{ 44.1 } NGA MI TRĂM NĂM

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

🔴 Tác giả:

▪️ Thời gian có thay đổi, trận ở Bộ Ngư Nhi và thời gian Vương Bảo Bảo mất đều được đẩy lên sớm hơn. Kết OE có lẽ cũng là một khởi đầu mới cho cả hai.


🐾🐾🐾


Hoa nở hoa tàn, tàn rồi lại nở. Thiếu niên lang bạt nay đã già, mái tóc hồng nhan cũng sương pha.

Thành Tương Dương thất thủ, cha mẹ, huynh đệ tử trận, tỷ muội ly tán, tìm kiếm Đồ Long Đao không có kết quả, thiên hạ đã không còn tin tức về Thần Điêu Hiệp Lữ, Quách Tương thường cảm thấy giữa trời đất bao la chỉ trơ trọi mình nàng cùng thanh kiếm, quãng đời còn lại dài mênh mang, sao cô tịch vô biên.

Bốn chữ 'Lưu Di Tương Nữ [1]' trên chiếc nhẫn sắt luôn khiến đáy lòng nàng xoáy từng trận phong ba của chua xót và đau đớn. Nàng thà rằng trên đó khắc 'Tinh Trung Báo Quốc', những lời hào hùng như thế để thúc giục bản thân mà không dính líu đến bất kỳ tình cảm riêng tư nào, nhưng mẹ nàng - Hoàng Dung - lại để cho nàng mãi mãi là hai chữ 'Tương nữ' thân thương, tuy không nói thêm lời nào, nhưng luôn khiến nàng dù đã có tuổi vẫn còn rơi lệ vì tưởng nhớ người thân đã khuất.

[1] Nghĩa là vật để lại cho con gái Quách Tương.

Trên giang hồ lại có đồn đại về Đồ Long Đao, có người nói từng thấy đao này ở Xuyên Đông [2], thế là Quách Tương tức tốc từ phương bắc bôn ba đến tây nam. Biết rõ phần lớn lại là một hồi công cốc, nàng vẫn bấu víu vào chút hy vọng mỏng manh đó, dẫu sao thân nàng cô độc, không nhà không cửa, thứ duy nhất có chính là thời gian.

[2] Phần phía đông của Tứ Xuyên.

Nhờ nhân duyên trùng hợp, Quách Tương ở trọ chùa Tín Tương của Thành Đô được đôi ngày, vị trụ trì bắt gặp sầu muộn khó cởi giấu trong đôi mắt nàng, bèn tại trước Phật kể cho nàng nghe hai câu chuyện. Một là 'sự tích Thi Tỳ Vương'. Thi Tỳ Vương chính là một kiếp của Thích Ca Mâu Ni trước khi thành Phật. Tâm ngài thiện lương, bảo vệ một chú bồ câu nho nhỏ bị diều hâu đói truy đuổi, diều hâu liền nói với ngài - "Ngài muốn cứu sống bồ câu, tôi sẽ không có thịt ăn mà chết đói, lẽ nào ngài không thương xót tôi sao?". Thi Tỳ Vương bèn dùng một cái cán cân, một bên cân bồ câu, một bên đặt thịt cắt từ trên đùi mình sao cho trọng lượng đôi bên tương đương, coi như dùng máu thịt của bản thân để đổi lấy mạng chú chim bé nhỏ. Nhưng lạ thay, con chim đó trở nên nặng khác thường, Thi Tỳ Vương dù cắt hết thịt đùi, thịt tay cũng không bì kịp trọng lượng của bồ câu cho được. Thế là ngài dùng hết sức lực đặt cả thân mình lên cán cân, ý định lấy sinh mệnh để đền bù. Cuối cùng đại địa chấn động, diều hâu và bồ câu đều thoắt mất, hóa ra tất cả đều là một cuộc thử lòng do thần linh sắp đặt. Câu chuyện thứ hai là 'sự tích thái tử Tu Đại Noa', kể rằng thái tử rất hay làm việc thiện, phàm có người van xin, không gì không đáp ứng. Ngài đem bảo vật quốc gia là con voi trắng bố thí cho nước địch, vì vậy bị quốc vương đuổi đi, bèn mang theo vợ con bốn người ngồi xe ngựa vào núi, trên đường gặp hai kẻ xin ngựa, ngài liền cho luôn cả ngựa. Ngài và vợ mỗi người bế một con tiếp tục đi tới, gặp người xin áo, ngài lại đem áo cho. Sau khi xe ngựa, tiền bạc đều bố thí hết, cả nhà cuối cùng trú ngụ trong núi. Một hôm nọ, lại có người đến xin con, hai đứa trẻ vội vàng trốn đi, nhưng thái tử Tu Đại Noa vẫn tìm ra chúng, dùng dây trói lại đưa cho người ta. Bọn trẻ lưu luyến cha mẹ không chịu rời, người xin con dùng roi đánh chúng máu me đầy mình, thái tử thấy vậy đau lòng, nhưng vẫn để bọn trẻ bị dắt đi. Đế Thích còn muốn thử thêm về lòng bố thí của thái tử, xin thái tử phi, thế là Tu Đại Noa cũng cho đi. Cuối cùng Đế Thích khôi phục nguyên hình, trả lại tất cả những gì thái tử đã bố thí, giúp cả nhà họ về hoàng cung, thái tử rốt cục tu thành công đức viên mãn.

Quách Tương nghe xong hai câu chuyện, ban đầu thấy hoang đường, ngẫm kỹ thì dường như tất cả là hiện thực nhân gian. Gia tài, y phục bị tước đoạt, con cái ruột thịt bị dắt đi, kẻ xâm lăng đang uống cạn máu thịt trên mảnh đất này. Cha mẹ anh hùng của nàng dùng cả đời để ngăn chặn thảm cảnh ấy xảy ra, nhưng cuối cùng vẫn không thể cản nổi vó ngựa Mông Cổ, còn bản thân nàng thì sao? Lưu lạc nửa đời, cái gì cũng làm không được, cái gì cũng không cải biến được, Quách Tương thở dài thườn thượt, bi thương ngâm nga - "Có biết giặc Hồ gieo rối rắm, sao chờ xuân mãn mới hồi viên. Tiêu Tương đừng chán chê người vắng, nước ngập bờ rêu lúa nổi lền.... [3]".

[3] Giải thích ở bình luận 👉

Lão tăng lại bình thản nói - "Khổ nạn vốn là quy y [4]. Nghiệp có ba báo, một là hiện báo, hai là sinh báo, ba là hậu báo. Hiện báo, thiện ác bắt đầu từ thân này, sướng khổ đều do thân này chịu. Sinh báo, kiếp sau liền chịu. Hậu báo, hoặc hai đời hoặc ba đời, trăm ngàn vạn đời, sau đó mới chịu".

[4] Ý là chính những trải nghiệm đau khổ, khó khăn trong cuộc sống có thể giúp con người thức tỉnh, nhận ra những giá trị đích thực và tìm thấy con đường đúng đắn cho mình.

"Phải rồi, nhất định là có báo ứng. Nếu không thì làm sao giải thích người tốt trên đời sống không lâu, kẻ xấu lại chiếm hết thượng phong, bách tính bình thường không giữ nổi nhà cửa, cuộc đời lận đận toàn là bi ai? Ta nghĩ, người nhà của ta và Dương đại ca kiếp sau nhất định sẽ sống vô cùng hạnh phúc, còn bọn ác ôn kiếp sau sẽ làm trâu làm ngựa" - Quách Tương nói xong, lòng nhẹ nhõm đi nhiều.

Nàng ngẩng đầu nhìn pho tượng Phật cao lớn trong điện, thấy Phật không hề tỏ ra hỉ nộ sầu bi, chỉ lặng lẽ quan sát thế gian bằng nụ cười tỏ tường mọi lẽ. Cao minh ngần ấy, siêu thoát ngần ấy, đã khiến cho tâm hồn một kẻ nước mất nhà tan, vỡ mộng tương tư như Quách Tương nàng bình yên lạ thường.

Về sau, nàng quy y thụ giới tại chùa Tín Tương, tĩnh tâm tu hành, ngày đêm thắp hương cầu khấn, những mong làm chút gì cho người thân, cho Dương đại ca và bách tính trong thiên hạ. Nhưng đồng thời, tìm kiếm Đồ Long Đao vẫn là chuyện nàng chưa từng từ bỏ, đôi khi lại dùng Ỷ Thiên Kiếm hành hiệp trượng nghĩa, đôi khi lại nhìn mấy chữ 'Lưu Di Tương Nữ' mà nhòe ướt lệ.

Thời điểm nhiễm lao, nhận ra thời gian cho mình không nhiều, Quách Tương buộc phải thừa nhận kế hoạch Ỷ Thiên Đồ Long không phải bằng sức một mình nàng có thể hoàn thành, vì vậy quyết tìm người kế thừa. Nghĩ tới nghĩ lui, nàng cho rằng cách tốt nhất vẫn là noi theo ông ngoại Hoàng Dược Sư khai tông lập phái, rộng rãi thu nhận môn đồ, nếu một đồ đệ chưa tài thì thu người thứ hai, thứ ba, nếu một đời đồ đệ chưa tài thì trông cậy vào đời hai, đời ba, tóm lại chí như Ngu Công dời núi, chỉ cần đồ tử đồ tôn vô cùng vô tận, võ công và binh pháp tuyệt thế rồi sẽ có ngày tái hiện trên đời, trợ giúp người Hán đánh đuổi Thát Đát, khôi phục non sông.

Từ xưa đến nay, địa bàn của các môn phái giang hồ đều dựa vào danh sơn đại xuyên [5], núi Nga Mi vốn có danh 'thiên hạ tú' [6], nức tiếng gần xa, Quách Tương cảm thấy tên núi này tràn đầy nữ tính, cũng rất hợp với mình, bèn dốc hết tiền tài mà năm xưa mẹ để lại cho mình, mua một ngôi chùa vốn có trên Kim Đỉnh, tu sửa toàn bộ chùa chiền và tượng Phật đã xuống cấp, thậm chí còn tiến hành dát vàng, một mặt là để kính Phật, mặt khác là để thể hiện khí phái, gầy dựng vị thế cho môn phái mới. Nàng lấy võ công Đào Hoa Đảo làm nền tảng sáng tạo kiếm pháp, chưởng pháp và các loại ngoại công biến hóa linh hoạt khác, lại âm thầm dùng Cửu Dương Công làm nội công cơ bản, thậm chí đắc ý cho rằng chỉ cần học xong những món võ này thì thể nào cũng hơn hẳn đám môn đồ của ông ngoại, tương lai hành tẩu giang hồ, đánh quân Mông Cổ đều chả phải việc khó nhằn, biết đâu còn có thể luyện ra thêm một Tiểu Đông Tà.

[5] Núi non hoặc con sông rộng lớn tiếng tăm.

[6] Đẹp nhất thiên hạ.

Nhưng võ học thế gian thay đổi từng ngày, bộ tâm huyết này của Quách Tương cũng không mang lại ưu thế tuyệt đối cho hậu thế, nguyện vọng lớn lao của nàng là mở rộng thu nạp môn nhân đã bị tình trạng sức khỏe suy kiệt theo thời gian mà chết yểu dần, khi qua đời đột ngột, nàng còn chưa dạy xong cho đệ tử duy nhất của mình toàn bộ Tứ Tượng Chưởng.

Khác với Quách Tương giữa đường xuất gia, Phong Lăng sư thái từ nhỏ đã có Phật trong lòng. Nàng là cô gái lương thiện, mỗi dịp lễ Phật đều đến chùa Tín Tương gần nhà nhất để tham gia pháp hội, cũng vì vậy mà gặp được Quách Tương. Nàng bẩm sinh không thông chuyện tình duyên, tuy ở độ thiếu nữ mới biết yêu nhưng lại không hứng thú chút nào với chuyện trai gái, chàng trai hàng xóm chủ động bầu bạn, thổ lộ tấm lòng, nàng tỏ ra thờ ơ, lãnh đạm, mà chàng trai kia ôm mối thất vọng cũng xuất gia tu đạo, khai sáng phái Thanh Thành, đó là chuyện sau này. Khi gặp Quách Tương, Phong Lăng sư thái đương chịu nỗi đau mất mát người thân, cha mẹ qua đời vì bệnh, gia sản kiệt quệ, nàng quỳ trước tượng Địa Tạng Bồ Tát ngày đêm nức nở, thế là Quách Tương bước tới kể cho nàng nghe câu chuyện về Thi Tỳ Vương và Tu Đại Noa. Phong Lăng sư thái nghe xong đại ngộ, quyết định quy y, xuất gia, cùng Quách Tương lên núi Nga Mi, bầu bạn với đối phương những năm tháng cuối đời.

Người con gái như ngọc như tuyết vận thân áo vàng, cưỡi con lừa xanh rong ruổi khắp cõi nhân gian nay đã hóa thành nấm mồ cô độc trên núi Nga Mi, để lại một môn phái mới lập, không danh tiếng, một di mệnh không thể hoàn thành và một đệ tử bơ vơ, lạc lõng. Phong Lăng sư thái vô cùng kính yêu sư phụ của mình, thề sẽ tiếp tục phát triển Nga Mi, từ đó càng chăm chỉ luyện võ, một thân cầm Ỷ Thiên Kiếm dấn thân giang hồ, cũng vì thế thu nhận được hai đệ tử Cô Hồng Tử và Diệt Tuyệt. Phong Lăng sư thái cho rằng đồ đệ quý ở tinh anh chứ không phải số đông, hai người này đều là những hạt giống tốt mà nàng đã dày công tuyển chọn từ muôn người, nếu may mắn có thể hoàn thành di mệnh của tiên sư, vừa hay một người cầm Đồ Long Đao, một người cầm Ỷ Thiên Kiếm, đồng tâm hiệp lực, vạn sự có thể thành.

Phong Lăng sư thái mang Cô Hồng Tử và Diệt Tuyệt trở về Nga Mi, cũng tại trước Phật kể cho họ nghe chuyện Thi Tỳ Vương và Tu Đại Noa. Cô Hồng Tử nghe xong bi thiết - "Sáng nghe đạo, tối chết cũng cam!".

Diệt Tuyệt sư thái khi đó còn gọi là Phương Diễm Thanh, nghe xong cười lớn - "Xả thân vì nghĩa, vui thay vui thay!".

Từ đó về sau, Diệt Tuyệt sư thái và Cô Hồng Tử luôn cùng nhau ra ngoài lang bạt. Hai người gánh vác sứ mệnh rạng danh Nga Mi, hễ gặp võ hội chắc chắn tham dự, hễ gặp bất bình chắc chắn ra tay, năm này tháng nọ, môn phái được biết đến rộng rãi trong giang hồ võ lâm, hai sư tỷ muội cũng đều nuôi dưỡng tính tình ghét ác như thù và lòng hiếu thắng cực kỳ mãnh liệt. Chỉ là, Đồ Long Đao vẫn chưa tìm lại được.

Tại thời điểm Phong Lăng sư thái từ bi, độ lượng sắp buông xuôi cõi trần, phái Nga Mi đã được Diệt Tuyệt sư thái và Cô Hồng Tử phát triển đến hơn trăm môn nhân. Trong việc lựa chọn người kế vị, Phong Lăng sư thái có chút do dự, đại đồ đệ si mê võ học, hành sự theo ý mình, đôi khi không đặt lợi ích môn phái lên đầu, nhị đồ đệ tính tình cố chấp, tính khí kỳ quặc, hay đẩy thân vào chỗ cực đoan nhưng luôn tôn sư trọng đạo, nghĩ tới nghĩ lui, vẫn là nhị đồ đệ có thể kiên trì di mệnh của tiên sư hơn, một chút tính xấu nhỏ nhặt thì có xá gì? Thiên hạ này nào có nhiều thánh nhân hoàn hảo như vậy? Phong Lăng sư thái nghĩ thế, đeo chiếc nhẫn 'Lưu Di Tương Nữ' lên tay Diệt Tuyệt, rồi bình thản ra đi.

Sự thật đã chứng minh lựa chọn của Phong Lăng sư thái không sai, chẳng lâu sau khi bà qua đời, Cô Hồng Tử vì tỷ võ bại dưới tay Dương Tiêu mà tức chết, thậm chí còn lạc mất Ỷ Thiên Kiếm, Diệt Tuyệt sư thái tức giận đến mức chả thèm lo hậu sự cho đại sư tỷ của mình. Hai sư tỷ muội từ nhỏ đã đồng hành, cùng vào sinh ra tử, tất nhiên là tình như thủ túc, thân mật khắng khít, nhưng theo thời gian ổn định và tuổi tác tăng lên, tính cách kỳ quặc của hai người dần dà dẫn cho tình cảm này sứt mẻ, tranh cãi trực diện và mâu thuẫn ngấm ngầm thường xuyên xảy ra. Diệt Tuyệt sư thái sau khi lên làm chưởng môn đời thứ ba của phái Nga Mi, thường xuyên chỉ trích Cô Hồng Tử là đại sư bá mà quá ích kỷ hẹp hòi, không tận tâm chỉ dạy các sư điệt, song thực chất vì Cô Hồng Tử thiếu kiên nhẫn với đồ đệ của mình. Dẫu vậy, khi hết giận, Ỷ Thiên Kiếm cũng được tìm về, Diệt Tuyệt sư thái lại bắt đầu cảm thấy cái chết của sư tỷ đối với mình giống như là một cơn trời sập, cả đời còn lại của bà khư khư mãi nỗi đau quay quắt này.

Trong lòng các đệ tử Nga Mi, Diệt Tuyệt sư thái đã dùng cả đời để phát triển môn phái từ vô danh tiểu tốt đến đông đảo môn đồ, bước vào hàng ngũ của ba phái lớn trong chốn võ lâm, có tầm quan trọng không thua kém gì Quách tổ sư. Bà thu nhận rất nhiều đồ đệ, miễn là nữ đệ tử thì đều dạy dỗ như nhau, nhưng sự quan tâm đến mỗi người đều có hạn, sau khi Cô Hồng Tử qua đời, bà càng thường xuyên mặc độc một bộ y phục vàng đất [7], đội mũ ni cô một cách cứng nhắc, không bao giờ cười với ai, nếu ai làm bà cảm thấy không vừa ý, bà sẽ giận dữ đe dọa - "Ngươi có tin ta trục xuất ngươi ra khỏi Nga Mi không!".

[7] Màu vàng đất trùng với màu áo cà sa.

Nhưng thưa thoảng cũng có một hai đệ tử đặc biệt ưu tú nhận được sự yêu mến của bà. Người đầu tiên là Kỷ Hiểu Phù, xuất thân từ gia đình võ học, thiên tư trác tuyệt, cử chỉ đoan chính, Diệt Tuyệt sư thái vừa nhìn đã thấy thích, dù cô bé này từ nhỏ đã có hôn ước, không thể xuất gia.

Chẳng lâu sau khi Kỷ Hiểu Phù nhập môn, Diệt Tuyệt sư thái đã nhận định nàng sẽ là chưởng môn đời sau, vì vậy theo truyền thống, bà tìm thời gian kể chuyện Thi Tỳ Vương và Tu Đại Noa. Kỷ Hiểu Phù không quá thích hai câu chuyện này nhưng vẫn tỏ ra kính trọng vô cùng, đồng thời phát nguyện trước Phật, hứa dùng cả đời để hoàn thành di mệnh của tổ sư, và trợ giúp sư phụ thực hiện hoài bão tiêu diệt ma giáo. Diệt Tuyệt sư thái nghe vậy vui mừng trong bụng, nhưng tính tình của bà xưa nay kiên cường, tuyệt đối không cho phép mình mảy may thể hiện một lòng yêu mến đồ nhi. Nhưng người đâu phải cây cỏ, sao có thể vô tình, cuối cùng bà đã chọn một cách đặc biệt để bày tỏ yêu thương của mình.

Diệt Tuyệt sư thái cao giọng hỏi - "Hiểu Phù, sau này con có hiếu kính với ta không?".

Kỷ Hiểu Phù đương nhiên trả lời - "Nguyện dùng cả đời phụng dưỡng sư phụ!".

Diệt Tuyệt sư thái hài lòng cười nói - "Ha ha, nha đầu này, rõ ràng bản thân muốn trốn tránh hôn ước thuở bé lại lấy sư phụ ta đây làm cớ".

Kỷ Hiểu Phù ngượng chín mặt.

Thực tế, Diệt Tuyệt sư thái quả là không muốn Kỷ Hiểu Phù gả cho Ân Lê Đình, đối với hôn sự này, thái độ của bà cùng lắm là không phản đối. Mà chính xác hơn, dù ai gả đi bà cũng không nỡ. Mặc cho Nga Mi và Võ Đang có mối quan hệ sâu sắc thì Diệt Tuyệt sư thái vẫn luôn coi thường nam nhân, mà nam nhân Võ Đang lại năm lần bảy lượt xin cưới nữ nhi Nga Mi của bà, lâu dần không khỏi có cảm giác cải thìa nhà mình bị con heo hàng xóm dòm ngó [8]. Bởi vậy, khi thấy Kỷ Hiểu Phù lộ vẻ khó xử với hôn sự và một ít lời thoái thác trên mặt chữ, Diệt Tuyệt sư thái càng mừng rỡ hơn, nói - "Thôi được rồi, nếu con có lòng hiếu thảo, không nỡ rời xa sư phụ, chúng ta sẽ để cho Ân lục ở rể".

[8] Là cách nói để ví von cô gái xinh đẹp bị đàn ông tầm thường cướp mất.

Vậy mà, bà không ngờ rằng đệ tử yêu quý của mình cuối cùng lại phải lòng kẻ thù bà căm hận nhất đời - Dương Tiêu, trong một thời gian dài bà luôn tức giận vì chuyện này, hận đến mức bất cứ lúc nào cũng không nhịn được nên mắng lên trời, mắng cây cỏ, mắng cả những con mèo tạt ngang qua - "Ngày xưa ta đã dạy ngươi thế nào, ngươi lại trả cho ta những gì? Nghiệt chướng! Nghiệt chướng! Cho dù ngươi sống lại ta cũng đánh chết ngươi lần nữa!".

Ngay cả khi đó, bà đã có Chu Chỉ Nhược, vẫn lắm lúc vì nhớ Kỷ Hiểu Phù mà nổi giận. Bởi thế, những khi Chu Chỉ Nhược thể hiện xuất sắc, bà dặn đi dặn lại - "Sau này con đừng học theo Kỷ Hiểu Phù".

Mà khi Chu Chỉ Nhược thể hiện kém cỏi, bà lại thương thân trách phận - "Chậc, cuối cùng vẫn không bằng Kỷ Hiểu Phù!".

Có lẽ do tuổi tác cao nên trở nên hiền hậu, Diệt Tuyệt sư thái dần dần phát hiện ra rằng mình thực sự càng yêu thương tiểu đồ đệ Chu Chỉ Nhược hơn. Chu Chỉ Nhược ngoan ngoãn, hiểu chuyện, đầu óc thông minh lại còn nỗ lực, học gì cũng rất nhanh, có đôi khi khiến Diệt Tuyệt vui mừng đến mức muốn ôm nàng một cái, gọi nàng mấy tiếng tâm can bảo bối. Nhưng bà tuyệt đối sẽ không làm vậy, bà chỉ đột nhiên hỏi - "Chỉ Nhược, sau này con có hiếu kính với ta không?".

Chu Chỉ Nhược trả lời - "Sư phụ, cả đời này đồ nhi sẽ phụng dưỡng người, người bảo làm gì, đệ tử sẽ làm đó".

Có một lần Diệt Tuyệt lại nói thêm - "Con còn giỏi ăn nói hơn cả Kỷ Hiểu Phù. Nhưng những lời này nói thì dễ làm lại khó, con còn chưa xuất gia, tương lai nếu yêu thích nam nhân nào, đừng có lập tức quên mất sư phụ".

Chu Chỉ Nhược không chút do dự đáp - "Vậy đồ nhi sẽ không thích yêu thích nam nhân nào cả".

Diệt Tuyệt sư thái quay đầu lại nhìn nàng, hồ nghi hỏi - "Các sư tỷ của con có phải đã dạy con bậy bạ gì không?".

Chu Chỉ Nhược mở to đôi mắt khó hiểu và vô tội, mà Diệt Tuyệt sư thái lại cảm thấy chính mình hỏi như vậy quá mang tội rồi.

Về sau, Diệt Tuyệt sư thái còn phát hiện thêm điểm khác biệt của tiểu đồ đệ này không chỉ ở thiên phú. Bà đã kể cho Chu Chỉ Nhược nghe hai câu chuyện về Phật kia hòng xem xét tâm tính, Chu Chỉ Nhược nghe xong lại hỏi - "Vì sao Thi Tỳ Vương không đuổi thẳng con diều hâu kia đi? Vì sao Tu Đại Noa lại lại đem tất cả mọi thứ của mình tặng cho người khác?".

Diệt Tuyệt trả lời - "Đây đều là thử thách, để tu thành chính quả".

Chu Chỉ Nhược không hiểu - "Nếu không chấp nhận thử thách, chẳng phải họ có thể sống êm đẹp rồi sao? Như vậy xem ra, chịu khổ lại trở thành mục đích rồi".

Diệt Tuyệt kiềm chế cơn giận trào lên cổ họng, nói - "Nếu bảo vệ bồ câu, diều hâu sẽ chết đói. Nếu không bố thí cho người khác, người khác sẽ thiếu ăn thiếu mặc, nếu không bố thí cho tất cả những người cần bố thí, đó là không công bằng. Con không thể để thiện nhân sinh ác quả [9]".

[9] Gieo cái thiện nhưng gặt cái ác.

Chu Chỉ Nhược không nói nữa, song thần tình rất ấm ức, không phục, thế là Diệt Tuyệt lại bảo - "Con đang nghĩ gì, cứ nói ra, Phật pháp vốn là biện luận mà ra".

Chu Chỉ Nhược chẳng muốn giấu giếm sư phụ, bèn chậm rãi biểu đạt - "Vì thích chim bồ câu mới cứu chim bồ câu, vậy thì đừng quan tâm đến diều hâu nữa. Nếu thích diều hâu, vậy thì giúp nó bắt chim bồ câu là được, dù sao cũng phải thân sơ khác biệt [10]. Bố thí cũng nên lượng sức mà làm, nếu bản thân không còn gì, vậy thì nên xin bố thí mới phải".

[10] Cách đối xử với người và vật sẽ khác biệt dựa trên mức độ thân thiết và xa cách.

"Có phải con cố tình cãi bướng không!" - Diệt Tuyệt nổi xung đến mức cầm thước lên định đánh, xuất gia nhiều năm, đây là lần đầu tiên bà nghe thấy có người dám nói lời ngụy biện như thế trước mặt mình.

Các đệ tử lớn tuổi bên cạnh vội tiến lên xin tha cho Chu Chỉ Nhược, dù sao sư phụ nhà mình đánh người chưa bao giờ nương tay. Lúc đấy là Đinh Mẫn Quân bảo vệ Chu Chỉ Nhược vào lòng, Tĩnh Huyền thì quỳ trên đất nói - "Tiểu sư muội còn nhỏ, hiển nhiên không hiểu những đạo lý lớn này, xin sư phụ bớt giận".

Đinh Mẫn Quân thỏ thẻ với Chu Chỉ Nhược - "Con bé này, hôm nay sao lại không biết điều gì cả? Còn không mau xin lỗi sư phụ?".

Diệt Tuyệt miễn cưỡng thu hồi thước, song cơn tức còn chưa nguôi ngoai, bèn buông lời hung tợn - "Nghiệt đồ này, ngươi tính toán thiệt hơn cá nhân như vậy, không chấp nhận chịu thiệt, Nga Mi ta đường đường là danh môn chính phái, lấy trừng gian vệ đạo làm trách nhiệm, tánh tình ngươi như thế chẳng phải làm ô uế tổ tiên phái ta sao? Sau này nếu còn không biết hối cải, ta sẽ trục xuất ngươi khỏi Nga Mi".

Vốn chỉ là bị dọa đến nước mắt lưng tròng, Chu Chỉ Nhược vừa nghe xong liền 'oa' thành tiếng, khóc ầm lên, quỳ trên đất mãi không dậy, thống thiết cầu xin - "Sư phụ, con sai rồi, người đừng đuổi con đi".

Tĩnh Huyền mấy lần định ôm nàng dậy đều không thành, đành ở bên an ủi - "Chỉ Nhược sư muội, muội đừng lo lắng, sư phụ chỉ là tức giận nói vậy thôi, người luôn yêu thương đệ tử hết mực, sao có thể đuổi muội đi chứ?".

Dẫu vậy, Chu Chỉ Nhược vẫn khóc, khóc càng thảm thiết, mặc cho các sư tỷ khuyên can ra sao.

Diệt Tuyệt bất giác nhớ lại hình ảnh lúc mới được Võ Đang đưa tới, tiểu đồ đệ này dè dặt, bất an, trái tim bà đượm chút xót xa và hối hận.

Khi đó cũng từ chính miệng bà nói với Chu Chỉ Nhược - "Võ Đang không cần con, đó là bọn họ không biết nhìn người, nữ nhi ở Nga Mi chúng ta chính là bảo bối, sau này con cứ yên tâm rèn kiếm, tập võ ở phái ta. Tuyệt học của Nga Mi chúng ta lợi hại hơn nhiều, chỉ cần con chịu khó, tương lai không thể nào đo đếm được".

Chu Chỉ Nhược chính là dưới sự dạy dỗ của bà, từng chút từng chút một trở nên tự tin, cởi mở. Diệt Tuyệt nghĩ đứa nhỏ này rất quyến luyến Nga Mi, cũng tốt, nhưng bà vĩnh viễn sẽ không cúi đầu xin lỗi vì phát ngôn quá đáng của mình, và cũng vĩnh viễn không cảm thấy bản thân mình quá đáng, chỉ mặc cho tiểu đồ đệ khóc tối mặt tối mũi, còn bản thân thì lạnh lùng hừ một tiếng, càu nhàu - "Mắng cũng không mắng được nữa rồi".

Chuyện này qua đi, Diệt Tuyệt sư thái vẫn coi Chu Chỉ Nhược là người kế vị, sau khi bình tĩnh lại bà liền nghĩ thông suốt, trên đời này thường là những kẻ không cam chịu khổ nạn mới có sức mạnh phản kháng. Cây thước đó bà tìm thế nào cũng không thấy, khỏi cần nghĩ cũng biết là chuyện gì, cây thước của bà dùng nhiều năm, đánh nát vô số mông, chưa bao giờ bị mất. Diệt Tuyệt sư thái xem thấu mà không lật tẩy, chỉ âm thầm nghĩ: Đứa nhỏ đó nhu mì thì thật nhu mì, nhưng nội tâm lại không ngoan ngoãn chút nào. Hừ, cứng đầu cũng tốt, điểm này giống ta.

Diệt Tuyệt sư thái luôn cảm thấy Chu Chỉ Nhược còn nhỏ, cần mình dẫn dắt thêm nhiều năm nữa, cho đến khi vì chuyện tấn công Quang Minh Đỉnh mà dẫn nàng lên Võ Đang một chuyến, lại phát hiện con trai của Tống Viễn Kiều là Tống Thanh Thư cứ nhìn nàng chằm chằm, bấy giờ mới giật mình nhận ra, tiểu đồ đệ của mình đã trưởng thành thành một cô nương rồi.

"Lại nữa, lại bị dòm ngó thêm một đứa nữa!" - Diệt Tuyệt sư thái lúc xuống núi có chút oán giận mắng thành tiếng. Khi bà nói đến chữ 'lại', thậm chí còn quên mất người trước đó bị Võ Đang nhắm làm con dâu là Kỷ Hiểu Phù đã bị bà đánh chết, cứ như đối phương chỉ vì bị Ân Lê Đình cưới đi nên không thể thường xuyên gặp gỡ. Chu Chỉ Nhược biết sư phụ đang nói chuyện của mình, bèn xấu hổ đỏ mặt.

Diệt Tuyệt sư thái lên Quang Minh Đỉnh, rồi không còn trở về Nga Mi nữa. Trước khi ngọn lửa dữ ở Vạn An Tự bùng lên, bà đã đưa ra lựa chọn, kiên quyết làm theo di mệnh mà Phong Lăng sư thái đã giao phó lúc lâm chung, tổn thương đứa đồ nhi mà bà yêu thương nhất, cuối cùng vì quá đau lòng mới ôm lấy nó một lần. Diệt Tuyệt sư thái chết không được an tường như sư phụ của bà, lúc hấp hối vẫn tràn đầy lo lắng, không cam lòng và uất hận, hai mắt chẳng khép được.

Hai đời tổ sư trước của phái Nga Mi đều rất sùng Phật, Diệt Tuyệt sư thái đời thứ ba tuy cũng ăn chay niệm Phật, nhưng vì thường xuyên đại khai sát giới, đã không còn là người xuất gia chân chính nữa, đến đời thứ tư là Chu Chỉ Nhược, càng nửa tin nửa ngờ vào Phật. Người ta đều bảo xuất gia không nói dối, Chu Chỉ Nhược lại mượn chuyện xuất gia để nói dối. Song các đệ tử xuất gia hay tục gia trong phái đều không thể vì vậy mà có ý kiến gì với nàng, hay chính xác hơn là không thể vì bất cứ chuyện gì mà có ý kiến với nàng. Chu Chỉ Nhược vừa nhạy cảm vừa chuyên quyền, tuổi còn trẻ đã làm chưởng môn, cũng tuổi còn trẻ đã làm được việc mà các đời trước chưa làm được: đoạt lại Đồ Long Đao, liên tiếp đánh từ đại hội Đồ Sư, đại hội Anh Hùng đến Hoa Sơn Luận Kiếm, chiến tích rạng rỡ, địa vị Nga Mi có lúc còn vượt lên đứng đầu võ lâm khi nàng đả bại tất cả quần hùng tại Hoa Sơn Luận Kiếm.

Trong mười tám năm sau khi trở về Nga Mi, Chu Chỉ Nhược đã lên Hoa Sơn ba lần, hai lần đầu đều vì không địch lại kiếm pháp Tả Hữu Hỗ Bác của hoàng y nữ tử mà bại, lần cuối cùng thực tế cũng không phải là thắng bằng thực lực. Nàng tự biết cơ thể mình đã có phần sa sút, tiếp tục dựa vào tinh tiến võ công để chiến thắng là điều không thể, thế nên trong lần tỷ võ cuối cùng, nàng thừa cơ phóng ra mấy viên tràng hạt. Hoàng y nữ tử chớp nhoáng né được rồi dừng động tác trên tay, lạnh lùng nói - "Ngươi lại thua rồi! Chu Chỉ Nhược, ta thật không ngờ ngươi lại giận quá mất khôn, đến mức sử dụng Tích Lịch Lôi Hỏa Đạn. Theo quy tắc tỷ võ, sử dụng ám khí là trực tiếp thua cuộc. Với tâm tính của ngươi, dù có đánh thêm mười tám lần nữa cũng không thắng được ta, cũng mãi mãi không thể trở thành đệ nhất cao thủ"

Chu Chỉ Nhược đắc chí mà cười, thừa cơ cầm kiếm kề cổ đối phương - "Đó chỉ là những hạt bồ đề bình thường, ta có gì không được dùng?".

Hoàng y nữ tử quay đầu lại nhìn, thấy các viên châu trên mặt đất quả nhiên không phát nổ, chỉ là bề mặt có bôi một ít bột đá lửa, ma sát sẽ tỏa ra mùi thuốc súng. Nàng không khỏi bật cười - "Thế mà ngươi cũng nghĩ ra được. Mà thôi, ta nhận thua lần này, chúng ta lần sau tái chiến".

Tuy nhiên, sau lần đó, Chu Chỉ Nhược không còn tham gia Hoa Sơn Luận Kiếm nữa. Mỗi ngày nàng chỉ cần mặc một thân áo bào tím, tùy tiện đi vài bước trên bậc thang Kim Đỉnh là có thể nhận được vô số ánh mắt sùng bái của đệ tử Nga Mi, điều này đối với nàng đã đủ hưởng thụ. Nàng cứ ngạo nghễ như vậy một thời gian, rồi quay ngoắt sang chỉ trích Hoa Sơn Luận Kiếm của võ lâm giang hồ chẳng có ý nghĩa gì. Còn về phần Trương Vô Kỵ, người có thực lực mạnh nhất, vì không hứng thú với thắng thua, chỉ lên Hoa Sơn một lần, lại thua sớm một cách khó hiểu.

Có một vị chưởng môn lợi hại như Chu Chỉ Nhược, toàn phái Nga Mi trên dưới tự nhiên là đồng lòng hiệp lực ủng hộ nàng, sau khi môn phái ngày càng vang danh, nhiều người dần dần bắt đầu biếng nhác trong việc luyện võ. Thoạt đầu Chu Chỉ Nhược cũng lo lắng cho hiện trạng này, nhưng làm sao cũng không thể chấn chỉnh được, về sau thấy đồ nhi của mình là Ân Vãn Đường rất có triển vọng, bèn yên tâm. Nghĩ đến phái Nga Mi từ xưa đến nay đều dựa vào chưởng môn để duy trì thực lực, chỉ cần chưởng môn đời sau không suy sụp, Nga Mi vẫn là môn phái hàng đầu trong giang hồ, các kẻ khác lười biếng thì cứ lười biếng đi.

Chu Chỉ Nhược chỉ thu sáu đệ tử đã cảm thấy mình không dạy hết được, hơn nữa đối với mỗi đệ tử, trừ Ân Vãn Đường ra, đều không hài lòng, lời phủ định thốt ra khá nhiều, còn thường xuyên chế nhạo 'lúc ta bằng tuổi các ngươi đã làm chưởng môn rồi', nhưng trước mặt người ngoài vẫn cực kỳ bênh vực, rất giống phong cách của sư phụ Diệt Tuyệt năm xưa. Song đối với Ân Vãn Đường thì khác, nàng rất công nhận thiên phú của đứa đồ nhi này, thường xuyên nói nó chắc chắn có thể vượt qua sư phụ là mình đây, thành tựu tương lai khó thể nào đo đếm được. Chu Chỉ Nhược dốc hết tâm can, từng bước đặt nền móng lý luận võ học và nội công cho Ân Vãn Đường, để nàng tránh đi tất cả những con đường vòng vèo mà mình đã từng qua. Ân Vãn Đường cũng thực sự có chí khí, tỷ võ trong phái luôn đứng đầu, ra ngoài luôn biết giành vinh quang về cho sư phụ, thậm chí còn xuất sắc đến mức ngay cả người Võ Đang gặp ai cũng khoe - "Ân Vãn Đường quả không hổ là con cháu Võ Đang chúng ta!".

Chu Chỉ Nhược nghe xong không vui, cảm thấy chuyện này có liên quan gì đến họ? Đứa nhỏ này tuyệt đối, tuyệt đối, tuyệt đối là huyết mạch Nga Mi đậm hơn. Nhưng chung quy cũng nể mặt Ân Lê Đình, không chủ động phản bác.

Nàng cũng sẽ không bao giờ can thiệp vào sở thích thoại bản và tạp kịch của Ân Vãn Đường, cho rằng nó cũng giống như mình năm xưa, chỉ để giết thời gian, đối với việc Ân Vãn Đường thi thoảng lộ ra rung động của thiếu nữ cũng không trách cứ quá nhiều, nghĩ rằng ở độ tuổi đấy khó tránh khỏi ngây thơ một thời gian, mình lớn chừng đó còn ngốc nghếch thích Trương Vô Kỵ kia mà. Về những phương diện ấy, Chu Chỉ Nhược không muốn độc đoán giống sư phụ Diệt Tuyệt, chỉ đôi khi nói ra lời lạnh lùng như - "Ta thấy nam nhân kia không xứng với đồ nhi của ta".

Ân Vãn Đường năm hai mươi tuổi đã luyện thành toàn bộ tuyệt học Nga Mi bao gồm cả Cửu Âm Chân Kinh, vừa đúng lúc võ lâm giang hồ lại mời tham gia Hoa Sơn Luận Kiếm, Chu Chỉ Nhược nghĩ đã đến lúc để nàng gia tăng danh tiếng, bèn bảo nàng mang theo Ỷ Thiên Kiếm đi luận võ. Song, lần đi này, đệ tử cưng ấy không trở về nữa. Dương Bất Hối đã đến Hoa Sơn từ sớm để chuẩn bị xem tỷ võ cũng không đợi được con gái xuất hiện.

Thế là trên dưới Nga Mi và cả Võ Đang đều ra tay, đi khắp nơi tìm kiếm tung tích của Ân Vãn Đường, sợ rằng nàng gặp chuyện chẳng lành. Cuối cùng, Chu Chỉ Nhược mơ hồ nhớ về một ít chuyện xưa của Kỷ sư tỷ, hoặc là mối tương thông vô hình giữa hai sư đồ, nàng đột nhiên nảy ra ý tưởng xông vào một nhà đang có hỷ sự ở Mi Châu. Trong tiếng ồn ào, nàng xốc khăn trùm đầu của tân nương lên, lập tức thấy được khuôn mặt muôn phần kinh hãi của Ân Vãn Đường.

"Vãn Đường, con muốn thành thân mà không mời sư phụ một chén rượu mừng sao?" - Nàng cười lạnh chất vấn.

Ân Vãn Đường hoàn hồn lại, nhìn Chu Chỉ Nhược với ánh mắt thất đảm, song vẫn kiên định trả lời - "Sư phụ, đệ tử có tội, đệ tử vốn tính sau khi thành thân sẽ báo cáo với người...".

Chu Chỉ Nhược sôi tiết nói - "Ngươi là đệ tử tục gia, ta không phải là không cho ngươi xuất giá, thậm chí còn chuẩn bị cho ngươi một phần của hồi môn, tại sao ngươi phải tiền trảm hậu tấu [11]?

[11] Hành sự trước rồi báo cáo sau.

Ân Vãn Đường đáp - "Bởi vì... bởi vì con không tính quay lại Nga Mi nữa, từ nay về sau chỉ sống ở nhà chồng. Kỳ thực xưa nay con không thật sự thích võ, chỉ là từ nhỏ mọi người xung quanh đều luyện, ở nhà cha mẹ dạy con luyện, đến Nga Mi cũng bị sư phụ thúc ép luyện. Cho đến chuyến xuống núi này gặp được Trương sinh, con rốt cuộc hiểu võ công cái thế không phải là thứ con thật sự theo đuổi, sư phụ và mẹ đã đặt quá nhiều kỳ vọng vào con, con chưa bao giờ cảm thấy vui vẻ vì điều này, chỉ có ưu phiền vô tận. So với múa đao múa kiếm, lang bạt khắp nơi tỷ võ làm giàu vinh quang, con càng khao khát những tháng ngày hoa tiền nguyệt hạ [12], đọc sách viết chữ, giúp chồng dạy con, sống một cuộc đời bình yên. Sư phụ... người... người hãy nể tình nhiều năm, cho con được tự do đi".

[12] Chỉ cảnh đẹp, thường chỉ nơi nam nữ hẹn hò, tâm tình.

Tưởng chừng như sét đánh ngang tai, Chu Chỉ Nhược cảm giác tâm can vừa chịu một đòn ác liệt, ngay tại chỗ, khí huyết sôi sục, thần trí quay cuồng, gần như không đứng vững. Ánh mắt nàng rơi vào thanh Ỷ Thiên Kiếm bị tùy tiện vứt ở một xó trong hỉ đường, tiến lên rút kiếm, vì vậy thanh kiếm cuối cùng trở về trong tay nàng. Chu Chỉ Nhược oán hận nói - "Ta cho ngươi tự do, vậy ai sẽ bù đắp cho những gì ta đã bỏ ra?".

Nàng cầm Ỷ Thiên Kiếm, trong tiếng thét kinh hãi của mọi người, chém sập xà nhà, biến hỉ đường thành một đống đổ nát đầy cát bụi. Nhà chồng và khách khứa cũng bị thương bởi ánh kiếm lơ huơ bừa bãi của nàng, hớt hải ôm đầu chạy tán loạn. Nàng lại chém hư chiếc bàn gỗ lê buộc vải đỏ, chém đứt đôi nến uyên ương và bàn thờ bái tổ tiên, thiên địa, những thứ này còn chưa đủ, nàng xông vào thư phòng bên cạnh, phạt đứt giá sách, mấy cuốn sách chở đầy kinh nghĩa ầm ầm đổ sập.

"Hắn chỉ đọc vài cuốn sách như vậy mà đã khiến ngươi chết mê chết mệt rồi sao?" - Chu Chỉ Nhược cảm nhận có con dao cứa vào lòng, quay đầu lại chất vấn Ân Vãn Đường đang bám theo nàng trong cơn cuống cuồng. Ân Vãn Đường nhìn vành mắt đỏ hoe của nàng, nhất thời không nói nên lời. Chu Chỉ Nhược nhặt một tập thơ trên đất, lật bừa hai trang, hít một hơi thật sâu để ngăn tiếng nức nở - "Chỉ những thứ này, có gì mà tài hoa!".

Nói đoạn, nàng thuận tay xé cả cuốn sách.

Vốn mang nỗi áy náy, đồ đệ bấy giờ cũng bộc phát cơn giận - "Phu quân con tuy không phải tài hoa bậc nhất trong số những người đọc sách, nhưng lại là người con thích nhất. Con chỉ muốn đời đời kiếp kiếp cùng chàng gá nghĩa trăm năm, ân ái không dời" - Ân Vãn Đường quỳ gối, nâng bùa Phật hộ thân mà năm xưa Chu Chỉ Nhược đã trao cho mình lên đỉnh đầu, phẫn uất nói - "Con vốn tưởng rằng trong mắt sư phụ, bình an vui vẻ của đồ đệ mới quan trọng nhất, bây giờ xem ra không phải vậy. Yêu thương người đối với chúng con đều tràn ngập điều kiện, tình nghĩa thầy trò như thế thực ra cũng không có gì đáng trân trọng".

"Ngươi không có tư cách chỉ trích ta!" - Chu Chỉ Nhược thình lình dời bước tới trước mặt đồ đệ, giơ năm ngón tay đặt lên đỉnh đầu đối phương, ra thế muốn đánh xuống bất cứ lúc nào - "Hôm nay ta sẽ tự tay đập chết ngươi, coi như chưa từng nhận một đứa đồ nhi như ngươi".

Ân Vãn Đường nhắm mắt, cố ra sức nói - "Sư phụ cứ đánh chết con đi! Con đã sớm biết chuyện này không thể nói lý lẽ với người. Con nghe nói năm xưa người và kế phụ của con đường tình không suôn sẻ, từng xảy ra chuyện hai nữ giành phu, máu nhuộm hỉ đường, hẳn là đối với tình yêu nhân gian đã ngập ngụa oán hận. Người chưa từng có chân tình sao có thể hiểu chân tình là gì chứ?".

"Ngươi nói lại lần nữa, ta không có?" - Chu Chỉ Nhược bóp giữ đỉnh sọ nàng, nhưng các ngón tay lẩy bẩy liên hồi, thế nào cũng không thể ra sức.

Nhớ tới năm xưa Ân Vãn Đường mới nhập môn vẫn còn là hài nhi mềm như cục bột, nàng ôm vào lòng còn sợ phẩm hạnh không đủ mà dạy hư đứa nhỏ, để cho tâm hồn trong sáng bị vấy bẩn, nhiều năm nay nàng hết mực yêu thương nó, giờ nghĩ lại tất cả đều trớ trêu xiết mấy.

"Mà thôi, ta lấy mạng ngươi thì có ích gì?" - Chu Chỉ Nhược bất lực cười nhạo, nhận lấy bùa hộ thân, nhìn một lúc, sau bóp nó nát bấy - "Từ nay trở đi, tình nghĩa thầy trò giữa ta và ngươi, ân đoạn nghĩa tuyệt. Ngươi và con cháu của ngươi vĩnh viễn không được bước vào Nga Mi nửa bước".

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro