Chương 3: Giỏ bắt cá

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Trời tờ mờ sáng, Khuyển Tử đẩy con thuyền nhỏ xuống sông, chèo qua bờ đối diện, bên hông hắn dắt một con dao bầu rỉ sét chuẩn bị đi chặt trúc.

Bờ tây cũng có trúc, nhưng chúng mọc tập trung tại eo núi, khu này hoang vu ít người sống nên cũng không có đường mòn để lên núi. Rừng trúc bên bờ tây thì ở ngay phía sau nhà Trang gia, còn có một con đường mòn dẫn lên, không cần phải đánh cỏ đuổi rắn, chặt gỡ bụi gai.

Khuyển Tử tính toán thời gian hắn vào rừng chặt trúc, sau đó kéo đến bờ sông cũng chỉ mất khoảng nửa canh giờ, lúc đó trời vừa hừng sáng, có lẽ sẽ không gặp phải bọn trẻ con bên bờ đông. Hắn không sợ đánh nhau sợ bọn chúng, nhưng nếu bị kéo đến nhà mắng vốn thì mẹ sẽ cho hắn no đòn.

Lúc ở Phong Lí, Khuyển Tử không có bạn, sau khi chuyển đến Trúc Lí, bọn trẻ ở đây không thích hắn, hắn cũng không cảm thấy buồn. Mười ba tuổi, vẫn là cái tuổi ăn tuổi chơi, nhưng không phải đứa trẻ nào cũng có thể vui vẻ không lo không nghĩ. Trong đầu Khuyển Tử không nghĩ đến chuyện chơi bời, hắn chỉ nghĩ đến thức ăn.

Rừng trúc sau viện nhà Trang gia dẫn đến nơi sâu nhất trong núi. Tre trúc chặt không hết dùng không tận, còn có măng rừng. Chỉ tiếc là là măng rừng bán ra chẳng đáng một xu.

Từ sau khi dọn đến Trúc Lí, Khuyển Tử cũng từng lên núi trúc nhặt măng rừng về ăn, mỗi lần nhặt là cả rổ. Đem về rửa sạch, luộc chín, nhét cho no bụng, còn về mùi vị thì cũng chẳng quan trọng.

Khuyển Tử dùng dao đào ra mấy gốc măng bỏ vào rổ, sau đó bắt đầu đi chặt trúc.

Tiếng chặt trúc vang vọng trong buổi sáng tinh mơ làm Trang Dương tỉnh giấc, bình thường cậu đã khó ngủ, chỉ cần có một tiếng ồn nhỏ cũng đủ làm cậu thức giấc. Trang Dương bước xuống giường, đi đến bên cửa sổ nhìn về phía rừng trúc.

Cậu nhìn thấy trong bụi cây có bóng dáng một đứa trẻ đang loay hoay chặt trúc, lực đạo không mạnh được như người trưởng thành, phải chặt hai ba nhát mới chặt gãy được một gốc cây.

Ở Trúc Lí, thứ không đáng tiền nhất chính là cây trúc, chúng mọc đầy rẫy bờ đông sông Di, cũng chưa từng thấy có người đến sau nhà Trang gia đốn trúc. Đứa trẻ này nhìn có vẻ giống như cậu nhóc sống bên bờ tây kia, tên Khuyển Tử.

Cái tên này tùy tiện như mèo con chó con, nhìn dáng vẻ của cậu ta kham khổ, có lẽ là mồ côi cha từ nhỏ.

Khuyển Tử cứ thế không phát hiện ra Trang Dương đứng lặng nhìn cậu chặt trúc, bó lại thành bó rồi kéo xuống núi. Cả người hắn mồ hôi ướt đẫm, trước mắt hắn chỉ có một màu xanh lục của cây cối, còn có cả ánh mặt trời đang dần ló dạng; còn đối với Trang Dương, giữa màu xanh lục của rừng trúc có đám sương mù mờ ảo uốn lượn chưa tan, một đốm nâu nhỏ bé di chuyển dưới con đường mòn, là màu áo của cậu nhóc sống bên bờ sông đối diện.

Cậu nhóc kéo theo bó trúc biến mất trước tầm mắt của Trang Dương. Trang Dương quay vào phòng mở cửa phòng, bước ra hành lang, quả nhiên nhìn thấy thuyền của cậu ta neo bên bờ sông, mẹ của cậu cũng bước ra phụ giúp một tay, kéo đống thân trúc và giỏ măng lên bờ.

Cuộc sống trong rừng trúc rất an nhàn, ngày qua ngày cứ thế lặp đi lặp lại, cho đến một hôm, bên bờ sông đối diện có hai mẹ con chuyển đến. Trang Dương dùng tâm tình giống như những ngày mưa đứng ngắm hoa Sơn Trà nở, lặng lẽ nhìn người đối diện bên kia.

Đây đối với cậu là một dạng phong cảnh, sáng sớm tinh mơ, cậu đừng trong phòng nhìn Khuyển Tử đốn trúc, gánh nước, thả dê, sau đó mới đến loạt âm thanh từ trong viện nhà cậu, tiếng gia nô múc nước, quét sân.

Bóng dáng Khuyển Tử biến mất sau căn nhà gỗ bên bờ sông, Trang Dương đợi thêm một lúc, không thấy hắn quay trở lại, mới bước về phía giường, đắp chăn ngủ bù thêm một giấc.

Khuyển Tử ngồi sau nhà vót nan trúc để đan giỏ bắt cá. Hắn biết đan thúng, đan sàng, giỏ bắt cá..v.v bằng nan trúc, tất cả đều học từ ngoại công. Ngoại công ngoại trừ đến Trúc Lí bán gạo, lúc còn trẻ vào mùa rãnh rỗi không làm nông, ông thường đeo một giỏ nan trúc đi khắp phố phường trên huyện, nhà ai cần đan cái rổ, cái giỏ,..v.v chỉ cần cho ông mấy đồng, ông liền ngồi xuống đất đan tại chỗ.  Thợ đan tre nứa cực khổ cả đời, mà tiền công nhận được thực sự rất ít, sau khi Khuyển Tử ra đời, ngoại công chỉ ở nhà làm nông chứ không đi đan dạo nữa, nhưng món nghề này ông vẫn còn giữ. Trong nhà vật dụng đan bằng tre nứa đều là một tay ông làm, Khuyển Tử lúc nhỏ hay lẽo đẽo theo sau lưng ông, học được chút da lông. Đương nhiên không làm được mấy thứ hình dáng đẹp mắt, dùng được là được.

Bận rộn từ sáng đến chiều Khuyển Tử mới đan xong hai cái giỏ bắt cá, thứ này miệng nhỏ thân to, cá bơi vào trong rồi sẽ không thoát ra được.

Mỗi tay cầm một cái, Khuyển Tử đem nó vùi xuống chỗ nước nông bên bờ sông, còn lấy thêm bùn đắp lên để ngụy trang, để bọn cá tôm tưởng đây là nơi an toàn.

Sông Di có nhiều tôm cá, nguồn nước trong vắt, cư dân ở Trúc Lí lâu lâu cũng đến đây bắt cá.

Chôn xong giỏ trúc, trời đã gần hoàng hôn, Khuyển Tử cũng quay trở về nhà, thấy mẹ đã ở bên bếp lò nhóm lửa, bụng hắn liền kêu rột rột.

Nghèo khó luôn khiền người ta cảm thấy đói khát, bởi vì chỉ được ăn canh rau dại, măng rừng luộc nước trắng và một ít đậu, Khuyển Tử đang ở độ tuổi phát triển cơ thể, hắn cần được ăn no, còn cần được ăn thịt.

Mẹ Lưu đưa cho khuyển Tử chén có nhiều đậu, còn bà ăn chén ít hơn.

Chuyển đến Trúc Lí hơn mười ngày, cuộc sống của hai mẹ con rất khó khăn. Hoa màu trồng trước nhà vẫn chưa đến lúc thu hoạch, đậu đem đến từ Phong Lí cũng ăn gần hết, may thay vải đã sắp dệt xong, có thể đem đi đổi ít gạo về.

"Mẹ, mẹ ăn đi."

Thấy mẹ lấy chiếc muôi vỡ múc canh trong tô bỏ vào chén mình, Khuyển Tử đưa tay ra chặn lại.

"Con vất vả ngày ngày rồi, ăn nhiều chút."

Mẹ Lưu lấy cái chén sành của Khuyển Tử qua, đổ hết số canh cặn còn lại vào cũng chỉ được nửa chén.

"Mẹ, ngày mai là có cá ăn rồi."

Khuyển Tử bưng cái chén mẻ lên, húp hết xuống bụng, hắn chùi chùi miệng, có vẻ như vẫn chưa đủ no.

"Đợi mẹ dệt xong là có thể đổi gạo rồi."

Mấy năm nay, mẹ Lưu chỉ chăm dệt vải, dùng tiền đó nuôi nấng Khuyển Tử, con người bà cần mẫn, tay chân nhanh nhẹn, cuộc sống miễn cưỡng tạm ổn. Bây giờ sống ở Trúc Lí, lương thực sắp hết, bà không thể trưng mắt nhìn Khuyển Tử chịu đói, mỗi ngày đều dốc sức ngồi dệt vải.

Mẹ Lưu xoa đầu tóc rối bù của Khuyển Tử, vỗ về an ủi, mấy ngày nay phải để con trai bà chiụ đói rồi.

Ăn xong canh thì trời đã tối hẳn, hai mẹ con ai về phòng nấy chuẩn bị đi ngủ. Trong nhà không có đèn dầu, chỉ có ánh trăng ngoài cửa sổ bầu bạn giữa màn đêm.

Sáng sớm hôm sau, Khuyển Tử đến bờ sông lấy giỏ cá lên, hai cái giỏ đều nặng trịch, trong lòng Khuyển Tử mừng rỡ. Đã nhiều ngày rồi hắn không được ăn thịt, vừa hay hôm nay có cá ăn đỡ thèm.

Hắn không vội đổ cá ra, mà cẩn thận nhúng thân giỏ xuống nước để lọc hết bùn đất ra, rồi đổ cá vào một cái thùng gỗ.

Chủ cũ của căn nhà gỗ này để lại không ít đồ đạc, ví như còn thuyền nhỏ kia, cái thùng gỗ này, thực sự giúp ích cho Khuyển Tử rất nhiều.

Vùng vẫy trong thùng là năm sáu con cá, trong đó có một con cá lớn, còn có hai con cá chạch, mấy con tôm nhỏ và ốc đồng.

Bội thu, lương thực cho một ngày đã quá dư rồi.

Khuyển Tử vui vẻ đặt giỏ lại xuống dưới bờ sông, tiếp tục lấy bùn đất đắp lên, ngày mai cũng sẽ có cá ăn tiếp, quả thật một vốn bốn lời mà. Từ khi rời khỏi Phong Lí, hắn dường như chưa được ăn bữa nào no bụng, biết thế đã sớm làm giỏ bắt cá rồi. Tiếc là khi mới đến đây, hắn phải lo sửa nhà, khai hoang ruộng vườn nên không có thời gian suy nghĩ đến việc này.

Bây giờ nghĩ lại những ngày đầu mới chuyển đến Trúc Lí, quả thật vô cùng khốn khổ, trần nhà dột lỗ chỗ, tường thì xiêu vẹo. Ngày nào Khuyển Tử cũng phải trèo lên nóc nhà che đậy các lỗ thủng, mà xui xẻo mấy ngày đấy lại mưa rả rích không ngớt. Còn về mấy bức tường xiêu vẹo thì hắn cũng đành bất lực. Đợi khi nào nắng lên, Khuyển Tử mới cùng mẹ đi múc đất sét, trộn đều với nước rồi đắp lại lên tường.

Là môt đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi lớn, Khuyển Tử thông minh hơn nhiều so với đám trẻ con cùng tuổi trong thôn, cũng biết nhiều thứ hơn bọn chúng.

Khuyển Tử vui vẻ ngồi bên bờ sông đổ cá ra, sau đó lại chôn giỏ xuống dưới sông, mà ở bờ bên kia, miệng của A Li cùng A Lan đã há hốc ra.

Dân ở Trúc Lí không bắt cá như vậy, bọn họ dùng lưới bắt cá, mà còn rất phiền phức, trước tiên phải chặn hai đầu sông, sau đó có một người nhảy xuống nước kéo lưới ra, rồi ít nhất là bốn đến năm người hợp tác mới kéo được lưới cá lên.

"A Li, hắn bỏ cái gì xuống nước vậy?"

"Hình như là một cái giỏ trúc, dùng để bắt cá."

A Li lớn hơn Trang Lan một tuổi, cậu đoán được công dụng của giỏ cá.

"A Li, đợi hắn đi rồi, chúng ta qua bên đó xem thử nha?"

"Hắn biết bắn cung." Mặt A Li đáng thương nói.

"Không sợ, cung của hắn bị bẻ gãy rồi."

Trong tình cảnh hỗn loạn hôm đó, Trang Lan để ý thấy cung của Khuyển Tử bị bẽ gãy, trong lòng bé còn mừng thầm, từ nay sẽ không cần sợ hắn nữa.

"Ừm, đợi hắn quay về nhà rồi chùng ta sẽ lén qua đó xem giỏ cá."

A Li lúc này được tiếp thêm sức mạnh, cậu vốn rất sợ cung tên của Khuyển Tử, trong đầu vẫn còn ám ảnh.

"Xem giỏ cá của ai?"

Không biết Trang Dương đã đứng bên cạnh hai đứa nhóc từ lúc nào, trong tay cậu cầm một cái cuốc và một cái thùng, có vẻ như chuẩn bị đi xúc bùn. Ngày xuân là mùa thích hợp để trồng hoa sen.

A Li lắp ba lắp bắp không dám nói, A Lan trả lời: "Huynh trưởng, người đó dùng giỏ để bắt cá."

Người bên này đang nói chuyện, thì ở bên bờ tây Khuyển Tử đã sớm phát hiện có "kẻ thù" đến, đối mắt hắn trừng trừng quan sát.

Hắn ghét bọn trẻ con ở Trúc Lí, không chỉ có hai đứa nhóc quần áo sạch sẽ A Li và A Lan, mấy đứa trẻ con nhà nghèo xung quanh hắn cũng ghét. Tụi nó hay đến quậy phá, đào mầm đậu trong ruộng của hắn, ném đá vào cửa sổ nhà hắn - thật ra A Lan và A Li không làm chuyện này. Khuyển Tử đều đuổi chúng đi hết, cứ thấy chúng đến gần, hắn sẽ lấy gậy gỗ dí chúng chạy té khói.

Thầm nghĩ không ổn rồi, hai đứa trẻ độc ác kia đã phát hiện ra chuyện giỏ cá, chúng nhất định sẽ đến phá hoại, sau đó lại phát hiện ra đứng bên cạnh chúng là vị thiếu niên dịu dàng kia. Khuyển Tử thả hòn đá đang nắm chặt ở trong tay ra, không biết vì sao, khi nhìn thấy vị thiếu niên này, lửa giận trong lòng hắn giảm đi không ít. Có lẽ vì người này giúp hắn tìm lại dê, lúc hắn bị gia nô nhà Trương gia bắt trói, người này cũng giúp hắn giải thích, tuy rằng thiếu niên có vẻ vẫn bảo vệ người nhà hơn, nhưng từ trước đến nay rất hiếm có ai chịu đứng ra giúp đỡ hắn - ngoại trừ mẹ của hắn, ngoại công và Vương què (người dạy Khuyển Tử bắn cung).

Khuyển Tử nghĩ thầm, hắn sẽ ở trong nhà, nếu hai đứa trẻ kia dám bước qua cầu đến phá giỏ cá, hắn sẽ đánh chúng một trận. Nghĩ xong, Khuyển Tử quay lưng đi về nhà, không để ý đến bọn chúng nữa. 

"Đó là giỏ bắt cá, nếu hai đứa thích thì bảo lão Dịch làm cho mỗi đứa một cái."

Trang Dương tuổi lớn hơn, đương nhiên cũng biết nhiều thứ hơn, cậu từng thấy người Cùng bắt cá bằng thứ này.

"Không được động vào giỏ cá của cậu ta, nhà cậu ta nghèo, phải bắt cá làm lương thực."

Hai đứa nhóc này không hiểu được cuộc sống vất vả như thế nào, dù gì thì chúng cũng chưa từng bị đói.

"Vâng."

Trong lòng bọn trẻ, Trang Dương là một vị huynh trưởng vô cùng dịu dàng, nên chúng rất nghe lời cậu.

"Lát nữa phải trồng hoa sen, hai đứa cũng đến phụ giúp nhé."

Trong lúc nói chuyện với bọn nhóc thì Trang Dương đã xúc xong một thùng bùn. Hai đứa trẻ đang chán vì không có gì chơi, lập tức háo hức chạy theo sau chân Trang Dương.

Trang Dương một tay cầm cuốc một tay xách thùng đi phía trước, hai đứa nhỏ lẽo đẽo chạy theo sau. Một cao hai thấp, vô cùng hòa hợp.

Khuyển Tử khoanh tay đừng trước cửa nhìn ba người kia rời đi, trong lòng hắn không khỏi ngưỡng mộ. Ngưỡng mộ bọn chúng có huynh trưởng, còn hắn chỉ đơn độc một mình.

Nhưng mà mẹ hắn chỉ có một mình hắn, không có huynh đệ nào nữa.

Năm đó, mẹ Khuyển Tử vừa hạ sinh hắn không lâu, thiên hạ đã trở nên loạn lạc. Cướp bóc khắp nơi, binh sĩ đóng quân ở Lâm Cùng cũng vội vã rút quân, trong số đó, có một vị trưởng đoàn Kị binh anh dũng oai phong, chính là phụ thân của Khuyển Tử.

Hết chương 3.



Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro