Hồi thứ hai

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Mới sáng cỡ đâu năm giờ, bà Hai đã thức dậy rồi. Xách cây chổi tàu dừa ra trước cửa quét sân rột rạt, ở trong buồng nghe vọng lại tiếng bà Hai cùng ai đó đi chợ sớm nói chuyện. Ông Hai cầm cái thùng vòi sen đong nước đầy, mang thùng ra chỗ để mấy cái chậu kiểng trong sân đứng tưới cho tụi nó, vừa tưới lại lấy cái léo tỉa đọt non mọc lung tung, hái bỏ mấy cái lá héo, lá sâu.

Thằng Quý đêm qua uống dữ lắm, sáng nó nghe tiếng động nhưng ngặt nỗi nó buồn ngủ quá nên lấy mền trùm kín đầu xoay người ngủ tiếp. Con Châu thì khác, ở trong buồng thay bộ bà ba phi bóng, màu xám, tay ngắn rồi đi ra ngoài chào tía má nó, sau đó xuống bếp đun cái ấm nước sôi cho ông Hai pha trà uống.

Ở dưới quê, họ dậy sớm lắm, người đi chợ, người xách đồ ra hợp chợ, ra đồng... Không khí nhộn nhịp rôm rả tiếng cười nói.

Bà Hai quét nhà xong đi vào buồng thay bộ đồ liền xuống bếp hỏi con Châu có muốn đi chợ với bà không? Chợ quê hợp sớm cũng tan sớm, đông vui lắm, bà con tụ lại không mua đồ thì cũng là buôn chuyện, bà Hai khoái đi lắm.

Con Châu nói nó cũng đi, lấy ấm nước sôi pha bình trà mang ra cho ông Hai xong hai má con đi ra đầu đình làng.

Xung quanh bốn phía không ruộng vườn thì là sông, đầu làng có cái đình thờ, có sông Cái, tận ba ngã, dân xứ khác đi buôn lên xuống cũng sẽ ghé lại mua bán cùng người trong xóm. Ghe xuồng không nhiều cũng mười mấy chiếc, trên bờ bán, dưới nước cũng bán, mạnh ai nấy rao.

Con Châu cầm cái giỏ đan đệm đi theo bà Hai, bà con ai cũng hỏi vài câu.

"Ê bà Hai, ai đây ai đây? Con gái bà hả?" Người trẻ thì nhận không ra con Châu.

"Trời ơi, đó giờ nghe nói cô Hai quài mà giờ tui mới gặp cô Hai đó nhen!"

"Coi trúng đứa nào dắt dìa tao coi cho, tao nhìn là tao biết ăn ở ra sao à!" Mấy cô ở xóm thì nhiệt tình kéo lại hỏi thăm vài câu, sau đó hẹn hôm nào sang nhà cổ dùng cơm. Không biết xứ khác như thế nào, ở đây hẹn sang dùng cơm, nghĩa là hôm nào con Châu đi ngang nhà bả bị bả thấy được là kéo vào ăn cơm chung một bữa, mày không ăn là không nể cô rồi.

"Con Ngọc Châu, mày về ở mấy hôm vậy? Lại đây có bó rau muống tao mới hái hồi nãy mang dìa xào ăn, ngọt lắm!" Ở quê, có gì cho nấy, cũng không quá để ý giá trị của nó, quan trọng là tấm lòng của nhà cho 'người nhà'.

"Ủa? Cô đó là người ở đây hả? Tui ghé có bao giờ gặp cổ đâu." Mấy người xứ khác đâu có thường ghé lại, đâu biết mặt Ngọc Châu.

"Hú! Cô Hai ơi, lỡ mến cô rồi, tui là rể ở An Tịnh luôn nhen cô!" Thằng buôn nào đấy ở dưới ghe ngó lên trêu.

"Thằng khỉ gió này mày bớt cà rỡn coi!" Bà ghe bên cạnh cười ném cọng lục bình trúng đầu nó.

"Cô Hai! Cô Hai! Cô ưng tui không?" Thằng lơ ghe phụ ở bến thấy cũng trêu theo, tụi nó nghĩ cô ở Sài Gòn về chắc bị tụi nó chọc sẽ ngại.

"Dây anh cột tuột ra rồi kìa, chưa kịp ưng anh là má anh 'ưng' anh trước rồi đấy!" Con Châu cười chỉ cái dây, mấy người nghe xong cười ha hả, thằng đó làm việc hay hư tới hư lui, má nó chửi miết đánh miết ai cũng biết mà không sửa được.

Con Châu nghe ai hỏi cũng đáp lại, cười đùa nó cũng không ngại, mấy thím khen nó dạn dĩ, biết ăn biết nói vậy mà là con nhà người ta chớ đâu phải con nhà mình.

Bình thường bà Hai đi chợ chừng sáu giờ hơn là bả dìa, nay có con Châu, hơn bảy giờ nắng đều lên rồi, hai má con còn ngồi ngoài chợ nói chuyện.

"Nghe nói bên Chợ Gạo có binh Tây nó vào mấy chục thằng, nhắc ông Hai với thằng Quý đừng qua đấy." Thằng Tí làm cán bộ nhỏ ở xã, đi ngang qua chợ gặp bà Hai với cô Hai liền qua chào hỏi.

"Mấy thằng đấy sao trốn được con mắt dân mình, tao sợ mấy thằng cô hồn Việt gian thôi." Bà Hai ghét Việt gian lắm, nghe thấy là không ưa rồi.

"Anh Tí sắp đi bên đồng Sen à?" Con Châu gặp thằng Tí cũng trò chuyện đôi câu, người cùng một xóm biết nhau từ hồi nhỏ xíu, cũng như anh em trong nhà.

Thằng Tí nhìn Ngọc Châu, giờ lớn rồi dáng người thướt tha, nói chứ hồi bé nó cũng cảm nắng con Châu lắm, nhưng biết là với không tới nên thôi. Nó với thằng Quý xưng anh gọi em, giờ lớn rồi suy nghĩ trưởng thành chứ không có thấy đẹp là thích, là theo đuổi như hồi mới lớn. Thằng Tí xem con Châu giờ như em út trong nhà, con nhỏ gọi một tiếng anh từ nhỏ đến giờ thì nó cũng phải ra dáng anh cả.

"Sáng sớm mai tao sang đó, mày muốn mua gì thì nói đi, tao tranh thủ mang về cho." Thằng Tí cười nói, nó hay đi đây đi đó lấy thông báo về mấy tuyến đường, tuyến sông đi an toàn, nó đi theo ghe buôn lúa, thằng Quý cũng chạy theo chơi mấy lần.

"Vậy em không có khách sáo đâu nhe, ghe về trống anh mang sen bên đó về giúp em, lần trước anh đem về bị vịt ăn mất rồi, giờ đem luống mới về em trồng  lại." Ngọc Châu thích trồng này kia, ngặt nỗi mấy năm nay đi học, ở nhà không ai chăm nên cứ trồng rồi lại chết. Thằng Tí đi xuống đồng Sen là nó phải nhờ mang giống tốt về để gieo trong ao, riết thằng Tí cũng rành dụ này.

"Con nhỏ này, trồng có sống đâu mà cứ mang về quài vậy!" Bà Hai đứng bên cạnh nói thêm vào. Con Châu nói nó khéo cũng không đúng, nhỏ trồng cái gì chết cái nấy, bà Hai nhìn nó riết cũng rầu, hên nó học chữ, chứ như con người ta trồng trọt thì chỉ có cạp đất mà ăn.

"Ha hả, kệ nó đi thím ơi, con vợ con ở nhà rảnh rỗi cũng làm này làm kia, nhìn mắc mệt nhưng nó vui là được." Thằng Tí lấy vợ được hai năm rồi, cô kia ở xóm chài ngoài cồn, người hiền lành dễ mến lắm, về xứ này ai cũng khen. 

Lần đó thằng Tí theo mấy anh cán bộ ra cồn thăm hỏi bà con, thấy cô này theo tía đi gỡ lưới, lại thăm hỏi vài câu, cổ mở lời 'dạ, thưa', nói chậm rãi mà đáp lời. Nghe nói đâu là cổ mời mấy anh có rảnh sang cùng tía cổ lai rai mẻ cá nướng, thằng Tí nhậu không say rượu mà say cô nướng cá. 

Sau đó đâu mấy tháng trời thằng Tí lấy lý do hỗ trợ bà con xóm chài ở miết ngoài đấy, về đây đi tới đâu cũng khen con người ta, vậy mà loay hoay cả năm cũng xin được tía cổ rước cổ về. Cán bộ gì ra đường nói chuyện như dân giang hồ, thế mà nhắc vợ là khoái chí lắm.

Thằng Tí làm cán bộ, nhưng ở xóm này nó cũng coi như là nằm vùng, trong xóm ai cũng biết mà không có nói ra. Thằng Tí có vườn cây với ghe ông già để i, lương trợ cấp cán bộ nữa nên nhìn nó suốt ngày lang thang vậy chứ nó sợ dân lạ vào đây, lỡ có chuyện gì không phát hiện kịp. Từ hồi bên Long An bị lính đổ vào giết cả làng thì trong Nam các tỉnh lị đều có người trông coi, vậy mà làm muốn không lại bọn nó.

Thằng Tí bênh người xóm mình, nghe chỗ nào loạn là nhắc không cho dân buôn sang đó liền, mấy dụ giết cướp ghe buôn không phải không có. An Tịnh sông lớn nhiều, nối mấy tỉnh miền Tây xa Sài Gòn lại gần biên giới, nói an toàn cũng không đúng, nói không an toàn cũng không đúng.

"Hôm nào qua nhà tui chơi cô Hai, vợ tui mới sanh kỵ gió nên không có qua chào cô được, cô có đi ngang ghé thăm cháu nó."

Ngọc Châu cười đồng ý, ba người chào nhau rồi hai má con trở về. Dọc đường đi bà Hai không biết suy gì cái gì mà nhắc con Châu:

"Má biết mày ăn học nhiều, suy nghĩ cũng nhiều, nhưng mày đừng dính tới cách mạng nghe không con? Má có một đứa con gái con à." Dân cách mạng bị tụi nó quét ra liền bắn bỏ, thà giết lầm còn hơn bỏ sót, bà Hai không phản đối, ủng hộ tiền bạc, tin tức gì đó bà cũng chấp nhận, nhưng không chấp nhận con cái tham gia.

"Má, con không có tham gia, má yên tâm." Con Châu ôm lấy cánh tay bà Hai làm nũng.

"Con nhỏ này!" Bà Hai cười khẽ gõ trán con Châu rồi hai má con nói sang chuyện khác.

"Về rồi! Về rồi! Hai cô gái xinh đẹp của tui, tui sắp chết đói tới rồi. Má với hai còn nhớ đến đứa trẻ đáng thương này đang ở nhà chờ đợi mỏi mòn sao?" Thằng Quý ngồi như nước lụt tới chân trên ghế trường kỳ đối diện ông Hai, gặp hai người trở về liền ra xách cái giỏ trong tay con Châu, miệng còn không than vãn.

"Em đó, có bánh cúng với bánh bò, em với tía ăn đi, hai đi nấu cơm trưa." Con Châu từ trong giỏ lấy bánh ra để trên bàn mời ông Hai ăn, thằng Quý ngồi xuống bỏ hai cái vào miệng nhai ngon lành. Con Châu vuốt tóc nó rồi cầm lại cái giỏ chuẩn bị xuống bếp.

"Nay ăn gì má con Châu?" Ông Hai hỏi rồi cũng ăn bánh.

"Bánh canh cá lóc, cá lóc đồng ông Sáu tát đìa hôm qua, còn sống nhăn." Bà Hai vươn tay lấy cái bánh trên tay của ổng ăn luôn, ổng chỉ cười rồi lấy cái khác.

"Ừa, được đó. Châu, con muốn ăn gì nói má làm cho con!" Ông Hai uống ngụm trà nhìn con Châu rất cưng chiều.

"Con biết rồi tía." 

Cơm vừa ăn xong, thằng Quý đã xuống bếp rủ chị hai nó ra thăm đồng, thăm vườn. Hai chị em  lấy túi đệm hồi sáng đi chợ ra, thằng Quý xách, con Châu đi bộ phía trước. Trong vườn có xoài, mận, ổi, mít, nhãn, chuối, cóc đủ. Mỗi loại có dăm ba cây, ông Hai trồng cho bà Hai buồn miệng ra hái ăn chơi, ở quê, trái cây sẵn ở nhà không bao giờ thiếu. 

Thằng Quý xách cái túi đệm, thấy chị nó hái thì bỏ vào đó, để  về đâm thêm chén muối ớt, ăn đã thèm. Mấy cây xoài cát chu mới ra trái chưa có ăn được, nên hai chị em ra cây mận già sát bờ hầm, thằng Quý leo tọt lên chồm ra mà hái ném vào cho con Châu. Thằng Quý to con, chồm ra nhánh lắc lư làm mấy trái rớt tỏm xuống nước. 

*Hầm: giống mương nước nhưng rộng và sâu hơn mương

"Quý! Tao ra mà thấy rớt đầy hầm là mày tới số!" Bà Hai trong nhà nghe tiếng nước là biết thằng nhỏ lại ra phá vườn bả, bả chửi đổng lên. Mấy đứa này ăn không bao nhiêu, hái thì rớt lên rớt xuống đầy hầm, bả xót nên la vậy thôi. Thằng Quý nghe hướng vào trong nhà lè lưỡi ra lêu lêu bà Hai, con Châu thấy nó lếu láo, liền cầm cục đất nhỏ chọi vào người nó, nó ở trên cây mận né một phát, cây mận run dữ dội lại rớt thêm vài trái. Tiếng bà Hai từ sau nhà lại vang lên: "Quý!"

Hai chị em đều hí ha hí hửng, con Châu lấy cái gào đứng sát mé hầm vớt mận lên, thằng Quý hái xong cũng đu xuống phụ, lụm bỏ vào túi.

"Hai, hai! Hai uống nước dừa không tui leo lên hái cho hai?" Thằng Quý ngó lên thấy mấy buồng dừa, nó hỏi con Châu liền. Con Châu nói uống, nó chạy đi lấy cái liềm vắt ngang lưng quần, rồi trèo lên cây dừa.

Con Châu đứng ở dưới thấy cao quá cũng sợ, dù biết là thằng Quý leo được, vẫn dặn nó cẩn thận.

"Hai, né xa xa ra nước văng!" Thằng Quý leo tới đọt cây, lựa buồng nào vừa uống, rồi giật đứt cuống.

"Tủm!" Tiếng cả buồng dừa bảy tám trái rớt xuống hầm vang dội, sau đó là tiếng bà Hai càu nhàu mắng, gì mà 'phá quá phá'.

Từ hôm con Châu về, thằng Quý cũng chịu ở nhà, không có như trước cứ ở nhà hai ba ngày lại theo ghe đi khắp xứ. Thằng Tí đi đồng Sen mấy hôm sau về, đem cho con Châu mấy bó sen, nó hái xong để trên ghe, lúc đem về cũng bầm dập lắm, con Châu thằng Quý đi sang nhà thằng Tí chơi mấy lần, lần này sang thăm chị dâu sẵn mang sen về nhà, tuy dập đôi chút mà con Châu thích lắm cảm ơn rối rít.

"Tao đi nốt lần này, lần sau chắc lâu lắm mới qua đồng Sen lại." Thằng Tí ngồi trên ghế, rót trà mời hai đứa nhỏ.

"Ủa? Anh không đi rồi thư tín này kia làm sao?" Thằng Quý hỏi lại.

"Chị dâu bây mới sanh, tao sang báo bên đó một tiếng rồi ở nhà chăm sóc chị dâu bây, nghe nói lần sau bên đó cử người sang, tao cũng khỏe." Thằng Tí hồi trước cũng hút thuốc lào, thuốc lá, mà từ khi vợ nó có bầu, nó không có hút nữa. Nghe người ta bảo ảnh hưởng không tốt gì đó, nó không hiểu, nhưng vẫn bỏ.

"Tui đi sang đó thấy cụ Năm với mấy ông già thôi, để mấy ổng xuồng ghe sang đây vài lần chắc sùi bọt mép trên ghe." Thằng Quý cười trêu, con Châu với vợ thằng Tí nghe đều cười mắng nó nói bậy nữa.

"Giao liên bên đó đi Mỹ Tho, Chợ Gạo, Đồng Xoài miết, làm gì có ở đó cho mày thấy." 

"Một đám đàn ông tui nhìn cũng chán, biết để làm gì?" Thằng Quý mở mồm chê, nó đi sang đồng Sen với thằng Tí toàn gặp mấy ông đực rựa thôi, nhìn phát ngán. Nó đi buôn ra chợ Đầu Mối hay Mỹ Tho còn gặp mấy cô mấy chị, còn vui hơn đi đưa tin với mấy ông cán bộ.

"Tại mày chưa gặp mấy cô bên đó thôi, hôm nào cô Mây về tao dẫn mày sang, mẹ nó mở mang con mắt với gái giao liên nhen mậy!" Thằng Tí nhấp miếng trà mà hít hà như uống rượu đế, híp mắt cảm thán.

"Đẹp đến sáng con mắt anh à?" Vợ thằng Tí ngồi bên cạnh trừng mắt với nó, coi bộ dạng ổng khen con gái người ta.

"Phải cỡ nào mà anh Tí khen suýt xoa vậy?" Con Châu cũng tò mò.

"Vợ à, tại em chưa gặp cô Mây thôi, em gặp em cũng thích cổ thôi." Thằng Tí nhìn vợ cười khà khà nói.

"Chúng mày không có hiểu, cô Mây là bông hồng của giao liên bọn tao, đi ra ngoài nói biết cô Mây nghe là thấy nở mày nở mặt rồi, mấy thằng khu khác muốn lôi kéo làm quen đâu phải nói muốn là được." Thằng Tí cười khoe khoang, nhấc cái chân để lên ghế đầu kể.

"Cô Mây vào làm giao liên sáu năm, mà giờ mới hơn hai mươi đã đi ra đi vào với bọn Tây, cổ đưa tin còn nhanh, còn chính xác hơn bọn tình báo với bọn nằm vùng. Bọn Tây hay gọi cổ là gì nè, để tao nhớ, à, Mít Mích gì đó, tao nhớ là Mít Mây (Miss Mây)." Thằng Tí ngừng một chút rồi nói tiếp.

"Không biết cổ lăn lộn kiểu gì mà tới giờ chưa bị bắn chết, bọn tao không nể mới là lạ. Nghe nói cổ đang ở Sài Gòn, có dịp tao dẫn bây gặp cho biết sao bọn anh phải gọi một tiếng cô Mây." Thằng Tí nói, nhưng nó cũng chỉ biết chút tin tức cơ bản thôi, nó gặp cô Mây được hai lần, một lần thấy từ xa, chưa kịp chào thì người ta có việc gấp lên ghe đi mất, một lần nói chuyện được một buổi cùng mấy cha cán bộ với mấy cô khác về mở tiệc nhỏ ăn nhậu, tuy là hôm sau cổ mới đi, nhưng thằng Tí cũng hiểu sao ai cũng khen cổ rồi.

"Anh nói xem cổ với chị tui ai đẹp hơn nè?" Thằng Quý đáng giá nhan sắc con gái người ta là so với chị, ở nhà có chị hai đẹp như vậy, ra đường thấy người ta khen ai mà kém so với chị nó thì nó thấy cũng bình thường thôi, nhiều nhất là xinh chứ không thể nói là đẹp.

"Về nhan sắc thì một chín một mười, nhưng cái tài giao liên với sỏi đời thì con Châu sao bằng người ta, người ta 'nhỏ nhưng có võ' đấy." Thằng Tí thật lòng nhận xét.

"Anh Tí ít khen ai vậy, làm em cũng tò mò lắm." Vợ thằng Tí cũng không có ghen, chỉ tò mò về cô Mây thôi, ăn ở với nhau có con rồi, nó cũng hiểu tính thằng Tí, thấy nó khen tấm tắc như vậy thì chắc chắn là có tài riêng chứ không phải mê người ta mới khen.

Cuộc trò chuyện cứ như vậy bâng quơ mà qua, cũng không ai để ý tới nữa, đôi khi nói về người này người kia mà họ không biết như là để có đề tài để nói thôi.

Từng ngày trôi qua bình thường, lại rất ấm cúng. Con Châu vẫn là sáng ra chợ rồi về phụ giúp gia đình, điều không đổi là Ngọc Châu lại ra vườn trồng này trồng kia, hay là phụ ông Hai tính sổ sách lò gốm, vụ mùa này kia. Sổ sách thì dễ, nhưng cây con Châu trồng cứ chết, cứ héo, không thì bị gà xới vịt ăn,... Nhà ông Hai riết cũng không nói nổi, mặc kệ cổ muốn làm gì thì làm thôi, chỉ có thằng Quý, có theo chị nó làm trò con bò, chết thì trồng cái khác, đôi khi nó ngồi một bên coi con Châu loay hoay mà thấy may mắn, chị nó học chữ, chứ không thì nhà nông không ai dám rước chị nó về...


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro