TÔN THẤT TÙNG VẪN SỐNG VỚI TRƯỜNG PHÁI DO ÔNG SÁNG LẬP

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

LỜI BẠT

TÔN THẤT TÙNG VẪN SỐNG VỚI TRƯỜNG PHÁI DO ÔNG SÁNG LẬP

HÀM CHÂU

I

Giáo sư Tôn Thất Tùng qua đời lúc 11 giờ 45 phút ngày 7-5-1982, đúng

vào dịp kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ mà ông đã tích cực tham gia.

Mới ngày nào, đề tựa cho cuốn sách của Giáo sư Tôn Thất Tùng nhan đề Đường vào khoa học của tôi, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết: "Giáo sư Tôn Thất Tùng là một nhà bác học có tiếng, đã từng làm cố vấn quân y cho Bộ Tổng Tư lệnh trong thời kháng chiến , hiện nay là một chiến sĩ xuất sắc trên mặt trận cách mạng khoa học kỹ thuật ở nước ta".

Nhà bác học ấy, người chiến sĩ xuất sắc ấy vừa vĩnh biệt chúng ta.

Trên chiếc giường rộng giữa phòng, lót nệm, trải vải hoa, Giáo sư nằm thẳng người, hai tay buông xuôi, đắp tấm vỏ chăn màu xanh da trời đến ngang ngực, đầu ngả trên chiếc gối bông trắng xốp kê cao, mái tóc màu bạch kim buông dài bên thái dương, hai mí mắt khép lại như đang thiêm thiếp ngủ. Bốn bức tường sơn màu lục thẫm, những bức phù điêu, tranh sơn mài, những tầng giá gỗ xếp đầy các cuốn sách và tạp chí khoa học Giáo sư quen đọc hằng ngày, chiếc mũ bê-rê Giáo sư quen đội, lọ hoa hồng... tất cả vẫn y nguyên. Đồng hồ để bàn vẫn tích tắc đều đều. Quạt trần vẫn quay nhè nhẹ... Chỉ có trái tim con người nằm đó là đã ngừng đập, ngừng đập hoàn toàn! Tiếc thay, cho đến giờ phút này, khoa học vẫn chưa khám phá được hết mọi bí ẩn của tự nhiên, điều khiển được mọi quá trình của sự sống!

Bác sĩ Tôn Thất Bách, con trai của Giáo sư Tùng, ngồi ngay bên đầu giường, vuốt vuốt mái tóc, vầng trán, hai gò má người cha đã mất, dường như không tin rằng có thể có một điều gì đó quá phũ phàng đã xảy đến. "Tối hôm qua ba tồi vẫn còn cười đùa... Đêm vẫn làm việc đến một giờ khuya... Sáng ra kêu hơi mệt... Dặn là đến mười rưỡi hãy đánh thức... Nhưng... mười một giờ thì...".

Bà cụ già giúp việc bưng cái khay nhỏ phía trên đặt bát cơm, đôi đũa, đĩa

trứng luộc, bước vào phòng, mếu máo: "Ông ơi! Mời ông dậy xơi cơm!"


Một bà mẹ nông thôn, tay trái dắt theo đứa con trai nhỏ, tay phải ôm một ôm hương vừa bước đến cửa phòng, chợt trông thấy khuôn mặt Giáo sư Tùng ngày thường rất hồng hào, thế mà nay bạc nhợt, bỗng khóc thét lên: "Ôi! Bác Tùng ôi! Bác đã cứu sống hai mẹ con tôi!"

Ngay khi đài phát thanh chưa kịp loan tin buồn, hàng trăm, hàng nghìn người thân, bè bạn, học trò và cả bệnh nhân đã đến ngôi nhà bên cạnh Trường Y để được tự mắt mình nhìn lại lần cuối cùng con người yêu quý ấy. Các bác sĩ trẻ, sinh viên ngồi chật bên lối đi trong vườn, trên các bậc thềm, thảm cỏ hay đứng xếp hàng phía ngoài giậu sắt, chờ đến lượt mình được bước vào phòng nghỉ của Giáo sư Tùng.

Giáo sư Hồ Dắc Di, người bà con ở cùng nhà với Giáo sư Tùng, khe khẽ nói với chúng tôi: "Anh Tùng ở tầng dưới, tôi ở tầng trên, thế mà tôi không hay biết gì cả! Sáng nay, nghe nói anh ấy mệt, không đi làm. Cũng cứ tưởng là mệt xoàng xoàng thôi. Nào ngờ đến mười một giờ, tôi xuống thăm thì... thật đột ngột quá chừng!... y như một giấc mơ!... Tôi sống chung với anh Tùng hơn nửa thế kỷ, biết rõ anh ấy lắm. Một con người tốt bụng hết sức. Một nhà bác học có tầm cỡ quốc tế. Thông minh tuyệt vời. Biết mười, chỉ để làm một. Trong giới phẫu thuật thế giới, số người được Giải thưởng Lannelogue như anh ấy, còn quá hiếm, hiếm hơn cả số nhà vật lý được Giải thưởng Nobel hay số nhà toán học được Giải thường Fields. Không ít người tưởng lầm rằng anh Tùng chỉ là một kỹ thuật viên giỏi thực hành. Lầm to! Anh ấy trước hết là một nhà bác học, một trí tuệ sáng tạo lớn, một con người của tư duy, một nhà văn hóa, một danh nhân. Có vị Giáo sư người Pháp nói với tôi thế này: "Tôn Thất Tùng là một của báu xa xỉ đối với Việt Nam!". Ý ông ta là: Ở Việt Nam, ít ai hiểu và đánh giá đúng "ông Tùng". Phải nói rằng các công trình của anh Tùng thường ở trình độ rất cao và thường được công bố trên các tạp chí quốc tế, muốn đọc, muốn hiểu, cũng phải có trình độ chuyên môn cao. Quả thật hiện nay, ở nước ta, số người có thể hiểu và đánh giá đúng anh Tùng về mặt khoa học chưa phải là nhiều. Nhưng, mặc dù vậy, tôi vẫn tin rằng mọi người Việt Nam, từ các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước đến những người dân bình thường ở thành phố cũng như ở nông thôn, ở miền xuôi cũng như ở miền ngược, ai ai cũng yêu quý anh ấy. Không! Tôn Thất Tùng không phải là một "của báu xa xỉ" đối với nước ta!".

Giáo sư Đỗ Xuân Hợp nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Quân y, kể lại với chúng tôi: "Tôi phụ trách hướng dẫn thực tập tại Viện Giải phẫu từ năm 1932, biết anh Tùng từ khi anh ấy còn là sinh viên năm thứ tư, hay đến mổ xác. Anh ấy rất say mê khoa học, rất chịu khó quan sát và thực nghiệm để từ đó nêu lên những giả thuyết mới. Phát hiện một lá gan có nhiều con giun chui vào,


anh ấy đã phẫu tích nó, và sau đó, kiên trì phẫu tích hàng mấy trăm lá gan người chết, rồi mô tả lần đầu tiên tất cả các mạch máu và đường mật trong gan. Rồi đề xướng một phương pháp mới trong kỹ thuật cắt gan. Rồi nghiên cứu điều trị ung thư gan. Rồi khảo sát tác hại của chất điôxin, v.v. về chuyên môn, anh ấy được đánh giá rất cao ở nước ngoài. Sau đó, giới khoa học nước ta mới bắt đầu chú ý. Bởi thế, có người cho rằng Việt Nam chưa đánh giá đúng tầm cỡ của anh".

14 giờ 30 phút ngày hôm sau, linh cữu Giáo sư Tùng quàn tại giảng đường lớn Trường đại học Y Hà Nội, nơi nửa thế kỷ trước, ông theo học, rồi trở thành trợ lý, giảng viên, Giáo sư. Từ chiều đến đêm, dòng người đến viếng vẫn đông nghịt, lặng lẽ diễu qua linh cữu người anh hùng và nhà bác học. Đối với công lao to lớn của Giáo sư Tôn Thất Tùng, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã ghi nhận bằng những tặng thưởng cao quý nhất: danh hiệu Anh hùng Lao động, hai lần Huân chương Lao động hạng nhất, Huân chương Lao động hạng nhì, Huân chương Chiến sĩ hạng nhất và Huân chương Kháng chiến hạng ba. Sau khi qua đời, Giáo sư được Nhà nước ta truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh. Nhân dân ta tín nhiệm bầu Giáo sư làm đại biểu Quốc hội nhiều khoá liền...

Cái chết đột ngột của Giáo sư, do một cơn nhồi máu cơ tim, gây xúc động mạnh trong mọi người Việt Nam ta và bè bạn quốc tế.

Các đồng chí lãnh đạo đã đến viếng và đưa tiễn Giáo sư đến nơi yên nghỉ

cuối cùng.

Chỉ một ngày sau khi nhận được tin buồn, nhiều người bạn và học trò của Giáo sư từ Đà Nẵng, Huế, Hải Phòng, Vĩnh Phú, Hải Hưng, Hà Sơn Bình, Hà Nam Ninh, Thái Bình... đã kịp về Hà Nội để vĩnh biệt Giáo sư. Hàng vạn người bệnh đã được Giáo sư cứu khỏi cái chết, hàng nghìn bác sĩ trẻ và sinh viên y khoa đã khóc oà bên linh cữu Giáo sư. Những ai thực sự có ích cho đời sẽ sống mãi trong ký ức và tâm hồn đại chúng nhân dân...

Mới đây thôi, trong phiên trực ngày 4-11-1981, Bệnh viện Việt - Đức nhận được một em bé bảy tuổi không may bị xe điện nghiến nát hai cánh tay, một cẳng chân. Bác sĩ trực quyết định cắt, Giáo sư Tùng nói: "Với khả năng của bệnh viện, ta có thể làm mọi phẫu thuật. Nhưng, trong mổ xẻ, còn phải lường trước tương lai người bệnh, phải lo sao cho cuộc sống sau này của người đó đỡ khổ đau. Cắt hai tay có nghĩa là gây tàn phế 100%. Khi bắt buộc phải làm như thế, ta phải tìm mọi cách khắc phục tai hại do cuộc mổ gây ra".

Ngay sau đó, dựa vào uy tín của mình, Giáo sư liên hệ với Tổ chức từ thiện CARTINAS ở Cộng hoà Liên bang Đức (và họ đã nhận lời) xin cho em bé rủi ro kia hai cánh tay giả điện tử để cứu vãn tương lai của em.


Biết bao câu chuyện cảm động mà nhiều người Hà Nội thầm thì kể lại với chúng tôi trên chặng đường dài gần mười kilômet từ trung tâm thành phố đến nghĩa trang Mai Dịch.

Đại sứ quán nhiều nước tại thủ đô ta cũng đã mang những vòng hoa tươi đến viếng Giáo sư Tùng: Liên Xô, Cộng hòa Dân chủ Đức, Cuba, Pháp, Italia, Bỉ, Cộng hoà Liên bang Đức... Rồi các vòng hoa của hãng thông tấn TASS, của đoàn Denpa News (Nhật Bản), đoàn UNICEF, của bác sĩ Levinson (Mỹ) v.v...

Hàng nghìn bức thư, điện từ khắp các tỉnh, thành phố và từ nước ngoài gửi đến chia buồn với Bộ Y tế nước ta, với Bệnh viện Việt - Đức và gia quyến Giáo sư.

Bức điện của Bộ trưởng Bộ Y tế Liên Xô X.P. Burenkov và Chủ tịch Viện Hàn lâm Y học Liên Xô N.N Blokhin viết: "Chúng tôi vô cùng thương tiếc khi được tin Giáo Sư Tôn Thất Tùng từ trần. Giáo sư là một nhà phẫu thuật lỗi lạc và là viện sĩ Viện Hàn lâm Y học Liên Xô. Giáo sư còn được giới y học đất nước chúng tôi biết rõ tên tuổi như một nhà giáo dục xuất sắc, người đã góp phần to lớn vào việc phát triển ngành y tế nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và vào sự hợp tác giữa các nhà y học hai nước...".

Bức điện của Viện sĩ Fokin, Phó Tổng thư ký Đoàn Chủ tịch Viện Hàn lâm Y học Liên Xô, có đoạn: "Giáo sư Tôn Thất Tùng mất đi, giới y học thế giới mất một nhà phẫu thuật đầy tài năng, một nhà tổ chức ngoại khoa tài giỏi. Giáo sư là người có uy tín lớn trong giới y học Liên Xô. Giáo sư Tôn Thất Tùng, Anh hùng Lao động, người con trung thành của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam sẽ sống mãi trong ký ức của giới y học".

Giáo sư, Tiến sĩ Ludwig Mecklinger, Bộ trưởng Bộ Y tế Cộng hoà Dân chủ Đức, viết: "Đây là một tổn thất to lớn đối với ngành y tế Việt Nam và cũng là một tổn thất đối với mối quan hệ hợp tác anh em giữa các nhà y học hai nước chúng ta. Chúng tôi mãi mãi ghi nhớ và hết lòng cảm kích về những đóng góp của Giáo sư Tôn Thất Tùng vào hoạt động của Hội quốc gia các nhà phẫu thuật Cộng hoà Dân chủ Đức".

Đặc biệt, tại nước Cộng hoà Pháp (nơi trong gần nửa thế kỷ Giáo sư Tôn Thất Tùng đã có nhiều bạn bè khoa học, nơi mà công trình của Giáo sư đã được biết tới từ năm 1939) sự qua đời đột ngột của Giáo sư gây xúc động rộng rãi.

Trong bức thư chia buồn gửi tới Đại sứ quán nước ta tại Paris, Giáo sư E.Lederer, Viện sĩ, Giáo sư danh dự trường Đại học Tổng hợp Paris - Nam (Trung tâm Orsay), Giám đốc danh dự Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên


tại Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu khoa học, có đoạn viết: "Sự qua đời của người bạn tôi - Giáo sư Tôn Thất Tùng, nhà phẫu thuật kiệt xuất và nhà yêu nước vĩ đại, là một tổn thất to lớn đối với nhân loại nói chung và Việt Nam nói riêng".

Bức điện chia buồn của Giáo sư G.Gremer, Giám đốc Bệnh viện Cochin đường Port-Royal (Paris), có đoạn viết: "Chúng tôi rất xúc động khi được tin Giáo sư Tôn Thất Tùng qua đời. Hết sức thông cảm với sự tổn thất đối với nền khoa học quốc gia và quốc tế. Chúng tôi xin chia buồn trước cái tang của trường Đại học Y Hà Nội và của cả nước Việt Nam".

Và đây là một đoạn trong bức điện của ông Pierre-Richard Feray, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu khu vực Á Đông hiện đại của trường Đại học Tổng hợp Nice: "Tiếc thương vô hạn trước sự qua đời của Giáo sư Tôn Thất Tùng. Đó là một nhà bác học lớn và một nhà nhân văn chân chính. Giáo sư tin vào con người cũng như tin vào vận mệnh của đất nước mình. Tôi biết rằng việc Giáo sư qua đời làm cho nhiều bạn bè Pháp của Giáo sư phải khóc".

Trong một bài tưởng niệm Giáo sư Tôn Thất Tùng - Nhà phẫu thuật lớn, bác sĩ Jean- Michel Krivine viết: "Tôn Thất Tùng là một người của đối thoại, không hề thiên kiến, có thể chuyện trò một cách thoải mái về hai nền văn hoá Việt Nam và Pháp. Nhờ ông, các cuộc trao đổi đã được tăng cường giữa những người thầy thuốc của hai nước".

Ông thường nói: "Mayer-May đã trang bị cho tôi một vốn kiến thức tốt về lâm sàng và phẫu thuật đại cương. Về những gì còn lại tôi là một người tự học.

Một cuộc đời như thế thật là một mẫu mực tuyệt vời. Chúng ta tin rằng ngành phẫu thuật Việt Nam sẽ tiếp tục nuôi dưỡng và phát huy nhiệt tình, tính nghiêm túc và trí tuệ cởi mờ của người cha đã sáng lập ra ngành đó.

Về phía chúng ta, những người bạn Pháp đã từng quen biết và hết lòng yêu mến Giáo sư Tôn Thất Tùng, chúng ta sẽ trung thành với vong linh người đã khuất, bằng cách giúp đỡ về vật chất cho các bạn đồng nghiệp Việt Nam, tăng cường hơn nữa những cuộc trao đổi với các bạn, và làm cho nhân dân Pháp hiểu rõ cuộc đời và sự nghiệp của Giáo sư Tôn Thất Tùng".

Đoàn Chủ tịch Hội hữu nghị Italia - Việt Nam gửi điện chia sẻ "nỗi đau

buồn to lớn" với các bạn Việt Nam.

Các tiến sĩ William và Beatrice Eisman, Hội hữu nghị Mỹ-Việt Nam, bày tỏ "lòng thương tiếc sâu sắc nhất" trước sự ra đi của Giáo sư Tôn Thất Tùng, người đã hiến dâng cả cuộc đời mình cho "hạnh phúc của nhân dân Việt Nam".


Từ Mỹ, Tiến sĩ Judy Ladinsky, Tiến sĩ Glenn Gordon và Tiến sĩ Ngô Vĩnh

Long nói lên nỗi bàng hoàng trước "sự qua đời của bậc sĩ nhân".

Từ Italia, bác sĩ phẫu thuật trẻ tuổi Guido de Sena ở Bệnh viện Naple gửi sang Hà Nội một dòng điện tín ngắn ngủi: "Tôi đã mất người cha thứ hai của mình".

Từ Phnôm Pênh, bác sĩ Sam Sophean viết: "Chúng tôi hết sức đau buồn trước sự qua đời của Giáo sư Tôn Thất Tùng kính yêu của chúng tôi".

Nhiều nhà khoa học trên thế giới, nhiều người Việt Nam ở nước ngoài đã tổ chức những buổi lễ tưởng niệm nhà bác học Việt Nam tiêu biểu. Trong một buổi lễ tại Paris, thay mặt anh chị em trong Hội Y học Việt Nam tại Pháp, ông Bùi Mộng Hùng, Hội trưởng, bày tỏ lòng "vô cùng thương tiếc Giáo sư Tôn Thất Tùng, người thầy, người đồng nghiệp thông minh, sáng tạo, tận tuỵ với nghề và hết sức thân tình với giới y học Việt kiều".

Cuối cùng, chúng tôi xin nhắc đến ý kiến của Bộ trưởng Bộ Y tế Đặng Hồi Xuân: "Cuộc đời của Giáo sư Tôn Thất Tùng là một bài học sống động và phong phú, một tấm gương trong sáng đối với những người đang sống, nhất là đối với những người làm công tác khoa học và đối với thanh niên".

Sáng mồng 9-5-1982, người Hà Nội đứng chật vườn hoa Tao Đàn, quảng trường Nhà hát thành phố, đứng dọc theo trục đường dài gần mười kilômet từ nội thành ra ngoại ô, đứng kín các ban-công, mái bằng, sân thượng đưa tiễn người Thầy thuốc có lương tâm trong sáng và trí tuệ lỗi lạc đã tận tụy phục vụ nhân dân đến nhịp đập cuối cùng của trái tim mình.

Có những người mà cái chết đồng nghĩa với sự chấm hết.

Nhưng cũng có những người mà cái chết gieo mầm sự sống. Và nỗi đau thương - do sự qua đời đột ngột gây ra - như một luồng ánh sáng mới lạ, thuần khiết, trong vắt bỗng nhiên soi tỏ cả quá khứ, làm hiện lên ngời ngời vẻ đẹp của một sư nghiệp lớn lao với biết bao phẩm chất thanh cao mà trước đấy dường như ta chưa nhận thấy được rõ ràng... Phút giây vĩnh biệt khiến ta bàng hoàng chợt khám phá ra tất cả giá trị của con người mà ta mất hẳn! ... Giáo sư Tôn Thất Tùng là một người như thế...

Sau khi Giáo sư Tôn Thất Tùng qua đời, chiều 23-5-1982, Hội Y học Việt Nam tại Pháp đã làm lễ cầu siêu cho Giáo sư tại chùa Trúc Lâm ở ngoại ô Paris. Giáo sư Huard, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Y Hà Nội (thời thuộc Pháp), kể lại những ấn tượng đẹp đẽ của ông về anh sinh viên Tôn Thất Tùng thuở trước, về tính độc lập cao độ của nhà phát minh người Việt Nam trẻ tuổi, không chịu lệ thuộc vào bất kỳ một thiên kiến nào. Giáo sư Huard nói rằng ông "cảm thấy hãnh diện trước những công hiến xuất sắc của Giáo sư


Tôn Thất Tùng đối với y học thế giới cũng như đối với tình hữu nghị của nhân dân hai nước Pháp và Việt Nam"...

II

Sở dĩ Giáo sư Tôn Thất Tùng được giới y học quốc tế coi là một nhà bác học lớn, một nhà phẫu thuật lỗi lạc, được bầu làm viện sĩ của nhiều viện hàn lâm, thành viên của nhiều hội phẫu thuật, được tặng Huy chương quốc tế về phẫu thuật mang tên Lanelongue, trước hết, bởi vì ông là một nhà phát minh.

Nhà bác học không hẳn chỉ là người đọc nhiều, hiểu rộng, "trong bụng có ba vạn cuốn sách" như người xưa thường nói, mà còn phải là người - và đây mới là điều cốt tử - có một trí tuệ sáng tạo, tác giả của những phát minh độc đáo, những khám phá mới mẻ thúc đẩy khoa học phát triển.

Đọc nhiều, hiểu nhiều, nhớ nhiều, thậm chí thuộc làu làu "thiên kinh, vạn quyển", thì cũng chỉ mới là một người học trò nhớ lắm sách mà thôi, chứ chưa phải là một nhà nghiên cứu. Bởi vì học tập nghiên cứu là hai khái niệm khác nhau về chất. Nếu học tập là đẩy lùi đường ranh giới giữa cái đã biết và cái chưa biết trong tri thức của chính mình, thì nghiên cứu là đẩy lùi đường ranh giới ấy trong tri thức của nhân loại. Cho nên, một bài báo ngắn lần đầu tiên đưa ra những kết quả thí nghiệm hoàn toàn mới, những luận giải khoa học độc đáo, có giá trị gấp trăm lần một cuốn sách gọi là "khoa học" dày đến nghìn trang nhưng trong đó chỉ toàn là vay mượn, sao chép, cóp nhặt, "xào xáo" - một cách vụng về hoặc khéo léo - những điều đã biết, những ý kiến của người khác, mặc dù những cuốn sách như thế vẫn cần và vẫn có ích cho một đối tượng bạn đọc nào đó. "Trước tác đẳng thân", sách viết ra chồng cao ngang đầu, cố nhiên là điều đáng nể. Song quan trọng hơn là, trong những bộ sách dày cộp ấy, có chứa phát minh, sáng tạo gì không?

Thơ Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi hay Truyện Kiều của Nguyễn Du không dài nhưng còn lại mãi là do tài sáng tạo diệu kỳ.

Bản luận án tiến sĩ của Albert Einstein chỉ dày có 21 trang đánh máy, và những công trình sau đó của ông cũng không dày hơn bao nhiêu, nhưng rõ ràng đã đem đến cho nhân loại nhiều điều mới mẻ, mở ra triển vọng giải phóng năng lượng hạt nhân, mang lại niềm hạnh phúc cũng như mối hiểm nguy, có ý nghĩa hơn hàng vạn bộ sách dày gọi là "nghiên cứu" xếp đầy các thư viện nhiều nước viết theo kiểu "xào xáo lại". Nó mới mẻ đến mức một nhà bác học cỡ lớn mãi


sau này còn phải thốt lên: "Công trình của Albert Einstein có thể so sánh với một tên lửa đang bay phóng ra một luồng sáng ngắn ngủi nhưng cực mạnh trên một miền xa lạ mênh mông".

Janies D. Watson, Francis H.C. Crick và Maurice H.F.Wilkins, chỉ qua một bài báo khoa học dài khoảng một nghìn từ, công bố phát minh về cấu trúc chuỗi xoắn kép của phân tử DNA, cấu tử cơ bản của gen, mở ra kỷ nguyên mới của sinh học, được tặng giải Nobel năm 1962.

Quả là, trong khoa học cũng như trong nghệ thuật, câu châm ngôn "quý ở

chỗ tinh, chứ không quý ở chỗ nhiều" luôn luôn đúng.

"Không ai có thể thay thế được Giáo sư Tôn Thất Tùng. Không một nhà phẫu thuật nào có tầm cỡ như Giáo sư trong thế hệ này". Ngay sau khi được tin Giáo sư Tôn Thất Tùng mất, bác sĩ Jean-Michel Krivine, chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật Trung tâm bệnh viện Emile-Roux ở Paris, đã gửi điện chia buồn đến Đại sứ quán nước ta tại Pháp, khẳng định vai trò lớn lao của người quá cố. Một tuần sau, báo Bằng chứng (Témoignage), tờ báo của giới y học Pháp, dành hai trang khổ lớn để đăng bài của bác sĩ J.M Krivine giới thiệu cuộc đời và sự nghiệp khoa học của Giáo sư Tôn Thất Tùng, dưới hàng tít lớn: Cái chết của Tôn Thất Tùng - một nhà phẫu thuật lớn đã ra đi.

Bài báo nhận định: "Tôn Thất Tùng trước hết được coi là người cha của phẫu thuật cắt gan có quy phạm".

Một cách cụ thể hơn, báo Lyon phẫu thuật (Lyon chirurgical) cho rằng các công trình của Tôn Thất Tùng là "tinh hoa mà trường Đại học Y Hà Nội có thể tự hào: một là, lần đầu tiên trên thế giới đã nghiên cứu các tĩnh mạch trong gan và, hai là, lần đầu tiên đã cắt gan có quy phạm".

Chúng ta hãy cùng nhau ôn lại quá trình phát minh ra phương pháp Tôn Thất Tùng, một quá trình kéo dài tới 39 năm, từ mùa đông 1936 đến mùa thu 1974, trải qua lắm bước thăng trầm, cuối cùng mới được giới phẫu thuật quốc tế nhất trí thừa nhận là một phương pháp kinh điển về phẫu thuật gan.

Dạo đó, vào mùa đông 1935, anh sinh viên y Tôn Thất Tùng mới 23 tuổi. Anh thường đến mổ xác người chết tại Viện giải phẫu, do Giáo sư Huard phụ trách. Một buổi chiều u ám và giá lạnh, nhưng, đối với anh, thật đáng nhớ suốt đời: anh bỗng phát hiện một lá gan tử thi đầy những giun là giun; tất cả các ống mật và mạch máu trong gan dường như đều bị nhồi kín bằng vô số con giun lớn nhỏ. Sờ nắn, lần theo những con giun đó, với mấy ngón tay khéo léo và một cái nạo (curette), anh phẫu tích được tất cả các ống mật và mạch máu trong gan. Cho đến lúc bấy giờ, các tác giả nước ngoài chỉ biết hai phương pháp phân tích: dùng X quang và tiêu mòn bằng axit. Phương pháp thứ nhất có nhược


điểm: tất cả các mạch trong không gian chỉ thấy trên một mặt phẳng của tấm ảnh, bóng chồng lên nhau, khi mô tả dễ nhầm lẫn. Phương pháp thứ hai cũng kém hiệu quả. Do đó, các mạch máu trong gan chưa bao giờ được ai mô tả chính xác cả.

Phẫu tích bằng cái nạo là một sáng kiến độc đáo của Tôn Thất Tùng, nhờ cách đó, chỉ trong 15 phút, anh có thể phơi trần các ống mật và mạch máu trong gan để mô tả chúng một cách chính xác nhất.

Sau đó, trong vòng bốn năm (1935-1939), Tôn Thất Tùng bền bỉ làm cái công việc cô đơn buồn tẻ đến rợn người: mổ hơn 200 lá gan người chết. Anh phẫu tích tất cả những lá gan ấy, vẽ thành các sơ đồ, rồi đối chiếu chúng với nhau để tìm ra những nét chung. Từ đấy, anh viết bản luận án tốt nghiệp bác sĩ y khoa nhan đề: Cách phân chia các mạch máu trong gan. Đây thực sự là một phát minh, bởi vì, từ thời cổ đại Hy Lạp cho đến lúc bấy giờ, chưa ai mô tả được chính xác các mạch máu trong gan như Tôn Thất Tùng đã mô tả. Bản luận án được tặng Huy chương Bạc của trường Đại học Tổng hợp Paris (trường Đại học Y Hà Nội lúc bấy giờ là một bộ phận của trường Đại học Tổng hợp Paris).

Về việc đó, sau này Giáo sư Tùng kể lại: "Khi tôi chuẩn bị làm luận án, Giáo sư Huard, thầy tôi, muốn hướng tôi về nhân chủng học hình thái. Ông đã có sẵn giả thuyết và muốn tôi thực hiện các nghiên cứu để chứng minh giả thuyết của ông là đúng. Kết luận khác đi, ắt sẽ không có lợi cho tương lai của tôi. Tôi thấy chán quá, không sao làm được, bởi vì thực tế khác xa nhiều điều mô tả trong sách. Qua đây, tôi cảm thấy ngay cái khó của tính trung trực trong khoa học. Tôi lặng lẽ bỏ hướng nghiên cứu mà Giáo sư Huard định "gò" tôi theo, và cũng chẳng báo cho ông ta biết. Từ đó, tôi bắt đầu âm thầm nghiên cứu các tĩnh mạch trong gan...".

Chúng ta hãy quay trở lại năm 1939.

Lúc bấy giờ, sau khi biết rõ các tĩnh mạch trong gan, nhà phẫu thuật Việt Nam 27 tuổi, lòng tràn đầy hăng say, đi đến một giả thuyết táo bạo: rất có thể tìm kiếm tất cả các mạch máu ở trong gan, buộc chúng lại, rồi sau đó, mới cắt gan. Đấy chính là phương pháp sau này được gọi là cắt gan có quy phạm mà Tôn Thất Tùng là người thực hiện lần đầu tiên trên thế giới, là "người cha" - như lời bác sĩ J.M.Krivine. Trước Tôn Thất Tùng, một số nhà phẫu thuật Đức, Anh, Nga... cũng đã từng cắt gan tổng cộng là 87 trường hợp, nhưng tất cả các trường hợp đó đều là cắt gan không theo một quy phạm nào cả. Sở dĩ phải làm liều như thế, là vì: Trước Tôn Thất Tùng, chưa hề có ai trên thế giới mô tả chính xác các mạch máu trong gan; cho nên các nhà phẫu thuật cứ đành phải nhắm mắt cắt gan một cách vu vơ, gặp mạch máu nào thì buộc nó lại, nếu


không may bỏ sót - điều này rất dễ xảy ra - thì sau khi đóng bụng lại, người bệnh sẽ chết do chảy máu hoặc do hoại tử gan.

Ít lâu sau, bản báo cáo về trường hợp cắt gan có quy phạm đầu tiên, do Tôn Thất Tùng và Meyer-May thực hiện, được trình bày tại Viện Hàn lâm Phẫu thuật Paris, nhưng, tiếc thay, bị Giáo sư Funck-Brentano công kích.

"Ý tưởng của Tôn Thất Tùng quá mới" - theo lời nhận xét của bác sĩ Krivine - cho nên lúc bấy giờ chưa được cơ quan khoa học đầy quyền uy này thấu hiểu. Bị thất vọng trước sự "đón tiếp" của "vị thánh" của ngành phẫu thuật thời ấy, Tôn Thất Tùng e ngại, không đụng dao đến gan trong hơn 20 năm ròng rã.

Sau ngày Hà Nội được giải phóng, Giáo sư Tùng mới biết, vào năm 1952, Giáo sư Lortat-Jacob, người Pháp, đã thành công trong việc mổ gan có quy phạm bằng cách: trước khi cắt gan, tìm và buộc tất cả các cuống mạch máu ở ngoài gan. Giáo sư Tùng bỗng cảm thấy mình lại hăm hở như xưa, lại muốn làm tiếp cái công việc bỏ dở từ năm 1939.

Ngày 7-1-1961, ông cắt thùy gan phải của một người bệnh bị ung thư gan xơ phát chỉ trong có... sáu phút! (Nếu làm theo phương pháp Lortat-Jacob thì phải mất ba - bốn giờ). Phương pháp Tôn Thất Tùng khác phương pháp Lortat- Jacob ở chỗ: Tôn Thất Tùng tìm ở ngay trong gan (qua tổ chức gan bị bóp vỡ) các mạch máu và ống mật, còn vị Giáo sư Pháp thì tìm ở ngoài gan.

Sau đó, Tôn Thất Tùng cho công bố một bài báo khoa học viết ngắn gọn trên báo Dao bầu (The Lancet), một tờ báo in ở Luân-đôn và phát hành hàng triệu bản trên khắp thế giới. Một phương pháp cắt gan mới, đó là nhan đề bài báo đã gây chấn động dư luận giới y học quốc tế. Chỉ một tháng sau, hơn một trăm tác giả từ Mỹ đến Ôxtrâylia gửi thư sang Hà Nội xin tài liệu. Một số người viết bài hoan nghênh một cách dè dặt. Nhiều người khác kịch liệt phản đối. Đọc những lời công kích gay gắt của các nhà phẫu thuật châu Âu và Bắc Mỹ, có cán bộ y tế ở nước ta cho là phen này Giáo sư Tùng bị "hố to", bởi vì đã làm một việc "phản khoa học"! Cái mới có khả năng bị bóp chết!

Về sự kiện đó, có lần Giáo sư Tùng kể lại: "Nhà nghiên cứu phải là con người can đảm rất mực, không hề biết nản chí là gì, không sợ có ý kiến chống đối, phải kiên trì tiếp tục công việc của mình, phải dám tranh cãi. Không nên có mặc cảm tự ti, nghe "Tây" bảo sai là thôi, không dám làm nữa, hoặc thấy chung quanh có người không tin, thậm chí cho là mình "phản khoa học" thì bỏ cuộc".

Giờ đây Tôn Thất Tùng vững tin ở mình hơn. Nếu vào năm 1939, ông

chán nản do lời nhận xét bất công của Giáo sư Funck Brentano, thì năm 1962,


ông sẵn sàng "một mình một ngựa" lao vào cuộc luận chiến tưởng chừng không cân sức với những tên tuổi lớn trong giới y học quốc tế. Và, cuối cùng, ông đã giành thắng lợi. Những người công kích ông dữ dội nhất, về sau, khi đã hoàn toàn thấu hiểu phương pháp mới, độc đáo của ông, liền "phục thiện" trước chân lý, quay ra ca ngợi ông say sưa hết lời, coi ông là "người cha", là vị "tổ sư" của phẫu thuật cắt gan có quy phạm.

Cuốn Phẫu thuật cắt gan của Tôn Thất Tùng được Nhà xuất bản Masson in ở Paris, sau đó, được Nhà xuất bản Mêđixina (Matxcơva) dịch sang tiếng Nga; các bản in đều bán hết ở Liên Xô, Cộng hoà Dân chủ Đức, Pháp, Cộng hoà Liên bang Đức, Anh, Hà Lan, Na Uy, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Italia, Mỹ v.v. Công trình của Giáo sư Tùng cũng được đưa vào tạp chí Chọn lọc các tài liệu sản khoa và phẫu thuật (Obstetrics and Surgery's Reader Digest) xuất bản ở Mỹ. Phương pháp Tôn Thất Tùng được giới thiệu trong Bách khoa toàn thư về nội thương - phẫu thuật của Pháp (Encyclopédie médico-chirurgicale).

Năm 1979, Nhà xuất bản Masson ở Paris lại in một tác phẩm mới của Tôn Thất Tùng nhan đề Phẫu thuật lớn và nhỏ về gan (Les résections majeures et mineurfis du foie), trong đó Giáo sư tổng kết 715 trường hợp cắt gan. Con số này vượt xa kinh nghiệm của các nhà phẫu thuật khác trên toàn thế giới (sau Tôn Thất Tùng là một nhà phẫu thuật Xingapo đã cắt hơn 100 trường hợp).

Bác sĩ Jean-Michel Krivine nhận định: "Với cuốn sách đó, kỹ thuật cắt gan của Tôn Thất Tùng đã dứt khoát được xác định thành quy phạm. Quả thật người ta có thể nói rằng ông đã "dân chủ hoá" phẫu thuật cắt gan, đã cho phép mọi nhà phẫu thuật đại cương, nếu chịu khó học tập phương pháp của ông cũng sẽ không còn phải chịu bó tay trước những tổn thương nghiêm trọng ở gan nữa".

Năm 1977, Giáo sư Tôn Thất Tùng được Viện Hàn lâm Phẫu thuật Paris tặng Huy chương phẫu thuật quốc tế mang tên Lannelongue. Đây là loại huy chương được đặt ra từ năm 1911 và năm năm mới tặng một lần cho một người mà thôi - người đó hiển nhiên phải là nhà phẫu thuật xuất sắc nhất thế giới trong thời gian đó. Giáo sư Tôn Thất Tùng là người thứ 12 được tặng huy chương ấy.

Trong khoảng 70 năm ngắn ngủi của một đời người, có một phát minh như thế - một phát minh được coi là kinh điển trong phẫu thuật gan - cũng đã xứng lắm rồi. Thế mà, trong nhiều lĩnh vực khác, kể cả trong lĩnh vực nghiên cứu chất điôxin, Tôn Thất Tùng cũng có những khám phá mới mẻ. Ông nhận thấy, sỏi đường mật ở Việt Nam không nằm trong túi mật như ở châu Âu, mà lại nằm trong... gan! Bệnh phù tụy ở Việt Nam thường không phải do sỏi mà do giun đũa chui vào ống mật. Ông còn phát hiện và đặt tên cho một bệnh mới là


bệnh hêmôbilia nhiệt đới để phân biệt với chứng bệnh tương tự bên Âu - Mỹ do nó có những đặc điểm khác hẳn...

Chúng ta hãy đọc một đoạn trong số báo Bằng chứng xuất bản tại Paris ngày 14-5-1982, một tuần sau khi Giáo sư Tôn Thất Tùng mất: "Dưới những trận mưa bom Mỹ ông vẫn dành thì giờ nghiên cứu tác hại bi thảm của các hóa chất làm rụng lá cây đối với nhân dân, đặc biệt là chất điôxin, và ông đã trở thành một chuyên gia nổi tiếng thế giới trong lĩnh vực này (người Italia kêu gọi ông cho lời khuyên bảo khi xảy ra vụ nổ ở nhà máy hoá chất Seveso)".

Bài báo viết tiếp: "Tôn Thất Tùng không chỉ là một nhà phẫu thuật yêu nước, ông còn là một trí tuệ bách khoa. Khi trò chuyện với chúng tôi, ông dùng một thứ tiếng Pháp đẹp tuyệt vời, không chút lỗi lầm, gợn đục, làm say đắm lòng người đối thoại với ông. Xiết bao tốt bụng và rất mực nhiệt thành, đồng thời, bằng quyền uy của sự uyên bác, ông được những người chung quanh tôn sùng và kính sợ".

Để có thể dành hết tâm trí cho công việc chuyên môn, Giáo sư Tùng xin

thôi giữ chức Thứ trưởng Bộ Y tế (mà ông được giao từ năm 1947).

Mười năm ròng rã, hầu như ngày nào Giáo sư cũng làm việc 12 tiếng đồng hồ. Ông không bao giờ - như lời ông nói - để cho mình "rơi vào cạm bẫy của sự nói suông". Mổ từ sọ não đến các chi, giảng bài, đọc sách, đọc tạp chí, học thêm. "Một nhà nghiên cứu như tôi - ông viết - không thể chỉ là một nhà mổ xẻ, mà còn phải biết sinh học, hoá học, vật lý học nữa (...). Triết học và toán học cũng có vai trò quan trọng trong nghiên cứu bởi vì nó giúp ta hiểu rõ bản chất của các mối liên hệ và cung cấp cho ta một cái nhìn bao quát. Tôi nghĩ người cán bộ khoa học phải hiểu biết sâu sắc triết học, trước hết là triết học duy vật biện chứng, nhưng phải nghiên cứu rộng ra bằng cách đối chiếu với các triết học khác, để đánh giá sự thật một cách không lệch lạc và để mở rộng hiểu biết".

Có lần được ra nước ngoài, ông ngồi cả tuần trong thư viện, đọc ngấu nghiến từ sáng sớm đến đêm khuya, quên cả ăn. "Ra nước ngoài mà không vào thăm các thư viện - ông nói - là điều tôi không tưởng tượng nổi".

Năm 1964, mười năm sau giải phóng thủ đô, Giáo sư Tôn Thất Tùng đã cải tạo được cái bệnh viện cũ kỹ từ thời Pháp thành một bệnh viện hiện đại, có 350 giường và hơn 60 chuyên viên, trợ lý (trong đó có một số đạt trình độ Giáo sư, theo tiêu chuẩn quốc tế). Nhiều khoa của bệnh viện đã đuổi kịp nước ngoài và có những mặt đã vượt nước ngoài.

Năm 1958, Giáo sư tiến hành thành công trường hợp mổ tim đầu tiên ở

Việt Nam.


Năm 1965, lần đầu tiên ở nước ta, Giáo sư sử dụng thành công máy "tim - phổi nhân tạo" trong khi mổ tim. Ở Sài Gòn trước kia, các bác sĩ Mỹ có đến biểu diễn phương pháp này, nhưng các bác sĩ người Việt Nam chưa ai áp dụng được. Angiêri cũng đã cử một kíp phẫu thuật sang Mỹ học phương pháp này, nhưng khi trở về nước không làm nổi.

Để giải quyết những vấn đề khoa học khó khăn, mới mẻ, Giáo sư Tùng không chỉ dựa vào các cộng tác viên trong nước. Một thí dụ: Năm 1970, Giáo sư được Thủ tướng Phạm Văn Đồng giao nhiệm vụ: "Phát hiện các tác hại của chất diệt cỏ và nghiên cứu cách chữa các tác hại đó cho nhân dân". Biết mình còn thiếu hiểu biết về hoá sinh, Giáo sư Tùng hợp tác với Giáo sư Bửu Hội, một nhà hóa sinh nổi tiếng làm việc tại Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu khoa học của Pháp, với các Giáo sư Pfeifer, Galston và Wald (ông này được Giải thưởng Nobel) ở Khoa Hóa sinh trường Đại học Tổng hợp Harvard - trường đại học có uy tín nhất nước Mỹ. Ngoài ra, Giáo sư Tùng còn liên hệ với nhiều nhà hoá sinh Anh, Pháp, Italia, Thụy Điển v.v...

Khi thực nghiệm trên chuột bị ung thư gan, ông nhận thấy men acgina ở gan hạ thấp. Vấn đề này, trên người ra sao? Ông nhờ máy tính điện tử ở một thành phố nước ngoài lục tìm các tài liệu đã công bố về vấn đề này từ 1965 đến 1973. Qua một triệu tài liệu lưu trữ, chỉ thấy 75 tài liệu về men trong người bị ung thư gan, nhưng không hề có một tài liệu nào nói về men acgina ở ung thư gan người. Ông biết chắc đây là vấn đề hoàn toàn mới.

Cho đến lúc qua đời, Giáo sư Tùng vẫn là một nhà nghiên cứu trẻ trung, sung sức, nhạy bén trước cái mới, nhanh chóng bắt kịp những ý tưởng tân tiến nhất trong lĩnh vực chuyên môn của mình.

III

Sau khi Giáo sư Tôn Thất Tùng qua đời, phương pháp mổ gan do Giáo sư để xướng vẫn tiếp tục được phổ biến trên thế giới.

Trong năm 1984, Giáo sư A.E.Paletto và bác sĩ M.Salizzoni ở Torino, Giáo sư M.Giordani ở Roma (Italia) đã sang làm việc tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cộng hoà Dân chủ Đức (Hà Nội) để học tập phương pháp cắt gan của Tôn Thất Tùng. Riêng bác sĩ Salizzoni hai lần đến Hà Nội, lần sau là để quay cuốn phim khoa học mô tả tỉ mỉ quy trình và các thao tác cắt gan theo phương pháp Tôn Thất Tùng. Bác sĩ Tôn Thất Bách (con trai Giáo sư Tùng) và


bác sĩ Nguyễn Văn Vân đã biểu diễn trước ống kính. Một tai biến chết người thường xảy ra khi mổ gan là: không may lách dao làm rách tĩnh mạch chủ dưới, máu chảy nhiều, nếu không vá thật nhanh, thì người bệnh bị tử vong là điều chắc chắn. Thao tác vá tĩnh mạch đòi hỏi nhà phẫu thuật phải có đôi bàn tay khéo léo và động tác chính xác tuyệt vời, chẳng khác nào đôi bàn tay của một nghệ sĩ viôlông. Đâu có phải đọc thật lắm sách là có thể làm được việc đó! Bác sĩ Bách biểu diễn thao tác vá tĩnh mạch thật thành thạo.

Chỉ mấy năm, sau khi những cuốn sách của Giáo sư Tùng về phẫu thuật cắt gan được in ở Pháp, Liên Xô, đã lại bán hết cả. Các nhà phẫu thuật người Italia muốn tìm mua nhưng rất khó. Bởi thế, trong dịp sang Hà Nội vào năm 1984, ngoài việc quay phim, những người bạn ở Torino và Roma đã hoàn thành bản dịch ra tiếng Italia tác phẩm của Giáo sư Tôn Thất Tùng (được bổ sung bằng nhiều kết quả mới mà những người bạn và học trò của Giáo sư đã đạt được trong việc áp dụng phương pháp Tôn Thất Tùng sau khi Giáo sư mất). Cuốn sách nhan đề Le Rezediom epaliche (phẫu thuật cắt gan) do Nhà xuất bản Minerva in.

Mùa hè 1982, Giáo sư Tôn Thất Tùng và bác sĩ Tôn Thát Bách đến Italia, dự Đại hội quốc tế ngành gan - mật. Sau chuyến đi xa và làm việc quá căng thẳng, khi trở về nước, Giáo sư đột ngột qua đời do một cơn nhồi máu cơ tim. Mùa thu 1984, Giáo sư Tôn Thất Tùng không còn nữa, nhưng cuốn phim về phương pháp cắt gan của Tôn Thất Tùng đã được chiếu tại Đại hội quốc tế ngành gan - mật, và lần này, kế tục Giáo sư Tùng, hai nhà phẫu thuật Việt Nam đã được mời sang tận nơi biểu diễn, thuyết minh.

Khi còn sống, Giáo sư Tùng lấy làm tiếc mình chưa có dịp sang thăm Cuba. Sau khi Giáo sư qua đời, hai nhà phẫu thuật nổi tiếng ở La Habana đã sang Hà Nội học phương pháp Tôn Thất Tùng. Phương pháp đó cũng đã được phổ biến cho nhiều nhà phẫu thuật ở một số nước khác.

Tháng 11-1983, Nhà xuất bản Robert Laffon ở Paris đã in cuốn sách của bác sĩ Francois Rémy nhan đề 4000 trẻ em mỗi ngày. Cuốn sách viết về tình trạng đáng buồn: cứ mỗi ngày, trên hành tinh chúng ta, có khoảng 4 nghìn trẻ em chết do đói nghèo và lạc hậu. Cuốn sách cũng nói đến mục tiêu của Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và phản ánh tình hình y tế ở một số nước thuộc các lục địa khác nhau. Trong cuốn sách, bác sĩ Francois Rémy kể lại rằng ông đã từng đến Hà Nội và gặp Giáo sư Tôn Thất Tùng, người mà, theo ông, là "một nhà phẫu thuật thiên tài và một chuyên gia lớn về ung thư gan". Ông viết: "Thỉnh thoảng tôi lại đến thăm phòng mổ của Giáo sư Tùng (...) vì muốn được tận mắt hưởng niềm thích thú giản đơn là đứng ngắm những thao tác tuyệt đẹp


của một con người có đôi bàn tay vững vàng và đáng tin cậy nhất, chính xác và mau lẹ nhất mà tôi chưa hề thấy bao giờ".

Giáo sư Tôn Thất Tùng cũng là nhà khoa học đầu tiên lên tiếng tố cáo việc người Mỹ rải "chất làm trụi lá cây" ở Việt Nam đã làm tăng vọt số người bị bệnh ung thư gan.

Năm 1984, trong cuốn sách nhan đề Chất diệt cỏ trong chiến tranh - những hậu quả lâu dài về mặt sinh thái học và đối với cơ thể con người, Giáo sư Arthur H. Westing làm việc tại Viện Quốc tế Nghiên cứu về hoà bình ở Stockholm (Thụy Điển) đã cho in ở trang đầu mấy dòng chữ đóng khung đen như sau: "Cuốn sách này được đề tặng vong linh Giáo sư Tôn Thất Tùng (10-5- 1912 - 7-5-1982)".

Và sau đây là một đoạn trích từ bức thư của bác sĩ Bùi Mộng Hùng, Chủ tịch Hội Y học (thuộc Hội người Việt Nam tại Pháp), gửi cho người vợ góa của Giáo sư Tùng, bà Vi Nguyệt Hồ:

"Kính thưa chị,

Những vấn đề anh Tùng đặt ra - như vấn đề điôxin - ngày càng sôi nổi hơn. Rõ ràng là, tuy điều kiện trong nước rất khó khăn, anh Tùng đã phát hiện được những vấn đề mà từ trước đến giờ chưa ai nghĩ tới. Càng ngày ta càng nhận rõ tầm vóc của anh Tùng trong khoa học. Mong rằng Bách và anh em ở Bệnh viện Việt Nam - Cộng hoà Dân chủ Đức có điều kiện để tiếp tục nối chí và phát triển các kết quả nghiên cứu của anh Tùng về những vấn đề nóng bỏng ấy...".

Giáo sư Tôn Thất Tùng vĩnh biệt chúng ta đã nhiều năm. Không phải là vội vã nếu chúng ta nói rằng nhà bác học lỗi lạc ấy vẫn sống trong trái tim và trí tuệ của học trò và bè bạn gần xa, trong y văn thế giới và trong đáy lòng đại chúng nhân dân. Nhiều người bệnh được Giáo sư tự tay cứu khỏi cái chết đã kính cẩn đặt ảnh Giáo sư lên bàn thờ tổ tiên (có người còn xây miếu trong vườn để quanh năm hương khói).

Một đường phố ở Thành phố Hồ Chí Minh, và sau đó, một đường phố khác ở Hà Nội đã được đặt tên: Đường Tôn Thất Tùng.

Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng, Đặng Văn Ngữ là ba vị Giáo sư có công đầu xây dựng trường Đại học Y của nước Việt Nam độc lập. Không phải ngẫu nhiên, ở Hà Nội, đường Tôn Thất Tùng đi qua trường Đại học Y nối với đường Đặng Văn Ngữ qua hồ Trung Tự, rồi tiếp với đường Hồ Dắc Di chạy sang khu Nam Đồng. Ba nhà y học được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt đầu tiên ấy đều là những người con của núi Ngự, sông Hương. Khi còn sống, giữa rừng sâu Việt Bắc hay nơi phố phường Hà Nội, họ luôn gắn bó với nhau, vì Tổ quốc


và vì khoa học. Sau khi họ từ giã cõi đời, trường Đại học Y đề nghị vẫn để họ được gần nhau. Và đề nghị ấy được chấp nhận.

Hà Nội, năm 2000

H.C.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro