Chương 1: Bắt đầu bằng một ngày bình thường

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Mở đầu

Không gian mặn mòi muối biển, hương của biển dậy sóng khứu giác tới đánh thức thị giác và những tia nắng mặt trời như những lớp dầu mỡ màng nhảy điệu dân vũ trên mặt biển bao la. Sóng vàng lúc dịu nhẹ, lúc mạnh bạo táp vào mấy viên đá xám trơ lì làm nước tung lên da thịt những ngư dân miền sóng nước. Họ, những người quanh năm suốt tháng ngửi mùi muối biển, sống cùng biển và coi biển là cái nôi của sự sống, tự gọi mình là những đứa con của biển cả. Bên những con đường nhựa thành phố, họ vẫn mang cái màu sắc biển cả tô nên nét đặc trưng cho thành phố mình. Lão ngư già vẫn thường đem những lát cá tươi ra phơi giữa cái  nắng vàng rực rỡ, những lát cá đã được lão ướp bằng công thức của mình. Ánh mắt nhìn xa xăm, đôi mắt nheo lại giữa nắng, dường như lão đang suy nghĩ, nghĩ về một đời người, nghĩ về những tháng ngày gắn bó với biển và khoảng thời gian còn lại vẫn mịt mờ nhưng lão không mong gì hơn là cái cuộc sống đơn sơ mà lão đang có. Lão chớp đôi mắt xa xăm, đứng dậy, tiến tới gần chiếc thuyền nhỏ của mình, bắt đầu một ngày mới. Nhưng hôm nay có vẻ không phải là một ngày may mắn đối với lão. Nắng lên giòn giã và mồ hôi đã ướt đẫm tấm lưng sạm màu, lão đưa tay lên lau mồ hôi trên trán và trong phút chốc, lão tưởng mình đã hoa mắt. Trước mắt lão, dập dềnh trên mặt biển là một vật gì đó đang phát sáng. Thứ ánh sáng xanh dịu nhẹ hòa lẫn cùng nắng vàng, đem đến một cảm giác rất dễ chịu. Từ một chỗ, nó cứ thế lan ra như những đốm lân tinh nhỏ, đẹp đến diệu kỳ. Lão như bị thôi miên mất mấy phút rồi khi trở về hiện thực, cơn tò mò cố hữu của con người đã thôi thúc lão tiến tới gần vật ấy. Khi đã chạm vào nó, lão ngỡ ngàng nhận ra đó là một viên đá sáng lên vẻ quý giá, thanh bình và tràn đầy ảo mộng.

Chương 1

Bữa sáng ảm đạm với bánh mì, sữa và tiếng TV đang phát chương trình thời sự buổi sáng. Andy Chow đang đọc báo còn Hạnh Linh thì theo dõi chương trình thời sự một cách uể oải. Có lẽ bữa sáng cứ trôi qua như thế nếu thời sự không phát một tin tức vô cùng thú vị: “Ngư dân tìm được đá quý và những lời đồn thổi về kho báu nơi đáy biển!!” Hạnh Linh nhìn Andy, anh vẫn chăm chăm vào tờ báo của mình. Cô bắt chuyện: “Anh có tin chuyện kho báu không?”. Andy đáp trả không mấy hào hứng: “Không.” Hạnh Linh cảm thấy khó chịu với thái độ của Andy, cô đứng phắt dậy, tiếng giày cao gót gõ xuống sàn để lại những âm vang hằn học lan dài một dãy hành lang.

Trước khi bước ra khỏi nhà, Hạnh Linh không quên xem lại xấp thiệp mời được xếp gọn gàng trên chiếc bàn nhỏ cạnh cửa ra vào. Đám cưới, lễ khai trường, tiệc mừng thọ, tham dự sự kiện,...tất cả đều nhàm chán. Cô đã từng trải qua bao bữa tiệc xa hoa, hào nhoáng và chưa bao giờ cô cảm thấy chán nản như bây giờ. Có phải tuổi 26 đã biến cô thành một người khác? Hay là vì cuộc sống ngoài kia quá khắc nghiệt đến nỗi cô cảm thấy khinh thường sự no đủ của mình? Cô không rõ về sự thay đổi hay bất kỳ tên gọi nào khác cho cái lý thuyết về những giai đoạn trưởng thành nhưng có lẽ đã đủ để cô nhận ra cuộc đời không còn là những cuộc chơi mà là những cuộc đua thực sự. Mỗi người chúng ta đều là một tay đua, phải trải qua những giai đoạn khởi động,vượt chướng ngại vật, tăng tốc, về đích và cuối cùng ra đi trong viên mãn.

Những tấm thiệp mời lần lượt được xem qua và cuối cùng cũng có một tấm đáng chú ý. Đó là một bữa tiệc khá rầm rộ mấy ngày nay trên báo đài, một bữa tiệc của tập đoàn PetroStar cho việc hạ thủy thành công chân đế Kim Mã, một phương tiện khai thác dầu và khí ở vùng mỏ với độ sâu 70m. Một sự kiện mà cô không thể bỏ qua nhưng tất nhiên chẳng có lý do gì mà một nhà khảo cổ học như cô lại được mời đến sự kiện đó cả. Đó là lời mời gửi đến Andy Chow, giám đốc công ty tàu dịch vụ dầu khí thuộc tập đoàn PetroStar. “Thế nào mà thiệp mời của anh ta luôn giá trị còn mình thì không”-Hạnh Linh lầm bầm, lại thêm một lý do để cô thấy bực mình với chồng chưa cưới của mình. Có lẽ cô sẽ tìm mọi cách để có tên trong danh sách khách mời và không để cho Andy biết điều đó. Nhưng trước hết cô phải gặp một người đã.

Những tiếng giày “biết nói” của Hạnh Linh không còn lạ lẫm gì với Andy nên mỗi lần nghe thấy chúng, anh không cảm thấy mình phải làm gì cả. Andy chỉnh lại cravat, chuẩn bị đến công ty thì có người gọi điện đến cho anh. Andy nhìn màn hình điện thoại, là Hoàng Mai.

-Có chuyện gì không?

Giọng nói của cô sinh viên 22 tuổi vang lên bên kia đầu dây: -Anh đã đi làm chưa?

-Anh đang chuẩn bị đến công ty.

-Vậy à,.....-Hoàng Mai có vẻ ngập ngừng.

-Sao thế?

-Hạnh Linh, cô ấy hẹn gặp em...em nghĩ anh nên biết.

Nét mặt Andy trở nên khó hiểu, anh không hiểu Hạnh Linh muốn làm gì nhưng dù cô ấy có làm gì đi nữa thì cũng không phải vì ghen tuông hay những chuyện tương tự. Và việc Hoàng Mai nói với anh chuyện này cũng cho thấy cô ấy đang lo sợ Hạnh Linh.

-Em đừng lo lắng về cô ấy.

-Vâng. Andy này, bữa tiệc tối thứ bảy em đi cùng anh liệu có ảnh hưởng gì đến cô ấy không?

Sự xuất hiện của Hạnh Linh trong cuộc sống của Andy khiến mọi thứ bị đảo lộn. Giờ đây mọi việc anh làm đều gắn với gia đình cô trong khi anh không hề muốn thế. Anh đã mời Hoàng Mai đến dự tiệc của PetroStar cùng anh. Lúc đó anh hầu như mất trí và để thỏa mãn cơn bốc đồng phút chốc của mình mà Andy không lường trước hệ quả kéo theo. Nhưng anh đã mời cô ấy thì không thể rút lại được. Rồi sau đó sẽ là những lời ra tiếng vào không hay về mối quan hệ giữa anh, Hạnh Linh và Hoàng Mai. Thật may mắn là Hạnh Linh không có tên trong danh sách khách mời.

Văn phòng của Hạnh Linh ở Viện khảo cổ đang ngập lụt trong giấy tờ. Ngày nào cô cũng phải đối mặt với đủ thứ tài liệu, hết lịch sử, địa lý rồi đến xã hội học, nhân học, toán học, vật lý học,...Cấp trên, họ cần thời gian cụ thể, họ cần những thông tin chi tiết của từng món cổ vật. Và những nhà khảo cổ học như cô tự cho mình là những người lính bảo vệ và phát huy văn hóa dân tộc. Ngày trước khi cô tốt nghiệp đại học, cô luôn nghĩ mình sẽ có một văn phòng thoáng đãng nhìn ra ngoài biển, buổi sáng được hít thở không khí trong lành dễ chịu đến mức có thể ngủ nướng thêm giấc nữa. Và quan trọng hơn cả là mỗi tháng được nhận mức lương hàng chục và sáu chữ số. Nhưng có vẻ đây không phải là một ngành nghề hấp dẫn ở Việt Nam và xã hội dường như bỏ quên nó để nâng cao những doanh nhân, những nhân viên kinh tế, ngân hàng, những bác sỹ, những diễn viên, người mẫu,....Bằng chứng là cô đang ở trong một văn phòng ngột ngạt, lại còn chia sẻ với một người khác, buổi sáng mới bước chân vào cửa đã không còn tâm trạng ngủ nướng, hàng tháng lĩnh mức lương lẹt đẹt 3, 4 triệu. Nếu không sinh ra trong một gia đình khá giả, nếu không muốn nói là giàu, thì có lẽ giờ này cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc vì đôi giày cô đang đi còn đắt hơn cả lương tháng của cô.

Trần Hồng, cô đồng nghiệp chia sẻ chung văn phòng với cô đang cặm cụi đánh máy bản báo cáo về số cổ vật vừa được khai quật ở vùng núi tận cực Bắc của Tổ quốc, một trong những thảnh tựu đáng nhớ của năm mà viện tự hào nêu lên với báo giới. Trước đây Hạnh Linh không thường nói chuyện với Trần Hồng vì cô ấy mặt mụn, đeo kính và hoàn toàn thảm hại nhưng kể từ khi cắt đứt tài chính với gia đình, về sống ở nhà Andy Chow, tiết kiệm từng đồng lương của mình, bước sang tuổi 26 thì Trần Hồng là một trong những người bạn tốt của cô.

-Trời, hôm nay làm gì mà trông như diễn viên ấy. Ngựa quen đường cũ đấy à Li Đi A?-Chỉ khi dừng lại đề đẩy gọng kính lên thì Trần Hồng mới để ý đến Hạnh Linh. Cô thường biến tấu cái tên tiếng anh của Hạnh Linh một phần cũng là để trêu chọc một phần cũng là vì quen miệng. Ngày Hạnh Linh mới vào làm việc ở Viện khảo cổ, Trần Hồng và những đồng nghiệp khác từng xa lánh cô vì cô là Việt kiều, lại kiêu ngạo, bướng bỉnh nhưng bây giờ mối quan hệ của cô với đồng nghiệp cũng tốt hơn tuy còn đôi chút gượng gạo.

-Đúng là tôi đã lãng phí nhưng có lý do chính đáng.-Hạnh Linh vừa nói vừa soi gương chuốt lại mascara.

-Viện cớ nữa rồi. Tôi nghĩ cậu không chịu nổi cuộc sống này thôi.-Trần Hồng cười khẩy.

-Cậu nghĩ sao cũng được. Nhưng tôi cho rằng ăn diện để gặp người tình của chồng chưa cưới là lý do chính đáng.

-Cái quái gì?-Trần Hồng trợn mắt ngạc nhiên.-Cậu muốn giống mấy con nhỏ đáng ghét trên phim truyền hình, mấy đứa nhà giàu chảnh chọe não phẳng hả?

-Cậu thấy tôi không giống mấy con nhỏ đó chỗ nào?

-Nói thật nhé, Li Đi A, cậu đáng ghét lắm nhưng không có não phẳng đâu.

-Tôi coi đó là một lời khen.-Hạnh Linh cười mỉm và khi thấy nét mặt Trần Hồng trở nên nghiêm túc hơn thì cô mới nói:-Tôi chỉ muốn xem đời có như phim không thôi.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro