Gặp lại người xưa ở Brussels

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

"Cho anh một lần được gặp lại em

Đóa cúc dại ngày xưa chắc giờ đã đóng băng trên đường ray thương nhớÁnh mắt buồn chắc đã hằn thêm những tủn mủn tằn mằn lo sợQuyến luyến năm nào theo gió lẻn vào mơ...(HP)

Sáng hôm sau, mới năm giờ, tôi đã dậy sớm khi Khanh với Thương đang ngủ, để bắt taxi ra chỗ buýt, chạy lên Heathrow rồi bay tới Brussels. Thắng mắt nhắm mắt mở tiễn tôi xuống dưới đường cho tròn nghĩa vụ. Mới đứng một chút mà sương đã rớt xuống ướt đẫm mái tóc. Lũ chim sẻ đã ríu rít gọi bầy từ sáng sớm. Hai đứa ôm nhau tạm biệt rồi hẹn ngày gặp lại. Không biết sẽ gặp lại ở London thương nhớ, Oxford yên bình hay giữa Sài Gòn rộn rã cách đó 12 giờ bay. Tôi bảo Thắng "tiễn tới đây được rồi, vô ngủ tiếp đi, để tí nữa còn tí tởn đi chơi tiếp".

Còn 10 phút nữa xe chạy mà trạm đã kín người. Coi bộ bà con cũng tranh thủ chuyến sớm nhất lên London để đi khắp cùng quả đất. Tôi đưa vé cho tài xế, xếp hàng lên xe. Phía trước mặt có ông cụ, bằng chất giọng Anh nhà quê, cứ lèm nhèm không ngơi nghỉ. Mà thiệt tình tôi cũng chẳng hiểu ổng nói gì vì giọng khó nghe quá. Khổ tâm, tôi với ổng ngồi cùng hàng ghế mới chết. Mà thôi, phải nhường nhịn người già, cứ để mặc ổng nói vậy. Xe chạy chắc sẽ ngừng. Nào ngờ, xe lăn bánh đã cả đoạn dài mà ổng cũng hông chịu im lặng cho tôi nhờ. Quay xuống, quay lên, chật như nêm. Thế là đành chịu trận. Tôi lấy điện thoại ra, gắn headphone, mở cải lương hết cỡ nhưng giọng nói chầm chậm, từ từ của ổng vẫn không ngừng bám đuổi suốt cả chuyến đi.

Vừa tới Heathrow, từ hàng ghế thứ tư, tôi là đứa đầu tiên nhào xuống, đi vô cái lèo tới quầy Lufthansa để in thẻ lên máy bay, chạy thẳng vô cổng cứ như sắp trễ giờ bay vậy. Tôi lên máy bay sớm. Ghế lối đi nên dễ bề xoay trở dù chuyến bay chưa tới hai tiếng đồng hồ. Đang lơ mơ dán mắt vô điện thoại, tôi nghe giọng càm ràm quen quá là quen. Ngước mặt lên. Lạy hồn. Người đàn ông ấy xuất hiện trước mặt, như nợ duyên từ muôn kiếp trước. Đã vậy còn khều khều, kêu tôi đứng dậy để ổng vô bên trong, ngay cửa sổ ngồi. Chuyện gì đang diễn ra thế này? Có phải mình đang lâm vào cảnh ghét của nào trời trao của đấy? Sao mà giống mấy truyện ngắn hay bộ phim ngôn tình sến rũ, có chàng trai đẹp với cô gái thiệt xinh (hay hai chàng trai, hai cô gái cùng hệ) gặp nhau trên xe buýt, trong tàu điện ngầm, ngồi cùng chuyến bay. Õng ẹo, liếc qua nhìn lại một hồi rồi nảy sinh tình cảm, nắm tay, hôn hít, yêu nhau. Có cặp còn cưới nhau sinh con đàn cháu đống. Phim ảnh đúng là tưởng tượng. Chẳng có cô gái hay chàng trai đẹp xinh gì đấy xuất hiện cho tôi nhờ. Chỉ có một ông già khú đế ngồi chung hàng và nói nhiều muốn nổ não.Hú hồn, trời vẫn thương xót loài người. Chuyến bay còn quá trời ghế trống. Tôi hỏi tiếp viên có thể đổi chỗ được chăng? Không cần hỏi nguyên nhân, cổ gật đầu liền. Thế là tôi thoát nạn.

Trước khi đặt vé, tôi hỏi Hải Vân giữa Dusseldorf và Brussels nên ghé sân bay nào. Vân nói chỗ nào cũng gần nhà, tùy Tài thôi. Thế là tôi chọn ngay Brussels, trái tim của châu Âu già cỗi. Một phần Bỉ là quê hương của họa sĩ Peyo (tên thật là Pierre Culliford), người đã vẽ mấy chú Xì Trum tí hon vui tính. Và đây cũng là nơi sinh của họa sĩ, nhà văn Hergé (Georges Remi), tác giả của Những chuyến phiêu lưu của Tintin, chàng trai có chỏm tóc củ hành và chú chó Snowy, đã quyến rũ hàng triệu trẻ em lẫn người già trên quả đất.

Chẳng khó để nhận ra Hải Vân đang cùng với chồng đứng ở cổng đón. Hai năm không gặp từ sau buổi ra mắt Nỗi buồn rực rỡ giữa Sài Gòn, Vân cắt tóc ngắn, béo hơn vì đang mang bầu ở tháng thứ năm nhưng đôi mắt và nụ cười không bao giờ thay đổi. Giữa sân bay Brussels rộng thênh thang, ngỡ như thấy chung quanh đang mọc lên rừng hoa cúc vàng của ngày Vân cùng bạn bè từ phố biển ra Ninh Hòa thăm viếng. 18 tuổi, giữa sân ga chiều cuối năm, tôi hái tặng Vân một đóa cúc dại. Rung động đầu đời của cậu học sinh phố huyện khổ nghèo, co ro lạnh giữa gió biển Nha Trang khi không có đủ tiền mua cho mình tấm áo ấm và cô nữ sinh nhà giàu với khuôn mặt đẹp như một nữ tu mua áo mà không dám đưa giờ chỉ là dĩ vãng mờ xa. Hoa cúc Ninh Hòa mỗi năm vẫn rực rỡ vàng như buổi chiều sân ga hôm ấy. Trang thơ nồng thắm gửi cho nhau năm nào vẫn y nguyên còn giữ. Tôi giờ ở Mỹ, Vân theo chồng sang tận Hà Lan. Mừng mừng, tủi tủi gặp nhau giữa châu Âu xa xôi, có kiềm lòng đến thế nào, cũng không khỏi rưng rưng trong dạ.

Vân không thay đổi gì nhiều so với hồi trẻ, nhưng anh Hòa thì khác quá trời. Chàng lãng tử bẽn lẽn cao 1,8m, tóc bồng bềnh thi sĩ, giờ nói nhiều không tưởng. Đã vậy tóc rụng sạch trơn. Anh bảo do làm phòng lab thử nghiệm hóa chất quá trời nên vậy đó chứ không phải stress như người ở Mỹ đâu nha.

Trời còn sớm. Đủ để cả ba dạo một vòng thủ đô xứ Bỉ rồi về lại bên phía Hà Lan. Sau Thế chiến thứ II, Brussels là trung tâm chính trị của châu Âu. Nhiều tổ chức quốc tế đặt bản doanh ở đây như NATO, Hội đồng liên hiệp châu Âu, văn phòng chủ tịch EU. Các buổi họp cấp cao của châu lục luôn diễn ra tại thủ đô nước Bỉ. Brussels được xây dựng chủ yếu vào cuối thế kỷ 17, sau khi bị người Pháp đánh bom tàn khốc và thiêu trụi gần nửa thành phố. Đây còn là thành phố "diversity" (đa văn hóa), nhiều màu da nhất châu Âu. Trên khắp các ngả đường lớn nhỏ hay con hẻm lát đá hoa cương, dễ dàng nhận thấy nhiều sắc dân đang bán buôn, mua sắm lẫn đi tới đi lui vô sự. Bỉ là nơi có hệ thống an sinh xã hội cực kỳ tốt. Nên hầu như dân nhập cư đều muốn tới để được trợ cấp sống an nhàn, phè phỡn. Phần lớn người da màu có nguồn gốc từ Congo và Rwanda, thuộc địa cũ của Bỉ. Trong suốt năm tháng lên ngôi của chủ nghĩa thực dân, Bỉ là đất nước nổi tiếng bởi sự tàn ác. Không khó để tìm hình ảnh hay các thước phim lính Bỉ chặt đầu nô lệ châu Phi gắn lên cột còn đầy trên internet.

Hai vợ chồng Vân chở tôi len lỏi đi tìm chỗ đậu xe. Ngoài đường lớn không có. Trong hẻm cũng chẳng còn chỗ nào. Trận bóng World Cup giữa Bỉ và Argentina sắp diễn ra, nên đông nghẹt người. Mấy ban công quán bia đầy cổ động viên say xỉn đứng hét la phấn khích. Lòng vòng một hồi mới nhét chiếc xe nhỏ xíu của anh Hòa vô trong con hẻm đầy graffiti, hình Xì Trum và Tintin nổi tiếng trên tường nhà. Ôi ký ức lại hiện về. Thân quen biết là bao. Có ai ngờ một ngày nào đó mình lại được đặt chân đến quê hương của nhân vật truyện tranh yêu thích.

Trước mặt tôi, trong công viên Heysel, quả cầu nguyên tử Atomium do Andre Waterkeyn thiết kế cao 102m, xây từ năm 1958 để chào đón hội chợ quốc tế Brussels (Expo'58) hiện ra sừng sững. Nếu như Pháp tự hào có Eiffel chọc thẳng lên trời, người Anh kiêu hãnh vì có Big Ben, New York luôn bảo mình là quê hương của Nữ thần Tự Do, thì với người Bỉ, Atomium được coi là biểu tượng, linh hồn của đất nước. Atomium được thiết kế hiện đại với khối hình cầu có đường kính 18m, gồm chín quả cầu bạc lơ lửng trên không, mô phỏng cấu trúc một phân tử sắt được phóng đại lên 165 tỷ lần. Bên trong quả cầu là phòng triển lãm và nhà hàng. Vân bảo: "Nếu đến đây vào buổi tối, Tài sẽ được thưởng thức chín quả cầu giao hoán vị trí giống như sự di chuyển của các nguyên tử trong ánh đèn màu đẹp khôn tả". Chúng tôi chầm chậm bước trên con đường lát gạch, giữa biển người địa phương và hàng ngàn du khách để đi đến trung tâm. Vân chỉ vô mấy hàng quán bên đường bán thức ăn Thổ Nhĩ Kỳ, Tây Ban Nha, Nhật, Tàu và món Moule Mariniere, đặc sản ốc nổi tiếng của Bỉ. Anh Hòa hỏi tôi có đói thì ghé vô ăn. Đang nôn nao đi khám phá Brussels, chưa thấy đói bụng tí nào hết.

Từ con hẻm nhỏ bên ngoài, bạn như con ếch ngồi đáy giếng nhìn bầu trời bên trên rồi tưởng mình vĩ đại, thì một bước chân thôi, Grand Place với diện tích 20 ha, xây vào thế kỷ 11, được đại văn hào Victor Hugo ca tụng là "quảng trường đẹp nhất thế giới" như trang sách uy nguy mở ra, rộng không thể nào tưởng tượng. Quảng trường rộng thì ai cũng biết rồi, nhưng to như thế này, mà lại toàn cung điện, lâu đài, cửa nhà, quán xá nằm lộn xộn trộn lẫn tứ tung, tưởng chẳng ăn nhập gì nhau, nhưng vẻ tráng lệ là thứ mà người ta phải trầm trồ khen ngợi. Tòa thị chính Brussels không nằm giữa trung tâm quảng trường mà lệch một bên, có tuổi đời hơn 600 năm. King's House chưa một vị vua nào vào ở vẫn được gọi là cung điện của hoàng đế. Khách sạn Thiên Nga Trắng nằm ở phía Đông quảng trường thu hút nhiều du khách bởi cách đây 150 năm, Karl Marx và Friedrich Engels từng ở đây trong suốt ba năm (1845 – 1848) để hoàn thành công trình Tuyên ngôn Đảng Cộng sản nổi tiếng toàn thế giới.

Chúng tôi rẽ trái, đi vào một con hẻm đông người. Những cửa hàng bán chocolate, đặc sản của xứ Bỉ, đầy vẻ gọi mời. Mùi bánh nướng thơm lừng bay lên mũi. Waffle, thứ bánh kẹp gần giống như bánh tổ ong ở miền Trung, Việt Nam hay mấy chị nướng trong khuôn, treo lủng lẳng trên hai đầu gánh, bán 30 ngàn một bịch giữa Sài Gòn, đang được bày bán đông vui. Ăn không? Phải ăn chứ, để coi waffle ở nơi xuất xứ, có giống waffle trong bữa sáng ở khách sạn tại Mỹ luôn làm tôi ớn lòi họng. Mà xíu nữa đi. Mình phải đi thăm "Công dân số một", Manneken Pis, "Chú bé đứng tiểu" ngay đó.

Bức tượng bằng đồng cao 60cm (tượng gốc bằng đá sau nhiều lần bị quân xâm lược và bọn trộm cướp đi, đã được mang về cất trong bảo tàng), được đặt trên đài đá hoa cương 20m, bao quanh bằng hàng rào nhỏ, với mái tóc xoăn và chiếc mũi hếch, hút hồn du khách. Gần 400 năm qua, nhiều huyền thoại về chú bé này được lan truyền khắp thế giới. Có chuyện mang hướng siêu thực về cậu bé đi ngang qua nhà mụ phù thủy độc ác, mắc tiểu quá nên vạch quần đứng tè một cách ngon lành. Mụ ta tức giận hóa phép biến chú thành bức tượng. Hay chuyện cặp vợ chồng quý tộc đi vũ hội để lạc mất con. Cả hai vội vàng huy động kiếm tìm và may mắn tìm thấy cậu bé đang đi tiểu trong một khu vườn nhỏ. Trong nỗi mừng vui khôn xiết, họ bỏ tiền ra xây bức tượng ngay khu vườn. Cũng có truyền thuyết mang hơi hướng hùng ca, vào thế kỷ 14, Brussels bị ngoại bang xâm lược. Quân thù đặt chất nổ tại bức tường bao quanh. Một cậu bé tên Julianske đã đi tiểu vào dây dẫn và nhờ đó cứu được cả thành phố.

Đang mùa World Cup, nên cậu bé hổng ở truồng mà mặc bộ đồng phục của đội tuyển Bỉ, nhưng "cậu nhỏ" vẫn thò ra xi thành dòng bên dưới, nhìn mắc cười và đáng yêu ghê.

Vân mua hai cái waffle. Hai vợ chồng một cái, tôi một cái. Thơm thì có thơm, nhưng người ta trét lên nào là kem rồi bơ, mật ong, dâu, đào... thành một đĩa thiệt to, hổ lốn. Tôi cắn tới miếng thứ ba là ngán tới tận óc vì mớ "phụ kiện" ngọt lịm, béo ngậy bên trên. Tự nhiên lại thèm vị béo của dừa, ngòn ngọt của đường và thơm lừng của bột năng trộn mì từ mấy cái bánh ổ ong ở Ninh Hòa xa tít tắp. 

Chiều chầm chậm rơi, nhưng không khí chung quanh ngày càng nóng dần lên bởi trận đấu bóng đá bắt đầu diễn ra sôi nổi. Các quán bia chung quanh không còn chỗ trống. Hết chỗ ngồi, thiên hạ lố nhố đứng cả trên hành lang, vỉa hè, tràn ra lòng đường, mắt dán lên màn hình ti vi lớn nhỏ. Thiệt là may, ba đứa tìm được quán bia ngay trên Quảng trường Lớn còn trống đúng ba ghế. Anh Hòa kêu hai ly bia, móc túi trả tiền. Tôi bảo để tôi mời cho, nhưng Vân liếc một cái bén ngọt kiểu để yên đi cho hai vợ chồng chúng tôi tính nhé. "Bộ bia mắc lắm hay sao mà anh đưa tới 100 euro? Biết vậy uống nước lạnh cho rồi". Anh thầm thì vô tai: "Phải trả tiền "thế chân" cho hai cái ly". Tại quán ở đây đều thiết kế một kiểu ly riêng, mang đặc trưng để hút khách. Mà nhiều người tới uống rồi... cầm đi luôn để về làm kỷ niệm. Nên họ mới làm thế để giảm thiểu tối đa sự mất cắp. Đúng là chiêu hay, tôi gật gù thưởng lãm.

Giữa quảng trường, cổ động viên Bỉ trong áo đỏ, vàng, đen, tóc nhuộm màu quốc kỳ, cầm trống, cờ, thanh la, vừa gõ vừa hét la cổ vũ mỗi khi chàng tiền vệ tạo tóc xù Marouane Fellaini, đứa con cưng của Bỉ, đang chơi cho Manchester United, có bóng. Mỗi lần Messi với đôi chân ma thuật làm xiếc đi qua những hậu vệ khổng lồ xứ Bỉ, thiệt tình tôi muốn la bể làng nhưng nghĩ làm sao át được tiếng thét gào như sấm lẫn tiếng trống chiêng rầm trời kia.

Tôi muốn té xỉu khi anh phục vụ chân dài, râu quai nón, đẹp như diễn viên Hollywood bưng hai ly bia ra, hé miệng tươi cười. Không phải vì nhan sắc của anh, mà tôi đang lo làm cách nào uống hết cái ly bia tươi một lít kia mà bụng không to và tăng thêm ký. Tôi biết dân châu Âu và Bỉ rất bợm nhậu. Một ly thế này không bõ bèn gì. Nhưng lần đầu chứng kiến, tôi muốn đổ mồ hôi hột.

Vàoooooooooooooooooo!

Higuain ghi bàn ngay phút thứ tám. Tôi lấy tay bụm miệng mình rồi gục đầu xuống để giấu đi vẻ sung sướng và ngăn chặn tiếng la đang muốn thoát ra khỏi họng. Vân kề tai tôi nói nhỏ: "May mà Tài kịp giấu, chứ không họ đánh cho bờm đầu. Dân châu Âu coi bóng đá như máu thịt của mình. Tối về Maastricht, tụi mình ra phố cổ coi trận gặp Costa Rica, sẽ thấy người Hà Lan mê bóng đá khủng khiếp như thế nào, vì ít ra, họ cũng có thành tích ấn tượng hơn đội Bỉ".*Xe rời trung tâm Brussels. Anh Hòa ghé trạm đổ xăng đầy bình. Hai nước cạnh nhau, biên giới hầu như vô hình, nhưng xăng bên này luôn rẻ hơn Hà Lan gần cả euro một lít. Bữa nào cũng có cả đoàn xe biển Hà Lan rồng rắn xếp hàng ở mấy cây xăng bên này, tiết kiệm vài đồng bạc lẻ.Nhà cửa cao tầng và dòng người chen chúc bị bỏ lại phía sau. Đang mê say với đồng lúa mát xanh vô tận trải dài, thì tấm bảng "Waterloo" xuất hiện trước mắt. Trong đầu tôi, giai điệu của ABBA từ chiếc loa thùng trong quán cà phê trước nhà bỗng hiện về nhảy múa.

At Waterloo, Napoleon did surrenderOh yeahAnd I have met my destiny in quite a similar wayThe history book on the shelfIs always repeating itself.

Ngay tại nơi này, 200 năm trước, đã diễn ra trận Waterloo ác liệt. Đó là trận chiến cuối cùng kết thúc sự thống trị của hoàng đế nước Pháp vĩ đại Napoleon.

Sau khi bị danh tướng huyền thoại Mikhail Kutuzov đánh bại, tàn quân của Napoleon phải tháo chạy trong cánh rừng nước Nga băng giá, lạnh thấu xương mà không có gì lót dạ. Napoleon bị đày đến đảo Elba trên Địa Trung Hải. Đầu năm 1815, ông trốn về Pháp để thiết lập chế độ mới. Nhờ uy tín vẫn còn rất cao và sức hút mãnh liệt, ngài đã tập hợp được lực lượng khổng lồ để tiếp tục mở rộng biên giới và chinh phục các vùng đất khác. Ngày 18-6-2015, Napoleon dẫn 72 ngàn quân chống lại đội quân của công tước xứ Wellington đang đóng tại vị trí vững chắc gần làng Waterloo. Sau nhiều cuộc tấn công liên tục, Napoleon không thể phá vỡ thế trận, đưa quân tiến tới trung tâm của lực lượng đồng minh. Đã vậy, quân Phổ đang kéo tới và gây sức ép lên sườn phía Đông. Khi hoàng hôn buông xuống, quân Pháp dần bị đẩy lùi. Kỵ binh liên quân truy đuổi đến tận nửa đêm. Gần 40 ngàn người chết, bị thương và mất tích cùng chín ngàn tù binh bị bắt giữ. Tham vọng bá chủ châu Âu của Napoleon bị chôn vùi tại Waterloo. Napoleon thoái vị, nhường ngôi cho con trai mình, bị lưu đày đến Saint Helena, một hòn đảo hoang vu trên Đại Tây Dương và sống ở đó sáu năm cho tới khi qua đời vì bạo bệnh.

Tôi bước ra khỏi xe, đứng bên vệ đường, vẩn vơ nhìn chung quanh giữa chiều nắng nhạt. 200 năm qua, thế giới trải qua thêm bao cuộc chiến tranh đẫm máu, Waterloo luôn là trang sử của lòng tham, quyền lực và bi thương không kể hết nên lời. Giấc mộng vĩ cuồng của Napoleon bị dập vùi trong giông tố, bão bùng, bùn đất, sình lầy của Bỉ. Sách vở, cuộc đời, bao thế hệ sau này vẫn nhớ đến Napoleon nhưng nhân loại chẳng bao giờ tha thứ. Không một thành phố, đại lộ, con đường mang tên vị hoàng đế kiêu hùng ấy. 20 năm lãnh đạo đoàn quân tang tóc, Napoleon làm chết sáu triệu người và để lại hơn 10 triệu người thương tích khắp địa cầu.

Văng vẳng đâu đó trên cành cây, ngọn cỏ lẫn hàng vạn ngôi mồ giờ thành đất bằng màu mỡ, tiếng rên la hay hấp hối của người lính năm xưa vẫn còn hiển hiện. Những hồn ma oan khuất luẩn quẩn đâu đó trên đất cát xứ này, để trong đêm mưa gió bão bùng, vẫn hiện ra khóc than như muốn nhắc nhở con người về giấc mộng vĩ cuồng và lòng tham quyền lực của loài người chưa bao giờ biến mất.

Waterloo I was defeated, you won the warWaterloo promise to love you for ever moreWaterloo couldn't escape if I wanted toWaterloo knowing my fate is to be with you
Waterloo - anh đã bị đánh gục, em là người chiến thắng Waterloo - anh hứa sẽ yêu em trọn đời Waterloo - anh không thể trốn thoát dù rất muốn Waterloo - anh biết số mệnh mình sẽ ở mãi bên em.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro