QUYỂN 1. CHÉN RƯỢU THAO THIẾT

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chương 1. Tiết tử

Edit + Beta: jangjang + bisa

Tôn Phương bước ra từ gian phòng nhỏ cũ nát, phía xa mặt trời vừa hé, e ấp sau rặng núi xanh thẫm. Đợi anh chuẩn bị xong xuôi, buộc chặt túi vải trên lưng, ngẩng đầu lên lần nữa, mặt trời đã hoàn toàn ló rạng, tựa như một chiếc quạt vàng dần hé mở, chớp mắt bao trùm cả không gian.

Tôn Phương đón ánh nắng sớm chói loà, hơi nheo mắt, bên trong dường như chứa đựng cả ngàn mảnh vàng vụn. 

Anh với lấy mâm đãi vàng* treo ngoài giá trúc, chuẩn bị tới thung lũng triền sông*, giờ này hẳn đã có rất nhiều người qua đó.

*Thung lũng triền sông: Theo mình hiểu là thung lũng có sông nhỏ chảy qua, thường xảy ra bồi tích (ví dụ bồi tích lòng sông, bồi tích bãi bồi...)

Chú ý bồi tích lòng sông (với miền núi): Đất đá vụn lắng xuống lòng sông, thường lẫn với vụn kim loại quý như vàng, bạch kim...

*Mâm đãi vàng: Dụng cụ đãi vàng, múc cát bùn lẫn vụn vàng đổ vào mâm rồi dùng nước rửa trôi.

Giờ này... Anh quay đầu nhìn gian phòng cũ nát sau lưng.

Đằng sau có tầm mười bảy mười tám gian nhà gỗ nhỏ, tất cả đều do những phu đào vàng trước đây để lại, anh và em gái chọn hai gian, Tưởng Chính cũng chọn một gian sát vách.

Nhưng từ đêm qua đến giờ, Tưởng Chính và em anh vẫn chưa về.

Thân là anh trai kiêm bạn tốt, anh biết khi mình ở cạnh, Tưởng Chính với em gái sẽ có nhiều cái không tiện. Dù sao ở núi Bảo Châu cũng không thiếu nhà tạm*, thỉnh thoảng hai người họ sẽ ra ngoài ngủ một đêm .

*Nhà tạm là những ngôi nhà xây dựng mang tính chất "tạm bợ", nhất thời, không được đầu tư về cả vật liệu xây dựng lẫn thiết kế

Đối với người trẻ mà nói, càng mới mẻ thì càng thú vị. 

Tôn Phương vội ngắt mạch suy nghĩ, người trẻ gì chứ, làm như mình là lão yêu quái không bằng, rõ ràng anh vẫn còn rất trẻ. Dù không phải chớm đôi mươi nhưng tốt xấu gì cũng mới có hai tám, vẫn tính là một thanh niên tiêu chuẩn.

Anh chuẩn bị tới lòng sông kia trước, rồi quay lại xem cái bẫy lắp đặt tối qua có bắt được chút "thịt thú" nào không còn về làm một bữa ngon. Cả tháng trời ăn bánh bao trắng với cải bẹ, anh sắp ói đến nơi rồi.

Mặt trời dần lên cao, không hề keo kiệt đem ánh nắng vàng chiếu khắp núi Bảo Châu, từ xa trông như đám kim châu loé sáng, khiến cho người ta phải mê đắm. 

Làm một phu đào vàng, Tôn Phương thích nhất là kiểu thời tiết trong sáng này, như vậy khi đào đãi mới dễ thấy kim sa*.

*Kim sa ≈ Vụn vàng 

Kim sa (sa khoáng vàng): Quặng vàng lộ khỏi lòng đất, thời gian dài bị bào mòn thành các mạt vàng, phiến vàng. Kim sa có thể bị nước/gió cuốn đi, tích tụ ở ven sông suối, nằm lẫn trong cát, bùn, đất đá; hoặc kim sa tích tụ tại chỗ, chỗ đó gọi là tàn tích kim sa.

5 năm trước, một đám phượt thủ chạy ngang qua đây, phát hiện khắp núi Bảo Châu chứa đầy kim sa, tin tức vừa rộ, thanh danh vang xa, ngay tức khắc hấp dẫn không biết bao nhiêu kẻ thèm muốn được đổi đời. Vô số người hăng hái đổ về núi Bảo Châu, cất nhà dựng trại, ở chật chút không sao, thiếu ăn chút cũng không sao, chỉ cần có vàng là đủ. 

Tất cả bọn họ trầm mê trong thú vui đào vàng, ngày đêm không nghỉ. Không ngừng có người đến, nhưng không ai rời đi. 

Ngọn núi nhanh chóng bị vét sạch, vàng ngày càng ít, người cũng ngày một rút dần. Đến năm thứ năm, nơi này chỉ còn lại mười mấy phu đào vàng. Cảnh tượng tấp nập một thời huy hoàng đâu chẳng thấy, chỉ còn lại sừng sững những căn nhà gỗ nhỏ dựng tạm trải rộng khắp núi rừng Bảo Châu, vẫn đều đặn như trước mỗi ngày đón mặt trời mọc rồi lặn. 

Cảm giác bi thương tràn ngập.

Đến năm thứ tư, Tôn Phương mới cùng em gái đến dãy Bảo Châu, đào đãi một năm, đôi khi ngẫu nhiên cũng tìm thấy kim sa, nhưng chẳng thể nào đủ để một đường phát tài, cùng lắm chỉ có thể coi là không lo cơm ăn áo mặc, so với làm việc ngoài kia cũng chẳng khá hơn được là bao. 

Trong thung lũng tín hiệu kém, muốn bắt sóng phải dùng sức lắc di động, y như mấy cái TV từ những năm tám mươi,  tín hiệu không tốt phải lắc mạnh cột ăng-ten mới có tác dụng.

Vả lại trong núi nhiều muỗi, nhiều thú dữ, đến mùa hè còn có cả rắn độc trườn vào. 

Tôn Phương từng đụng phải một đàn lợn rừng, suýt chút nữa bị răng nanh lợn rừng đâm chết, đến giờ trên đùi vẫn còn một vết sẹo lõm, nghĩ lại lòng không khỏi sợ hãi. 

Nhưng dù khổ đến đâu anh cũng không định đi, vì tiền, càng là vì tìm người. 

Hai anh em họ bị bọn buôn người bắt cóc từ khi còn nhỏ, bán vào trong thung lũng. Gia đình nọ vốn chỉ muốn mua một mình anh, nhưng anh không chịu, em gái lại vì quá sợ hãi mà đổ bệnh, bệnh đến phờ phạc. Bọn buôn người thấy đứa em ốm sắp chết bèn bày ra trò "mua một tặng một", đưa luôn em gái cho gia đình kia. 

Năm ấy anh năm tuổi, em gái anh hai tuổi. 

Anh đã từng hối hận không biết bao nhiêu lần. Ngày ấy, lẽ ra anh không nên dắt em tới cổng làng đón cha mẹ. Bà nội bảo sắp hết năm, cha mẹ cũng sắp về rồi. Anh mới dắt em gái đến đường lớn trước cổng làng đứng chờ, dọc đường anh còn mua cho bé một viên kẹo, trong tay cầm hai viên khác, chuẩn bị sau một năm không gặp tặng cha mẹ mỗi người một viên.

Sát Giao thừa, xe khách cũ kĩ chạy qua đường lớn đầu làng, một chiếc, lại một chiếc, rốt cục cũng có một cái dừng lại, anh kéo em đến xem thử. Chợt có hai người xuống xe. Không phải cha mẹ, là hai gã đàn ông, chúng bịt miệng hai đứa trẻ rồi bế lên xe. 

Chờ khi tỉnh lại, anh đã ở một nơi xa lạ rồi. 

Gia đình mua lại hai người đối xử với anh khá tốt, nhưng đối với em anh thì ngược lại hoàn toàn. Mỗi lần ăn khoai lang hay cơm anh đều vụng trộm giấu đi một ít, sau lưng lén lút đưa cho em. Vài tháng sau, gia đình ấy muốn "đưa" em gái cho người khác, anh khóc lóc khuyên ngăn đều không có tác dụng, vì thế lúc người mua đến, anh kéo thang, trèo lên ống khói nóc nhà, đứng trên cao hét lớn: "Nếu các người dám bán em tôi, tôi lập tức nhảy xuống đấy!" 

Từ đó gia đình kia không còn ý định đem bán em gái anh nữa.

Sau này anh được đi học, còn em anh phải theo "mẹ" đi làm ruộng. Anh tốt nghiệp tiểu học, trung học xong, em ấy vẫn đang làm ruộng. Mỗi dịp nghỉ đông, nghỉ hè về nhà, anh đều sẽ dạy con bé nhận mặt chữ, kể những câu chuyện ở trường học cho nó nghe.

Đến khi anh vào đại học, trong nhà lại bàn tính chuyện cưới gả của em gái. Họ muốn đem cô gả cho một lão già thọt chân, đổi lấy tiền học phí. Lần này anh không nói gì, mọi người đều cho rằng anh đã nghĩ thông.

Trước ngày khai giảng mấy hôm, trong thôn chợt đổ một trận mưa lớn, Tôn Phương nhân cơ hội nửa đêm đem em chạy trốn.

Con đường chạy trốn này, Tôn Phương đã lên kế hoạch suốt 10 năm ròng.

Muốn trốn khỏi một vùng núi non hẻo lánh, nếu không tường tận mọi thứ thì căn bản là vô vọng, thậm chí còn phải lẩn tránh lũ chó nuôi trong thôn. 

Vậy nên Tôn Phương gần như đã phải đợi cả một kỳ nghỉ hè, chờ đến một ngày mưa thật to, chỉ có mưa to mới có thể khiến mũi chó bớt thính. Tất nhiên, mưa cũng làm đường chạy trốn của bọn họ thêm phần gian nan, nhưng nếu lần này không liều mạng, sau này chắc gì còn mạng để liều. 

Ngày hôm đó, cả thôn đều xuất động mang chó đuổi theo, nhưng mưa lớn đã làm mờ đi mắt người mũi chó, ngay cả đường núi cũng sạt lở ngổn ngang.

Người trong thôn bất lực trở về, Tôn Phương và em gái chạy trốn thành công.

Chỉ là, anh cũng không nhớ nổi đường về nhà ra sao.

Chỉ nhớ rằng đầu làng có một hàng dâu tằm, cứ mỗi độ xuân về sẽ kết thật nhiều chùm dâu tằm tím đen, khi ăn cả miệng lẫn tay đều nhuốm một màu đỏ đỏ tím tím. 

Khi ăn có vị ngọt, là loại trái cây ngọt nhất mà anh từng được ăn.

Nhưng anh đã chẳng thể nhớ nổi tên gọi của nơi đó nữa rồi.

Tôn Phương không dám ngồi xe khách, đến xe lửa cũng không dám ngồi, chỉ sợ bị thôn dân mai phục chặn lại. Anh đành phải dẫn theo em đi đường núi, trèo qua từng ngọn núi một. Hai người đi ròng rã một ngày một đêm, cho đến khi cách nơi đó đủ xa mới dám tới đồn cảnh sát trình báo.

Người ở đồn cảnh sát hỏi bọn anh tên gì, người ở đâu, chính anh cũng không biết. Cuối cùng họ hướng dẫn anh đi lấy máu và để lại phương thức liên hệ, nói rằng nếu có tin tức sẽ lập tức thông báo.

Tôn Phương dùng tiền tích cóp nhiều năm mua một chiếc di động, vẫn luôn giữ gìn cẩn thận để liên lạc với đồn công an.

Hy vọng một ngày nào đó, di động sẽ vang lên.

Nhưng vẫn chẳng có gì.

Chứng minh thư cũ không thể dùng được nữa, anh sợ thôn dân tìm được sẽ lại đem hai anh em bắt về mất. Anh và em gái không có chứng minh nhân dân, chỉ có thể đi làm công chui cho người ta, tiền kiếm được chẳng là bao, nhưng ít ra được sống tự do. Sau anh ra tiệm nhờ người làm cho hai cái chứng minh giả, tự lấy cho mình cái tên Tôn Phương, đặt em gái là Tôn Viện, thiên viên địa phương*, cuối cùng sẽ có một ngày đoàn tụ được lại với người thân.

*trời tròn đất vuông

Tâm nguyện càng tốt đẹp, lại càng dễ khiến cho con người ta thấy thất vọng. Thời gian qua đi, phía cảnh sát vẫn không có tin tức gì, di động cũng từ kiểu dáng thời thượng biến thành loại cũ rích cho người già. 

Không biết bao nhiêu điện thoại thông minh đã được đưa ra thị trường khiến chiếc di động cổ của anh trở thành thứ đồ yếu kém, cũng giống như dồn hết hy vọng của anh vào một góc nhỏ trống vắng, mong manh đến vô cùng. Mãi đến hai năm trước, khi anh đang làm phục vụ ở một khách sạn, trong lúc đưa đồ ăn vào phòng, vô tình nhìn thấy một bản tin chiếu trên TV, người dẫn chương trình đang giới thiệu chuyện ở núi Bảo Châu, có cặp vợ chồng làm phu đào vàng chợt lóe lên trước màn hình. 

Cả người anh chấn động, khay đồ ăn nóng hổi trên tay đổ vung vãi ra sàn, rơi loảng xoảng, thanh âm ấy làm lòng anh chợt rung động, gợn lên từng đợt sóng lăn tăn, tràn ngập hy vọng. 

Quản lý và trưởng ca nghe tin chạy tới, mắng anh một trận, hỏi anh có phải không muốn làm nữa hay không. Tôn Phương gật đầu: "Phải, tôi không làm nữa." 

Tại phòng hậu cần, Tôn Viện cũng nhận được tin, chạy tới hỏi anh có phải có chỗ nào không thoải mái. Tôn Phương lắc đầu, nói: "A Viện, hình như anh thấy cha mẹ trên TV, ở núi Bảo Châu, chúng ta đến đó đi." 

Tôn Viện ngẩn người, nhiều năm như vậy, anh cô chưa từng nói có ấn tượng với bất kì ai, đây là lần duy nhất.

Cô không do dự, suốt đêm thu dọn hành lí, cùng anh trai đến núi Bảo Châu. 

Nhưng dãy Bảo Châu bấy giờ đã không còn được như trước, mỗi ngày đều có rất nhiều người rời đi. Hai người đến nơi đã hỏi thăm từng hộ nhưng trước sau vẫn không có kết quả. Hai năm trôi qua, vẫn chưa có một chút tin tức nào.

Tôn Phương quyết định sẽ rời đi trước đầu mùa đông năm nay. Trước hết là do thời tiết mùa đông giá rét trong núi quá khắc nghiệt. Sau là bởi A Viện nói với anh, Tưởng Chính đã cầu hôn cô, dự tính cuối năm sẽ đưa cô về ra mắt cha mẹ, bàn chuyện cưới hỏi.

Tôn Phương thật sự đã nghĩ đến việc cùng em gái chấm dứt chuỗi ngày phiêu bạt không nơi nương tựa này, Tưởng Chính lại là một người không tồi, nên anh cũng cao hứng đồng ý. Anh tính chờ ngày đứa em kết hôn sẽ đem hết của cải tích lũy nhiều năm tặng con bé làm của hồi môn, tránh bị nhà chồng khinh thường. Đợi cho em gái yên bề gia thất, anh sẽ quay lại tiếp tục tìm cha mẹ họ. 

Nhưng có một điều khiến anh vẫn luôn suy tư. Vì sao họ mất tích bao lâu như vậy mà một tin tìm người thân cũng không có? Anh đã hỏi thăm đồn cảnh sát ở vài tỉnh đều không thấy ghi chép tin tức tìm kiếm mất tích của hai anh em. Người ta nói, tin trẻ em mất tích được liên hệ toàn quốc, chỉ cần có thông tin sẽ lập tức báo lại cho họ. 

Nhưng bao lâu nay vẫn không có thông báo nào, không một chút tin tức nào truyền đến. Nói cách khác, không một ai đi tìm bọn họ.

Chẳng lẽ bố mẹ không cần bọn họ nữa ư? 

Mỗi lần nghĩ như vậy, Tôn Phương đều cảm thấy rất nôn nóng.

----------------------

Mặt trời đã lên cao hẳn, nắng trải rộng như dát vàng khắp núi đồi, hùng vĩ và tráng lệ.

Đối diện lòng sông đã sớm bị người đào rỗng, có người đang tiến về phía này. Động tác người kia rất chậm, trên vai dường như đang cõng ai đó, từng bước từng bước đi tới giữa ánh sáng vàng. 

Tôn Phương nhìn về phía xa, khoảng cách quá lớn, không nhìn rõ được là ai. Chờ thêm một chút nữa, người nọ cách ngày càng gần, toàn thân bê bết máu, mỗi bước là một dấu chân máu để lại, máu trên người không ngừng nhỏ xuống. 

Máu không phải của người bước đến, là của người nằm trên lưng.

Kia còn chẳng giống người, đầu như đã bị thứ gì nhai nát, không nhìn rõ mặt mũi, da thịt cũng rách thành từng mảnh, chỉ có cánh tay đang rũ trước ngực kia là còn nhìn ra hình dạng ban đầu. 

Trắng trẻo nõn nà, nhưng lại dính máu, tí tách chảy xuống. 

Cổ tay đeo một chuỗi vòng bằng đá thạch lựu, màu sắc rực rỡ, lúc này bị sắc máu nhuộm đỏ lại càng thêm phần tiên diễm.

Tưởng Chính chậm rãi đi qua lòng sông, hai mắt trống rỗng như bị ai rút hết ánh sáng. Cho đến khi nhìn thấy Tôn Phương, anh ta mới dừng lại, thất thần nhìn Tôn Phương đang đứng thẳng chắn bóng mặt trời, ánh nắng quá chói, hai mắt anh ta đau đớn, nước mắt bất chợt chảy xuống. Đầu gối anh ta nặng nề đập mạnh lên tảng đá cứng rắn, giọng nói khô khốc như người chết vang lên: "A Viện... A Viện chết rồi....."

Tôn Phương ngơ ngẩn nhìn cái người máu thịt lẫn lộn trên lưng anh ta, vòng tay thạch lựu đỏ rực như máu, tầm mắt anh bỗng trở nên mơ hồ.

Đó là đứa em đã cùng anh sống nương tựa vào nhau bấy lâu nay.

Chết rồi....

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro