2

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Năm tôi chín tuổi, gia đình tôi chuyển đến một căn nhà ở ngoại thành, nhà bên cạnh có một em trai rất đáng yêu. Em trai đáng yêu ấy tên là Phó Tư Siêu, tôi thích gọi em là Siêu, hoặc Siêu Siêu, đôi lúc sẽ hùa theo lũ nhóc mà trêu em là Kiều Kiều. Thật ra tôi thấy cách gọi Kiều Kiều rất hay, nhưng hình như em không thích nên chỉ khi trêu em thì tôi mới dùng mà thôi.

Ngày nào Siêu cũng chạy qua tìm tôi đi chơi, tôi muốn đi lắm, nhưng mẹ tôi bảo phải làm hết bài tập. Mỗi lần như thế, hình như em hơi buồn, cái mặt sầu mà thương. Thế là có mấy lần tôi nhân lúc mẹ ra ngoài mà đi chơi cùng em. Vậy là một đứa trẻ năm đó chỉ mới chín tuổi như tôi phát hiện ra hình như tôi rất thích cậu nhóc. Mà hồi đó có lần tôi hỏi vì sao mẹ cưới ba thì mẹ nói là do hồi đó ba thích mẹ rồi cua. Năm ấy, một đứa nhóc như tôi nghĩ rằng, thế mình cũng thích Siêu, lớn lên mình phải lấy Siêu. Đúng là trẻ con ngây thơ mà.

Nhưng rồi điều tôi không ngờ đến là vào năm tôi học mười một, tức là em đang học lớp tám, tôi nhận ra mình đối với em khác với tất cả những người bạn xung quanh. Cái cảm giác mơ hồ ấy cùng với sự sợ hãi rập rình trong tâm trí đeo bám tôi suốt ba năm dài đằng đẵng.

Đến khi em đang học cuối lớp mười, tôi chắc rằng mình thích em, thậm chí là hơn cả thế. Tôi không dám nói ra chuyện này với em, vừa là sợ cảm giác của em giành cho tôi không giống như tôi nghĩ về em, vừa là sợ mình là ảnh hưởng chuyện em học hành. Tôi biết Siêu cứ luôn miệng nói rằng mình học tệ, rằng mình không thích học, nhưng trừ cái lần em bị đau, tinh thần không ổn định khiến bài thi không như ý kia thì những bài kiểm tra khác, có bao giờ điểm không ở mức giỏi đâu? Siêu thương gia đình em lắm, em cũng rất biết lo cho tương lai mình, vậy nên trường mà em muốn, em phải vào được. Vậy nên khoảng thời gian đó, ngoại trừ thi thoảng đến giúp em giảng bài tập thì tôi cũng chẳng đến gặp em bao nhiêu. Vì tôi sợ mình không kiềm lòng được mà bày tỏ lòng mình với em.

Khi đó tôi tự nhủ với mình, tôi ở bên em bao nhiêu năm rồi, chẳng lẽ đợi em thêm hai, ba năm cũng khó sao? Đến năm em học lớp mười hai thì tôi nhận ra đúng là khó thật.

Lần đó, em nhỏ bị bệnh, ba mẹ em đều đi công tác ở nơi xa mất rồi, chỉ có mỗi mình em ở nhà. Lúc tôi vào phòng, em đang nằm yên tĩnh trên giường, trán em rất nóng, mồ hôi thì chảy ra nườm nượp. Khi tôi đưa em đến trạm y tế thì em đã sốt rất cao rồi, tôi sợ đến mức tim cũng nhảy ra ngoài. Thậm chí còn nghĩ hay là đợi em thức rồi nói thẳng với em tình cảm của mình, bởi vì nhìn thấy em dù bệnh cũng không nói với ai khiến tôi bực mình, tôi muốn mình sẽ trở thành bờ vai để em dựa vào.

Hay một lần khác, tôi đến nhà tìm em, ba mẹ em bảo tôi vào phòng em chờ vì em đang tắm. Kết quả là em tưởng phòng không người, thả rong từ nhà tắm đi ra... Tôi không dám nghĩ về gương mặt của mình khi đó nữa, chắc hẳn nó khó coi lắm. Thử tưởng tượng nếu như lúc đó tôi ở lại đó lâu thêm dù chỉ một giây, mọi chuyện hẳn sẽ đi rất xa, có khi cả đời em cũng không thèm nhìn mặt tôi nữa. Lúc đó, tôi thật sự đã có những suy nghĩ không đúng đắn với một đứa trẻ như em.

Kể từ ngày đó, tôi không bao giờ đến tìm em nữa. Mà đồng thời, ngay lúc đó cả một đống việc cần làm cũng bỗng dưng đổ lên đầu tôi. Hơn thế, năm đó là năm thi quan trọng đối với em, tôi không muốn mình làm em phân tâm.

Rồi cái ngày em đi thi, em đến nơi chờ thi từ rất sớm. Tôi chờ em vào trong rồi mới xuất hiện vì không muốn gặp mặt em, lúc đó tôi đoán là em đang giận tôi do cả năm không liên lạc. Nhưng rồi khi thấy em cứ đi đi lại lại, lo lắng không yên thì tôi chịu không nổi nữa. Rất muốn vào trong ôm em một cái, nhưng bảo vệ bảo không cho người không liên quan đến kỳ thi vào. Tôi đành đứng ở đó, giữa một đám người lớn tiếng gọi tên em. Thật may là em đã nghe thấy, lại còn cười với tôi.

Tôi trở về nhà em ngay sau đó để tổ chức tiệc mừng cho em, chuyện này tôi đã bàn bạc với ba mẹ em từ lâu. Không cần biết điểm số thế nào, nhưng em đã qua cơn giông bão đầu đời rồi thì phải ăn mừng. Tôi mua bóng bay, mua vật dụng trang trí làm đẹp cả một phòng khách. Làm xong thì cũng đến giờ em thi xong, tôi nghĩ có lẽ là em đang trên đường trở về cùng ba mẹ. Nghĩ tới nghĩ lui một hồi, tôi quyết định xỏ dép ra ngoài, đi mua cho em một món ăn mà em thích. Sau một hồi loay hoay thì tôi chọn mua kem, vì tôi nhớ là em thích ăn kem lắm, thích đến nỗi hồi nhỏ còn giành ăn với cậu nhóc ở căn nhà đầu ngỏ.

Sau đó mò vào mục tin nhắn mà đã lâu không dùng đến, tôi đổi tên em thành cái tên mà tôi muốn đổi từ lâu. Rồi lại chụp màn hình gửi cho em như muốn bày tỏ tâm tư của mình. Khoảng chừng vài phút trôi qua, tôi thấy màn hình điện thoại hiện dòng chữ "đã xem". Lần này tôi không hiểu sao mình dứt khoát đến lạ, chắc là do đã đợi quá lâu, tôi lại gửi thêm một tin nhắn nữa:

"Anh mua kem cho em rồi, anh và kem đều đang đợi em về."

Hôm đó em đánh tôi rất nhiều, những cái đánh nhẹ hều như mèo cào. Em trách tôi vì sao không nói ra sớm hơn? Cớ sao phải khổ sở chờ đợi như thế? Tôi nói, vì anh không muốn giữa chúng mình sẽ không có sự ngăn cách nào.

Tôi của năm hai mươi tuổi, em của năm mười bảy tuổi, sau bao năm chờ đợi đã thật sự ở bên nhau, thật sự tiến vào một mối quan hệ nghiêm túc.

Mấy năm yêu nhau trôi qua đều rất đỗi yên bình, dù rằng bình thường cũng hay cãi nhau đến gà bay chó chạy nhưng rồi vẫn sẽ làm hòa rất nhanh. Cả tôi và em đều là những kiểu người không giận dai, cũng không để bụng. Huống chi những chuyện để chúng tôi cãi thường chỉ là chuyện vụn vặt. Để rồi khi cả tôi và em đều đã trở thành những người đàn ông trưởng thành, ra trường rồi, đi làm rồi, ổn định rồi, chúng tôi lại tham lam hơn. Không chỉ đơn giản là người yêu nữa, chúng tôi trùng hợp đều có suy nghĩ muốn trở thành gia đình của đối phương. Nhưng ngày nay, chuyện kết hơn nam nam chưa được pháp luật thừa nhận, mọi thứ đều thật khó khăn. Ngay khi tôi tuyệt vọng, tưởng chừng mình chỉ có thể chấp nhận số phận rồi một ngày sẽ chia xa thì em nói:

"Chỉ là một tờ giấy kết hôn thôi mà, tình cảm chúng ta đâu thể nào chỉ được đánh giá thông qua một tờ giấy kết hôn. Chúng ta ở sống chung đi. Còn giấy kết hôn, nếu muốn thì em nhờ Gia Nguyên vẽ cho chúng mình một tấm là được."

Kể từ đó, chúng tôi đã chung sống cùng nhau đã hơn một năm rồi. Có những thay đổi nhất định trong mối quan hệ nhưng nói chung chỉ là vụn vặt, có lẽ và vì đã ở cạnh nhau quá lâu, hiểu nhau quá rõ.

Siêu thật sự đã nhờ Trương Gia Nguyên vẽ cho tôi và em một tờ giấy kết hôn, phải nói... thật sự rất giống. Dù nó chẳng hề có sự ràng buộc nào liên quan đến pháp luật, nhưng tờ giấy giấy ấy lại là sợi tơ hồng buộc chặt hai trái tim chúng tôi.

Có lẽ là đến ông trời cũng cảm động với chuyện tình cảm này, ông đã gửi cho chúng tôi một đứa trẻ.

Hôm đó là một chiều thứ bảy mát mẻ, Siêu bảo muốn ăn kem, tôi liền đi mua cho em. Nhưng khi vừa mở cửa ra, một chiếc giỏ mây đặt trước cửa nhà, bên trong có một đứa bé. Tôi mang nó vào nhà, cùng với Siêu xem xét một hồi mới phát hiện bên trong giỏ chỉ có một tờ giấy nhắn ghi lại ngày sinh của đứa trẻ và lời xin lỗi của người mẹ vô danh. Sau một quãng thời gian do dự rất lâu, tôi và em quyết định xem đây như một món quà trời trao, tiến hành làm thủ tục nhận nuôi hợp pháp, làm giấy khai sanh cho đứa bé. Tên chúng tôi được ghi ở mục người giám hộ. Và tên của cô bé được đặt là Ngô Phó Mỹ.

Thuở đầu chăm bé, tôi và em đều chẳng hề có kinh nghiệm. Nhưng may mắn sao, Phó Mỹ rất ngoan, bé ít khi quấy khóc. Hơn nữa, bé con có vẻ rất thích Siêu, chỉ cần Siêu ôm vào lòng, dù đang khóc đến long trời lỡ đất cũng nín ngay. Đôi khi hai ba con họ bám nhau đến mức tôi phải ghen, rõ ràng đều gọi là ba, cớ sao bé lại thương ba Siêu mà không thèm quan tâm ba Hằng chứ? Nhưng nói thế thôi, chứ bé mà bám tôi thì tôi chịu, tôi đây chẳng biết chăm em bé đâu.

Mỹ cứ chầm chầm lớn lên, chầm chậm trưởng thành, lúc nào cũng yêu thương hai bố rất nhiều. Siêu từng lo lắng về chuyện bé thiếu đi tình thương của mẹ, sợ bé buồn khi nhìn thấy các bạn có cả cha cả mẹ đưa đón, em đã hỏi bé rằng:

"Bé có tò mò về người sinh ra mình không?"

Em bé rất ngoan, lời nói ra hẳn là thật lòng, bé bảo:

"Bé chỉ thích ba Siêu và ba Hằng thôi."

Nhưng có lẽ đứa nhỏ cũng từng nhiều lần nghĩ suy, đôi khi nó ngơ ngác nhìn ra khung cửa, nhìn xa xa đâu đó phía chân trời.

Khi cô bé đến tuổi trăng tròn, bé biết yêu. Ban đầu bé ngại chẳng muốn kể đâu, nhưng có lẽ là thật sự không có ai để bày tỏ nỗi lòng, bé kể cho Siêu. Bé bảo bé thích bạn cùng bàn, Siêu đã hỏi bé thích như thế nào. Bé ngây thơ bảo bé thích cậu ấy như thích sao trời biển rộng vậy. Khi dó, Siêu đã xoa đầu cô con gái nhỏ, bảo rằng bé cứ thích đi, nhưng chỉ thích thôi và đừng yêu, vì bé còn đi học và còn vì đôi mắt bé vẫn còn hồn nhiên lắm, ba Siêu không muốn bé sớm thế đã biết buồn tình.

Một nhà ba người, cứ thế bình bình yên yên trải qua tháng năm.

-----

tbc

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro