Chương 10: Bạn qua thư

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

"Con chào chú Chí, chào dì Nguyệt." Một cậu trai đội nón kepi nâu, trên mình khoác lên bộ tây phục lịch lãm.

Đi cạnh cậu là một người đàn bà trung niên, trên người bận cái áo bà ba bằng lụa trắng, trên cổ đeo vòng ngọc trai. Trông cả hai có biết bao nhiêu là cao quý.

"Con trai của bà Hương đã lớn đến thế này rồi nhỉ." Ông Chí ngồi xuống cái ghế bên cạnh bà Nguyệt: "Chẳng hay bà cùng cậu qua đây có việc gì hay không?"

Bà Nguyệt rót trà cho phú bà bên kia, cũng chung một bụng thắc mắc với ông Chí. Nhưng rồi thấy cậu trai kia ăn bận như vậy, cũng bảy tám phần đoán được lí do.

"Ông hỏi thế thì tôi cũng vào thẳng vào vấn đề. Con gái nhà hai người năm nay cũng ngót nghét hai mươi hai rồi ha. Thằng con của tôi nó để ý biết bao lâu rồi, bây giờ mới có cơ hội để mang đồ sang đây dặm hội. Ông bà xem ngày lành tháng tốt để chúng nó còn về chung một nhà với nhau." Lễ vật quý được kẻ hầu đem vào đặt lên bàn, giọng điệu của người đàn bà kiêu kì vô cùng, dường như không cần phải hỏi ý kiến của đôi vợ chồng kia.

"Vậy thì tiếc quá, con gái tôi còn chưa muốn lấy chồng. Phiền bà Hương đem đồ dặm hỏi về cho." Nghe người kia nói chuyện với thái độ như thế, ông Chí chẳng hề khách khí đáp trả, mà bà gương mặt của bà Nguyệt cũng nhăn lại thành một cục.

"Ôi chao xem ai nói kìa, con gái hai người đã hai mươi hai chứ có phải nhỏ nhoi gì! Con trai tôi nó tự nguyện đòi cưới là may mắn của ông bà, đừng có mà không biết điều như vậy, ít ra cũng phải cho Dạ Thi nó ra nhìn thằng Dương nhà tôi một cái." Bà Hương cau mày khó chịu, bà hoàn toàn không thích gia đình nhà ông Chí, quê mùa quá đỗi.

Sao thằng con của bà lại có thể thích con gái nhà này nhỉ.

"Kìa mẹ, thôi mà mẹ..." Cậu Dương vịn vai mẹ, nét mặt khó xử vô cùng.

"Con cảm ơn cậu Dương và bà Hương đã có lòng đến đây. Ba má con nói đúng, con chưa muốn lấy chồng lúc này, con chỉ muốn tập trung dạy học cho mấy đứa nhỏ ở huyện, chẳng muốn ở xa làm gì." Thi lúc này bước ra ngoài, giọng điệu ôn tồn mà nói.

"Thi, Thi hả em. Hôm qua cậu có gửi thư cho em, em có đọc chưa?" Dương nhìn thấy Thi, ánh mắt như hiện ra những vì sao.

Anh yêu người con gái này quá đỗi.

"Em có đọc rồi, câu trả lời của em cũng giống như trên. Mong cậu và bà đừng nhọc lòng." Dạ Thi cúi người, cung kính nói.

"Kìa em, cậu Phiệt bây giờ đã lấy vợ rồi, em còn đợi cậu ta làm cái gì nữa! Cậu với con trai nhà ông Minh cũng đâu có thua gì..." Dương không thể khống chế nổi mình, đứng dậy nói.

"Xin cậu Dương cẩn trọng lời ăn tiếng nói, Thi chỉ là chưa muốn lấy chồng chứ chẳng có đợi ai ở đây cả." Thi ngắt lời người kia, lại nói tiếp: "Mong cậu và bà về cho."

Lặn lội đường xa từ tỉnh Định Tường để đến cái huyện Hà Châu này, ai dè bị đuổi thẳng cổ như vậy, bà Hương tức giận đập bàn rồi đứng dậy: "Cả gia đình mày cứ làm giá đi! Năm xưa cậu hai Phiệt đưa đồ dặm hỏi một mực không chịu, tới bây giờ gia đình tao xuống đây cũng không chịu. Sao nào, tính gả cho thằng Công sứ hay thằng Tây nào hả? Chúng mày..."

Cậu Dương sợ hãi kéo mẹ của mình đi về, trên miệng không dừng nói: "Thôi mà mẹ, mình về nha... Xin lỗi chú dì, xin lỗi em Thi..."

Bà Hương không ngừng chửi, cậu Dương vất vả lắm mới có th"ể kéo lên xe mà chở đi.

Thi nhìn theo bóng lưng của hai người kia, trông chẳng ra thể thống gì cả.

Ông Chí không nhịn được, chửi: "Thứ gì đâu mà ngang ngược!"

Bà Nguyệt rót trà cho ông Chí, rồi quay sang hỏi Thi: "Rồi chừng nào con định lấy chồng? Bà kia nói cũng không có sai, con đã lớn tuổi lắm rồi. Nhỡ thành gái lỡ thời thì..."

"Ba má, con có người mình thích mà." Thi mỉm cười nhìn hai người nọ: "Chuyện cưới hỏi không vội."

"Cái lí do đó bốn năm trước con có thể lừa được cậu hai, bây giờ không thể lừa ba má được đâu." Bà Nguyệt cùng ông Chí đồng thanh.

"Không, đợt này là con nói thật mà." Thi không hề giấu diếm: "Một người ở Gia Định, khi nào có dịp người đó sẽ xuống đây."

"Ôi chà, con bảo con không muốn lấy chồng xa, vậy mà giờ lại bảo là thích thằng nào ở Gia Định." Ông Chí cười tủm tỉm.

"Ba đừng có lo, quê của người ta ở Hà Châu, sắp tới là về để làm việc ở đây luôn." Thi nói đến đây, trên mặt không nén nổi vui mừng.

Bà Nguyệt thấy con gái mình như vậy, bỗng dưng cảm thấy vui lây: "Ba má còn sợ mày chuẩn bị đi tu, may quá."

"Tu cái gì mà tu." Thi nhìn ba mẹ, hết nói nổi.

"Cái Hà Châu này có chút xíu, rốt cuộc là con của nhà nào?" Ông Chí hỏi.

"Con cũng không rành. Chỉ biết cậu ta vừa đi du học Pháp về trong năm nay." Thi ngồi xuống ghế, dường như nghĩ ngợi gì đó.

"Mấy năm nay huyện mình có hai đứa đi chứ mấy, một đứa là cô út, đứa thứ hai là cậu Mến, họ hàng bên ngoại của cô út luôn đấy. Nếu con nói vậy thì chắc là nó rồi." Ông Chí rút tẩu thuốc: "Trời ơi con, mày thích người ta thế mà gia đình người ta thế nào cũng chẳng biết, ngộ à nghen."

"Mẹ không tiếp xúc với cậu Mến nhiều, cậu như nào vậy con?" Bà Nguyệt thắc mắc.

"Trời, sao mẹ lại cứ đinh ninh là cậu ta. Nhưng cái người mà con thích thì rất lịch thiệp, yêu thích quốc văn lắm, chữ cũng đẹp nữa." Thi kể đến đây, niềm hạnh phúc trong ánh mắt là không thể nào che giấu được.

"Ba má nghe vậy cũng yên tâm." Bà Nguyệt thở phào:"À, nhắc đến vụ đi du học mới nhớ cái này. Má nghe bảo Trâm Anh nó làm việc ở Pháp luôn rồi, không về nước nữa."

"Thiệt hả má?" Nghe đến cái này, Thi có hơi sững sờ.

Bốn năm qua, Trâm Anh đi mà chẳng hề gửi cho Thi một bức thư nào, ngay cả tin tức về con bé ấy ở bên Pháp ra sao nàng cũng không biết được một chút gì.

Nghe những lời mẹ nói, Thi cảm thấy hơi chạnh lòng.

"Làm sao má biết nó không về?" Thi hỏi lại. Bởi lẽ ngày sang Pháp, cô út đau buồn dữ lắm, thậm chí còn khóc thút thít vì sợ nhớ quê không chịu nổi.

"Má nghe kể thôi. Hôm qua cậu Mến mới từ Gia Định về kia kìa. Hai đứa nó đi chung, lúc về lại chẳng về chung. Láng giềng đồn cô út ở Pháp luôn rồi." Bà Nguyệt thở dài: "Cô út hồi đó dễ thương lắm, ngày nào cũng dính con như sam."

Thi nghe vậy, không hề cho thêm ý kiến nào. Nhưng trong lòng hình như bị một cây kim nhỏ châm vào, khiến nó có chút râm ran khó chịu.

.

Ban đêm, Thi ngồi bên chiếc đèn dầu, tiếng giấy va vào bút không ngừng.

Nàng bắt đầu viết thư vào khoảng nửa năm nay, khi ở Gia Định nổi lên chuyện viết thư tâm tình.

Bạn bè của nàng dưới huyện hầu như đều tham gia, có đứa còn tìm được ý trung nhân của đời mình. Thi cảm thấy chuyện này thú vị, phần cũng bị bị ba má giục cưới, nàng cũng có thử qua xem sao.

Những dòng Thi viết vô cùng nhàm chán, tưởng rằng sẽ chẳng có ai gửi thư lại đâu, ai mà có dè, một tháng sau, có bức thư tay được gửi tới.

Đây không phải là lần đầu Thi nhận thư, nhưng đây là lần đầu tiên nàng hồi hộp đến vậy.

"Xin chào nàng Thi, trước hết tôi muốn nói rằng nàng có một cái tên thật đẹp.

Tôi là du học sinh Pháp vừa trở về Việt Nam không lâu, quê cũng ở huyện Hà Châu, sau khi sắp xếp công việc thì nửa năm sau sẽ trở về. Dù là ở quê nhưng tôi vẫn không có nhiều bè bạn, mong rằng Thi sẽ có thể đồng ý làm bạn qua thư nhé, cho tới khi chúng ta có thể gặp nhau.

Tôi có nghe rằng Thi làm cô giáo, dạy học cho tụi nhỏ dưới huyện. Tôi thấy vậy thì hâm mộ lắm, bởi lẽ ít có người trí thức nào chịu ở lại quê mình làm việc, đa phần chỉ toàn còng lưng để làm thuê làm mướn cho lũ ba Tàu hoặc Tây phương. Mong Thi luôn giữ gìn sức khỏe để truyền đạt kiến thức cho các em ở quê, để các em trở thành một người như nàng vậy.

Phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định, tái bút."

Thi nhìn những nét chữ này, có hơi nghệch ngoặc nhưng rất thẳng hàng thẳng lối, cách chấm bút cũng rất dứt khoát. Lời lẽ không có viết theo kiểu hoa mỹ cầu kì như cậu Phiệt năm xưa, trái lại rất thành thật, Thi vô cùng ấn tượng điểm này của người kia.

Thông thường, nếu nàng giới thiệu bản thân là cô giáo, sẽ có biết bao nhiêu người nhảy vồ vào dè bĩu, rằng con gái không lo lấy chồng mà lo học cao. Hình như các cậu phú hộ chẳng bao giờ thích những người con gái giỏi hơn mình bao giờ.

Nhưng Thi chẳng để tâm, ba Chí đã đối đầu với ông bà nội để nàng có thể được đi học đàng hoàng, chẳng nhẽ bây giờ nàng phải bỏ sở học của mình chỉ để tìm kiếm bạn đợi.

Đọc qua những lá thư này, thì ra còn một người xem điều ấy là bình thường nữa.

Nghĩ vậy, Thi rất thoải mái mà viết thư đáp lại người kia. Suốt nửa năm trời, cả hai đều trao đổi cùng nhau qua thư. Sở học của cậu kia rất rộng, mà nhân sinh quan cũng rất phù hợp với Thi.

Dù cậu ta đã dùng cả mấy năm trời học ở Tây, vậy mà không để bản thân mình bị lai căng dù chỉ là một chút. Cậu ta bảo cậu thích áo dài của dân tộc mình hơn là tây phục, và rằng những ả ngày đêm bật cassette nghe nhạc ngoại rồi chê cải lương của chính quê hương mình chính là những ả đáng tội chết muôn đời.

Trao đổi chẳng biết bao nhiêu lần, và cho đến một ngày, Thi bỗng nhận ra, mình đã yêu những con chữ này rồi.

Nàng không ngờ sẽ có một ngày bản thân động lòng chỉ vì những con chữ. Nhưng qua những đường nét đó, Thi biết đằng sau đó là một con người với lòng tự tôn dân tộc lớn lao, và cái cách cậu ta kể về quê hương Hà Tiên của mình trong thư, Dạ Thi cũng đã yêu lấy nó.

Rồi một đêm rằm, trăng vừa lên. Người đưa thư xách xe đạp chạy đến nhà Thi, hình như đây là bức thư cuối cùng trong ngày hôm nay của chú rồi.

Thi mở thư ra, trong thư chỉ có ba dòng.

"Xin chào Dạ Thi, tháng sau tôi sẽ về huyện Hà Châu, tôi mong sẽ gặp Thi lắm. Nhưng trước đó, Thi hãy trả lời tôi một câu nhé,

Đêm trăng thanh anh mới hỏi nàng:

Tre non đủ lá đan sàng nên chăng?"

Thi đọc đến đây, trên miệng bất giác nở một nụ cười, và rồi nàng cũng gửi lại hai dòng:

"- Đan sàng thiếp cũng xin vâng,

Tre vừa đủ lá, non chăng hỡi chàng?"

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro