Phần 1. Điếm

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Đầu làng Phên giữa buổi nắng hanh hao xuất hiện một dáng người.

Cô ả ăn mặc sạch sẽ, quần lĩnh áo the, đầu đội mấn đen đính cả kim tuyến. Trông ra dáng gái Hà Nội đáo để, sang trọng hơn hẳn đám người lam lũ đang đi qua đi lại trên đường làng.

Nhưng nhìn lên đến mặt thì người ta thôi không còn buồn tấm tắc. Ai còn lạ gì cô ả Liễn bỏ làng lên phố kia nữa. Bỏ làng lên phố! Một cái cụm từ khiến những người cả đời bám làng ghét bỏ! Lại còn lên phố làm đĩ. Nghề gì không làm, đâm đầu vào làm đĩ, cái nghề đốn mạt nhất trong những nghề đốn mạt. Thế nên là người làng quần bẳn xà cạp, áo lấm tấm bùn bĩu môi khinh khỉnh ra mặt cái con người xinh đẹp sáng sủa đang thẫn thờ đứng lại trước cổng làng rêu phủ kia.

Cô ả Liễn cháu cụ xén Di, nhà giữa đồng bán hàng vặt, con bà đồng Xấn bỏ đi lấy chồng mới, thi thoảng lại thấy về làm màu làm phép ở mấy nhà có ma. Hồi con bé Liễn, ngày ấy vẫn gọi là cái Hĩm, mới lên bốn, bố nó đi làm đồng bị sét đánh chết. Tang chồng chửa được bao lâu thì con mẹ Xấn lên đồng, bảo phải lấy chồng khác mới hợp phép thánh thần. Thế là cái Hĩm ở với bà, để mẹ nó đi bước nữa với lão thầy bói xã bên, thành một đôi quỷ thần. Cụ Di có cái hàng xén con con bán thuốc lào bột giặt giữa đồng Mẫu, rau cháo nuôi cháu gái lớn tướng.

Cứ tưởng thế mà đã xong. Con Liễn đã biết ra cái ruộng bé bằng thửa chiếu nhà mình mà cày mà cấy, thì cụ xén chết. Chả biết lao phổi, cảm gió hay tuổi già, một sáng ra chết còng queo, để Liễn quỳ bên giường gào thảm thiết mà chẳng biết kêu ai. Làm ma cụ xén hết hai đồng rưỡi, đã gần hết cái hòm tiền cụ chắt chiu cả đời. Bà đồng - lúc ấy người làng đã ghét bỏ gọi là mụ đồng, không về lấy một khắc, dù nhà mới ở ngay xã bên. Ôi thôi thì tiếng thối ôm riết - con gái không về tang mẹ! Ma chay tang lễ xong xuôi, người làng thương xót gì cũng đã tản về hết, con Liễn mười lăm tuổi đầu đã phải ở một mình, cố duy trì cái hàng xén của bà ngoại nó mà kiếm cơm.

Này cái Liễn vốn hiền lành! Mày cứ ngoan ngoãn thế, làng này có nghèo cũng chả ai bỏ mày chết đói đâu. Ấy thế thôi, một chiều Liễn đóng cửa gian hàng bé xíu, cắp bọc quần áo con con vào nách, đi ra đầu làng rồi mất hút hàng lươn. Gặp ai hỏi cũng chỉ cúi gằm, cung cúc bước chân, mặt đỏ rần. Trước cổng làng có thằng nào dựng xe mô-nét chờ sẵn, con Liễn trèo lên là nổ máy lao đi. Nghe phong thanh nó lên Hà Nội kiếm việc. Người làng chẹp miệng bảo nhau: "Ở nhà cũng có chết đói được đâu mà ham hố..."

Từ ấy con Liễn không về làng Phên thêm lần nào nữa. Lễ tết, giỗ chạp của cụ Di, bàn thờ lạnh tanh chẳng nhang chẳng khói. Năm thì mười họa có ai nhớ thì đi ra đình thắp cho nén hương gọi là, cũng chẳng có lễ lạt gì sất. Lại được phen bĩu môi nguýt: "Bà cụ số khổ, có con có cháu mà cứ như không. Hai mẹ con nhà đấy rồi cũng chẳng ra gì đâu." Có người ái ngại: "Con mẹ nó thì chẳng nói, nhưng con Liễn còn non dại thế không biết đã lưu lạc chốn nào rồi." Nghe lời ai mà lại bỏ xứ đi thế chả biết nữa.

Thương hại mãi, rồi cũng thấy lắng lắng đi. Người ta còn bận làm ăn, ai rỗi hơi bàn tán suốt về mấy chuyện không đâu thế.Cái làng Phên - có cái tên chữ rất hay là Yên Vụ, hóa ra cũng chẳng mấy khi được yên. Khi người ta đã quên hẳn cái Liễn non dại lên chốn Hà thành kiếm sống, thì ở đâu một tin sốt dẻo truyền về. Cái Liễn - bấy giờ đã thành "ả" qua mồm người làng, đi làm đĩ. Cái vết nhơ ngang nhiên quẹt thẳng vào mặt làng này. Người làng được một phen xôn xao. Người ngán ngẩm, kẻ trừng nộ, cuối cùng vẫn có thêm một lý do để ghét ả Liễn. Cái ghét ăn dần vào máu người ta sau mỗi bận có ai đi lên phố thị về mang theo một cái tin mới: ả phấn son choe choét đứng ở ngõ ả đào đến đêm muộn, ả ngả ngớn câu khách trước hàng ăn của tây, ả bơ phờ xộc xệch lúc sáng sớm sau cả đêm "làm việc"... Thôi thì đủ tiếng xấu tiếng nhuốc, trong mắt dân Yên Vụ mất hẳn hình ảnh cái Liễn hiền ngoan cả ngày ở ngoài đồng giúp bà làm lụng xưa kia. Người ta ghê tởm ả, căm ghét ả, vì ả bôi gio trát trấu vào mặt làng. Cả làng xưa nay có tiếng hiền lành, giờ lòi ra cái giống đĩ. Thật là con sâu làm rầu nồi canh. Chả ai dám nhận cùng làng với ả nữa. Câu chuyện về ả Liễn thường được dùng để mở ra cuộc nói chuyện, đúng hơn là cuộc đay nghiến của mấy bà mấy chị lúc rỗi việc, hoặc làm lời kết thúc cho câu bàn tán của người làng, bằng cái thở dài đườn đượt lẫn trong tiếng răng ken két.

Giữa cái lúc người ta tưởng ả sẽ chẳng bao giờ vác mặt mo về nữa, thì ả về.

Xinh gái hẳn, cái môi tô son đỏ chót, mắt sắc lẻm thi thoảng liếc xa xăm, nước da trắng hệt gái phố. Nhưng chẳng ai tìm lại được bóng dáng con bé Liễn hiền lành ngày xưa trên gương mặt ả nữa.

Ả về, mang theo vẻ phờ phạc từ chuyến xe đò dài dặc, nếp trải đời hằn hằn nơi đuôi mắt. Ả già. Già đi trông thấy. Xinh nhưng già. Không ai nhớ và đếm nổi ả đi biệt xứ được bao nhiêu năm. Tám, mười, mười ba? Không biết. Nhưng làng đã thay hai đời lý trưởng rồi, kể từ lúc ả đi. Bọn cùng lứa với ả ngày ấy giờ nách cắp hai con, quần quật cả ngày nuôi mấy miệng ăn, vừa bẩn vừa xấu. Nhưng chiều nay nhìn thấy ả vẫn vênh mặt lên. Mặt chúng bẩn, nhưng người sạch. Chẳng ai nhơ nhớp như ả, cái thứ bẩn từ trong xương ra ngoài.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro