Phần 2. Tủi hờn

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Một đám trẻ con chạy ngang qua mặt ả, ngơ ngác dòm trộm rồi chỉ chỉ trỏ trỏ. Ả chả buồn để ý. Mắt ả đang hướng về đồng Mẫu, nơi có gian nhà lụp xụp trơ trọi giữa những lúa ngô vàng khè. Ả chăm chăm rảo bước về phía ấy, lờ đi ánh mắt khinh khỉnh và những lời bàn ra tán vào của mấy người hay chuyện.


Ả lay lay mãi không được, liền dứt phăng cái ổ khóa lỏng lẻo trước cửa nhà. Trong căn nhà bé xíu chỉ chực đổ, mùi mốc meo ngai ngái xộc thẳng lên mũi, bụi bặm quạt vào mắt ả cay xè. Ả ngán ngẩm thở dài, quăng tạm bọc quần áo lên cái chõng phủ đầy mọt gỗ với đất cát, đi ra ngoài ho một trận.


Chập tối ả nhịn đói thắp ngọn đèn dầu từ đời nảo đời nào, bịt mũi dọn dẹp một lượt đến tận đêm mới tạm ở được. Gối đầu bằng bọc đồ trên cái chõng tre cót két, nghe tiếng mọt đục gỗ rì rì, ả không ngủ nổi. Ngoài kia giăng sáng vành vạnh, gió thổi mùi lúa, thơm thơm nhưng làm sống mũi ả cay đến phát đau.


Ả gái điếm già đời mất khách, đêm đến bôi phấn dày cộp mới che được nếp chân chim cuối mắt, khóe miệng trĩu xuống thảm buồn. Ả không tranh được với mấy cô đào mới. Không có khách, mồm thì vẫn phải ăn, quần áo vẫn phải mặc, đến cái phòng bé bằng mắt muỗi cũng vẫn phải nghe mụ chủ lèo nhèo đòi nộp tiền mỗi tháng. Túng quẫn quá, ả lại tự nhiên nhớ ra mình còn có quê. Một cái làng bé bé ả rời đi hơn mươi năm, giờ nhớ lại còn thấy hơi lạ lẫm. Ngày ấy nghe lời bùi tai, ả theo thằng Chí lên Hà Nội, vào làm trong hiệu may của anh họ nó. Được dăm tháng thằng anh họ mới lòi ra cái tính vũ phu, động tí là thượng cẳng chân hạ cẳng tay với ả - con bé Liễn mười bốn mười lăm tuổi đầu. Đêm ấy ả lao đầu ra ngoài đường, lưu lạc thành gái giang hồ bao giờ chẳng hay. Mươi năm làm đĩ. Cái tên Liễn qua lời mụ tú thành ra phèn quá. Ả đổi thành Kim Liên, là "sen vàng của anh" trong mồm mấy thằng già hám gái. Trong ả thối nát đến nhường nào, tự ả cũng biết. Ả không nhớ nổi lần đầu mình bán chác. Hẳn là có đau, nhưng ả chặc lưỡi - chẳng còn lối thoát nào dành cho mình nữa. Thế nên ả dấn thân vào. Dấn vào nghề đào điếm.


Nhưng làm gái cũng là cái nghề nhanh chết nhất. Nó hút máu con người ta, nó rút ruột con người ta. Ả từ một cô thôn nữ ngây thơ thấy gì cũng lạ lẫm thành ra một ả gái điếm già đời sành sỏi, người gầy sút hết. Và suy đồi từ trong óc mà ra. Ả nào nhớ được con bé Liễn ngày xưa đã từng ngoan ngoãn ra sao. Suốt bao năm, trong đầu ả chỉ có tiền, thú vui nhục dục, và trốn chui trốn nhủi với bọn giang hồ. Nghề điếm vắt kiệt ả, rồi ném ả về nơi ban đầu của ả, mặc xác.


Giờ thì chẳng chỗ nào chứa ả nữa. Chiều nay ả về, len lén xem nét mặt người làng. Toàn là khinh ghét. Dù vờ như không để ý, nhưng ả cũng biết nhục. Nhục thật. Mươi năm ra "nghề", đi đâu cũng khép na khép nép, cứ phải cúm rúm, sợ nhất đụng mặt người quen. Ấy thế mà cuối cùng người ở làng vẫn biết.


Ả lăn qua lăn lại trên chõng, mắt thao láo nhìn lên xà ngang. Tiếng cót két nặng nề vang lên giữa những tăm tối mịt mù.


Ả thấy nhớ về thời nào xa quá. Cụ xén Di của ả, bà ngoại già nua hay cáu gắt mà thương cháu hết mực của ả. Mấy người làng tốt bụng, ngày làm ma cụ xén còn sang làm giúp con gà đặt lên áo quan. Ả thấy làng ngày xưa, có con Liễn mười mấy tuổi làm xong buổi đồng theo chân chúng bạn đi bắt tép, nghịch nước ướt như chuột lột.


Tự nhiên ả lại rơi nước mắt. Một giọt lăn vội vàng trên má, ả giật mình. Bươn chải lăn lộn chốn Hà Nội bao nhiêu năm, ả tưởng mình gai góc lắm. Ấy thế mà giờ lại khóc. Chẳng vì gì cả. Trong lòng ả có người giục: "Khóc đi!". Ừ, rồi ả khóc. Mới đầu chỉ là nước mắt lã chã rơi, sau cùng không nhịn được nữa, tiếng rưng rức bắt đầu vọng khắp gian nhà lụp xụp. Ngoài đồng gió đêm thổi lạnh ngắt, chẳng ai nghe được tiếng khóc xé ruột xé gan giữa những hoang hoải buồn héo.

Ngày hôm sau ả dậy sớm, đi quanh nhà có gì dọn nốt, xong việc lại thấy đói. Từ hôm qua đến giờ ả chưa có gì bỏ bụng. Quay vào nhà giở gói tiền chắt bóp, cầm hai xu lẻ cuốc bộ vào làng mua cái ăn.

Đường làng đã đầy người đi làm đồng sớm. Ả rảo bước thật nhanh, cố lảng đi ánh nhìn soi mói và những tiếng nguýt dài xung quanh. Trong lòng ả thấy nhục nhã thật. Vác mặt về quê ả đắn đo mãi mới dám làm, song ả tự biết ngoài làng ra mình chẳng còn đi đâu được. Đời này quả thực khó sống! Ít nhất ở quê ả còn có nhà, mảnh ruộng bé bé bà để lại, chắc vài hôm nữa vỡ ra cũng tạm trồng lấy cái gì ăn được. Nhưng ả biết rồi, cái tiếng dơ bẩn này ả gột cả đời chẳng sạch. Ả thấy sợ, cứ như này chẳng biết chốc nữa có ai chịu bán cho ả không.

Người ta không bán cho ả thật. Hai đồng xu lẻ chìa ra sượng trân trong không khí. Bà hàng bánh đúc quay mặt đi, môi bĩu trề như con cá ngão.


"Tao không bán buôn với cái giống đĩ."


Một câu cụt lủn thôi, tát thẳng lên tí hi vọng vào tình xưa nghĩa cũ của ả. Một đống người nhìn. Ả bẽ mặt, trân trối đứng đần ra đấy.


"Thôi tránh ra để người ta còn bán hàng. Mới sớm ngày ra đã ám quẻ."


Xụi lơ. Ả thõng hai tay lủi thủi đi về. Trong lòng ả đang tủi thân ghê gớm. Ả thấy giận cái tiếng đĩ của mình. Giận cả con Liễn ngu dại ngày ấy tự dưng đâm đầu vào làm cái nghề nhục nhã kia, để giờ ả phải chịu miệng đời phỉ nhổ như này. Bấm bụng lết về nhà, ả lại nằm. Từ hôm qua đến giờ ả vẫn muốn nằm thế. Hoặc là ả chỉ có thể nằm thế. Đi ra đường làm ả thấy mình bị ghẻ lạnh và khinh khi. Trong bụng lại cuộn lên cái đói, cái tủi hờn. Giá mà ngày xưa cứ ở lại làng...


Ả lại nhớ bà, những đêm đông rét mướt nằm trong nhà hờ con hờ cháu. Nhưng bà già cứ rên rẩm thế thôi, chứ việc làm thì vẫn chăm chắm làm, chẳng trách ai bao giờ. Tiếng hờ của bà cụ cào cấu vào lòng ả, hệt như bây giờ - cái kí ức bình lặng mà sục sôi kia cũng đang cào cấu vào lòng ả. Nước mắt ở đâu lại chảy ra.


Ả khóc.


Khóc rồi ngủ thiếp đi. Mãi đến tận chiều tối, cái đói mới lại kéo ả tỉnh dậy. Lần này ả ôm bụng lết sang tận xã bên, họa hoằn mua được tệp bánh đúc nguội ngắt của bà ế hàng bán muộn. Ả không nhịn được, vừa đi về vừa bẻ bánh ăn. Vừa đi về vừa rúc vào bóng tối, giấu đi cái thân phận mạt nhược của mình.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro