Maastricht bên hai bến sông Meuse

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Xe về tới Maastricht thì đã xế chiều. Từ trên đồi cao, thành phố với trăm ngôi nhà trắng, mái đen nằm trong thung lũng được bao bọc bởi rừng xanh trầm mặc. Maastricht xinh đẹp, chẳng nhiều xe như Brussels láng giềng. Bù lại, khắp mọi ngả đường, nam mặc áo vest, nữ váy ngắn dài, giỏ xách hay cặp táp để phía trước, thong dong trên xe đạp chạy bon bon ra chiều thích thú. Vân bảo dân Hà Lan mê thể thao lắm. Họ lười đi ô tô và xe máy nên nhà nào cũng sắm vài chiếc xe đạp. Đông cũng như hè, có người sáng chiều gần 20km lái xe tới chỗ làm. Hay cuối tuần, vợ chồng đèo con cái, chở ra công viên hít khí trời. Vừa tiết kiệm được khối tiền xăng đắt đỏ ở châu Âu, vừa gìn giữ môi trường kèm vận động. Vì thế mà dân xứ này cao tồng ngồng, một phần do uống sữa bò tươi và biết đạp xe cho chân dài từ bé. Anh Hòa chở tôi đến nhà hàng Trung Quốc đối diện ga ăn tối. Ngày hai buổi sáng chiều, Vân thường đứng đây đợi tàu đi làm rồi chờ chồng chở về như lập trình có sẵn. Ga tỉnh lẻ buồn thiu, như buổi chiều muộn xứ này và mấy con đường ngang dọc. Phải yêu thương dữ lắm, người ta mới rời bỏ phố xá Sài Gòn, với công việc ổn định mấy ngàn đô, để theo người yêu từ thuở tóc xanh, về an phận ở phố thị hắt hiu, vắng lặng. Hai vợ chồng thuê căn hộ ở con phố nhỏ, suốt ngày hổng nghe thấy xe chạy hay tiếng nói của loài người. Yên tĩnh vày cũng hay. Nhưng đối diện hoài, đâm ra trầm cảm mất. Vốn không thích đồ Tàu, trừ dimsum, nên nhìn đĩa thịt vịt quay Bắc Kinh và mở rau xào toàn dầu với ớt sa tế kèm cơm khô rang là muốn đứng dậy đi ra, nhưng phải ráng ăn hết để bạn vui. Ước gì lúc này có tô mì Miliket hai tôm, tôi sẽ húp nước đã đời trong niềm sướng vui vô bờ bến. Tối rồi. Phải ra đường thôi. Không thể ở nhà mở ti vi, khi mà cả phố phường Maastricht và đất nước Hà Lan đang cuồng lên bởi đứa con cưng chuẩn bị thi đấu với Costa Rica, giành vé vào bán kết. Lâu lắm rồi, người Hà Lan mới có cơ hội sống trong không khí bóng đá cháy bỏng. Họ muốn cơn lốc màu da cam biến thành bão dữ, càn quét mọi chướng ngại vật, đánh bại bất kỳ đội nào, từ Đức, Argentina hay gã khổng lồ Brazil, để lên ngôi vô địch. Hà Lan giờ có thể không như xưa, thời của ngài Johan Cruyff hai làn đưa cơn lốc lên vị trí á quân, hay bộ ba huyền thoại Van Basten, Ruud Gullit và Frank Rijkaard làm mưa làm gió trong màu áo sọc đỏ đen của AC Milan – đội bóng yêu thích nhất của tôi và đưa Hà Lan lên ngôi cao nhất châu Âu vào năm 1988. Ngẫm ra tôi vô cùng may mắn. Được hòa vào không khí tưng bừng như ngày hội bốn năm một lần trên đất nước này. Tất nhiên, dù láng giềng với nhau, mọi người cũng hả hê vì Bỉ vừa bị Argentina loại. Trời đang ấm, mắc chi phải trốn trong phòng nên trận đấu chưa bắt đầu mà quán xá trong nội ô lẫn hai bên sông đều đông kín khách. Người Hà Lan coi đá bóng phải kèm rượu bia. Nhớ lại ly bia cả lít chiều nay làm tôi nhợn cả giọng. Thiệt tình vẫn chưa tỉnh hồn sau khi tống cả đống cồn vào bụng. Nhưng phải uống thôi. Đâu thể thua kém chàng trai, cô gái hay các cụ ông cụ bà ngồi bên cạnh đang nốc bia và say mê với từng đường bóng. 45 phút trôi qua, mặc cho tiếng thét la, bực bội khản cả giọng, tỷ số vẫn lạnh lùng o – o trên màn ti vi bự tổ chảng. Chắc vì thế mà người Mỹ thực dụng không thích bóng đá cho lắm. Với họ là phải có thắng thua, không được hòa. Kiểu như bóng rổ hay bóng bầu dục, tỷ số luôn thay đổi từng phút, từng giây mới hào hứng. Tranh thủ 15 phút giải lao, anh Hòa rủ vô phố cổ cho đông. Mà đúng là vui thật. Mấy cô cậu thanh niên Hà Lan cao như cây sào cầm cờ đi dọc phố phường, bàn tán về bóng đá bằng ngôn ngữ tôi hỏng hiểu gì. Nhưng kệ, thấy họ vui là mình vui lây rồi. Cả ba chui vô quán bar khác, tiếp tục kêu bia và xem hiệp hai trận đấu.

45 phút nữa hết vèo mà tỷ số vẫn là o − o. Thêm 30 phút của hai hiệp phụ, con số 0 − o vẫn thủy chung hiện trên màn hình. Penalty shootout! Đá luân lưu là thứ mà tôi ghét nhất trên đời bởi đã vỡ cả tim khi huyền thoại có mái tóc đuôi ngựa thần thánh Roberto Baggio sút bóng bay lên trời trong trận chung kết World Cup 1994, dâng cúp vàng cho Brazil may mắn. (Nhưng cũng chính 12 năm sau ở World Cup 2006, cũng từ loạt luân lưu ấy, Fabio Grosso, bằng cái chân ốm nhom của mình, đã xé lưới đội tuyển Pháp trong trận cầu đầy căng thẳng với cú húc đầu của Zidane vào ngực Materazzi, đưa đội tuyển thiên thanh lên ngôi cao nhất). Tim tôi như muốn rớt ra khỏi lồng ngực. Gương mặt anh Hòa với Vân cũng căng thẳng tột cùng. Chung quanh, người nào người nấy ngửa mặt lên trời, chắp tay khẩn cầu. Nhân viên phục vụ cũng chẳng thèm rót bia hay bán cocktail. Tất cả dồn mắt lên màn hình như trời trồng vậy.

1 – 0. Costa Rica sút trước.
1 − 1. Van Persie đẹp trai cân bằng liền.
1 – 1. Tỷ số vẫn giữ nguyên khi Tim Krul chặn được cú sút của cầu thủ Costa Rica.
1 – 2. Không khó để Robben đưa Hà Lan lèn dẫn trước.
2 − 2. Tỷ số lại về mức cân bằng.
2 – 3. Sneijder lạnh lùng đưa bóng vào lưới.
3 – 3. Lại đều nhau.
4 – 3. Kuyt đá bóng như đại bác.

Không vô! Không vô! Ba đứa đồng thanh kêu to muốn bể làng. Chỉ cần chặn được cú này, không cần đá quả tiếp theo, đội tuyển Hà Lan sẽ đường hoàng vào bán kết. Tim Krul đổ người đón hướng bóng như lập trình sẵn. Mấy mươi người trong quán bar thét lên điên loạn. Chúng tôi nhảy cẫng lên ôm chầm nhau mừng muốn khóc. Chúa đã quay lưng lại với đội tuyển Costa Rica, không giúp họ chiến thắng trong loạt luân lưu như trận hôm trước với Hy Lạp nữa. Đêm nay, Ngài thuộc về người Hà Lan dũng mãnh. Cả bọn ùa ra ngoài (tất nhiên sau khi tính xong tiền). Hơn 120 ngàn dân Maastricht đổ hết ra đường, cầm cờ, băng rôn thét gào, chạy nhảy như điên trong niềm vui sướng vô bờ bến. Dân ở đây chẳng ham xe máy, chứ không chắc cũng đi bão như ở Sài Gòn hay Hà Nội, mỗi khi đội tuyển Việt Nam thắng Thái Lan hay Indonesia để vào bán kết hay lên ngôi vô địch. Chẳng thấy cảnh sát nào làm nhiệm vụ. Họ biết khi thắng người ta sẽ không nổi khùng đập phá. Chứ thua, chắc cầm súng đầy đường quá.

Ba đứa về tới nhà thì đã quá khuya. Cảm giác trên mây sau cú sút dũng mãnh của Kyut và cú đổ người chặn bóng thần sầu của Tim Krul vẫn chưa biến mất. Trận bán kết sắp tới tôi sẽ ủng hộ ai?

Tất nhiên là quay lưng với Hà Lan và chuyển qua Argentina rồi. Nhưng tôi phải giả lả thảo mai, giấu kín chuyện này, chứ Vân mà biết được, tôi chắc sẽ ăn ngay một trận chửi. Phía kệ sách, Nỗi buồn rực rỡ của tôi với gã đàn ông cô đơn ngồi ở Bean chơ vơ cùng với mớ tài liệu khác. Tôi lật sách, đọc lại con chữ thân yêu của mình, ở thời điểm mới chập chững vào nghề viết lách. Đi qua những bình yên hoa cúc, bài viết tôi dành tặng cho Vân vẫn bỏng cháy từng lời. Ước mơ ngày xưa hai đứa sẻ chia ở sân ga chiều cuối năm và trong mấy lá thư tay gửi cho nhau không còn hiện hữu. Mỗi đứa giờ có một mục tiêu của cuộc đời để theo đuổi. Nhưng quan trọng là sau ngần ấy thời gian hai đứa vẫn là bạn và có cơ hội gặp lại nhau giữa đất khách xa xôi. Tôi nhắm mắt, mơ màng. Giữa hè mà trời chẳng nóng tí nào. Kiểu này tiết kiệm tiền điện chắc nhiều, dồn hết cho mùa đông xài máy sưởi. Ngoài cửa sổ, lũ côn trùng đêm tối vẫn chưa an giấc. Chúng cất giọng nỉ non hát ca bản nhạc không rõ lời. Nó du dương và trầm ấm, như lời ru ngọt ngào thuở má hát, ru tôi vào giấc ngủ bình yên. Sáng chủ nhật nắng đẹp chan hòa. Chẳng có lý do gì để co ro trong chăn êm nệm ấm dù đem qua đã thức rất khuya. Phải dậy thôi để thăm thú phố xá ngoài kia nữa chứ. Vẫn dậy sớm chuẩn bị bữa sáng. Chẳng có gì ngoài bít tết kèm trứng với rau và đậu. Tài ở đây hơi ngắn, chứ không bày ra đúc bánh xèo ăn.

Nghe hai tiếng bánh xèo, cái bụng tôi bắt đầu đánh lô tô, nhất là buổi sáng trời lành lạnh như vầy ăn đã gì bằng. Máy ngày lang thang rồi còn gì, không nhắc thì thôi, gợi làm chi để bụng thèm món ăn quen thuộc. Tuy là thành phố nhỏ, chỉ hơn 120 ngàn dân, nhưng nó luôn được cả thế giới nhắc đến nhờ Đại học Maastricht, thu hút đông đảo sinh viên khắp nơi học tập và nghiên cứu. Không nổi bật như hệ thống kênh đào dọc ngang của Amsterdam, sầm uất và tươi trẻ như Rotterdam, hay cổ kính, uy quyền như Hague, hoặc được coi là trái tim của Hà Lan Utrecht, Maastricht được biết nhờ bề dày lịch sử, văn hóa từ thời La Mã cổ đại, dưới triều đại của Caesar anh hùng, được phát triển sầm uất hơn suốt giai đoạn Trung cổ đầy rẫy chiến tranh. Maastricht bị dòng Meuse (dân bản địa gọi là Maas) chia làm hai nửa. Sông bắt nguồn từ Pháp, chảy qua Bỉ, đến Hà Lan rồi đổ dồn ra biển Bắc. Nhưng tuyệt nhiên, ở đây không thấy bất kỳ sự chia cắt nào. Bên này tươi trẻ, đông vui, qua bên kia con sông, phố cổ ưu tư, lắm sắc màu nhờ những quán cà phê ven bờ lộng lẫy. Hai nửa Maastricht làm nên một khu phố an lành, quyến rũ du khách bởi hành trình lịch sử cùng sự đa dạng của văn hóa Tây Âu. The International Meuse Route là hành trình bằng xe đạp bốn ngày chạy dọc bờ sông rất nổi tiếng. Bắt đầu từ Maastricht, qua thung lũng sông Meuse, ngang những lâu đài cổ kính, làng xóm an bình của Hà Lan, Bỉ và Pháp, cuối cùng dừng lại ở thị trấn Sedan của Pháp, có tòa lâu đài lớn nhất châu Âu. Vân nói tôi khi nào có dịp qua đây lâu lâu, tụi mình sẽ đăng ký đi cho đã. Mà ít nhất phải ba năm nữa cơ, chờ sanh xong mới chở nàng ấy đi cùng, chứ giờ là bó tay chịu trận. Cũng như các thị trấn, thành phố đậm chất châu Âu khác, có ba thứ bạn phải đến thăm khi đặt chân đến Maastricht: Quảng trường, tòa thị chính và nhà thờ. Không cần phải đi đâu xa, ba kiến trúc này thường nằm chung một chỗ. Đơn giản từ thuở xa xưa mới thành lập, đó là nơi để dân chúng tụ tập ăn mừng lễ hội, dâng lòng thành lên Chúa và để đi qua nỗi buồn mất mát của phố phường. Từ nhà Vân, chúng tôi đi bộ trên vỉa hè lát đá, dọc theo mấy cửa hàng bán hoa khô lẫn tươi, xà bông hay môi giới địa ốc, băng qua cầu Sint-Servaasbrug được xây dựng từ thế kỷ 13 bắc qua Meuse để vào lòng phố cổ. Maastricht ngập sắc da cam sau chiến thắng vang dội của đội tuyển đêm qua, mấy ông chủ cũng tranh thủ nhập áo quần, mũ nón, cờ xí về bán cho trận kế tiếp. Không khó để tìm thấy nét trầm tư hiện ra ở Maasstricht. Tù Het Vrijthof - quảng trường rộng thênh thang như câu chuyện cổ tích bạn thường đọc trong sách, tới Vương Cung Thánh Đường St. Servatius, nhà thờ cổ nhất Hà Lan với viện bảo tàng The Treasures of St. Servaaskerk trưng bày những bức tranh, tượng đài từ thời La Mã và hầm mộ thánh Servatius qua đời năm 384. Cách đó không xa, nhà thờ của thánh John, nhà thờ Đức Bà uy nghi trong nắng mai. Nhìn hai tháp chuông nhà thờ Đức Bà Maastricht, mà ngỡ mình đang đứng trên phố xá Sài Gòn, nghe tiếng chuông ngân giữa ngày mới bắt đầu với ly cà phê sữa đá. Chúng tôi chọn một quán cà phê ven sông thư giãn. Không cần điều hòa, cũng chẳng nhạc nhẽo điếc tai, phần lớn khách lớn tuổi, tóc bạc trắng phau, ăn mặc sắc màu, trang điểm cẩn thận, ngồi bên mấy chậu hoa đỏ hồng, đôi khi bạn sẽ nhầm hoa với màu áo. Họ thơ thẩn nói chuyện thì thầm, cười tươi, thưởng thức vị mùi của cà phê, ăn bánh ngọt. Người Hà Lan rất biết lo và chăm sóc cho bản thân. Họ biết tích góp từ trẻ. Luôn cẩn thận trong việc chi tiêu. Về già thong dong sống khỏe với số tiền dành dụm và đi du lịch khắp nơi. Ở đây chế độ an sinh cực tốt nên chẳng lo nghĩ gì nhiều. Sáng sớm bất kể ngày nào trong tuần, cứ đạp xe ra cà phê ngồi với bạn bè, thong dong không vướng bận. Đó không phải là đích đến của mỗi người chúng ta? Tuổi trẻ vừa làm lụng, vui chơi, tiết kiệm để dành, về già an dưỡng. Kể ra dân Hà Lan và rất nhiều người phương Tây, không bao giờ muốn lụy phiền, hay dính dáng gì tới con cháu. Chẳng bù cho người Việt Nam, đặc biệt là phụ nữ, cả đời quần quật làm lụng nuôi con, chăm sóc gia đình, tới tuổi nghỉ hưu cũng chẳng yên thân, khi con cái luôn miệng nói thương yêu, nhưng đẻ con, quăng cho ông bà giữ. Tôi thấy nhiều trường hợp con cái sống ở Mỹ luôn miệng kêu bảo lãnh ông bà qua đây hưởng thụ tuổi già. Mà hưởng thụ nỗi gì khi tiếng Anh tiếng u một chữ cũng không rành. Suốt ngày cứ ở mãi trong nhà. Đã vậy còn phải giữ thêm vài đứa cháu vì xót cả ngàn bạc gửi nhà trẻ. Cả đời nuôi con cực nhọc, về già chẳng được yên, lại tiếp tục bồng ẵm cháu con. Hai vợ chồng dẫn tôi vào hiệu sách Selexyz Dominicanen đẹp nhất thế giới. Nơi này trước kia vốn là nhà thờ của giáo hội Gothic, sau đó các kiến trúc sư đến từ văn phòng Merks+Girod thiết kế thành hiệu sách to đùng. Người ta tận dụng hết tất cả không gian nhỏ hẹp của nhà thờ, xếp thành từng kệ sách thật cao với lối đi tinh tế. Ước gì không có chuyện để làm, tôi có thể ngồi đây cả ngày đọc rồi viết, thả lòng mình giữa khung cảnh thanh bình và hoài cổ, với ly cà phê nóng hổi thơm ngất ngây. Maastricht còn là thành phố của các ngôi chợ. Không khó để thấy chợ Maastricht, Organic Market (chợ đồ hữu cơ) hay Flea Market (chợ trời) sàm uất, chen chúc quán hàng bán đủ loại trái cây, bánh mì, pho mát, xoong nồi, củ quả, hoa trái, xà bông... tràn đầy sức sống. Cả bọn nói hổng mua gì, ghé lại chơi thôi. Mà cuối cùng cũng xách một mớ đồ về cho đúng hai từ “đi chợ".

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro