Luật sư Kyu (1)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Ngoài kia trời đang mưa đấy, hình như còn có cả gió. Những tán cây tùng phủ đầy bông tuyết đang rung lắc dữ dội ngoài cửa kính.

Là một thứ bản năng...


Đọc xong câu cuối cùng của lời tựa, tôi ngạc nhiên vô cùng, bất giác gấp cuốn hồi ký lại. Đó là một cuốn sổ được buộc bằng những sợi dây màu đen rất đẹp. Những nét chữ được nhà thơ viết trên đó bằng bút máy cũng vô cùng đẹp. Tôi buộc lại sợi dây màu đen trên cuốn hồi ký.

Tháng Ba đầu xuân năm 2010. Hôm nay là ngày giỗ một năm của nhà thơ Lee Jeok-yo. Theo như di chúc của ông, sau khi ông mất tròn một năm, tôi có quyền xem xét tập hồi ký. Vì thế tôi đã mở nó ra và đọc lời tựa. Chỉ mới đọc xong lời tựa thôi cũng khiến người ta có cảm giác bất an, băn khoăn.

Thật may, Han Eun-kyo hình như có vẻ không hứng thú mấy đối với cuốn hồi ký mà nhà thơ để lại. Khi tôi chăm chú đọc lời tựa của cuốn sách thì cô bé vừa mới bước chân vào trường đại học đó lại nhìn chằm chằm vào phía đối diện bên kia tòa nhà qua khung cửa sổ. Cô bé đang vô cùng thích thú với góc nhìn ra thế giới đằng xa ở độ cao từ tầng 19. Phía đó là khu Soecho-dong, trung tâm triển lãm nghệ thuật, cùng đường chân trời đằng sau đồi NamSan, tất cả đang trải dài ra trước mắt qua khung cửa kính.

Lúc nãy, khi mới bước vào văn phòng tôi, cô ấy đã "A" lên một cách thích thú, tỏ vẻ vô cùng kinh ngạc, rồi tiến sát đến bên cửa sổ. Cô ấy hỏi: "Văn phòng này là của chú thật sao?" rồi tiếp: "Tuyệt quá! Sau này cháu cũng muốn có một văn phòng như thế." Và cô ấy đã đến ngay bên cửa sổ: "Được làm việc ở một nơi cao như thế này chắc chắn sẽ có cảm giác rất thành công." Cô ấy vẫn quay lưng về phía tôi, lẩm bẩm như tự nói. Ánh nắng chiếu lên thân hình cô bé, vẽ rõ nét đôi vai gầy mảnh, cái cổ thon dài, những lọn tóc được cột chặt vổng lên cao để lộ cái gáy trắng ngần đập vào mắt tôi.

Theo di chúc của nhà thơ, sau khi ông chết tròn một năm, tôi có thể mở cuốn hồi ký này. Hôm nay tôi gọi Eun-kyo đến đây với tư cách là người làm chứng. Nhưng hình như ngay cả mục đích vì sao mình đến đây cô ấy cũng đã quên mất. Nhà thơ Lee Jeok-yo thuộc về những "nhà thơ của nhân dân" đã quá cố, Eun-kyo tươi trẻ lại đang vươn tới một tương lai tươi sáng và chiêm ngưỡng thế giới ở một tầm cao hơn. Đối với cô bé, nhà thơ chẳng qua chỉ là một sự tồn tại đã bị lãng quên mà thôi.

Ý nghĩa của sự tịch liêu, lạnh lẽo trong cái tên Joek-yo đương nhiên cũng là bút danh của nhà thơ. Hồi hơn 20 tuổi, ông ấy đã dấn thân tham gia vận động dân chủ, ôm giấc mộng trở thành một chiến sĩ cách mạng nhiệt huyết, kiên trung. Năm 30 tuổi bị bắt giam, mười năm ông sống trong ngục tù, đến năm 40 tuổi được thả và đến tận giờ, ông là một nhà thơ.

Lúc sinh thời, ông đã cho xuất bản hai mươi tập thơ, gần như mỗi năm xuất bản một tập. Mỗi tập thơ của ông không những nhận được những lời khen ngợi tích cực của giới phê bình mà còn được công chúng chào đón nồng nhiệt. Ông chỉ sáng tác thơ, không viết thêm một thể loại nào khác, thậm chí đến một bài tản văn cũng chưa viết, và cũng chưa từng tiếp nhận một cuộc phỏng vấn chính thức nào cả. Dù trong đại trào lưu mới và bão táp của cuộc Đại cách mạng Dân chủ hóa, ông vẫn chỉ sáng tác thơ. Tên nào người nấy, ông lúc nào cũng triệt để hóa sự "tịch liêu" của mình. Càng không chịu đựng nổi sự huyên náo, ồn ào của những con người xung quanh, ông lại càng thể hiện sự trung trinh tha thiết đối với thơ ca, cùng với tiếng nói "tịch liêu" của mình. Đương nhiên như vậy không phải ông hoàn toàn thờ ơ với thế giới này, ngụ ý trong những tập thơ của ông lúc nào cũng hiển hiện: bất kể thế nào cũng phải đứng ở tuyến đầu của thời đại, dẫn dắt mọi người tiến lên và phát huy sức mạnh khiến tất thảy mọi người phải sửng sốt. Thơ ông phơi bày một hiện thực xã hội vô cùng tinh tế và sâu sắc, luôn trở thành tiêu điểm khiến giới phê bình phải tranh luận, rồi dẫn mọi người đến một tiếng nói chung, và cuối cùng trở thành một "nỗi tịch liêu" chói lóa. Khi ông qua đời, người ta đã nói, thế gian này giờ chỉ toàn những tạp âm tầm thường, và trong những ngày đó, người ta đã không quản ngại xa xôi, mưa gió xếp hàng dài để đến truy điệu ông. Mãi đến tận ngày hôm nay, tròn một năm sau ngày mất, hằng ngày những áng thơ của ông vẫn được giới truyền thông trích dẫn hàng chục lần, những lời bình và chú thích thơ ông cũng đã được xuất bản thành hơn chục tập. Có người nói, sự "tịch liêu" của ông còn lan tỏa mạnh mẽ hơn cả những âm thanh ồn ào náo nhiệt. Tuy ông chỉ là một nhà thơ, nhưng sức ảnh hưởng của thơ ông để lại vượt qua cả văn chương, truyền bá rộng rãi tới cả giới chính trị và các đoàn thể xã hội, trong đó cả giới tôn giáo... Nhưng những lời tự bạch được ghi chép một cách xác thực về tình yêu và sự việc giết người trong cuốn hồi ký này phải làm sao đây?

"Sao thế, chú Kyu?" Đột nhiên Eun-kyo quay lại hỏi. Tôi bất giác gấp mạnh cuốn hồi ký lại.

"Không... không có gì." Tôi lắp bắp trả lời. Tôi cũng biết, nhà thơ già Lee Joek-yo yêu cô thiếu nữ này. Khi ông ta còn sống, tôi cũng đã biết, nhưng chuyện ông tự bạch mình đã giết người thì tôi hoàn toàn sửng sốt.

Làm thế nào để chấp nhận lời tự bạch về vụ giết Seo Ji-woo đây?

Đúng như những lời của ông ấy nói, người chết trước ông sáu tháng Seo Ji-woo chính là cậu thanh niên đã ở bên ông mấy năm cuối đời, và cũng là một tác giả nổi tiếng. Mọi người đều biết cậu ta từng ly hôn, nhưng mấy năm bên cạnh nhà thơ, một mình cậu ta đã tận tâm tận lực chăm sóc ông. Nhiều người còn lên tiếng khen ngợi rằng, đến con cái cũng không làm được như thế.

"Sắc mặt chú xấu quá. Ông nội đã viết cái gì kỳ quái trong cuốn hồi ký đó à?" Đến tận giờ Eun-kyo vẫn gọi nhà thơ là ông nội.

"À không... chỉ là nhìn những dòng bút ký của nhà thơ, đột nhiên chú thấy đau lòng, vả lại người cũng hơi mệt mỏi một chút..." Tôi trả lời vội vàng, rồi đứng dậy.

Vừa tham gia lễ tụng niệm một năm ngày giỗ của nhà thơ ở một ngôi chùa gần đây về, nói mệt cũng đúng. Huống hồ tối nay giới văn học còn chuẩn bị nghi thức truy điệu tưởng niệm nhà thơ, tôi dù là một nhà thơ thế hệ sau hay là người giám hộ về mặt pháp luật cũng vẫn phải tham gia nghi thức ấy. Xét về độ tuổi, nhà thơ hơn tôi mười tuổi, từ lúc gặp nhau lần đầu tiên trong tù, tình thâm giao đến giờ cũng đã non nửa thế kỷ.

"Nét chữ của ông nội cũng thật kỳ lạ, cứ mỗi lần đọc cái gì của ông là đầu cháu lại ong ong." Eun-kyo liếc nhìn đồng hồ, cầm túi xách lên nói. "Chú Kyu, chú cứ đọc đi nhé, đọc xong rồi nếu có điều gì cháu cần phải biết thì nói cho cháu sau nhé."

"Cháu đi sao?"

"Cháu có hẹn với bạn rồi ạ."

Và cô bé đẩy cửa bước ra khỏi văn phòng. Tôi tiễn Eun-kyo ra tận cửa. Tiết trời vừa đầu tháng Ba, đồi NamSan vẫn đầy tàn tích của tuyết, thời tiết giờ vẫn mang một hơi lạnh buốt.

"Cuộc đàm phán chiều nay dời sang ngày mai, chiều nay cô có thể nghỉ việc." Tôi nói với cô Yun như vậy. Gọi là nhân viên chẳng qua chỉ có mình cô Yun mà thôi, hành nghề luật sư như tôi cũng giống như đang về hưu ngầm vậy, ngoài mấy người quen biết nhờ giúp đỡ ra, trên nguyên tắc ba năm nay tôi đã không nhận thêm bất cứ một vụ nào nữa. Cô Yun buông tách cà phê xuống rồi đi ra ngoài. Căn phòng thật ấm áp.

Tôi mở tập hồi ký, đi đến chiếc sofa ngồi xuống.

Đây là cuốn hồi ký mà nhà thơ dùng bút mực viết rõ ràng từng nét từng nét một. Tôi bỗng có cảm giác bất an, cảm thấy những lời thú nhận về việc yêu sâu sắc cô bé Eun-kyo và việc giết hại Seo Ji-woo cùng lời cuối cùng ở phần lời tựa "Là một dạng bản năng" ấy có sự liên quan mật thiết với nhau. Đầu tiên, khi nghe đến lời tự bạch khủng khiếp giết Seo Ji-woo, tôi đã cảm thấy bất an, và sau đó, khi cơn choáng váng qua đi, giờ đây tôi lại bất an với câu cuối cùng đó.

Cửa sổ nơi phòng sách của nhà thơ rất rộng, có lẽ đêm trước lúc lâm chung, ông ấy đã vô cùng muốn được nhìn thấy thế giới ở bên ngoài kia đấy nhỉ? Cửa sổ chắc đối diện chỗ ông hay ngồi, lớp giấy dán Hanji bên ngoài cửa đó chắc đã bóc đi rồi, không khó để tưởng tượng những ngọn cây tùng bị phủ đầy những bông tuyết cứng ngắc đang lay động ngoài đó. Tôi ngồi duỗi người trên sofa, lặng lẽ dùng ánh mắt của nhà thơ để nhìn ra ngoài cửa sổ, bóng tùng ngoài đó đang lắc lư, đó hẳn là bóng đen không tối cũng không sáng trong một đêm xanh thăm thẳm.

Nhà thơ là một ông lão thất tuần già nua chịu đựng nhiều cơn hành hạ của đủ loại bệnh. Trước mắt tôi bỗng nhác thấy hình dáng của một ông già gày gò ốm yếu, khắp mặt lốm đốm nốt đồi mồi, cùng mái tóc hoa râm thưa thớt và hốc mắt trũng sâu như hai giếng khơi. Có thể nói thế này, dù cơ thể đã tàn tạ nhưng điều duy nhất còn lấp lánh sáng chính là ánh mắt vẫn còn phản chiếu trên khung cửa kính. Bóng tối âm u của những bóng tùng đang nhẹ nhàng mà thô bạo lắc lư theo từng cơn gió lạnh quệt vào khung cửa sổ vẫn bám đầy tuyết.

Thời khắc tịch liêu cực điểm qua đi, nhà thơ Lee Jeok-yo đã xiên một dao chí mạng vào tận sâu tim người ta, rồi chỉ dùng một câu "là một thứ bản năng" để chấm dứt những tràng thú nhận dài liên miên đó. Bản năng – hình như không mang trong mình thứ gọi là sinh lão bệnh tử. Chính thế, con tim tôi cũng thấp thỏm không yên vì nó. Nói thế nào về cuốn hồi ký này nhỉ? Nó mang tính bạo lực nhẹ nhàng, vì uyên bác mà lạnh lùng chăng? Bản năng là một con dao sắc bén chiến thắng cả thời gian, cuối cùng dẫn đến cái chết của một người nào đó, cũng giống như một trận bão tuyết mới giáng xuống vậy.

Ồ, cà phê đã nguội ngắt từ khi nào thế nhỉ!


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro