Sếu không bay ngang bầu trời Oxford

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Cho K.

"... Khải thở dài. Tất cả đã hóa xa xăm. Trong anh, ngoài tên, mái tóc dài, đôi mắt nâu và mùi Woods nồng nàn, Khải không có bất cứ thông tin gì về Yên hết. Anh không biết nhà cô ấy ở đâu, số điện thoại bao nhiêu, tấm hình chụp chung, thậm chí facebook, instagram cũng không có nốt. Rồi lúc nghĩ về cô ấy, anh cũng không biết làm sao cho bớt nhớ ngoài việc vẽ lại chân dung Yên ngay trong trí nhớ mình. Nếu cuộc đời là những cơn mơ, thì giấc mơ đêm qua hoàn toàn không có hậu.

Khải dẹp dọn áo quần bỏ vào va li, định tắm rửa và đi dạo một vòng kiếm gì ăn, rồi ra Megabus quay về Hoa Thịnh Đốn. Một mẩu giấy nhỏ, hình như là bảng tên, rơi trên sàn gỗ.

MS. YEN NGUYEN
Associate Professori
Oxford Brookes University

Như bắt được cục vàng do thiên hạ đánh rơi, anh mừng đến nỗi tưởng mình đang ngừng thở. Ngoài kia, nắng tắt. Trời bỗng tối sầm. Thiên hạ lao nhao tìm chỗ trú mưa. Có đàn chim nào tưởng chiều rơi nên bay về tìm tổ ấm. Khải nhìn mẩu giấy, thở dài. Có lẽ giờ này cô ấy đang ngồi ở phi trường, chờ chuyến bay chở mình về Oxford. Mà cũng có thể, ở một nơi nào đó trong thành phố này, Yên đang co ro trong một góc vắng, để trốn chiều về và dõi mắt nhìn đàn chim vỗ cánh bay qua".

Trong truyện ngắn sắp viết, tôi từng nghĩ, sẽ cho Khải bay đến Oxford vào buổi chiều đông tuyết đổ trắng trời, trong cái lạnh se thắt tâm hồn, để tìm cô gái anh vô tình gặp giữa Times Square và đã có một đêm mặn nồng trong men tình thoáng chốc. Chia sẻ với bạn thân, nó bảo nhân vật giống mày quá vậy.

Chuyện! Có gì tốt hơn việc lấy mình làm nhân vật mẫu cho khỏi mất công nhào nặn, vẽ vời? Ngày đó, K. rời bỏ tôi ra đi như cơn gió nhẹ thổi qua, sau vài tuần quen nhau ngắn ngủi. Tôi quen lắm rồi khoảnh khắc lủi thủi lái xe khi mặt trời tìm chạy về với núi. Mấy con đường đi qua vạn ngày, quen mặt, biết tên, như một quán tính không cần bày biểu, cũng đưa tôi về với căn gác lưu đày. Vậy mà nỗi nhớ về K đong đầy như tia nắng ấm trong buổi chiều mưa lạnh. Như ly chè sương sa hột lựu thiếu nước cốt dừa. Tôi hứa sẽ không bao giờ đến Oxford tìm em, dấu rất muốn. Ba mươi rồi, đâu mãi bốc đồng, lãng mạn và cuồng nhiệt như thuở 20.

Vậy mà tôi đã vi phạm lời hứa chắc nịch ấy. Vốn là tác giả "sang chảnh", tôi không bao giờ mượn google làm cảm hứng mà phải tới tận nơi để tìm bối cảnh cho truyện của mình. Vả lại hai đứa đâu còn gì nữa của nhau, ép buộc làm chi cho lòng thêm xót.

Khi buýt về lại London trời đã bắt đầu chạng vạng. Xe dừng lại ở ga Victoria như ban sáng. Chúng tôi có hai tiếng ngơi nghỉ, trước khi tiếp tục về nhà trọ của Thắng ở Oxford. Với mấy đứa sống ảo, 30 phút cũng quý chứ huống hồ chi là hai tiếng. Bọn tôi tay xách nách mang, kéo va li ra Westminster nhộn nhịp.

Trên đường, đói quá, tấp vô quán sushi gần đó. Cuối ngày, thức ăn chẳng thể để lâu nên người ta hạ giá
50%. Thế là mua một nùi sashimi, Californian rolls, thêm ít salad và mấy chén xúp miso húp xì xụp ngon lành. Nghĩ tới mớ bánh mì trưa nay, tự nhiên thấy khát khô cả họng.

Cầu Westminster chưa bao giờ vắng khách, sáng, trưa, chiều, tối gì cũng đông nghẹt người qua lại. Ai đến đây cũng muốn một đôi lần đứng trên cầu nhìn xuống dòng Thames lờ lững.

Nghe chuông Big Ben đổ dồn trong ánh nắng mai lấn chiều, nhìn xe buýt đỏ chậm rãi đi về và cả London Eyes lúc nào cũng đầy người lên xuống.

Từ London về tới Oxford độ tầm 90 phút. Sau tám tiếng đồng hồ trên máy bay, rồi cả ngày ngồi xe lòng vòng tham quan miền quê yên tĩnh, cái lưng và đôi chân tôi muốn gãy ra từng mảnh vụn. Thiệt tình mà nói giờ quăng cho cái nệm, chẳng cần biết nó cứng hay mềm, bẩn thỉu hay thơm tho, không tắm rửa gì ráo, tôi sẽ ngủ một trận đã đời như vừa mới uống một vốc thuốc xong. Xe bỏ lại những con phố London tuyệt đẹp trong ánh điện đường, lao mình về phía trước. Tôi liếc qua Thắng, thấy nó ngủ gà ngủ gật. Qua Khanh với Thương, thấy hai đứa cũng gật lên gật xuống mệt mỏi quá trời. Coi ra mình là đứa tỉnh táo nhất đám này. Nhìn va li và ba lô đồ để trên sàn, tự nhiên tôi nhớ đến hình ảnh của Harry Potter lúc rời bỏ nhà của dì Petunia, sau khi bị dượng Dursley đuổi đi bởi cái tội làm căng phồng bà chị mập ú, khó ưa của dượng. Cũng đêm tối đen như vậy, giữa ánh đèn leo lét, có ánh mắt tinh ranh của quái thú trong rậm chăm chú nhìn. Harry hoảng sợ, vội vã lên chiếc xe phù thủy chở tới để trốn chạy đến Hẻm Xéo và vô tình đọc được bài báo về Sirius Black, gã tù nhân duy nhất trốn thoát bầy giám ngục gớm ghiếc ở nhà tù Azkaban chơi vơi trên hoang đảo.

Cũng từ đêm đó, bí mật về cái chết của bố mẹ Harry chính thức được
phơi bày ra ánh sáng. May mà Thắng kịp tỉnh lúc xe dừng tại trạm chứ không phải đón buýt đi ngược về. Từ ngoài đường chính, cả bọn đi bộ vô một quãng nữa mới tới căn hộ
của Thắng. London rộn ràng bao nhiêu thì Oxford tĩnh lặng bấy nhiêu. Ngoài tiếng bước chân trên lối mòn lát gạch, chỉ có tiếng chó sủa vu vơ vọng lại và lũ cú mèo giờ này chưa an giấc, đứng trên ngọn cây chót vót, dõi đôi mắt sáng ngời nhìn xuống và cất tiếng gọi bầy cảnh báo nhớ canh chừng cẩn thận, có bốn đứa nào khả nghi lắm đang đi lại giữa đêm.

Tôi không biết mình đã ngủ bao lâu trước khi tỉnh giấc vì tiếng lục đục ngoài bếp của Thắng. Chỉ nhớ đêm qua tôi quăng đồ đạc một bên, không tắm rửa thay đồ, kịp đánh răng, rồi nằm dài trên salon ngay phòng khách và ngủ như một đứa bé mới lọt lòng, chẳng nhiều mộng mị. Thường thì mỗi lần đi chơi, không Mỹ đen Mỹ đỏ, không chủ không sếp, không nhân viên quấy rối, cũng chẳng điện thoại hay email, đầu óc tôi thanh thản đến lạ kỳ, nằm xuống là ngáy khò khò. Nhưng thiệt tình mà nói lâu rồi tôi mới có giấc ngủ ngon đến thế.

Thắng hỏi: "Anh uống cà phê hay trà, em pha. Còn hai người kia cứ mặc họ ngủ đi, đừng đánh thức".

Tôi thì quen với hai gói G7 kèm chút cà phê phin mỗi sáng, nên không một sớm một chiều chuyển qua uống trà như Thắng được. Mới qua chưa lâu mà đi thói quen uống trà sáng của người Anh rồi. Sinh viên mà giàu ghê. Đi học có 18 tháng mà mướn nguyên một căn hai phòng ngủ để ở. Bên ngoài cửa sổ, rừng cây xanh lá mộng mơ nô đùa theo gió.

Mấy đám cúc, hồng nhà hàng xóm nở rộ trong nắng mai. Lũ chim chuyền cành đùa giỡn vô tư hót ca ríu rít. Chẳng có tiếng xe cộ hay tiếng hàng xóm nào lọt vô đây. Nếu Thắng không thức dậy pha trà, chắc tôi sẽ ngủ tới trưa mất.

Hai anh em đứa trà, đứa cà phê tâm sự đủ chuyện trên đời, thì hai nàng kia mới dậy, thay đồ, ăn sáng, và chuẩn bị một ngày tham quan thành phố.

Từ nhà Thắng ra đường cái, giữa ban mai, cuộc sống quá đỗi im lìm. Thứ sáu mà chẳng thấy ai lang thang qua lại. Mấy căn nhà bằng gạch san sát nhau, tận dụng tối đa không gian ít ỏi. Phía trước sân, đám hoa tưng bừng khoe sắc và dây leo bám kín cửa nhà.

Tôi tò mò hỏi không ai đi làm sao mà xe vẫn còn để chật cứng ở đây? Thắng nói xứ này xăng mắc như gì, với lại lái xe vô nội ô tốn đủ thứ phí với tiền đậu xe.

Mà nhiều khi có tiền cũng không thể tìm chỗ đậu. Nên ai nấy đều sử dụng phương tiện công cộng, buýt màu đỏ hai tầng. Với lại sẵn tiện thể dục thể thao luôn cho khỏe.

Từ chỗ Thắng không phải đi ngoằn ngoèo đâu xa, ngồi buýt thẳng một đường, là tới ngay trung tâm thành phố.

Nếu như Mỹ có vùng đất học Boston, thì ở Anh có Cambridge và Oxford. Người ta gọi nơi đây là thành phố đại học, chan hòa giữa tòa tháp cổ trong mơ, bảng lảng giữa lớp sương mù, rêu phong bám phủ và cao ốc hiện đại. Trung tâm thành phố là làng đại học với 38 trường (college) và một viện trực thuộc Đại học Oxford, đã đào tạo ra 29 nhà khoa học đoạt giải Nobel, 27 thủ tướng Vương quốc Anh, rất nhiều nguyên thủ và chính trị gia, cùng hàng ngàn học giả nổi tiếng thế giới.

Hiện tại có gần 24 ngàn sinh viên khắp nơi đang học tập và nghiên cứu. Cứ đi vài bước là thấy một bảng đề tên trường trước ngôi nhà bằng đá trăm năm được gió mưa lướt qua, nhuộm lên màu nâu vàng bắt mắt. Thích nhất là ngắm ô cửa sổ thấp lè tè, chỉ cần kiễng chân là có thể nhìn vào trong, để vài chậu hoa xanh đỏ mùa hè, làm hiện lên khung cảnh vô cùng lãng mạn cho chốn học đường.

Thích nhì là mảng tường cũ, thường xuân xanh tốt bám đầy. Hồng
biết ở đây vào giữa mùa đông rét căm căm, có cô sinh viên nào nằm trong phòng vì ốm một trận thập tử nhất sinh, đang đợi chiếc lá cuối cùng rơi xuống dưới đám cỏ kia và nghĩ đời mình sẽ kết thúc?

Trên mọi nẻo đường, sinh viên đủ màu da vác ba lô, nói cười vô sự. Đây quả là nơi tri thức và sức trẻ căng tràn. Trên khuôn mặt đầy háo hức của họ, biết đâu sau này, sẽ xuất hiện thêm nhiều nhân tài như từng có. Khắp nơi chỗ nào cũng thấy toàn xe đạp đen đỏ, trắng vàng, là phương tiện cho sinh viên di chuyển.

Hình như thiên hạ cứ quăng đó chứ chẳng sợ mất mát gì. Ai ăn cắp thì soi gương tự thấy xấu hổ vậy. Chúng tôi băng ngang Christ Church Meadow, đồng cỏ mang tên người thắng cuộc trong trận đấu cờ năm xưa để vào Christ Church, đại học có từ thời Trung Cổ 800 năm trước, do vua Henry VIII thành lập. Đây là trường nổi tiếng và quan trọng nhất của cụm đại học Oxford, nơi Albert Einstein lỗi lạc và 13 vị thủ tướng của nước Anh từng học tập. Đứng trên quảng trường Tom Quadrangle, ngỡ như đang đứng giữa Hogwarts phép màu bởi đoàn làm phim Harry Potter đã mượn nơi này làm bối cảnh. Ngay chính chỗ đó, Harry đã bắt đầu bài học bằng chổi bay và chụp được quả cầu nhắc nhở của Longbottom do Malfoy ném ra xa và được Giáo sư McGonagall giới thiệu làm Tầm thủ của đội tuyển Quidditch nhà Gryffindor siêu việt. Tại chỗ này, mấy trận Quidditch bốn nhà Hogwarts diễn ra ác liệt. Quả bóng bay vì vù trong không khí. Các Truy thủy, Tấn thủ và Thủ môn quay trên mấy chiếc chổi bay vù vù không rõ
mặt. Và nhiệm vụ của Tầm thủ như Harry là cố bắt được trái banh nhỏ (snitch) để kiếm 150 điểm, kết thúc trận đấu trong tiếng vỗ tay vang dội của khán giả ủng hộ nhà Gryffindor và lời chửi rủa vang của nhà Slytherin hắc ám.

Chúng tôi vô sảnh, mơ màng nghĩ cảnh chiếc mũ Sorting Hat đang xếp mấy đứa trẻ vào nhà nào cho phù hợp. Phía trên kia thầy Dumbledor với mắt kiếng hình nửa vầng trăng đang nghiêm nghị ngồi nhìn, thầy Snape mặt trắng tinh, lạnh như tiền, cô McGonagall tuy nghiêm trang nhưng vô cùng tốt bụng, bác Hagrid to như ông khổng lồ, đụng đâu đổ đấy. Trên đầu, cả bầu trời đang rộng mở. Cái trần nhà có thể thay đổi theo ý muốn, giữa ngày nắng to rực rỡ, mà giống như cả bọn đang đứng dưới vì sao chói sáng, giữa đêm trăng thượng tuần lấp lánh trên cao.

Nếu như Christ Church là ngôi trường lớn và nổi tiếng nhất của Oxford, thì Magdalen giàu có quyền luyến hồn người bởi công viên xanh như nhung, liễu rủ êm đềm giữa con sông uốn khúc. Đi ngang qua vườn dược thảo, hình ảnh mấy lớp học của giáo sư Sprout hiền lành với áo quần xộc xịch lại hiện về. Hổng biết mấy cây sâm của cô có còn được trồng, để chiết xuất ra chất giải độc cứu Hermione và mấy đứa học sinh thoát khỏi hình hài bằng đá dưới ánh mắt con Tử Xà, vũ khí bí mật của Slytherin cất dưới hầm bí mật.

Cả bọn đi ngang qua cây cầu Than thở (Bridge of Sighs) xây dựng từ năm 1914, bắc ngang hai trường Hertford College và New College Lane. Giai thoại kế rằng, mục đích của cầu là nối hai toà nhà nhưng trong nhiều lần kiểm tra sức khỏe, sinh viên của Hertford thường bị đánh giá là béo và lười vận động hơn sinh viên các trường khác. Thế là ban giám hiệu quyết định đóng cây cầu này lại cho các bạn đi đường vòng để tăng cường vận động giảm cân. Thế là lời thở than được nghe mỗi ngày, nên người ta gọi nó là cây cầu Than Thở.

Đói bụng quá. Phải kiếm gì ăn thôi. Cá và khoai tây là thứ mà cả bọn không ai thèm đụng tới. Kiếm món gì châu Á ăn cho hợp khẩu vị. Đồ Việt thì chưa thèm lắm. Món Hàn thì Thương bảo ăn hoài. Bàn tới bàn lui một hồi, chúng tôi quyết định ăn đồ Thái. Mở máy dò wifi, tìm kiếm một hồi, có nhà hàng Thái gần đó, nằm trong con hẻm nhỏ chắc hai người đi dàn ngang không lọt. Thế là tới ngay. Ngoài các tòa nhà cổ kính san sát nhau và vỉa hè đầy xe đạp, tôi nghĩ, những con hẻm Oxford xứng đáng đi vào sử sách, để mọi người nhắc nhớ mỗi khi lần bước đến đây. Hẻm nhỏ vậy thôi chứ mấy quán ăn, cà phê, trà chiều, kem, trà sữa nhỏ xíu, tận dụng tối đa không gian chật hẹp và lúc nào cũng đông nghẹt khách.

Tụi tôi leo cầu thang ọp ẹp, kêu ken két để lên lầu. Dẫu được tận dụng tối đa nhưng để được năm cái bàn là hết chỗ. Đồ ăn Thái thì cũng quẩn quanh mấy món pad Thai, drunken nôdle (mì xào), tom yum (canh chua cay), gỏi đu đủ, tráng miệng với xôi xoài.

Chúng tôi gọi cà ri vịt ngon tuyệt trần. Lâu lắm rồi mới ăn thịt vịt hầm mềm trong nước dừa, lá cà ri với gia vị. Người Mỹ ăn thịt gà nhiều hơn thịt vịt. Muốn ăn ngon phải lái xe gần cả tiếng tới nông trại mua vịt sống về tự cắt tiết, nhổ lông, nấu cháo hay cơm vịt thần sầu. Bữa nào lười thì ra chợ mua. Con vịt đông lạnh, to tổ bà chảng, nặng gần ba ký, về lọc ra hết một nửa là mỡ rồi. Bên này nuôi khép kín, vịt đứng im, hết ăn rồi ngủ, ngủ rồi ăn, nên béo ú. Mà trứng vịt cũng mắc lắm nha. Gà nhiều khi giảm giá một vỉ 12 trứng chưa tới 2 đô-la, chứ vịt thì 80 cents một quả.

Xong bữa trưa, đứa nào cũng ních cho một ly trà sữa to. Báo hại cái bụng căng kè, đi hổng nổi.

Ở Mỹ cherry đã bị người ta ăn sạch từ tháng Tư, nhưng bên Anh thời điểm này mới chính thức vào mùa. Đối với người Việt Nam, cherry như món đặc sản mắc như gì, mỗi năm chỉ nhập hàng về vài tuần là hết. Cứ tới mùa hè, các bạn ở Việt Nam viết status than thở thèm cherry, phải nhịn ăn dành tiền mua với giá cả triệu đồng cao ngất ngưởng. Rồi bảo mấy người ở Mỹ sung sướng quá, ra chợ mua cả tấn về nhâm nhi.

Mà họ đâu có biết, ăn cherry bên Việt Nam, cũng như tụi tôi xách tiền đi mua chôm chôm, nhãn, vải, sầu riêng bên này. Xót hết cả ruột. Đặc biệt là măng cụt. Nhiều lúc thèm đến tan lòng, không thèm mua đồ hộp hay đông lạnh, bấm bụng mua một chùm mấy trái (ngõ) còn tươi về ăn. Cắt ra, hư hết trơn. Hổng biết kiện ai, đành ngồi chép miệng thở than cho bớt bực.

Nên một khi đã tới đây vào lúc biết cherry chín trĩu cây, không đi hái là một "tội ác".

Chúng tôi đi dọc bờ Thames để quay lại trung tâm đón buýt đi Oxfordshire, vùng quê nằm ở thành phố. Anh chèo thuyền bên bờ hỏi chúng tôi muốn đi không? Giá không mắc lắm đâu. Dù thấy mấy bạn sinh viên vạm vỡ chèo chống ngoài kia mà ham quá trời nhưng do hổng biết bơi nên tôi bán ra
tức khắc. Thôi, đứng nhìn lũ vịt trời, thiên nga, ngỗng quàng quạc một khúc sông, cũng thấy nhẹ nhõm cả lòng, muộn phiền gì cũng theo gió mây bay về bốn phía. Buýt từ trung tâm Oxford đến Oxfordshire tầm 30 phút. Không khí trong lành, yên tĩnh quyến luyến hồn người. Nhà nào nhà nấy có sân to, trồng đủ thứ cỏ hoa, với hàng rào đầy dây leo, như tách biệt với thế giới ồn ào bên trong thành phố.

Bốn đứa tíu tít vô nông trại. Phía trước nguyên cả một vườn đầy các luống dâu. Tiếc là cuối mùa nên toàn dâu dập. Họ đưa mỗi đứa một cái xô. Giá 7 bảng một ký. Tôi đã từng đi hái mấy lần rồi nên không còn sự hào hứng như ban đầu nữa. Chỉ tội ba đứa kia, vừa thấy cây cherry thấp lè tè mà trái trĩu cành, muốn lăn đùng ra xỉu.

Không ham sao được, khi lần đầu tiên trong đời mới chứng kiến loại trái trong mơ, mọc la liệt khắp nơi. Chẳng cần bọc ghế hay leo lên, cứ đưa với tay là nguyên chùm chín mọng bỏ vô xô liền. Nói nguyên chùm cũng hơi quá, ít nhất gần một nửa chui vô bụng tụi tôi. Cherry chín cây, vừa giòn vừa ngọt, mát từ cổ tới bụng, chứ không phải như loại người ta hái bỏ tủ lạnh cả tuần, mất một nửa vị ngon. Dù đã bao bụng rồi, nhưng cũng sợ người ta thấy mình hái ít mà ăn nhiều, nên khi nhả hột ra, tụi tôi phải quăng ra đằng xa, tít tắp.

Bốn đứa đi lòng vòng hơn tiếng đồng hồ, từ luống này qua luống khác, vừa hái, ăn, cười giỡn vang trời y như mấy tiên nữ của Vương Mẫu nương nương vô vườn hái đào tiên dâng lên thánh thần trong hội bàn đào rộn rã. Thấy tụi tôi ở trỏng lâu quá trời mà hổng chịu ra, nên nhân viên chạy vô coi thử tình hình ra sao. Nhìn mấy xô đầy nhóc cherry, thế là cười tươi đi ra. Họ mà biết đám này đã ăn hơn nửa rồi, chắc chửi cho ngập đầu quá.

Mãi đến khi bụng căng kè, cả bọn mới đi ra cho người ta cân. Tổng cộng hết 20 ký cherry. Đêm ấy Khanh với Thương ngồi nhặt từng trái to, bỏ vô hộp đem về Việt Nam làm quà. Nghe đâu ai cũng mê mẩn khi thưởng thức mớ cherry căng mọng.

Chiều hôm ấy, tôi để đám bạn ở nhà sắp xếp hành lý, bắt buýt đến Grand Café ở Số nhà 84 High Street, trên đường dẫn ra ga Oxford. Người ta bảo đây quán cà phê đầu tiên của Anh có từ năm 1650, với dòng chữ trước quán rất hiên ngang và đầy kiêu hãnh. Quán bên ngoài sơn màu xanh dịu dàng, bên trong màu vàng chủ đạo cùng với trụ đá cẩm thạch vân đỏ, mang lại cho người uống một tâm thế nhẹ nhàng tĩnh lặng. Có cảm giác mình đang ở trong không gian của 500 năm xưa, ngoài kia lộp cộp xe ngựa giữa tiếng mưa rơi nhè nhẹ.

Mạch sống nhộn nhịp của các sinh
viên trẻ trung, năng động ban sáng đã nhường chỗ lại cho một Oxford cổ điển, buồn thương khi chiều tà buông xuống. Ai cũng muốn tìm góc vắng lặng ngồi cô đơn, hoặc cùng với một ai đó, người yêu, người thương chẳng hạn, chỉ để uống tách trà, cười khúc khích mộng mơ.

Thắng nhắn tin hỏi: "Đi pub không anh?". "Khi nào và ở đâu?". "Tí nữa, đi Trout Inn cho tiện". Dân Anh uống bia như nước lã. Càng về phương Bắc tửu lượng càng cao do mỗi năm tới tám tháng lạnh teo nên uống cho ấm bụng và giải sầu. Không khó để thấy dân thị thành buổi chiều tan tầm, đứng chen chân trước của các quán rượu truyền thống, trên vỉa hè, thậm chí tràn xuống lòng đường. Ăn uống, nói cười không màng gì đến xung quanh, nhiều khi quên hết giờ giấc. Nhưng để cảm nhận đúng nghĩa của pub, chắc chỉ có ở Oxford. Quán rượu của dân quý tộc Anh không chật hẹp, chen chúc trong nội ô, mà phải nằm bên bờ Thames, vừa ngắm gió thổi mây bay, nước  chảy hoa trôi, nghe chim hót thú kêu, chẳng nhạc thời thượng hay hét la. Chỉ có tiếng trò chuyện thì thầm giữa không gian thoáng đãng.

Tôi nhâm nhi ly trà lài và nghĩ về phần tiếp theo của Những đàn chim chấp chới. Chắc tôi cho Khải từ Washington D.C, ngồi máy bay đến đây để tìm Yến, người tình một đêm nồng mặn.

Nhưng cô ấy không còn dạy ở trường Đại học Oxford Brookes nữa và chẳng ai biết Yên đã chuyển đi đâu. Khải lê bước chân trên từng con phố lặng trầm, mong gặp lại người tình với mùi Woods nồng nàn còn vương trên cổ áo. Anh vào Grand Café, chọn góc ngồi thiệt đẹp y chang tôi giờ, để ngắm bầu trời khi chiều rơi trên tóc rối, thẫn thờ nhìn đàn chim bay về tổ ấm và nghĩ trong một góc nhỏ nào đó ở Oxford, hay Vương quốc Anh, hoặc nơi nào đó trên trái đất xa xôi, vào thời điểm này, có một người con gái đang nhìn từng đàn sếu bay qua trên vòm trời và thầm nghĩ, trong từng đôi cánh mỏng, mang linh hồn người tình cũ của cô.

Nhưng nếu vĩnh viễn không bay qua vùng trời Oxford. Cơ hội gặp Yên lần nữa chắc không còn. Dẫu trong Grand Café chiều hôm ấy, có ánh mắt của cô phục vụ lén nhìn anh xao xuyến. Biết đâu Khải sẽ bắt đầu một mối quan hệ khác, nồng nàn hơn New York một đêm hè.

Chỉ có tôi chiều nay cô đơn ngồi đây với ly trà và tự hỏi K. của mình đang làm gì, ở nơi nao. Truyện ngắn như đời mà đời cũng là truyện ngắn. Liệu K. có biết tôi không giữ lời hứa năm xưa, đã tìm đến nơi này với ước mong gặp mặt? Một đôi lời đùa cợt, tụi mình như hai cánh chim bay về hai hướng, vĩnh viễn không bao giờ đối diện, khi mặt trời tắt bóng phía chân mây.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro