Chương 24: Trách cứ

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Edit: uyenchap210

Vương Hi muốn từ chối thẳng vì cảm thấy nếu Đại ca tới thì còn chuyện gì cho nàng nữa!

Mà tại sao nếu không có chuyện cho nàng, nàng lại không vui chứ không nhảy cẫng lên như trút được gánh nặng giống thường ngày thì nàng nhất thời không nghĩ ra. Nàng phải dùng lí do khéo léo hợp tình hợp lí khiến Trần Lạc biết khó mà lui đã!

Cũng may nàng lanh trí từ bé, nghĩ cái đã có cớ. Nàng nói:

- E rằng hơi khó. Đại ca nhà ta vừa rời kinh đến cửa hàng vùng phía Nam, có lẽ giờ vẫn đang trên đường, cho dù nửa đường vòng về thì cũng mất hơn tháng. Sợ là ngài không chờ được.

Trần Lạc trầm ngâm một hồi.

Đúng là chàng không chờ được. Nhưng trừ Vương gia, dường như chàng không thể tìm được một đối tác nào phù hợp. Chàng quyết định chờ vậy.

Vương Hi bèn hiến kế cho chàng:

- Hay ngài nói ra để chúng ta cùng bàn? Ngài cần gặp Đại ca nhà ta, nhất định là có chuyện cần huynh ấy hỗ trợ. Việc lớn thì ta không thể giúp, nhưng việc nhỏ thì chưa chắc là ta không giúp được.

Trần Lạc nhớ lại vừa nãy một câu của nàng đã phá tan khốn canh trước mắt mình, thế nên nghĩ nghĩ một lát rồi bấm bụng nói:

- Cùng không phải chuyện to tát hệ trọng gì, chắc Đại tiểu thư cũng có thể giải quyết. Ta thấy a hoàn của Đại tiểu thư giấu nghề, muốn mượn Vương gia mấy người.

A hoàn của nàng ư? Nếu nói a hoàn không giống bình thường thì đó là Hồng Trù và Thanh Trù.

Sao chàng biết tài vậy?

Vương Hi chột dạ, không tiện hỏi nhiều mà cười đáp:

- Nếu chỉ có thể thì may mà ngài nói với ta đấy. A hoàn nhà ta đến hai mươi tuổi là sẽ được gả chồng. Con dâu của đại chưởng quỹ nhà ta từng theo hầu mẹ đẻ của Đại ca ta. Những người khác đi đâu thì ta không chú ý nên cũng không biết, nhưng có thể hỏi con dâu của đại chưởng quỹ giúp ngài.

Trần Lạc nhìn Vương Hi, cảm thấy nàng như ngọc nữ ngồi bên Bồ Tát, khắp người tỏa ra ánh vàng lấp lánh. Chàng nhịn không được nhoẻn miệng cười:

- Vậy phiền Đại tiểu thư chuyện này rồi.

Sau đó, chàng lại nghĩ đến tính Vương Hi. Nếu chàng và Vương Hi đã xác nhận mối quan hệ thì quả đúng như những gì Vương Hi ám chỉ trước đó, chàng không thể không nói cho người ta biết mục đích của mình.

- Ta muốn thúc giục phụ thân lập Thế tử.

Nhưng loại chuyện này có thể xử lí ở nội trạch ư? Chàng hoàn toàn có thể đi xin Hoàng thượng, đâu cần phải nhờ cậy một người con gái như nàng.

Vương Hi nghi ngờ chàng có kế hoạch gì đó trong nội trạch. Nàng hỏi:

- Thế ngài cần nữ tử biết võ làm gì?

Trần Lạc đáp nàng:

- Ta cũng không hiểu phụ thân mình như không hiểu Hoàng thượng vậy. Ta cứ nghĩ phụ thân ta không muốn phong Thế tử vì ông ấy sợ phong Trần Anh thì sẽ bị Hoàng thượng bác bỏ, còn phong ta thì loạn đích trưởng, nhưng giờ nhìn lại, e rằng không hẳn vậy. Ta muốn cài cắm mấy người bên cạnh phụ thân, không cần quá lâu, nhiều nhất là một, hai năm thôi, thậm chí cũng không cần dung mạo đẹp đẽ gì hết, tốt nhất là mặt mũi bình thường trung trung.

Vương Hi nghĩ đến chuyện Trần Lạc điều tra bột hương, nàng nói:

- Ngài nghi ngờ bên cạnh mình có người của phụ thân ngài?

Trần Lạc bật cười, nhìn Vương Hi bằng ánh mắt như nhìn trẻ con chưa lớn:

- Chuyện nhà ta so thế nào được với chuyện của Hoàng thất? Cho dù phụ thân ta có con nữa nhưng cũng chỉ là con thứ, không thể kế thừa tước vị. Giả như ta và Trần Anh đều chết, thậm chí Hoàng thượng có thể lấy cớ không có con vợ cả để đoạt lại tước vị Trấn Quốc công. Khai quốc ngày đầu có mười phủ Quốc công mà nay chỉ còn ba, nếu mất một nhà nữa, ta nghĩ Hoàng thượng cũng sẽ rất vui.

Vương Hi không bình tĩnh nổi, nàng chưa từng nghĩ nhiều như vậy.

- Đấy là không có con nối dõi, mà cho dù có con nối dõi thì tương lai cũng chẳng khá khẩm. - Trần Lạc nói tiếp. - Ta hay Trần Anh cũng thế, đều không có gì phải sợ. Ta muốn sắp xếp mấy người ở nội viện, hơn nữa còn là người biết võ, nhỡ xảy ra cái gì, ít nhất cũng khiến họ trở tay không kịp, giúp ta chiếm được tiên cơ.

Vương Hi không nhìn thấu lòng chàng, nhưng vẫn ngờ ngợ cảm nhận được dự tính như vậy cũng giống tòa nhà ở Bạch Thạch Kiều này, sẽ có lúc có tác dụng. Nàng nhịn không được hỏi:

- Như tòa nhà này ư?

Quả nhiên là không gạt được người thông minh để ý. Trần Lạc không phủ nhận:

- Đúng thế!

Cụ thể thế nào thì Trần Lạc không nói, Vương Hi nhất thời không nghĩ ra, đành phải đặt tạm nghi vấn này xuống đáy lòng, sau lại nói tiếp. Nàng hỏi:

- Ngoài chuyện đó ra, ngài cần gì nữa không?

- Tạm thời chỉ có hai chuyện thôi! Một là nhờ Phùng đại phu giới thiệu đại phu đồng ý vào cung xem bệnh cho Hoàng thượng. Hai là tìm giúp ta phụ nhân biết võ, diện mạo càng bình thường càng tốt.

Trần Lạc nói rồi trên mặt thấy được đôi phần đắn đo.

Vương Hi biết chàng nghĩ gì, nhưng nàng nghĩ đến mình đã đi chín mươi chín bước, không ngại bước cuối cùng này nên nói thẳng:

- Trần đại nhân còn gì muốn nói không? Ta sẽ cố gắng nghĩ cách giúp ngài.

Trần Lạc ngập ngừng hồi lâu, sau đó mới nói:

- Vương tiểu thư, mấy ngày nữa tiểu thư sẽ tổ chức tiệc tân gia phải không? Có thể làm thân với Lục tiểu thư và Lục tiểu thư của phủ Khánh Vân Hầu được không? Ta muốn tìm hiểu hôn sự của họ có tin tức gì chưa?

Vương Hi há hốc miệng. Trần Lạc cũng không còn nhỏ nữa nhỉ? Chẳng lẽ chàng để mắt tới người nào?

Nhưng loại chuyện cưới hỏi này là khó lường nhất. Nếu cưới đúng người, tất nhiên sẽ mạnh đi với mạnh, hiệu quả gấp bội. Nhưng nếu không đúng người, vướng vào rắc rối tư tình nữ nhi thì có thể hủy cả một gia tộc.

Mà chuyện như vậy không phải là chưa từng xảy ra!

Vương Hi muốn khuyên Trần Lạc, nhưng lời đến môi lại không biết nói ra thế nào, như thể nàng khuyên thế nào cũng có vẻ không ổn.

Trần Lạc hơi ngượng, cũng không dám nhìn Vương Hi nên càng không phát hiện Vương Hi khác thường, chàng đỏ bừng hai tai, nói:

- Trần Anh mãi vẫn chưa thành thân, người ngoài đều nói mẫu thân ta không quan tâm huynh ấy, nhưng thật ra vì khi mẫu thân ta vào cửa, phụ thân ta đã ra ba quy ước, trong đó có một cái là hôn sự của Trần Anh do phụ thân làm chủ, mẫu thân ta không được can thiệp. Nếu có thể biết phụ thân ta để mắt đến nhà ai thì sẽ dễ cho phía ta hành động.

Vương Hi lại há hốc miệng, nghĩ đến hai vị này dù sao cũng là phụ mẫu của Trần Lạc nên không nói gì hết.

Ngay trong lúc tân hôn của hai phu thê, còn chưa bắt đầu sống với nhau mà đã đề phòng mẹ kế hại con chồng thì cho dù cô nương nhà bình thường còn thấy khó chịu, huống chi là Trưởng công chúa có nhà mẹ đẻ chống lưng!

Hai phu thê này có thể ở chung một chỗ mới lạ á! Vương Hi tự đoán Trấn Quốc công có lẽ cũng chẳng phải người tốt gì, cũng không phải một phụ thân đáng tin... Nàng nhìn Trần Lạc, ánh mắt lại thêm đôi phần xót xa.

- Ngài cho rằng Trấn Quốc công nhất định sẽ tìm cho Trần Anh một nhà vợ có lực! - Vương Hi nói. - Song, nhà khác cũng không ngu, không lí nào lại muốn lội vào vũng nước đục này? Chính vì vậy nên giờ Trần Anh vẫn chưa thành thân?

Đây là bí mật của kinh thành, nhưng mọi người đều biết.

Trần Lạc gật đầu:

- Nhưng Trần Anh không còn nhỏ nữa, không thành thân sẽ không tránh khỏi lời ra tiếng vào. Nếu sức khỏe của Hoàng thượng còn tốt, có lẽ phụ thân ta còn kéo dài thêm mấy năm, cho đến khi tìm được nhà vợ hài lòng mới thôi. Mà khi Hoàng thượng cảm thấy không còn khỏe, muốn lo liệu hậu sự thì chuyện Trần Anh được lập Thế tử sẽ là một biến số rất lớn.

Dứt lời, chàng cụp mắt, như thể muốn che giấu tất cả cảm xúc để người khác không nhìn thấy.

Vương Hi thất kinh, chợt hiểu tại sao Trần Lạc lại thân bất do kỷ. Còn có một khả năng khác, Trần Lạc mất tư cách được phong Thế tử vì phạm phải sai lầm. Nhưng sai lầm gì có thể khiến chàng mất đi quyền kế thừa phủ Trấn Quốc công? Chỉ có hai lí do!

Một là mưu phản. Hai là thất bại trong cuộc tranh đấu giữa các Hoàng từ.

Vương Hi nhìn Trần Lạc.

Chàng tuấn lãng kiêu hãnh, nhưng suy cho cùng chỉ là một thiếu niên lang, khi buông xuống phòng bị, cúi đầu cụp mắt thế này vẫn thấy được đôi phần non trẻ.

Vương Hi thầm thở dài. Trước sói sau hổ, tình cảnh của chàng quá gian nan, còn không bằng nàng ấy chứ!

- Không sao, ta sẽ cố gắng hết sức nghe ngóng giúp ngài.

Vương Hi cảm thấy làm tai mắt của Trần Lạc cũng không phải chuyện gì khó khăn. Dù sao nàng cũng không quen Trần Anh, và còn có thể thân với Trần Lạc hơn, giúp đỡ Trần Lạc từ thật tâm.

Trần Lạc khẽ thở phào, chắp tay với Vương Hi, áy náy nói:

- Đây vốn là việc của mẫu thân ta, nhưng nếu mẫu thân ta hỏi đến, e rằng mọi người sẽ nghĩ nhiều.

Không phải là sợ mọi người nghĩ nhiều, mà là không biết Trưởng công chúa có chịu đứng ra giúp chàng không? Không thì hôn sự của Trần Anh đã không dây dưa đến tận bây giờ.

Có mẫu thân như vậy kể cũng bực mình.

Tất nhiên là Vương Hi sẽ nói những lời khiến Trần Lạc tổn thương thêm, nàng làm như không hiểu mà cười bảo:

- Vừa hay ta rất thích buôn chuyện, thích bàn chuyện thiên hạ, ta cũng rất muốn biết Trấn Quốc công ưng con gái nhà ai.

Vậy còn chàng? Hôn sự của chàng thì sao? Chàng thích con gái nhà ai?

Một loạt câu hỏi xuất hiện trong đầu Vương Hi, khiến nàng lúng túng:

- Nếu không có chuyện gì khác, ta vào thành trước. Ta còn phải qua chỗ Phùng đại phu nữa, muộn quá sợ ông ấy bắt đầu chỉnh phương thuốc mất.

Nhưng Trần Lạc lại hỏi:

- Sát tường của Liễu Ấm Viên cạnh nhà ta trông hai gốc liễu, tán cây như dù, nếu có người trốn bên trên, người ở dưới không nhìn kĩ sẽ không nhận ra. Tiểu thư có biết không?

Vương Hi ngượng ngùng. Nàng biết quá đi ấy chứ, nàng từng trốn dưới tán liễu, ghé tường nhìn trộm chàng luyện cung mà!

- Biết! - Giọng nàng hơi lạc đi. - Trần đại nhân muốn nói gì ạ?

- Ta sẽ phái người đặt một hộp màu lục trên cây liễu, sau này có chuyện gì, chúng ta sẽ trao đổi thư qua đó. Tiểu thư không cần lo cho ta. Còn phía tiểu thư, có thể phái a hoàn biết võ đi lấy. Chúng ta có thể thống nhất dùng một quyển sách, nội dung thư có thể thay thế bằng số, ví dụ như muốn viết "ta" thì là trang thứ ba, hàng thứ nhất, chữ thứ tư trong sách, tức ba một bốn (314). Như thế thì dù có bị người khác phát hiện cũng không biết chúng ta viết gì.

Cái này cứ như là viết thư mật ấy nhỉ? Thú vị ghê!

Vương Hi bừng bừng hứng thú, hai mắt sáng lấp lánh:

- Được! Được! Thế chúng ta thống nhất dùng sách gì? Để ta xem ta có không? Nếu không có thì còn sai người đi mua!

Trần Lạc cứ lo Vương Hi sẽ thấy phiền phức, nhưng không ngờ nàng lại thích thú như thể đang chơi đồ hàng, còn tích cực hơn cả mình.

Chàng không nhịn được khẽ cười, sau đó lấy lại bình tĩnh, nói chuyện với Vương Hi hồi lâu. Cuối cùng, hai người mới một trước một sau lần lượt vào thành.

Vương Hi đến Tế Dân Đường trước, nhờ Phùng đại phu giới thiệu đại phu vào cung xem bệnh cho Hoàng thượng giúp Trần Lạc. Mấy ngày nay vì chuyện bột hương, Phùng đại phu đã gặp không ít đại phu, nhưng không có ai thích hợp xem bệnh cho Hoàng thượng hết. Chuyện như này quả thật phải tùy duyên số. Vương Hi đành nhờ Phùng đại phu chú ý, sau đó đi gặp đại chưởng quỹ.

Đại chưởng quỹ qua đêm ở miếu Chân Võ. Sau khi Vương Hi và Trần Lạc đi rồi, ông phải mở tiệc món ngon rượu thơm mời hai vị sư phụ, còn phải uống mấy chén, một tiếp hai thành ra cũng hơi say nên quyết định nghỉ luôn trong miếu. Tuy sắp trưa rồi, nhưng khi thấy Vương Hi ông vẫn mơ màng ngáp một cái, Vương Hi vội nói "Đại chưởng quỹ vất vả", tự mình thêm trà cho ông.

Đại chưởng quỹ cười ha hả, kể lại chuyện xảy ra sau khi nàng và Trần Lạc rời đi:

- ... Cũng coi như trong họa có phúc. Ai ngờ chùa Nam Hoa kia lại có quan hệ không đơn giản với họ Vương ở Phúc Kiến. Hải Đào kia thấy Đại tiểu thư đồng ý lo liệu việc núi Tứ Cố giúp ông ta thì chủ động móc nối cho chúng ta, giới thiệu Đại gia với gia chủ hiện tại của họ Vương là Vương Lục gia.

Vậy cũng phải lấy được giấy tờ đất của núi Tứ Cố đã chứ? Vương Hi không lạc quan như đại chưởng quỹ, nhưng nhà nàng có thể móc nối được với họ Vương thì vẫn là chuyện khiến nàng vui mừng. Họ Vương buôn bán trên biển, vùng Tây Bắc và Tây Nam lại có nhu cầu hương liệu chẳng kém nhu cầu lá trà. Nếu hai nhà có thể góp vốn, chắc chắn có thể mở thêm một nguồn ài nguyên cho họ Vương.

Vương Hi cười hì hì gật đầu.

Đại chưởng quỹ cười nói:

- Đại tiểu thư nhà chúng ta quả đúng là em bé vàng!

Ấn dụ cho thứ quý giá.

Vương Hi xấu hổ đáp:

- Ông không trách ta cho người ngoài đồ của bà nội là đã tốt lắm rồi.

Hai người qua lại mấy câu. Đại chưởng quỹ thấy nàng quanh co không có ý định đi thì vội hỏi:

- Đại tiểu thư còn gì căn dặn ạ?

- Căn dặn thì không dám! - Vương Hi chọn lọc một số chuyện của Trần Lạc và kể cho đại chưởng quỹ. - Ta nghĩ Trần đại nhân như thế quả không tiện. Ông quen biết sâu rộng, ông thấy chúng ta có nên tiến cử một phụ tá cho Trần đại nhân không?

Tốt nhất là không phải nhân sĩ của kinh thành, sau đó bí mật nuôi dưỡng ở Bạch Thạch Kiều hoặc chỗ khác, khi nào xảy ra chuyện mới có người sử dụng.

Đại chưởng quỹ dày dặn kinh nghiệm, chỉ nghe Vương Hi nói mấy câu đã đoán ra được tình cảnh của Trần Lạc.

Ông không nghĩ giống Vương Hi. Ông cho rằng nếu tình cảnh của Trần Lạc đã gian nan như vậy, thế thì Trần Lạc chưa chắc đã là một đối tác tốt—— lún quá sâu, nguy hiểm quá lớn, thu hoạch thì chưa chắc đã nhiều để bù lại những gì bỏ ra.

Nhưng bảo ông khuyên Vương Hi buông tay, ông nhìn Vương Hi cười tươi, mặt mày liễm diễm bừng bừng sức sống như hoa đào tháng Ba thì lời đến miệng lại nuốt xuống, câm điếc như ăn hoàng liên.

Chống lưng đằng sau họ Vương đều là các học sĩ gốc Tứ Xuyên. Bỏ qua một Trần Lạc, hay Vương Lạc, Lý Lạc gì đó cũng không khiến nhà họ phải cùng đường. Nhưng rõ ràng là Đại tiểu thư không nghĩ vậy, không chỉ muốn giúp y mà còn muốn giúp thật nhiều. Thế thì ông nói ông phản đối kiểu gì đây? Thôi vẫn nên xem tình hình thế nào rồi nói.

Đại gia cũng đã giao chuyện này cho Đại tiểu thư, Đại tiểu thư chắc chắn sẽ không ỷ lại mọi người. Huống hồ, Đại gia đã nói chuyện này coi như để Đại tiểu thư rèn luyện, có thể suôn sẻ thì tốt, còn nếu không được thì coi như là bỏ tiền mua kinh nghiệm. Tóm lại là không lỗ.

Nhưng ông vẫn phải báo lại Đại gia. Đại chưởng quỹ hạ quyết tâm, nghe nói Vương Hi muốn về phủ ngay thì không giữ lại, tự mình đưa Vương Hi lên xe ngựa rồi về viết thư cho Vương Thần.

Bên này, Trần Lạc đã về nhà, đi thới chính viện của Trưởng công chúa. Trưởng công chúa mời từ trong cung về, đang nói chuyện với nữ quan Thanh Cô hầu mình từ nhỏ, nghe nói Trần Lạc qua đây, hai người liền im bặt, liếc nhau.

Cái năm Trần Lạc mười hai tuổi bị Trần Ngu giáo huấn một trận vì đánh nhau với Trần Giác đó, Trần Lạc cho rằng Trưởng công chúa không bênh chàng, thế nên từ đó không gần gũi với bà nữa.

Trưởng công chúa muốn giải trừ ngăn cách với con trai, nhưng Trần Lạc lại càng khó chịu, không muốn thân gần bà, thậm chí ba năm trước còn mua nhà, dọn ra ngoài ở.

Bà giận lắm, cũng bực Trần Ngu không có tấm lòng của người làm cha, con trai của bà cứ gặp Trần Giác là y như rằng bị trách mắng. Trần Lạc hư đốn thế nào đi nữa thì cũng là miếng thịt rơi từ bụng bà ra, bà không muốn con trai phải sống uất ức như vậy, thế nên bà không chỉ không nghe theo Trần Ngu, gọi Trần Lạc về, mà còn phụ cấp cho Trần Lạc năm ngàn lượng bạc, để con mua người hầu, ở luôn bên ngoài, chỉ gọi về ăn bữa cơm, nghỉ một đêm những ngày lễ tết, tế tổ.

Từ đầu xuân năm nay, không biết tại sao Trần Lạc lại về Lộc Minh Hiên ở một thời gian dài. Cách vài bữa lại ở mấy ngày đã đành, mà mấy ngày lễ như mùng ba tháng Ba, mùng bốn tháng Tám cũng về. Trần Ngu trách mắng nó, nó không còn cãi lại như hồi con nhỏ nữa, như thể trong một đêm đã trưởng thành lên, đã hiểu chuyện hơn.

Trưởng công chúa rất mừng.

Ở trên đời này, nắm đấm mạnh tất nhiên tốt, nhưng nếu việc gì cũng chỉ biết nói chuyện bằng nắm đấm thì sao sống được giữa chốn phố xá, huống chi là triều đình lòng người phức tạp.

Bà thầm vui, tính nói chuyện với Hoàng thượng, muốn Trần Lạc bái một Các lão làm thầy, ngoan ngoãn học hai năm, có chút mưu lược, biết chút chính sự. Ai ngờ lại xảy ra chuyện Kim Tùng Thanh kia.

Nghĩ tới đây, Trưởng công chúa không khỏi thở dài. Từ lần ở rừng cây đó đến nay đã qua nửa mùa hè mà hai mẹ con chưa gặp lại nhau. Cũng không biết Trần Lạc tới vì việc gì? Nếu nó hỏi bà chuyện Kim Tùng Thanh, bà nên trả lời thế nào đây?

Trường công chúa sầm mặt, nhưng vẫn đè nén rối bời trong lòng, bảo Thanh Cô ra mời Trần Lạc vào.

Trần Lạc tỉnh an mẫu thân, chờ tiểu a hoàn dâng trà bánh rồi lập tức đuổi người hầu trong phòng xuống.

Thanh Cô bất an liếc Trưởng công chúa. Trưởng công chúa ngượng cười, khẽ gật đầu. Thanh Cô bèn dẫn người lui xuống.

Trưởng công chúa đắn đo một lúc, sau đó chủ động nhắc tới chuyện con trai tìm mấn hoa giúp Vương Hi:

- Nghe nói sau đó con sai Thanh Cô đến phủ Vĩnh Thành Hầu? Nhà họ không nói gì à? Cô nương kia rất xinh đẹp, gia cảnh nhà buôn nhỉ, nghe nói là con gái của Nhị tiểu thư phủ Vĩnh Thành Hầu lạc đường năm đó. Giờ con bé ở tại phủ Vĩnh Thành Hầu thế nào? Lão phu nhân phủ Vĩnh Thành Hầu ấy à, ta nhớ bà ta là người hồ đồ cực kì, làm việc chẳng ra đâu vào đâu, chỉ sợ con bé ở phủ đó sẽ không thoải mái.

- Mẫu thân. - Trần Lạc ngắt lời Trưởng công chúa. - Con tìm người vì chuyện khác.

- À! - Trưởng công chúa đáp, giọng có vẻ bớt hào hứng đôi phần.

Trần Lạc nhìn mẫu thân mình, nói:

- Mẫu thân, con muốn người đi hỏi cữu cữu, hỏi ông ấy tính thế nào với tước vị Trấn Quốc công? Nếu khó, con còn có kế hoạch sớm, khỏi phải quanh quẩn trong cái phủ Trấn Quốc công này, bị Trần Giác coi như cái đinh trong mắt, nhìn là đau, không làm ầm một trận thì không chịu bỏ qua.

Trưởng công chúa nghe mà nhíu chặt mày, đáp:

- Tước vị Trấn Quốc công chẳng có gì ghê gớm, con mong chờ nó làm gì? Hôm nay, ta vừa vào cung nói chuyện với Hoàng hậu nương nương, theo ý của Hoàng hậu nương nương, giờ Mân Nam đang chiến loạn, tạm thời chưa biết hồi kết. Đợi Mã Tam an tủi lòng quân về, ta sẽ hỏi tình hình đằng đó thế nào, rồi đến mùa xuân, con có thể đi theo Diêm Tranh của Bộ Binh. Cữu cữu của con tất sẽ trù tính cho con.

Trần Lạc nghe thì cười khẩy. Từ hồi còn bé, chàng đã biết phụ thân không thích mẫu thân, mẫu thân càng không thích phụ thân.

Để xoa dịu chàng, phụ thân luôn nói chàng đã có cữu cữu là Hoàng thượng, còn nếu phụ thân không lo cho Trần Anh, Trần Anh sẽ khó mà sống được. Mẫu thân thì cho rằng Trấn Quốc công chẳng qua chỉ là một cận thần phụ thuộc vào nhà vợ nên không thèm quan tâm đến gia nghiệp này, coi như cho Trần Anh cũng không sao, bà sẽ tự mình lo liệu cho con.

Nhưng giờ gặp Vương Hi, một câu của nàng đã đánh thức người trong mộng là chàng.

Đồ của chàng, tại sao chàng lại không cần? Mà chàng nói không cần thì người sẽ tin chàng không cần thật ư?

Chàng lạnh lùng nhìn mẫu thân và hỏi:

- Nếu con muốn làm Trấn Quốc công thì sao?

Đầu mày của Trưởng công chúa càng nhíu chặt. Bà bực bội hỏi:

- Ai nói linh tinh với con?

Trần Lạc thấy phản ứng của bà như vậy thì nhớ lại một loạt chuyện cũ, những buồn tủi bi phẫn trong quá khứ cũng bộc phát từ nơi đáy lòng. Chàng đứng bật dật, nói:

- Con không biết mẫu thân nghĩ thế nào, nhưng con là người có thù tất báo. Trần Giác dựa vào đâu mà dám vào rừng bắt gian? Phụ thân chết rồi à? Trần Giác dựa vào đâu mà dám làm ầm làm ĩ lên? Trần Anh đi đâu rồi? Họ không muốn con sống yên thì cũng đừng mong con cho họ yên ổn. Giờ con chỉ hỏi người một câu, người giúp hay không giúp?

Trưởng công chúa tái mặt:

- Con cho rằng ta và Kim Tùng Thanh thật sự...

Trần Lạc đã nổi cơn tam bành, lại cắt lời:

- Giữa người và gã thế nào thì có ảnh hưởng gì? Quan trọng là phụ thân khiến mọi người đều nghĩ người và gã có quan hệ kìa. Thế mà con không biết người trở thành tượng đất Bồ Tát lúc nào đó. Vì người bị phụ thân nằm thóp à? Lần nào cũng thế, người không chỉ không giúp còn mà còn nhiều lần kéo chân con. Người nói đi, có mẫu thân nào giống người không? Người không thể đứng về phía con một lần được ư?

Mặt Trưởng công chúa lập tức trắng bệch, bà cụp mắt, mãi lâu sau vẫn không lên tiếng.

Trần Lạc bật cười:

- Không lẽ người bị ông ấy nắm thóp thật?

Chàng giống như con thú bị nhốt, đi tới đi lui trong phòng, đồng thời cũng nói:

- Bắt giặc bắt vua trước. Rốt cuộc người bị ông ấy nắm thóp chuyện gì, chúng ta giải quyết chuyện này trước. Không nhỡ đến lúc xảy ra chuyện thật, dù con nói con không làm Trấn Quốc công thì người ta vẫn không yên lòng. Con cũng chẳng biết cái tính của người giống ai nữa? Cữu cữu thì khỏi phải nói, con cũng không phải loại ngu dốt, sao người có thể bị người ta nắm thóp được cơ chứ? Con thật sự không hiểu!

Trưởng công chúa nghe mà vành mắt đỏ hoe, lắp bắp:

- Ta, ta trong lòng con, là người mẹ như thế ư?

- Người làm mẹ thế nào thì liên quan gì? - Trần Lạc lẩm bẩm, ngồi xuống ghế đối diện Trưởng công chúa. - Dẫu sao thì người cũng là mẫu thân của con, con có thể làm gì? Mà thật ra, người không hỏi giúp con cũng chẳng sao, con vẫn có thể nghĩ cách hỏi cữu cữu. Chỉ là con cho rằng liệu người có thể giúp con một lần này, chứ không phải lần nào cũng khoanh tay đứng nhìn!

Trần Lạc từ khi còn trong bụng Trưởng công chúa đã là đứa trẻ khỏe mạnh, ngã đập đánh thế nào vẫn sinh đủ tháng được, khi sinh ra thì tóc đen dày, béo mũm không nhìn thấy cổ, tiếng khóc vang trời, đá một cái tím mặt bà vú.

Mọi người đều nói chàng dễ nuôi, Trưởng công chúa cũng nghĩ vậy.

Đến tuổi Trần Lạc biết nói biết đi, chàng không chỉ lanh miệng hơn những đứa trẻ đồng lứa mà còn leo cây lội sông, không lúc nào yên. Nhưng chàng cư nhiên lại giống như tuyết đoàn*, khiến người ta mềm lòng, còn thêm lời ngon tiếng ngọt như mật nên không ai có thể xụ mặt với chàng.

Trưởng công chúa vô cùng an lòng.

Khi Hoàng thượng sủng ái Thục Phi, Hoàng hậu nương nương không dễ chịu gì cho cam, Đại trưởng công chúa lại mất uy vì chuyện hoang đường của Phò mã nên Hoàng hậu nương nương thỉnh thoảng lại kéo Trưởng công chúa Bảo Khánh vào cung ở để nghe bà ấy kêu khổ, giải tỏa giúp bà ấy. Rồi đến khi Trưởng công chúa được nhàn rỗi quay về, chẳng biết từ khi nào Trần Lạc đã biến thành một đứa trẻ nóng tính, dễ giận dễ đa nghi, mở miệng ra là khiến người ta sặc chết, như nước và lửa, không thể ăn một mâm, ngồi một chỗ với Trần Giác.

Nhưng dù là Trần Lạc trước kia hay bây giờ thì đều chưa từng tỏ ra mệt mỏi trước mặt bà như lúc này, như thể trên lưng chàng đang cõng một ngọn núi lớn.

Nước mắt của Trưởng công chúa đột nhiên rơi lã chã.

- Con muốn trả thù Trần Giác ư? Hay thật sự muốn làm Trấn Quốc công? - Bà không hề muốn Trần Lạc lội vào cái vũng nước phủ Trấn Quốc công này, lãng phí cuộc đời cho những con người đó, nó không đáng.

Trần Lạc cảm thấy mẫu thân hết thuốc chữa rồi, người mình chảy máu đầm đìa mà còn rảnh hơi thương hại người khác sống khổ.

- Khác nhau ở đâu à? - Chàng lại chất vấn Trưởng công chúa. - Con muốn trả thù Trần Giác, lấy đi ước vọng của Trần Anh chính là trả thù lớn nhất với tỷ ta. Còn nếu con thật sự muốn làm Trấn Quốc công thì Trần Giác cũng tức chết. Nếu người có bản lĩnh, hãy nói cho con biết rốt cuộc phụ thân đã nắm được nhược điểm gì của người...

- Chuyện không như con nghĩ đâu. - Trưởng công chúa nhịn không được phải nói. - Ta không sợ phụ thân con, mà là ta không muốn liên quan gì hết tới họ Trần đó.

Nhìn cũng không muốn nhìn! Nghe cũng không muốn nghe! Bà cứ nghĩ đến việc Hoàng thất mình nhắm vào Trần Ngu thì không thể chịu nổi. Nếu con của bà làm Trấn Quốc công, chẳng phải cả đời bà sẽ bị nhốt trong cái nhà họ Trần đó, muốn không quan tâm cũng không được?

Nhưng quả thật con trai bà đã phải chịu thiệt suốt mấy năm qua. Trưởng công chúa ngẫm nghĩ, nếu nói chuyện này với Hoàng thượng, bà phải nói thế nào, nói lúc nào phù hợp? Những chuyện Trần Ngu làm trong mấy năm gần đây chẳng phải cũng vì muốn Trần Anh kế thừa gia nghiệp ư? Nếu ông ta biết, chắc chắn sẽ không chịu để yên.

Dù bà không sợ ông ta, nhưng nếu hai người không quan tâm tới thể diện thật thì sẽ chỉ khiến Trần Lạc thành trò cười.

Trưởng công chúa nhìn con trai.

Trong lòng Trần Lạc như bùng lên ánh lửa. Chàng không hiểu mẫu thân phải sợ cái gì? Dù có tư tình với Kim Tùng Thanh thì đã sao? Chẳng lẽ phụ thân lại rêu rao mình đội nói xanh? Những chuyện như này chỉ cần Hoàng thượng không truy cứu thì người khác nói gì cũng vô dụng. Thay vì thỏa hiệp với phụ thân, sao không nghĩ cách lôi kéo Hoàng thượng giúp mình?

Hai đầu mày của Trần Lạc hiện ra vẻ bực dọc, chàng chẳng buồn đợi mẫu thân lo trái lo phải nữa mà thẳng thừng, thậm chí có hơi quá đáng:

- Mẫu thân, ngay cả con cũng không biết chuyện của người và Kim Tùng Thanh thì tại sao Trần Giác lại biết? Ngày đó khách đông, Nhị Hoàng tử đột nhiên đến, ngay cả con cũng cho rằng người đang tiếp Thụ Phi nương nương thì sao Trần Giác lại biết người đi gặp Kim Tùng Thanh? Nếu con vẫn đang tuổi tóc để chỏm, chắc chắn sẽ cảm thấy Trần Giác rất lợi hại, không gì qua mắt được tỷ ta.

Nhưng giờ con đã làm ở trong cung, biết quyền lực của phụ thân lớn bao nhiêu, có thể kiểm soát nội trạch đến đâu. Nếu nói Trần Giác làm thế mà không có phụ thân ở sau giật dây thì dù người tin, con cũng không tin.

Nếu không, mẫu thân đã chẳng quay lại Oanh Chuyển Quán, điều tra người bên cạnh bà.

Chàng nhếch môi, nói tiếp:

- Ai cũng có mục tiêu. Trước đây, con nghĩ mãi không rõ tại sao phụ thân lại dung túng để Trần Giác gây sự với con. Giờ con vẫn không rõ, nhưng con nghĩ trên đời này làm gì có chuyện không có nguyên do. Con đã không hiểu phụ thân, vậy không cần hiểu nữa. Con chỉ cần biết, sau này con và Trần Giác xảy ra xung đột, ai sẽ được lợi, phụ thân muốn làm gì. Người nói đi, rốt cuộc sẽ thế nào?

Trưởng công chúa đã khóc không thành tiếng.

Trần Lạc và Trần Giác xảy ra xung đột, ai sẽ được lợi?

Đương nhiên là Trần Anh.

Hắn im lặng, mọi người sẽ cho rằng hắn bị kẹp giữa tỷ tỷ và đệ đệ. Nhưng nào ai biết sau mỗi lần Trần Anh và Trần Giác xảy ra xung đột, Hoàng thương lại cảm thấy Trần Anh khó sống. Không thì cớ gì Trần Anh lại được làm trong Vũ Lâm vệ?

- Ta sẽ giúp con hỏi Hoàng thượng. - Trưởng công chúa nức nở lấy khăn tay lau nước mắt trên mặt. - Chỉ là ta phải nói rõ với con chuyện này. Coi như ta ra mặt, chưa chắc Hoàng thượng sẽ đồng ý cho con làm Thế tử Trấn Quốc công.

Trần Lạc nghe mà sửng sốt hồi lâu.

Tuy nói chàng đi xin mẫu thân nhưng thật ra không có hy vọng Trưởng công chúa sẽ đồng ý. Nay chàng đã muốn tranh đấu với Trần Anh thì không thể không mở rộng quan hệ xã giao, thay vì để mẫu thân nghe được chuyện của chàng từ miệng người khác, chẳng thà tự mình nói sớm cho mẫu thân, không nhỡ lúc ấy mẫu thân lại không vui, hục hặc khiến người ngoài chê cười.

Nhưng Trưởng công chúa lại tưởng Trần Lạc đang trách mình không hết lòng. Bà không khỏi thở dài một hơi, ngẫm nghĩ rồi nói rõ ngọn nguồn với chàng:

- Từ thời khai quốc đến nay, Quốc công chỉ còn lại ba người, trong đó có mỗi Trấn Quốc công nắm thực quyền, còn hai nhà khác chỉ là hư danh. Con nghĩ ta không coi trọng tước vị này nhưng lại không biết chỉ có mấy nhà như phủ Trấn Quốc công, phủ Thanh Bình Hầu là có năng lực.

- Năm đó vì để kìm hãm phủ Khánh Vân Hầu mà cữu cữu của con đã gả ta vào phủ Trấn Quốc công. Nhưng con nào biết, đâu phải cữu cữu của con chỉ muốn dùng tước vị Trấn Quốc công làm mồi nhử để trấn an thần tử!

Trần Lạc kinh sợ, trứng mắt nhìn Trưởng công chúa vẫn tươi trẻ như hoa.

Trưởng công chúa cười gượng:

- Con tưởng ta chỉ biết ăn uống chơi bời, tiệc tùng du ngoạn thôi à? Cữu cữu của con không muốn đứng ra tranh vị trí Thế tử Trấn Quốc công cho con là ta đã nghi rồi. Cơ mà ta không hiểu tại sao cữu cữu của con lại sợ phụ thân con quay sang cùng phe với phủ Khánh Vân Hầu? Chẳng lẽ muốn chuẩn bị cho Thái tử tương lai? Chuyện con muốn làm Thế tử Trấn Quốc công, chúng ta vẫn phải bàn kỹ hơn.

Trần Lạc hoang mang đáp lời, lòng rối như tơ vò, không biết phải thế nào.

Chàng tất nhiên biết Hoàng thượng kiêng dè điều gì, thậm chí có thể nói, mọi người trong triều đều biết Hoàng thương kiêng dè điều gì. Khánh Vân Hầu tránh né suốt những năm nay, ngay cả chuyện lập trữ cũng không dám tùy tiện nhắc lại chẳng phải vì sợ Hoàng thượng tức giận, cho rằng ông ta tự cao tự đại, can dự triều chính sao?

Chàng nghĩ tới Hoàng thượng không muốn đứng ra giúp mình, nhưng không nghĩ tới chuyện Hoàng thượng sẽ dùng tước vị Trấn Quốc công để chuẩn bị cho Thái tử tương lai. Chàng lại nghĩ tới bột hương không rõ nguồn gốc trong cung Càn Thanh. Trần Lạc bất giác siết chặt nắm đấm, chàng những tưởng chuyện này có thể tạm gác lại, nhưng xem ra, giờ chuyện này có lẽ mới là chuyện quan trọng nhất.

Mẫu thân có thể nghĩ tới nước này, vậy phụ thân chắc chắn cũng nghĩ tới. Thế nên phụ thân không vội phong Trần Anh làm Thế tử, kéo theo hôn sự của Trần Anh cũng rất quan trọng.

Trần Lạc cảm thấy đau nhói nơi bàn tay. Chàng biết tay mình đã siết quá chặt, móng tay đâm rách da. Nhưng thế thì có làm sao? Khi chàng đang ôm những ý nghĩ tiêu cực về chuyện này thì còn có gì mà chàng không nghĩ ra được nữa? Có gì mà chàng thể nghĩ ra được nữa?

Trần Lạc từ từ đứng dậy, mở cửa sổ ra.

Giữa trưa, nắng hè nóng cháy như cột nhiệt rọi xuống nền đá ngoài sân rồi phản ra ánh sáng chói lóa.

*

Đằng kia, Vương Hi không nhìn chằm chằm Phùng đại phu thì cũng ngóng đại chưởng quỹ. Tiếc là cả hai bên đều không có tiến triểu gì.

Nàng ghét thời tiết quá nóng nên đã chuyển ghế đu ở ngoài hiên vào trong, ngày ngày bàn bạc mở tiệc mời khách với Bạch Quả.

Cây nho nàng kêu Vương Hỉ trồng muộn nên giờ mới mọc được mấy nhánh con, thành ra giàn nho dựng sẵn lại để cho Hương Diệp chơi. Cả ngày nó leo lên leo xuống, dọa người trông hú vía, phải cầm cá khô gọi "meo meo meo" dụ nó xuống.

Lúc Thường Kha vào thấy cả hội vây quanh một người một mèo, tưng bừng vô cùng thì nhịn không được bật cười.

Vương Hi mừng ra mặt, lập tức đứng dậy đón:

- Không phải mọi người đều bận giúp Thi Châu bày trí Tình Tuyết Viên ạ, sao tỷ lại rảnh qua đây thế?

Rồi nàng sai Bạch Truật đi lấy quả ướp lạnh và điểm tâm lên mời Thường Kha.

Thường Kha không khách sáo, ngồi xuống ghế cạnh nàng, nhấp một ngụm trà, thở dài một hơi rồi cười nói:

- Chúng tỷ đều bận. Nhưng đầu tiên là Nhị tỷ bận chuyện của tỷ ấy, hôn sự của tỷ ấy đã quyết rồi, Đại bá mẫu bắt tỷ ấy thêu thùa may vá mỗi ngày, làm tỷ ấy không có thời gian rảnh. Còn cả Phan tiểu thư nữa, thái phu nhân nhà kia muốn đến miếu tạ thần, làm ba pháp sự đã đành, lại còn muốn chép tay "Kim Cương kinh". Lưu phu nhân và nữ quyến bận không hết việc nên đã mời Phan tiểu thư theo, do đó tỷ ấy bận chuẩn bị đi lễ suốt mấy ngày nay. Chỉ còn Tam tỷ và tỷ. Cơ mà mấy ngày trước, Tứ công tử phủ Tương Dương Hầy ngã ngựa, Tam tỷ muốn đi chùa thắp hương, định đi cùng Phan tiểu thư luôn. Còn một mình tỷ, xuất thân thấp, lại không hợp tính nhau thì có thể làm gì?

Lúc nói câu cuối này, giọng tỷ ấy nghe có vẻ tức lắm. Chắc đã xảy ra chuyện gì đó?

Vương Hi tất nhiên sẽ không táy máy. Thường Kha và nàng là biểu tỷ muội, và Thi Châu cũng thế. Thường Kha muốn kể, nàng sẵn lòng nghe, còn nếu Thường Kha không muốn kể thì nàng sẽ coi như không hiểu.

Vương Hi chỉ hối tỷ ấy ăn quả:

- Vải mới chuyển từ Quảng Đông tới đó, suốt dọc đường đều ướp lạnh, hương vị vẫn rất tươi.

Thường Kha thấy nàng khoan khoái vui tươi thì lời sắp ra khỏi miệng lại cảm thấy không ổn, đành chú tâm cùng Vương Hi ăn quả, buôn chuyện:

- Khi nào muội mở tiệc? Cần tỷ hỗ trợ gì không? Cái khác tỷ không biết thế nào nhưng việc chuyển hoa cắt cỏ thì vẫn vô tư.

Vương Hi nào có thể để Thường Kha bê hoa cắt cỏ giúp mình. Nàng bèn chiêu đãi Thường Kha món thạch băng mà nữ đầu bếp mới làm,

Thạch óng ánh mát lạnh, cho thêm nước đường phèn, trộn với đậu đỏ, dưa xanh, xoài vàng, lê trắng rồi ngâm trong nước giếng, đựng bằng bát lưu ly, vừa cho vào miệng đã thấy ngọt tận tim, mát cả lòng, xua tan cái nóng ngày hè biết bao.

- Ngon lắm! - Thường Kha khen một câu rồi lại ăn một thìa lớn.

Vương Hi mím môi cười:

- Đó là món ăn vặt chỗ muội, dùng sắn dây và quả. Nhưng không thể ăn nhiều, trong này trộn ít bột vôi. Lần nào ăn muội cũng cảm thấy như đang ăn thuốc độc, mà trái khoái cái là vẫn thích ăn, hè năm nào cũng phải ăn mấy lần mới chịu.

Ở kinh thành cũng bán, nhưng Thường Kha không biết trong này có trộn bột vôi. Nửa bát thạch mát lạnh kia, ăn cũng không trôi mà không ăn cũng không được, cuối cùng tỷ ấy nghĩ nghĩ rồi giống như Vương Hi. Bao nhiêu năm mọi người đều ăn như thế, chắc ăn ít thì sẽ không có chuyện gì đâu ha? Thế là tỷ ấy vô cùng vui vẻ ăn nốt nửa bát thạch còn lại.

Hai người lại nhắc đến chuyện mở tiệc.

Theo ý Thường Kha, chỉ mời Ngô Nhị tiểu thư, Lục Linh và Phan tiểu thư là được rồi, còn Bạc Lục tiểu thư thì khả năng là mời khách sáo, chưa chắc sẽ tới, chào hỏi thôi, nàng ấy muốn tới thì tới, không muốn cũng không ép.

Mà theo tính của Vương Hi, nàng sẽ không mời Bạc Lục tiểu thư. Nhưng nàng đã đồng ý giúp Trần Lạc nghe ngóng hôn sự của Trần Anh nên thật sự cần làm quen với các tiểu thư này. Đừng nói là Bạc Lục tiểu thư, mà ngay cả các tiểu thư của phủ Tương Dương Hầu cũng phải có thiệp mời.

Hai người vừa ăn bánh đậu xanh mà nữ đầu bếp của Vương Hi mới làm, vừa bàn xem nên mời ai.

Vương Hi hơi rốt ruột.

Bên Phùng đại phu vẫn chưa có tin tức, đằng đại chưởng quỹ đồng ý giúp Trần Lạc tìm phụ tá cũng không phải chuyện một sớm một chiều, dò hỏi hôn sự của Trần Anh cũng không thể xong trong một lần. Mà ngày mai Thi Châu sẽ mở tiệc tiếp đón công chúa Phú Dương, Thi Châu đã đánh tiếng từ lâu, này là cơ tốt để quen quý nữ kinh thành, các tiểu thư của phủ Vĩnh Thành Hầu nên ăn vận xinh đẹp để thể hiện, dù là cho hôn sự của bản thân hay cho mối quan hệ sau khi xuất giá thì đều tốt. Vương Hi đang tính lúc đó sẽ lấy cớ được nằm mát trong sân của mình.

Nghĩ tới đây, nàng chợt nhớ tới những gì Thường Kha vừa nói, không kìm được tò mò hỏi:

- Hôn sự của Nhị tiểu thư quyết khi nào thế? Sao không thấy nói gì? Vừa mới quyết hay định quyết?

Định quyết, không nói gì thì còn nghe được. Nhưng nếu đã quyết, hôn sự không thể thay đổi mà không nói tiếng nào thì đến ngày mừng sẽ chẳng có ai đi góp vui, hai đằng đều mất mặt. Thế này hơi lạ rồi.

Mục đích Thường Kha đến là để nói chuyện này cho Vương Hi biết, nhưng lại bị một bát thạch lạnh, một đĩa đậu xanh của Vương Hi mê hoặc nên quên mất. Tỷ ấy lập tức hạ giọng, thì thầm vào tai Vương Hi.

- Mẹ chồng của Đại tỷ làm mối. Nhà kia họ Hoàng, tuy gia chủ nhà đó chỉ là một võ quan lục phẩm nhưng đi từ thi võ, có không ít gia sản. Người đính hôn với Nhị tỷ là con thứ nhà họ, nghe nói còn trẻ đã thi võ đỗ cử nhân. Đại bá mẫu rất ưng. Đại bá phụ và bà nội đều không ý kiến gì. Còn Nhị tỷ lại làm om sòm mấy lần liền. Nhưng Đại bá mẫu quyết muốn gả Nhỉ tỷ đi rồi, trước đó mà không chính thức quyết thì sẽ không công khai.

Vương Hi chưa gặp Đại tiểu thư phủ Vĩnh Thành Hầu, không biết tỷ ấy là người thế nào nên không có nhận xét gì về hôn sự này.

So với phủ Vĩnh Thành Hầu, đúng là họ Hoàng đó hơi thấp. Nhưng Vĩnh Thành Hầu và thái phu nhân đều không có ý kiến thì thật sự khiến người ta phải suy nghĩ nhiều. Vương Hi hỏi Nhị công tử nhà họ Hoàng trông thế nào, bao nhiêu tuổi, trong nhà còn có những ai.

Thường Kha câu được câu không, nhưng tỷ ấy lại kể thêm một chuyện:

- Nghe đồn họ Hoàng lập nghiệp từ buôn lương thực, trước kia từng làm ăn với phủ Khánh Vân Hầu, thế nên mới kiếm được đầy bồn đầy bát, không thì nhà họ đã chẳng thể cho con cháu đọc sách tập võ, làm quan ngồi phủ chỉ với nghề vận hàng.

Vương Hi thầm nghĩ.

Thường Kha lớn lên trong Hầu phủ nên tất nhiên không hiểu chuyện làm ăn. Nhưng nàng lại mưa dầm thấm đất. Sở dĩ có dẫn muối* này kia cũng tại vì lương thực vận chuyển bằng đường thủy từ Nam ra Bắc qua chín biên ải đều trong tay thương nhân, những thương nhân đó chịu thất thoát trong quá trình vận chuyển lương thực đến chín biên ải, sau đó dùng lương thực đổi giấy phép buôn muối, rồi lại đến chỗ khai thác muối đổi với quan muối, cuối cùng bán cho người dân.

Chứng nhận được phép buôn bán muối. Muối là thứ không thể thiếu trong cuộc sống và triều đình độc quyền mua bán, phân phối. Nhưng đến thời nhà Tống đã dần hình thành quy chế "dẫn muối", cho phép thương nhân dùng tiền mua lại muối từ triều đình. Đến thời nhà Minh, do tình hình biên quan thiếu lương thực nên các thương nhân có thể vận chuyển lương thực đến vùng biên quan và đổi lấy "dẫn muối".

Làm ăn trung gian thế này kiếm không biết bao nhiêu cho kể.

Như họ Hoàng kia năm đó dựa vào phủ Khánh Vân Hầu, kiếm đầy bồn đầy bát cũng không có gì lạ.

Nhưng nếu thế thì có lẽ phủ Khánh Vân Hầu kiếm còn được nhiều hơn. Vương Hi chợt nghĩ đến bổn triều có vị quốc cữu kiếm được khoản lớn từ việc đầu cơ trục lợi cắt xém quần áo của Bộ Binh. Mà so với vị quốc cữu này, phủ Khánh Vân Hầu hiển nhiên là nhiều chiêu trò hơn rồi.

Vương Hi bế Hương Diệp đang nhảy chồm vào lòng, gãi gãi cằm, làm Hương Diệp sướng phơi cái bụng ra và kêu "meo meo". Bấy giờ, nàng mới nói tiếp:

- Phủ Khánh Vân Hầu làm quốc cữu hai đời, ở kinh thành không được coi là giàu nhất thì cũng giàu nhì.

- Đúng thế. - Thường Kha hơi bất ngờ khi thấy Vương Hi nói những chuyện này, tỷ ấy gật đầu. - Nhà họ biết đánh giặc. Ông nội tỷ nói, chỉ có đánh giặc mới kiếm lời nhiều nhất. Muội trông phủ Thanh Bình Hầu ấy, nhiều người như thế nhưng mỗi cô nương nhà họ xuất giá đều có năm ngàn lượng bạc của hồi môn, con trai thành thân thì có ba ngàn, riêng đất ở kinh thành đã có hơn ngàn mẫu. Thế nên cũng có không ít người châm chọc...

Vương Hi ngạc nhiên hỏi:

- Phủ Khánh Vân Hầu biết đánh trận á?

Thế tiền của nhà họ từ kinh doanh hay từ đánh trận thế?

Thường Kha cười nói:

- Không lẽ muội không thắc mắc tại sao cô nương nhà họ khi xuất giá lại có năm ngàn lượng bạc của hồi hôn, con hơn tiền con trai cưới vợ à?

Vương Hi dửng dưng đáp:

- Con gái qua nhà chồng vốn đã khổ hơn rồi. Của hồi môn của con gái khi xuất giá cao hơn tiền con trai cưới vợ thì có gì lạ?

Thường Kha ngượng ngùng:

- Tỷ những tưởng có mỗi phủ Thanh Bình Hầu như vậy, không ngờ nhà muội cũng thế. Nhưng từ bé tới giờ, tỷ mới chỉ gặp hai nhà, còn những nhà khác, thôi khỏi nhắc đến nhà khác làm gì, như nhà mình này, cô nương xuất giá chỉ được cho năm trăm lượng bạc, con trai thành thân thì lại được cho một ngàn năm trăm lượng.

Vương Hi cười không ngớt, nói:

- Giờ tỷ bao tuổi, sau này còn gặp bao việc? Từ từ mới biết cũng không có gì lạ.

Thường Kha gật đầu.

Nhưng lại không biết cuộc đời còn lại của nàng tuy dài mà chỉ có quan hệ với hai nhà này. Đương nhiên, không tính nhà mình và nhà Vương Hi trong đó, tỷ ấy luôn rằng tỷ ấy và Vương Hi đều được họ Vương chở che.

Tỷ ấy nhắc đến phủ Khánh Vân Hầu:

- Quê gốc của Bạc Lục tiểu thư ở Cam Túc. Ông sơ của Bạc Lục tiểu thư làm tướng quân du kích dưới trướng của Ngô gia phủ Thanh Bình Hầu, vì có chiến công nên được làm Tổng binh Sơn Đông. Ông cố của Bạc Lục tiểu thư thì thi võ làm quan, làm Chủ bạc ở phủ Đô đốc Ngũ quân, sau đó dẫn cả nhà đến kinh thành định cư. Thời Hoàng đế Hiếu Tông, bà cô nhà Bạc Lục tiểu thư mới đủ tư cách tuyển tú vào cung, đầu tiên được phong Mỹ nhân, sau là Tần phi, cuối cùng được lập Hậu. Bấy giờ, họ Bạc chính thức phất lên đứng đầu đương triều.

- Nhưng tên tuổi của họ Bạc rạng rỡ không phải dựa vào thân phận quốc cữu. Ông nội của Bạc Lục tiểu thư cũng thi võ làm quan. Năm ấy, phủ Thanh Bình Hầu đánh nhau với quân Phiên ở Kim Xuyên, mất cả bảy đại tướng lẫn mười thành, Hoàng thượng giận dữ, phái ông nội của Bạc Lục tiểu thư đến khiển trách. Ai ngờ khi ông nội của Bạc Lục tiểu thư đến nơi thì cũng bị quân Phiên vây công với Thanh Bình Hầu. Ông ấy tức giận vô cùng, cướp luôn ấn soái của Thanh Bình Hầu, đổi tướng ngay lúc đó, không chỉ mở đường rời thành, mà còn không cần triều đình phát thêm viện binh nhưng vẫn có thể lấy lại sáu thành bị mất, đuổi quân Phiên đến tận chân thành quân địch, được Tiên đế phong Đại tướng quân chinh Tây.

- Bao năm rồi người Phiên không xâm chiếm Trung Nguyên chính nhờ công lao của ông nội Bạc Lục tiểu thư. Nhưng lúc ấy phủ Khánh Vân Hầu như mặt trời ban trưa, Bạc Thái hậu lại được phong Hậu, người họ Bạc để tránh tị hiềm nên không khoa trương, rất nhiều người không biết trận Kim Xuyên thật ra do lão Khánh Vân Hầu cầm binh. Lão Khánh Vân Hầu cũng vì trận này mà trọng thương, bệnh nhiều năm rồi đi.

- Bởi vậy, phụ thân của Bạc Lục tiểu thư vững chân trong phủ Đô đôc Ngũ quân, phủ Thanh Bình Hầu cứ chạm mặt phủ Khánh Vân Hầu là lại hơi cụt hứng.

Thường Kha nói đến đây rồi bật cười mấy tràng, sau đó mới tiếp:

- Ông nội khi còn sống thường càm ràm về Bạc gia, rằng gì mà "Tướng ngoài biên ải có cái không theo lệnh quân", lão Khánh Vân Hầu giảo hoạt gian trá, ai biết ông ta đánh tới chân thành Thổ Phiên hay đã tắm máu vương triều Thổ Phiên rồi, không thì nhà đấy làm gì mà có nhiều tiền thế? Nhưng tỷ lại cảm thấy đó là ông nội ghen ghét lão Khánh Vân Hầu tài giỏi, có thể cho vợ phong hào, cho con tập ấm, hơn nữa còn có thể kiếm tiền về túi. Hai thúc phụ của Bạc Lục tiểu thư đều nhậm chức Chỉ huy sứ quan tứ phẩm có thể tập ấm. Một trong hai người đó còn từng thi võ đỗ cử nhân đó!

Bảo sao Hoàng thượng không dám làm căng.

Vương Hi chiều Hương Diệp, gãi gãi bụng cho Hương Diệp. Mãi đến khi Hương Diệp kêu "rừm rừm" híp mắt buồn ngủ, nàng mới đưa nó cho tiểu a hoàn, rồi tiếp chuyện Thường Kha:

- Nếu vậy, mối hôn sự của Nhị tiểu thư cũng không tệ lắm! Đằng kia là con thứ, tỷ ấy không cần phải quản gia, vừa hay hợp với tính của tỷ ấy.

Tính của Thường Ngưng đúng là không hợp làm dâu trưởng.

Thường Kha nói:

- Cơ mà không biết họ Hoàng còn qua lại với phủ Khánh Vân Hầu không? Nhưng Đại tỷ là người cẩn thận, chắc chắn sẽ không để Thường Ngưng tủi thân. Tỷ cũng không biết Thường Ngưng làm mình làm mẩy cái gì. Nhưng nếu tỷ là Đại bá mẫu thì cũng nhốt tỷ ấy ở trong phòng như thế. Nhỡ không may tỷ ấy lỡ miệng trước mặt Công chúa Phú Dương thì càng mất mặt.

Vương Hi cũng nghĩ thế. Hai người thì thầm to nhỏ. Vú Thi theo hầu thái phu nhân nhẹ nhàng đi tới để hộp đồ ăn xuống, bày bảy, tám loại điểm tâm ra, còn báo thái phu nhân mời nàng qua dùng bữa tối, thấy Thường Kha ở đây, tiện cũng mời Thường Kha, nhưng chỉ là lời mời khách sáo xã giao.

Thường Kha gọi dạ bảo vâng từ nhỏ nên không lạ chuyện nhìn sắc mặt người ta. Tỷ ấy khéo léo từ chối, còn nhắc nhẹ Vương Hi sau khi vú Thi đã đi:

- Bà nội dẹp hết mọi chuyện để lo việc tiếp đón Công chúa Phú Dương. Tối nay gọi muội qua dùng bữa chưa chắc đã là chuyện tốt. Muội cẩn thận đấy.

Vương Hi cảm kích gật đầu, thống nhất danh sách với Thường Kha rồi giao cho Bạch Truật, bắt đầu viết thiệp mời. Mà vốn dĩ nàng cũng định qua báo cho thái phu nhân một câu, để còn biết mai phải đến Tình Tuyết Viên không.

Làm thân với một người chẳng quen biết gì, còn phải nịnh nọt không để mất lòng người ta thì quá là khó chịu. Vương Hi cũng tự cảm thấy mình vì Thi Châu mà giận chó đánh mèo lên Công chúa Phú Dương. Nhưng ai bảo nàng và Thi Châu không ưa nhau?

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro