CON ĐƯỜNG VÀO KHOA HỌC CỦA THANH NIÊN HIỆN NAY

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Để đưa những con số khổng lồ của lịch sử nhân loại ngang với tầm vóc con người, nhà sử học Các-lơ Grim-be-rơ (Carl Grimberg) đã tính rằng: cho đến giờ này, nếu ta thu gọn quá trình một tỷ năm qua kể từ khi sự sống xuất hiện trên trái đất vào trong một năm thì thời gian có mặt của con người chỉ còn vào 8 giờ cuối, và lịch sử khoa học của loài người chỉ dài độ 30 giây! 30 giây trong một năm, 300 năm trong một tỷ năm, thế mà trái đất đã thay đổi hẳn và con người đã bay lên vũ trụ. Cách tính như vậy đã đánh giá một cách kỳ diệu vai trò quyết định của khoa học trong lịch sử loài người.

Các bạn đang, hay sắp cống hiến cuộc đời mình cho khoa học, các bạn, như nhân dân, như Đảng ta tin vào khoa học. Nhưng ta cũng nên biết rằng nhiều người không nghĩ như vậy. Nhà bác học Anh-xtanh (Einstein) cho rằng con người đã sắp đến ngày tận số vì khoa học, sau khi ông bị choáng váng vì một quả bom nguyên tử đã ném xuống thành phố Na-ga-za- ki. Một số không nhỏ nhà khoa học Mỹ, giải thưởng Nô-ben về vật lý như Đen-niz Gep-bo-rơ (Denis Garbo) đã nghĩ rằng, nhân loại đang ở trong những ngày rất đen tối. Tại sao có sự lạ như vậy?

Văn minh vật chất ở nước Mỹ đối với nước ta thật là gấp bội. Nhưng một sự hưởng thụ quá đáng đối với những con người sống với lý tưởng tiền bạc có khi mang lại kết quả không muốn, và xưa Thánh kinh đã có câu: "Đừng vất những hạt châu cho lợn". Trong thời gian một năm tượng trưng mà Các-lơ Grim-be-rơ đã nói con người chỉ xuất hiện trong tám giờ cuốỉ, vì vậy, con người chưa có một cách biệt đáng kể với con thú và trong não còn tồn tại cái não bất trị của con vật, sợ cái đau, thèm cái thích. Những lý tưởng đạo đức, những quan điểm vể giá trị con người, về tự do con người, trong thế giới tư bản, theo nhà sinh vật học Skin-nơ-rơ (Skinner) chỉ là những ảo tường của một "con quỷ tư hữu" mà một văn hoá trừu tượng đã xây dựng cho một con người trừu tượng. Đất nước ta tuy lạc hậu về cơ sở vật chất, nhưng trong ba mươi năm đấu tranh, đã luyện cho chúng ta biết kìm chế sợ hãi, đau khổ, và đã rèn cho chúng ta lòng hy sinh vô hạn cho một lý tưởng cao cả. Con người như vậy có thể tin vào khoa học và không sợ những gì đen tối mà hung bạo và bất nghĩa đã tạo ra.

Các bạn đã theo dõi từ khi tôi còn là một thanh niên mất nước, sống trong bốn bức tường của bệnh viện, hay phòng thực nghiệm, như trong một nhà tù không song sắt, nhưng đã nhờ ánh sáng khoa học chói vào những con


giun, con sán, cuộc đời tôi đã đỡ sầu tủi, và cũng nhờ khoa học, tôi đã thấy con đường đi đến với cách mạng, dưới ánh sáng của đôi mắt Bác Hồ.

Các bạn thanh niên ngày nay sung sướng hơn chúng tôi nhiều. Các bạn đương sống những giơ vinh quang của một Tổ quốc thống nhất và một dân tộc đang vươn mình để tiến mạnh trên con đường xã hội chủ nghĩa. Những con đường khoa học rộng lớn đã mở ra cho các bạn và bạn nào cũng có khả năng được thoả mãn về nhiệt tình nghiên cứu.

Về khoa học sinh vật

Nhân đây, tôi xin nói thêm một chút về khoa học sinh vật mà tôi có

theo dõi để các bạn thấy những bước đang tiến của nó.

Sinh vật học đang có một số điểm chuyển biến làm đà cho cách mạng trong sinh vật học, tôi xin nêu lên những hướng nghiên cứu có liên hệ với thực tiễn nước ta: đây cũng là những điểm mà các nhà bác học ở tổ chức Ran-đơ, trong viện nghiên cứu về tương lai của trường Đại học Mỹ, Ou-iz- len, tại Can-nét-ti-cớt đã thảo luận:

1. Về ngũ cốc: Đây là một vấn đề mà khoa học ta đang để ý. Về lương thực, vào năm 2000, theo dự đoán, sẽ trải qua một khủng hoảng nghiêm trọng do số người quá tăng lên, với một diện tích đất trồng có hạn, phải để ý ngay từ bây giờ về việc trồng ngũ cốc trên nước hơi mặn (với tỷ lệ muối 0,8% - 1,0%). Muốn vậy hướng đề ra là nên bắt đầu từ nước biển dễ hơn và ít tốn kém hơn là bắt đầu từ nước ngọt. Cho nên phải đặt vấn đề sớm: nghiên cứu làm cho nước bể bớt mặn bằng cách: phân cất, làm lạnh, lọc bằng điện phân.

- Kỹ thuật trồng trọt trên nước, vừa để tránh mất hơi nước và để

phòng hạn.

2. Về nuôi cá: Cá có thể trở thành nguồn gốc để thay thế prô-tê-in trong tương lai. Muốn làm được việc này phải đề phòng đừng để các nhà máy làm ô nhiễm nước; vì vậy phải có một kế hoạch định rõ các ao, hồ, sông ngòi, bờ biển nuôi cá, và không cho xây các nhà máy gần đấy. Chúng ta phải để ý nuôi cá trong nước ngọt, vì sự ô nhiễm càng ngày càng tăng lên ở biển.

Hiện nay tại Mát-xa-hu-set (Hoa Kỳ), người ta đang nghiên cứu các đơn vị vừa sản xuất cá, vừa sản xuất rau, mà chỉ cần ánh sáng mặt trời và gió thổi. Cá nuôi là một thứ cá chép của I-xra-en tên là Ti-la-ti-a, với cá này, nhiều nông trường hy vọng sẽ có hai nghìn rưởi đến ba nghìn ki-lô- gam mỗi năm cho một héc-ta nước. Có thể đây là một giải pháp về vấn đề ăn uống vào năm 2000.


3. Dùng thức ăn ít mỡ, ít prô-tê-in: Vấn đề lương thực, thực phẩm đang là một vấn đề mà Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm. Ngoài những biện pháp giải quyết khác, nếu chúng ta biết tổ chức hợp lý hóa cách ăn uống thì có thể khắc phục tình hình khó khăn về lương thực, thực phẩm. Đây là một vấn đề nên nghiên cứu: cách ăn uống, phân phối hợp lý cho từng lứa tuổi và những nghề nghiệp khác nhau trong xã hội.

4. Thức ăn nhân tạo: Người ta nói đến vai trò vi khuẩn những Bi-tết bằng hóa học từ dầu hoả. Đây là một câu hỏi về tương lai, nhưng hiện nay ta biết có thể nuôi gà con chóng lớn bằng các men, các mốc nuôi dưỡng trong chất dầu.

5. Vấn đề kế hoạch hoá gia đình: Để giảm bớt sinh đẻ, phải nghiên cứu toàn diện về vấn đề này để đẩy mạnh việc thực hiện sinh đẻ có kế hoạch ở nước ta, vì tỷ lệ đẻ hiện nay còn cao. Nếu ta làm không tốt thì dân số nước ta đến năm 2000 sẽ lên tới 100 triệu người! Vì vậy Nhà nước phải can thiệp một cách mạnh mẽ hơn vào việc này, bằng cách dùng các biện pháp hành chính, tài chính để vấn đề hạn chế sinh đẻ được thực hiện một cách có hiệu quả ở nước ta.

6. Dược học: Hiện nay mới chỉ có chừng một nửa là có khoa học thôi vì nhiều thứ sử dụng còn nặng về kinh nghiệm chủ nghĩa. Nhiều thuốc như bis-mút phải đến 100 năm sau mới biết là có thể nguy hiểm. Nhiều thuốc dùng thông thường, như át-pi-rin, nhưng đến nay ta mới phát hiện ra tác dụng rộng rãi và đặc hiệu của nó là vì nó hoạt động có tính chất ức chế chất prốt-ta-gla-đin (prostaglandine). Các bác sĩ ta dặt vòng cho phụ nữ có biết rằng, cho phụ nữ đặt vòng, uống át-pi-rin sẽ làm vỡ kế hoạch sinh đẻ của họ hay không?

7. Các máy chuẩn đoán X quang sẽ được thay thế bằng các máy siêu âm, và ít ai rõ sự nguy hiểm của việc chụp điện hàng ngày, đặc biệt là cho những người có chửa. Với những người này, người ta sẽ dùng máy siêu âm để thay thế.

8. Vấn đề môi trường bị thay đổi: Chúng ta nên nhớ rằng sau khi đã hoàn thành đập nước, các nhà máy thuỷ điện, môi trường nước ta sẽ bị thay đổi một cách ghê gớm. Nước ta chưa có cái bệnh hiểm nghèo như bệnh ký sinh trùng Sít-xu-lô-xô-a-dơ (schistosomiase) mà hiện nay đang là một tai hoạ cho Trung Quốc sát bên ta. Khi các đập hoàn thành xong, các thứ ốc gieo bệnh ấy sẽ phát triển trên các nước đọng lại, như ở Ai Cập mà hiện tượng này bắt đầu rõ lắm với đập A-xu-an. Vấn đề ô nhiễm các nguồn nước, ô nhiễm không khí, ô nhiễm đất đai do các thuốc trừ sâu phải được nghiên cứu ngay để chủ động đề phòng.


9. Điều trị ung thư: Đang có những hướng nghiên cứu tốt và người ta tin rồi đây phòng ung thư và chữa ung thư sẽ được thực hiện. Đây là một hướng nghiên cứu lớn ở các nước tiên tiến, và nếu ung thư ở nước ta sẽ đặt thành bệnh thù số 1, sự việc đó sẽ chứng minh là nước ta đã đuổi kịp các nước kinh tế tiên tiến.

10. Thuốc để tăng trí nhớ và thông minh. Hiện nay đang sắp có một cuộc cách mạng về vấn đề này. Người ta thấy có thể tin rằng trong tương lai sẽ có những thuốc tăng trí nhớ và thông minh cho con người.

11. Các thuốc thay đổi cá tính con người. Đây là một sự may mắn để thay đổi những cá tính hung bạo, điên cuồng có thể nguy hiểm cho xã hội, và chúng ta cũng nên cảnh giác theo dõi, để phòng những sự lạm dụng để đầu độc nhân dân.

Trên đây tôi đã nêu cụ thể những hướng nghiên cứu tương lai trong sinh vật học, trong đó có y học. Về các khoa học khác, người ta cũng đã dự báo nhiều phương hướng như vậy, cho nên về sau các bạn sẽ đi vào khoa học với một tầm nhìn xa hơn.

Một số chuẩn bị cơ bản để đi vào khoa học.

Qua những mẩu chuyện mà tôi trình bày ở trên nếu có thể đem lại cho các bạn nhiệt tình đi vào con đường khoa học thì tôi xin phép nêu thêm với các bạn một số chuẩn bị cơ bản sau đây:

1. Chuẩn bị tư tưởng. Trước hết chúng ta phải biết bền bỉ trong việc nghiên cứu. Một công trình có giá trị đòi hỏi nhiều thời gian, giả sử như phương pháp cắt gan của tôi, bắt đầu 1934, bị thất bại vào năm 1939, được nghiên cứu lại từ 1960 và đến 1974, các đồng nghiệp quốc tế mới biểu dương tán thành. Đứng về khoa học mà nói, có thể thành công hoặc không nhưng trong nghiên cứu, sự quan trọng là xây dựng cho bản thân người nghiên cứu một thái độ khoa học, một phương pháp khoa học.

2. Phải có ngoại ngữ. Trong vấn đề khoa học, thông tin là vào hàng đầu. Có nắm tin tức nhiều, mới biết phát minh tốt. Tin tức trong nước không đủ, vì nó chỉ giống như một hạt nước trong biển cả mênh mông về nghiên cứu khoa học của thế giới. Phải nắm kịp thời cơ vì tình huống khoa học thay đổi một cách rất nhanh chóng. Như tôi, tuy nghiên cứu về y tôi cũng phải nắm hết cả tin tức về sinh vật học, và cũng phải theo dõi các phát minh của các ngành khác như là di truyền, hoá học, vật lý, toán v.v... Trong thế giới ngày nay, một phát minh ở một ngành có tác dụng rất rộng rãi có khi rất sâu sắc đến ngành khác. Giả sử như nghiên cứu về ung thư mà không nắm các lý luận về màng tế bào thì không thể theo dõi được tin tức.


Theo tôi thì các trường đại học ngày nay sinh viên phải có một, hai ngoại ngữ trước khi vào học chương trình chuyên ngành.

3. Phải biết quan sát. Các bạn phải tập từ thuở bé để có thói quen quan sát sâu sắc những hiện tượng xung quanh mình, những hiện tượng trong thiên nhiên. Quan sát qua trí tưởng tượng giúp cho chúng ta đặt ra vấn đề về mọi sự việc.

4. Phải có trí tưởng tượng. Không có trí tưởng tượng không thể có phát minh. Nhà bác học Anh-xtanh (Einstein) đã viết: "Tưởng tượng quan trọng hơn là hiểu biết". Đây là nhược điểm hiện nay của hầu hết học sinh chúng ta, vì cách dạy ở các trường phổ thông. Đào tạo những người khoa học phải bắt đầu từ lúc trẻ để có những người giầu trí tưởng tượng.

Có trí tưởng tượng mới biết đặt vấn đề cho mọi sự việc dưới khía cạnh nào đấy. Có đặt vấn đề mới có giả thuyết để xây dựng một lý luận; không có vấn đề thì không có giả thuyết, không có giả thuyết thì không có phát minh khoa học.

5. Phải có văn hoá rộng rãi. Có thể nói là tất cả các nhà bác học được giải Nô-ben đều có kiến thức văn hoá rộng rãi chứ không chỉ là những chuyên môn thuần tuý.

Ở đây vai trò triết học đối với sự nghiệp nghiên cứu khoa học là rất quan trọng. Chúng ta có một khí cụ sắc bén là chủ nghĩa duy vật biện chứng.

Nhưng muốn áp dụng tốt những nguyên lý của chủ nghĩa duy vật biện chứng, cần phải có một phân tích sâu sắc về sự việc. Chỉ có phân tích sâu sắc mới làm nổi bật vai trò của duy vật biện chứng, mà muốn phân tích tốt, phải biết quan sát, phải biết tự giải phóng tư duy của mình khỏi sách vở và giáo điều. Triết học và trí tưởng tượng là cơ sở cho đầu óc thông minh.

Ngoài ra, một số lớn học sinh còn chưa được học ở đại học môn lô- gic. Sau triết học, cũng cần phải nắm cơ bản của toán cao cấp và thống kê.

6. Phải nắm vững chắc phương pháp nghiên cứu khoa học. Đây là một việc rất giản dị nhưng khó thực hiện, bởi vì, con người thích quả quyết với lời nói hơn là với việc làm để chứng minh.

Phương pháp khoa học là một quá trình, có khi rất lâu dài và gian khổ, để kiểm tra. Kiểm tra của nó được dựa trên Lô-gic và thực nghiệm (expérience). Cách làm phải hoàn toàn cởi mở, không được bí mật, và kết quả phải được tất cả mọi người kiểm tra, bằng cách theo những đường lối mà người phát minh đã dùng.


Như vậy, một công trình khoa học đòi hỏi tất cả cách tính toán, giả thiết, quan sát kinh nghiệm, kết quả đều phải được kiểm tra đi, kiểm tra lại, phê bình, thảo luận và kể cả những ý kiến phản đối nữa.

Không phải phương pháp khoa học tránh cho ta khỏi sai lầm, nhưng vì phương pháp này đã có ngay trong cách làm việc của nó một tính chất tự sửa sai, cho nên, về lâu dài, những sai lầm có thể tự sửa chữa được.

Đây là một phương pháp hoàn toàn khách quan, cá nhân của người khoa học có khi có ảnh hưởng ở người này, người khác, nhưng bản thân khoa học không phụ thuộc tên tuổi của một người nào. Sự thực trong khoa học được đặt trên những cơ sở lô-gic và thực nghiệm mà mỗi ngành đều có riêng cho mình.

Khoa học hoàn toàn dựa trên những con số, và đánh giá các kết quả dựa trên những con số chứ không trên một nhận định chỉ về phẩm chất thôi. Con số là một tiếng nói chung của khoa học và không có con số, một công trình khoa học sẽ mất phần sáng sủa của nó, nhờ đấy, khoa học có một tính chất toàn diện mà không ai phủ nhận cả.

Cuối cùng cũng nên ghi nhớ rằng nghiên cứu khoa học không phải là đóng cửa để đọc sách, mà tìm những sự việc thích đáng đặt giả thuyết để kiểm tra qua thực nghiệm và biến thành định luật giúp con người làm chủ thiên nhiên; đây là công việc lao động kết hợp giữa chân tay, vừa trí óc, trí óc chỉ đường cho chân tay, chân tay lại hướng dẫn lại trí óc, và cứ thế mãi, để đi đến mục tiêu đã định.

Phương pháp khoa học mới được thật sự rèn luyện trong khoảng 300 năm nay. Người Hy Lạp, tuy giỏi về hình học và có một vài cống hiến về thiên văn, chưa vươn lên đến suy nghĩ khoa học. Ông thầy A-ris-tốt (Aristote) lại có rất nhiều luận điệu phản khoa học, và phải đợi đến Ga-li-lê người ta mới bắt đầu biết quan sát và thực nghiệm.

Phải qua bao nhiêu thời gian đấu tranh chống tôn giáo và sùng bái các tổ sư, khoa học mới hình thành được phương pháp của nó và nhờ sự cố gắng của hàng trăm nhà khoa học khác. Theo Bét-tơ-răng Rút-xen, vào khoảng thế kỷ thứ XVII, đứng đầu hàng ngũ các nhà khoa học lúc đó là Ga- li-lê, Đê-cac-tơ và Niu-tơn.

Khoa học không phải để ý đến những hiện tượng kỳ lạ, mà đến sự việc rất bình thường mà con người thường có thể coi là sự vô ý nghĩa. Páp- lốp hàng ngày chỉ nghiên cứu về việc một con chó chảy nước rãi, và quan sát của ông đã xây nền tảng vĩ đại cho học thuyết phản xạ có điều kiện. Con giun bẩn thỉu đã giúp tôi hiểu biết cơ cấu của một số bệnh bí ẩn ở nhiệt đới


và tìm ra một phương pháp cắt gan độc đáo. Và cuối cùng, không phải là thần tiên, mà chính phương pháp khoa học, với các sự việc rất bình thường đã cho phép con người bay lên mặt trăng và vũ trụ.

Đào tạo nhân tài như thế nào?

Còn hai vấn đề mà tôi muốn đề cập đến:

1. Đào tạo những nhân tài như thế nào?

2. Tổ chức nghiên cứu, quản lý khoa học như thế nào?

- Đào tạo những nhân tài bằng cách nào?

Tôi nghĩ rằng, muốn có một nền khoa học vững chắc, phải có một đội ngũ đông đảo người làm công tác khoa học được huấn luyện đặc biệt ngay từ lúc trẻ, để đến độ 25 tuổi, hay sớm hơn, đi ngay vào nghiên cứu khoa học. Các bạn đã thấy là tất cả những người được giải thưởng Nô-ben trừ về y học, đều là những người vào khoảng 30 đến 32 tuổi.

Việc đào tạo nhân tài là một mục tiêu cho tất cả các nước tiên tiến trên thế giới, đặc biệt là các nước xã hội chủ nghĩa.Vì dân tộc nào cũng cần có nhiều những tài năng để bảo vệ và xây dựng đất nước.

Muốn đặt vấn đề này một cách toàn diện, trước hết phải xét đến những

đặc tính của nhân tài, mới có phương pháp tốt để đi đến những mục tiêu ấy.

Trước hết ta phải nhấn mạnh rằng tính thông minh và sáng tạo không phải là đặc tính của di truyền; những hạt nhân của di truyền, các "gien" không phải là những cơ cấu để chuyển giao từ thế hệ này qua thế hệ khác, năng khiếu không như một loại hoa hồng đẹp cứ kế truyền mãi trong vườn hoa. Não một đứa trẻ mới sinh không phải là một máy tính đã có sẵn chương trình rồi; cơ thể của mọi người có một khả năng to lớn gần như nhau. Về phản ứng mà chưa ai có thể lường hết được, và tất cả khả năng phản ứng đều nằm trong não.

Tất cả các nhà tâm lý học đều cho rằng, những người có đầu óc phát minh thường hay tưởng tượng thích thú những câu chuyện viễn tưởng, như một đứa trẻ thích đặt những câu hỏi ngộ nghĩnh và không bằng lòng những câu hỏi trả lời dễ dàng vội vã. Họ không bằng lòng đối với những nhận thức thông thường đã có; đầu óc phân tích của họ rất nhanh; họ biết tổng hợp và rất linh hoạt. Nói tóm lại họ có đầu óc tò mò giống như một đứa trẻ mới bắt đầu quan sát và thám thính môi trường xung quanh với những cảm tưởng luôn luôn mới mẻ và độc đáo.


Cái đó có thể hiểu được khi ta biết rằng vỏ não của người chỉ phát triển từ lúc bé cho đến lúc 11 tuổi, não người ngừng phát triển, nhưng khả năng sáng tạo của nó vẫn tồn tại được qua huấn luyện và học tập.

Nhưng, những suy nghĩ độc đáo của con người thường bị môi trường xung quanh chi phối, nhiều khi do những phương pháp giáo dục nặng nề, rập khuôn đã hạn chế quá nhiều đến óc tưởng tượng sáng tạo.

Trong chúng ta, đã có nhiều người trong giấc ngủ đã mơ thấy mình đang phiêu lưu đi đến những xứ sở kỳ lạ. Có người mơ thấy mình trở thành nghệ sĩ, có người lại mơ thấy mình trở thành phi công vũ trụ, nhà khoa học đi thám hiểm đại dương v.v...

Điều đó đã nói lên khả năng sáng tạo của não là vô cùng tận. Vấn đề đặt ra là làm sao kích thích được sự phát triển của não.

Kích thích được não của đứa bé là do người mẹ quyết định. Không có gì bằng tình cảm để kích một bộ não đang phát triển, như bộ não của một đứa trẻ mới sinh ra.

Các nghiên cứu tại Bét-cờ-lê ở Ca-li-phooc-ni-a (Hoa Kỳ) cho biết rằng, trên những nhóm chuột được kích thích, trọng lượng não của những chuột con tăng nhanh và nhiều hơn so với những chuột lớn: trên những chuột con chỉ cần một tuần kích thích là có thể đo được độ dày của vỏ não. Năm 1959, người ta cho biết rằng nếu chúng ta vuốt ve mỗi ngày 10 phút một lứa mèo xiêm mới đẻ, những màu sắc của nó đậm hơn lứa mèo không được vuốt ve. Những con mèo được vuốt ve lại nhanh nhẹn hơn, biết quan sát môi trường bên ngoài một cách vững vàng hơn. Không phải chỉ vuốt ve thôi, những kích thích khác như là ánh sáng, âm thanh cũng có kết quả như vậy.

Các nghiên cứu về "sốc" điện trên những chuột mới đẻ cho biết một kết quả lạ lùng: các con chuột bị điện giật trở thành thông minh hơn trong huấn luyện so với những con chuột được nuôi dưỡng trong một môi trường quá yên tĩnh.

Thời điểm kích thích có một vai trò quan trọng; quá thời gian này kích thích không kết quả nữa. Trên chuột mới đẻ, kích thích có kết quả nhất vào ngày thứ 14 là lúc chuột mới mở mắt ra. Ở đại học Con-nêch-ti-cơt (Hoa Kỳ) người ta đã thí nghiệm kích thích chuột con trong 20 ngày đầu, từ lúc sinh ra, có ảnh hưởng rõ rệt đến hành vi, phản ứng bạo lực (agressivite) trọng lượng cơ thể, đề kháng chống vi rút ung thư bạch huyết và khả năng tồn tại sau các "sốc" mạnh mẽ v.v...


Muốn kích thích phát triển não của đứa trẻ phải tiến hành ngay từ lúc mới lọt lòng. Tình cảm của người mẹ thể hiện qua sự nâng niu, âu yếm, vuốt ve, cho bú đối với đứa trẻ đã có ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển của não.

Người ta đã nghiên cứu và đi đến kết luận rằng xưa kia ở những bộ lạc có tục xâu lỗ tai, xâu mũi, cắt bao dương vật thì chiều cao của những người ở những bộ lạc ấy cao hơn những người ở bộ lạc khác đến 5 cm. Nhưng, những kích thích ấy chỉ có tác dụng trong thời gian 2 tuổi. Ngoài ra còn một số yếu tố khác làm ức chế, ảnh hưởng đến khả năng của não. Các nhà nghiên cứu Liên Xô đã nghiên cứu thấy rằng, nếu bắt con vật thôi bú sớm đã có ảnh hưởng xấu đến việc luyện tập của nó sau này. Thí nghiệm này có thể xét nghiệm qua đo lường chất ARN của tế bào não. Một đứa trẻ thiếu tình cảm của người mẹ sẽ ảnh hưởng chậm đến khả năng nhận thức và phát triển. Người ta đã làm thí nghiệm việc nuôi dưỡng những con khỉ con trong một khu vực cách ly riêng biệt. Việc nuôi dưỡng này do những người mẹ nhân tạo đảm nhiệm.

Kết quả cho thấy những con khỉ con này đều chậm hiểu biết hơn

những con khỉ được mẹ nó nuôi dưỡng.

Những nghiên cứu như vậy đã cho phép nhà sinh vật Mỹ Ca-lơ-ouay đập tan hai quan điểm khá phổ biến: 1, trước hết là vai trò của di truyền trong vấn đề thông minh của một giống người; 2, nhận thức không phát triển và thay đổi được khi cấu trúc của não đã hoàn chỉnh.

Chúng ta thấy rằng, con người đã có rất nhiều thuận lợi trong việc giáo dục phát triển trí tuệ của trẻ em. Não người có khả năng nhạy cảm, thích ứng trong một thời gian rất dài. Nhưng đối với các loài vật thì, não của chúng chỉ thích ứng với sự phát triển trong một thời gian ngắn.

Kết quả nghiên cứu của một số nhà khoa học ở thành phố Bô-xtôn (Hoa Kỳ) cho biết rằng, trẻ con bắt đầu đi được từ tháng 14, nhưng có thể tập cho trẻ biết đi sớm hơn. Một nhóm trẻ con được huấn luyện như sau: trẻ sơ sinh đã được tập đi chân không trên một mặt phẳng, độ 3 phút mỗi ngày, sau 8 tuần, các trẻ sơ sinh này có thể tập bước được 30 bước một phút; sau chín tháng, chúng đều đi được, trong khi ở 3 nhóm khác không được tập, chỉ có một đứa biết đi thôi. Như vậy, luyện tập có thể giúp cho đứa bé đi sớm mấy tháng trước thời gian bình thường. Ở thế kỷ 18, có một người cha tên là Cát Vi-tơ tuyên bố rằng nhân tài có thể nảy nở sớm và cho dạy dỗ sớm đứa con của mình: bắt đầu 6 tuổi, đứa bé ấy đã tỏ ra thông minh; lúc 9 tuổi đã vào đại học và đến 16 tuổi đã bảo vệ xong luận án tiến sĩ. Sau Vi-tơ, Giáo sư Bớt-lơ ở Hauốt theo gương này, vào năm 1900, đã cho giáo dục


sớm 4 đứa con mình, kết quả, một gái vào đại học lúc 15 tuổi, và một trai cũng vào đại học lúc 13 tuổi. Vào thế kỷ đó, ở Ý, nữ bác sĩ Mông-tét-xơ-ri cho biết là trẻ em có thể đọc sách sớm giữa 3 và 4 tuổi. Trong các gia đình hoạt động trên các lĩnh vực nghệ thuật, thể dục thể thao, con cái họ thường có nhiều người nối nghiệp ông cha. Đây không phải là do di truyền của gien, mà là do môi trường của đứa trẻ, ngay từ thuở lọt lòng đã được đào tạo theo những hứng thú riêng. Tuy nhiên cũng có nhiều trường hợp ta thấy có những gia đình con cái không đi theo nghề nghiệp của ông cha, mà lại hướng theo một ngành hoàn toàn khác.

Ở đứa trẻ, học nói là một việc quan trọng nhưng ít gia đình để ý. Một đứa trẻ hai năm phải biết 12000 tiếng nói. Các chuyên gia Liên Xô cho biết lời nói có một tác động lớn đến sự hiểu biết. Nếu người ta dạy cho trẻ từ một năm rưỡi đến 2 năm một từ nào đó và mỗi lần ta thưởng cho trẻ một cái kẹo, trẻ sẽ học nhanh thuộc hơn.

Dạy ngoại ngữ cho học sinh nên dạy ngay từ lúc 11 tuổi. Ở lứa tuổi ấy các em sẽ có một trí nhớ bền chặt, dễ tiếp thu và phát âm đúng.

Qua nghiên cứu của các nhà khoa học ở thành phố Xan-xơ-lu (Mỹ) người ta thấy rằng, trẻ em 2 tuổi có thể học nói như đứa bé 5 tuổi. Cứ mỗi lần đứa trẻ học thêm một từ mới người ta lại tặng cho nó một phần thưởng.

Qua những nghiên cứu mới nhất về não, chúng ta nên hướng cải cách giáo dục vào những khả năng của não, trước hết là khả năng phát minh và sáng tạo của não, từ lúc trẻ mới ra đời để tìm ra những phương pháp mới để kích thích tốt vỏ não, chứ không phải kìm chế nó lại.

Theo tác giả Mỹ Ou-hai-to (White) ở Đại học Ha-vớt, trẻ em có thể chia ra hai loại: A và C. Trẻ em ở loại A độ 3 tuổi, đã có hiểu biết lô-gic về xã hội hơn đứa bé 6 tuổi loại C, theo kịp Ha-vớt, có lẽ trong giai đoạn giữa 10 tháng và 18 tháng mà trẻ em có được hiểu biết loại A, và nếu đến 18 tháng mà nó không có được sự hiểu biết của loại A, nó không bao giờ có được nữa. Vai trò quyết định sự hiểu biết đó là người mẹ. Người mẹ không phải tập trung toàn bộ thời gian vào đứa trẻ, nhưng người mẹ cần hiểu biết đứa bé khi nó bắt đầu tập nói, giúp cho nó biết các vật mới, giúp cho nó tự ăn uống, luôn luôn chơi với nó, kích thích sự tò mò của nó. Phải làm sao luôn kích thích sự tò mò của đứa bé, vì nếu đứa bé không thích thú gì thế giới xung quanh, nó sẽ mất ngay tính chất quý hoá cơ bản cho sự hiểu biết này.

Một mặt nữa các ngành phải để ý đến ăn uống ở trường cấp I. Vì hoạt

động não của trẻ đòi hỏi và tiêu thụ một lượng lớn về Prô-tê-in, giải quyết


được vấn đề này cũng là một nội dung thiết thực trong chương trình cải cách giáo dục hiện nay.

Chúng ta phải biết kích thích sự say mê, sự quan sát của trẻ em, say mê và quan sát thiên nhiên, cỏ hoa, cây cối, chim bướm. Các sách giáo khoa cần soạn lại, in lại, vẽ lại, phải có muôn vàn hình thức để kích thích sự tò mò, sự thèm cái lạ, cái mới, cái chưa biết. Các cô giáo, các thầy nên luôn luôn tìm mọi cách để kích thích trí tưởng tượng của các em. Ngoài gia đình và nhà trường, môi trường sinh hoạt xã hội phải tổ chức cho trẻ em sinh hoạt không bị gò bó trong những khuôn mẫu định sẵn. Phải tạo điều kiện để khêu gợi được trí tò mò, óc tưởng tượng của các em. Cần kích thích các em tìm hiểu những điều mới lạ, quan sát phát hiện những cái mới trong tự nhiên và trong đời sống. Không nên sợ các em có đầu óc phiên lưu, mạo hiểm. Phiêu lưu mạo hiểm mà hướng đến những mục đích hoạt động tốt thì đó chính là cơ sở nhen nhóm trong đầu óc con người về sự tưởng tượng phát minh, sáng tạo sau này. Không nên quan niệm rằng, do sự thiếu thốn về vật chất mà hạn chế những hoạt động phong phú trong xã hội. "Cái khó không bó cái khôn". Thường trong những hoàn cảnh khó khăn càng cần phải cổ vũ động viên sự tìm tòi sáng tạo.

- Tổ chức nghiên cứu quản lý khoa học như thế nào?

Nghiên cứu khoa học phải đi đôi với phục vụ sản xuất và giảng dạy. Giảng dạy có nghĩa là dạy nhóm chứ không phải lên lớp, và dạy cách làm hơn là dạy lý luận đã có trong sách vở. Việc này đặt ra là phải tổ chức lại các trường đại học và phải coi các trường đại học là cơ sở chính của việc nghiên cứu.

Chúng ta biết rằng giữa các nước tiên tiến và nước ta có một khoảng cách lớn về khoa học và kỹ thuật. Để đuổi kịp các nước tiên tiến, chúng ta phải có một kế hoạch định rõ cụ thể các mục tiêu cần đạt được trong việc phát triển khoa học kỹ thuật. Phát triển kỹ thuật không thể tách rời khỏi nghiên cứu khoa học, vì nhờ đấy, ta mới có thể làm chủ trong vấn đề nguyên liệu, vật tư và máy móc, để tìm ra một kỹ thuật có hiệu lực thích hợp và rẻ tiền hơn.

Trước hết, chúng ta phải thống kê danh sách nghề nghiệp và đánh giá trình độ năng lực của tất cả những người làm công tác khoa học và kỹ thuật của nước ta. Nhưng chúng ta cũng phải nhận rằng những cán bộ đại học của ta đã được đào tạo trong một hoàn cảnh cấp tốc và thiếu thốn, ít thực hành, ít thầy giỏi, trong những nhà trường chưa đủ kinh nghiệm, chưa có một truyền thống nghiên cứu khoa học như ở các nước công nghiệp. Lúc mới giải phóng xong Béc-lin, các nước như Mỹ, Anh, Liên Xô đều đưa việc tìm


kiếm các nhà khoa học Đức lên mục tiêu số một, trong khi đó ở Nam Tư, tiến sĩ Đê-đi-giê người Nam Tư, chuyên giảng dạy ở Đại học Lund về khoa "Đường lối khoa học của các nước thứ ba" nói với tôi một cách mỉa mai rằng: "Người ta thống kê về kinh tế đến các con lừa, nhưng chính quyền Nam Tư đã quên kiểm kê các nhà khoa học của đất nước".

Sau con người, ta phải nắm tất cả các thiết bị trong nước. Phải tranh thủ mọi thời gian để sử dụng hết công suất của các thiết bị máy móc... Các máy đắt tiền và quan trọng ngay ở Mỹ đều được sử dụng trong 24 giờ liền và các nhà khoa học phải thay nhau để sử dụng liên tiếp. Giáo sư Lê Văn Hóa, ở trường Đại học Y ở Chi-ca-gô nói: tôi phải làm việc từ 3 giờ sáng đến 5 giờ tối để sử dụng một máy nghiên cứu về phóng xạ.

Ở các nước, Nhà nước thường đề ra những mục tiêu cụ thể cần đạt và chỉ định thời gian thực hiện cụ thể trong kế hoạch. Hàng năm nhà nước công bố các chỉ tiêu sau đây:

1) Số người làm công tác khoa học từng ngành đã được đào tạo.

2) Số kỹ sư đã ra trường đại học.

3) Số tiền đã đầu tư vào nghiên cứu khoa học

Qua những chỉ tiêu này, người ta có thể đánh giá đường lối khoa học của mỗi nước, và sự phát triển khoa học của nước ấy. Mặt khác, nhà nước phải có chính sách thích đáng với người làm công tác khoa học từ việc ăn ở cho đến các phòng nghiên cứu. Cách làm việc về tài chính của ta hiện nay chưa chú ý đến đặc điểm của công tác nghiên cứu khoa học của một nước muốn tiến gấp lên hiện đại. Nhưng các cán bộ phụ trách khoa học ở các ngành thì rõ ràng chưa có một ý thức gì về chính sách đối với cán bộ làm khoa học, có lẽ cũng vì lý do là cán bộ phụ trách của ta chưa đánh giá đúng trình độ năng lực của từng cán bộ khoa học một cách chính xác.

Xây dựng một đường lối trong kỹ thuật (politique technologique) là một việc quan trọng: có nó mới biết được nhu cầu về máy móc, thuốc men, hoá chất và ngay cả cách phân phối vật liệu của mỗi ngành, mỗi bệnh viện. Tôi lấy một ví dụ: luật lệ chúng ta cho phép phụ nữ phá thai nếu muốn và hợp pháp. Vậy, Bộ Y tế phải đưa ra quy định kỹ thuật, chẳng hạn:

1) Cho phép nạo tử cung, nếu có thai chưa đến ba tháng, sau ba tháng không cho phép nạo.

2) Nếu quá ba tháng phải có một phương pháp đòi hỏi một trang bị khác như là tiêm xê-rôm vào bọc ối và hút.


3) Nếu thai quá to phải làm nong rộng cổ tử cung và lấy thai qua tử cung và nếu cổ tử cung không nong rộng ra được phải lấy thai và cắt tử cung.

Hay là, nếu ta định dùng châm cứu bằng kim, phải có quy định về sát trùng các kim (ngâm trong phoóc-môn trước, rửa và sau đó hấp 120 độ trong một giờ) không thì bệnh viêm gan do siêu vi trùng sẽ lây lan ra hàng triệu người (như đã thấy ở Trung Quốc).

Trong kế hoạch phát triển khoa học của một nước, việc nghiên cứu phát minh là điều kiện cơ bản để đẩy mạnh khoa học. Không có phát minh, ta không thể thích ứng các kỹ thuật quá tốn kém của những nước công nghiệp hiện đại vào hoàn cảnh nước ta: ta phải làm theo kiểu ta, nhưng không vì thế mà lại thiếu phương pháp khoa học. Phát minh đối với nước ta, cũng như đối với các nước đang phát triển có một vai trò hết sức quan trọng trong công cuộc cách mạng khoa học - kỹ thuật, xây dựng và phát triển kinh tế.

Cho nên ta cần phải gấp rút tiến hành công việc quản lý và nghiên cứu khoa học. Quản lý nghiên cứu khoa học phải giao cho các cơ quan nắm vững chắc phương pháp khoa học. Ở nước nào cũng có những tổ chức như vậy. Ở Liên Xô có các Viện Hàn lâm, ở Pháp có nhiều tổ chức như Trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học (CNRS) hay Viện Nghiên cứu y học (Inserm); ở Anh có hội đồng quốc gia nghiên cứu khoa học, ở Mỹ có những Viện quốc gia v.v... Những tổ chức ấy gồm có những giám đốc nghiên cứu, biết đánh giá một công trình về khoa học cũng như về kinh tế cần để thực hiện. Làm một đề án nghiên cứu khoa học công phu như một công trình khoa học, và còn phải tính tất cả các chi tiêu: văn phòng, liên lạc, vật liệu và máy móc. Ngoài dự trù trong ngân sách, nhiều khi phải sử dụng tiền mặt và phải mua nhiều thứ theo giá cả thị trường ngoài. Công việc cung cấp tài chính, cách cho tiền, phải qua một thể lệ phiền hà, chậm trễ gây cản trở đối với công việc nghiên cứu khoa học. Tôi lấy một thí dụ: lúc tôi bắt đầu điều khiển nghiên cứu khoa học tôi muốn có một chuồng chuột để nuôi thí nghiệm theo đề tài đặt ra. Lúc đưa vấn đề làm chuồng theo tiêu chuẩn của thực nghiệm, vì thể lệ tài chính khắt khe, chúng tôi cứ họp đi họp lại và cuối cùng tôi quyết sẽ họp khi nào có chuồng chuột. Một năm sau vẫn chưa có chuồng. Cần nghiên cứu để xuất một chế độ có thể khuyến khích những anh chị em cán bộ khoa học kỹ thuật trẻ có năng lực đang ham muốn có những nghiên cứu đóng góp cho sự nghiệp xây dựng đất nước.

Các công việc nghiên cứu khoa học của ta hiện nay đều tập trung vào các viện và ít hoạt động hơn ở các trường đại học. Tôi nghĩ điều đó cần


nghiên cứu lại, vì việc đào tạo cán bộ trẻ nằm trong phạm vi các trường đại học. Ở các nước tiên tiến, nghiên cứu khoa học được tập trung ở các trường đại học nhưng lại ít quan hệ với các xí nghiệp lớn do công ty hay nhà nước điều khiển (trừ Hoa Kỳ và nước Anh); ở ta lại có tình trạng ngược lại, còn các phòng thí nghiệm và nghiên cứu của các trường đại học thì được trang bị quá sơ sài và lại thiếu vốn để hoạt động. Vì vậy ngành hoá của chúng ta ở mức thấp quá và chưa đóng vai trò cơ bản trong một nước muốn vươn lên. Nhiều trường đại học nước ta hiện nay, công việc của ban giám hiệu là công việc của người quản trị, hành chính nhiều hơn là công việc của người làm công tác tổ chức quản lý nghiên cứu khoa học và đào tạo.

Cho nên tôi có thể nói rằng: thế hệ trẻ chúng ta chưa được khuyến khích một cách xứng đáng, tuy hiện nay chúng tôi thấy họ có nhiều khả năng để thay thế thế hệ cũ bắt đầu già nua và ít hoạt động.

Những sự việc mà tôi kể đây là những sự việc mà tôi đã phát hiện trong quá trình tôi được chỉ định phụ trách chương trình nghiên cứu "Sức khoẻ và khoa học". Danh từ này có nghĩa là nghiên cứu khoa học một số vấn đề y tế nằm trong chủ trương của nhà nước.

Nói về vị trí của công tác nghiên cứu trong nghiệp vụ hàng ngày, chúng tôi mỗi người đều có sự phân công rõ rệt. Ở các bệnh viện, việc chính là điều trị các bệnh nhân. Nhưng ngoài công việc của một bệnh viện ra còn phải giúp trường đại học giảng dạy cho các sinh viên. Như vậy một bác sĩ ở một bệnh viện như bệnh viện Việt-Đức và một số bệnh viện khác... tham gia giảng dạy, đào tạo y tá và sinh viên thực tập. Ở đây có một vấn đề bất hợp lý về chế độ tài chính mà các bộ quy định: người làm việc ở bệnh viện mà giảng dạy thì được phụ cấp thêm của trường, nhưng người giảng viên mà tham gia điều trị ở bệnh viện thì không có phụ cấp thêm của bệnh viện, tôi đã phải làm nhiều việc không đúng nguyên tắc lắm để cho họ có thể ăn thêm trong khi trực suốt đêm vì bệnh viện. Đây là một cách giải quyết quá độc đoán, trái lại các quy tắc chung ở các nước khác: một Giáo sư giảng dạy mà tham gia điều trị thì được phụ cấp và lúc trực nhà nước phải lo cho việc ăn ở của người ta. Kết quả là các trường y ở các tỉnh đi đến một giải pháp lạ lùng người dạy học chỉ nói chứ không điều trị, và người làm việc thực sự ở bệnh viện, nghĩa là có kinh nghiệm về điều trị, thì không dạy. Học và hành không đi đôi với nhau, và như thế các cán bộ lãnh đạo đã không thực hiện một đường lối cơ bản nhất của chế độ chúng ta: học phải đi đôi với hành. Lý thuyết gắn liền với thực tiễn.


Như vậy, ngay ở một trường đại học, mâu thuẫn giữa dạy học và công việc chuyên môn chưa giải quyết được, làm sao mà đặt ra được vấn để nghiên cứu khoa học.

Chúng ta thường quá đơn giản khi nghĩ rằng, một người nghiên cứu khoa học chỉ cần có máy móc và vật thực nghiệm thôi. Không đơn giản như vậy. Nghiên cứu khoa học trước hết là phải có hồ sơ. Ai giữ và sắp xếp hồ sơ cho một người đầu tắt mặt tối vào công việc hàng ngày? Nào máy chữ, nào giấy, nào bút chì v.v... lấy tiền ở đâu? Mua vật liệu cho người nghiên cứu cần mà nhà nước không có; đi mua ở đâu, ai đi mua, ai chuyên chở, ai bảo quản? Phải có tiền. Mỗi nghiên cứu đòi hỏi nhiều xét nghiệm để làm thông số (para-métre): người nghiên cứu phải làm hợp đồng với các phòng thí nghiệm ngoài cơ quan mình. Ai theo dõi ngày đêm một thực nghiệm phải làm? Phải có người, và phải có chế độ bồi dưỡng cho anh em thì họ mới có sức thức suốt đêm để theo dõi. Như thế, ngoài máy móc, phương tiện, bao nhiêu các chi tiết khác cần thiết để phục vụ cho một đề tài nghiên cứu. Người nghiên cứu còn phải mua những thứ cần thiết ngoài dự trù của nhà nước và phải mua theo giá thị trường. Tiền mặt đâu mà mua. "Làm khoa học thật sự là làm một việc kinh tế có lời, có lỗ: làm hay thì lời, làm dở thì lỗ".

Trong việc quản lý nghiên cứu khoa học, người phụ trách phải có tư tưởng sợ không đạt kết quả trong một thời gian dự định, hơn là sợ người ta lợi dụng tiền bạc, và nếu một việc như thế xảy ra, người lợi dụng sẽ mất cả tương lai khoa học của họ.

Bây giờ tôi xin dẫn chứng những điều nêu trên qua kinh nghiệm của tôi về xây dựng một khoa mổ tim bằng máy, ngang hàng với các nước tiên tiến.

Từ 1965 đến 1978, khoa tim ở Việt-Đức đã mổ gần 100 trường hợp tim bằng máy tim phổi nhân tạo. Qua kinh nghiệm quá ít như thế đối với nước ngoài, chúng tôi thấy chưa có khả năng mổ một cách bảo đảm các bệnh nhân đau ở van tim mà thay đi hay làm tạo hình lại các lỗ van của tim, nghĩa là chúng tôi chưa mổ được một cách chắc chắn tim trái. Chúng tôi đặt vấn đề lao vào việc này với sự giúp đỡ của một kíp từ bệnh viện Lanennec (Pa-ri) đến, do một người bạn trẻ tuổi: bác sĩ Lecompte, mà tôi quen biết từ 1964 giới thiệu. Lần này tôi trực tiếp phụ trách và lãnh đạo về kỹ thuật, còn việc chuyên môn là do các bác sĩ ở khoa làm. Lường trước những khó khăn về chế độ, tôi xin được một quỹ 1200 đồng để thực hiện kế hoạch này. Qua lãnh đạo việc này, tôi thấy đây là một việc tổ chức nặng về kỹ thuật, nhưng cũng nặng về kinh tế. Trước hết các phòng mổ đã được chuẩn bị chu đáo,


ngày đêm phải hoàn toàn sạch sẽ và sát trùng. Đây là một lao động mệt nhọc, và những người phải làm việc này cũng là những nữ y tá vừa lao vào một cuộc mổ xẻ mệt nhọc và lâu dài. Không ai chắc rằng sau một cuộc mổ xẻ như vậy mà lại không có thể một lần mổ lại nữa. Những người y tá làm việc như vậy không phải làm việc bằng hai, mà bằng ba bằng bốn, và công việc căng thẳng như vậy phải kéo dài trong hai tháng liền. Những người này cần được khuyến khích bằng vật chất nhờ quỹ mà tôi đã chuẩn bị trước trên tinh thần làm nhiều hưởng nhiều. Mỗi việc chuẩn bị cho kế hoạch mổ được kiểm tra đi kiểm tra lại một cách cẩn thận, vì nhiễm trùng trong việc mổ tim phổi nhân tạo sẽ là một tai biến khủng khiếp. Trước hết là vấn đề máu. Số lượng máu cần cho mỗi lần dùng máy là từ 3 đến 5 lít, không kể dự trữ 2 lít nữa. Nhờ cách theo dõi trước, các người cho máu rất ít khả năng truyền bệnh viêm gan, nhưng khi kiểm tra các chai đựng máu thì thấy không đủ tiêu chuẩn. Các lọ cần phải bôi si-li-côn trước để hồng cầu đừng vỡ. Kiểm tra các nút, thì chao ôi, không còn cái nút nào bảo đảm vì phải dùng đi dùng lại quá nhiều lần, với sự thờ ơ của Cục Vật tư của Bộ, nên các nút đều thủng như là một cái ria! Mỗi lần mổ, chúng tôi cần đến 28 lọ và nút. Để khắc phục tình trạng đó, chúng tôi quyết định lấy máu ngay và đưa vào máy sau hai tiếng để tránh tác hại của các nút quá thủng. Lấy 7 lít máu trước khi chạy máy đòi hỏi phải làm việc căng thẳng, vất vả. Chúng tôi phải bồi dưỡng xứng đáng cho kíp lấy máu. Kiểm tra lại các bình oxy thì phát hiện một việc là lùng: các bình ô-xy không đủ sức nén và như thế, bệnh nhân có thể nguy hiểm trong khi mổ. Lý do ở đây là bình ô-xy không được nhà máy nạp ô-xy vào ngay và phải đợi 2-3 ngày; trong khi đó các bình ô-xy bị người ta thay đổi các nút vít đóng, cho nên bình bị hở và mất ô-xy. Công văn của cấp trên hai ba lần gửi đến nhà máy mới biết. Chúng tôi phải cử người đi thương lượng, đi kiểm tra, đi chuyên chở từng bình một; vì vậy phải có bồi dưỡng đúng mức. Không làm như vậy thì chắc chắn là hai tháng sẽ trôi qua đi mà chẳng mổ xẻ gì được. Lúc cho máy thở chạy liên tục, thì ban đêm thấy máy đứng lại vì áp suất trong máy tụt: nhân viên phụ trách ca ba máy nén của bệnh viện ngủ thiếp đi vì ăn uống kém quá không đủ sức khoẻ trực suốt đêm. Lại phải bồi dưỡng. Công việc sau vài lần kiểm tra lại chạy tốt. Như thế, không có chế độ cung cấp tốt, không kích thích bằng vật chất, không thể đòi hỏi một kỷ luật tuyệt đối, và vấn đề động viên bằng vật chất càng ngày càng thấy rõ vai trò của nó qua kinh nghiệm của chúng ta. Ta không thể chỉ có động viên chung chung được nữa...

Các khâu khác như giặt quần áo và hấp đồ vải cũng là một việc phải để ý. Tất cả ai vào phòng mổ đều phải thay áo quần, thông thường được hấp trước; có thừa giày vải, mũ và khẩu trang để luôn luôn thay, kíp mổ thay


găng tay ít nhất là ba lần, áo choàng mổ phải che kín đằng trước và đằng sau. Tất cả các việc này phải làm ngay đêm trước phiên mổ và cần có sự khuyến khích vật chất một cách thoả đáng.

Như thế, ngay trong vấn đề hoàn toàn thuộc về kỹ thuật đơn thuần, các khâu chuẩn bị về hậu cần có một vai trò quyết định và rõ ràng vấn đề khuyến khích vật chất để nắm lấy một kỹ thuật hiện đại trong một thời gian ngắn là rất cần thiết. Tiếp thu một kỹ thuật tiên tiến hiện nay trước hết đòi hòi phải thay đổi cách làm việc của các cơ cấu hậu cần, để đảm bảo công việc được liên tục không bị ngừng trệ vì những thủ tục giấy tờ quá quan liêu. Một thay đổi đột biến về kỹ thuật đòi hỏi một quỹ chi tiêu mới. Người làm công tác quản lý khoa học kỹ thuật, cần nắm được nội dung yêu cầu cụ thể của đề tài nghiên cứu, tạo mọi điều kiện kể cả về tài chính cho những người nghiên cứu có thể tiến hành tốt công việc của họ.

Kết quả là sau hai tháng các kíp trẻ tuổi ở Việt-Đức đã đạt được kỹ thuật hiện đại và bảo đảm về mổ tim bằng máy mà ngay ở Pháp, người ta mới hoàn chỉnh được độ hai năm nay thôi. Các chuyên gia của ta đã mổ một lần được luôn 2-3 van tim không tử vong, và như vậy đã bước được một bước lớn để đưa ngành mổ xẻ Việt Nam vào một giai đoạn mới. Các công việc này cần phải duy trì và phát triển thêm nữa, để giữ vững tiến bộ đã giành được, và để thích ứng kỹ thuật quá tốn kém vào hoàn cảnh của nước nhà.

Trước hết phải tổ chức lại cơ sở khử trùng. Cách hấp các van nhân tạo tốn kém quá: phải có những máy sát trùng bằng hơi ô-xyt ê-ty-len để đảm bảo giá trị hoạt động của các van nhân tạo, không được hấp bằng hơi nóng quá 3 lần (mỗi lần mổ phải khử trùng 3 van kích thước khác nhau, phải có những máy diệt trùng bằng hơi foóc-môn để làm nhẹ công việc lao động chân tay của các nữ y tá, phải phát triển và hiện đại khoa gây mê hồi sức, phải nghiên cứu tự chế lấy các van tim. Hoàn thành bước này, không phải chỉ khoa mổ tim thôi, mà cả ngành mổ xẻ tiến lên hoàn toàn hiện đại.

Người phụ trách quản lý nghiên cứu khoa học có trách nhiệm khuyến khích các đề tài nhằm giải quyết những vấn đề trong nước, cần và phải tạo điều kiện hoàn thành nhanh chóng các công trình to hay nhỏ giúp cho nước ta tự lực tự cường. Vì vậy không phải chỉ nhằm vào việc đưa các kỹ thuật hiện đại vào nước nhà, mà phải đặt vấn đề nghiên cứu những phương pháp độc đáo, dễ làm, rẻ tiền mà lại giải quyết tốt các sự việc hàng ngày. Công trình thích thú nhất của tôi là cố gắng giải quyết chữa bệnh ung thư theo cách của ta, vì chữa ung thư theo các phương pháp hiện đại vừa quá tốn kém cho nhà nước, vừa lại đặt cho y tế ta một gánh quá nặng về các biến


chứng. Tôi muốn nhấn mạnh, như tôi đã nói trên về việc quyết tâm tìm một kỹ thuật trung gian mà các nước nghèo có thể theo gương được.

Chúng ta biết rằng, hiện nay các nước công nghiệp hướng việc chữa ung thư gan đã lan ra cả hai thùy (thường chết trong 6 tháng đầu) bằng một phương pháp táo bạo, đòi hỏi một kỹ thuật rất cao và lại rất tốn kém, bằng cách thay gan ung thư bằng gan một người chết. Starzl, ở Mỹ, đã xây dựng được kỹ thuật này và ở Anh có Can-nơ ở Cam-bơ-ri-giơ theo gương chúng tôi, lúc đầu cũng muốn làm như vậy, nhưng thấy quá tốn kém nên đã nghĩ ra phướng pháp dễ làm hơn là cắt bộ phận gan bị viêm nhiễm nhiều nhất, để lại bộ phận gan bị di căn, rồi cố gắng huỷ trừ những tế bào ung thư còn lại bằng các thuốc tăng cường miễn dịch cơ thể như là tiêm thuốc BCG, Lévamisole, và LHI mà anh Nguyễn Đăng Tâm, Việt Kiều, đã phát minh ra và hiện nay chúng tôi đã chế tạo được ở trong nước. BCG là một loại thuốc trước kia dùng để trừ lao, và tên thật của nó là ba-xi-ơ Calmette và Guérin, tên của 2 bác sĩ Pháp đã cô được nó đầu tiên. Sau này, vào khoảng năm 1970, người ta phát hiện rằng vi trùng lao này của loại bò có tác dụng làm tăng cường sức đề kháng của cơ thể, nghĩa là tăng cường việc sản xuất miễn dịch trong cơ thể người. Thuốc Lévamisole là một thứ thuốc để trừ giun đũa, mà lại có khả năng tăng cường đề kháng của cơ thể, do một bác sĩ Pháp đã tìm thấy trước. Thuốc LHI thật sự là một công thức của một loại stéroid đã có một các-bon ghép với một a-xit aminê. Ba thuốc này đã được kiểm nghiệm tính chất tăng cường miễn dịch của thỏ bằng phương pháp Jec-nơ (Jernes). Chúng tôi dùng BCG bằng cách tiêm vào các bạch huyết của gan, Lévamisole thì cho uống và LHI thì cho tiêm vào động mạch gan sau khi cắt gan hay buộc động mạch gan. Trong ba thứ thuốc này, chúng tôi cho thuốc LHI là rất dễ dùng và đem lại kết quả có lẽ là tốt nhất. Như thế, ta có thể tóm tắt qua các công trình đã đăng trên các báo chí lớn của Y học thế giới hiện nay có 1 phương pháp mới được đem ra đối chiếu để chữa những ung thư tiền phát của gan quá nặng, một là ghép gan theo các nước công nghiệp với 2 tác giả nổi tiếng (Starzl và Calne); hai là phương pháp của Việt Nam bằng cách cắt gan hay buộc động mạch gan phối hợp với dùng các thuốc kích thích miễn dịch. Chúng tôi đã có dịp gặp Calne ở Cam-bri- giơ (Anh) để so sánh các kết quả của hai phương pháp này.

Ghép gan - I, Với Starzl, mổ 11 người:

chết trước 6 tháng: 7; sống quá 6 tháng: 4; sống sau 1 năm:

2; sống sau 2 năm: 0


II, Với Calne: mổ 34 người: chết trong 6 tháng: 26; sống sau 6 tháng: 3; sống sau 2 năm: 2; chết sau 4 năm: 1; chết sau năm năm: 1.

Với phương pháp của Việt Nam: cắt gan + kích thích miễn dịch:

112 người, sống sau 6 tháng: 59;

sống sau 1 năm: 15;

sống sau 2 năm: 7;

sống sau 3 năm: 5;

sống sau 4 năm: 4;

sống sau 5 năm: 4

sống sau 6 năm và vẫn còn sống: 3.

Chất lượng sống sau mổ của phương pháp Việt Nam trội hơn hẳn phương pháp thay gan: bệnh nhân không phải hàng ngày tiêm thuốc trừ miễn dịch, không luôn luôn vào nằm bệnh viện vì biến chứng thải hồi (ryet). Những người lành mạnh sau mổ đều trở lại công tác cũ, và trong lao động sản xuất nữa.

Như thế chúng ta thấy ngay một kỹ thuật trung gian giữa nước giàu và nước nghèo không có nghĩa là tồi hơn kỹ thuật tiên tiến. Ở chúng ta, kỹ thuật phải phục vụ người lao động chứ không phải phục vụ cho những người làm kỹ thuật và đây không phải chỉ là nhận xét của tôi thôi, mà là nhận xét của một số chuyên gia Thụy Sĩ, Đan Mạch, Anh và Ý mà tôi biết, trong đó có cả những chuyên gia về thay thận, khi bàn đến việc thay thế các cơ quan (transplantation).

Nói tóm lại, muốn đuổi kịp trình độ khoa học của những nước công nghiệp phát triển, từ một nước chậm tiến cần phải xây dựng một đường lối khoa học rõ rệt có những mục tiêu cụ thể và dần dần theo thời gian quy định và vốn bỏ vào, để đi đến những mục tiêu ấy. Mỗi mục tiêu đạt được phải đề ra một đường lối kỹ thuật, và muốn cho việc hiện đại được hoàn thành rộng rãi trong toàn quốc, phải có một hay nhiều cơ quan quản lý nghiên cứu khoa học, có nhiệm vụ tìm những phát minh để thích ứng các kỹ thuật hiện đại tốn kém vào hoàn cảnh kinh tế của một nước. Trong các việc phải ỉàm, chúng ta không nên bao giờ quên rằng nghiên cứu khoa học là một vấn đề kinh tế cần tích luỹ vốn, mọi phát minh khoa học trước hết là để phục vụ đời sống con người.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro