Ăn phở ở Aachen

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Bây giờ mình qua Đức chơi nhen. Xa không?
Gần xịt à. Chạy xe tầm 30 phút là tới phố cổ Aachen. Tôi biết Maastricht nằm ngay biên giới giữa Đức, Bỉ và Hà Lan, nhưng thiệt tình không nghĩ nó lại gần đến thế.

Từ một cô tiểu thư đài các ở Nha Trang rồi vô Sài Gòn học được bao chàng trai săn đuổi, Vân giờ về thành phố nhỏ sống với chồng. Sáng bắt tàu đi làm cách đó hơn hai giờ, chiều tiếp tục hai tiếng chạy về. Công việc quen rồi, nhiều lúc muốn nghỉ vì xa nhà, nhất là mùa đông dậy sớm lạnh thấu xương, nhưng cũng chưa quyết định được vì chỗ thân tình. Với lại Văn muốn học tiếng Hà Lan cho giỏi. Ngôn ngữ gì mà khó quá trời. Học muốn long não cũng chưa thuần thục. Mà xứ này muốn vô quốc tịch phải thông thạo tiếng chú không là bị chối từ.
Trong giấc mơ dọc ngang, tôi vốn không có thiện cảm với Đúc. Chắc bởi do khuôn mặt lạnh như tiền của mấy cầu thủ Đức và vai trò của Chủ nghĩa Phát xít, khơi mào cho bao cảnh tang thương, chết chóc trong hai cuộc chiến tranh thế giới. Lúc Vân rủ đi tôi cũng hơi lưỡng lự. Thà ở nhà coi chung kết quần vợt Wimbledon còn hay hơn dù không ưa Djokovic hay Federer. Tôi muốn Nadal lên ngôi vô địch. Nhưng mình là khách, bạn có lòng, chẳng có lý do gì để chối từ. Với lại được đi thêm một nước làm tôi hào hứng hơn. Mà biết đâu, sau chuyến đi này, quan điểm của tôi về Đức sẽ đỡ cực đoan hơn và bắt đầu thay đổi.

Điều tôi luôn thích và ấn tượng ở châu Âu là sự xóa nhòa biên giới. Tôi từng có hàng trăm lần xuất nhập cảnh, sưu tầm từng dấu mộc hải quan bằng đường hàng không. Hơn chục lần băng qua biên giới các nước qua ngã đường bộ như sang Hà Khẩu từ Lào Cai để đến bên kia Trung Quốc, hoặc Mộc Bài để thăm Campuchia. Tôi từng đứng bên này vắng tanh San Diego nước Mỹ, nhìn bên kia hàng rào kẽm gai sắt bén là Tijuana núi đồi, tội phạm, ma túy, chết chóc kinh hoàng của Mexico, chen chúc những mái nhà. Vượt qua biên giới giữa Mỹ với Canada, chạm mặt chàng hải quan mặt lạnh như tiền hỏi mấy câu ngớ ngẩn về gia đình và sắc tộc. Hay đám Mỹ trắng nhà quê New York, nhìn chúng tôi như trên cung trăng xuống vì cả đời chưa lần nào gặp người châu Á mũi tẹt, da vàng... Đi giữa lòng liên hiệp châu Âu, biên giới đôi khi chỉ là đường vẽ chạy dọc quán cà phê, băng qua giữa ngôi nhà, hay tấm bảng xanh, chữ trắng và những ngôi sao vàng báo hiệu bạn sắp sang một nước khác luôn làm tôi thấy nhẹ nhõm. Thay vì tranh nhau từng centimet lãnh thổ ở nơi heo hút gió sương, chẳng ma nào mò tới, cảm giác hòa bình, đồng thuận đang bao trùm lên khắp châu lục, dẫu mấy ngàn năm nay, người châu Âu chém giết nhau để tranh giành đất đai lẫn quyền hành thống trị.

Chặng đường ngắn hơn nhờ anh Hòa ra làn ngoài cùng, phóng vút như tên bay. Xe cũ mà bốc ghê. Đức là nước duy nhất trên thế giới có làn đường không giới hạn tốc độ.
Aachen được xem như biểu tượng, hơi thở của cả châu Âu, mang hết nét tinh hoa châu lục vào trong lòng phố cổ hơn ba ngàn năm lịch sử. Từ thời điểm là một quốc gia nhỏ do người Celtic xây dựng, dưới sự đô hộ của La Mã, thành phố này là nơi nghỉ dưỡng của quý tộc giàu sang. Tương truyền, vào kỳ nghỉ Giáng sinh năm 768, Hoàng đế Charlemagne đã quyết định xây dựng Aachen thành trung tâm hành chính cho cả đế chế và lập nên khu nghỉ dưỡng mùa đông băng giá. Và đó cũng là nơi ông đã trút hơi thở cuối cùng vào năm 814. Khắp mọi nơi ở Aachen vẫn lưu giữ bức tượng Hoàng đế được đặt giữa quảng trường, trước cổng tòa thị chính, tới đại lộ mang tên Charlemagne để nhớ ơn vị “thành hoàng” nổi tiếng.

11 giờ sáng, phố xá, hàng quán vắng tanh. Các shop thời trang hay cửa hàng đóng cửa im lìm như còn ngái ngủ. “Châu Âu mà Tài, đâu phải Mỹ mà cuộc sống lúc nào cũng vội vội vàng vàng như thể ngày mai tận thế. Bên đây họ sống nhẹ nhàng, chậm rãi”. Thứ bảy, năm giờ chiều hàng quán dẹp sạch hết rồi. Chủ nhật phần lớn ở nhà nghỉ ngơi, không thèm mở cửa bán. Tới cuối hè nhiều khi vắng tanh, bởi thiên hạ đổ hết ra biển đảo hay bay qua Mỹ để đi mua sắm cho hết ngày phép. Nghĩ lại bên kia Đại Tây Dương, mỗi sáng phải cuống cuồng vệ sinh, pha cà phê, luộc trứng, mang ra xe uống lấy uống để cho tỉnh cơn ngái ngủ. Trưa nhiều khi không kịp về nhà, phải mang theo đồ ăn hâm nóng ngay tại văn phòng. Ngủ trưa là chuyện không bao giờ xảy ra. Chiều lật đật chạy về để tránh cảnh kẹt xe. Ngày cũng 24 giờ, hổng biết sao lúc nào cũng vội vàng, căng như dây đàn sắp đứt.

Phố cổ Aachener Altstadt đẹp như vùng đất trong chuyện thần tiên hiện ra sau khi bước qua vòi phun nước Elisenbrunnen trắng, được xây theo lối kiến trúc vòng cung kiểu La Mã với hàng cột cao cùng hai tượng sư tử dát vàng, miệng phun ra nước. Khác với hai màu đỏ và xám chủ đạo của phố cổ Mỹ, các mảng màu chốn này cứ đan xen, trộn lẫn vào nhau. Màu xanh của cỏ cây vào độ giữa hè nổi bật trên nền xám của viên đá lót đường, màu phấn nhạt của gạch, đỏ của ngói cong, lẫn ban công sắt rực rỡ màu hoa tươi thắm.

Aachen nằm trên miệng núi lửa đã ngưng hoạt động nên nguồn nước ngầm lúc nào cũng nóng và có độ lưu huỳnh khá cao. Mùi hăng hắc, ngây ngấy khai sẽ làm người ta nhớ mãi không quên khi lỡ một lần đặt chân đến. Chính vì sự giàu có tài nguyên nước, trên khắp mọi ngả đường, góc phố, quảng trường, thậm chí quán ăn, nhà riêng, người ta thiết kế đài phun nước nhỏ to, đủ dạng hình, màu sắc. Khi thì nước phun ra từ miệng sư tử, lúc thì nước chảy ra từ chiếc lá to, hay nữ thần La Mã ôm bình quen thuộc. Người Đức tin rằng, nếu người già ngâm mình vào nước nóng ở Aachen, thì các chứng bệnh đau đủ thứ các loại khớp đặc trưng của các nước phát triển, từ hồng, gối, vai tới khuỷu tay sẽ biến mất. Hoặc uống nước ở đây sẽ trị được các chứng bệnh về tiêu hóa. Nhưng thiệt tình, nghĩ tới cái mùi lưu huỳnh hôi rình, tôi cũng đã nôn ra hết.
Trên nền trời trong xanh của Aachen vào cuối tuần, màu xám phủ bụi thời gian của nhà thờ Aachen như thách thức luật lệ khắc nghiệt của tạo hóa. Giáo đường là một trong những lâu đài cổ nhất ở Bắc Âu, nơi tiến hành lễ đăng quang của vua và hoàng hậu Đức và cũng là di sản văn hóa thế giới đầu tiên của Đức được UNESCO công nhận năm 1978. Ban đầu, nó là một nhà nguyện hoàng gia trong thời Trung cổ, trải qua nhiều thế kỷ thăng trầm, chiến tranh, hòa bình, cắt chia đất nước, nhà thờ vẫn đứng im sừng sững bất chấp đạn bom. Vào bên trong, ngỡ mình đang đi lạc vào một viện bảo tàng với hàng ngàn bức tranh chạm khắc tinh xảo và cả chùm đèn treo lủng lẳng trên cao lộng lẫy. Giữa vương cung thánh đường là hòm thánh tích của Đức Mẹ Maria. Tương truyền bên trong có chứa bốn thánh tích vô cùng quý giá: Áo choàng không tay của Đức Mẹ, tấm vải liệm, tấm khố đầy máu của Đức Jesus và khăn quấn quanh lưng ngài trong ngày bị treo mình trên cây thập tự. Kho bạc của nhà thờ là nơi quan trọng và quý giá nhất của dãy Alps, nơi lưu giữ Thánh giá của Lothair, tượng bán thân bằng vàng và được cho là nơi an táng vua Charlemagne trong quan tài bằng đá, loại được sử dụng để làm áo quan cho hoàng đế Caesar huyền thoại.

Tôi tới bên hông nhà thờ, uống một ngụm nước hăng hắc mùi lưu huỳnh. Dẫu là người ngoại đạo, nhưng cũng mong giọt nước chảy từ lòng đất của thánh tích này, sẽ rửa sạch hết mọi lỗi lầm, vỗ về nỗi buồn và mang lại sự thanh an trong cuộc đời quá nhiều trăn trở.

Đi ăn đồ Việt Nam nhen? Ở đây chỉ có một tiệm phở duy nhất. Ngon hay dở gì cũng ráng mà ăn đó. Chỉ cần nghe Vân nói nhiêu đó thôi, hai mắt tôi đã rạng rỡ như vừa trúng số độc đắc vài trăm triệu bạc. Tôi may mắn đi khắp năm châu bốn biển, được ăn hàng trăm món ngon vật lạ lắm vị nhiều mùi. Để rồi sau ngần ấy năm lênh đênh xứ người, cố gắng mãi mà chẳng hòa nhập được. Đành quay về với món Việt, coi đó là một phần hồn vía không thể tách rời khỏi bản thân mình. Mà đâu phải chỉ mình tôi, hầu hết người Việt xa quê thuộc loại khó hòa nhập nhất thế giới. Dẫu bao nhiêu năm sống ở xứ người, nhưng chỉ cần nhìn thấy tô cơm kèm chai nước mắm, nghe lồng lộng mùi phở từ xa, là bao nhiêu món ngon Tây Tàu đều sẵn sàng bỏ hết. Mới hay, dẫu mang tiếng bỏ lìa xứ sở, nhưng chúng tôi luôn canh cánh bên lòng nỗi nhớ giếng nước, làng quê, cây lúa, mái đình qua hình hài của những món quen thân.

Người ngoại quốc thường biết tới Việt Nam qua tô phở thơm lừng, đĩa cơm sườn đầy hương vị, chả giò (nem rán) giòn rụm và ổ bánh mì thịt nguội. Và gần đây, thêm chai tương ớt hiệu con gà trong các nhà hàng Mỹ, hay phòng nghỉ của United và các hãng máy bay khác. Mà khẩu vị của dân Tây đơn giản. Hổng cần ngon, chỉ to và sạch là đủ rồi. Nên mới có chuyện vài chỗ bán tô phở loại... xe lửa, to bằng cái thau với đầy đủ thịt thà, rau củ và cả nửa ký bánh tươi với giá trên dưới chục đỗ (nên đừng mơ người ta sẽ hầm xương cốt bò cho ngọt nước nhé). Nhìn thôi, tôi đã no tới hết tuần. Vậy mà vẫn có vài người Mỹ hoặc Mễ vô ăn ngon lành, húp một lèo hết sạch.

Kỳ lạ, xa nhà, gái hay trai, dù lười biếng cỡ nào, chỉ một năm thôi là biết nấu phở hết. Đơn giản, muốn ăn thì lăn vô bếp. Mà muốn ăn phở ngon, nhất là chiều mưa ủ dột bầu trời hay đêm đông tuyết rơi mù mịt, cách tốt nhất là tự nấu theo ý của mình, chứ ra tiệm toàn mùi hồi với quế, nước lèo đầy bột ngọt, ăn xong đơ lưỡi cả ngày. Dễ òm à, ra chợ mua xương bò, về hầm chung với sả cho ra nước cốt. Sau đó để nguội, đem bỏ tủ lạnh, sáng hôm sau lấy ra vớt lớp mỡ bên trên cho bớt béo. Để nước lèo lên bếp, vặn gas thiệt nhỏ cho sôi từ từ rồi nêm nếm tí mùi phở, gia vị cho vừa ăn. Tranh thủ chờ nước sôi, mài dao thiệt bén để xắt tái, gân, nạm (đã hầm mềm) thành từng lát mỏng. Hành ngò bỏ riêng một hộp. Giá với rau rửa sạch sắp vô rổ. Xắt vài miếng chanh để một bên. Rót chén nước mắm, dầm vài trái ớt xanh đỏ cho cay. Tương ớt, tương đen sẵn sàng. Chờ nước sôi, trụng ít bánh phở, để vài miếng thịt lên trên, lấy vá múc ít nước lèo chế vô. Thơm phưng phức.

Thế là tô phở thơm lừng, bốc khói, sạch sẽ, không bột ngọt, đúng khẩu vị của mình được dọn ra vào một ngày đông lạnh buốt. Khi ăn phở, tôi thường xịt tí xì dầu (nước tương hay tàu vị yểu). Bạn thử đi, nó sẽ mang lại một vị lạ vô cùng vô tận. Húp miếng nước lèo cái rột, để hơi nóng lẫn nồng nàn ngấm vào từng tế bào da thịt. Nhai miếng gần giòn rụm chấm tương ớt ôi thôi mới thấy nó dẻo làm sao. É quế thơm lừng, giá mát lành, ngò gai nồng đượm. Ăn một tô chưa đã, thêm tô nữa thấy no cành hồng. Đứng dậy, đi lòng vòng cho tiêu. Không thì đứng rửa chén bát, xoong nồi cho xuống bụng.

Chả trách những ai xa quê, ăn được tô phở ngon, nghe vị quê hương rưng rưng trên đầu lưỡi.

Mà lần nào nấu phở, tôi đều quay quắt nhớ tới thuở hàn vi, tháng năm ba má gồng gánh hơn chục đứa con với một bầy cháu. Mỗi sáng, tôi thường lục cơm nguội chan nước mắm hay ít cá kho còn sót lại ăn lót lòng. Bữa nào rủng rỉnh, chị cho ngàn bạc, đi mua ổ bánh mì hay gói xôi bắp gói lá chuối thơm lừng, mừng phát khóc. Phở, với tôi, là món sơn hào hải vị, của ngon vật lạ người ta đi cống nạp cho vua, tôi là phận thứ dẫn, có thèm tới cỡ nào cũng chỉ đứng ngó cho đã cơn ghiền rồi quay bước bỏ đi, chứ hổng dám nghĩ chuyện ăn ngon miệng.

Má bán hàng đường ngoài chợ, trước mặt là hàng phở của dì Há, bên dưới gốc bàng già. Dì cao to phốp pháp, giọng nói rền vang như chuông khánh trên chùa. Trưa đứng bóng, khách đông nườm nượp, dì miệng liền miệng, tay liền tay, vừa nói, vừa hét la mấy người giúp việc bưng bê, rửa chén, lau dọn ghế bàn, vừa bốc phở bỏ vợt, nhúng chín, để vô tô, chan nước lèo, xắt thịt, thêm tái kèm móng, giò như cái máy không sai một tý. Bữa nào ra chợ, tôi cũng lẳng lặng ngồi ngó trân trân, hít lấy hít để xoong nước lèo bốc khói thơm lừng lựng mùi thịt bò với sả. Rồi trách sao ông kia phí quá ăn bỏ hết cả nửa tô. Dì kia sang ghê, cục giò thiệt ngon mà quăng cho chó gặm. Nhiều lúc muốn đánh bạo mở miệng xin tiền má cho con ăn một tô thôi, rồi sai biểu gì con cũng làm hết trơn. Nhưng nghĩ tới tô phở bằng cả ký gạo, nấu ra được nồi cơm cả nhà ăn nên dành nuốt nước miếng cái ực xong. Thầm ước một ngày nhà mình giàu thiệt giàu như con Vi, con O, hay mai sau đi làm kiếm được
cho nhiều tiền, sẽ mua một chục tô tái sống giò gân ăn cho đã.

Vậy mà giờ kiếm rủng rỉnh đủ tiền thì dì Há nghỉ bán mất tiêu. Với lại tôi ăn nửa tô phở thôi đã sợ mập ù, lật đật lo chạy bộ giảm cân thấy mồ. Nên ước mơ “chục tổ” ngày xưa mãi chỉ là mơ ước.

Buồn ghê!

Chúng tôi men theo mấy con dốc thoai thoải để tới nhà hàng. Hai bên đường, các quán cà phê cùng nhà hàng bán đủ loại thức ăn, tiệm hoa, quầy xà phòng đã mở cửa. Thấy chúng tôi đi qua, mấy ông bà già Đức giơ tay vẫy chào. Lúc này trong tôi, sự ác cảm về nước Đức cũng vơi đi phần nào khi nhìn hoa nở khắp nơi giữa âm thanh, vị mùi và nghe mấy câu chuyện về lịch sử ở khu phố có ba ngàn năm lịch sử.

Quán toàn khách Tây, chỉ có ba đứa tôi và mấy bạn phục vụ là người Việt. Mùi hồi từ bếp thoang thoảng bay ra. Lần đầu tiên trong đời tôi thấy thơm quá trời vì bụng đang đói. Vân với anh Hòa kêu hai tô phở to. Tôi thì không ăn được bánh phở Bắc nên chỉ kêu chén súp tái trong niềm háo hức vô bờ bến. Đĩa giá kèm một cành é quế được bưng ra. Hổng biết ai ăn ai nhịn. Mà thôi, ở châu Âu mà có quế tươi xanh cũng mừng rồi chứ đâu phải giữa lòng Việt Nam mà đòi hỏi.

Tôi muốn té xỉu khi nhìn hai tô phở và chén tái được đặt trên bàn. Không bắp hay sách, chẳng gân hay bò viên, chỉ có mấy miếng tái xắt to chần dần, dày cui thách thức. Tôi nếm thử miếng súp như thói quen trước khi nặn chanh và thêm tương ớt. Thiệt tình luôn biết món Việt ở châu Âu không ngon, nhưng hẹ thế này thì đau lòng quá đỗi.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro