Phần I - Chương 20

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Cậu Tư nhấc chân đi xuống chính xác vị trí còn trống duy nhất trong lớp. Chiếc cặp quen thuộc bị vứt dưới đất, cẩn thận nhìn kĩ còn thấy cả dấu giày dơ bẩn bên trên. Ông không quan tâm cơ thể cao lớn của mình khi cúi thấp nhìn xuống hộc bàn có bao nhiêu buồn cười, mà cũng chẳng ai dám cười ông, cô giáo trên bục bất giác hít vào một hơi lạnh. Bởi vì cậu lấy ra rất nhiều thứ trong hộc bàn. 

Không phải sách vở hay đồ ăn vặt mà cô giáo tưởng tượng, trái lại là vỏ rác, giấy vụn, xác côn trùng hay thậm chí là một vài chất lỏng không rõ nguồn gốc cũng bị cậu Tư dùng một tờ giấy bỏ lau lau trét trét lôi ra. Động tác của cậu chậm rãi mà tao nhã giống như một đầu bếp năm sao, nhưng rõ ràng cô giáo đã bị cậu doạ sợ, móng tay dài nhọn cắm muốn rách khăn trải bàn.

Cô bạn cùng bàn của Thuỳ không biết đã khiếp sợ nằm bệt ở góc nào đó trong lớp, đại loại là rác trong hộc bàn đã tràn sang chỗ của cậu ta mà vẫn không thấy cậu ta ho he một lời.

Cậu Tư lấy một mẩu giấy tương đối cứng hốt hết xác côn trùng trên mặt bàn, sải bước lên bục. Chân ông dài, bước hai ba bước là đến nơi. Cô giáo sợ hãi trợn mắt nhìn đống bọ đã chết, ghê tởm suýt nữa muốn ói, có nhiều con có bị ép đến xịt cả chất nhầy màu trắng đục bên trong. Thấy cậu Tư đến gần, cô lùi bước dữ dội, thở hổn hển.

Cậu nhẹ nhàng rải một đống như tưới cây phía trước bàn, ở vị trí mà tất cả mọi người trong lớp đều có thể chứng kiến rõ ràng. Có bạn nữ không nhịn được mà cúi đầu không dám nhìn, ôm miệng kiềm nén axit trào lên trong dạ dày.

- Cô giáo, đây là thứ mà một nữ sinh cấp ba sẽ đặt trong hộc bàn ư?

Cậu Tư mở miệng chất vấn. Mặc dù giọng cậu trầm ấm rất hay nhưng tất cả học sinh lẫn giáo viên giống như nghe phải tiếng trống trường đập mạnh vào màng nhĩ lỗ tai, ong ong không chịu nổi.

- Thời gian ra chơi không còn nhiều nên tôi xin phép nói nhanh.

Vốn ông tưởng giao cho cô giáo chủ nhiệm thì chuyện này có thể giải quyết được, có điều hình như ông hơi đặt nhiều hy vọng vào người này. Kết quả, yên lặng nghe có vẻ không khiến ông mấy hài lòng, ánh mắt ông cũng toát ra sự lạnh lẽo cay nghiệt hơn ngày thường.

- Tôi mặc kệ chuyện giáo viên và nhà trường liệt kê bao nhiêu tội trạng của các em, tôi không cần biết nguyên nhân, chỉ muốn nghe kết quả. - Nội bộ giáo viên trong trường học muốn lấy cớ làm rõ hoặc lập biên bản chi tiết để kéo dài vụ việc, cậu Tư chẳng buồn cho bọn họ cơ hội - Tôi muốn nghe hai cái tên sẽ bị hạ một bậc hạnh kiểm.

Dưới lớp lập tức có tiếng hít khí mạnh mẽ, mọi ánh mắt đổ dồn về hướng cô giáo chủ nhiệm, mọi lần cô sẽ là người đứng ra hoà giải và bảo vệ học sinh của mình. Nhưng bọn họ đã lầm, cô giáo chưa từng gặp vị phụ huynh nào tràn ngập hơi thở áp bức như vậy, hơn nữa cô sợ mình giải quyết không tốt thì ông sẽ làm lớn hơn nữa, suy cho cùng thì thái độ của ông quá kiên quyết cùng với việc cô chưa rõ tình hình diễn ra trong lớp. Chuyện mà làm lớn đến tai hiệu trưởng thì cô, thậm chí là toàn bộ giáo viên trong trường chẳng còn cơm để mà ăn nữa.

Đám học sinh chưa kịp thất vọng thì lại nghe cậu Tư nói tiếp:

- Hoạt động tập thể xưa nay luôn được đề cao bởi vì nó có ưu thế riêng. Ví dụ như một tập thể làm việc xấu thì sẽ chẳng có một cá nhân nào bị buộc tội, phải hay không?

Ông phát biểu một cách truyền cảm, đánh vào tâm lý mềm yếu của đám học sinh, có người cảm động lân lân dùng ánh mắt đáng thương nhìn ông, cầu xin một chút tha thứ. Cậu Tư như một gã thương nhân xấu xa trêu cợt người khác, hời hợt sửa cổ tay áo sơ mi, điềm đạm nói tiếp.

- Là người lớn, tôi chẳng thể bắt nạt các em được. Nể tình các em còn nhỏ, chưa trưởng thành, tôi chỉ cần hai học sinh được chỉ điểm mà thôi. Cũng không quá đáng mà, đúng không? - Nụ cười nhạt nhếch trên môi cậu Tư tắt ngủm, ông ngẩng phắt đầu lên - Tôi cho các em hai phương án. Một là các em tự thảo luận với nhau rồi chọn ra hai người giao cho tôi, những người còn lại không sao cả; hai là tôi bốc hai người bất kì trong các em chịu phạt, bất kể các em có phải đồng phạm hay không, đến lúc đó oan uổng kêu rên thì tôi sẽ báo cáo lên thầy hiệu trưởng. Đến lúc đó đừng cho là có bố mẹ chống lưng cho mình thì sẽ không sao, chưa chắc năm nay các em lên lớp được đâu. Từ bây giờ, các em có ba phút để chỉ ra hai người.

Tuy cúi đầu từ nãy đến giờ nhưng Thuỳ vẫn nghe rõ mồn một lời cậu Tư nói. Đừng nói đám học sinh bên dưới, ngay cả cô cũng phải cố gắng che giấu hoảng loạn trong lòng. Hoá ra bình thường cậu hoà ái với mình, còn bên ngoài là một mặt ép người khác đến đường cùng như vậy. 

Thế giới người lớn trong mắt Thuỳ bây giờ quá mức khắc nghiệt, hoàn toàn không giống mấy trò đùa của bọn trẻ con bọn họ chút nào. Bọn họ không cùng đẳng cấp với cậu Tư.

- Phụ huynh em Thuỳ này, chúng ta có thể từ từ thương lượng. Tôi biết anh đang nóng tính nhưng bọn trẻ dù gì cũng là học sinh, nô đùa trong chốc lát thôi chứ cũng không có ác ý. Anh xem, bọn nhỏ bị doạ sợ khóc lên rồi kia kìa. - Cô giáo đè nén khủng hoảng, thả nhẹ giọng khuyên nhủ, ít nhất người lớn với nhau có thể nói chuyện đàng hoàng chứ không nhất thiết phải thị uy trước mặt học sinh.

Lúc này cậu Tư mới từ tốn ngoảnh mặt nhìn cô giáo chủ nhiệm của cháu gái mình. Tính ra đây là lần đầu tiên ông gặp cô ấy, tiếc là ở trong tình huống không mấy hay ho.

- Cô giáo, tôi đã tôn trọng và cho cô năm phút đồng hồ để giải quyết việc trong lớp, nhưng cô đã cho tôi thấy kết quả. - Kết quả là chẳng giải quyết được cái gì, ông tiếp tục giải thích - Hình như tôi chưa báo với cô việc này. Tôi đã báo trước với hiệu trưởng nhà trường, hẹn chiều nay gặp mặt uống cà phê, nội dung của cuộc nói chuyện với hiệu trưởng sẽ phụ thuộc vào kết quả tôi nhận được bây giờ. Tôi không mong lớp học của cháu gái tôi lại được một người không có trách nhiệm dẫn dắt. Hoặc là cô sẽ bị phê bình trước toàn hội đồng, hoặc là tuần sau cô có thể thuyên chuyển công tác đến một ngôi trường khác.

Nghe đến đó, cô giáo giận tái mặt:

- Anh này, anh đừng có ức hiếp người quá đáng!!

- Tôi hiếp người quá đáng?! - Cậu Tư bỗng chốc cao giọng, lần này cậu giận dữ thật sự, quát thẳng mặt cô giáo - Giáo dục Việt Nam bây giờ suy đồi tới mức này à? Mười sáu tuổi, độ tuổi này bên nước ngoài người ta đã chuẩn bị dọn đồ ra khỏi nhà sống tự lập rồi, đám học sinh lớp cô còn bày ra đủ loại trò đùa trẻ con để chơi bẩn cháu tôi. Tôi không được lên tiếng sao? Không được đòi quyền lợi cho con bé à? Nếu con của cô trong trường hợp này thì cô có tức điên lên không?

Cô giáo chưa từng bị phụ huynh quát vào mặt bao giờ, lập tức sợ ngây người. Cậu Tư bị chọc cho mặt mày đỏ bừng, thoạt nhìn trông ông giống như thầy giám thị lăm le cây roi trong tay, không, còn đáng sợ hơn thầy giám thị nhiều. Bởi vì thầy giám thị phần lớn là hù doạ cho vui, còn ông thì sẽ làm thật.

Cậu Tư hít sâu hai hơi để ổn định tinh thần rồi liếc đồng hồ một lần nữa.

- Còn một phút.

Bạn nữ đầu tiên không chịu nổi hét lớn, đồng thời chỉ vào một bạn nữ khác tổ. Thuỳ ngạc nhiên nhận ra đó là người đã tát cô lần trước. Bị chỉ điểm, cậu ta cũng tỏ vẻ không sao cả nhún vai, thậm chí còn khiêu khích nhìn cậu Tư. Không khó để ông nhìn ra bạn học sinh này khác với những người khác. Cậu ta không sợ bị hạ mấy bậc hạnh kiểm, đây chỉ là trò cho bọn con nít.

Cậu Tư chỉ mỉm cười hài lòng, không nói gì nhiều mà chỉ thông báo:

- Còn một người nữa.

Người sau mới là vấn đề. Có người tiên phong rồi, cả lớp nhanh chóng trở thành một trận chiến hỗn loạn. Có người bị chỉ điểm, có người phản bác, có người không ngờ bạn thân lại đẩy mình ra chỗ chết, điên tiết rống lên, thậm chí là xô đẩy nhau nhanh chóng lao vào trận chiến khốc liệt. Các bạn nữ vì quá sợ mà nước mắt lấm lem liều mình ngăn cản, còn đánh nhau nữa thì có người sẽ bị điểm tên mất.

Mà người gây ra cuộc chiến này - cậu Tư - hoàn toàn không có chút cảm giác áy náy nào. Ông còn tự nhiên quan tâm xoa xoa hai gò má của Thuỳ, an ủi cô đừng khóc, cũng đừng sợ bị trả thù.

Cuối cùng, người bị đẩy ra là một cậu học sinh, đầu tóc bù xù như tổ quạ, có thể thấy cậu đã nhiệt tình chiến đấu cho bản thân đến nhường nào, tiếc là vẫn không thắng nổi đám đông. Tuy cậu bình thường có hơi nghịch ngợm nhưng đối mặt với hình phạt nặng nề như hạ hạnh kiểm bị phê xấu vào học bạ thì cậu chẳng dám, về nhà bố mẹ sẽ đánh cậu chết mất. Vì vậy, cậu không ngừng khóc lóc năn nỉ cậu Tư. Một thằng con trai chịu đựng xấu hổ khóc lóc như thế nhưng chẳng ai rũ lòng thương hại hay cười cợt cậu ta.

Cậu Tư không hề kinh ngạc với hoàn cảnh này chút nào, bởi vì ông hiểu rõ lòng người chính là thế. Lúc đoàn kết làm việc xấu thì có thể thấy đoàn kết một lòng, lúc vì lợi ích cá nhân thì ích kỷ muốn dìm chết những người khác. Ông bỏ mặc lời cầu xin của cậu học sinh kia mà đưa mắt về phía nữ sinh cuối lớp.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro