tôi với cụ Di và anh Phạm Ngọc Thạch được cử trong phái đoàn đi thăm Pháp. Đến Pa-ri, tôi tìm thăm khoa ngoại nổi tiếng về mổ gan ở bệnh viện Bi-sa (Bichat) do Giáo sư Hép (Hepp) chỉ đạo. Ông Hép đi vắng, nhưng lúc về, ông ta nhờ Bộ Ngoại giao Pháp mời tôi đến gặp. Giáo sư Hép là một nhà mổ xẻ nổi tiếng, cũng vừa là chuyên viên mổ xẻ cho bệnh viện Mỹ tại Nơi-i (Neuilly). Ông nói ông rất chú ý đến phương pháp cắt gan của tôi, và ông cho đó là một tiến bộ lớn. Ông nhờ tôi biểu diễn ở Bi-sa, và ở đây, tôi bắt đầu làm quen với một người nội trú rất hoạt bát, bác sĩ Bít-muyt, sau trở thành Giáo sư ở bệnh viện Pôn Brut-xơ (Paul Brousse) và người đầu tiên thành công trong việc thay gan cho người ở Pháp. Từ Bi-sa, tiếng đồn đi nhiều nơi và tôi được mời đi biểu diễn ngay ở bộ môn của Giáo sư Lót-ta Ja-cốp. Xuống Boóc-đô, Giáo sư Đác-may-ác (Darmaillacp), Giáo sư Đu-tơ-ro (Deutre) cũng mời tôi đi biểu diễn. Vào cuối năm, tại Viện Hàn lâm mổ xẻ Pa-ri, Giáo sư Đơ-miếc-lô (Domirleau) trình bày trước hội nghị về phương pháp cắt gan của tôi. Giáo sư


về nội khoa nổi tiếng, tên là Ca-rô-li (Caroli), cũng tán thành các công trình của tôi. Tôi có viết một quyển sách "Phẫu thuật cắt gan" in ở Nhà xuất bản Ngoại văn, và cơ quan này đã gửi cho nhà in Mát-xông có tiếng đề nghị lấy 500 cuốn, nhận mình là nhà xuất bản để làm quảng cáo, và đề nghị bán 25 quan một quyển. Đến 1966, cả 500 quyển đều bán hết, và tôi nhặn được rất nhiều thư ở Pháp, ở Mỹ, ở Tây Đức, ở Úc, ở Ý xin mua lại cuốn sách này vì nhà in Mát-xông đã bán hết. Đây là một điều chứng tỏ rằng giới y học quốc tế quan tâm đến quyển sách này, vì lúc tôi đang viết sách, tôi có gửi thư qua Đức, hỏi một người bạn xem có nhà in nào nhận in sách này không, thì bạn tôi trả lời: "Viết về gan ít người mua; Giáo sư Pét-ti-na-ri, người Ý, nổi tiếng ở châu Âu, có viết một quyển sách về cắt gan, nhưng chỉ bán được không đến 50 quyển!". Sau đó, nhà in Mê-đi-xi-na ở Mát-xcơ-va dịch ra tiếng Nga và bán được 2000 quyển. Lúc tôi qua Thụy Điển, tôi phát hiện ra một nhà xuất bản ở Thụy Sĩ có in lại một tài liệu của tôi, mà nhà xuất bản "Tập thư về nội thương và phẫu thuật của Pa-ri" (Encyc lopédiemédico-chirurgicale) đã đặt cho tôi viết, nhưng không xin phép tác giả! Tên tôi bắt đầu được giới y học quốc tế để ý.

Năm 1965, một hội nghị quốc tế về gan họp ở Li-ông. Qua lời khuyên của Giáo sư Hép, Giáo sư Ma-kê Ghi mời tôi qua dự. Tôi không đi được, và nhờ Giáo sư Hép thay tôi đọc bài tham luận của tôi về chỉ định cắt gan dựa trên kinh nghiệm 322 trường hợp, lúc đó cũng đã là con số kỷ lục thế giới. Năm sau, ở La Hay, bác sĩ Bax, một nhà mổ xẻ nổi tiếng về gan ở Hà Lan, giới thiệu phương pháp của tôi cho giới y tế Hà Lan. Ở Tây Đức, Giáo sư Stuych-kơ (Stucke) mời tôi qua Tây Đức thăm và xây dựng một câu lạc bộ của những người cắt gan.

Năm 1970, năm năm sau khi tôi được bầu vào làm ủy viên danh dự của Viện Hàn lâm y học Liên Xô tại Mát-xcơ-va, Viện Hàn lâm phẫu thuật Pa-ri đề cử tôi và bầu tôi là ủy viên ngoại quốc của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Năm 1972, tôi qua mổ gan ở Pa-ri tại khoa của Giáo sư Bi-xơ-muyc (Biemuth) bệnh viện Pôn Bru-xơ; năm 1974, tôi được mời đi mổ ở Na Uy và Thuỵ Điển. Tại Lund, tôi cắt toàn bộ gan phải chỉ trong bốn phút, trước chủ toạ gồm các bác sĩ Thụy Điển, Tây Đức, Đông Đức và Nhật Bản. Vì rét quá, tôi không đi Na Uy. Cùng năm ấy, sau khi biểu diễn ở An-giê-ri, tôi có dự một hội nghị bàn tròn tại Pa-ri, nhân dịp cuộc họp hàng năm của các nhà mổ xẻ Pháp. Trong cuộc họp bàn tròn ấy, các đại diện lên nói về hai phương pháp cắt gan. Tôi cũng có đại diện là Giáo sư Clốt, người Pháp trình bày phương pháp của tôi, và sau đó tôi bổ sung thêm kinh nghiệm của hơn 450 ca mổ.

Thảo luận xong, Giáo sư Vi-a (Viard), chủ tọa cuộc họp tuyên bố: "Phương pháp của ông Lót-ta Ja-cốp, của ông Tùng đều có giá trị như nhau. Nhưng phương pháp ông Tùng rất nên áp dụng vào các trường hợp vỡ gan và


các trường hợp cắt gan khó". Kết luận này khác hẳn với lời tuyên bố của Giáo sư Fông Branh-ta-nô cách đây 35 năm. Và cũng phải mất 12 năm, từ ngày tôi công bố phương pháp cắt gan của tôi trong báo "Dao bầu" ở Luân- đôn, giới y tế Pháp mới chịu nhận phương pháp của tôi như là một phương pháp kinh điển. Từ phát minh đến khi người ta công nhận, đường đi khi nào cũng rất dài vì trong khoa học, một kinh nghiệm mới phải được mọi người thử nghiệm có kết quả đã mới có giá trị, và khi một phương pháp trở thành kinh điển, đó là một vinh dự rất lớn cho người phát minh.

Tại sao tôi đã đạt một con số cắt gan cao như vậy? Sự việc xảy ra là do suy nghĩ của tôi. Tìm ra một phương pháp mới, sau người ta, nếu không vượt xa kinh nghiệm của toàn thế giới thì còn ai tin vào mình được?

Nếu cứ đơn thuần cắt gan vì u, theo kinh nghiệm kinh điển, thì ở nước ta chỉ có u ác tính còn u lành lại rất ít. Tôi phải tìm những chỉ định mới cho kỹ thuật cắt gan. Trước hết chúng tôi đã biết rằng áp-xe gan ở nước ta, không phải chỉ do a-míp như các thầy Pháp đã dạy cho tôi, mà còn có áp xe gan do giun đũa, gọi là áp-xe đường mật. Thời Pháp thuộc ít ai chẩn đoán đúng thứ áp xe này, và phần nhiều, lúc mổ tử thi người ta mới biết. Chúng tôi mô tả lại các triệu chứng và đặt cách chẩn đoán, rồi đề xướng ý kiến phải cắt gan cho những đứa bé bị áp-xe này. Nhờ đó tỉ lệ tử vong đã giảm từ 85% xuống 15% và lúc đầu, chỉ định cắt gan của tôi nặng về áp-xe do giun ở gan.

Chỉ định thứ hai là sỏi trong gan. Nhờ dùng các phương pháp chụp qua X

quang các đường mật, chúng tôi lại tìm thêm một chỉ định cắt gan nữa.

Trong khi làm việc này, tôi phát hiện thêm ra một bệnh mới ở nhiệt đới; đấy là bệnh chảy máu trong ống mật gọi theo tên La tinh là Hê-mô-bi-lia (hémobilia). Bệnh chảy máu trong ống mật của gan được biết từ đời bác sĩ Gli- xen (Glisson), người đã tìm ra bao gan, vào năm 1654 sau một chấn thương vào gan và từ đấy, một số nhỏ bác sĩ đã nhắc lại bệnh ấy, nhưng phải đến 1827, một người Mỹ đã tìm ra một lỗ thông giữa động mạch gan và một ống mật. Mãi đến 1948, một bác sĩ Anli O-uen (Owen) lần đầu tiên mô tả lại bệnh chảy máu trong ống mật do một chấn thương vào gan, làm vỡ gan và gây một ổ máu tụ trong gan.

Năm 1942, lúc còn là bác sĩ trẻ tuổi, trong khi mổ tử thi một phụ nữ bị giun chui vào gan, tôi thấy ruột non đầy máu, nhưng không tìm ra một chỗ loét nào ở dạ dày hay tá tràng. Sau đó, khi mổ những bệnh nhân bị giun lên gan, tôi có gặp một số bệnh nhân chảy máu qua ống cao su dẫn lưu ống mật chủ. Năm 1948, Giáo sư Xăng-blom, người Thuỵ Điển mô tả lại bệnh hê-mô-bi-lia này mà người ta hình như đã quên nó đi. Cũng rất lạ là thế giới hay có những chuyện là cái cũ quên đi rồi về sau lại coi nó là cái mới, và từ báo cáo của Xăng-blom trong y văn thế giới lại xuất hiện nhiều tường thuật về bệnh này


trên những người bị chấn thương ở gan do tai nạn xe cộ.

Năm 1957, tôi gặp lại một bệnh nhân chảy máu như vậy. Lần này tôi quyết tâm chứng minh đây là một hê-mô-bi-lia do giun đũa và nhiễm trùng gây ra. Tôi cắt gan trái đi và đem nghiên cứu mảnh gan ấy. Tôi cho cắt 100 tiêu bản của gan, và trên một tiêu bản chúng tôi đã tìm ra một lỗ rò giữa động mạch gan và một ống mật. Sự việc này chứng minh rằng một bệnh mà người ta cho là hiếm có lại thường thấy ở Việt Nam và tôi đặt cho bệnh ấy tên hê-mô-bi-lia nhiệt đới, để phân biệt bệnh của ta với bệnh tương tự bên Âu Mỹ do chấn thương.

Tôi bắt đầu đăng ở Pa-ri và ở Bon hai bài nói về bệnh này.

Năm 1971, có một cuộc họp của hội Phẫu thuật quốc tế tại Mát-xcơ-va: Giáo sư Pê-trốp-xki bộ trưởng Bộ Y tế Liên Xô, cũng là người bạn mổ xẻ mà tôi đã quen biết từ lâu, mời tôi đi dự. Ở đấy, tôi gặp Giáo sư Xăng-blom. Ông này đã đi tìm tôi khắp hội nghị. Ông ta báo tin cho tôi biết rằng ông đang cho in một cuốn sách về hê-mô-bi-lia mà ông đã vinh dự làm sống lại; ông mong sớm có được tài liệu của tôi để kịp bổ sung thêm vào cuốn sách đó, trong khi nó còn đang in ở một nhà xuất bản Mỹ. Năm 1972, được mời qua Pháp lĩnh bằng uỷ viên Viện Hàn lâm phẫu thuật Pa-ri, tôi trình bày một công trình nói về 114 trường hợp chảy máu đường mật: đó là một kinh nghiệm lớn vì nó chiếm một phần ba con số về kinh nghiệm toàn thế giới.

Hội nghị đã đồng thanh vỗ tay hoan nghênh. Đây là một cử chỉ hiếm thấy tại các buổi họp của Viện Hàn lâm phẫu thuật Pa-ri.

Cũng trong thời gian đó, tôi phát hiện ra nguyên do của một bệnh rất lạ của gan. Đó là bệnh tụ máu dưới bao gan (hématome sous- cap-sulai ree du foie) mà thế giới biết từ 1944 chỉ trên những người đàn bà có thai, bỗng nhiên bị vỡ gan. Một công trình của Mỹ, năm 1943, cho biết là trong y văn thế giới số ca tụ máu dưới bao gan được biết không quá 29 trường hợp. ở Việt Nam việc lạ là bệnh này xuất hiện không phải chỉ trên các sản phụ, mà còn thấy trên cả nam giới nữa. Chúng tôi lập các hồ sơ và phải mất 14 năm theo dõi mới tìm ra nguyên nhân. Đây là những bệnh nhân bị chảy máu trong đường mật, máu đã tụ lại trong gan và dần dần vào dưới bao gan.

Nguyên nhân của bệnh này do giun đũa hay sỏi? Do giun đũa gây ra. Đâu đâu cũng gặp con giun. Tôi gửi đăng trên một tờ báo nổi tiếng ở Pháp, báo Ly- ông phẫu thuật (Lyon chirurgical). Ngay trong khi Mỹ ném bom, tôi được thư của một tờ báo Mỹ "chọn lọc về tài liệu sản và phẫu thuật" (Obstetris and Surgery's Reader digest) xin dịch và đăng lại tài liệu đã đăng trên tờ Ly-ông phẫu thuật. Và mấy tháng sau, hội phẫu thuật Ly-ông, một hội ngang hàng với Viện Hàn lâm phẫu thuật Pa-ri, mời tôi làm uỷ viên (1972).

Bây giờ tôi mới thấy cách mạng có vai trò thúc đẩy tôi trong việc nghiên


cứu khoa học. Càng ngày càng thấy tư thế cách mạng bắt chúng tôi phải đặt lại mọi vấn đề mà theo sách vở kinh điển tưởng như đã được giải quyết rồi. Qua thực tế Việt Nam, tôi đã nhìn thực tế thế giới hơi khác, và việc đó đã giúp cho thế giới thêm khả năng đánh giá lại nhiều vấn đề từ lâu vẫn được coi như là "bất khả xâm phạm". Trong khoa, học mổ xẻ từ xưa đến nay, người ta coi như là húy kỵ việc đụng vào động mạch gan. Người ta cấm tuyệt đốỉ không được buộc động mạch gan. Nhưng qua nghiên cứu về bệnh chảy máu đường mật và thực nghiệm trên chó, tôi thấy có thể buộc được động mạch gan. Công trình của tôi, dựa trên 60 trường hợp cắt gan, làm xôn xao dư luận của các nhà mổ xẻ ở Pa-ri. Cuối cùng, các đồng nghiệp của tôi ở Pháp phải nhận là người ta có thể thắt động mạch gan mà không làm cho bệnh nhân lâm nguy và có thể cứu vãn tình thế trong nhiều trường hợp hiểm nghèo. Hơn nữa, sau đó, Giáo sư Bec- mác, người Thụy Điển, đã một lần cùng tôi đặt ra vấn đề dùng kỹ thuật thắt động mạch gan để kìm hãm phát triển ung thư gan.

Những công việc xây dựng kỹ thuật và nghiên cứu khoa học đều tiến hành trong tình trạng chiến đấu, vì hồi đó nửa nước Việt Nam vẫn chưa được giải phóng. Tôi không nói tới công tác mổ xẻ cho nạn nhân bị thương. Thật ra công việc này đáng lẽ có thể làm rất dễ dàng nếu ngành y tế chúng tôi biết kịp thời phổ biến hai phương pháp mà qua chiến tranh chống Pháp chúng ta đã có kinh nghiệm: cắt lọc và để hở da thịt, tuyệt đối không khâu lại; và dùng bột kín. Anh em dân y chúng ta thường hay vi phạm hai nguyên tắc này. Một điều làm tôi rất không hài lòng là nhiều cán bộ của chúng ta quá lơ là về chuyên môn, không chịu đi sâu nghiên cứu để có những sáng tạo trong hoàn cảnh Việt Nam mà lại hay bắt chước nước ngoài, thiếu sự cân nhắc. Chắc chắn là với đường lối mà Đại hội Đảng lần thứ 4 đã vạch ra, chúng ta sẽ chú ý toàn diện về khoa học, trên mọi mặt công tác và chắc chắn non sông chúng ta sẽ đổi mới.

Tôi muốn kể ở đây một việc mà tôi đã làm, để chứng minh sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng đã giao cho tôi phụ trách. Như chúng ta đều biết, từ 1962, không quân Mỹ đã rải những chất độc xuống các vùng giải phóng ở miền Nam, các đồn điền, rừng núi, mà chúng ta gọi là chất độc diệt cỏ. Ít nhà khoa học, không phải chỉ ở nước ta, mà ngay cả nước bạn chúng ta, tuy có nhiều hiểu biết hơn ta, tin rằng các chất diệt cỏ đó có thể làm nguy hiểm đến sức khoẻ con người, trừ ra các hơi làm chảy nước mắt dùng để chống các bạo động của quần chúng như các hơi CN, CS, DM, mà ngay từ đầu đã được các đoàn điều tra để ý. Năm 1970, chúng ta được những tài liệu gửi từ Mỹ cho biết rằng những chất diệt cỏ như 2,4D, 2, 4,5D có thể gây quái thai trên súc vật và thực nghiệm. Các đoàn điều tra có cho biết nhiễm sắc thể của một số người ở vùng bị rải chất độc ở miền Nam đã có nhiều thay đổi nhưng không biết kết luận ra sao, trong khi các nhà khoa học quốc tế bạn ta, giục chúng ta phải đến họp một hội nghị khoa


học để đưa ra những bằng chứng về tác hại của các chất diệt cỏ. Trong lúc anh em làm việc này, tôi đang tham quan ở CHDC Đức. Bỗng tôi nhận được điện ở nhà gọi về ngay. Lúc tôi về chỉ còn độ ba tuần nữa thì họp, nhưng chưa ai biết làm ăn ra sao. Đây là một thử thách lớn đối với tôi, vì đây là một vấn đề hoá học mà tôi lại là một chuyên gia mổ xẻ. Nhưng Trung ương đặt vấn đề là tôi phải làm việc này cho được, với những chỉ thị rất rõ:

1. Trước hết phát hiện các nguy hại của các chất hoá học.

2. Rồi đề phòng và chữa những bệnh tật do địch đã gây ra.

Bây giờ tôi cần có một cách làm việc và một phương pháp khoa học vững chắc. Kinh nghiệm cho biết, trong chiến tranh Triều Tiên, người ta đã quá vội vàng tố cáo Mỹ đã dùng chiến tranh vi trùng, nhưng không ai đưa ra được một bằng chứng nào cả. Và tôi cũng biết là Giáo sư Jô-li-ô Quy-ri đã bị công kích dữ đội vì đã tố cáo quá vội vã Mỹ dùng chiến tranh vi trùng ở Triều Tiên. Trước hết, tôi đặt cho tôi vấn đề cốt yếu như sau: tôi có tin vào công tác này không, nếu không, thì nên xin thôi nhiệm vụ. Kiểm tra các tài liệu gửi từ Mỹ qua, tôi thấy có vấn đề. Bây giờ tôi xem lại kết quả về nhiễm sắc thể. Tôi có đặt trong bộ môn của mình một cơ sở nghiên cứu về nhiễm sắc thể trên một số em bé Việt Nam và lúc bác sĩ Bạch Quốc Tuyên, phụ trách phòng này đi Pháp học về khoa máu, tôi có nhắc anh học thêm về di truyền và trước khi về nước anh đã học thêm được một năm ngoài chương trình của Bộ Y tế giao cho; nhờ đó chúng tôi đã tìm ra những thay đổi nhiễm sắc thể trên các nạn nhân ở các vùng bị Mỹ rải chất độc hoá học. Xem lại các tiêu bản, tôi nhận thấy có những dị dạng quả không bình thường về nhiễm sắc thể, và tôi đặt ra phương pháp làm việc như sau: kiểm tra lại các kết quả này qua những nhà chuyên môn lão luyện mà chúng ta không có. Bấy giờ cũng may mắn là các bạn quốc tế xin hoãn cuộc họp thêm một tháng nữa nên chúng tôi có đủ thời gian để kiểm tra việc này. Chúng tôi thấy tốt nhất là mời một đoàn chuyên gia nước ngoài sang giúp chúng tôi, vì chính một người Mỹ gốc Trung Quốc, Giáo sư H'su, đã tìm ra phương pháp duy nhất để nghiên cứu các nhiễm sắc thể. Trước đó, người ta không biết cách đếm các nhiễm sắc thể của các tế bào. Giáo sư H'su đã nghĩ ra phương pháp phá vỡ màng bao của nhân tế bào bằng cách bóp bằng hai ngón tay mảnh kính và la-men giữa có tế bào. Các nhiễm sắc thể sẽ làm vỡ màng bọc của nhân, và người ta có thể đếm và mô tả được tất cả các nhiễm sắc thể.

Trong khi chờ đợi phái đoàn chuyên gia nước ngoài, chúng tôi cho kiểm tra và đánh giá lại tất cả các hiện tượng lâm sàng đã tìm thấy trên các nạn nhân ở các vùng bị rải chất độc. Trước hết, có hiện tượng nổi bật lên: các phụ nữ có thai ở các vùng này thường bị sảy thai và đẻ con hay bị chết. Một mặt nữa, nhân dân có cho biết là ở các vùng ấy, heo, bò, cũng sảy thai hàng loạt, và gà về sau không đẻ trứng nữa. Các hiện tượng này thuộc loại hiện tượng giới y


học đã theo dõi từ lâu: mỗi khi tự nhiên ở một vùng mà có sảy thai hàng loạt trên người và trên súc vật phải nghĩ đến một ô nhiễm do phóng xạ hay do các chất tác động như phóng xạ (radimimetic). Tôi thấy có vấn đề ở các chất hoá học.

Đoàn chuyên gia y tế Trung Quốc đến và đặt ra nguyên tắc làm việc (đây là cách làm cổ điển): phải cho cấy tế bào Lem-phô, và khi xem qua kính hiển vi, phải có ba chuyên môn về nhiễm sắc thể (họ có hai, ta có một, như thế là đủ). Nếu có một dị dạng thì phải có sự đồng ý cả ba người, và như thế, không có các tiêu bản nghi ngờ. Xem xong, phải chụp ảnh để chiếu lại, và để tập thể duyệt lại. Như thế là anh em ta phải làm việc ngày đêm vất vả. Sau 3 tuần làm việc, đoàn y tế Trung Quốc lúc đầu còn dè dặt, nhưng sau các cuộc kiểm tra lại, đều nhất trí đồng ý với ta. Giáo sư Bối Thừa Chương nói với tôi: "Nếu không có một chất hoá học gì lạ, thì không sao cắt nghĩa các dị dạng nhiễm sắc thể như thế này được!". Đoàn chúng tôi lên đường đi Pa-ri. Ngày 12-12-1970, chúng tôi họp với các đoàn quốc tế tại một giảng đường Đại học Đoóc-xây (d' Orsay). Cuộc họp rất sôi nổi. Ngay trong hội nghị đã xuất hiện một phe chống đối. Một Giáo sư đại học Pa-ri cho là báo cáo của Việt Nam thiếu khoa học. Cuối cùng, nghị quyết cũng giống như những nghị quyết khác chống chính phủ Mỹ, nhưng Mỹ đã biết phản công và đã gây một không khí nghi ngờ về sự thiệt hại của các chất hóa học. Trái lại, về phần tôi, tôi rất tin là đã sờ đúng vào chỗ cảm ứng của đối phương nên mới có một phản ứng mạnh. Người ta sợ sự thật! Những lý lẽ chống đối rất yếu đuối; kể cả lý lẽ của Giáo sư Pháp chống lại các kết luận của chúng tôi. Tôi thấy ông ta thiếu hiểu biết nhiều về vấn đề cơ bản của hoá học và di truyền học. Tôi liền bàn với người bạn lâu năm của tôi, Giáo sư Bửu Hội, cách làm việc. Trong những chất đã rải, chất nào thật sự là nguy hiểm? Các bạn Pháp nghiêng về hơi CS, một số hướng về các chất diệt cỏ: pi- clô-gam, 2, 4D, 2, 4,5T. Bửu Hội và tôi đồng ý trên điểm này: chất nguy hiểm là chất gì, có thể tồn tại lâu dài trong thiên nhiên và chỉ có chất đi-ô-xin thôi. Tôi nhờ Bửu Hội nghiên cứu tập trung vào khả năng gây ung thư của chất đi-ô- xin, còn tôi thì lo tìm về loại ung thư nào trên lâm sàng đã phát triển nhiều và tôi nhờ Bửu Hội giới thiệu tôi với Giáo sư người Mỹ, Mê-xen-son (Meselson) ở khoa hoá sinh, trường Đại học Ha-vớt (Harvard). Mê-xen-son bắt đầu liên lạc với tôi, và sau đó là Giáo sư Phep-phơ (Pfeiffer), Giáo sư Gan-xton (Galston), Giáo sư Du-an-đơ (Wald) giải thưởng Nô-ben (Wald), toàn thuộc kíp của Đại học Ha-vớt. Trong việc giúp đỡ tôi về tài liệu và nghiên cứu, các Giáo sư Mỹ đã tỏ ra rất thông cảm. Lần lần tôi xây dựng được một màng lưới thông tin về chất đi-ô-xin ở Mỹ, ở Pháp, ở Anh và Thuỵ Điển. Ở Thuỵ Điển, tôi đã có một tổ chức của các bác sĩ trẻ tuổi ở trường Đại học Lun (Lund), tích cực ủng hộ và cộng tác với chúng tôi.


Đầu tiên, kíp Bửu Hội phát hiện ra là chất đi-ô-xin có tác động đến các men trong gan giống như những chất hóa học gây ung thư, như là benzô (a) pyren, mê-ty-clô-lan-tren v.v... và gây một phản ứng mạnh mẽ và lâu dài đối với một số lớn ăng-zim (enzym) hay là men. Sau công trình của Bửu Hội, rất nhiều kíp Mỹ khác, cũng tìm ra kết quả như vậy. Kíp Thuỵ Điển ở Xtốc-khôm phát hiện ra: đi-ô-xin gây nhảy giống ở nhiễm sắc thể các vi trùng. Đó là một chuẩn hiện nay dùng để phát hiện các chất hoá học có thể gây ung thư.

Vì chất đi-ô-xin nhằm mục tiêu vào tế bào gan. Qua kiểm tra các ung thư ở miền Bắc, tôi thấy ung thư gan từ hàng thứ 8, trước 1962, lên hàng thứ hai, sau 1962, và số tăng này có giá trị về thống kê. Trong số người bị ung thư gan, tôi phát hiện (một cách không phải dễ dàng, vì nhiệm vụ công tác trong Nam, gọi là đi B, là một nhiệm vụ được giữ kín một cách rất chu đáo) rằng một số người ở các vùng bị rải chất độc bị theo dõi là viêm gan, lúc trở về Bắc, cuối cùng, bị ung thư gan.

Đây là một thí dụ điển hình: ở một trung đoàn tên lửa, đóng ở một vùng bị nhiều lần rải chất 2, 4, 5T, ba cán bộ chỉ huy và kỹ sư trưỏng điện tử, đều bị ung thư gan, còn anh em ở đơn vị đó tôi không được biết tin tức.

Lúc đó, ít ai để ý đến công trình của chúng tôi và chất đi-ô-xin, nhất là trong nước, người ta tưởng đây là một kiểu "tố cáo tội ác" không có giá trị khoa học. Đây là một sai lầm nghiêm trọng về tâm lý của người làm công tác khoa học. Người làm công tác khoa học khó có thể say sưa với những công việc mà mình không tin tưởng. Chúng tôi nhận thấy chất đi-o-xin là một nguy cơ thật sự cho nhân loại.

Vào tháng 8 năm, 1976, tại một xí nghiệp hoá học ở Xê-vê-xcô (Sevescô), ngoại ô thành phố My-lan (Ý), một ống lò bị rò và một đám mây hoá học có chất đi-ô-xin (độ 5 kg) đã bay vào không khí và toả ra trên bầu trời Xê-vê-xcô. Các chim, chó, mèo, bọ ngựa chết ngổn ngang. Trẻ con bị da đỏ như là sốt ban, một vài người chết ngay. Dư luận Ý rất xôn xao, và các nhà khoa học liền cho máy tính điện tử nhớ lại các công trình đã viết về đi-ô-xin. Đối với người, ngoài tài liệu cũ nói vể mụn ở da mà người ta biết từ lâu, chỉ hai tài liệu đăng ở Pa-ri nói về các biến chứng trên người. Đó là hai tài liệu của Việt Nam. Chính phủ Ý đã cho hỏi ngay ý kiến tôi, qua đại sứ quán Ý tại Hà Nội, về thảm hoạ xảy ra ở Xê-vê-xcô.

Tôi có đặt hai vấn để chính:

1. Chú ý về các hình thức suy gan.

2. Phòng ngừa các dị dạng bẩm sinh đối với các phụ nữ nằm vào tháng thứ hai của thời kỳ thai nghén. Và chúng tôi có đề nghị: nếu tìm thấy những thay đổi về nhiễm sắc thể của người mẹ, nên cho phép phá thai. Những phỏng đoán của chúng tôi có hiệu quả, và cuối cùng, theo tin tức báo chí, chính phủ Ý


đã hành động theo đề nghị của chúng tôi. Một Giáo sư người Ý về môi trường, đến thăm tôi, đã nói: "Nhân dân Ý rất biết ơn ông, vì nhờ những công trình của ông, chính phủ đã cho di cư 15.000 dân ở Xê-vê-xcô và đã tránh được nhiều tang khốc". Nếu công trình của chúng tôi không có giá trị thì không có một chính phủ nào lại bỏ một số tiền lớn để di cư 15.000 người một lúc! Ít nhất, đau khổ của nhân dân Việt Nam cũng đã cứu được một số sinh mạng cho một dân tộc khác, và các nhà khoa học Việt Nam, trong những điều kiện hoàn toàn cô lập với thế giới bên ngoài, lúc chiến tranh cũng đã làm tròn nhiệm vụ của mình, và cũng chứng minh sự trưởng thành của mình qua cuộc đấu tranh giành độc lập và thống nhất đất nước.

Người trí thức thường chịu ảnh hưởng của mọi thay đổi chính trị: việc thống nhất đất nước đã làm cho tôi suy nghĩ nhiều về nhiệm vụ và tương lai của một dân tộc hiện nay về số dân đứng hàng thứ ba trong các nước xã hội chủ nghĩa. Bây giờ chúng tôi thấy không còn thỏa mãn với những phương hướng mà Bộ Y tế ta trước đây đã đề ra cho miền Bắc. Sau đại thắng vẻ vang của dân tộc ta, tôi lại thấy trách nhiệm của những người làm công tác y tế là phải làm sao cho nền y tế nước ta không bị phụ thuộc vào nước ngoài.

Đất nước còn nghèo và chủ nghĩa thực dân mới đã để lại cho chúng ta những hậu quả tai hại. Có rất nhiều công việc phải làm. 50 triệu người cần được bảo vệ sức khoẻ; bệnh tật do chiến tranh và nghèo túng để lại cần được chữa ngay. Nếu người làm công tác khoa học mà chỉ nghĩ đến những công trình xa xôi mà không biết cái vinh dự phục vụ cho sự nghiệp quần chúng, thì thật là một tang khốc cho đất nước.

Vì vậy tôi nhớ lại chỉ thị của Thủ tướng Phạm Văn Đồng về chiến tranh hoá học: "Làm sao chữa chạy cho nhân dân đã bị tác hại của các chất hóa học", tôi nghĩ đến số ung thư gan đã tăng quá nhanh trong mấy năm nay. Tôi đặt ra nhiệm vụ: với những thuốc của Việt Nam, cô gắng chữa chạy cho các bệnh nhân bị ung thư gan. Đây là bước đầu để tấn công vào thành trì vô cùng bền vững của bệnh ung thư nói chung.

Hiện nay có nhiều kíp của bộ môn chúng tôi đang lao vào nghiên cứu đề tài này. Bệnh ung thư gan ở vùng Á Phi khác hẳn với ung thư ở Âu Mỹ. Ở châu Âu và châu Phi, đó là những ung thư xuất phát ngay từ gan rồi mới ăn lan các cơ quan khác: ung thư ở Âu Mỹ là do một di căn từ một ung thư khác đến. Nhưng dù sao khi ung thư đã vào gan, thời gian sống còn rất ít. Ung thư gan ở nước ta, cũng như ở các nước Á Phi, không dài quá 6 tháng từ khi vào nằm viện.

Ngay mổ xẻ cũng đưa con số người sổng quá năm năm sau mổ (đó là tiêu chuẩn quốc tế) không có nhiều lắm và một tài liệu Mỹ năm 1971 cho biết từ năm 1905 đến năm 1970, người ta đếm được qua báo chí số người có ung thư


gan được cắt đã sống sau khi mổ ba năm là 77 trường hợp, và 5 năm là 45 trường hợp. Một tài liệu khác của Mỹ cũng cho biết rằng từ 1947 đến 1971, chẩn đoán đúng ung thư gan sơ phát đã tăng từ 37% đến 89% nhưng tử vong của ung thư gan sơ phát không thay đổi gì cả, và tài liệu có ý nói rằng chẩn đoán sớm hay muộn không đem lại một thay đổi gì về điều trị, vì điều trị còn lạc hậu quá!

Đó là số phận của các bệnh nhân bị ung thư gan đã được cắt. Nhưng trên 80% đến 90% bệnh nhân, lúc mổ ra, ung thư đã lan ra cả hai thuỳ gan, và người bác sĩ chỉ có biết đóng bụng lại thôi, không cắt bỏ được. Vì vậy, vấn đề đặt ra hàng ngày là làm sao chữa các ung thư gan sơ phát đã ăn lan cả hai thuỳ. Cách đây vài năm, người ta đặt rất nhiều hy vọng vào phương pháp chữa bằng các chất hoá học diệt tế bào ung thư. Nhưng kết quả đến nay vẫn còn mờ mịt. Đây là một vài con số thống kê ở các nước tiên tiến.

Trước hết các bác sĩ Nhật có rất nhiều kinh nghiệm về việc chữa ung thư gan bằng hóa học. Năm 1973, một trung tâm ung thư Nhật cho biết có chữa 39 bệnh nhân bằng hóa học thì 7,69% sống quá 6 tháng và không có ai sống đến 1 năm! Một bệnh viện chuyên khoa ở Hồng Kông cũng làm như vậy; 7,06% sống quá 6 tháng, 3,03% sau 1 năm, và không có ai sống đến 2 năm. Một tác giả Mỹ ở châu Phi (U-gan-đa), dùng một chất hoá học mới nhất và có hiệu lực nhất, đã đạt những con số như sau 21,42% sau 6 tháng; 6,66% sau một năm; không có ai đến 2 năm.

Như thế, chữa ung thư gan ở Việt Nam không phải là lý thú lắm. Mổ xẻ không được, hoá học không tốt và cũng không có tiền để mua vì đắt quá. Chỉ còn dựa vào sức mình mà thôi!

Dùng phương pháp gì, dùng thuốc gì, là hai câu hỏi mà tôi phải có giải đáp. Qua báo chí nước ngoài, tôi biết có một hướng mới trong việc điều trị ung thư; đó là phương pháp tăng cường miễn dịch, kích thích miễn dịch của bệnh nhân để bệnh nhân tự mình có khả năng diệt các tế bào ung thư đang hoành hành trên cơ thể. Cách điều trị này thể hiện tinh thần tự lực tự cường của ta cho nên tôi có ngay cảm tình đối với phương pháp ấy. Hiện ở Pháp, tại Pa-ri, có 2 cơ sở đang nghiên cứu vấn đề này: ở bệnh viện Brut-xe, tại bộ môn của Giáo sư Ma-tê (Mathé). Năm 1972, tôi vào thăm các cơ sở đó và có nói chuyện lâu với Ham-pét và Ma-tê. Tôi bắt đầu có hướng cho phương pháp mà tôi sẽ dùng.

Dùng thuốc gì mà ta có thể sản xuất được? Chúng tôi có khả năng dùng thuốc bài lao kinh điển BCG, một thứ vi trùng về lao bò, mà các nhà khoa học Pháp đã nuôi dưỡng từ lâu để có thể dùng làm một kháng nguyên không nguy hiểm. Ta đã sản xuất được BCG rồi. Dần dần tôi lấy thêm được các vi khuân khác có tác dụng như BCG, giả sử vi trùng của thực vật Coryne-becteriumpát- vmn, Ba-ci-lút mê-ga-tê-ri-um. Tôi có đi gặp anh Nguyễn Đăng Tâm, một nhà


hoá học có tài, học trò của Bu-tờ-năng người Đức được giải thưởng Nô-ben. Anh ta giới thiệu với tôi một thứ thuốc sản xuất bằng tổng hợp hoá học mà anh đặt cho ký hiệu L.H.I (Lạc Hồng I). Anh Tâm nói thật với tôi rằng anh không biết cách hoạt động của thuốc này, không biết khả năng độc của nó, chỉ biết nó có thể kích thích miễn dịch. Qua mấy năm trời, trên thư từ, anh Tâm và tôi trao đổi có nên công bố công thức của thuốc này không. Anh Tâm chủ trương không nên công bố để sau có thể lấy được độc quyền, còn tôi chủ trương nên công bố, vì người khoa học chân chính, trừ những bí mật quốc gia hay quốc phòng, thường có truyền thống không giữ kín những phương pháp của mình, và nguyên tắc cơ bản về khoa học là ai cũng có thể kiểm tra ai, và khi nào công bố một kết quả phải công bố luôn phương pháp nghiên cứu. Đó là thái độ của gia đình nhà bác học Quy-ri và bao nhiêu bác học khác. Cuối cùng anh Tâm đồng ý và tôi có thể nói qua cơ cấu của thuốc L.H.I. Nó là kết quả của sự ghép vào công thức một chất cót-ti-cô-xtê-rô-ít một rễ của một a-xít-a-mi-nê khác. Khi ghép như vậy, tính chất làm ức chế miễn dịch sẽ tiêu tán đi, và ta có thể dùng thuốc này chống ung thư một cách có lợi, không có nguy hiểm như lúc dùng cót-ti-cô-xtê-rô-ít đơn thuần. Dần dần khả năng tìm tòi về các thuốc tăng miễn dịch được tăng lên gấp bội, với những bác sĩ và dược sĩ trẻ tuổi mà chúng ta gửi ra nước ngoài nghiên cứu. Chúng tôi thiếu cả chỗ làm việc. Về phương tiện làm việc, tuy rất hạn chế, chúng tôi có thể xoay xở được qua những bạn bè công tác ở nước ngoài. Thật sự, những công việc to lớn như thế này không thể chỉ làm trong nước. Ngoài cơ sở anh Tâm, ngoài cơ sở Bửu Hội (mà cái chết bất ngờ của ông năm 1972, đã làm cho tôi như mất một cánh tay) tôi còn quan hệ với một số giảng sư nghiên cứu tại Pa-ri như bác sĩ Xa-lô-mông, một chuyên gia về cách chữa ung thư thực nghiệm bằng BCG tiêm tại chỗ, ở viện nghiên cứu khoa học về ung thư tại Vi-lơ-juif; bác sĩ Xa-lô-mông vừa rồi có qua thăm bệnh viện chúng tôi và đã làm việc trong hai tuần với tôi. Tại Thụy Điển, tôi có quan hệ mật thiết với viện Ka-rô-lin-xka nổi tiếng qua Giáo sư Kla-in và vợ, để tìm vi-rút có thể có trong ung thư người, với một số viện khác ở Lun qua tổ chức nghiên cứu vì Việt Nam, hiện nay vẫn còn hoạt động. Như thế, tôi đã xây dựng được một màng lưới thông tin, trước hết là qua sách báo, đặc biệt là các báo khoa học chứ không phải y học, vì những tin mới nhất về ung thư nằm trong các báo này; sau này qua thư từ và có khi phải nhờ máy tính điện tử để đánh giá tình hình của một vấn đề mới. Một người nghiên cứu như tôi hiện nay không thể chỉ là một nhà mổ xẻ, mà còn phải biết sinh vật học, hoá học và vật lý nữa. Tính chất bao quát của mọi vấn đề ngày càng bao trùm lên các vấn đề nghiên cứu khoa học, và một thanh niên chuẩn bị đi vào khoa học phải nắm vững những kiến thức ấy.

Làm sao nghiên cứu ung thư trên người? Phải có một phương pháp khoa


học vững chắc, chứ không phải là một vấn đề kỹ thuật. Lúc tôi đặt ra vấn đề nghiên cứu một phương pháp miễn dịch chữa ung thư, một số anh em trẻ cho là không làm được vì thiếu phương tiện hiện đại. Nói đến miễn dịch thì ai cũng nghĩ đến máy móc tinh vi: siêu ly tâm, phòng lạnh, nuôi cây tế bào, kính hiển vi điện tử, v.v...

Thảo luận với kíp nghiên cứu, tôi chỉ dẫn rằng: đối với một thứ thuốc, một phương pháp chữa ung thư trên người, người nghiên cứu cần các tiêu chuẩn áp dụng trên vật. Đối với người bị ung thư, nếu một phương pháp nào, hay một thuốc nào chữa cho nhiều bệnh nhân sống quá 5 năm, đó là tiêu chuẩn chắc chắn nhất về hiệu nghiệm của cách chữa. Nếu tuổi thọ sau khi chữa không dài lắm, nên dùng phương pháp thống kê giữa một nhóm chứng và một nhóm được chữa theo phương pháp đề ra, hay là dùng phương pháp toán gọi là tình cờ (random) giữa hai cách điều trị trên một số người nhất định. Như thế, nên dùng phương pháp lâm sàng để theo dõi bệnh nhân có thể nói là tốt hơn cả các xét nghiệm. Một bệnh nhân ung thư mất ăn, mất ngủ, xuống cân vì đau, sau khi chữa, hết đau, lạỉ ăn ngon, ngủ được, lên cân, đó là tiêu chuẩn tốt nhất để đánh giá tác dụng tốt của thuốc. Và nếu như u gan biến mất đi trong thời gian theo dõi đó là một triệu chứng rất khích lệ.

Chúng tôi bắt đầu áp dụng các thuốc miễn dịch theo kinh nghiệm Pa-ri; chúng tôi cho tiêm vào nội bì thuốc LHI hay BCG. Kết quả không có gì rõ rệt lắm. Một hôm, có một phụ nữ, em một bác sĩ ở bệnh viện Xanh-pôn đến cầu cứu tôi, vì chị sờ thấy một u to tướng ở vùng thận phải. Chị đau dữ dội, không đi được, không ngủ được. Trước tình trạng khẩn cấp như vậy, tôi thay đổi phương pháp: tôi cho tiêm vào thịt, chứ không tiêm vào nội bì như trước. Hai tháng sau, u đã biến mất, chị đi lại bình thường và trở lại công tác. Nhờ đó, tôi biết thuốc LHI có tác dụng tốt nên tiêm vào thịt. Tôi cho áp dụng cách chữa này cho 12 bệnh nhân bị ung thư gan sơ cấp. Những kết quả của 2 tuần đầu thì tốt cho 50% bệnh nhân. Họ ăn, ngủ được và lên cân lại. Nhưng u gan không nhỏ đi, trừ một trường hợp. Vì thấy tốt, các bệnh nhân không chịu mổ và sau xin ra viện. Qua tin tức lấy được, không có bệnh nhân nào sống quá 6 tháng.

Tôi bèn đổi phương pháp. Tôi được biết là Giáo sư Ma-tê, chỉ dùng miễn dịch sau khi đã dùng hoá học với những bệnh ung thư máu cấp tính, khi nào mà sô tế bào ung thư đã giảm xuống thấp một cách đáng kể. Tôi là một người mổ xẻ, tôi có cách làm giảm đi rất nhiều số tế bào ung thư gan bằng cách buộc động mạch gan hay cắt bỏ bộ phận lớn ung thư đi, để lại những di căn nhỏ.

Ngay về mổ xẻ, cũng phải làm cách mạng. Giới y học cấm tuyệt đối không cho buộc động mạch gan, vì họ cho rằng sẽ bị thối. Kinh nghiệm chúng tôi và của Giáo sư người Thụy Điển lại khác: có thể dùng cách buộc động mạch gan để diệt đường nuôi dưỡng của các tế bào ung thư, và làm nhỏ các u


đi. Còn về vấn đề cắt một phần gan có nhiều tổ chức u đi và để lại phần còn ít bị xâm nhập thì các bác sĩ từ trước đến nay, chưa có ai dám làm như thế cả vì hai lý do: trước hết, với phương pháp Lốt-ta Ja-cốp không thể cắt những gan đã bị ung thư ăn lan rộng ra; có một u gan phải mà tôi cắt đi nặng đến 4,200 kg, hơn một em bé sơ sinh Việt Nam! Chỉ có phương pháp của tôi mới có thể cắt được các u gan dù nó ở đâu trong gan, dù nó đã lan đến đâu. Sau nữa, người ta rất sợ phạm một ung thư mà không lấy toàn bộ đi, vì các tế bào ở những tổ chức ung thư còn lại sẽ chạy vào tuần hoàn, vào các tĩnh mạch, rồi di căn ngay vào phổi. Điều đó, chúng tôi không lo vì lý luận cho phép chúng tôi nói rằng: các tế bào lem-phô loại I sẽ "ăn thịt" các tế bào ung thư di căn, nếu chạy ra khỏi u.

Nhân đây tôi cũng nói qua về cơ cấu miễn dịch chống ung thư. Lý luận này mới có từ vài năm nay đây thôi. Trên một người bình thường, nếu có những tế bào ung thư xâm nhập vào người, tức khắc các cầu trắng trong máu được báo hiệu, đặc biệt là các lem-phô (hay lâm ba cầu). Có hai thứ lem-phô: loại T sinh sản từ tuyến ức (thymus), và loại B sinh sản trên người từ các hạch ở ruột non. Loại T thuộc về loại "ăn thịt" một cách trực tiếp, hay một cách gián tiếp, qua trung gian của những tế bào to lớn gọi là ma-crô-pha-giơ (macrôphage). Loại B sinh ra các kháng thể chống các tế bào lạ như tế bào ung thư. Các kháng thể sẽ bám vào tế bào ung thư, và nhờ chỗ bám ấy, các lem-phô T sẽ đến cùng với một chất của máu gọi là "phụ" (complément) xuyên qua màng tế bào ung thư và làm tan vỡ nó đi.

Như vậy, trong túi cẩm nang điều trị ta có hai cách:

1. Hoặc là buộc động mạch gan xong rồi cho tiêm chất LHI hàng tuần, hàng tháng và hàng năm. Qua sự theo dõi của bệnh nhân, chúng tôi biết rõ ràng chất LHI không có ảnh hưởng gì đến hồng cầu của bệnh nhân, hay là yếu tố đông máu.

2. Hoặc là cho cắt phần gan bị ung thư ăn nặng, để lại phần tương đối ít xâm nhập, xong rồi cũng như trên cho tiêm thuốc LHI. Hai phương pháp này có những kết quả hết sức tốt đẹp, nhưng phương pháp cắt gan + LHI đem lại kết quả tốt nhất.

Năm 1972, bác sĩ Xa-lô-mông bắt liên lạc với tôi và giới thiệu cho tôi phương pháp mới tìm của bác sĩ Mỹ Zba-rơ (Zbar) rất có hiệu nghiệm trên súc vật. Zba-rơ đã ghép những u gan trên chuột và đã cho tiêm ngay BCG vào u. Sau đó mấy tuần, u này tan mất. Xa-lô-mông đặt vấn đề tiêm vào u trên người để chữa ung thư gan.

Chúng tôi bắt tay vào việc, sau khi đã nắm tất cả các nguy hiểm hay lợi hại của chất BCG. Tiêm vào khối ung thư gan trên 12 người, chúng tôi thấy có một ít kết quả đối với nhóm chứng 1: sống quá 6 tháng có 8,33%, trong khi ở


nhóm chứng 2 không ai sống quá 6 tháng.

Với BCG, tôi đặt lại vấn đề như với LHI: phải giảm bớt số tế bào ung thư cùng một lần tiêm BCG vào u. Lần này tôi có: 33,3% sống quá 6 tháng, và 3,22% quá 1 năm, trong khi trong nhóm trước có BCG không buộc động mạch gan, không có ai sống trên 1 năm. Có tiến bộ nhưng chưa bằng các kết quả mà tôi đã được với LHI.

Bây giờ đặt ra vấn đề nên phối hợp các thuốc chống miễn dịch với nhau, và nghiên cứu, chúng tôi thấy tốt nhất là phối hợp cắt gan hay buộc động mạch gan với tiêm BCG tại chỗ, và tiếp tục lâu dài tiêm LHI.

Đây là kết quả mới nhất của kíp Việt- Đức trên 300 ca:

1. Nếu dùng phương pháp buộc động mạch gan cộng với BCG tại chỗ và LHI tiêm vào thịt lâu dài, chúng có những kết quả sau:

Sống quá 1 năm: 18%

Sống quá 2 năm: 4,5%

Sống quá 3 năm: 3%

2. Nếu dùng phương pháp cắt gan để giảm bớt u đi, cộng với BCG tại chỗ và LHI tiêm lâu dài, kết quả là:

Sống quá 1 năm: 24%

Sông quá 2 năm: 12%

Sống quá 3 năm: 9%

Sống quá 4 năm: 6%

Sống quá 5 năm: 6%.

Trong khi các tác giả nước ngoài với những trường hợp tương tự thì sống quá 1 năm chỉ có từ 3,03% đến 6,66%. Những con số đó đánh giá tiến bộ của chúng ta trong việc điều trị ung thư gan sơ phát.

Qua những nghiên cứu sơ bộ từ năm 1972 đến nay, chúng ta thấy có những kết quả đẹp đẽ trên là nhờ sự cố gắng tự lực tự cường của chúng ta trong vấn đề chữa một bệnh hiểm nghèo, mà ngay ở các nước tiên tiến còn bế tắc.

Tháng 5 năm 1978, tôi được Bộ Ngoại giao và cộng đồng Anh mời đi tham quan các cơ sở Y tế của nước Anh.

Từ thời Mỹ ném bom miền Bắc, tôi đã có một quan hệ tốt với giới Y tế Anh. Hội giúp đỡ y tế cho Việt Nam của nước Anh lúc mới đầu hoàn toàn làm việc trực tiếp với chúng tôi, và tôi đã đánh giá cao cách làm ăn nhanh chóng và rất có hiệu lực của các bạn Anh: trong thời gian Mỹ ném bom, những hàng vận chuyển từ Luân-đôn đến Hà Nội đều không thất lạc một gói nào, và ngay bây giờ chúng tôi vẫn còn lại một số vật liệu gửi từ hồi ấy để mổ xẻ cho nhân dân và cán bộ ta.


Quang cảnh Luân-đôn trong những ngày tháng năm thật bất thường: mưa phùn luôn, trong 4 ngày, thì 3 ngày mưa và may ra có một ngày nắng. Mưa rất bất thường: sáng, trưa, chiều, tối và có thể nói rằng ở Luân-đôn không nắng thì mưa, ít khi thấy trời ỉu không mưa không nắng. Sương mù ở Luân-đôn đã thành một câu chuyện hoang đường từ lúc nhà nước Anh ra đạo luật bắt buộc dùng ở Luân-đôn một thứ than không có khói. Bởi vậy lúc trời nắng lên, thành phố Luân-đôn rất đẹp vì tại đây có rất nhiều quãng xanh rộng lớn có trồng một thứ cỏ rất đẹp và rất dày mà chỉ ở nước Anh mới thấy có. Đó là những vườn cỏ rất nổi tiếng ở Luân-đôn: Ken-din-ton-pắc, Hai- đơ-pắc v.v... có những cây mận đương ra hoa trắng và đỏ làm cho phong cảnh có một màu thần tiên lúc ánh nắng chiếu vào cây cỏ, lúc mưa phùn bắt đầu tan ra hơi.

Tại Luân-đôn, chúng tôi bắt đầu thăm bệnh viện Xanh Bát-tơ-nơ-my, một bệnh viện có từ thế kỷ thứ 10 mà trong đó bác sĩ Hát-vê người đã tìm ra tuần hoàn trên người đã làm việc. Bệnh viện thật là tiêu biểu cho tính tình người Anh yêu cái cũ và hết sức bảo vệ nó, nhưng không phải vì thế mà không hiện đại nó. Bệnh viện này hiện nay vào loại bệnh viện có tất cả các phương tiện hiện đại, và nhân dân Luân-đôn thích tập trung chữa ở bệnh viện này. Phòng dạy học ở đây không kém gì một phòng họp trong một lâu đài vào hạng đẹp nhất ở châu Âu, có những bức tranh cổ nổi tiếng treo trên bốn bức tường và hai bên thang gác. Phòng mổ như những phòng mổ tồi tàn khác, và người dẫn đi xem là một người bạn cũ của tôi, bác sĩ Mát-tanh Bơt-xơ-tin, một chuyên gia về mổ mạch máu, phòng khám ở đường Hát- lây, một đường tập trung các chuyên gia nổi tiếng của nước Anh. Năm 1967, Bơt-xơ-tin có qua thăm Hà Nội, trong khi Mỹ ném bom. Bây giờ, ông bạn tôi có một bộ râu rất đẹp và một thái độ như là chán đời, tuy rất có tiếng về chuyên khoa của mình và có tặng tôi một quyển sách nói về mổ xẻ các mạch máu. Bơt-xơ-tin có giới thiệu với tôi một Giáo sư người Anh rất có tài năng về mổ tuyến giáp (parathyroid), một tuyến rất khó phát hiện trên bệnh nhân: tôi có xem ông ta mổ rất đẹp và rất vững chắc một bệnh nhân mà ở một bệnh viện khác đã mổ, nhưng không tìm ra u ở trong tuyến bán giáp.

Vấn đề chữa ung thư là một gánh rất nặng cho các nước đang phát triển, cho nên tôi có đến thăm khoa điều trị bằng tia Rơnghen ở bệnh viện Xanh Tô-ma và bệnh viện ung thư Ro-ian Mat-xden ở Luân-đôn.

Hiện nay người ta hướng vào điều trị bằng các máy gia tốc có khả năng phát đến hàng triệu điện tử vôn. Bác sĩ Telma Ba-tơ ở Xanh Tô-ma giới thiệu vói tôi một máy gia tốc qua điện từ trường, một bê-ta-tơ-rôn điều khiển bằng máy tính, lần qua Đức, ở trung tâm Béc-lin, tôi mới thấy bắt dầu


lắp; một máy gia tốc đường thẳng rất mạnh. Ngoài ra các máy thông thường như bom Cô-ban 60 và bom Xê-di-um 137, tôi còn thấy những máy móc khác: một ca-tê-tơ-rôn thay vadium va một hòm nén tăng áp suất (ipét-ba- rơ), mà bà Ba-tơ cho bệnh nhân vào thử trước khi cho chạy tia. Nhờ sự phối hợp này, bà Ba-tơ đã có thể làm cho mất đi 60% các u gọi là không chữa được.

Muốn dùng, nhưng các máy phát một số tia khổng lồ như thế này, vấn đề cư trú rõ rệt đến mức từng li các khối u đòi hỏi những chẩn đoán hết sức mới và quá đắt như tôi đã thấy ở bệnh viện Xanh Tô-ma và bệnh viện Ro- ian Mat-xđen, như các máy Emi-Xcan-nơ (giá đến 2 triệu rưỡi đồng phờ răng) có thể cắt mỏng cơ thể từ đầu đến bụng, từng lớp mỏng nhuộm màu cho phép người bác sĩ đo các u từng mi-li-mét. Trước khi cho chạy trên người, phải thử chạy trên cơ thể nhân tạo để kiểm tra sự phân phối các tia qua một máy xi-muy-la-tơ. Phục vụ cho các bộ phận chẩn đoán và điều tra này phải có một đội ngũ đông đảo các chuyên gia vật lý và nữ y tá (7 y tá cho một bệnh nhân!). Tiền bạc bỏ vào đây vô cùng tốn kém. Ở Anh cũng như ở Pháp các bộ trưởng y tế phải tuyên bố tiền tiêu cho y tế đã vỡ trần rồi và sẽ không có thể tiếp tục như vậy cho nên trong y tế ở các nước châu Âu đã xuất hiện một sự mất thăng bằng nguy hiểm giữa kinh tế quốc gia và phí tổn điều trị.

Như thế chúng ta thấy rằng, các nước đang phát triển không đủ khả năng kinh tế và kỹ thuật để theo đuổi Âu Mỹ một cách mù quáng trong vấn đề chữa bệnh ung thư, và đó cũng là lý do tại sao chúng tôi đi Nốt-tinh- ham để gặp kíp của Giáo sư Ban-đu-in.

Ở thế giới ngày nay có một sự lạ: giữa các nhà khoa học xa cách nhau, vẫn có thể có một sự quen biết, tuy không bao giờ gặp mặt nhau. Qua các công trình nghiên cứu trên một số lĩnh vực giống nhau, họ có thể hiểu nhau như hai người bạn thân mật. Từ năm 1970, tôi đã cố gắng chữa các ung thư gan ở nhiệt đới bằng mổ xẻ kết hợp với miễn dịch của thuốc BCG. Thuốc này được dùng để đề phòng bệnh lao cho trẻ em sơ sinh, nhưng các tác giả đã phát hiện ra là nó có tác dụng miễn dịch ngăn ngừa phát triển bệnh ung thư. Đến năm 1972, tôi được biết là Giáo sư Ban-đu-in đã chứng minh có thể chữa ung thư trên chuột bằng cách tiêm BCG vào ngay trung u: những u ấy nếu không to quá sẽ tiêu tan đi. Nhưng chúng ta không nên quá tin vào những thành quả trên chuột có thể đem áp dụng ngay vào người, vì cơ thể người quá phức tạp hơn cơ thể chuột; các nghiên cứu lâm sàng trên người không kém sự quan trọng và phải có những thầy thuốc có uy tín mới có thể làm các nghiên cứu như vậy.


Giáo sư Ban-đu-in đã trình bày nhiều công trình về vấn đề này, nhưng rất băn khoăn vì kinh nghiệm chữa chuột thì nhiều còn kinh nghiệm chữa người đương còn ở phạm vi rất ít. Trái lại, kinh nghiệm chữa trên người theo phương pháp Ban-đu-in của Việt Nam, tại bệnh viện Việt-Đức rất phong phú và nhiều hứa hẹn. Nhiều chi tiết về chuyên môn được trao đổi, và cuối cùng tôi đề nghị Giáo sư Ban-đu-in hợp tác với chúng tôi để xây dựng một phương pháp chữa ung thư cho các nước thế giới thứ ba, vì nó rẻ tiền, và có thể áp dụng vào nhiều hình thể ung thư theo kinh nghiệm của chúng tôi: ung thư gan, ung thư vòm họng, ung thư dạ dày, ung thư ruột già, v.v... Ban đầu, Giáo sư Ban-đu-in hứa sẽ công bố các kết quả của Việt Nam, trong hội nghị quốc tế bàn về ung thư ở Nam Mỹ sắp tới, và Giáo sư Ban- đu-in sẽ là người báo cáo đầu tiên. Ngoài ra chúng tôi đã đặt kế hoạch trao đổi về chuyên viên kỹ thuật vào các năm tới, cũng như sự hợp tác lâu dài giữa Nốt-tinh-ham và Hà Nội trong nghiên cứu những vấn đề cơ bản về ung thư.

Về cuối tuần thứ hai, chúng tôi đi thăm Bại học Kem-bri-giơ ở bệnh viện A-đanh-bruc, chỗ làm việc của Giáo sư Ca-nơ, một chuyên gia nổi tiếng nhất về thay gan và đã mổ đến 80 trường hợp từ 1968 đến 1978. Cũng như với Giáo sư Ba-đu-in tôi đã có quan hệ với Giáo sư Ca-nơ, vì mấy tháng về trước Ca-nơ có mời tôi tham gia cộng tác vào một quyển sách về phẫu thuật gan có hơn 20 tác giả quốc tế tham gia.

Chúng tôi đi bằng tầu hỏa từ Luân-đôn đến Kem-bri-giơ, một phương tiện giao thông thường rất thoải mái và đúng giờ. Chúng tôi đi tàu ban chiều, đến Kem-bri-giơ và ngủ lại trong một khách sạn; sáng hôm sau, chúng tôi đến xem Ca-nơ mổ thực nghiệm thay gan trên lợn. Ca-nơ mổ nhanh và xong không đầy 1 giờ rưỡi cuộc phẫu thuật phức tạp này. Chúng tôi có đối chiếu kinh nghiệm của chúng tôi về cách đặt vấn đề và kết quả điều trị trong việc chữa bệnh cho những người bị ung thư gan sơ phát đã ăn lan cả hai thùy. Hiện nay, thế giới nói chung chỉ biết chữa các trường hợp này bằng hoá học: các chất này càng ngày càng đắt tiền quá khả năng kinh tế của các nước đang phát triển, nhưng kết quả không cao, không có ai với cách điều trị này sống vượt quá hai năm. Ca-nơ, đại diện cho kỹ thuật tiên tiến, có chủ trương thay thế gan người ốm bằng gan người khác lấy trong trường hợp tử vong do tai nạn giao thông. Chúng tôi đại diện cho các nước nghèo đặt vấn đề cắt bỏ đại bộ phận khối u, để lại các phần bị di căn ô nhiễm và chữa bằng phương pháp miễn dịch rẻ tiền. Trong một quán ăn mang màu sắc thời xưa, chúng tôi so sánh kết quả điều trị của hai phương pháp này: Ca-nơ, trên 40 bệnh nhân chỉ có 2 bệnh nhân sống được bốn năm, và người sống lâu nhất là năm năm hai tháng, và phần đông là chết sau sáu


tháng. Trái lại, tại Việt Nam, hơn 100 bệnh nhân, chúng tôi có 1,8% bệnh nhân còn sống quá 6 năm; 3,6% sống quá bốn hay năm năm; 4% quá 3 năm và 7% quá hai năm. Như thế, phương pháp của một nước đang phát triển không phải là kém hơn các phương pháp tiên tiến của các nước có một kỹ thuật hiện đại. Đây là một vấn đề thời sự rất cơ bản trong khoa học hiện nay: phải chăng thế giới thứ ba, muốn tiến bộ vì hạnh phúc nhân dân mình, phải hoàn toàn đi theo con đường đã vạch của các nước tiên tiến, trong khi còn nghèo nàn về kinh tế, thiếu phương tiện, thiếu kỹ thuật viên. Ngay về máy móc đi nữa, cũng không thể theo con đường của các nước tiên tiến: tôi có nói đến các máy điện tử và quang tuyến X, các máy kiểu EMI-skân-nơ của Anh giá đắt đến 2 triệu rưỡi phờ-răng một cái. Chúng ta có thể dựa vào máy siêu âm để làm các máy kiểu như thế này, cũng tốt như thế, lại không nguy hiểm cho bệnh nhân về phóng xạ với một giá thành dưới 10 vạn phờ- răng: đây là chủ trương của chúng tôi cùng một nhóm bạn ở Pháp, chúng tôi đang nghiên cứu thiết kế các máy này và sản xuất một cách thủ công nghiệp cho nước Việt Nam, với những chuyên gia Việt Nam, để nêu cao chủ trương tự lực tự cường của dân tộc ta.

Chúng tôi cũng có dành thời gian để gặp các bạn Anh ở trong "Hội giúp đỡ Việt Nam về y tế và khoa học" do bà Đê-rô-tê Hốt-giờ-kin, được giải thưởng Nô-ben 1967 về hoá học làm chủ tịch; chúng tôi đã họp tại nhà Quốc hội Anh (Com-môn Hao-zờ) dưới sự chủ trì của ông Lep-phơ-ten, tổng thư ký Hội, với những người bạn cũ đã từ 13 năm nay giúp đỡ ngành y tế Việt Nam một cách đắc lực. Chúng tôi có trình bày về vấn đề đi-ô-xin mà không quân Mỹ đã ném bom ở Việt Nam trong 10 năm trước và vụ tai nạn vừa qua ở Xê-vê-xcô gần Mi-lăng nước Ý, nhắc lại cho dư luận quốc tế, cách ba hôm trước buổi họp, báo Xon-đe Tai-mi 3 có cho tin rằng nhân dân Xê-vê-xcô đã đưa 5000 đơn kiện chính phủ Ý về kết quả sảy thai, quái thai, vô sinh và gan to trên 30% nhân dân sau khi một nhà máy nổ đã làm ô nhiễm bầu trời với đám mây chứa 5 kg đi-ô-xin. Sau buổi họp, tôi đã bàn với đồng chí Lep-phơ-ten mua ở một hãng Anh một nguồn nguyên liệu Cô- ban 60 để trang bị cho máy bơm Cô-ban chữa ung thư đáng giá 200.000 đô- la mà các nhà khoa học Mỹ vừa tặng cho Y tế Việt Nam.

Sau hai tuần làm việc, chúng tôi đã kết thúc cuộc thăm qua nước Anh bằng đi nghỉ cuối tuần ở làng Lu-min-tơn, gần Đại học Ô-xơ-plio, tại gia đình bà Đê-rô-tê Hốt-giơ-kin mà chúng tôi quen biết từ lâu: Giáo sư Tô-ma Hốt-giơ-kin, giáo sư về sử ở Ô-xờ-pho, bà Đê-rô-tê và con gái Ê-li-da-bét đã cùng vợ chồng chúng tôi ôn lại các câu chuyện ở Việt Nam và bàn luận về các kịch của nhà văn Sa-kơ Sếc-xpia, mà chúng tôi đã được xem biểu diễn ở nhà hát Xtrat-fo, quê hương của văn sĩ, cách Lu-min-tơn độ vài chục


cây số. Ở đây, chúng tôi đã vui sống trong tình bạn, với những người thiết tha với tiến bộ và tương lai của loài người và chúng tôi đã đem đi từ nước Anh một mối cảm tình vô hạn đối với một dân tộc đã chiến đấu anh dũng chống Hit-le, và đối với Việt Nam là những người đầu tiên đã xung phong vào phong trào giúp đỡ Việt Nam gây thành một phong trào quần chúng ở châu Âu hiện nay vẫn còn hoạt động mạnh mẽ.

Tháng tư năm 1979, khi sắp đi Hoa Kỳ, tôi rất băn khoăn: đây là lần đầu đi Mỹ, tôi không nói thạo tiếng Anh, và, các bạn bè khoa học mà tôi quen phần đông đều chưa gặp nhau chỉ mới hiểu nhau qua thư từ. Hoa Kỳ lại là một nước được coi là một trong những nước tiến bộ nhất về khoa học, đối với cách làm việc của tôi trong một hoàn cảnh vô cùng thiếu thốn, cảm nghĩ của họ đối với tôi cũng như đối với nền y tế Việt Nam sẽ như thế nào? Nhưng tôi cũng nhận thấy rằng đây là một dịp hiếm có để có thể xem xét, so sánh một cách khách quan, đồng thời xem người Mỹ đánh giá đất nước chúng ta, sự nghiệp chúng ta, con người chúng ta và khoa học chúng ta.

Nhiều cảnh vật nước Mỹ gây ấn tượng sâu sắc: nhà cao chọc trời, xa lộ rộng rãi có khi hai tầng, chen chúc vô số xe cộ nhưng hết sức trật tự, nông thôn xanh tươi rải rác biết bao là xi-lô chứa lúa mì như hình tháp trắng, những thảm hoa và cỏ bát ngát bao bọc những ngôi nhà gỗ xinh xẻo đóng cụm gần nhau. Trong khi đi tham các trường đại học của các thành phố: Niu oỏc, Niu He-vơn, Bô-xtơn, Am-bét, Chi-ca-gô, Phi-la-đen-phi-a, Mê-đi-xơn, Oa-sinh-tơn, Xan Phran-xi-xcô... tôi thường ở tại nhà riêng các Giáo sư hay bác sĩ, trong gia đình họ và nhờ đó, tôi có dịp nói chuyện thân mật, tìm hiểu người Mỹ, để đánh giá đúng mức thái độ của họ đối với nhân dân ta và sự nghiệp của chúng ta.

Một điều rất lạ đối với tôi là, khi gặp một người Mỹ nào trong giới trí thức, câu đầu tiên mà họ nói: "Tôi là một người đã chống chiến tranh Việt Nam". Chỉ trừ có một người - Giáo sư A-len ở trường Đại học Uy-xcôn-xin ở Mê-đi-xơn. Ông ta thú nhận với tôi rằng: "Trước kia tôi là một người ủng hộ chính quyền Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, nhưng từ khi tôi gặp ông, tôi đã thay đổi nhận thức". Đó là một đặc điểm về tính hồn nhiên và linh động của những người Mỹ, họ rất dễ dàng thay đổi ý kiến nếu nhận thức của họ thay đổi.

Ở Pê-tơ-len, tại nhà bác sĩ Gien Go-đơn, một buổi sáng, bà Xiu, vợ ông Gien, đã tâm sự với tôi: "Trước chiến tranh Việt Nam, gia đình chúng tôi không hiểu biết nhau, cha mẹ chiều con nhưng không tâm sự với nhau. Chiến tranh Việt Nam bùng lên, các con tôi bênh vực Việt Nam coi chúng tôi như những người thù và bóc lột. Chồng tôi buồn bã nhưng thấy lý tưởng


của con là hợp tình nên đã tình nguyện qua giúp Việt Nam ở bệnh viện dân y Đà Nẵng. Vì đã tìm hiểu Việt Nam, chiến tranh xong, gia đình tôi đã đoàn tụ hơn trước và chúng tôi nay rất gần gũi các con tôi. Chúng tôi không bao giờ quên bài học chiến tranh Việt Nam". Trong một buổi ăn sáng trước khi chia tay, bà Xiu ngồi giữa cầm tay tôi và ông Go-đơn cúi đầu theo kiểu các nhà theo đạo Quây-cơ, cầu nguyện cho hòa bình ở Việt Nam.

Ở Hoa Kỳ, tin tức về Việt Nam đã ít, lại có khi bị bóp méo qua bộ máy tuyên truyền của chính phủ Mỹ (chúng ta đừng quên là Brê-din-xki, cố vấn của tổng thống Ca-tơ, trước kia là tay phải của Kít-xinh-giơ thời Ních- xơn). Ở mỗi bang, chúng tôi đều dành một buổi tối sinh hoạt với quần chúng. Các sinh hoạt chính trị ở Mỹ có đặc điểm khác ở nước ta. Bắt đầu, người khách được mời đến nói tóm tắt về tình hình Việt Nam; nói xong là vô số câu hỏi của các thính giả về chính trị, đời sống, khoa học, y tế và khách trả lời. Cuối cùng là quyên tiền cho quỹ hữu nghị Việt-Mỹ. Các câu hỏi rất thành thực của những người lo lắng cho sự nghiệp Việt Nam và muốn biết sự thật. Thái độ của tôi là trình bày theo nhận thức của mình các sự việc đã qua, khiêm tốn và rõ ràng, dù câu hỏi có khi có thể làm cho mình xúc động. Kết quả là, người đến nghe nói chuyện đều tỏ ra thông cảm với hoàn cảnh nhân dân ta phải đối phó với một tình thế hết sức phức tạp. Tôi đã tận mắt nhận thấy rằng, hiện nay đông đảo quần chúng Mỹ vẫn còn giữ một tình cảm sâu sắc đối với đất nước chúng ta, hai từ "Việt Nam" lôi kéo họ mạnh mẽ, mặc dù nhiều người trước kia và cho đến nay vẫn chưa phân biệt được miền Nam hay miền Bắc.

Các trường đại học trước kia đều chống mạnh mẽ chiến tranh xâm lược Việt Nam. Họ đã thành lập những tổ khoa học hiện nay vẫn còn muốn hoạt động để giúp đỡ Việt Nam. Các tổ ấy tại trường Đại học Cô-lôm-bi-a ở Niu Oóc, các trường Đại học ở Chi-ca-gô, Po-tơ-en (O-rê-gơn), Ai-vin (Lốt An-giơ-lét) và rất nhiều nhà nghiên cứu ở các phòng thí nghiệm về sinh vật học và môi trường rải rác trên nước Mỹ đã đặt vấn đề hợp tác với tôi trong công việc nghiên cứu về môi trường và di truyền học.

Hình ảnh in sâu nhất trong trí óc tôi là một thanh niên Mỹ đứng đợi tôi ở cửa phòng nói chuyện, sau khi tôi vừa trình bày và thảo luận xong về vấn đề chất hoá học đi-ô-xin tại thành phố xinh đẹp Po-tơ-len. Nét mặt buồn bã tiều tụy, anh đến gần tôi và nói: "Tôi trước ở không quân Mỹ, tôi rất đau lòng đã gieo rắc đau khổ trên đất nước ông, tôi xin lỗi ông". Tôi cầm tay anh ta và nói: "Chúng ta nên nhìn về tương lai từ nay trở đi". Một biểu hiện tốt khác là thái độ của nhiều cựu binh sĩ Mỹ ở Việt Nam. Như người ta biết, sau các cuộc chiến tranh của Mỹ, tất cả các cựu binh sĩ cùng gia đình họ


đều được sắp vào trong một tổ chức lớn mạnh (tương đương với một bộ) gọi là "Tổ chức quản lý các cựu binh sĩ''. Tổ chức này có những bệnh viện to lớn và hiện đại để chăm sóc họ và gia đình. Các cựu binh sĩ Mỹ ở Việt Nam đã nhận thấy họ là nạn nhân của chính quyền Hoa Kỳ qua những hậu quả (như một quả bom nổ chậm theo lời họ) do các chất diệt cỏ, đặc biệt là chất màu da cam có chứa chất vô cùng nguy hiểm gọi là đi-ô-xin, gây ra. Cách đây mười năm, lần đầu tiên tôi đã mô tả những hậu quả đó và đã trình bày trước hai hội nghị quốc tế ở Pa-ri và Cô-pen-ha-gơ, và đã viết trên nhiều báo chí ở Pa-ri. Lúc đó một bộ phận dư luận Pháp, Anh, Mỹ đã chỉ trích ý kiến tôi là phản khoa học và tuyên truyền chống Mỹ. Nhưng sau đó, các thực nghiệm và quan sát đã chứng minh sự thật trong việc này. Cách đây hai năm, những người dân ở bang O-rê-gơn đã đấu tranh đòi giới khoa học Mỹ phải nhận thức lại hậu quả vô cùng tai hại của chất da cam và hàng nghìn cựu binh Mỹ ở Việt Nam đã sát cánh với quần chúng O-rê-gơn để đâu tranh và yêu cầu xếp họ vào một loại riêng biệt của cựu binh sĩ gọi là "cựu binh sĩ Việt Nam" để được đặc biệt theo dõi về tác hại của hoá học và để hưởng các khoản tiền bồi thường khá lớn theo luật pháp Mỹ. Các cựu binh sĩ này là những người theo dõi và bảo vệ tôi rất chu đáo, do đó tôi được may mắn không bao giờ bị quấy rối, hành hung, tuy phải hoạt động trong những vùng có rất nhiều quân ngụy di tản đến, như ở Ca-li-pho-ni-a. Kết quả là họ cũng giành được thắng lợi bước đầu và chính quyền Ca-tơ từ lâu vẫn phủ nhận tác hại của chất da cam, nay đã buộc phải chính thức đặt vấn đề nghiên cứu các tác hại của chất diệt cỏ đối với những cựu binh sĩ Mỹ ở Việt Nam, một tháng sau khi tôi rời nước Mỹ.

Trong thời gian đi thăm Anh và Pháp, tôi đã nhận thấy trong nhân dân một sự khủng hoảng về lòng tin đối với nền y học của họ. Tiền tiêu cho y tế do việc sử dụng rộng rãi những máy móc tinh vi đã tăng lên đến mức không chịu đựng nổi, đến nỗi nước Anh phải bỏ dở một số bệnh viện đang xây dựng, và bộ trưởng y tế Pháp phải thanh minh trước quần chúng tại sao phải cắt mạnh các quỹ nghiên cứu về y học, trong khi các bệnh hiểm nghèo không giảm rõ rệt về tử vong và biến chứng. Ở nước Mỹ cũng như vậy. Trong một buổi họp, một bác sĩ ở Hen-xơ đứng lên phản đối cách sử dụng tiền trong việc nghiên cứu ung thư vì, theo ông ta, tiền này chỉ đi vào phục vụ những người nghiên cứu mà không giúp ích gì cho việc điều trị người. Phổ biến ở Mỹ là tình trạng mất lòng tin đốỉ với các nhà mổ xẻ và danh từ "lạm dụng kỹ thuật" luôn luôn ở trên miệng quần chúng. Cho nên, người Mỹ rất chú ý đến tổ chức y tế ở các nước khác, đặc biệt là ở Việt Nam, một nước đã phải trải qua 30 năm chiến tranh với một cơ sở kinh tế lạc hậu. Vì


vậy, đề tài "Tổ chức y tế ở Việt Nam" là một đề tài mà quần chúng Mỹ luôn

đặt cho tôi cùng với câu chuyện "Ảnh hưởng trên người của chất da cam".

Trong khi trình bày với các bạn Mỹ, chúng tôi nêu hai đặc điểm nổi bật của y tế Việt Nam: trước hết y tế của chúng ta là một nền y tế chiến đấu, hình thành từ những năm kháng chiến chống Pháp. Các thầy thuốc Việt Nam lúc ấy là những chiến sĩ hoạt động với du kích hay bộ đội trên các chiến trường và đấy là những trường học tốt nhất của cán bộ y tế chúng ta. Chúng ta đã sớm sử dụng tiếng Việt để giảng dạy, khác hẳn với các nước ở Đông - Nam châu Á vẫn dùng tiếng Anh, và nhờ đó, đã xoá bỏ tận gốc độc quyền giai cấp của ngành y tế vẫn tồn tại ở các nước thuộc địa cũ. Nhờ sử dụng tiếng Việt và mở rộng rãi các trường trung cấp, chúng ta đã sớm xây dựng được một đội ngũ to lớn các y sĩ, bác sĩ cho miền Bắc và chúng ta đã có một y sĩ, bác sĩ cho 800 dân, một tỷ lệ chưa có ở bất cứ nước nào ở thế giới thứ ba.

Sự tăng cường con số y sĩ, bác sĩ không phải là một việc làm giảm chất lượng, chứng minh là chúng ta có kinh nghiệm lớn nhất về kỹ thuật cắt gan, chúng ta biết mổ tim bằng máy để thay các van tim như ở các nước tiên tiến, trong khi đó nhân dân ta vẫn phải đối phó với các máy bay Mỹ bắn phá toàn diện ngày đêm miền Bắc, và chúng ta không bao giờ phải nhờ những đội phẫu thuật nước ngoài đến giúp.

Điểm thứ hai là y tế Việt Nam lấy mục tiêu là phục vụ người bệnh không kể hoàn cảnh nào: thiếu thuốc, thiếu phương tiện thì chúng ta phát minh để thay thế, dựa vào y tế cổ truyền, và nhờ đó chúng ta đã giải quyết nhiều vấn đề như mổ xẻ trong thời chiến, đề phòng các bệnh dịch thông thường, đưa y tế đến thẳng nông thôn.

Một bạn Mỹ mời tôi so sánh y tế Mỹ và y tế Việt Nam. Tôi trả lời: "Y tế Mỹ có những cơ sở to lớn hiện đại mà chúng tôi không có, nhưng y tế Mỹ rất đắt và lấy nhiều tiền của người bệnh. Còn y tế Việt Nam, trình độ thấp hơn nhiều so với Mỹ, nhưng người bệnh Việt Nam không phải trả tiền". Một người khác hỏi: "Y tế Việt Nam tốt hơn y tế Mỹ, tại sao ông lại đặt vấn đề là các bác sĩ Việt Nam cần đến thực tập ở Mỹ?". Tôi trả lời: "Chúng tôi cần học tập kỹ thuật hiện đại của Mỹ để thích ứng y tế Việt Nam vào những vấn đề mới. Chúng tôi học kỹ thuật Mỹ, nhưng chúng tôi không bắt chước cách làm của người Mỹ". Một tràng vỗ tay đã ủng hộ lời nói của tôi.

Tôi xin kể thêm một câu chuyện nhỏ: ở trường Đại học Y-ên, tôi trình bày vấn đề của ta và sau đó về nghỉ ở nhà Giáo sư Gan-xtơn. Đến 11 giờ đêm, có máy nói gọi tôi. Đó là cô phiên dịch Bét-ty, cô nói: "Vừa rồi, trong


lúc phiên dịch cho ông, tôi chưa hiểu rõ các chuyện ông nói; nay về nhà, nằm nghĩ lại tôi nhớ đến các lời ông và tôi rất cảm động. Tôi muốn nói với ông tình cảm tốt đẹp của tôi đối với sự nghiệp của Việt Nam". Câu chuyện này nói lên cái hồn nhiên và nhiệt tình của tâm hồn những người dân Mỹ.

*

* *

Vào một cơ sở đại học hoặc một bệnh viện Mỹ, người ta nhiều khi phát hoảng trước những phương tiện máy móc điều trị và vật chất được sử dụng. Một nền khoa học kỹ thuật đi hàng đầu thế giới, với một quỹ khổng lồ để hỗ trợ, ai có thể vượt Mỹ về mặt này được. Cũng vì thế mà người Mỹ rất lấy làm lạ rằng tại sao chúng ta có thể làm việc được trong hoàn cảnh hiện nay ở Việt Nam. Họ càng ngạc nhiên khi thấy ta đã đi trước mười năm so với khoa học Mỹ trong việc phỏng đoán tác hại của các chất diệt cỏ, khi mà khả năng nghiên cứu ở Mỹ có thể giúp họ tiên tri hơn ta.

Ở đây cũng phải nói, nhược điểm của khoa học Mỹ là đã quá tin tưởng vào máy móc thực nghiệm trên súc vật, mà ít quan sát trên người. Trong vấn đề này ung thư tuy hàng năm đã tiêu đến hàng tỷ đô-la, khoa học Mỹ nghiên cứu các vi-rút gây ung thư trên súc vật đã thất bại trong việc tìm vi- rút trong ung thư trên người. Vì vậy, hiện nay, các nhà nghiên cứu Mỹ đã quay chín mươi độ và đặt vấn đề theo dõi trên người dịch tễ của các ung thư để mong tìm ra một nguyên nhân. Vấn đề tác hại của các chất diệt cỏ đã được các bác sĩ Việt Nam đặt vấn đề một cách toàn diện từ năm 1970, nhưng ở các nước chẳng ai chịu theo dõi trên người, tuy chất màu da cam vẫn dùng ở các nước Mỹ, Pháp, Anh, Thụy Điển. Cho đến bây giờ, chì có Pháp vừa cấm dùng chất 2-4-5T. Ở Mỹ chính vì cuộc đấu tranh của quần chúng bang O-rê-gơn do một nhóm gồm tám phụ nữ lãnh đạo, mà cuối cùng tổ chức bảo vệ môi trường EPA đã ra lệnh tạm thời cấm và đòi quốc hội Mỹ quyết định cấm vĩnh viễn các chất màu da cam.

Ngoài các vấn đề trên, tôi còn được mời trình bày phương pháp cắt gan đã cho phép tôi có một kinh nghiệm được thế giới đánh giá cao. Ở trường Đại học Chi-ca-gô, nữ Giáo sư Gia-nát-xơn, nổi tiếng về ghép thận nói với tôi: "Ông thật là một nghệ sĩ về mổ xẻ". Sau khi tôi trình bày vấn đề sỏi trong gan, Giáo sư Đê-rin ở Chi-ca-gô đã viết thư cảm ơn tôi nói rằng sau cuộc nói chuyện của tôi, ông ta và các bạn đồng nghiệp của mình đã biết thêm nhiều hơn vê một vấn đề hiện đại của y học. Tại trường Đại học Ha-vớt ở Oa-sinh-tơn và tại trường Đại học Mao Xi-nai ở Niu Oóc, cuộc nói chuyện của tôi về cách chữa ung thư gan bằng việc cắt gan phối hợp với


sử dụng miễn dịch đã làm xôn xao dư luận giới y tế về cách đối phó dũng

cảm trước một bệnh tuyệt hy vọng và trong một hoàn cảnh quá nghèo nàn.

Lúc tôi ở Mỹ, những người di cư Việt Nam không phải là một vấn đề của quần chúng: phần lớn dân Mỹ là dân di cư, họ đến Mỹ để tìm một đời sống giàu có. Vấn đề "di tản" thực chất là một vấn đề của các báo chí ủng hộ chính quyền Mỹ hòng làm giảm uy tín của Việt Nam - vấn đề ấy đã có từ thời Kít-xinh-giơ mà đồ đệ của ông ta hiện nay vẫn còn tung hoành trong chính quyền Ca-tơ.

Di cư qua Mỹ, theo tôi, khó lòng đem lại hạnh phúc cho một số người Việt Nam vốn có ảo tưởng về đời sống Mỹ. Sống trong các gia đình Mỹ, tôi thấy đời sống Mỹ không phải là lý tưởng cho chúng ta. Một bác sĩ Việt Nam di cư nói với tôi: "Em không muốn ở đây vì đời sống hưu quạnh quá. Nếu có con, chắc là em cũng mất con, vì chúng sẽ đi theo các thanh niên Mỹ". Câu nói ấy có phần đúng: hoặc con họ nhập vào các thanh niên Mỹ và không chịu học hành, như thế cha mẹ sẽ mất con; còn nếu con họ chịu học hành, thì khi lớn lên, phần đông chúng sẽ hướng về Tổ quốc cũ Việt Nam, như tôi đã thấy nhiều trường hợp ở Mỹ và Pháp.

Một hôm, tôi được ban phụ trách báo Bưu điện Oa-sinh-tơn, mời đến ăn trưa để phỏng vấn. Câu hỏi đầu tiên là: "Tại sao có nhiều người Việt Nam di cư ra nước ngoài? Tôi trả lời: "Khi thay đổi một chế độ, khi chiến tranh doạ dẫm mọi mặt thì điều ấy không có gì đáng coi là lạ. Sau một nạn bão khủng khiếp và một nạn lụt chưa từng thấy, vấn đề kinh tế là một vấn đề thúc đẩy di cư. Sau nạn đói ở Ai-len năm 1848, hàng vạn người Ai-len đã di sang Mỹ". Họ lại hỏi: "Làm sao có thể làm ngừng cuộc di cư này?". Tôi trả lời: "Nếu Mỹ và các nưóc khác giúp đỡ chúng tôi về kinh tế hàn gắn vết thương chiến tranh thì chúng tôi có thể ngăn chặn được luồng di cư". Cử toạ cũng đồng ý và báo Bưu điện Oa-sinh-tơn đã tường thuật lại cuộc họp này.

*

* *

Đem chuông đi đánh ở nước ngoài, tôi sung sướng nhận thấy rằng do cuộc đấu tranh chính nghĩa và thắng lợi của nhân dân ta, do những thành tích to lớn về nhiều mặt mà nhân dân đã đạt được trong hoàn cảnh rất khó khăn, do đường lối đúng đắn về đối ngoại của Chính phủ ta, tiếng chuông Việt Nam nghe trên đất Mỹ vẫn có âm thanh đàng hoàng, trong trẻo và vang dội. Và điều ấy làm cho tôi cảm thấy vô cùng tự hào về dân tộc ta, về sự nghiệp vĩ đại của chúng ta.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro