VÒNG II: ĐỘI 11 - BÀI DỰ THI

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

BÀI DỰ THI CỦA A

Omoide no Koizumi.

[ Ký ức về dòng suối nhỏ trong lành.]

Làn khói trắng từ hơi thở của tôi theo gió chầm chậm bay lên cao. Nó trông như muốn hoà vào những đám mây trên bầu trời trước khi dần dần phai nhoà đi. Tôi nhoài đến, cả người vươn ra, với về phía trước. Bàn tay phải xoè ra hết cỡ rồi co chặt lại thành nắm đấm. Điếu xì gà đang bị kẹp giữa ngón trỏ và giữa rơi xuống đất. Tàn thuốc đỏ văng tung toé. Và rồi như vậy, trong tay tôi chẳng còn gì.

Từ trên cao, những đám mây trắng thong dong tiến xuống và hướng về phía chân trời đang ửng hồng. Chúng trông như muốn cuốn lấy hơi khói thuốc của tôi trước khi dần dần trôi đi mất. Trong một thế giới giả tưởng nơi con người biết bay, có lẽ tôi đã tung mình ra khỏi ban công tầng hai căn biệt thự bố mẹ để lại mà bay theo những đám mây trắng. Tôi muốn biết chúng sẽ đi đâu, về đâu: liệu có dừng lại trong phút chốc để cuốn lấy hơi thở của ai, hay cứ thế trôi dạt đến mãi mãi.

"Những đám mây trắng bay ngang qua dòng suối chảy xiết."- Có giọng nói trong veo, lanh lảnh như tiếng chuông gió ngân nga bên tai tôi. Nhưng nó không đến từ đâu trong căn biệt thự vắng lặng. Nó đến từ chính trong tôi, từ một miền xa lạ mà tôi không nhớ tên.

Tôi đã định đắm mình vào trong vùng đất của suy tưởng. Tôi đã định đi tìm nguồn gốc của giọng nói ấy, lần mò lại nó giữa vô vàn những mảnh ký ức vụn của mình - những mảnh ký ức vụn như tấm gương bị ai vô tình đập vỡ. Nhưng rồi túi quần rung lên. Điện thoại đổ chuông rần rần. Và như vậy, tôi bị ném ra khỏi thế giới trong đầu.

Mặt trời vừa mọc trên bầu trời cố đô Kyoto cổ kính, già cỗi. Dẫu đã ngắm cảnh này rất nhiều lần, song chưa bao giờ nó ngưng đem lại cảm giác thanh mát trong lòng một người. Hệt như dòng nước ngọt lành gột rửa qua tâm hồn tôi.

Chuông điện thoại vẫn đang rú rít ầm ĩ. Vì không lưu ai vào danh bạ, tôi chẳng rõ đây là số lạ hay quen. Tôi quyết định không bắt máy.

Nhiều khả năng cuộc gọi chỉ là một sự nhầm lẫn về các con số. Bởi thứ nhất, dịch vụ dọn nhà tôi thuê không đi làm sớm thế này. Thứ hai, bác sỹ tâm lý của tôi luôn nhờ thư ký gửi mail xếp lịch hẹn. Và cuối cùng, không ai lại đi gọi điện cho một nhà văn mắc hội chứng hikimori nửa vời nếu đó chẳng phải biên tập viên của anh ta. Nhưng thời hạn nộp bản thảo của tôi còn cách hôm nay cả tháng nữa. Huống hồ là bác Seiji - người mà nhà xuất bản đã giao phó tôi cho – không thích nói chuyện quan trọng qua điện thoại. Ông là kiểu người đã cũ. Cái kiểu mà cứng nhắc và tin rằng 'lũ trẻ' sẽ không chịu nghiêm túc nếu không bàn bạc công việc mặt đối mặt, kém theo hai ly trà nóng đặt ở giữa. Mà bất kỳ cuộc gọi nào đến vào cái giờ này, chắc chắn là một cuộc gọi khẩn.

Túi quần tôi rốt cuộc đã ngừng rung. Không gian trong căn biệt thự lại lần nữa trở về với sự câm lặng bất di bất dịch thường ngày của nó. Ấy là cho đến khi cái điện thoại đổ chuông hồi thứ hai.

Sự bực bội dâng lên trong lòng khi tôi áp nó bên tai rồi bấm nhận cuộc gọi theo thói quen. Thật khó chịu khi phải giao tiếp chỉ để nói rằng ai đó đã bấm nhầm số. Thế nhưng, thay vì một cuộc trò chuyện diễn ra ngay tức thì, bên tai tôi lại là tiếng thở đều đặn của một người. Không biết nên mở lời làm sao, tôi đờ ra trong khoảnh khắc - một khoảnh khắc yên tĩnh lạ lùng kéo dài.

" Moshi moshi, cho tôi hỏi đây có đúng là số điện thoại của Kishita Aran không?"- Người ở đầu dây bên kia cuối cùng cũng lên tiếng. Giọng anh ta trầm mà ấm, dày như tấm chăn bông tôi hay đắp vào mùa đông. Người này gọi đúng tên tôi.

" Vầng, tôi là Kishita Aran đây."

" A-Aran, tớ...tớ là Ten đây. Fujitsu Ten. Khi bé chúng ta từng chơi với nhau bên bìa rừng ở Miyama Kayabuki trong những mùa hè. Cậu còn nhớ chứ?" – Lúc này thì giọng anh ta lại run run, mừng rỡ như thể vừa tìm được món đồ quý giá.

" Không."

Người đàn ông này đang nói về cái gì thế nhỉ?

Mùa hè. Tôi chẳng nhớ mùa hè nào cả. Song tôi biết Miyama Kayabuki. Đó là một ngôi làng cổ cách trung tâm Kyoto tầm năm mươi cây số mà muốn đi đến phải tốn ngót nghét tám mươi phút ngồi xe búyt. Tôi hình như đã nhìn thấy và biết về Miyama Kayabuki qua báo điện tử, qua mạng xã hội hay qua quyển tạp chí du lịch cũ. Còn lại thì cái tên Ten thì chưa lọt vào tai tôi bao giờ, nếu đó là không tính đến lời giới thiệu ban nãy.

Ở đầu dây bên kia, tôi nghe một tiếng thở dài. Kế đó, vẫn với chất giọng vừa rồi nhưng kèm theo một điệu bộ uể oải hơn gấp bội, Fujitsu Ten lại nói tiếp, trước khi tôi kịp ngắt điện thoại.

" Làm ơn khoan hãy cúp máy. Ông Kishita này, tôi là một fan bự của tác phẩm ông xuất bản năm ngoái. Những truyện ngắn 'Trong cánh rừng xanh', 'Dưới bầu trời rộng lớn' và 'Bên dòng suối nhỏ trong lành' là món ăn tinh thần ưa thích nhất của tôi đấy ạ."

Con người này thật kỳ quặc: ở cái cách mà anh ta chuyển vai từ người bạn cũ sang một độc giả đang hâm mộ tôi. Nhưng thế thì có sao? Dù gì đi chăng nữa, những điều này cũng chẳng liên can gì đến tôi.

" Ừ cảm ơn ông. Tôi viết chúng cho trẻ con."- Tôi đáp. Miệng thản nhiên buông ra một lời nói dối trắng trợn. Thú thực thì ba truyện ngắn trên của tôi ban đầu chỉ là bài tập về nhà mà ông bác sĩ tâm lý giao cho.

Quả là buồn cười khi truyền thông tung hô những đoạn văn lủng củng, câu từ cẩu thả mà tôi viết như thể đó là tuyệt phẩm

của thời đại. Hôm trước khi đang lướt mạng, tôi có tình cờ đọc được một bài báo viết về bộ ba truyện ngắn mình viết.

" Các tác phẩm hay về lòng nhân ái và tình bạn." - Họ viết.

" Truyện ngắn mang theo ý nghĩa nhân văn tuyệt vời để giáo dục trẻ con." - Vài cư dân mạng cho hay.

Kỳ thật chính tôi còn chả nhớ ra được mình đã viết gì trong ba tác phẩm đó. Mọi chuyện bắt đầu bằng việc ông bác sĩ tâm lý Nakahara Toshiro già khú đế đọc vài bài nghiên cứu mới, cho rằng nếu tôi có thể bằng cách nào đó ghi chép lại những giấc mơ dữ dội mà vụn vặt xuất hiện trong các lần chợp mắt cực kỳ hiếm hoi của mình, phép màu sẽ xuất hiện và giúp tôi chiến thắng chứng bệnh mất ngủ lâu năm. Tất nhiên, ông già Toshiro đã thử cách trị liệu kia trên người tôi như chuột bạch. Và thế là một xấp bản thảo viết bằng chì bấm trên giấy notebook dày gần hai trăm trang được viết ra. Những giấc mơ từng ám ảnh tôi đã trôi tuột vào trang giấy, nhờ đó mà tôi có thể quên chúng đi hoàn toàn. Toshiro cũng khuyên tôi đừng đọc lại xấp bản thảo.

Khi xấp bản thảo được hoàn thành vào năm ngoái cũng là khi hai phép màu lần lượt xuất hiện. Điều thứ nhất, là tôi bắt đầu ngủ được hơn bốn tiếng mỗi ngày - một dấu hiệu đáng mừng sau gần mười năm kể từ khi tốt nghiệp cấp ba, ngày nào tôi cũng phải chật vật từng giây chỉ để chợp mắt được trong chốc lát. Cái thứ hai - thứ mà đến giờ tôi vẫn rõ nó có thật là phép màu hay không – đó là con của cô thư ký làm cho Toshiro, đã vì một lý do củ chuối nào mà lại đọc được bản thảo tôi viết. Con bé cực kỳ thích những câu chuyện kia đến mức đem

chúng kể cho đứa bạn thân – trùng hợp thay chính là cháu của Sugimura Seiji, một biên tập viên kỳ cựu của nhà xuất bản sách Shueisha. Mọi chuyện xảy ra tiếp theo sau đó với tôi mơ hồ hệt một giấc mộng buổi trưa hè. Bên chỗ Shueisha chia bản thảo dài ngoằng ban đầu của tôi ra làm ba và đặt tên cho chúng. Trước khi bản thân kịp nhận ra, quyển tuyển tập ba truyện ngắn đầu tay của tôi đã lấp đáy kệ vô số các hiệu sách trải dọc theo chiều dài nước Nhật. Thật là có đôi khi trong đời, hay lại không bằng hên.

" Ông Kishita, ông Kishita. Ông có còn đang nghe tôi nói không vậy?"

Bị Fujitsu Ten gọi tên từ bên kia màn hình điện thoại, tôi trở về với thực tại. Có ai từng nhận xét tôi là một kẻ có đầu óc trên mây. Cứ hở ra một chút, lập tức tôi sẽ bắt đầu trôi tuột ra khỏi hiện thực mà tiến vào miền suy tưởng. Song trách tôi sao được, khi cái thế giới mà con người đang sống mới thật nhàm chán làm sao. Không thứ gì có ý nghĩa cả. Sự tồn tại của các vì sao, hệ mặt trời, trái đất đều chỉ là một vòng tuần hoàn của vũ trụ và con người là thứ sản phẩm phụ nhỏ bé, vô giá trị của nó. Một vài tỷ năm nữa, khi hệ mặt trời lụi tàn hay trái đất nổ tung, sẽ chẳng còn thứ gì chứng minh con người đã từng tồn tại, chẳng kẻ nào biết đến Saito Takamori đã là ai, làm gì. Khi sự thật là như vậy, thì những gì tôi làm trong đời có khác nào dấu chân in trên cát ngày gió lộng. Khi sự thật là như vậy, tất cả ý nghĩa ta gán cho sự vật hay sự việc đều thực vô giá trị. Khi sự thật là vậy, thì mọi chuyện con người đang làm, chỉ đơn giản là giết thời gian trong khi chờ thời gian giết mình.

Khoan đã, tôi lại đi quá xa rồi.

"...Vậy nên ông Aran, ông đi Miyama Kayabuki với tôi một chuyến nhé. Ông hãy ra Takashimaya ở phố trung tâm rồi tôi sẽ đón ông, được chứ?"

Người này đã và đang nói về cái gì kia chứ?

" Được rồi. Hẹn gặp ông ở đó, ông..."

"Fujitsu Ten."- Anh ta nói trước khi cúp máy.

Fujitsu Ten không đáng tin. Ai mà biết được nếu tôi đi đến ngôi làng cổ Miyama Kayabuki được bao bọc giữa rừng núi hoang vu, ít người ở và vắng du khách, người đàn ông này sẽ làm gì với tôi. Bắt cóc, giết giấu xác, ăn trộm nội tạng, vân vân – chuyện gì cũng có thể xảy ra. Thế nhưng tôi muốn đi Miyama Kayabuki đã lâu. Có cái gì ở ngôi làng xa xôi ấy như đang vẫy gọi tôi. Tên và bóng dáng mờ mờ của nó in sâu trong trí não tôi. Phải chăng phần nào đó trong tiềm thức tôi đã xác định nơi đấy chứa câu trả lời cho sự tồn tại của tôi? Song nếu thế thật thì tại sao đến bây giờ, tôi vẫn chưa tự đặt chân xuống Miyama Kayabuki? Không ai đưa ra được trả lời. Cũng có thể chỉ muốn thôi vẫn chưa tạo đủ động lực cho tôi chiến thắng hội chứng hikimori nửa vời của mình. Tôi cần một lý do. Và hoàn hảo thay Fujitsu Ten đã đưa cho tôi một lý do để đi ngôi làng cổ. Sau khi đến nơi, anh ta giết tôi đi cũng được. Dẫu sao điều đó cũng không có ý nghĩa gì.

Lúc tôi đến dưới toà nhà Tayashimaya ở phố trung tâm Kyoto, khi ấy mới là tầm bảy giờ sáng. Khách du lịch chưa xuất hiện và xung quanh tôi, người dân bản địa đang hối hả di chuyển trên con đường đến chỗ làm của họ. Tôi nhón chân, vươn cổ

ngó nghiêng xung quanh. Dẫu không hẹn giờ rõ ràng với Fujitsu Ten, nhưng với tư cách là người mời tôi, đáng ra anh ta phải đến trước. Tôi liếc cái đồng hồ đeo tay, sốt ruột.

Một chiếc Toyota bốn chỗ đột ngột dừng lại trước mặt tôi. Cửa kính xe hạ xuống, để lộ ra khuôn mặt của tài xế. Đó là một người đàn ông gần ba mươi tuổi có khuôn mặt cùng cách mặc quần áo đúng chuẩn một công dân Nhật Bản có việc làm và cuộc sống ổn định. Anh ta trông khác hẳn với thằng lông bông ăn bám tiền bố mẹ để lại mãi cho đến khi có sách bán chạy là tôi.

Vừa trông thấy tôi, đôi mắt kiên nghị giấu sau cặp kính dày cộp của người này dường như có hơi nước dâng lên, rơm rớm.

" Ông Kishita Aran?"

Tôi gật đầu. Người này có lẽ chính là Fujitsu Ten.

" Tôi, Fujitsu Ten vừa nói chuyện trên điện thoại với ông đây ạ."

Tôi tiến lại gần rồi mở cửa xe, ngồi vào phần ghế phụ lái đang để trống, thành thạo như một thói quen. Fujitsu Ten không nói gì, tôi cũng im lặng. Chiếc xe bon bon chạy trên những con đường cũ kỹ của Kyoto cho đến khi nhà cửa thưa thớt dần. Và cũng khi ấy, các mảng xanh rì, mướt mát bắt đầu xen vào tầm mắt tôi. Tôi ngồi hướng mặt ra bên ngoài, cảm nhận làn gió thổi thốc vào da mặt và vò lấy vò để mái tóc đen ngắn cũn cỡn.

Khi cái xe chạy ngang một con đèo nhỏ, có gì trong tôi mách bảo rằng Miyama Kayabuki đang ở gần. Lúc này đây, tôi xoay người, mặt đối mặt với Fujitsu Ten.

" Tại sao anh lại muốn đi cùng tôi đến ngôi làng cổ này?" – Tôi hỏi, giọng điệu thản nhiên, nhẹ nhàng và bỏ cả kính ngữ. Tự nhiên như thể Fujitsu Ten là một người bạn thân thiết.

Người tài xế của tôi hơi ngẩn ra, cặp lông mày sâu róm anh ta nhíu chặt lại với nhau, tạo nên hai cái rãnh sâu hoắm ở giữa. Mắt vẫn tập trung vào đoạn đường phía trước, Fujitsu Ten trả lời.

" Tôi nghĩ mình đã nói điều này qua điện thoại."

" Xin lỗi, khi đó tôi đang nghĩ về việc khác."

" Thật vậy sao? Nếu thế thì tôi phải hỏi ngược lại anh Kishita đấy. Tại sao anh lại đồng ý đi Miyami với tôi? Khi mà anh còn chưa nghe rõ lý do. Anh Kishita không cảm thấy tôi rất đáng nghi à?"

" Chả vì sao cả. Tôi chỉ có chuyến xe miễn phí đi Miyami thôi. Mà anh Fujitsu có đáng ngờ cũng chả sao cả."

Nghe xong lời của tôi, đột nhiên Fujitsu Ten phá ra cười như một đứa trẻ bị cù lét. Tiếng cười của anh ta nghe trầm mà vang, hào sảng và vui vẻ. Trong lòng tôi chợt thấy nhẹ nhõm đến lạ.

" Ha ha ha, đây quả đúng là Kishita Aran mà tôi biết."

Đột nhiên tôi thấy đau. Lồng ngực tôi như quặn thắt lại, quả tim bị một thế lực vô hình vò nát. Cùng lúc đó não tôi ong lên, nhức giống bị ai lấy búa bổ vào sọ. Chết thật. Sáng nay khi rời khỏi nhà, tôi quên chưa uống thuốc.

Dường như thấy được sự thay đổi trên khuôn mặt của tôi, Fujitsu Ten tỏ ra lo lắng.

" Anh làm sao vậy?"

" Không sao, chỉ là cơn đau đầu nhẹ mà thôi. Sáng nay tôi quên uống thuốc."- Tôi trả lời trong lúc xoay người hướng ra cửa sổ chiếc xe.

Nghe vậy, dường như cơ mặt của Fujitsu Ten đanh lại. Anh ta há miệng như muốn nói, nhưng lại chẳng có tiếng động nào thoát ra. Cứ như thế, cả hai im lặng cho đến hết đoạn đường chòng chành còn lại.

Miyama Kayabuki hiện ra, xinh đẹp và dịu dàng nép sau lớp vỏ bọc xanh rì của thiên nhiên. Chúng tôi tiến vào sâu trong ngôi làng cổ rồi Fujitsu Ten dừng xe trước một căn nhà ngày mép bìa rừng. Cũng giống như phần còn lại của Miyama Kayabuki, căn nhà được xây theo lối kiến trúc Irimoya zukuri phổ biến trong thời Edo với hai phần mái dốc lớn ở phía trước và sau, trong khi mỗi mặt bên được xây dựng với một phần mái nhỏ hơn.

Fujitsu Ten đưa tôi tiến vào bên trong, băng qua một khu vườn nhỏ đã lâu ngày không được cắt tỉa. Bên trong ngôi nhà được trang trí theo kiểu Chigi của các đền thờ, nhưng nếu nhìn kỹ, người ta vẫn có thể nhìn ra chút gì bóng dáng của thế kỷ hai mươi mốt hiện hữu trong những vật dụng lặt vặt. Chúng tôi không ngồi lại trong nhà. Fujitsu Ten dẫn tôi đi thẳng đến cánh cửa sau. Trên đường, anh ta dừng lại để lấy cái gì nhét vào túi rồi đẩy cửa bước ra ngoài. Tôi đi theo Fujitsu Ten và tiến vào rừng.

Thiên nhiên chào đón tôi bằng bầu không khí trong lành, một tràng hợp ca của bầy ve hoà với tiếng suối róc rách ở đâu vọng lại. Trên đầu tôi, những tinh linh nắng dường như đang quay cuồng trong một điệu flamenco trong tiếng hát của mẹ thiên nhiên. Nếu như lúc này Fujitsu Ten có giết tôi, nơi này cũng thật là một nơi lý tưởng để chết.

Chúng tôi đạp lá khô trong bìa rừng Miyama, càng tiến vào sâu bên trong, tiếng róc rách của suối chảy nghe càng rõ ràng hơn. Một cảm giác nao nao dâng lên trong bụng tôi. Cơn đau đầu vừa dứt ban nãy hình như đang có dấu hiệu quay trở lại. Song tôi chẳng màng đến nó. Có thứ gì, một thứ gì trong tôi đang thúc giục cả cơ thể tiến về phía trước.

Fujitsu Ten và tôi dừng lại bên cạnh mép một con suối nhỏ có mực nước chỉ đến ngang bắp chân một người trưởng thành có chiều cao trung bình. Nó chính là nguồn gốc của tiếng róc rách tôi vẫn nghe từ nãy đến giờ.

" Aran, nhìn xung quanh đi."- Fujitsu Ten nói. Giọng anh ta nghe nhẹ nhõm, giống như một người đã buông bỏ hết mọi gánh nặng trong lòng. Và hình như anh ta cũng đã buông bỏ luôn mọi quý tắc xã giao cùng kính ngữ mà gọi thẳng tên tôi.

Làm theo lời Fujitsu Ten, tôi chậm chạp xoay người hẳn vòng tròn, quan sát khung cảnh nơi mình đang đứng. Chân tôi đang dẫm lên sỏi và đá cuội đã rêu phong, xung quanh cũng thoáng đãng, ít cây cối trông thấy. Hẳn đây đã từng là lòng một con sông cho đến khi nguồn nước cạn dần và nó biến thành dòng suối nhỏ trong lành. Nhưng đây không phải điều chính mà Fujitsu Ten muốn tôi nhìn thấy.

Ngay sát bên cạnh dòng nước đang chảy, nhô lên giữa các phiến đá lớn là cái giá gỗ kê một bức tranh. Tim tôi như chững lại một nhịp khi nhìn thấy nó.

Đó là một bức tranh đẹp. Nó đẹp hơn bất kỳ thứ gì tôi từng thấy trên đời. Vẻ đẹp ấy có lẽ đến từ cách mà dòng nước của con suối trong tranh trông như đang thật sự chuyển động, từ cách mà những đám mây trắng lặng lẽ di chuyển trên nền trời xanh ngắt, hay hình bóng ba đứa trẻ ngồi tựa lưng vào nhau trên phiến đá lớn được phủ lên lớp màu xanh rêu của thời gian. Tôi không thể bào tả rõ được nét đẹp ấy qua những con chữ khô khan trên nền giấy trắng. Song khi nhìn vào bức tranh, một vòi nước vốn bị khoá bao lâu nay trong lòng tôi vừa được vặn mở.

"Những đám mây trắng bay ngang qua dòng suối chảy xiết."- Có giọng nói trong veo, lanh lảnh như tiếng chuông gió ngân nga bên tai tôi. Từ trong những mảnh vụn của ký ức đã bị đập

vỡ, tôi thấy em - chủ nhân của giọng nói ấy. Koizumi của tôi và Ten. Koizumi có nghĩa là dòng suối nhỏ trong lành.

Chuyện gì đang xảy ra với tôi? Trái tim trong lồng ngực tôi đang đập nhanh như muốn nhảy ra bên ngoài, mắt lẫn mũi tôi cay như bị xát ớt, còn bụng tôi thì nôn nao nháo nhào lên hết cả.

Ngay lúc ấy, Fujitsu Ten chợt lên tiếng.

" Aran. Tôi biết cậu không nhớ. Nhưng khi còn bé, tôi, cậu và Koizumi đã từng chơi bên suối này cả ngày, vào những tháng hè ngắn ngủi mà cậu đến Miyama Kayabuki thăm bà."

Đúng rồi. Mùa hè. Những mùa hè tươi đẹp năm đó. Khoảng thời gian tuyệt vời sẽ không bao giờ trở lại của cuộc đời tôi. Nhớ. Tôi muốn nhớ về nó – cái vẻ đẹp mong manh tuyệt đỉnh chỉ còn lại trong quá khứ ấy! Tôi muốn nhìn thấy nó lần nữa! Nó đã đi đâu? Có thể nó đã hoà vào những đám mây trắng, nó đã bay ngang qua dòng nước chảy xiết của thời gian. Tôi biết mình từng nhoài người, vươn bàn tay ra để bắt, để níu lấy nó. Thế nhưng đến cuối cùng, vẫn chẳng còn lại gì cho tôi.

Ba đứa trẻ đang ngồi tựa lưng vào nhau trong tranh. Ấy là tôi, Ten và Koizumi. Những mảnh vụn ký ức lướt qua đầu tôi: ba đứa trẻ mình trần như nhộng tắm truồng trong làn nước mát lạnh dưới ánh mặt trời gay gắt; ba đứa trẻ hái các trái rừng đã chín mà ăn đến căng tròn cả bụng; ba đứa trẻ chơi trốn tìm bên bìa rừng cho đến khi bé gái ngủ quên ở chỗ còn bé đang núp và hai thằng cu cuống cuồng vừa chạy vừa gọi tên em; ba đứa trẻ dùng đá xây nghĩa trang dành chôn những con chuột bị bẫy

chết, chỉ để rồi bị con thú nào phá nát trong đêm; hai thằng con trai cả gan trèo lên những cái cây cao ngất ngưởng, ăn trộm trứng chim trong tổ để đứa bé gái cầm chơi cho vui rồi trả lại; hai thằng thiếu niên vật lộn trên đất, đứa này túm chặt cổ áo đứa kia, thi nhau tung ra những nắm đấm như trời giáng để tranh giành cô gái mình thích, song không ai đủ sức để chiến thắng, và những lời tỏ tình bị chôn sâu trong lòng.

Tại sao tôi lại rời khỏi Miyama Kayabuki? Tại sao đến tận bây giờ tôi mới nhớ đến những chuyện này? Cả tôi và Ten đang ở đây, Koizumi đâu? Bức tranh này là thế nào? Và sự tồn tại của tôi, có lẽ nào chính là để được chiêm ngưỡng nét đẹp mong manh tuyệt đỉnh của những mùa hè ấy, rồi khi nó biến mất, không còn gì đẹp đến vậy để tìm kiếm, tôi mới trở nên vô nghĩa, trống rỗng đến nhường này?

Tôi khụyu gối xuống trên nền đá cuội trơn tuột, hai tay túm chặt mớ tóc đen, choáng ngợp với những gì cảm xúc vừa được tìm lại trong mình. Có một bàn tay đặt lên vai tôi, nhẹ nhàng vỗ về.

" Aran, đến nước này thì tôi nghĩ cậu đã nhớ ra phần nào câu chuyện. Lúc trước khi nói chuyện trên điện thoại, tớ đã bảo bức tranh mình muốn cùng cậu ngắm ở Miyama Kayabuki là của người vợ quá cố. Đó không phải lời nói dối. Vào mùa hè cuối cùng ấy trước khi chúng ta trưởng thành – mùa hè mà cậu tự sát thất bại rồi bị đưa đi và không bao giờ quay lại nơi này, tớ và Koizumi đã lẻn vào phòng cậu trong nhà của bà Kishita và tìm thấy bức tranh này trong tình trạng đang vẽ dở. Cậu để lại một bức thư cho chúng tớ - cậu nhét nó nơi bản lề cái cửa sổ. Trong thư, cậu viết rằng mình rất tiếc đã không thể hoàn thành bức tranh cho bọn tớ trước lúc mùa hè kết thúc, nhưng

đồng thời, cậu lại không thể để bản thân sống tiếp lâu hơn và phải nhìn cái đẹp mong manh của mùa hè biến mất."

Tôi ôm chặt lấy Ten, tựa đầu lên vai người bạn thân thiết nhất của mình mà khóc lấy khóc để. Nước mắt tôi làm ướt cả một phần áo anh. Mùa hè, mùa hè của tôi giờ đã trôi vào dĩ vãng. Cái đẹp đẽ trong cuộc đời nhàm chán này rốt cuộc đã biến mất. Tại sao khi ấy họ không để tôi đi chết cho rồi, mà phải kéo dài sự tồn tại vô sắc, vô nghĩa, vô dụng của tôi đến tận giờ phút này. Có lẽ Aran của ngày trước đã biết rõ điều này, vậy nên thằng nhóc ấy mới dùng hết tất cả của nó để lưu lại chút gì hình ảnh ba đứa trẻ bên bờ sông. Nhưng kế hoạch thất bại, bởi bố mẹ Aran lẫn Toshiro làm mọi cách để giữ lại cơ thể đã chết mòn của thằng bé năm ấy. Họ giữ lại tôi.

" Koizumi đã quyết định thi cao đẳng nghệ thuật để rồi dùng những năm tháng tiếp theo vừa học, vừa đi làm, vừa hoàn thành bức tranh của cậu. Cô ấy đã cưới tớ để làm hài lòng gia đình, mà vẫn có thể thuận tiệp tiếp tục công việc vẽ vời. Koizumi yêu cậu, Aran ạ. Tâm hồn của cô hướng về phía cánh rừng xanh ở Miyama chứ chẳng để mắt gì đến bầu trời rộng lớn. Koizumi mất tận chín năm để hoàn thành bức tranh. Năm ngoái, trong một đêm mệt mỏi trở về nhà từ ca trực, cảnh sát đã gọi điện báo cho tớ rằng vợ mình đã nhảy lầu từ chỗ studio của cô ấy. Koizumi đã tự sát giống sau khi hoàn thành bức tranh, hệt như kế hoạch cậu lập ra ban đầu giành cho chính mình. Nhưng khi ấy mùa hè đã chuyển sang thu tàn, và ta đánh mất một phần của mình. Ngoài Koizumi, tớ chẳng còn lại gì trong đời Aran ạ. Mọi cố gắng gánh chịu áp lực từ cuộc sống, xã hội của tớ đều trở nên vô nghĩa nếu cô ấy không còn. Và khi lâm vào tình cảnh khổ đau, con người lại đi tìm một nơi để trốn. Cồn đã là nơi trú ẩn của tớ trong một thời gian dài. Nhưng bây giờ tớ phải đối mặt với hiện thực thôi."- Thật kỳ lạ.

Bình thường, khi bị đặt trong tình huống phải kể lại những câu chuyện thế này, đáng ra một người sẽ tỏ ra đau đớn, thậm chí là khóc lóc sụt sùi - tự thương cảm cho sự mất mát của chính mình. Vậy mà giọng và mắt của Ten lại ráo hoảnh, cạn khô. Ở đây: hoặc là vết thương trong lòng anh ta đã đóng vảy hay chai sạn đi; hoặc là Ten đang cố hết sức để dồn nén cảm xúc vào bên trong, mà nếu thế thật thì tình trạng của anh ta bây giờ, giống y hệt bầu trời quang trước cơn bão lớn sắp đến để càn quét hết tất thảy.

Ten chậm rãi buông tôi ra. Nghe tiếng giày anh đạp trên đá cuội, tôi ngẩng lên nhìn qua kẽ ngón tay. Ten lúc này đang đứng bên mép con suối, bên cạnh bức tranh tuyệt đẹp.

" Hôm nay tớ kể lại tất cả vì muốn cậu nhớ. Trước khi mẹ cậu qua đời vì ung thư khoảng bảy năm trước, bà ấy đã gọi điện và khóc lóc xin tớ và Koizumi tha thứ vì đã ép cậu quên quá khứ để tiếp tục sống. Cũng chính vì chuyện đó mà bọn tớ đã không tìm cách liên lạc với cậu sau khi cả hai tốt nghiệp đại học rồi lên Kyoto đi làm. Nhưng sau khi đọc ba truyện ngắn cậu viết về chúng ta, tớ đã nhận ra rằng: dù những kỷ niệm giữa chúng ta đã trở về trong giấc mơ của cậu, nhưng kể cả khi ấy cậu vẫn không chịu nhớ lại. Thế là tớ hiểu ra. Aran này, có phải chính cậu cũng muốn quên chúng ta không?" - Với câu hỏi ấy, vẻ bình tĩnh ở Fujitsu Ten lúc này đã bay biến hoàn toàn. Qua kẽ tay, tôi thấy mắt anh ta đã đỏ ngầu đi từ khi nào. Chúng long lên sòng sọc và nhìn xoáy vào tôi lúc Ten buông lời buộc tội. Tôi chưa kịp thanh minh, anh ta đã nói tiếp, giọng như gầm lên.

" Tôi có thể chịu đựng được nếu cậu bị ép buộc phải xoá quá khứ. Đếch có làm sao cả. Nhưng tôi lại không thể, không thể nào nhịn được nếu cậu tự chọn quên đi. Thằng chó! Koizumi

yêu cậu, sự biến mất của cậu đã giết cô ấy! Bức tranh mà cậu vẽ dở đã giết chết cô ấy! Những mùa hè tươi đẹp bên bìa rừng đã và đang giết chết chúng tớ! Vì thế...ha ha...vì thế, Aran à, cậu không đáng có quyền chọn lựa – bởi điều đó chẳng công bằng tý nào!"

Một nụ cười cay đắng nở ra trên đôi môi khô khốc nứt nẻ của Fujitsu Ten. Anh ta đang cười cái gì? Cười tôi? Cười Koizumi? Hay cười chính sự tàn nhẫn mà cuộc đời giành cho anh? Trong vòng xoáy cảm xúc đen ngòm nơi mắt Fujitsu Ten, dường như tôi thấy một bóng dáng nhỏ nhắn thân quen đang vẫy vùng, cố gắng thoát ra khỏi vũng lầy đương nhấn chìm thằng nhóc.

"Nghe rõ đây Aran, tôi muốn cậu phải nhớ!"

Từ trong túi áo, Ten rút ra một khẩu súng lục trông như được làm ra vào thời Edo. Cả người anh ta run lên bần bật. Với khuôn mặt nhăn và đẫm nước như một cái khăn lau nhà cũ, ngón tay đang đặt lên cò súng, Ten nhìn xoáy vào mắt tôi.

" Khoan, khoan đã!"- Tôi gào lên trong khi lao đến bên anh.

Nhưng tất cả đã quá muộn. Tai tôi ù đi khi tiếng súng nổ "đoàng" trong một khoảnh khắc kinh hoàng trước khi bị bản hợp ca của thiên nhiên át đi.

Ten ngã xuống. Máu anh tuôn ra từ thái dương rồi hoà vào, nhuộm hồng dòng suối nhỏ từng rất trong lành.

Tôi nhào đến bên cạnh Ten. Song khi ấy, ngực anh đã ngưng phập phồng và ánh mắt dại hẳn đi. Chẳng còn ai thể làm gì hơn được nữa rồi. Tôi nắm chặt tay Ten, cố cảm nhận hơi ấm còn sót lại từ bàn tay anh. Giống như mùa hè năm đó, lần đầu tiên tôi gặp Ten, anh đã nắm tay dẫn tôi – đứa nhóc thành phố gầy gò bị lạc - ra khỏi rừng. Cái cảm giác an toàn và ấm áp khi mười đầu ngón tay mũm mĩm, bé tẹo của chúng tôi lồng vào nhau chính là bình minh của một tình bạn đẹp.

Trước khi tôi kịp nhận ra, hoàng hôn đã buông xuống nơi bìa rừng làng Miyama Kayabuki tự khi nào.

Tôi ngồi đó, bên cạnh xác chết của người bạn quá cố. Bao nhiêu thời gian đã trôi qua? Tôi chẳng buồn đếm. Một tay cầm lấy khẩu súng của Ten, tay còn lại cầm điện thoại, tôi gửi một bức thư thoại cho Toshiro. Có vài câu tôi muốn nói ra khỏi lồng ngực, mặc kệ ông ta có nhận được nó hay không.

" Toshiro này, ông là vị thánh giúp con người ta buông bỏ những điều sẽ giết chết họ. Nhưng có lẽ ông không biết, để một kẻ như tôi sống trong vô nghĩa ngày qua ngày, thật chả bằng để hắn hoàn thành công cuộc tìm thấy cái đẹp trong chốc lát rồi chết đi. Bởi chỉ có đến khi ấy, hắn mới có thể tự công nhận mình đã là một phần của thứ gì đó có nghĩa. Ông không phải cá, làm sao biết cá vui. Chẳng ai có thể cứu tôi khỏi sự lựa chọn của chính tôi. Giá mà người ông chữa trị cho là Ten. Cậu ấy chỉ bị cuốn theo sự lựa chọn của hai kẻ quái dị mà thôi."

The end.

[*] Duende là chỉ sức mạnh tiềm ẩn có thể gây xúc động mạnh cho người xem trong một tác phẩm nghệ thuật. Trong "Omoide no Koizumi", sức mạnh tiềm ẩn này ở bức tranh (tác phẩm nghệ thuật) bắt nguồn từ đâu, mời người đọc tìm hiểu.

BÀI DỰ THI CỦA DU

Duende. [ Review ]

[Thiên nhiên chào đón tôi bằng bầu không khí trong lành, một tràng hợp ca của bầy ve hòa với tiếng suối ở đâu đó vọng lại.]

Oimoide No Koizumi hay "Ký ức về dòng suối nhỏ trong lành" là câu truyện kể về Kishita Aran - một tác giả nổi tiếng bởi những cuốn sách về viết cho trẻ em, được tung hô là cuốn sách hay nhất mọi thời đại. Các nhà báo thì cho rằng đây là tác phẩm tuyệt vời về lòng nhân ái và tình bạn. Các cư dân mạng thì bảo sách của Aran giàu lòng nhân văn, hợp giáo dục trẻ con. Như mấy ai biết, thứ họ tung hô ấy chỉ là lời văn lủng củng, ghi chép về giấc mơ của Aran. Giấc mơ nguyền rủa anh, trói buộc anh, chẳng làm anh yên giấc. Vừa kéo anh đối diện với sự thật, hiện tại và chấp nhận quá khứ mà anh đã lựa chọn bỏ quên.

Có những ngày tựa như vô vọng, mở mắt lại nhắm mắt. Từng giờ trôi qua, và ta chẳng biết ta là ai. Khi ấy tựa như ta bước sang một thế giới khác. Nơi tình yêu chẳng phải vĩnh cửu, quyền lực một đời cũng hóa hư không. Trái đất vẫn cứ xoay, sự vật vẫn sinh xôi. Và ta - loại người chỉ là vị khách vô phương đặt chân tá túc. Đó chính thứ mà tôi - người độc giả nhận ra được sau khi đọc Oimoide No Koizumi.

[ Làn khói trắng từ hơi thở của tôi theo gió chầm chậm bay lên cao. Nó trông như muốn hoà vào những đám mây trên bầu trời trước khi dần dần phai nhoà đi.]

Từ những con chữ đầu, tác giả đã đưa đẩy tạo không khí ngột ngạt, khiến người dõi theo cái cảm giác bí bách, chẳng thốt thành lời. Có lẽ chính vì lời văn tưởng như nhẹ nhàng ấy khiến ta dễ dàng thấu được cảm giác của nhân vật chính. Sống chẳng khác gì chết, thân xác anh vẫn ở đây, nhưng chẳng hiểu vì sao hồn này cứ phiêu lãng theo gió. Tựa như bức tranh được phác thảo màu chì, chỉ có màu đen - xám. Thể hiện sự trống rỗng, thẫn thờ của những làn khói thuốc bay về phía xa.

Để từ đó, cùng anh đi theo sâu vào cốt truyện. Dần khai thác về vùng đất Miyama Kayabuki. Mở ra một bức họa hoàn toàn khác biệt, tràn ngập màu sắc. Nơi giúp Aran hòa mình với thiên nhiên, bản chất. Sự ngột ngạt của chốn thành thị bức anh muốn tự sát nay chẳng còn, chỉ còn lại bản hợp ca của rừng núi vang bên tai. Tôi đánh giá rất cao ở việc tác giả chăm chú vào những chi tiết tả cảnh, tô màu xanh suối, xanh của non sông. Tả những chi tiết nhỏ nhặt nhất, để người đọc dễ dàng mường tượng đủ khung cảnh thiên nhiên trước mắt. Cách chuyển cảnh, khi mở đầu là âm u dần về sau là tươi sáng cũng làm truyện trở nên khá thú vị.

[Chân tôi đang dẫm lên sỏi và đá cuội đã rêu phong, xung quanh cũng thoáng đãng, ít cây cối trông thấy. Hẳn đây đã từng là lòng một con sông cho đến khi nguồn nước cạn dần và nó biến thành dòng suối nhỏ trong lành.]

Nhưng đây không phải là bức tranh hoàn chỉnh.

Phải là tôi có phần thích thú, giống như đứa trẻ vậy. Thích vì những khung cảnh thích vì những chi tiết, về lối viết. Nhưng cách khắc họa nhân vật lại làm cho bức tranh này có nhiều

mảng trống, cái nỗi hụt hẫn vẫn còn trong tâm chí tôi. Ở phần đầu, tác giả đã thể hiện được tâm trạng u uất sầu đời của Aran. Anh ta cảm thấy vô vị, chán nản với mọi thứ. Anh ta cảm thấy phiền với những cuộc nói chuyện, người xa lạ. Nhưng anh ta lại quá dễ dàng trong việc nhận lời mời từ Ten. Phải chi anh ta có chút lưỡng lự, ban đầu không đi, nhưng đến giây phút hẹn đấy, anh ta lại xuất hiện. Thêm với lý do con tim mách bảo, nó sẽ làm cho người đọc có thêm nhiều thắc mắc, tò mò đọc đến những phần sau hơn. Vì đoạn đầu đọc rất là chán, một vì diễn biến nó chậm, tình tiết ít. Đọc không kĩ sẽ thấy nhàm, dễ dừng ở đoạn đầu, trong khi điểm nhấn của truyện chính là đoạn sau. Về mặt này nó cũng khá là khó nói, cơ bản đoạn đầu là những giải thích lý do. Nên nếu được hãy rút gọn, thay đổi cách diễn đạt làm sao thu hút người xem một chút.

Thường văn Nhật, theo tôi nó mang cảm giác nhẹ nhàng theo từng câu chữ, nó ê a khiến cho người đọc xong mới giật mình tỉnh dậy. Và bất giác thốt lên "À hóa ra là thế". Về tiết tấu, hay nhẹ nhàng ở Omoide khá hoàn chỉnh. Nhưng để khiến người đọc nhận ra những ý đồ sâu xa, thì vẫn chưa ổn. Nhiều đoạn đọc, cảm giác vẫn chưa được dứt lắm. Giống như tác giả muốn tách câu làm cho giống văn Nhật, vô tình khiến tổng thể có chút lộn xộn, vài làm trật nhịp. Tôi thì nghĩ chính bản thân cậu cứ nên viết theo cách của mình. Viết rồi nghĩ về phía chân trời xa xăm nào đó có những con suối, tiếng cây xì xào, về cuộc đời bí bách sẽ hợp hơn.

["Thế là tớ hiểu ra. Aran này, có phải chính cậu cũng muốn quên chúng ta không?" - Với câu hỏi ấy, vẻ bình tĩnh ở Fujitsu Ten lúc này đã bay biến hoàn toàn. Qua kẽ tay, tôi thấy mắt anh ta đã đỏ ngầu đi từ khi nào.]

Những mẫu ký ức vỡ tan, nay lại đặt về chung chỗ. Motip em là ai, tôi muốn nhớ về em nhưng tại sao tôi quên em, là một motip khá quen thuộc của Nhật, việc này không bàn tới, tôi sẽ qua việc khác. Sự ngỡ ngàng của nhân vật chính vẫn chưa đủ, khi Aran nhớ ra mọi thứ, dường diễn như khá nhanh. Tôi cũng biết trong tình tiết, việc diễn ra liên tiếp nhau không thể nào mất thời gian nhiều cho việc nhận ra được. Nhưng cái lợi của tác giả chính là viết theo ngôi thứ nhất, khi ấy nội tâm nhận vật suy nghĩ nhiều là cũng bình thường mà nhỉ? Vì chính cái thiếu sót miêu tả tâm lý khiến cảm xúc cho nhân vật tôi - Aran vẫn còn hời hợt so với việc trọng đại vừa sảy ra. Tôi nghĩ nó thiếu sự hoang mang, cảm xúc khi nhận ra bản thân mình đã đánh mất thứ gì. Không chỉ là buồn, không chỉ là vui, không chỉ là nhẹ nhõm mà cần thêm chữ hận bản thân. Tác giả có lẽ suy nghĩ nhiều cho phần diễn giải cốt truyện ở cuối thật hoành tráng, mà chưa làm rõ được những thứ đẩy cảm xúc người đọc. Không chỉ Aran mà cả Ten cũng thế, anh ta làm mọi thứ tất cả là vì điều gì? Hận Aran không nhớ được quá khứ? Buồn vì Koizumi ra đi, hay vui vì người bạn thân của mình đã trở về? Thời gian gấp rút, tôi cũng biết không thể đòi hỏi nhiều ở tác phẩm. Vì bỏ qua những lời tôi vừa nói, đây là tác phẩm khá tốt. Diễn giải được một cái plot, miêu tả được không gian thời gian này nọ, tôi đáng ra phải cho cậu lời khen. Nhưng xét theo về một người độc giả và tác giả, bức tranh này vẫn chưa đủ chạm đến trái tim tôi. Nếu về sau được, hãy beta lại nhé. Có khi đó bức duende mới đủ diễn tả cảm xúc, họa lên đủ màu sắc, sự đau đớn và thống khổ. Với người khác, khi nhìn vào bức tranh ấy có lẽ họ chẳng hiểu. Nhưng với Koizumi bức tranh đấy là tương lai, tương lai của cô và Aran. Với Ten là hiện tại, là chấp niệm cậu phải hoàn thành vì cậu, vì người vợ. Và Aran chính là quá khứ đầy hối tiếc, sự giải thoát cho anh và trói buộc anh vĩnh viễn. Ở đoạn cuối, khá đúng, có lẽ như tác giả đã cố ý nhấn mạnh với chúng ta rằng "không phải cá, làm sao biết cá vui". Cũng như không phải là người liên quan, làm sao thốt lên Duende?

Omoide no Koizumi là một nàng thơ Nhật, khoác lên mình chiếc áo cũ kĩ, nhẹ nhàng che đi những điểm nổi bật của tác phẩm. Nhưng nếu biết chăm chút, sẽ tạo được điểm nhấn ấn tượng sâu trong lòng người đọc.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro